Thích Giác Huệ Học viên Cao học khóa II tại Học viện PGVN tại Huế
Tóm tắt: “Sau khi giác ngộ, đức Phật tiến hành truyền bá tư tưởng của mình bằng cách thành lập Tăng đoàn gồm các đệ tử xuất gia và tại gia. Phật giáo đã cảm hoá mạnh mẽ lòng người vì tính chất tiến bộ và thuyết phục hơn so với các trường phái tôn giáo khác toàn Ấn Độ trong thời gian 49 năm khi đức Phật còn tại thế. Khi đức Phật nhập diệt, do rất nhiều yếu tố khách quan và chủ quan cùng với những tác động bên trong cũng như bên ngoài giáo đoàn đã có những thay đổi mạnh mẽ. Phật giáo không còn là một đoàn thể thống nhất nữa mà đã phân hoá ra thành nhiều bộ phái mới. Nếu như các tôn giáo khác thay thế triệt tiêu những tư tưởng lỗi thời thì ở Phật giáo điều đó không xảy ra. Bản chất của sự phân chia bộ phái chỉ là để phù hợp với điều kiện sinh hoạt cũng như tu tập và truyền đạo ở mỗi địa phương, cho nên dù phân ra nhiều bộ phái nhưng các bộ phái Phật giáo vẫn giữ vững những giá trị giáo lý và giới luật mà đức Phật đã đặt định”.
Mở đầu
Triết học Phật giáo Ấn Độ không chỉ tác động đến đời sống xã hội Ấn Độ mà còn có sức lan tỏa đến những quốc gia, dân tộc khác trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Bởi lẽ triết thuyết Phật giáo luôn luôn biến đổi theo hoàn cảnh và căn cơ của chúng sinh để hướng dẫn sự giải thoát cho con người. Với tinh thần nhập thế “tùy duyên bất biến” mà đạo Phật đã tạo cho mình một sức sống vô biên, vượt qua những ngăn cách của địa lý, văn hóa, truyền thống, lịch sử, tôn giáo, ý thức hệ, thời gian, không gian.... Tinh thần tuỳ duyên là tự thay đổi với hoàn cảnh để có thể tiếp độ tha nhân, giải thoát con người ra khỏi mọi đau khổ, sinh tử luân hồi.
Ngay từ khi mới ra đời, thế giới quan và nhân sinh quan Phật giáo, sự phân chia bộ phái của Phật giáo đã có một vai trò rất quan trọng. Khi Phật giáo hòa nhập vào các quốc gia, dân tộc khác thì có những đặc điểm khác nhau.
1. Khái quát sự ra đời Phật giáo
Đời sống quốc gia dân tộc với hoàn cảnh địa lý và sự ảnh hưởng khí hậu, thiên nhiên, đã tạo dựng cho đất nước Ấn Độ có một lịch sử khác với các quốc gia trên thế giới. Đó là Ấn Độ xưa và nay, nơi có những rừng núi thâm u, đã ảnh hưởng nhiều tới luồng tư tưởng nhân bản, tiến bộ và giải thoát sớm được xuất hiện. Bất cứ tôn giáo, học thuyết, chủ nghĩa nào, khi hình thành, tồn tại và phát triển đều là phản ảnh của hoàn cảnh, khí hậu, địa dư, xã hội, chủng tộc.
Nhìn một cách tổng thể, đất nước Ấn Độ vốn là một trong những nơi có nền văn minh sớm nhất trên trái đất này. Nằm về phái nam châu Á, Ấn Độ là một quốc gia có nhiều yếu tố địa lý trái ngược nhau: vừa có dãy Hymalaya cao vời vợi, lại vừa có biển Ấn độ dương rộng mênh mông; vừa có dòng sông Ấn chảy về phía tây, lại có dòng sông Hằng chảy về phía đông; vừa có đồng bằng phì nhiêu màu mỡ, lại vừa có sa mạc khô cằn; có nơi tuyết rơi giá lạnh, lại có nơi nắng cháy, nóng oi bức, ... những điều kiện tự nhiên trái ngược và khắc nghiệt ấy đã ảnh hưởng không nhỏ tới phong cách tư duy và đời sống tâm linh của người Ấn độ. Chính tính chất đối lập và khắc nghiệt ấy, một mặt giúp cho người Ấn độ có cách nhìn nhận, xem xét và quan niệm về tự nhiên không chỉ ở mặt này hoặc mặt kia của sự đối lập mà phải ở cả hai mặt đối lập trái ngược nhau đó. Đây chính là mầm mống của sự hình thành và phát triển tư tưởng triết học. Mặt khác, chúng còn là những thế lực tự nhiên đè nặng và ghi dấu ấn đậm nét lên đời sống vật chất và tinh thần của dân tộc Ấn Độ.
