Siêu bão Milton

Sáng ngày 06/10/2024, một cơn bão được cho là “siêu bão mạnh nhất năm 2024” hình thành ở vịnh Mexico, đổ bộ vào phía Tây bờ biển Florida, Mỹ (theo Trung tâm dự báo bão Quốc gia Mỹ). Nơi này bị tàn phá bởi bão Helene chưa đầy 2 tuần trước, khiến hơn 220 người thiệt mạng và còn hàng trăm người mất tích. Vậy là Florida, nơi còn chưa khắc phục xong hậu quả của bão Helene lại tiếp tục phải nghênh đón siêu bão Milton.

Ngày 07/10/2024, bão Milton đã mạnh lên nhanh chóng với sức gió 257km/h, trở thành cơn bão cấp 5, mức cao nhất theo thang của Mỹ, chỉ 2 ngày sau khi hình thành ở Vịnh Mexico. Tính đến sáng 08/10/2024, bão Milton đạt sức gió duy trì lên tới 230km/h, theo Trung tâm Bão quốc gia Mỹ. Chính quyền và các nhà chức trách kêu gọi mọi người chú ý tới lệnh sơ tán. Theo nhà khí tượng học Brandon Miller của CNN, siêu bão Milton cũng là cơn bão mạnh nhất ở Đại Tây Dương kể từ bão Dorian năm 2019, với sức gió duy trì tối đa gần 300 km/h, vượt qua bão Beryl (sức gió mạnh nhất là 265,5 km/h), theo Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương Quốc gia (NOAA) của Mỹ. 

Tính đến sáng 09/10/2024, cơn bão vẫn đang hoạt động tăng cấp chóng mặt với sức gió 290km/h, tình hình cụ thể vẫn đang được cập nhật…

Mắt bão Milton. Ảnh: st
Mắt bão Milton. Ảnh: st

Nhìn lại cơn bão Yagi tại miền Bắc Việt Nam

Đất nước Việt Nam cũng vừa trải qua một trận bão mang tên Yagi, trận bão không một người dân Hà Nội nói riêng và người dân miền Bắc nói chung nào có thể quên. Bão Yagi hoành hành với những đợt tàn phá nặng nề, ngoài sự ước lượng khi xâm nhập vào đất liền, nơi bão Yagi đi qua đã kéo theo những trận cuồng phong đầy giận dữ, sẵn sàng công phá và hủy hoại những gì nằm trong phạm vi tâm bão, những tỉnh thành ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên.

Sự tàn phá của những trận bão, lũ lụt vừa qua và nhiều cơn bão lớn trước đây cho thấy con người rất nhỏ bé trước thiên nhiên. Tuy vậy, với sự phát triển nhanh chóng, hiện đại ngày nay, khi mà nạn chặt phá rừng, nước thải, khí thải từ các nhà máy công nghiệp, chất thải sinh hoạt cùng một loạt những hành động gây hại lên môi trường thì liệu câu nói “nắng mưa là việc của Trời” có còn đúng? Dù thiên tai như bão, lũ, sạt lở đất là hiện tượng tự nhiên, nhưng hoạt động của con người đã và đang làm gia tăng sự bất thường nghiêm trọng của các hiện tượng này, dẫn đến những hậu quả nặng nề mà chính con người phải gánh chịu. Sự nóng lên của bề mặt Trái đất, sự biến đổi khí hậu chính là sự trừng phạt đối với những hành động mà con người đã dồn ép lên thiên nhiên.

