Trang chủ Bài viết nổi bật Sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ vào Miến Điện

Sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ vào Miến Điện

Phật giáo Ấn Độ du nhập vào miền Nam Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua vua Ashoka, nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập niết bàn ở Ấn Độ. Các thương nhân Ấn Độ cũng có công truyền bá Phật giáo Ấn Độ đến miền Nam Miến Điện.

Đăng bởi: Lê Đình Trưởng
ISSN: 2734-9195

Phật giáo Ấn Độ du nhập vào miền Nam Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua Ashoka, nhiều thế kỷ sau khi đức Phật nhập Niết bàn ở Ấn Độ. Các thương nhân Ấn Độ cũng có công truyền bá Phật giáo Ấn Độ đến miền Nam Miến Điện.

Tác giả: ThS. Nguyễn Đắc Tùng
Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

Tóm tắt

Ấn Độ và Miến Điện (năm 1989 đổi tên thành Myanmar) là hai quốc gia láng giềng có mối quan hệ văn hóa, lịch sử, dân tộc từ lâu đời. Miến Điện là một quốc gia thuộc nằm ở phía tây Bắc khu vực Đông Nam Á có đường biên giới với Ấn Độ, cả miền Nam và miền Bắc Myanmar đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo Ấn Độ từ rất sớm. Phật giáo được xem là quốc giáo ở Miến Điện, Phật giáo hầu như ngự trị trong lòng xã hội, có mối quan hệ chặt chẽ giữa cung điện với nhà chùa. Do đó, nhiều triều đại ở Miến Điện đều tồn tại một phần quan trọng phải dựa vào uy tín của giới Tăng lữ Phật giáo. Bài viết phân tích về sự du nhập của Phật giáo Ấn Độ vào Miến Điện và sự phát triển của Phật giáo ở Miến Điện.

Từ khóa: Ấn Độ, Miến Điện, Phật giáo

Mở đầu

Phật giáo, với tư cách là một tôn giáo truyền thống và một triết lý gắn liền, đã lan rộng từ Ấn Độ sang các nền văn hóa đa dạng như Campuchia, Trung Quốc, Miến Điện, Sri Lanka, Việt Nam và phương Tây. Miến Điện, về mặt địa lý là quốc gia lớn nhất và cực tây của lục địa Đông Nam Á. Đại đa số người dân Miến Điện, bất kể họ thuộc sắc tộc nào, đều tin theo Phật giáo Nguyên thủy (Phật giáo Theravāda) như tín ngưỡng truyền thống của họ. Ảnh hưởng của Phật giáo Nguyên thủy đối với người dân Myanmar lan rộng đến mức người ta thường nói rằng là người Miến Điện thì phải theo đạo Phật giáo. Thật vậy, chính Phật giáo Nguyên thủy hơn bất kỳ lực lượng nào khác đã thu hút các dân tộc Miến Điện lại với nhau thành một nền văn minh duy nhất.

Nội dung

Quá trình du nhập của Phật giáo Ấn Độ vào Miến Điện

Các nhà biên niên sử Miến Điện truy tìm nguồn gốc của Phật giáo Nguyên thủy ở đất nước của họ từ chính đức Phật, người mà họ khẳng định đã đích thân cải đạo cư dân của miền Nam Miến Điện và miền Bắc Miến Điện. Những vùng này là quê hương tương ứng của người Mon và người Pyu cổ đại, tiền thân của người Bamar hiện đại và các dân tộc gắn liền nhất với sự phát triển của Phật giáo Miến Điện.