2. Quá trình phát triển và kết quả phân chia bộ phái.
Trong quá trình hình thành, tồn tại và phát triển của lịch sử tư tưởng nhân loại, có những hiện tượng mang tính tất yếu khách quan, trong đó có nhiều hiện tượng phân phái của các hệ thống tôn giáo lớn phát triển rất phổ biến đa dạng. Lịch sử bộ phái của Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu cũng không nằm ngoài quy luật đó, Vì vậy Phật giáo đã phân chia thành nhiều bộ phái khác nhau.
Có thể nói, phân chia bộ phái là hệ quả không thể tránh của sự phát triển đạo Phật trong không gian và thời gian nhất định. Không gian mới, thời gian mới khiến nảy sinh ra những nhu cầu mới về tâm linh, về tri thức trong dân chúng nói chung cũng như trong Phật giáo nói riêng. Sự phân chia bộ phái thể hiện yêu cầu phải cập nhật hóa và bản địa hóa của Phật giáo. Để tránh khỏi mâu thuẫn, xung đột với truyền thống văn hóa, tập tục và tín ngưỡng địa phương, Phật giáo bắt buộc phải bản địa hóa. Đạo Phật muốn du nhập và tồn tại, phát triển tại những vùng khác nhau như thế, chắc chắn là không thể giữ nguyên tình trạng và tổ chức như khi còn ở vùng trù phú của sông Hằng.
Khi cuộc sống thay đổi, Phật giáo muốn tồn tại cũng phải thay đổi theo để thích nghi với hoàn cảnh mới. Trong điều kiện ấy, Phật giáo vừa phát triển lại vừa có sự phân chia thành những bộ phái khác nhau.
Phật giáo vừa là trường phái triết học, lại là một tôn giáo, nền tư tưởng của Ấn Độ và có nhiều ảnh hưởng rộng lớn, lâu dài phổ biến trên phạm vi thế giới. Ngày nay Phật giáo là 1 trong 3 tôn giáo lớn nhất trên thế giới. Quá trình phát triển và kết quả phân chia bộ phái Phật Giáo Ấn Độ được thể hiện rõ nét sau đây:
Thứ nhất: Đạo Phật có một lịch sử phát triển rất thăng trầm trong suốt 2500 năm và được lan tỏa từ Ấn Độ ra khắp nơi. Do đó, việc hình thành các bộ phái khác nhau, có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý cho thích hợp với tình hình mỗi xã hội, mỗi thời điểm là chuyện tất yếu. Tuy vậy, bản thân giáo lý của Phật giáo không hề có sự phân chia tông phái. Sự phân chia bộ phái rõ nét bắt đầu xảy ra vào thời kỳ kết tập kinh điển lần thứ hai (tức là khoảng 100 năm sau khi đức Phật nhập diệt). Lần phân chia đầu tiên do sự bất đồng về việc yêu cầu thay đổi 10 điều trong giới luật. Các điều này tuy không phải là những thay đổi lớn lao nhưng đủ để gây ra sự tách biệt trong tăng đoàn. Và hình thành Đại Chúng Bộ (Mahasamghika) mà đa số là các tỳ-kheo trẻ muốn thay đổi. Số còn lại các trưởng lão có quan niệm bảo thủ các giới luật nguyên thủy hình thành Thượng Tọa Bộ (Theravada). Các cuộc phân chia bộ phái về sau trở nên phức tạp và đa dạng hơn.
