Võ Đào Phương Trâm (Tổng hợp)
Ngày 02 tháng 9 năm 2024, một bản tin về cơn bão có tên quốc tế Yagi đang hoạt động ở vùng biển phía Đông đảo Luzon (Philippines) được phát đi từ Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia. Đến sáng ngày 03 tháng 9 năm 2024, bão đã đi vào biển Đông với cấp 8, giật cấp 11 sau đó liên tục tăng cấp. Chiều ngày 05 tháng 9 năm 2024, Bão Yagi tiến vào biển Đông, tăng cấp 16, giật cấp 17 và trở thành siêu bão số 3 của năm 2024.
Theo đánh giá của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết đây là cơn bão có cường độ mạnh nhất đổ bộ trực tiếp vào nước ta trong 30 năm qua. Những trận gió giật cấp 16 - 17 gây ra sức mạnh tàn phá khủng khiếp, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhà cửa, tàu thuyền, đặc biệt là gây nguy hiểm đến cả tính mạng con người.
1. Toàn cảnh Bão Yagi
1.1. Quá trình hình thành và di chuyển của Bão Yagi
Khó có thể hình dung rằng Bão Yagi lại có thể hoành hành với những đợt tàn phá nặng nề, ngoài sự ước lượng khi xâm nhập vào đất liền, nơi bão Yagi đi qua đã kéo theo những trận cuồng phong đầy giận dữ, sẵn sàng công phá và hủy hoại những gì nằm trong phạm vi tâm bão, những tỉnh thành ảnh hưởng nhiều nhất bao gồm: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Thái Nguyên, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội, Hưng Yên. Các tỉnh Quảng Ninh, Hải Phòng bị mất điện toàn tỉnh, Hải Dương bị mất khoảng 90% phụ tải.
Sự tàn phá của bão Yagi cho thấy các đặc điểm bất thường, đó là: Cơn bão mạnh nhất trong vòng 30 năm qua trên khu vực biển Đông; Là cơn bão có cường độ tăng rất nhanh (trong 24 giờ cường độ bão tăng 8 cấp) và duy trì cấp siêu bão trong thời gian dài, khi đổ bộ vào phía Đông của đảo Hải Nam (Trung Quốc) vẫn còn giữ cường độ siêu bão.
Mức độ giảm cấp trên đường đi không theo quy luật thông thường bởi từ trước đến nay khi đi qua đảo Hải Nam vào vịnh Bắc Bộ, các cơn bão thường suy yếu rất nhanh, nhưng với bão số 3 cường độ không giảm nhanh, khi áp sát bờ biển Quảng Ninh - Hải Phòng vẫn giữ cường độ cấp 12 - 13. Thời gian lưu bão trên đất liền kéo dài tới 12 tiếng.
Trước khi vào Vịnh Bắc Bộ, bão đạt cấp siêu bão (gió cấp 16, giật trên cấp 17), trên Vịnh Bắc Bộ bão vẫn gây gió mạnh cấp 13-14, giật cấp 16-17.
Khi đổ bộ vào đất liền, bão gây gió mạnh cấp 14, giật cấp 17 tại Bãi Cháy (Quảng Ninh), gió mạnh cấp 11-12, giật cấp 14 tại các khu vực ven biển khác.
Về mưa lớn do hoàn lưu của bão số 3 gây ra cũng có những điểm bất thường như: Bão số 3 di chuyển sâu vào đất liền và suy yếu thành áp thấp nhiệt đới ở khu vực phía Tây Bắc Bộ, tuy nhiên, mưa lớn nhất do hoàn lưu bão số 3 chủ yếu ở phía Đông dãy núi Hoàng Liên Sơn dù không nằm trên đường đi của bão, không chịu tác động trực tiếp của gió bão. Hầu hết các cơn bão có quỹ đạo tương tự trước đây thường gây mưa lớn ở phía Tây dãy núi Hoàng Liên Sơn.
