Trong dòng chảy văn hóa tâm linh Việt Nam, Phật giáo và tín ngưỡng dân gian đã cùng tồn tại, phát triển và hòa quyện tạo nên một hệ sinh thái tín ngưỡng phong phú, gần gũi với tâm thức người Việt.

Sự giao thoa giữa hình tượng Phật, Bồ tát trong Phật giáo và các vị thần linh dân gian Việt phản ánh tinh thần cởi mở, dung hợp tôn giáo, đồng thời đáp ứng nhu cầu tâm linh đa dạng của con người qua các thời kỳ.

Dù có những sự khác biệt rõ ràng về bản chất và ý nghĩa, nhưng trong quá trình phát triển và giao thoa văn hóa – tín ngưỡng, những hình tượng này đã được người dân tiếp nhận một cách linh hoạt.

Sự giao thoa này là một hiện tượng độc đáo, mang tính đặc trưng của văn hóa tâm linh Việt. Quá trình này diễn ra qua nhiều giai đoạn lịch sử, từ khi Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ Ấn Độ và Trung Hoa vào khoảng thế kỷ thứ I sau Công nguyên.

Nếu như Phật và Bồ tát là biểu tượng của trí tuệ, từ bi và giải thoát khỏi khổ đau theo giáo lý nhà Phật, thì các vị thần dân gian được tôn vinh cho sự bảo hộ, ban phước lành và trừ tai ương, phản ánh khát vọng bình an, ấm no trong đời sống thường nhật của người dân.

Hình tượng một số vị Phật và Bồ tát tiêu biểu trong Phật giáo

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni

Đức Phật Thích Ca Mâu Ni là người khai sáng ra đạo Phật. Tên ngài mang nghĩa là người có lòng nhân từ mà tâm hồn luôn luôn an tĩnh, vắng lặng. Đức Phật Thích Ca Mâu Ni được thờ ở chính điện tại các chùa, đền, ngự trên đài sen với tư thế ngồi kiết già hoặc tay phải cầm hoa sen đưa lên.

Ngài sinh vào năm 623 trước Công nguyên tại thành Ca Tỳ La Vệ (Ấn Độ) và sau khi thành đạo, trở thành bậc thầy vĩ đại, truyền bá giáo lý từ bi và trí tuệ.

Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ảnh sưu tầm

Phật A Di Đà 

Phật A Di Đà, còn gọi là Vô Lượng Thọ, Vô Lượng Quang và Vô Lượng Công Đức, mang nghĩa là tuổi thọ, hào quang và công đức của Ngài không thể lường được.

Hình tượng Phật A Di Đà thường đứng trên tòa sen, tay trái cầm đài sen, tay phải duỗi xuống để tiếp dẫn chúng sinh. Tại các chùa, Ngài thường được thờ ở giữa, bên phải là Bồ tát Quán Thế Âm và bên trái là Bồ tát Đại Thế Chí. Bộ ba này gọi là Tây Phương Tam Thánh.

Đức Phật A Di Đà. Ảnh sưu tầm
Đức Phật A Di Đà. Ảnh sưu tầm

Phật Dược Sư 

Có 7 đức Phật Dược Sư, hạnh nguyện của các Ngài rất tương đồng như giúp chúng sinh được cứu khố ban vui, sinh vào thiện đạo,thân hình đầy đủ các căn, được giàu có, xinh đẹp, thọ mạng dài lâu, tiêu trừ các tội lỗi về phạm giới khuyết giới, tiêu trừ các tội trộm cắp nghèo khó, giúp trừ các bệnh khổ thân tâm ma quỷ ám hại, được vãng sinh Tịnh Độ.... Bản Hán văn bên Trung Quốc nguyên có 7 bộ Kinh Dược Sư tương ứng với công đức bản Nguyện của 7 vị Phật gọi là Kinh Thất Phật Dược Sư Bản Nguyện Công Đức phần nói về 6 đức Dược Sư là quyển thượng và phần nói về đức Dược Sư Lưu Ly Quang là quyển hạ, tuy vậy khi truyền sang Việt Nam thì chỉ có 1 bộ bản nguyện công đức của Phật Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai do Ngài Pháp Sư Huyền Trang dịch, nguyên nhân cũng do một phần Việt Nam thịnh hành pháp môn trì danh hiệu Phật.