Thứ hai: Từ những bất đồng về Giới Luật (tán thành và không tán thành về 10 điều phi Pháp), Tăng đoàn đã phân hóa ra hai bộ phái Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ. Trên cơ sở sự phân chia về tổ chức tăng đoàn, ngoài những điểm tương đồng trong các vấn đề giáo lý cơ bản, thì dần dần hình thành một số điểm dị biệt trong nhận thức về vạn pháp, sự tu hành, quả vị chứng ngộ… Nhìn một cách khái quát, hai bộ điều y cứ vào giáo nghĩa nguyên thủy. Tuy nhiên, Thượng Tọa Bộ có khuynh hướng bảo thủ, tôn trọng giới luật, coi trọng truyền thống và nỗ lực nhằm bảo lưu giá trị truyền thống, nên có phần nặng nề về hình thức. Mặt khác, Đại Chúng Bộ thì có khuynh hướng cấp tiến, đề cao trí tuệ, có phần chú trọng lý tưởng hơn là những quy định vốn có trong truyền thống, đặc biệt là quy định trong tổ chức tăng đoàn.
Thứ ba: Về mặt tổ chức, trong khi phân hóa thì Thượng Tọa Bộ và Đại Chúng Bộ hình thành như hai hệ thống song song. Tuy nhiên, trong giáo nghĩa của các bộ phái thì không đơn thuần kế thừa và phát huy khuôn khổ của hệ thống trên. Thực tế cho thấy là có bộ phái phân hóa từ Đại Chúng Bộ nhưng tư tưởng lại phần nhiều tương đồng với tư tưởng của Thượng Tọa Bộ và ngược lại một số bộ phái phân hóa từ Thượng Tọa Bộ nhưng có tư tưởng gần gũi và Đại Chúng Bộ, hay có bộ phái dung hợp, rồi phát triển thêm những quan điểm giáo nghĩa đặc thù…
3. Nội dung tư tưởng cơ bản phân chia bộ phái qua các kỳ kết tập kinh điển
Việc hình thành phân chia bộ phái các bộ phái khác nhau có phương pháp tu học và cách giải thích khác nhau về giáo lý, giới luật cho thích hợp với điều kiện hoàn cảnh ở mỗi thời điểm xã hội nhất định là chuyện tất yếu. Tuy vậy, bản thân giáo lý Phật giáo là một chỉnh thể thống nhất trong Tăng đoàn.
Qua nghiên cứu nhiều nguồn sử liệu theo kinh sách thì bất luận theo kinh điển Nam Tông (văn Pali) hay kinh điển Bắc Tông (văn Sanskrit) đều nói về sự chia rẽ đó bắt đầu vào khoảng một trăm năm sau khi Phật nhập diệt. Sau cuộc kết tập lần thứ hai với sự bất đồng về quan điểm mười điều phi pháp, đã chia thành hai bộ phái: Thượng tọa bộ (phái bảo thủ) và Đại chúng bộ (phái cấp tiến). Nhưng theo Bắc Tông, tuy cũng nhận sự chia rẽ là biến cố hơn một trăm năm sau Phật nhập diệt, điều đó nó đã xảy ra trong một cuộc kết tập tại Ma-ha-đà. Trong khi cuộc kết tập tranh luận về phẩm chất của các vị La Hán, có người đưa ra năm thuyết mới, và chính đề nghị ấy đã đưa đến kết quả phân chia thành các bộ phái, nhưng Thượng tọa bộ không thừa nhận thuyết mới và Đại chúng bộ thừa nhận thuyết mới. Đó là cơ sở đầu tiên chia rẽ của các bộ phái.
Sau khi kiết tập kinh điển lần thứ hai tại thành Tỳ Xá Li (Vesali), trong tăng đoàn Phật giáo, khuynh hướng tự do ngày càng phát triển, các tư tưởng mới ra đời, làm cho sự phân phái Phật giáo trở nên phổ biến. Việc phân phái này bắt nguồn từ hai bộ phái căn bản là Thượng Tọa Bộ (Sthavira Theravàda) và Đại Chúng Bộ (Mahàsànghikà).
