Mùa Vu Lan lại về, mong những ai còn cha mẹ để cài một đóa hoa hồng trên ngực áo hãy biết trân trọng màu hoa hồng đỏ, để những đấng sinh thành không cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà thiếu bóng người thân.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Ngày đầu tháng 7, tôi có một cuộc hẹn khá đặc biệt.
Buổi sáng dậy sớm, sau khi vệ sinh cá nhân, tôi thay vội một cái áo thun và quần vải rộng, rồi mở hộc tủ lấy quyển sổ bìa đen, cây bút nước và cái điện thoại bỏ vào giỏ xách, những thứ vật bất ly thân của người mang nghiệp viết lách. Tôi leo lên chiếc xe đạp điện quen thuộc để chạy đến nơi đã hẹn. Bước vào cánh cổng vẫn còn khép hờ vì chưa đến giờ làm việc. Tôi nhẹ nhàng xuống xe dẫn bộ vào khuôn viên thanh vắng tĩnh lặng, nơi tôi có cuộc hẹn sáng nay, một Viện Dưỡng lão.
Sau khi được một anh bảo vệ hướng dẫn ngồi ở ghế chờ, tôi quan sát thấy có hai nhân viên đang ngồi ăn sáng và trò chuyện cùng nhau, họ nói với tôi là 7 giờ 30 phút mới bắt đầu làm việc. Vậy là tôi còn chờ khoảng hơn 20 phút nữa. Ngồi ở ghế đá, 20 phút trôi qua vẫn kịp để tôi quan sát một vòng của Viện, trông cũng rất khang trang, sạch sẽ và hiện đại với khoảng sân tương đối, những mảng gạch ốp đẹp đẽ, sáng sủa, sảnh ra vào được quét dọn tinh tươm, chỉ hơi tiếc là không có cây xanh nên trông không gian thiêu thiếu cảm giác mát mẻ cần thiết với người già.
Nhiều người ra vào nhưng tôi cũng không biết họ là ai, người tôi hẹn gặp cũng chẳng biết mặt mũi ra sao, tất cả chỉ là một cuộc liên hệ trao đổi qua điện thoại, và tôi được sự đồng ý, thế là tôi đến. 7 giờ 30 sáng, một chiếc xe ô tô chạy vào cổng, một người đàn ông bước xuống xe, tiến lại gần và cất giọng hỏi:
- Em là Trâm phải không?! - Dạ đúng rồi ạ! - Rồi đi theo anh.
Người đàn ông nhanh nhẹn bước vào phía bên trong khu vực sảnh lễ tân. Tôi vội vàng bước theo. Sau khi được hướng dẫn vị trí để đồ đạc, thay dép cá nhân, tôi đi theo người đàn ông mà tôi đoán là người đã trò chuyện qua điện thoại, có thể là Giám đốc của Viện.
- Đây là khu vực ở của các cụ. Sáng nay các cụ chuẩn bị ăn sáng.
Tôi nhìn quanh một lượt, lòng tôi tự nhiên lạc lõng và hụt hẫng, một cảm giác trì nặng chạy dọc sống lưng khi đập vào mắt tôi là hình ảnh những người già trên chiếc xe lăn, ánh mắt họ đờ đẫn, chuyển sang màu đùn đục, những cái môi móm mém không thể khép chặt, lúc nào cũng hở ra trên cái cằm nhăn nheo, gương mặt như vô hồn, thờ thẫn, hầu như đa số họ đều ngồi trên xe lăn, có vài cụ còn khỏe một chút thì ngồi trên ghế, phía trước mặt là một cái bàn nhôm dài, đặt trên đó những chiếc bánh giò còn nóng ấm.
Những cô chăm sóc viên thay phiên nhau đúc cho các cụ ăn bữa ăn sáng. Họ nhai móm mém theo lời động viên của các cô: "Ông ăn ngoan nha, bà ăn thêm chút nữa nha!". Nhưng không phải cụ nào cũng ăn một cách dễ dàng vì tuổi cao, răng không còn, sức khỏe sụt giảm mà quan trọng là tâm hồn họ dường như cằn cỗi đi nhiều, nét nặng nề hiện rõ trên gương mặt, hình như đó là sự chịu đựng, bí bách, gò bó thật nhiều.