Phật giáo Ấn Độ du nhập vào miền Nam Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua vua Ashoka, nhiều thế kỷ sau khi Đức Phật nhập niết bàn ở Ấn Độ.[1] Theo biên niên sử Tích Lan (Sri Lanka), Phật giáo Ấn Độ đã được các nhà sư Ấn Độ do vua Ashoka gửi đến gửi tới các dân tộc Môn của vùng Thaton, miền Nam Miến Điện để truyền bá giáo lý của Đức Phật. Trong triều đại của vua Ashoka gồm có chín đoàn truyền giáo ra nước ngoài theo lời đề nghị của Ngài Mục Kiền Liên Tử Đế Tu. Những vị tăng xuất chúng được cử đi chín vùng để truyền bá Phật pháp. Tất cả họ đều là các nhà sư đã thông thạo Tam tạng kinh điển, uyên thâm Phật pháp và có khả năng diễn giảng giáo pháp một cách thông thạo. Đây được xem như lần đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Phật giáo được truyền ra khỏi lãnh thổ. Từ đó Phật giáo bắt đầu có mặt trên khắp các lục địa Á, Âu. Đây là sự kiện đặt nền móng đầu tiên cho việc truyền bá Phật giáo trên thế giới. Trong đó, đoàn truyền giáo thứ 8 do 2 nhà sư Sonaka và Uttara đến vùng Tam giác vàng thuộc Miến Điện để giảng kinh Brahmajālā. Trong đó, phân tích về sự suy đoán của triết học và nhánh mạnh đến hành vi đạo đức của con người. Theo Mahāvamsa cũng đề cập đến việc vua Ashoka của Ấn Độ đã gửi 2 nhà sư là Sona và Uttara đến vùng Suvannabhumi để truyền bá Phật giáo[2].

Tapchinghiencuuphathoc.vn Phật Giáo Ấn Độ

Phật giáo Ấn Độ du nhập vào miền Nam Miến Điện vào khoảng thế kỷ thứ III TCN dưới thời vua vua Ashoka.

Tên gọi về chín đoàn truyền giáo cũng thấy xuất hiện trong cuốn Samantapāsādikā, nơi mà những chi tiết thú vị đã được đưa ra. Theo Sasanavamsa đề cập đến 5 nơi ở vùng Đông Nam Á, nơi mà đoàn truyền giáo của vua Ashoka thuyết giảng kinh Phật và làm lễ quy y Tam bảo cho hàng Phật tử. Đó là Kasmira và Gandhara là ở phía Nam của Kabul; Mahisamandala là ở Andhra; Vanavasa là ở vùng quanh Prome; Aparantaka là ở trên phía Tây của Irrawaddy; Maharattha là Thái Lan, Yona là đất nước của bộ tộc Shan và Suvannabhumi (vùng tam giác vàng) là Thaton nay thuộc Miến Điện[3].

Cho đến nay các học giả vẫn chưa nhất quán về nơi chốn của địa danh Suvannabhumi. Sử liệu Thái Lan, Campuchia, Miến Điện … cho rằng phái đoàn thứ tám của vua Asoka có truyền giáo đến đất nước họ. Như vậy Suvannabhumi có lẽ là một quốc gia rộng lớn ở vùng tam giác vàng.

Theo Mahāvamsa, khi hai nhà sư Aans Độ là Sona và Uttara đến truyền bá Phật giáo ở Suvannabhumi ở đây thì trong cung điện vua, các hoàng tử sinh ra thường xuyên đều bị nữ Dạ Xoa ăn thịt. Sự hiện diện của các Trưởng lão lúc đó trùng hợp ngày sinh của hoàng tử. Ban đầu dân chúng nghĩ rằng hai nhà sư Sona và Uttara là bạn của nữ Dạ Xoa và họ định dùng vũ khí giết các Ngài. Hai nhà sư Sona và Uttara giải thích cho họ biết các vị là những sa môn chân chính và tìm hiểu nguyên nhân tại sao có sự hiểu lầm này. Sau khi biết rõ nguyên nhân, hai nhà sư Sona và Uttara liền dùng thần thông cảm hóa nữ Dạ Xoa. Sau khi cảm hóa Da Xoa xong, nhà vua và dân chúng vô cùng hoan hỷ với phái đoàn truyền giáo. Nhân đó, hai nhà sư Sona và Uttara bắt đầu thuyết pháp cho vua và dân chúng nghe, qua bài kinh Phạm Võng (Brahmajàla sutta), Trường bộ kinh. Sau khi giảng xong, có 60.000 người xin qui y Tam bảo và 3.500 nam nữ con gia đình quý tộc xin xuất gia. Thêm vào đó, về sau này mỗi khi có hoàng tử nào sinh ra, nhà vua đều đặt tên là Sonuttara – ghép từ hai tên của hai vị tăng sĩ Sona và Uttara[4].