Về tổng số các bộ phái thì có nhiều chứng cứ lịch sử giải thích khác nhau: Nhưng theo pháp sư Thánh Nghiêm trong bộ kinh Đại Chính tạng, một bộ kinh sách rất được phổ biến trong giới Phật tử và quần chúng nhân dân theo đạo Phật, để làm rõ sự phân chia của các bộ phái, thống nhất tổng số các bộ phái là 18 bộ.
4. Ý nghĩa lịch sử phân chia bộ phái Phật giáo Ấn Độ thời kỳ đầu
Phật giáo xuất hiện như một sự đáp ứng nhu cầu tinh thần phản kháng xã hội đương thời. Một mặt, phản ánh sự bất hạnh, khổ đau thực tế của nhân dân Ấn Độ. Mặt khác, nó phản kháng về chế độ đẳng cấp nghiệt ngã, sự áp bức, bất bình đẳng giữa con người trong xã hội. Và công khai chống lại giáo lý truyền thống của kinh Veda và đạo Bà-la-môn bác bỏ uy quyền thần linh, xây dựng niềm tin vào chính con người.
Về mặt tư tưởng thì nó góp phần cho tư tưởng Phật giáo thêm phong phú và đồ sộ, vì các bộ phái đều nỗ lực phát huy, khai triển một phần nào đó của Phật pháp, khác nhau chỉ là góc độ nhận thức. Qua đó đã nói lên một trong những đặc điểm của Phật giáo là sự tự do tư tưởng, và tinh thần phi bạo lực.
Điều đáng chú ý, trong suốt mấy trăm năm, trong quá trình phân chia cũng như sau khi phân chia, tuy có những bất đồng về quan điểm nhưng không hề xảy ra cuộc bạo động nào nhằm áp chế bộ phái đối lập để biểu dương thanh thế của bộ phái mình. Qua đó đã nói lên một trong những đặc điểm của Phật giáo là sự tự do tư tưởng, và tinh thần phi bạo lực. Mặt khác, sau khi thành lập, các bộ phái phải nỗ lực phát huy tư tưởng nhằm để giữ vững vị trí của mình.
Phật giáo là một hệ thống triết lý tôn giáo ra đời tồn tại từ rất sớm, cũng như có niên đại hình thành và phát triển lâu dài nhất của nhân loại cho đến hôm nay. Sự ra đời của Phật giáo gắn liền với những điều kiện lịch sử của xã hội Ấn Độ đương thời; nó là sự phản ánh hiện thực tối tăm, đầy dẫy bất công, khổ ải; là tiếng nói phản kháng, đòi quyền tự do, bình đẳng của nhân dân Ấn Độ trong một trật tự xã hội tàn bạo, hà khắc.
Sau khi đức Phật diệt độ, Phật giáo có những ảnh hưởng rất lớn đối với xã hội và ngày càng được truyền bá rộng rãi trên các miền của lãnh thổ Ấn Ðộ cũng như ra các nước bên ngoài, đặc biệt là ở thời đại vua A Dục (Asoka). Giáo lý mà đức Phật giảng dạy, là phương tiện để đi đến sự chứng ngộ trong mỗi cá nhân, mà không phải là giáo điều cứng nhắc, nên sự nhận thức bất đồng về lời Phật dạy (kinh, luật) là không thể tránh khỏi.
Trong quá trình tồn tại và phát triển, do nhiều nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, Phật giáo đã có sự vận động và biến đổi sâu sắc, mà biểu hiện rõ nhất là lịch sử phân chia bộ phái Phật giáo. Từ chỗ là một tôn giáo thống nhất, trải qua quá trình phân chia bộ phái, Phật giáo đã phân hóa thành các bộ phái khác nhau với những biểu hiện và tư tưởng rất đa dạng và phong phú. Lịch sử phân chia bộ phái Phật giáo thực chất là biểu hiện của sự vận động nội tại mang tính quy luật, tính đặc thù, nó phản ánh toàn bộ tính chất sinh hoạt của xã hội Ấn Độ đương thời. Đồng thời cũng chính lịch sử phân chia bộ phái Phật giáo này đã đem lại cho Phật giáo một diện mạo và sinh khí mới, như là chất xúc tác cần thiết để nó tiếp tục phát triển và khẳng định chỗ đứng của mình trong làng tôn giáo thế giới. Phật giáo tuy chia làm nhiều bộ phái khác nhau, nhưng điều đó không tác động tiêu cực gì đến sự giải thoát.