7 vị Phật Dược Sư. Ảnh sưu tầm
7 vị Phật Dược Sư. Ảnh sưu tầm

Phật Di Lặc

Phật Di Lặc (tiếng Phạn: Maitreya, tiếng Pali: Metteyya), còn được gọi tắt là Di Lạc, mang ý nghĩa vui vẻ và hoan hỷ, là vị Phật của tương lai. Tượng Phật Di Lặc thường được khắc họa mập mạp, bụng to, miệng cười rất tươi. Bụng to biểu trưng cho sự bao dung rộng lượng, miệng cười biểu trưng cho lòng hỷ xả, không vướng mắc. Ở một số nơi, tượng Phật Di Lặc còn có sáu chú tiểu bám quanh mình, biểu trưng cho sáu căn của con người (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, và ý).

Phật Di Lặc. Ảnh sưu tầm
Phật Di Lặc. Ảnh sưu tầm

Phật Chuẩn Đề

Thân vị Phật này có màu vàng trắng hay màu vàng lợt, ngỗi kiết gia trên đài sen, có hào quang tỏa sáng xung quanh, mình mặc thiên y, trên đầu trang điểm ngọc anh lạc. Đầu đội mũ báu có ngọc lưu ly rũ treo, có 18 tay đều đeo vòng xuyến khẩm Xà Cừ và mỗi tay đều cầm các loại khí cụ biểu thị cho các Tam Muội Gia, gồm có 3 mắt. Vị Bồ tát này chuyên hộ trì Phật pháp và bảo hộ những chúng sinh có mạng sống ngắn ngủi được thọ mạng lâu dài. 

Phật Chuẩn Đề. Ảnh sưu tầm
Phật Chuẩn Đề. Ảnh sưu tầm

Bồ tát Quán Thế Âm

Bồ tát Quán Thế Âm là vị Bồ tát quan sát, lắng nghe tiếng kêu than của chúng sinh trên thế gian, kịp thời cứu giúp chúng sinh thoát khổ. Tay phải Ngài cầm nhành dương liễu, tay trái cầm bình nước Cam Lồ để tưới mát chúng sinh, trên đỉnh đầu có hình đức Phật A Di Đà. Có rất nhiều hình tượng Quán Thế Âm như: Quán Âm Thị Kính, Quán Âm Nam Hải, Quán Âm Lộ Thiên,...

Bồ tát Quán Thế Âm. Ảnh sưu tầm
Bồ tát Quán Thế Âm. Ảnh sưu tầm

Bồ tát Thiên Thủ Thiên Nhãn 

Trong Kinh Thiên Thủ Thiên Nhãn Quán Âm Bồ Tát Quảng Đại Viên Mãn Vô Ngại Đại Bi Tâm Đà La Ni của Mật tông có nói: "Trong vô lượng ức kiếp thời quá khứ, Bồ tát Quan Thế Âm nghe Đức Thiên Quang Vương Tĩnh Chú Như Lai nói thần chú Đại Bi Tâm Đà La Ni bèn phát nguyện làm lợi ích, an lạc tất cả chúng sinh. Liễn khi ấy, trên người mọc ra một nghìn con mắt và một nghìn bàn tay".

Thiên thủ thiên nhãn là ngàn mắt ngàn tay. Con số ngàn không chỉ có nghĩa đen là đúng một ngàn, mà ám chỉ một số lượng nhiều vô số kể, không đếm được. Do đó nên hình tượng Quán Âm Thiên Thủ Thiên Nhãn trên thực tế tại các chùa có thể có hơn 1000 tay, cũng có thể có vài chục tay hay vài trăm tay. Nghìn mắt để thấy khắp thế gian và nghìn tay để cứu vớt chúng sinh. Bàn tay tượng trưng cho hành động. Muốn làm việc gì cũng phải dùng đến bàn tay. Con mắt tượng trưng cho sự xem xét, quán thông, thấu suốt, thấy rõ tường tận tất cả chúng sinh ở các cõi, thấy cả xa lẫn gần, cả to lớn lẫn tế vi, trước mặt và sau lưng, trên và dưới, ban ngày và ban đêm... Tượng có thể có hình con mắt trong lòng bàn tay, tượng trưng cho ý nghĩa hễ mắt để đâu thì tay theo đó. Hễ nhìn thấy nơi nào có chúng sinh khổ nạn là Ngài ứng hiện và dang bàn tay từ bi ra để cứu giúp tức thì.

Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát. ảnh sưu tầm
Thiên Thủ Thiên Nhãn Bồ tát. ảnh sưu tầm

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi 

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi nói cho đủ theo âm Hán là Đại trí Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát Ma Ha Tát. Đại Trí là trí tuệ (pràjnà) thấu triệt tường tận chân lý tuyệt đối. Trí này có khả năng soi rọi, chuyển hóa vô minh, phiền não, dục ái, nhiễm ô thành thanh tịnh, đưa nhận thức vượt lên mọi phạm trù đối đãi, đạt giải thoát toàn diện. Là vị Bồ tát tiêu biểu cho Trí tuệ, Bồ tát Văn Thù thường được miêu tả với dáng dấp trẻ trung ngồi kiết già trên một chiếc bồ đoàn bằng hoa sen. Trên tay phải của Ngài, dương cao lên khỏi đầu là một lưỡi gươm đang bốc lửa -một biểu tượng đặc thù của Bồ tát Văn Thù để phân biệt với các vị Bồ tát khác- mang hàm ý rằng chính lưỡi gươm vàng trí tuệ này sẽ chặt đứt tất cả những xiềng xích trói buộc của vô minh phiền não đã cột chặt con người vào những khổ đau và bất hạnh của vòng sinh tử luân hồi bất tận, đưa con người đến trí tuệ viên mãn. Trong khi đó, tay trái của Bồ tát đang cầm giữ cuốn kinh Bát Nhã trong tư thế như đang ôm ấp vào giữa trái tim mình suối nguồn và biểu trưng của tỉnh thức, giác ngộ.

Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Ảnh sưu tầm
Bồ tát Văn Thù Sư Lợi. Ảnh sưu tầm

Bồ tát Phổ Hiền

Phổ là biến khắp, Hiền là Đẳng giác Bồ tát, Phổ Hiền là vị Bồ tát Đẳng giác có năng lực hiện thân khắp mười phương pháp giới, tùy mong cầu của chúng sinh mà hiện thân hóa độ. Ngài là một trong những vị Bồ tát quan trọng trong Phật giáo Đại thừa. Theo kinh Pháp Hoa, Ngài là vị Bồ tát ở quốc độ của Phật Bảo Oai Đức Thượng Vương Như Lai, phía Đông cõi Ta Bà, nghe thế giới này thuyết kinh Pháp Hoa liền lãnh đạo năm trăm vị Đại Bồ tát đến nghe pháp và phát tâm hộ trì Chính pháp của đức Phật Thích Ca. Phổ Hiền được xem là người hộ vệ của những ai tuyên giảng đạo pháp và đại diện cho "Bình đẳng tinh trí" tức là trí tuệ thấu hiểu cái nhất thế của sự đồng nhất và khác biệt. Bồ tát cưỡi voi trắng sáu ngà, voi trắng tượng trưng cho trí tuệ vượt chướng ngại, sáu ngà cho sự chiến thắng sáu giác quan. Trong hệ thống Ngũ Phật, Phổ Hiền được xem ở trong nhóm của Phật Đại Nhật. Biểu tượng của Phổ Hiền là ngọc như ý, hoa sen, có khi là trang sách ghi thần chú của Bồ tát.