Hai bộ sử Dipavamsa (Tiểu sử) và Mahavamsa (Đại sử) của Sri Lanka đã đề cập đến sự kiện này và được các học giả phương Tây chấp nhận. Dấu tích là bàn chân Đức Phật ở sông Nammada gần với núi Saccabandha, di vật một sợi tóc xá lợi Phật ở Yangon ngay sau khi Đức Phật giác ngộ được cất giữ trong bảo tháp nay là chùa Shwedagon – chùa vàng Shwedagon[5].

Truyền thuyết của Miến Điện kể lại rằng khi xưa có một vị Tăng may mắn giữ được một sợi tóc xá lợi Phật, vị ấy vô cùng trân quý. Khi biết mình sắp viên tịch, vị ấy lo sợ khi mình mất đi không ai gìn giữ xá lợi quý báu ấy, Đế Thích biết tâm vị ấy như vậy nên cho khối đá hiện ra và an trí xá lợi tóc vào đó để bảo vệ. Ngày nay, khối đá ấy được phủ toàn vàng ròng vẫn an nhiên đứng trong trời đất như chứng tỏ sự linh thiêng huyền bí làm cho khách hành hương không khỏi ngạc nhiên và kính ngưỡng[6].

Ngoài ra, các thương nhân Ấn Độ cũng có công truyền bá Phật giáo Ấn Độ đến miền Nam Miến Điện. Vào thế kỷ thứ II, thứ III TCN trong quá trình giao thương với vương quốc Thaton, Miến Điện[7]. Thaton là trung tâm giao thương chính của miền nam Miến Điện cho thương mại giữa Ấn Độ và Miến Điện. Điều này dẫn đến sự gia tăng tiếp xúc với các thương nhân từ Ấn Độ ở Miến Điện và niềm tin tôn giáo cũng vậy. Mối quan hệ giữa các thương nhân đã giúp người dân Miến Điện chấp nhận Phật giáo khi ngày càng có nhiều tu sĩ Phật giáo và các nhà truyền giáo đến từ nhiều trung tâm Phật giáo, trường đại học và tu viện ở Ấn Độ cổ đại. Dưới ảnh hưởng của những nhà truyền giáo và thương nhân này, người dân địa phương Thaton đã bắt đầu thực hành pha trộn giữa Phật giáo và Ấn Độ giáo trong khi vẫn giữ lại nhiều tín ngưỡng cũ và phong tục địa phương mà họ có từ trước.

Miền Bắc Miến Điện có sự tiếp xúc lần đầu tiên với Phật giáo qua những đoàn truyền giáo đường bộ từ Bắc Ấn Độ, những đoàn này đã đến đây trong các thế kỷ III – V, họ mang theo những lời giảng và thực hành của các tông phái Sarvāstivāda và Đại Thừa, và tới thế kỷ VII, họ cũng mang theo cả những ảnh hưởng thần bí Tantra nữa. Vì ở gần với Nam Ấn Độ và Sri Lanka về địa lý, nên Theravāda cũng được thiết lập ở miền Trung Miến Điện. Những di tích về đền đài của Phật giáo tại thành phố Beikthano của Pyu có niên đại là thế kỷ IV và là bằng chứng vững chắc về những mối quan hệ của nó với các cộng đồng Phật giáo ở Nāgārjunakoṇḍa, có lẽ là dựa trên công việc buôn bán[8].