Bão số 3 và hoàn lưu sau bão đã gây ra đợt mưa rất lớn, kéo dài liên tục trên diện rộng tại khắp các địa phương khu vực Bắc Bộ. Tổng lượng mưa phổ biến từ 250 - 500 mm, riêng tại các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Yên Bái, Thái Nguyên tổng lượng mưa phổ biến từ 400 - 600 mm, một số nơi trên 700 mm, gây ra đợt lũ lớn tại hầu hết các sông ở Bắc Bộ.
Đặc biệt là tại Lào Cai, Yên Bái lũ sông Hồng, sông Cầu (Thái Nguyên, Bắc Ninh), sông Đáy (Ninh Bình), sông Trà Lý (Thái Bình) đã vượt lũ lịch sử (tại Yên Bái vượt mức lũ lịch sử năm 1968 khoảng 1,31 m).
Lũ trên các sông ở Bắc Giang, Thái Nguyên, Hà Nam, Ninh Bình và hạ lưu sông Hồng đều ở mức rất cao trên báo động số 3 và mực nước sông Hồng tại Hà Nội dưới báo động 3 khoảng 0,2 m (đây là mức lũ cao nhất trong hơn 20 năm qua tại Hà Nội).
Mưa lớn kéo dài cũng gây sạt lở đất, lũ ống, lũ quét tại hầu hết các tỉnh miền núi và trung du Bắc Bộ, nhất là tại các tỉnh Lào Cai, Yên Bái, Cao Bằng,... ngập lụt nghiêm trọng tại các khu vực thấp trũng ở cả miền núi, trung du và đồng bằng Bắc Bộ.
1.2. Những thiệt hại do Bão Yagi
Trong những ngày qua, sau bão Yagi, tang thương lại phủ trùm lên một số bản làng miền Bắc, trong đó có thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh, huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai, nơi sạt lở đất đã vùi lấp 37 hộ dân, cả một thôn gần như bị xoá sổ sau cơn lũ quét kinh hoàng vào sáng ngày 10 tháng 9 năm 2024. Tính đến ngày 15 tháng 9 năm 2024, tổng số người chết và mất tích tại Làng Nủ là 66 người. Người dân cả nước không khỏi đau xót khi nghe thông tin về một lớp mầm non có 18 em thì 10 em mất vì thảm họa lở đất, có em nhỏ nhất mới chỉ 38 ngày tuổi.
Thống kê từ Cục Quản lý đê điều và Phòng, chống thiên tai, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết: Theo báo cáo của các địa phương, tính đến 17 giờ 30 ngày 15 tháng 9 năm 2024, mưa lũ đã làm 330 người chết và mất tích (292 người chết và 38 người mất tích). Trong đó, Lào Cai có 151 người chết và mất tích, Cao Bằng 57 người chết và mất tích, Yên Bái 54 người chết và mất tích, Quảng Ninh có 25 người chết,... Có 1.921 người bị thương, nhiều nhất là Quảng Ninh với 1.609 người.
Số người chết do bão và mưa lũ sau bão số 3 gấp hơn hai lần tổng số người chết do thiên tai năm 2023 (131 người chết). Số người mất tích trong năm 2023 chỉ có 38 người.
Nhiều cửa hàng, trụ sở, trường học bị tốc mái, hư hỏng; Rất nhiều biển hiệu quảng cáo, cột viễn thông, trạm phát sóng di động bị gẫy đổ; Cây xanh đô thị bị thiệt hại, trong đó, khoảng 257.000 căn nhà, 1.300 trường học và nhiều công trình hạ tầng bị sập đổ, hư hại; 305 sự cố đê điều, chủ yếu là các tuyến đê lớn từ cấp 3 trở lên; Trên 262.000 ha lúa, hoa màu, cây ăn quả bị ngập úng, thiệt hại, gẫy đổ; 2.250 lồng bè nuôi trồng thủy sản bị hư hỏng, cuốn trôi; Gần 2,3 triệu gia súc, gia cầm bị chết và gần 310.000 cây xanh đô thị gãy đổ. Một số nơi mất điện, mất nước trên diện rộng, có nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Ước tính sơ bộ chưa đầy đủ, bão Yagi và lũ lụt gây thiệt hại khoảng 1,6 tỉ USD (khoảng 40.000 tỉ đồng).
2. Nguyên nhân gây ra bão lũ, thiên tai
Thiên tai là hiệu ứng của các tai biến thiên nhiên (Natural hazards) như: Động đất, sóng thần, bão, lũ, lụt, núi lửa phun, các cực trị về thời tiết, sạt lở, xói lở, mưa đá, thiên thạch rơi, sấm sét, v.v…
Rủi ro thiên tai (Disaster Risk) là thiệt hại mà thiên tai có thể gây ra về người, tài sản, môi trường, điều kiện sống và hoạt động kinh tế xã hội. Thiệt hại thiên tai gây ra cho con người phụ thuộc vào năng lực phòng chống, khắc phục của con người trước các rủi ro thiên tai, cũng như tính dễ bị tổn thương của đối tượng chịu tác động.
Ba nguyên nhân quan trọng làm gia tăng rủi ro thiên tai theo đánh giá của các chuyên gia Ngân hàng Thế giới gồm: Tác động gia tăng cường độ thiên tai của biến đổi khí hậu; Quy hoạch phát triển yếu kém dẫn đến gia tăng mức độ ảnh hưởng của thiên tai; Sự nghèo đói và suy thoái môi trường làm gia tăng tính tổn thương.
Tác động của biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, thiên tai dị thường, đặc biệt là bão, lũ, sạt lở đất đang là thách thức lớn đối với nhiều quốc gia trên thế giới. Khi rừng đầu nguồn bị chặt phá gây mất khả năng điều tiết nước ở thượng nguồn khi xảy ra mưa lớn, khiến cho cường độ của nước dâng lên cao hơn, lũ đi nhanh hơn. Đây chính là nguyên nhân khiến mưa lũ, lũ lụt nghiêm trọng hơn.
Theo tính toán của các nhà khoa học, các hàng cây với khoảng cách phù hợp sẽ cản được 30% tốc độ gió và có khả năng bảo vệ phạm vi đất đai gấp hơn 2 lần chiều cao của cây. Cây xanh có khả năng rất lớn trong việc chống gió, giữ nước, ngăn xói lở, chống ô nhiễm..., nhưng khả năng tự bảo vệ của chúng lại có hạn, nên chúng cần sự bảo vệ của con người và cũng là cách để rừng bảo vệ chính con người.
Báo cáo của Tổ chức Nông lương Liên Hợp Quốc (FAO) cho thấy, Việt Nam là một trong những quốc gia bị ảnh hưởng nghiêm trọng từ các hiện tượng thiên tai, bão lũ. Một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng này là do nạn chặt phá rừng tràn lan, công tác bảo vệ, quản lý rừng chưa triệt để.
Rừng không chỉ là lá phổi xanh của trái đất, cung cấp nguồn sống cho chúng ta, rừng còn là bức tường thành, lá chắn tự nhiên vô cùng quan trọng che chở con người khỏi thiên tai, hiểm họa. Những đợt thiên tai, lũ lụt, sạt lở đất trên cả nước thời gian gần đây càng cho thấy ý nghĩa và tầm quan trọng của việc bảo vệ rừng.
Nguyên nhân gây ra mất cân bằng sinh thái có thể xuất phát từ nhiều hoạt động khác nhau của con người. Các hoạt động công nghiệp, việc xả thải chất độc hại vào môi trường, và khai thác quá mức các nguồn tài nguyên thiên nhiên là những ví dụ điển hình. Những hậu quả của mất cân bằng này không chỉ làm tổn thương môi trường mà còn đe dọa đến sự an toàn và cuộc sống của con người, trước mắt là sự tác động tàn phá của con người trong nhiều hoạt động gây tác hại đến thiên nhiên như san lấp sông hồ, phá rừng, nhiều hoạt động làm ô nhiễm môi trường gây ra mưa axit, thủng tầng ozone, tăng hiệu ứng nhà kính làm trái đất nóng lên, băng hai cực tan chảy làm nước biển dâng cao… Ô nhiễm môi trường nước sẽ gây ra tình trạng hủy diệt các sinh vật sống trong nước, gây thủy triều đỏ, thiếu nước ngọt cho sinh hoạt, ô nhiễm, cạn kiệt mạch nước ngầm…
Những hậu quả của sự mất cân bằng này không chỉ gây ra những thiên tai như bão lụt hay hạn hán ngắn ngày, mà còn là những thảm họa tồi tệ và không lường trước được như các trận đại hồng thủy, hạn hán kéo dài, động đất và sóng thần, nghiêm trọng hơn là thảm họa thiên tai có thể san bằng hoặc xóa sổ một bản làng hoặc một thành phố. Những biến đổi không bình thường về khí hậu cũng tạo điều kiện cho sự phát triển, lan truyền các loại dịch bệnh và tai họa.
3. Trách nhiệm và tinh thần nhân đạo khi xảy ra thiên tai
3.1. Công tác chỉ đạo khắc phục hậu quả thiên tai của Đảng và Chính phủ
Sáng ngày 15 tháng 9 năm 2024, tại Hội nghị trực tuyến Thường trực Chính phủ với các địa phương bị ảnh hưởng do cơn bão số 3 (Yagi) xoay quanh tình hình hậu quả thiệt hại do cơn bão và hoàn lưu bão gây ra, đưa ra các giải pháp khắc phục hậu quả, hỗ trợ người dân, doanh nghiệp ổn định đời sống, hoạt động sản xuất, kinh doanh sau bão. Với tinh thần “Tất cả vì nhân dân, vì sự phát triển của đất nước”, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các đại biểu tập trung thảo luận, đóng góp ý kiến, đề xuất nhiệm vụ giải pháp khắc phục hậu quả mưa lũ, nhanh chóng ổn định đời sống, khôi phục hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Các phái đoàn lãnh đạo Đảng và Nhà nước đã thăm hỏi, chia buồn sâu sắc đến các gia đình có thân nhân mất do bão lũ; Chỉ đạo các bộ, ngành, cơ quan, địa phương tập trung ứng phó bão từ sớm, từ xa với tinh thần chủ động, quyết liệt, phòng ngừa, ứng phó ở mức cao nhất. Thủ tướng cũng phân công, thành lập các Đoàn do các Phó Thủ tướng Chính phủ trực tiếp đi kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo triển khai công tác ứng phó ở các địa phương...; Quyết định lập Ban Chỉ đạo tiền phương để trực tiếp chỉ đạo ứng phó bão.
Trong bão lũ, đã có hơn 150.000 lượt cán bộ, chiến sĩ công an, cùng hàng chục nghìn trang thiết bị, phương tiện hỗ trợ nhân dân trong công tác phòng chống, ứng phó, cứu nạn, cứu hộ và khắc phục thiệt hại; Hàng nghìn lượt cán bộ, chiến sĩ quân đội, công an, đoàn viên, thanh niên, cộng đồng dân cư kịp thời giúp đỡ, sơ tán, cứu hộ, bảo vệ tính mạng, tài sản của nhân dân; Quân đội đã huy động hàng trăm nghìn cán bộ, chiến sĩ, hơn 10.100 phương tiện các loại, hơn 400 xe đặc chủng, hàng nghìn ô tô, tàu thuyền và 6 máy bay trực thăng… kiểm đếm, hướng dẫn sắp xếp neo đậu tàu, thuyền tại nơi tránh trú an toàn, xử lý kịp thời tình huống có thể xảy ra.
Bên cạnh đó, một số cán bộ đã bị đình chỉ công tác vì không chỉ đạo khắc phục hậu quả bão lũ cho thấy sự khẩn trương, kịp lúc của Đảng và Nhà nước trong công tác khắc phục hậu quả sau thiên tai.
3.2. Tinh thần nhân ái của cộng đồng trong và ngoài nước
Trước những tang thương và mất mát to lớn trong và sau cơn bão Yagi của đồng bào miền Bắc đã cho thấy truyền thống đoàn kết, tương thân tương ái vô cùng to lớn của dân tộc Việt Nam với nhiều hình thức đóng góp bằng hiện vật, hiện kim để giúp những tỉnh thành bị ảnh hưởng do bão lũ được tái thiết lập nhà cửa, nơi ở, bằng tấm lòng “Thương người như thể thương thân”, "Lá lành đùm lá rách", Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã kêu gọi đồng bào và chiến sĩ cả nước quyên góp, ủng hộ cứu trợ cho người dân miền Bắc bị ảnh hưởng bão lụt, tính đến 17 giờ 00 ngày 14 tháng 9 năm 2024, số tiền ủng hộ đồng bào bị ảnh hưởng bởi cơn bão số 3 đã lên tới 1.001 tỷ đồng. Ngoài hiện kim, người dân ở khắp mọi miền đất nước còn đóng góp nhiều hiện vật, nhu yếu phẩm, vận chuyển xuồng phao ra vùng bị thiệt hại.
Không ít người sẵn sàng đóng góp những quỹ tiền dự phòng bản thân cho vùng bão, những em bé nhịn ăn sáng để đóng góp vài chục ngàn đồng, cho thấy trong mỗi con người Việt Nam luôn tràn đầy lòng trắc ẩn, điều đó thể hiện tinh thần nhường cơm xẻ áo như câu ca dao “Nhiễu điều phủ lấy giá gương, người trong một nước phải thương nhau cùng”, trong những lúc ngặt nghèo đã khơi dậy tình thương, lòng chia sẻ và đùm bọc nhau qua những khó khăn hoạn nạn, vốn là truyền thống quý báu từ ngàn xưa của dân tộc Việt Nam.
Bên cạnh các tổ chức chính trị, xã hội, cá nhân quyên góp hỗ trợ đồng bào vùng thiên tai, các cơ sở Tự viện trong và ngoài nước cũng đã phát động nhiều hoạt động đóng góp cứu trợ cho miền Bắc, qua đó thể hiện được tinh thần “Đạo Pháp đồng hành cùng dân tộc”, các cuộc vận động cũng đã nhận được sự hưởng ứng của đông đảo bá tính, phật tử bằng tất cả tấm lòng từ bi, san sẻ.
Ngoài sự hỗ trợ của các tỉnh thành trong nước, Việt Nam cũng nhận được sự quan tâm cứu trợ của một số quốc gia như: Hoa Kỳ hỗ trợ 1 triệu USD; Australia hỗ trợ 3 triệu AUD; Hàn Quốc cam kết viện trợ nhân đạo trị giá 2 triệu USD để giúp người dân Việt Nam khôi phục các khu vực bị thiệt hại do cơn bão Yagi; Nhật Bản đang xem xét viện trợ vật tư qua cơ quan JICA, bao gồm máy lọc nước và tấm bạt nhựa; ASEAN và UNICEF cũng đã triển khai hàng viện trợ thiết yếu như dụng cụ gia đình, nước sạch và vật phẩm vệ sinh đến các vùng bị ảnh hưởng; Các tổ chức khác như UN Women và Đại sứ quán các nước châu Âu đang phối hợp với Việt Nam để xác định các nhu cầu khẩn cấp và phương án hỗ trợ phù hợp.
Thông qua Đơn vị Cứu trợ Nhân đạo Thụy Sĩ, Chính phủ Thụy Sĩ sẽ dành 1 triệu Franc Thụy Sĩ (tương đương 1,2 triệu USD) cho các công tác này, đồng thời gửi chuyên gia và nguồn lực tới tâm điểm của công tác cứu trợ. Một đội ngũ gồm 6 chuyên gia giàu kinh nghiệm về nước và vệ sinh, nơi trú ẩn khẩn cấp và giảm thiểu rủi ro thiên tai đang được điều động sang Việt Nam để hỗ trợ cơ quan chức năng và những người bị ảnh hưởng.
Cùng với đó, Thụy Sĩ sẽ cung cấp các vật dụng thiết yếu, bao gồm 300 lều trại và hệ thống phân phối nước đủ phục vụ 10.000 người. Thụy Sĩ đang phối hợp với Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) để khẩn trương gửi các vật dụng thiết yếu này đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất nhằm cứu trợ tức thì cho những người đang trong tình trạng khẩn cấp.
