Nguồn: Báo Thanh Niên
Thông bạch của Giáo hội Phật giáo VN (GHPGVN) về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2024 trong đó có lưu ý mới như: Tránh tổ chức thu tiền mua lễ, thực hiện các nghi lễ không phù hợp và không đốt vàng mã. Vậy ý nghĩa của những lưu ý này là gì?
Trưởng lão Hòa thượng Thích Thiện Chơn, Chủ tịch Hội đồng Trị sự GHPGVN ấn ký thông bạch gửi đến Ban, Viện T.Ư, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố, Tăng ni, Phật tử các chùa, cơ sở tự viện về việc tổ chức Đại lễ Vu lan báo hiếu năm 2024.
"Lưu ý trong khâu tổ chức mua sắm lễ, tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh, thực hiện các nghi lễ không phù hợp với chính pháp và nghi lễ truyền thống, không đốt vàng mã. Nên thực hiện các việc làm từ thiện thiết thực cứu giúp người có hoàn cảnh khó khăn để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên và cha mẹ, thực hiện tốt công tác PCCC", thông bạch nêu rõ.
Chia sẻ với Thanh Niên, ni sư Như Trí, trụ trì chùa Diệu Giác (TP.Thủ Đức, TP.HCM) cho hay, từ trước đến nay ở chùa Diệu Giác không thực hiện việc đốt vàng mã. Những người ở chùa cũng thường xuyên nhắc phật tử, người dân không đốt vàng mã khi đến chùa thắp nhang, cầu nguyện.
"Thời gian gần đây thường xuyên xảy ra các vụ cháy nhà nên chúng tôi cũng nhắc nhở mọi người đến chùa không đốt vàng mã để đảm bảo an toàn, hạn chế cháy nổ. Hơn nữa việc đốt vàng mã cũng không phải là nghi thức có trong Phật giáo", ni sư Như Trí chia sẻ.
Dù không phải là nghi thức có trong Phật giáo nhưng việc đốt vàng mã được nhiều người thực hiện từ xưa đến nay. Ở thời điểm hiện tại việc không đốt vàng mã sẽ tiết kiệm và tránh gây ra những vụ hỏa hoạn. Vì vậy, vị trụ trì muốn hướng đến việc mọi người không nên đốt vàng mã, hướng đến những việc làm thiện nguyện.
Không những vào Đại lễ Vu lan mà những ngày thường ở các chùa cũng thường xuyên có những hoạt động thiện nguyện. Vào mùa Vu lan ngoài việc báo hiếu cha mẹ, vị trụ trì cũng muốn mọi người hướng đến những việc thiện, giúp người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để họ được yêu thương, chia sẻ.
"Con cháu trong gia đình nếu có điều kiện có thể hướng đến việc thiện và cầu cho cha mẹ được mạnh khỏe, bình an. Ở chùa Diệu Giác, chúng tôi cũng làm việc thiện 40 năm nay, vô tình trở thành truyền thống nhưng không kêu gọi ai quyên góp. Mùa Vu lan năm nay cũng rất nhiều người thất nghiệp, khó khăn nên chúng tôi cũng lo lắng đến việc tặng gạo, động viên đến mọi người. Chúng tôi cũng rất hoan nghênh mọi người cùng chùa thực hiện những điều thiện nguyện để chuyển hóa thành nghiệp thiện lành báo hiếu tổ tiên, cha mẹ", ni sư Như Trí bày tỏ.
Còn về việc tránh tổ chức thu tiền mua lễ mang hình thức dịch vụ tâm linh, nữ trụ trì hoàn toàn đồng tình và từ trước đến nay ở chùa Diệu Giác cũng không xảy ra chuyện này. Ni sư đi tu từ lúc 16 tuổi ở một ngôi chùa ở Huế cũng không có việc đặt lễ bằng tiền hay thu tiền mua lễ.
"Ai có trái sẽ cúng trái, ai có bánh sẽ cúng bánh còn không sẽ đến cúng không. Đó là truyền thống từ trước đến nay của ngôi chùa tôi sinh hoạt ở Huế. Từ năm 1972 khi tôi về chùa Diệu Giác, lễ cúng cũng được thực hiện như vậy. Ở đây chúng tôi không cúng sao hay đặt lễ, không báo với mọi người mỗi lần cúng lễ bao nhiêu tiền. Nếu có ai muốn cúng cơm, chúng tôi cũng chỉ đặt vừa đủ một mâm nhỏ có vài món đơn giản", trụ trì chùa Diệu Giác chia sẻ.
Với truyền thống văn hóa hiếu nghĩa, uống nước nhớ nguồn của dân tộc và tín ngưỡng tâm linh thờ cúng tổ tiên của người Việt Nam, mùa Vu lan, báo hiếu đã trở thành nét văn hóa truyền thống hàng ngàn năm của dân tộc Việt Nam. Đây là thời gian để mọi người báo hiếu với cha mẹ, ông bà và những người thân yêu. Đồng thời cũng là thời gian tưởng nhớ, tri ân tổ tiên, anh hùng dân tộc, anh hùng liệt sỹ, cửu huyền thất tổ của người Việt Nam.
Nguồn: Báo Thanh Niên
Bình luận (0)