Sau Phật diệt độ khoảng một trăm năm, ranh giới địa lý truyền bá của Phật giáo mở rộng, do sự khác biệt về văn hóa cùng với những thay đổi của điều kiện xã hội đã đưa đến những bất đồng gay gắt trong nhận thức lời Phật dạy và Phật giáo bị phân hóa thành nhiều bộ phái khác nhau. Tình hình Phật giáo thời kỳ này trở nên phức tạp trong tổ chức cũng như trong việc giải thích giáo lý; tuy nhiên, sự phân hóa không gì khác hơn là nhằm thích ứng để tồn tại, ở phương diện tư tưởng, nó làm cho Phật giáo phong phú thêm. Ðiểm nổi bật trong thời kỳ này là những đóng góp vĩ đại của A Dục Vương đối với Phật giáo, đặc biệt là trong sự nghiệp truyền bá chính pháp và khảo cổ lịch sử. Nhờ có việc cử những đoàn sứ giả truyền giáo đi đến các nước xa xôi, trong đó có thể có Việt Nam, mà Phật giáo có điều kiện sớm trở thành một tôn giáo, tư tưởng lớn của nhân loại; cũng nhờ vào những trụ đá do nhà vua xây dựng tại các thánh địa đã giúp rất nhiều trong việc xác định niên đại của đức Phật lịch sử.
Phật giáo tuy chia làm nhiều bộ phái khác nhau, nhưng điều đó không tác động tiêu cực gì đến sự giải thoát, sự phân hóa không gì khác hơn là nhằm thích ứng để tồn tại, ở phương diện tư tưởng, nó làm cho Phật giáo phong phú thêm.
Như vậy, dù trong bất kỳ hoàn cảnh nào Phật giáo vẫn có một hương vị của lòng từ bi, nhân ái, của tâm hồn hướng thiện. Nó là hiện thân của lý tưởng bình đẳng, bác ái, là ngọn đuốc soi đường dẫn lối cho chúng sinh trên hành trình đi tìm tự do, hạnh phúc và giá trị đích thực của cuộc sống. Hệ thống triết lý này đã, đang và sẽ còn ảnh hưởng mạnh mẽ đến đời sống văn hóa tinh thần của nhiều dân tộc trên thế giới.
Thích Giác Huệ Học viên Cao học khóa II tại Học viện PGVN tại Huế ***Tài liệu tham khảo 1. Luận A-tỳ-đạt-ma Đại-tỳ-bà-sa (Abhidharma-mahavibhāsā-sàstra) (2013), Nxb Hồng Đức. 2. Rupert Gethin, (Thích Thiện Chánh dịch) (2019), Nền tảng Phật Giáo, Nxb Hồng Đức. 3. Đoàn Trung Còn (2011), Lịch sử nhà Phật , Nxb Tôn giáo, Hà nội. 4. Edwara Cone, (Nguyễn Hữu Hiệu dịch) (1970), Tinh hoa và sự phát triển của đạo Phật, Ban tu thư đại học Vạn Hạnh, Sài Gòn. 5. Thế Hữu, (Trí Quang thượng nhân dịch) (1994), Dị tông luận, Nxb Thành phố Hồ Chí Minh. 6. Nguyễn Thừa Hỷ (1986), Ấn Độ qua các thời đại, Nxb Giáo dục Hà Nội. 7. HT.Thích Thanh Kiểm (2006), Lược sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Tôn giáo. 8. Pháp sư Thánh Nghiêm (Thích Tâm Trí dịch) (2008), Lịch sử Phật giáo Ấn Độ, Nxb Phương đông.
Bình luận (0)