Từ thế kỷ V – XI, Phật giáo phát triển mạnh ở miền Nam Miến Điện. Nhiều bia ký viết bằng tiếng Pali tìm thấy tại Hmawza, trong đó có hai bia vàng đều khắc dòng chữ Pali, bắt đầu với câu “Ye dhammahetuppabhava” – Vạn pháp tùy duyên, đã cho thấy Phật giáo Nam Tông bắt đầu phát triển ở miền Nam Miến Điện vào thế kỷ thứ VI. Mặc dù Phật giáo Đại thừa và Phật giáo Mật tông trở nên phổ biến trong giai đoạn sau kỷ thứ 5 sau Công nguyên ở Miến Điện, Thaton thành trì của Phật giáo Nguyên thủy ở miền Nam Miến Điện vẫn rất vững chắc[9].

Từ thế kỉ XI – XIII, Phật giáo Tiểu thừa phát triển mạnh ở Pagan (nay là Bagan, niền Nam Myanmar). Sự tiếp nhận Phật giáo Nguyên Thủy vào thành phố Pagan vào thế kỷ XI, nhờ một Tỳ kheo tên là Sun Shin Arahan[10].

Tình hình này còn tồn tại cho tới khi có cuộc thống nhất hai vùng miền Nam Miến Điện và miền Bắc Miến Điện dưới thời vua Miến là Anawratā.

Sự phát triển của Phật giáo ở Miến Điện

Vào thế kỷ thứ XI nhờ sự hộ trì Phật giáo của vua Miến Điện Anawratā, người đã đưa về miền Bắc Miến Điện các vị sư từ vương quốc bị chinh phục của người Môn (một phần thuộc miền Nam Miến Điện), và cho các vị sư này quyền kiểm soát toàn thể Tăng Già trên khắp nước. Ảnh hưởng của các vị sư này, đại diện cho Phật giáo Nguyên thủy vốn được người Môn duy trì, được gia tăng nhờ ảnh hưởng của một vị sư người Miến Điện tên là Chapaṭa, là người đã được thụ giới ở (Tích Lan) Sri Lanka trong cuộc cải tổ Tăng Già Mahāvihāra của vua Parakkama Bhu I. Từ đó về sau, Phật giáo Nguyên thủy được sự bảo trợ mạnh mẽ của vua đã dẫn đến sự biến mất của Phật giáo Mật tông ở Miến Điện[11].

Sau cuộc chinh phạt của vua Miến Điện Anawratā, nhiều nơi ở Miến Điện như Mandalay, Rakhine (Arakan), Karen, Shan đã chuyển sang Phật giáo Nguyên thủy. Pagan sớm phát triển mạnh mẽ như một trung tâm văn hóa Phật giáo Nguyên thủy. Bất chấp nhiều cuộc chiến tranh và bất ổn chính trị, Phật giáo tiếp tục phát triển dưới sự bảo trợ của nhiều vị vua khác nhau với vô vàn những tháp và chùa Phật giáo được xây dựng. Phật giáo sớm trở thành một phần trong cuộc sống của những người dân Miến Điện. Nhiều tu viện đã thành lập các trường học Phật giáo ở các làng để truyền bá trí tuệ của Đức Phật cho người dân Miến Điện.