Tôi để ý thấy có những cụ không chịu ăn, cô chăm sóc viên đút muỗng nào thì ngậm muỗng đó, thức ăn cứ đầy trong miệng. Có cụ thì ăn một chút là sặc, là nghẹn, các cô chăm sóc viên phải vuốt lưng, cho uống nước liên hồi. Do diện tích bị hạn chế nên cái đường đi nhỏ nhỏ gần 2 mét là nơi để các cụ ngồi ăn sáng, ăn trưa. Tôi quan sát suốt cả buổi ăn mà vẫn không tìm thấy một nụ cười nào trên gương mặt các cụ. Nụ cười, niềm vui, lời trò chuyện hầu như là điều gì đó rất khó khăn, hiếm gặp ở nơi đây.
Tôi đến phía một cô chăm sóc viên rồi hỏi nhỏ: "Có cần chị phụ gì không em?". Cô bé tưởng tôi là nhân viên mới nên nhờ tôi đút cho vài cụ ăn. Rồi các cô lại tất tả chạy đi chạy lại, phòng này đến phòng nọ để rót nước, đưa thuốc định kỳ cho các cụ.
Tôi thận trọng đút cho các cụ ăn từng muỗng nhỏ vì sợ nghẹn rồi kiểm tra thức ăn trong miệng các cụ đã còn hay hết. Tôi cũng tất bật theo guồng quay để kịp cho xong bữa sáng. Có cụ ăn không bao nhiêu thì đã bị nôn ói đầy cả sàn nhà, và tôi vội vã đi tìm dụng cụ để lau dọn mớ "sản phẩm" nhầy nhụa không mấy dễ chịu. Sáng nay chỉ có 2 cô chăm sóc nên không làm kịp, tôi thấy các cô bận bịu quá nên phải làm thay.
Cảm giác mùi nôn ói xộc lên mũi dù tôi đeo hai lớp khẩu trang, nhưng mùi thức ăn lẫn bệnh người già làm tôi có cảm giác nhờn nhợn ở cổ, nhưng rồi tôi tự nhủ: "Ai rồi cũng phải già, cũng sẽ có ngày này!" nên tôi cẩn thận lau dọn đến khi cái sàn sạch sẽ. Tôi lấy cái khăn lau mặt, lau miệng cho ông cụ, gương mặt ông không thể hiện điều gì để biết là ông có khó chịu hay không, có vui buồn hay đau ốm gì không, những gì đáp lại từ ông cụ chỉ là một thân thể nặng nề, gương mặt vô hồn với đôi mắt nhìn xuống phía dưới chân.
Trong đầu tôi bỗng hiện lên hình ảnh của Mẹ ở nhà, may mắn là Mẹ vẫn còn khỏe mạnh nhưng nhìn ông cụ, tự dưng nó thương Mẹ đến chảy nước mắt! Mẹ cũng già rồi! Sau khi đút cho một cụ bà ăn được nửa cái bánh giò thì bà không ăn nữa dù có năn nỉ cỡ nào.
Tôi dọn dẹp phần dư thừa rồi vào bên phòng, nơi các cụ bị bệnh nặng không thể ngồi dậy ra ngoài, tôi tiếp tục đút thức ăn cho các cụ trên giường bệnh. Vừa đút vừa xoa bóp tay chân vì các cụ không thể cử động được, có những cụ bệnh nặng quá, việc vệ sinh cá nhân thường xuyên nên không thể mặc áo quần, nằm thanh thiên bạch nhật, nhìn những hình ảnh đó, tôi chua chát nghĩ về tuổi già, nghĩ về sự luân hồi "sinh lão, bệnh tử" đầy khắc nghiệt, thời gian thật là tàn nhẫn.
Bữa ăn sáng kết thúc cũng là lúc gần 9 giờ. Tôi ra ngoài sảnh nghỉ ngơi một chút. Khoảng 5 phút sau, tôi quay trở vào bên trong thì đến giờ tắm rửa, vệ sinh cho các cụ. Tôi lại tiếp tục xắn tay vào hỗ trợ các cô chăm sóc viên, có đi tiếp cận thực tế như thế này mới thấy các cô vất vả thế nào, đúng là "Trời sinh mỗi người một việc, công việc nó tìm đến con người để rồi người ta phải gắn bó với nó như cái duyên cái nợ".