Chặt phá rừng gây ảnh hưởng lũ lụt nghiêm trọng. Ảnh: st
Chặt phá rừng là một trong những nguyên nhân gây biến đổi khí hâu. Ảnh: st

Những tác động của con người lên thiên nhiên, nguyên nhân dẫn đến tình trạng bão, lũ, sạt lở đất nhiều như hiện nay

Chặt phá, khai thác rừng bừa bãi

Điển hình như nạn chặt phá rừng đầu nguồn làm giảm khả năng giữ nước của đất, dẫn đến sạt lở, xói mòn, lũ ống lũ quét và ngập lụt ở vùng hạ lưu. Trong hệ thống văn học Việt Nam miêu tả nước ta “rừng vàng biển bạc”, những cánh rừng bao la bát ngát mà tạo hoá ban tặng ấy lại bị chính bàn tay những người dân sinh sống trên đất nước Việt Nam đang tâm huỷ hoại vì mục đích mưu sinh.

Rừng bị chặt phá trước tiên là để lấy đất làm nông nghiệp, trồng cây công nghiệp, nuôi thuỷ sản, xây dựng,... Những vùng đất bằng phẳng, màu mỡ bị chuyển hoá thành đất nông nghiệp để phục vụ trồng trọt nông nghiệp lâu dài. Việc khai thác rừng trái phép lấy gỗ làm củi đốt không chỉ ảnh hưởng tới hệ sinh thái lâm nghiệp mà còn gây ô nhiễm không khí...

Khoa học kỹ thuật càng phát triển, người ta càng khám phá ra nhiều công dụng mới của gỗ, làm cho lượng gỗ tiêu thụ ngày càng nhiều. Những sản phẩm thủ công, mỹ nghệ với vô vàn hình hài đẹp mắt, tiện ích, với chi phí rẻ, thời trang từ gỗ, và thậm chí con người ngày nay còn có thể chữa lành từ gỗ qua hình thức xông những sản phẩm được chế tác từ gỗ được gọi là "thanh tẩy năng lượng xấu" Palo Santo, gỗ xô, rất nhiều tên gọi, được dùng để đốt, xông, tẩy uế,...

Việc khai thác, chặt phá rừng nguyên sinh và rừng phòng hộ một cách lén lút, bừa bãi, bất hợp pháp đã khiến nhiều cánh rừng trở nên trơ trụi. Các kiểu khai thác khoáng sản từ thủ công đến công nghiệp và xây dựng các công trình lấn chiếm lòng suối, làm giảm hoặc thậm chí mất hành lang thoát lũ là nhân tố quan trọng tạo ra nguy cơ nứt núi, lở đất, lũ quét...

Bên cạnh đó, các hoạt động không bền vững của con người trong phát triển cơ sở hạ tầng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất đã và đang làm gia tăng lượng khí nhà kính làm cho khí quyển nóng lên. Một trong những tác hại của việc Trái đất nóng lên là tần suất các cơn bão nhiệt đới, áp thấp nhiệt đới xuất hiện nhiều hơn và cường độ mạnh hơn. Thiên tai xảy ra trên toàn quốc trong suốt hai thập kỷ qua với tần suất thường xuyên hơn, cường độ mạnh hơn và quy mô lớn hơn là minh chứng rõ nét về hậu quả của biến đổi khí hậu và thời tiết cực đoan mà con người đã và đang góp phần làm cho chúng nguy hiểm hơn.

Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão, lũ, sạt lở đất đang là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Thế nhưng thách thức tạo ra cơ hội. Câu hỏi đặt ra là chúng ta có sẵn sàng đón nhận cơ hội để thay đổi lối sống của bản thân, thay đổi thế giới, khắc phục, phòng tránh thiên tai hay không?

Những sáng kiến môi trường xanh

Tối ngày 08/10/2024, trên kênh VTV1 chương trình Net Zero (Net Zero - được hiểu là cắt giảm lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính xuống gần bằng 0 nhất có thể, với lượng khí thải còn lại được tái hấp thụ từ khí quyển bởi rừng và đại dương), một chương trình xoay quanh những vấn đề hành trình xanh, việc làm xanh để bảo vệ môi trường, phòng ngừa ô nhiễm, đã giới thiệu về dự án “Bẫy CO2”, một biện pháp có thể tái chế khí CO2 thành các kim loại, vật dụng.