Từ thế kỉ XIII – XVII, Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh mẽ tại miền Nam Miến Điện. Vào thế kỷ XV, vai trò Dhammarāja, “trưởng Giáo pháp” với quyền kiểm soát tất cả các tu viện trên cả nước, được trao cho bất kỳ vị sư nào được chọn làm quốc sư cho vị vua cầm quyền. Điều này trùng hợp với cuộc cải tổ việc nối dòng thụ giới. Từ trước đến nay luôn luôn có bốn truyền thống biệt lập gắn liền với các nguồn gốc Sri Lanka và Miến Điện, tuy nhiên, từ thế kỷ XV quốc vương xứ Môn tích cực hộ đạo và duy trì mối liên hệ mật thiết với Phật giáo Sri Lanka. Bây giờ cả bốn truyền thống này được thống nhất thành một dòng thụ giới duy nhất do mười tám vị sư đã từng được gửi sang tu viện Mahāvihāra của Sri Lanka. Các mối quan hệ với Sri Lanka rất mạnh, các sư đi tới đó để hành hương[12]. Phật giáo Miến Điện trong giai đoạn này có những lúc thăng trầm khác nhau, nhưng đến cuối triều đại, Phật giáo bước vào giai đoạn suy thoái. Thế kỷ XVII là giai đoạn phát triển năng động trong lịch sử Phật giáo ở Miến Điện. Các bản văn tự tiếng Pali được dịch sang ngôn ngữ Miến, tạo ra sự phát triển vượt bậc trong việc nghiên cứu Vi Diệu Pháp[13].

Trải qua các triều vua Tharawaddy – Min (1837-1846), Pagan – Min (1846-1852) và Mindon (1852-1877) với sự xâm lược của thực dân Anh vào giữa thế kỷ XIX, một thời đại lịch sử đã kết thúc: Phật giáo Nguyên Thủy được phát triển tại Miến Điện trong hơn hai thiên niên kỷ phải đứng trước nguy cơ bị đe dọa và tấn công bởi một tôn giáo mới – Cơ đốc giáo.

Cộng đồng Phật giáo và các tu viện bị ảnh hưởng phần lớn khi Miến Điện nằm dưới sự chiếm đóng của thực dân Anh. Trong thời gian Anh cai trị Miến Điện (từ năm 1854 đến 1948), các chính sách của chính phủ là phi tôn giáo. Điều đó có nghĩa là, các nhà sư không được pháp luật bảo vệ. Phật giáo không được chính quyền thuộc địa ủng hộ khi họ cố gắng áp đặt Cơ đốc giáo lên người dân địa phương. Điều này dẫn đến sự căng thẳng giữa những người cai trị thuộc địa và Phật tử địa phương. Và đã có rất nhiều sự phản đối đối với những nỗ lực của các nhà truyền giáo Cơ đốc nhằm cải đạo người Miến Điện thành Cơ đốc nhân. Sự phát triển giáo dục của Anh, ảnh hưởng đến Phật giáo Miến Điện, do đó các nhà sư bắt đầu nổi dậy, vì vậy Phật giáo Miến Điện trở thành chủ nghĩa dân tộc Miến Điện và là lực đẩy chống thực dân.

Kể từ khi Miến Điện giành độc lập khỏi ách thống trị của thực dân Anh vào năm 1948, Phật giáo đã lấy lại được vị trí truyền thống quan trọng trong đời sống của người dân Miến Điện. Cả hai chính phủ dân sự và chính phủ quân sự đã hỗ trợ Phật giáo nguyên thủy trong suốt thời gian sau khi độc lập. Nền văn hóa của Miến Điện bị ảnh hưởng rất nhiều bởi tôn giáo Phật giáo mà người dân theo. Hiện nay, gần 90 % dân số Myanmar là tín đồ của Phật giáo – hầu hết theo trường phái Phật giáo Nguyên thủy. Các tôn giáo khác cũng có tầm quan trọng như Cơ đốc giáo, Hồi giáo và Ấn Độ giáo chỉ chiếm 11% tổng dân số Myanmar. Theo kết quả của cuộc điều tra dân số năm 2016 của chính phủ Myanmar, Phật giáo là tôn giáo chiếm ưu thế, chiếm 88,8% dân số, được thực hành đặc biệt bởi người Bamar, người Rakhine, người Shan, người Mon, người Karen và các nhóm dân tộc Trung Quốc sống ở Myanmar. Phật giáo là tôn giáo đa số ở tất cả các vùng và bang Kayin, bang Kachin, bang Mon, bang Shan và bang Kayah của Myanmar Hiện nay, hầu hết người Bamar, người Shan, người Mon, người Rakhine, người Karen và nhiều nhóm dân tộc Myanmar theo Phật giáo Nguyên thủy. Một số người gốc Trung Quốc ở Myanmar theo Phật giáo Đại thừa[14]. Phật giáo ở Myanmar chủ yếu theo Phật giáo Nguyên thủy, chiếm 90% dân số của đất nước. Đây là quốc gia sùng đạo Phật giáo nhất thế giới xét về tỷ lệ nhà sư trong dân số và tỷ lệ thu nhập chi cho tôn giáo[15].