Phổ Hiền Bồ tát. Ảnh sưu tầm
Phổ Hiền Bồ tát. Ảnh sưu tầm

Bồ tát Đại Thế Chí

Đại Thế Chí Bồ tát, còn được gọi là Đại Tinh Tấn Bồ tát, Vô Biên Quang Bồ tát, Đắc Đại Thế Bồ tát. Ngài là vị Bồ tát thường dùng ánh sáng trí tuệ chiếu khắp mọi loài, khiến chúng sinh mười phương thế giới thoát khổ đau, thành tựu đạo quả Bồ đề. Đại Thế Chí Bồ Tát dùng hạnh nguyện đại hùng đại lực đại từ bi để trụ trong Ta bà thế giới, điều phục và tiếp độ chúng sinh cang cường.

Đại Thế Chí Bồ tát. Ảnh sưu tầm
Đại Thế Chí Bồ tát. Ảnh sưu tầm

Bồ tát Địa Tạng 

Bồ tát Địa Tạng là vị Bồ tát có nguyện vọng lớn lao giúp đỡ nhân loại thoát khỏi khổ nạn. Ngài là người đứng đầu trong cõi U Minh, chủ quản địa ngục và giúp chúng sinh vượt qua những điều xấu xa của tham, sân, si. 

Bồ tát Địa Tạng. Ảnh sưu tầm
Bồ tát Địa Tạng. Ảnh sưu tầm

Một số vị thần tiêu biểu trong tín ngưỡng tâm linh người Việt

Trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam, các vị thần như Đức Ông (Tôn giả Tu Đạt), Thánh Gióng, Sơn Tinh, Thủy Tinh, hoặc các vị anh hùng dân tộc và thần linh trong văn hóa bản địa được tôn thờ như những bậc bảo hộ, ban phúc, trừ tai ương. 

Thánh Mẫu Liễu Hạnh

Theo truyền thuyết trong dân gian Việt Nam, Mẫu Liễu Hạnh là một trong bốn vị thánh Tứ bất tử. Bà là con gái thứ hai của Ngọc Hoàng Thượng đế với mẫu thiên hậu, 3 lần giáng trần. Bà đã được các triều đại phong kiến từ thời nhà Hậu Lê đến thời nhà Nguyễn cấp nhiều Sắc, tôn phong là "Mẫu nghi thiên hạ - Mẹ của muôn dân", "Chế Thắng Bảo Hòa Diệu Đại Vương" và cuối cùng quy y cửa Phật theo lối bán tu rồi thành đạo là Mã Vàng Bồ-tát (鎷鐄菩薩). Bà chính là vị Thánh Mẫu đứng đầu hệ thống Tam phủ, Tứ phủ thờ đạo Mẫu. Nhiều làng xã và các đô thị ở phía bắc Việt Nam đều có đền thờ bà.

Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh sưu tầm
Thánh Mẫu Liễu Hạnh. Ảnh sưu tầm

Đức Thánh Trần 

Đức Thánh Trần hay Đức Trần Triều hoặc Quan Trần Triều, tên thật của ngài là Trần Quốc Tuấn, ông là vị tướng tài ba của Việt Nam và thế giới, văn võ song toàn, tinh anh kiệt xuất.

Hình tượng Đức Thánh Trần được thờ tại các chùa, đền. Ảnh sưu tầm
Hình tượng Đức Thánh Trần được thờ tại các chùa, đền. Ảnh sưu tầm

Thánh Gióng

Thánh Gióng là vị anh hùng đánh giặc cứu nước, được nhân dân thần thánh hóa, thể hiện tinh thần đấu tranh và sức mạnh của cộng đồng. Dù không thuộc hệ thống giáo lý Phật giáo, Thánh Gióng lại được người dân gắn kết với tinh thần từ bi và hộ quốc an dân trong triết lý Phật giáo.

Tườn đồng tái hiện cảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, tượng được đặt tại khu Đền Sóc. Ảnh sưu tầm
Tườn đồng tái hiện cảnh Thánh Gióng cưỡi ngựa về trời, tượng được đặt tại khu Đền Gióng - Sóc Sơn. Ảnh sưu tầm

Hòa quyện biểu tượng và ý nghĩa

Người Việt có xu hướng “Phật hóa” các vị thần dân gian và “dân gian hóa” các hình tượng Phật giáo để tạo sự gần gũi.