Chương trình “Vì môi trường xanh quốc gia 2024” của Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam phối hợp với Viện nghiên cứu Tăng trưởng xanh khởi động đúng vào Ngày Môi trường thế giới (5/6) với nhiều hoạt động bảo vệ môi trường khác nhau tại các tỉnh, thành phố trên cả nước: đi bộ, đi xe đạp, triển lãm trưng bày các mô hình sản xuất tiết kiệm năng lượng, kinh tế tuần hoàn, phát triển thị trường tín chỉ carbon, tín dụng xanh, các sản phẩm tái chế..., kết nối các đơn vị, xúc tiến các hoạt động đầu tư, thương mại cho các tổ chức, cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp tham gia chuỗi sự kiện Xanh. Hành động nhằm đẩy mạnh sự chuyển biến trong nhận thức đối với tất cả các cán bộ, công chức, học sinh, sinh viên cùng các tầng lớp nhân dân, đồng thời nâng cao ý thức, trách nhiệm chấp hành pháp luật thực hiện nếp sống văn minh đô thị; thân thiện với môi trường và đảm bảo mỹ quan đô thị; tăng cường ý thức tuân thủ pháp luật trong việc đảm bảo trật tự, an toàn xã hội và bảo vệ môi trường.

Chiến dịch "Làm cho thế giới sạch hơn" ngày 24/09/2024 trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk được Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành về triển khai phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn tỉnh để xây dựng phương án tổ chức, triển khai chi tiết công tác phân loại, thu gom CTRSH tại nguồn; thực hiện tuyên truyền nâng cao nhận thức cho công chức, viên chức và người lao động trong cơ quan, đơn vị về phân loại CTRSH tại nguồn đảm bảo theo quy định. Tiếp tục phát động các phong trào cộng đồng như: ra quân làm vệ sinh môi trường, trồng cây, cải thiện, phục hồi môi trường; trong đó tập trung vào việc thu gom, thu hồi các sản phẩm làm từ nhựa, bao bì, túi nilon khó phân hủy và vận chuyển đến nơi tái chế, xử lý cho các tổ chức, đơn vị có trách nhiệm theo quy định.

Có rất nhiều những hoạt động, chương trình dự án từ các tập thể nhằm hướng tới bảo vệ môi trường, phòng tránh thiên tai bão lũ. Các cá nhân cũng hãy tự mình nâng cao ý thức, nhận thức, kiến thức đồng lòng tạo nên sức mạnh bảo vệ thứ đem lại sự sống cho chúng ta, đó chính là Trái đất, khí hậu, môi trường, đất đai.

Thuyết Duyên khởi và Nhân quả trong đạo Phật

Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan với những thực thể khác trong nhiều môi trường sống, vì vậy con người cần phải yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống lành mạnh, từ đó mỗi quốc gia cần có những giải pháp, chính sách để bảo vệ thiên nhiên, bởi một khi thiên nhiên bị tàn phá cũng sẽ dẫn theo vô số thay đổi bất lợi, gây ra những hậu quả nặng nề về khí hậu, địa chất. Việc cơn bão Milton trở thành siêu bão mạnh nhất năm 2024 với sức gió 290km/h tính tới thời điểm sáng 09/10/2024 nói lên rằng những gì thiên nhiên diễn ra vẫn nằm ngoài khả năng dự đoán giới hạn của con người và chúng ta chưa thể nào lường hết được sức mạnh của mẹ thiên nhiên.

Trong đạo Phật, nguyên lý “nhân quả báo ứng” chính là làm thiện được quả báo tốt đẹp, còn làm các điều xấu xa tội lỗi bị quả báo khổ đau. Mỗi hành vi xấu ác, đều phải chịu ác báo tương xứng với hành vi đó. Vả lại, căn cứ vào những hành vi xấu ác nặng hay nhẹ mà có quả báo tương xứng khác nhau. Gieo nhân nào thì gặt quả ấy, như trồng dưa được dưa, trồng đậu được đậu, việc làm không tốt cũng lại như thế. Phật dạy: Dù chúng ta có lên núi cao hay trốn xuống vực thẳm, cũng không thể nào tránh được nghiệp quả khi đủ nhân duyên. Do chúng ta đã tin sâu về nhân quả nên người học Phật, luôn cẩn thận và có sự quán xét trong suy nghĩ, lời nói và hành động của mình.

Liên hệ tới những hành vi tàn phá môi trường, huỷ hoại rừng rậm, đồi núi, thì việc những hiện tượng thiên tai xảy ra như những gì chúng ta đã thấy và đang hứng chịu là lẽ tất nhiên khi hội tụ đủ nhân duyên. Con người sẽ gánh chịu những cơn “nổi giận” của thiên nhiên, khi đó chúng ta mới nhận ra rằng con người thật ra chỉ là một thực thể vô cùng bé nhỏ đang sống và chịu sự vận hành theo quy luật của vũ trụ mà đôi khi chúng ta lầm tưởng có thể thay đổi thiên nhiên theo ý muốn của mình, thực chất điều đó dường như là không thể bởi vũ trụ vốn bao la và bí ẩn mà khoa học lẫn thế giới tâm linh vẫn chưa thể nào can thiệp và giải thích tận tường. 

Ngày nay, con người làm mất cân bằng hệ sinh thái nên thiên nhiên cũng hồi đáp lại chúng ta lời cảnh tỉnh về thiên tai như bão lũ, ô nhiễm môi trường, khí hậu ngày càng nóng lên,... Nếu con người vẫn đối xử một cách "tự nhiên" với thiên nhiên thì con người sẽ phải đón nhận rất nhiều hậu quả đáng tiếc, vì thế, để góp phần hạn chế và khắc phục những hậu quả thảm khốc do thiên nhiên mang lại, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường tự nhiên ngày càng trong xanh, sạch, đẹp. 

Lời kết

Qua hai cơn bão mạnh nhất gần đây, cơn bão Yagi và siêu bão Milton đang hoạt động tại Mỹ đã cho chúng ta nhìn thấy những giá trị quý báu cần được nâng niu gìn giữ của thiên nhiên và môi trường đối với đời sống con người, vai trò của con người với thiên nhiên trong việc ý thức bảo vệ những gì tạo hoá ban tặng. Để từ đó mỗi người tự rèn luyện cho mình một ý thức trong đời sống hằng ngày, gieo thói quen biết trân quý không gian xanh cho mình cũng là cho nhân loại.

Thiên tai không có mắt, không trừ một ai, nên mọi người, không phân biệt nông thôn hay thành thị, già hay trẻ, quốc gia phát triển hay lạc hậu đều cần cùng nhau nỗ lực bằng mọi cách giảm thiểu sự giận dữ của mẹ thiên nhiên. Ý thức và hành động bảo vệ thiên nhiên có ý nghĩa sâu sắc trong việc bảo vệ môi trường và cuộc sống, tương lai và sự thịnh vượng của xã hội.

Khi ta tôn trọng thiên nhiên, ta không chỉ cứu cây cối, các loài động vật hoang dã mà còn cứu chính mình khỏi những tác động tiêu cực của môi trường, khí hậu và thiên tai cực đoan. Vì vậy, chúng ta cần từ bỏ lối sống không bền vững, phá hủy thiên nhiên, mà chuyển sang sống hòa hợp, giữ gìn thiên nhiên. Mỗi hành động nhỏ hôm nay sẽ góp phần tạo nên một thế giới bền vững và an toàn hơn cho tương lai.

Tác giả: Bảo Vy

***

Tài liệu tham khảo

Báo Tuổi trẻ

VNExpress

Báo Pháp luật

Thiennhien.net

Tạp chí Nghiên cứu Phật học