Bên cạnh đó, Phật giáo Miến Điện cũng liên hệ mật thiết với Phật giáo thế giới. Miến Điện là quốc gia được vinh dự tổ chức đại hội kiết tập Kinh điển hai lần liên tiếp: Lần thứ 5 ở Mandalay, và lần thứ 6 tại Yangon. Đại hội kiết tập Kinh điển lần thứ 5 được tổ chức tại Mandalay, Miến Điện vào năm 1871 hay Phật lịch 2414 dưới thời Vua Mindon. Hòa Thượng Jàgara chủ tọa buổi kiết tập với sự tham gia của 2400 Tăng sĩ Miến trí thức. Sau khi tụng đọc Tam Tạng bằng Pàli, toàn bộ Tam Tạng được ghi chép ra mẫu tự Pàli Miến trên 729 phiến đá cẩm thạch trong 5 tháng. Sự ghi chép nầy dưới sự chủ đạo rất thận trọng của những vị Hòa Thượng học giả Miến điện. Mỗi phiến đá Tam Tạng được tôn trí trong một tháp được bảo vệ cẩn thận tại chân đồi Mandalay (Mandalay Hills). Hiện nay công trình này trở thành một tuyệt tác, được xem như một thư viện thiên nhiên to nhất thế giới và nếu ráp lại toàn bộ, những phiến đá nầy sẽ trở thành quyển sách lớn nhất thế giới[16].

Đại hội kiết tập Kinh điển lần thứ 6 diễn ra tại Yangon vào năm 1954 dưới sự chủ tọa của Thượng tọa Revata, đặc biệt lần nầy đại hội được tổ chức với sự tham dự của 2500 chư tăng các nước: Ấn Độ, Sri Lanka, Nepal, Campuchia , Thái Lan, Lào, Pakistan, Tây Tạng, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc , và một số nước thuộc châu Á cũng được mời tham dự[17].

Kết luận

Có thể thấy, Phật giáo Ấn Độ du nhập vào Miến Điện qua các nhà sư và qua các thương nhân. Phật giáo được xem là quốc giáo ở Miến Điện, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong đời sống văn hóa xã hội và tinh thần của người dân Miến Điện đại đa số người dân Miến Điện, bất kể họ thuộc sắc tộc nào, đều tin theo Phật giáo Nguyên thủy. Hiện nay, trên khắp đất nước Myanmar, chúng ta luôn gặp các đền đài, chùa tháp và tuợng Phật hai bên đường như hằng nhắc nhở dân chúng sống an lạc thiện lành trong ánh từ bi của chư Phật.