Ví dụ: Quán Thế Âm Bồ Tát trở thành "Phật Bà Quán Âm" - người mẹ từ bi, cứu khổ cứu nạn, gần gũi với tâm thức và đời sống của người Việt.

Đức Ông - trong chùa chiền mang vai trò hộ pháp, bảo vệ ngôi chùa và chúng sinh, gắn liền với niềm tin dân gian về sự bảo hộ và ban phúc.

Tam Tòa Thánh Mẫu (Mẫu Thượng Ngàn, Mẫu Thoải, Mẫu Địa) - được thờ trong chùa, hòa quyện với tín ngưỡng thờ Mẫu của người Việt.

Chùa ở Việt Nam không chỉ là không gian thờ Phật mà còn là nơi kết nối tín ngưỡng dân gian. Tượng Phật, Bồ tát được đặt trang nghiêm cùng với ban thờ các vị thần linh dân gian như Đức Thánh Trần, Thánh Gióng... Điều này thể hiện tinh thần bao dung, hòa hợp tôn giáo và nhu cầu tâm linh đa dạng của con người.

Chùa trở thành nơi kết nối niềm tin tâm linh giữa giáo lý Phật giáo và nhu cầu thờ cúng dân gian, tạo nên không gian linh thiêng đáp ứng mọi tầng lớp nhân dân.

Sự giao thoa này không làm mất đi giá trị cốt lõi của Phật giáo mà còn giúp Phật giáo ăn sâu vào đời sống văn hóa Việt Nam, trở thành trụ cột tinh thần và đạo đức của dân tộc.

Điều này tạo nên một hệ sinh thái tín ngưỡng đa tầng, trong đó Phật giáo giữ vai trò quan trọng trong việc định hướng đạo đức và niềm tin.

Tầm quan trọng của Phật giáo trong việc duy trì niềm tin và tâm linh

Phật giáo không chỉ đóng vai trò như một tôn giáo mà còn là hệ thống triết lý sống giúp con người tìm về bản chất của khổ đau và giải thoát. Dù chịu sự giao thoa với tín ngưỡng dân gian, Phật giáo vẫn duy trì các giá trị cốt lõi như:

Giáo lý nhân quả và nghiệp báo: Phật giáo hướng con người đến việc tự hoàn thiện bản thân thông qua việc làm lành, lánh dữ, thay vì dựa dẫm vào năng lực siêu nhiên.

Tinh thần từ bi và trí tuệ: Các hình tượng Phật và Bồ tát trong Phật giáo nhắc nhở con người sống yêu thương, vị tha và phát triển trí tuệ để vượt qua khổ đau.

Giữ gìn đạo đức và văn hóa: Phật giáo góp phần xây dựng nền tảng đạo đức xã hội thông qua các giá trị như từ bi, hỷ xả, trung thực và nhẫn nhịn.

Trong khi đó, các hình tượng thần linh dân gian mang lại niềm tin và sức mạnh tinh thần cho cộng đồng. Sự giao thoa giữa Phật giáo và tín ngưỡng dân gian tạo nên một hệ thống tâm linh hòa hợp, giúp con người vừa hướng đến hạnh phúc trong đời sống hiện tại, vừa tìm kiếm sự giác ngộ và giải thoát lâu dài.

Hình tượng Phật và các vị thần trong tín ngưỡng dân gian Việt Nam là minh chứng rõ nét cho quá trình tiếp biến và giao thoa văn hóa giữa Phật giáo và tín ngưỡng bản địa. Phật giáo, với triết lý nhân quả và con đường giác ngộ, đóng vai trò quan trọng trong việc định hướng đời sống đạo đức và tâm linh, trong khi các vị thần dân gian phản ánh niềm tin và khát vọng bình an của người dân.

Sự hòa quyện giữa hai hệ thống này không chỉ tạo nên bản sắc văn hóa độc đáo mà còn đáp ứng nhu cầu tinh thần phong phú của con người trong suốt chiều dài lịch sử.

Tổng hợp: Liên Tịnh

Tham khảo

https://phatgiao.org.vn/ten-goi-va-hinh-tuong-cua-nhung-vi-phat-bo-tat-thuong-gap-d33839.html#google_vignette