Lời kết
Thuyết Duyên khởi cho rằng, không có sự vật nào tồn tại và vận hành một cách độc lập, mà mỗi một thực thể tồn tại nhờ sự tương quan với những thực thể khác trong nhiều môi trường sống, vì vậy con người cần phải yêu quý thiên nhiên, bảo vệ môi trường sống lành mạnh cho mình, từ đó mỗi quốc gia cần có những giải pháp, chính sách để bảo vệ thiên nhiên, bởi một khi thiên nhiên bị tàn phá cũng sẽ dẫn theo vô số thay đổi bất lợi, gây ra những hậu quả nặng nề về khí hậu, địa chất, từ đó con người sẽ gánh chịu những cơn “nổi giận” của thiên nhiên, khi đó chúng ta mới nhận ra rằng con người thật ra chỉ là một thực thể vô cùng bé nhỏ đang sống và chịu sự vận hành theo quy luật của vũ trụ mà đôi khi chúng ta lầm tưởng có thể thay đổi thiên nhiên theo ý muốn của mình, thực chất điều đó dường như là không thể bởi vũ trụ vốn bao la và bí ẩn mà khoa học lẫn thế giới tâm linh vẫn chưa thể nào can thiệp và giải thích tận tường.
Những gì thiên nhiên diễn ra vẫn nằm ngoài khả năng dự đoán giới hạn của con người và chúng ta chưa thể nào lường hết được. Ngày nay, chúng ta đang gánh chịu những hậu quả từ thiên tai, bão lũ, dịch bệnh bởi nhiều nguyên nhân, đa số đều do con người làm mất cân bằng hệ sinh thái. Nếu con người vẫn đối xử một cách tàn bạo, vô cảm với thiên nhiên thì con người sẽ phải đón nhận rất nhiều hậu quả xấu, vì thế, để góp phần hạn chế và khắc phục những hậu quả thảm khốc do thiên nhiên mang lại, mỗi người chúng ta cần phải có ý thức giữ gìn, bảo vệ, tôn tạo và phát triển môi trường tự nhiên ngày càng trong xanh, sạch đẹp. Đây không chỉ là ý thức từng người mà còn là định hướng lâu dài, mang tầm nhìn chiến lược của các chuyên gia, các nhà nghiên cứu trên thế giới, làm sao để có thể giữ cho trái đất, hành tinh này được trong lành, hệ sinh thái được cân bằng, đảm bảo vạn vật được sống và phát triển tự nhiên, có thể cải thiện được những “vết thương” mà môi trường sinh thái, vạn vật trong bầu khí quyển đang mắc phải, khi đó, con người mới có thể giảm thiểu những cơn cuồng nộ do thiên nhiên mang lại.
Ở phương diện Phật giáo, các tăng, ni, phật tử đều thống nhất quan điểm và thấu hiểu ý nghĩa của việc bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu, đây được coi là một nhân tố quan trọng đảm bảo an sinh xã hội và sự phát triển bền vững môi trường.
Qua câu chuyện về cơn bão Yagi đã cho chúng ta nhìn thấy những giá trị của thiên nhiên và môi trường đối với đời sống con người, vai trò của con người với thiên nhiên và những câu chuyện về tình người dành cho nhau trong thiên tai, dịch bệnh. Để từ đó mỗi người tự rèn luyện cho mình một ý thức trong đời sống hằng ngày, gieo thói quen biết trân quý không gian xanh cho mình cũng là cho nhân loại.
Trân trọng những tấm lòng nhân ái, chia sẻ những đau thương mất mát giữa người với người bằng tâm từ bi, không phân biệt người trong hay ngoài nước, không phân biệt sắc tộc quốc gia, tôn giáo. Đó chính là những giá trị nhân văn sâu sắc mang tính nhân đạo, đánh thức ý thức trách nhiệm, tình cảm của con người giữa đời sống vốn bị xem là ngày càng khoa học hóa.
Võ Đào Phương Trâm (Tổng hợp)
Bình luận (0)