Tác giả: ThS. Nguyễn Đắc Tùng – Viện Nghiên cứu Ấn Độ và Tây Nam Á

***

Chú thích
[1] Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Miến Điện, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 98.
[2] Thích Trung Định (2017), Chín đoàn truyền giáo trong thời đại vua A Dục, https://thuvienhoasen.org/a28072/chin-doan-truyen-giao-trong-thoi-dai-vua-a-duc, ngày truy cập 20/7/2023.
[3] Thích Trung Định (2017), Chín đoàn truyền giáo trong thời đại vua A Dục, https://thuvienhoasen.org/a28072/chin-doan-truyen-giao-trong-thoi-dai-vua-a-duc, ngày truy cập 20/7/2023.
[4] Tỳ kheo Thiện Minh (2003), Phần II – Chín Phái Ðoàn Truyền Giáo Của Vua A-Dục, https://theravada.vn/phan-ii-chin-phai-doan-truyen-giao-cua-vua-a-duc/, ngày truy cập 28/7/2023.
[5] Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Miến Điện, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 98.
[6] Thích nữ Liên Tường (2010), Phật Giáo Tại Miến Điện, https://thuvienhoasen.org/a14228/phat-giao-tai-mien-dien, ngày truy cập 25/7/2023.
[7] Budisdht Art of Myanmar(2015), https://asiasociety.org/new-york/exhibitions/buddhist-art-myanmar, ngày truy cập 26/7/2023.
[8] Tỳ kheo Thiện Minh (2015), Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế giới, tr. 119.
[9] Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Miến Điện, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 101.
[10] Ian Harris (2007), Buddhism – Power and political order, Routledge Taylor & Francis Group, London & New York, pp. 45.
[11] Tỳ kheo Thiện Minh (2015), Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế giới, tr. 119.
[12] Tỳ kheo Thiện Minh (2015), Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế giới, tr. 119.
[13] Ian Harris (2007), Buddhism – Power and political order, Routledge Taylor & Francis Group, London & New York, pp. 101.
[14] The Republic of the Union of Myanmar, Department of Population Ministry of Labour, Immigration and Population MYANMAR (2016). The 2014 Myanmar Population and Housing Census Census Report Volume 2-C. Department of Population Ministry of Labour, Immigration and Population MYANMAR. pp. 12–15.
[15] Cone, Gombrich (1977), Perfect Generosity of Prince Vessantara, Oxford University Press, pp. 22.
[16] Thích nữ Liên Tường (2010), Phật Giáo Tại Miến Điện, https://thuvienhoasen.org/a14228/phat-giao-tai-mien-dien, ngày truy cập 25/7/2023.
[17] Thích nữ Liên Tường (2010), Phật Giáo Tại Miến Điện, https://thuvienhoasen.org/a14228/phat-giao-tai-mien-dien, ngày truy cập 25/7/2023.

Tài liệu tham khảo
1. Budisdht Art of Myanmar (2015), https://asiasociety.org/new-york/exhibitions/buddhist-art-myanmar, ngày truy cập 26/7/2023.
2. Cone, Gombrich (1977), Perfect Generosity of Prince Vessantara, Oxford University Press, pp. 22.
3. Ian Harris (2007), Buddhism – Power and political order, Routledge Taylor & Francis Group, London & New York, pp. 45, 101.
4. The Republic of the Union of Myanmar, Department of Population Ministry of Labour, Immigration and Population MYANMAR (2016). The 2014 Myanmar Population and Housing Census Census Report Volume 2-C. Department of Population Ministry of Labour, Immigration and Population MYANMAR. pp. 12-15.
5. Thích nữ Liên Tường (2010), Phật Giáo Tại Miến Điện, https://thuvienhoasen.org/a14228/phat-giao-tai-mien-dien, ngày truy cập 25/7/2023.
6. Thích Trung Định (2017), Chín đoàn truyền giáo trong thời đại vua A Dục, https://thuvienhoasen.org/a28072/chin-doan-truyen-giao-trong-thoi-dai-vua-a-duc, ngày truy cập 20/7/2023.
7. Tỳ kheo Thiện Minh (2015), Đại Cương Lịch Sử Phật Giáo Thế giới, tr. 119.
8. Tỳ kheo Thiện Minh (2003), Phần II – Chín Phái Ðoàn Truyền Giáo Của Vua A-Dục, https://theravada.vn/phan-ii-chin-phai-doan-truyen-giao-cua-vua-a-duc/, ngày truy cập 28/7/2023.
9. Trần Quang Thuận (2008), Phật giáo Miến Điện, NXB Tôn giáo, Hà Nội, tr. 98, 101.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường