Trưởng lão Thích Thông Lạc Trích: Mười hai cửa vào đạo

Sa môn là dịch âm tiếng Phạn Ấn Độ của người Trung Hoa. Sa môn với tiếng Việt chỉ một vị tu sĩ đã thọ đầy đủ giới luật của Phật giáo.

Tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ còn một số ít mới xứng đáng gọi là tu sĩ, còn phần đông thì phạm giới, phá giới, có vị còn có vợ con rất tự nhiên, xem thiên hạ chẳng ai biết gì về Phật giáo cả. Hầu hết các trong chùa Phật giáo cổ truyền nhiều thầy có vợ con sống tại chùa như một gia đình.

Chúng ta hãy đọc lời xác định của đức Phật với một vị tu sĩ Phật giáo phải như thế nào mới gọi là một vị tu sĩ Phật giáo: “Sa môn là một người xa lìa ân ái, xuất gia tu hành, chế ngự các căn, không nhiễm ái dục, có lòng thương xót tất cả mọi người, không làm thương tổn và giết hại chúng sinh, gặp khổ không phiền, gặp vui không mừng, nhẫn nại tâm như đất” (Trường A Hàm tập I trang 56). Đó, lời dạy rõ ràng như vậy mà tu sĩ thời nay xem thường những lời tâm huyết này của đức Phật.

Một vị tu sĩ Phật giáo theo như lời đức Phật dạy có 9 điều cần ghi nhớ:

1- Xa lìa ân ái. 2- Cạo bỏ râu tóc đắp áo cà sa. 3- Chế ngự các căn. 4- Không nhiễm ái dục. 5- Có lòng thương xót tất cả mọi người. 6- Không làm thương tổn và giết hại chúng sinh. 7- Gặp khổ không phiền. 8- Gặp vui không mừng. 9- Nhẫn nại tâm như đất.

Một tu sĩ Phật giáo phải sống đúng 9 điều Phạm hạnh mà đức Phật đã nêu ra thì mới xứng đáng là một tu sĩ Phật giáo, còn sống không đúng thì không xứng đáng làm tu sĩ.

Cho nên, căn cứ vào 9 điều trên đây mà chúng ta biết ngay người nào là tu sĩ Phật giáo và người nào không phải là tu sĩ Phật giáo. Không phải là tu sĩ Phật giáo thì họ chỉ là cư sĩ trọc đầu.

Xét 9 điều trên đây tu sĩ Phật giáo hiện giờ chỉ là cư sĩ trọc đầu mà thôi. Nhìn thấy tu sĩ Phật giáo hiện giờ số lượng thì đông nhưng mà chất lượng tu hành chẳng có gì cả, thật là đau lòng xót dạ cho Giáo Hội Phật Giáo hiện giờ.

Trưởng lão Thích Thông Lạc Trích: Mười hai cửa vào đạo