Tác giả: Vĩnh Hảo

Quán niệm về nhân duyên hình thành đời sống chúng ta, hình thành con người xã hội, hình thành đất nước, và hình thành thế gian. Tất cả cuộc hình thành này đều từ nhân duyên.

- Từ nhân duyên luyến ái, hòa hợp, cha mẹ đã sinh ra, nuôi nấng, dạy dỗ chúng ta. Dù việc sinh thành chúng ta mang mục đích và ý nghĩa nào, và dù cha mẹ có thương yêu hay không thương yêu chúng ta, ơn sinh thành dưỡng dục ảnh hưởng cả cuộc đời chúng ta vẫn là điều cần ghi nhớ.

- Từ nhu cầu hiểu biết, nhu cầu tâm linh, chúng ta được hướng dẫn, giáo dục bởi những vị thầy trong học đường (dạy chữ, dạy nghề) hay trong tôn giáo (dạy giáo lý, đạo đức căn bản), để có tri thức và kinh nghiệm mà bước vào cuộc sống xã hội. Hành trang mà chúng ta được trang bị để đi vào cuộc đời một cách vững chắc chính là nhờ những vị thầy ấy. Ơn giáo dục ảnh hưởng cả cuộc đời chúng ta vẫn là điều cần ghi nhớ.

Nguồn: st
Nguồn: st

- Cuộc sống trật tự, ổn định và an bình mà chúng ta được hưởng hôm nay là từ các định chế xã hội, định chế quốc gia, trải bao triều đại và thể chế chính trị, đã thiết lập, chỉnh đốn, sao cho phù hợp với ý nguyện số đông và hoàn cảnh làng nước. Tất nhiên không có một định chế nào được hoàn bị để thỏa mãn tất cả mọi người dân, nhưng gầy dựng một trật tự qui ước từ trung ương đến hạ tầng cơ sở là cả một công trình, một bề dày kinh nghiệm của máu xương mà cha ông chúng ta để lại. Nhờ trật tự và an sinh xã hội của quốc gia mà cuộc sống thường nhật của chúng ta được ổn định, ngăn nắp, an tâm trong những năm dài cuộc đời. Ơn này không thể nào quên.

- Tất cả những ơn nói trên (cha mẹ, thầy dạy, làng nước) là những ơn mà chúng ta trực tiếp thọ nhận, hoặc hệ thuộc như là một thành phần trong tổng thể đời sống. Nhìn sâu hơn, chúng ta còn gián tiếp hàm ơn tất cả những con người, động vật, thực vật, xã hội, quốc gia, đại lục, hành tinh… dù gần hay xa. Qua đó, tất cả đều có một liên hệ nào đó, chằng chịt, đan xen, giữa nơi này với nơi kia, dù ở hàng xóm hay cách xa mấy đại dương, vẫn tương quan, tương hệ trùng trùng.

Cụ thể, một cây tre ở làng mạc Việt Nam có thể hóa thân thành bó đũa ở châu Âu; một cây bông vải ở châu Phi có thể hiện hữu nơi chiếc áo bán tại châu Á… Dù những con người và vật chúng ta hàm ơn hay thọ dụng không hề nhận thức đã trao tặng chúng ta bó đũa, áo quần, cái ơn gián tiếp đi vào cuộc sống thường nhật của chúng ta vẫn là điều cần ghi nhớ.

Thi ân không cần nhớ; thọ ân chớ nên quên(1). Đó là hành xử đạo đức nền tảng của người xưa. Nhưng hành xử đẹp, phong nhã, lịch thiệp, quang minh như vậy thì không bao giờ lỗi thời; có thể áp dụng cho mọi thời đại, mọi xứ sở, và áp dụng hàng ngày như là tinh thần cốt lõi của Vu Lan.

Làm ơn mà cứ nhắc, cứ kể lể mãi thì chẳng khác gì mong cầu sự đền đáp. Không quên những ơn nặng của cuộc đời chính là tâm xử của người hiền thiện, luôn nghĩ đến lợi ích tha nhân.

Quán niệm mùa Vu Lan không phải chỉ nhớ ân cha mẹ, không phải chỉ cài hoa hồng hoa trắng tưởng nhớ mẹ, mà nên là dịp để nhớ đến bốn ân nặng của cuộc đời(2); nhớ tưởng sâu sắc thì sẽ dẫn đến hành động báo đền.

Tùy theo hoàn cảnh, điều kiện, nếu không thể trực tiếp báo ân thì nên vì bốn ân nặng mà hết lòng làm những việc lành, tránh làm điều gì gây tổn hại đến đồng loại và chúng sinh; công dân của đất nước (tự do, dân chủ) phải có trách nhiệm tuân thủ luật pháp, bảo vệ hiến pháp, đóng thuế, sử dụng lá phiếu để chọn người lãnh đạo và chính sách thực sự ích quốc lợi dân; công dân của hành tinh cần tích cực góp sức chống nghèo, cứu đói, cứu trợ thiên tai, bảo vệ nhân quyền, bảo vệ môi trường xanh cho trái đất như bảo vệ chính cuộc sống của mình, của gia đình, xã hội, và làng nước.

Thường xuyên quán niệm như vậy thì tinh thần giải trừ trói buộc(3) và báo ân của Vu Lan sẽ chan hòa, phổ cập trong đời sống hàng ngày của chúng ta.

Tác giả: Vĩnh Hảo

***

(1) “Thí huệ vô niệm, thọ ân mạc vong,” theo Wikisource tiếng Trung thì được trích từ Chu Tử Gia Huấn (còn gọi là Chu Tử Trị Gia Cách Ngôn) của Chu Dụng Thuần (1617-1688). Sách Phật cũng nói “Thi ân bất cầu báo, dữ nhân bất tri hối” (Làm ơn không cần báo đáp, đã cho người khác rồi thì đừng nghĩ lại rồi hối tiếc) là cùng ý nghĩa này.

(2) Tứ trọng ân: ân cha mẹ, thầy dạy, quốc gia và chúng sinh (tùy theo bối cảnh, thời đại và phong tục của từng xứ sở mà có sự trình bày bốn ơn này khác nhau; chẳng hạn có kinh Phật nói bốn ơn nặng là ân Cha mẹ, Tam bảo, Quốc vương và Đàn-na).

(3) Giải đảo huyền: dịch ý kinh Vu-lan-bồn (Sanskrit: Ullambana), là cởi trói, cứu vớt người khổ nạn (bị treo ngược, hành hạ) nơi cõi âm; có thể suy diễn là thực hiện ban vui cứu khổ đến tất cả chúng sinh trên đời.