Công việc của các cô chăm sóc viên đúng là không có phút nào nghỉ tay, không có thời gian nào để ngồi thư giãn được cái chân. Khu vực ngoài sảnh chỉ để vài cái ghế tiếp khách, còn khu vực bên trong thì chỉ có giường nằm của người già và một dãy đường đi để các cụ ngồi trên xe lăn.
Tôi không hề nói quá khi các cô chăm sóc viên không có một giây nào để ngồi xuống nghỉ ngơi, vừa cho các cụ ăn sáng, uống sữa, uống thuốc thì bắt đầu đến giờ vệ sinh tắm rửa, tắm xong cho tất cả các cụ là đến giờ ăn cơm trưa, ăn trưa xong thì đến giờ thăm khám của bác sĩ, rồi lại đến ăn chiều, trong suốt thời gian đó còn phải lo cho các cụ đi vệ sinh liên tục.
Tôi phụ một cô lau mình cho bà cụ vừa tắm xong. Nhiều cụ ngồi xe lăn do tai biến, không thể tự đứng dậy, các cô một mình phải dìu đỡ, vừa thay tã lót, mặc quần áo, tự một mình làm tất cả, tôi tự nhủ: “Họ bận bịu như vậy, công việc cơ bản còn làm không kịp thì lấy đâu ra thời gian để mà lắng nghe, chia sẻ cùng các cụ!”
Sau khi phụ các cô tắm rửa vệ sinh cho các cụ xong, tôi hỏi các cô làm gì tiếp theo!? Thì một cô nhân viên nói với tôi là sẽ đi lau nhà. Khi đó tôi nói để tôi lau giúp, cô nhân viên có vẻ ái ngại, cô cứ hỏi tôi mấy lần:
- Chị có lau được không? - Chị lau được.
Đến khi cô bé chỉ cái xe lau nhà, tôi hơi bối rối vì nó quá to, lần đầu tiên tôi thấy một cái xe lau nhà phức tạp và bề thế như vậy! trên xe vừa có xô nước, rổ vắt nước, ngăn để xà phòng, nước sát khuẩn, thuốc sát trùng, một cái xe 3 tầng chỉ để lau nhà thì thật sự rất nặng và cồng kềnh so với một đứa ốm yếu như tôi. Sau khi lau cái phòng đầu tiên, tôi bắt đầu thở dốc, nhưng còn đến 3 cái phòng nữa. Tôi không biết có lau nổi hết không nhưng tôi nghĩ: "Hôm nay là ngày mình đi làm thiện nguyện, dù có mệt cũng phải cố gắng!".
Ba cái phòng đầu tiên không quá rộng và tôi lau cũng nhanh chóng, không đến nỗi vô phương. Vừa lau nhà, tôi vừa quan sát các cụ, họ nhìn tôi bằng cặp mắt chằm chằm, nhưng đó là những ánh nhìn rất vô hồn trên những gương mặt không có nụ cười, không có một biểu cảm vui buồn, từ đầu đến cuối, chỉ có sự im lặng bao trùm cả dãy phòng.
Đến căn phòng cuối cùng. Tôi bước vào, theo phản xạ, tôi né được một vũng nước chảy dài từ bên trong ra đến bên ngoài. Khi vào bên trong phòng rồi, nhìn kỹ lại, tôi mới biết là nước tiểu, cảm giác hoang mang tiếp theo khi tôi thấy những vệt phân vương vãi trên nền nhà do các cụ mới đi vệ sinh, người dọn vệ sinh chưa lau chùi kịp. Thế là tôi nhấc lấy cây lau nhà, vội vàng lau dọn, khử trùng cho sạch sẽ, sau khi xong cả bốn căn phòng, tôi kéo chiếc xe ra ngoài. Lúc này, người đàn ông lúc nãy đứng sau lưng, gọi nó:
- Em để đó đi, em đi lên đây.
Tôi lại lẽo đẽo đi theo ông, ông bước vào thang máy, đi lên lầu ba rồi dẫn tôi vào một cái phòng họp sang trọng và bày trí hiện đại. Trong đó có một cô bé mặc áo thun trắng quần jean ngồi sẵn, nhìn rất trẻ trung năng động. Lúc này, tôi mới biết chắc rằng người đàn ông này là Giám đốc của Viện.
Hơn mười phút, ông chia sẻ với tôi và cô trợ lý những hoài bão, những điều đẹp đẽ mà ông mong muốn làm cho những người già nơi này để họ có một không gian sống yên bình, hạnh phúc, để Viện dưỡng lão không phải là nơi ngột ngạt khi gia đình đem các cụ đến đây, để trong thâm tâm các cụ, Viện dưỡng lão không còn là một cái nhà tù cô đơn khi không có người thân bên cạnh.
Khi quay trở xuống tầng trệt. Tôi lấy quyển sổ và ghi chép lại những cảm nhận đã thu nạp được trong suốt buổi sáng, trong lúc ngồi viết, tôi nhìn sang cái bàn bên cạnh thì thấy một ông cụ đang ngồi trên ghế xem tivi trước sảnh, hình như ông là người duy nhất tôi thấy còn có vẻ hồng hào, minh mẫn. Tôi tiến lại gần, ngồi xuống và chào ông, tôi nắm tay ông và ông cũng siết chặt tay tôi. Gương mặt, ánh mắt ông khẽ mỉm cười. Ông vẫn giữ tay tôi vì hình như ở nơi này, người già không có cơ hội để tiếp xúc gần gũi và nhận được những cử chỉ quan tâm từ ai khác.
Cả viện này, hình như ông bà nào cũng có chung dáng vẻ lầm lũi, nặng nề và gương mặt với một biểu cảm duy nhất như nhau bởi họ không có khoảng không gian nào khác ngoài chiếc xe lăn trong con đường hẹp hay nằm một chỗ trên giường bệnh, đến giờ ăn thì xếp hàng ra ăn, rồi xếp hàng đi tắm, xong rồi đi ngủ, người già ở Viện dưỡng lão cứ như một cỗ máy công nghiệp bởi có lẽ họ cũng không còn đủ sức khỏe, minh mẫn và cũng không đủ không gian, thời gian để làm thêm điều gì khác.
Ông cụ vẫn nắm tay tôi, lúc này, tôi mới hỏi:
- Ông bao nhiêu tuổi rồi ạ?!
Nhưng hình như ông không nghe rõ, tôi kê sát tai ông hỏi lại lần nữa, lúc này ông mới nói gì đó lí nhí trong miệng mà tôi không thể nào nghe được, rồi ông giơ tay vẽ vẽ gì đó, tôi đoán là ông bị di chứng của tai biến nhẹ nên cách phát âm không được bình thường. Nhưng tôi cũng gật đầu, ra vẻ như hiểu được lời ông nói, rồi ông lấy cuốn sổ trước mặt tôi, cầm lên, ông nói gì đó rất nhiều, có tiếng tôi nghe được, tiếng thì không dù tôi cố hết sức để lắng nghe nhưng cũng không thể hiểu trọn vẹn ông đã nói những gì.
Nhưng xâu chuỗi lại, tôi loáng thoáng đoán là ông đang kể về câu chuyện ai đó cãi lời ông, bán ngôi nhà rồi đưa ông vào nơi đây. Ông say sưa kể, gương mặt bắt đầu có những biểu cảm từ cái nhếch môi ấm ức, những cái lắc đầu không thỏa hiệp, tôi nghĩ hình như ông chưa kể điều này với ai từ khi bước chân vô Viện dưỡng lão này.
Hơn hai mươi phút trôi qua, vị giám đốc nói với tôi là đến giờ ăn trưa, lúc này, tôi mới dẫn ông cụ vào bên trong. Khi đó tôi có thể đi ra ngoài để nghỉ ngơi, ra về hoặc làm công việc của mình nhưng tôi vẫn ở lại trong lối đi nhỏ, nơi mà các cụ đã ngồi sẵn, những chiếc bàn ăn đã được bày ra, một chiếc xe đẩy chở cơm, thức ăn đã được để sẵn.
Tôi phụ xới cơm cho một bé đứng gắp thức ăn ra từng khay, những mảng cơm nhão nhoét bết chặt vào chiếc giá múc khiến tôi bỏ cơm ra một cách khá khó khăn. Có lẽ vì chưa quen với công việc này nên tôi làm cái gì cũng có phần lúng túng. Sau khi phân chia đầy đủ, tôi phụ các bạn chăm sóc viên đem cơm đến cho các cụ rồi đút cho các cụ ăn như lúc sáng.
Trong suốt buổi ăn, có cụ có thể ăn cơm, có cụ thì chỉ ăn được cháo xay nhuyễn, có cụ thì tự ăn còn có cụ thì phải có người đút. Một chị tạp vụ nhờ tôi đút cho bà cụ đã trên 80 tuổi, tôi để ý thấy cụ không ăn mà chỉ ngậm thức ăn trong miệng rồi để đó, tôi không dám đút nhiều mà chỉ cho cụ uống nước canh. Tôi cứ nơm nớp lo khi thấy cô chăm sóc viên cứ đút cơm cho cụ vì không biết làm sao cụ nhai và nuốt được.
Đồng hồ điểm canh trưa, mọi người vẫn còn bận rộn lo cho bữa ăn của các cụ. Chưa ai được nghỉ tay, tôi cũng cặm cụi đút từng muỗng cơm rồi quay sang cụ bà kế bên để đút muỗng cháo. Các cụ mang hội chứng người già, cứ ăn một chút là sặc sụa, tôi phải đến vỗ lưng, vuốt ngực liên hồi.
- Sao ông không ăn mà hất đổ vậy?!
Tiếng cô chăm sóc viên nói lớn. Tôi quay đầu nhìn qua thì thấy cô gái trẻ đang loay hoay dọn dẹp đống thức ăn vương vãi trên nền nhà. Đập vào mắt tôi vẫn là ánh mắt nhìn chằm chằm một cách vô hồn của ông cụ. Sáng nay cũng vậy, ông cũng hất đổ thức ăn, tôi có linh cảm, dường như bữa ăn đối với ông là điều gì đó thật nặng nề, vì nó không ấm cúng, vì nó cứ diễn ra như một bữa ăn công nghiệp, thiếu vắng tình thương, không đủ sum họp của một gia đình hay vì ông đang trách giận một ai, nỗi trách giận đó nhen nhúm lâu ngày rồi biến thành hành động không kiềm chế được.
Tự nhiên tôi đứng thẫn thờ, lòng chùn xuống, nghe nặng còn hơn cả khi tôi đẩy chiếc xe lau nhà ba tầng kệch cỡm. Khi nhìn bảng giá chi phí, tôi nhận ra, người già ở đây đều có gia đình, có con cái vì hàng tháng các cụ già đều có người chi trả số tiền không ít để gửi các ông bà ở Viện, nghĩa là con cháu họ cũng có điều kiện kinh tế khá giả chứ không phải các cụ neo đơn hay không nơi nương tựa, ấy vậy mà….Nghĩ đến đó, tôi thấy xót xa!
Ai sinh con ra cũng mừng vui, hạnh phúc rồi dốc sức nuôi con lớn từng ngày, mấy ai nghĩ lúc về già, ngày gần đất xa trời thì những đứa con mà họ mang nặng đẻ đau lại đem cha mẹ mình vào Viện dưỡng lão. Ở đây có tốt hơn không? người ta chăm sóc có chu toàn không?
Dường như nó chẳng phải là thước đo để cho rằng nơi Viện dưỡng lão là thích hợp để đưa người già đến ở, dù người ta có chăm sóc tốt thế nào, Viện dưỡng lão có đông ra sao thì người già vẫn thấy lòng họ ngổn ngang nỗi cô đơn và những nỗi buồn âm ỉ bị bao bọc trong sự mặc cảm, trách hờn thầm lặng.
Sáng nay, tôi có dịp nhìn thấy chiếc xe taxi đưa một người già đến đây, hình ảnh đứa con đem lỉnh kỉnh đồ đạc đưa cho người tiếp nhận, gương mặt không chút tư lự, rồi chị ra ngoài nói chuyện điện thoại một lúc lâu, sau khi quay trở vào làm xong thủ tục, người phụ nữ bình thản bước lên chiếc taxi đợi sẵn rời đi. Tôi đoán thời khắc đó sẽ chẳng khác nào một vết thương xé toạc trong lòng người làm cha làm mẹ, dù còn minh mẫn hay không thì đâu đó họ vẫn ý thức được rằng:"Con cái đã bỏ rơi mình".
Một cụ bà khều khều tay tôi, chỉ xuống phía dưới chân, miệng chỉ ấm ớ chứ không nói được thành tiếng rõ ràng. Tôi nhìn xuống phía dưới chân cụ, thấy hai chiếc xe lăn sát khít nhau theo hàng dọc. Tôi nghĩ chắc là chân bà cụ đã bị tê mỏi do không thể co duỗi ra phía trước vì nó chẳng có khoảng trống nào giữa hai chiếc xe lăn. Tôi kê sát tai cụ và hỏi:
- Bà bị tê chân phải không?!
Bà cụ gật đầu, miệng vẫn ấm ớ không thành tiếng.
Tôi cúi xuống và cố đẩy chiếc xe ra xa một chút để có khoảng trống cho bà cụ thả lỏng cẳng chân nhưng bất lực vì chiếc xe bị khóa lại cứng ngắt. Có lẽ vì người ta sợ chiếc xe bị chạy đi khi các cụ di chuyển, sẽ mất thăng bằng, gây nguy hiểm cho các cụ nên người ta khóa lại cho xe đứng yên một chỗ.
Tôi nói với bà:
- Con không thể đẩy xe bà ra được. Để con bóp chân cho bà nha!
Bà gật đầu một cách mỏi mệt và nặng nhọc. Tôi ngồi xuống xoa bóp chân cho bà. Gương mặt bà cụ hiện lên sự phiền muộn, sự phiền muộn không thốt ra bằng lời nói cũng không phải sự cau có trách hờn mà chỉ là nét mặt bần thần, lặng lẽ hiện lên trong ánh mắt, từng cái lắc đầu, gật đầu chậm chạp đầy buồn thảm.
Nước mắt có bao giờ chảy ngược, ở Viện dưỡng lão là nơi dễ dàng cho người ta cảm nhận rõ rệt nhất sự hy sinh đến tận cùng của cha mẹ và sự “báo hiếu” đa dạng ở những người con.
- Ngày mai gia đình cụ Xuyến* có việc nên không có người đến đón. Gia đình mới thông báo.
Tôi nhìn vào bên trong con đường nhỏ đang có các cụ ngồi thành hàng trên những chiếc xe lăn. Một cảm giác hụt hẫng lói qua tim và đau lên thắt ngực khi tôi nhớ đến ngày còn nhỏ, những buổi chiều tan học về, tôi ngẩn ngơ, lạc lõng trong đám đông khi không thấy Mẹ đến đón, tôi quay quắt nhớ lại cảm giác chông chênh, sợ hãi và buồn đến mức đứng khóc rưng rứt ngay trước cổng trường, rồi vỡ òa mừng rỡ khi thấy chiếc xe đạp của Mẹ chạy đến với cái dáng quen thuộc để đón tôi.
Đó là một trời hạnh phúc đầy thơ ngây mà tôi không thể nào lãng quên được trong ký ức tuổi thơ và khi liên tưởng đến cảm giác của người cha, người mẹ nơi này sẽ ra sao khi ngày cuối tuần, nhân viên thông báo "Không có gia đình đến đón?!".
Một tuần trôi qua ở Viện dưỡng lão sẽ không phải dễ dàng để người ta sẵn sàng đón nhận và sống hạnh phúc như ngôi nhà của họ. Viện dưỡng lão là nơi người già phải chịu đựng, chịu đựng để sống vì không muốn làm gánh nặng cho con, chịu đựng vì không còn cách nào khác, chịu đựng vì già yếu, không còn minh mẫn để nói lên bất kỳ ý kiến nào ngoài việc nghe theo con cái.
Tôi đoán ngày cuối tuần với những người già nơi đây khi được về nhà chẳng khác nào trẻ con mong được Mẹ đón ngày còn nhỏ. Tôi nhớ ngày Ngoại tôi còn sống, lúc nào Ngoại cũng muốn con cháu chúng tôi quay quần trong một ngôi nhà, dù ai có vợ có chồng, Ngoại cũng sắm sửa cho một nơi ở để về chung, để sống gần với Ngoại. Tôi nhớ cứ mỗi bận chiều chiều, đám cháu đi học, đi làm là Ngoại cứ trông từng đứa về cho đủ mới thôi.
Người già vốn là một thực thể yếu thế không khác trẻ con, từ tâm hồn đến sức khỏe, thế nên khi được ở cạnh gia đình họ cũng sẽ thấy hạnh phúc, an toàn và được chở che, đó là những điều quý giá mà người già mong mỏi nhất trong những ngày ngắn ngủi khi họ còn ở trên đời.
Tôi không biết đã bao nhiêu lần và bao nhiêu cụ trong này đã phải nghe câu thông báo nặng nề từ những người con của họ. Tôi tự hỏi không biết ngoài kia, những người con có đang sống hạnh phúc hay không? Có đang cười tươi với những người xa lạ và lòng họ có mảy may suy nghĩ gì không khi ngày cuối tuần đặt lên trái tim của người cha, người mẹ một nỗi thất vọng, một sự hụt hẫng vì cảm giác bị lãng quên và bỏ rơi như vậy.
Tôi không biết cụ Xuyến là ai và tôi cũng không dám nhìn về phía các cụ, tôi cố né tránh để không chạm phải ánh mắt và gương mặt đau buồn của các cụ. Một ngày trôi qua, dường như không tìm thấy một nụ cười nào trên gương mặt những người cao tuổi nơi đây. Những hình ảnh duy nhất mà tôi thấy được trên gương mặt họ là sự trì nặng, thờ thẫn một cách vô hồn.
Dù cố nén lại cảm xúc nhưng tôi vẫn nghe cuống họng quặn lên cơn đau, giọt nước mắt mặn đắng lăn xuống, len qua lớp khẩu trang bật thành tiếng thở dài.
- Báo xe chở cụ Bình đi cấp cứu. Bị hôn mê rồi.
Quay nhìn về phía có tiếng nói từ phòng sau lưng, tôi thấy một bác sĩ mặc áo đồng phục xanh đang đặt ống nghe lên ngực người đàn ông nằm bất động. Xung quanh là mấy cô chăm sóc viên đang đứng xoa bóp tay chân, vài nhân viên nữa đang nháo nhào chạy đến.
Tôi nhớ sáng nay, khi lau dọn căn phòng, đi ngang qua giường ông cụ, nó còn nghe tiếng ông gọi lớn:"Mẹ ơi, mẹ ơi!".... Chiếc băng ca trắng đẩy ra cửa phòng, một ông lão mắt nhắm nghiền, môi trắng bệt. Chiếc xe cấp cứu đang đứng chờ sẵn, người ta phụ đưa chiếc băng ca lên xe, vị bác sĩ và cô chăm sóc viên cùng bước lên, dáng vẻ gấp rút, vội vã. Bên trong, cô lễ tân gọi điện về phía gia đình.
- Dạ, chị là người nhà cụ Bình phải không chị?! Dạ cụ Bình bị hôn mê, Viện mới đưa đi cấp cứu, Viện xin thông tin cho gia đình để đến bệnh viện nhé chị.
Bên ngoài, tiếng còi xe cấp cứu được bật lên. Tôi thẫn thờ nhìn theo chiếc xe cấp cứu lao nhanh ra cổng. Tôi nhẹ nhàng lau mặt cho một cụ bà vừa bị ho, phụ cho cô chăm sóc viên dọn dẹp bàn ghế rồi bước ra ngoài sảnh. Lúc này, cô trợ lý bước lại gần và kêu tôi đi ăn cơm vì đã quá trưa, tôi nhìn đồng hồ thấy đã bước qua 12 giờ 30 phút.
- Thôi để chị về nhà rồi ăn cơm luôn. Cảm ơn em và lãnh đạo của Viện đã cho chị một ngày rất ý nghĩa ở nơi đây!
Tôi vội đi nhanh ra tủ lấy đồ đạc rồi dẫn xe ra khỏi cổng, cảm giác vẫn còn nặng nề đeo bám trong lòng theo từng hơi thở, ở mỗi bước chân. Hình ảnh những người già với gương mặt buồn buồn không thần sắc, chiếc băng ca đẩy ông cụ mặt trắng bệt nằm bất động không có người thân, ngày cuối tuần đắng ngắt từ lời thông báo của cô điện thoại viên "Không có người nhà đến đón"…khiến cho cái nắng giấc trưa càng trở nên ngột ngạt.
Mùa Vu Lan lại về, mong những ai còn cha mẹ để cài một đóa hoa hồng trên ngực áo hãy biết trân trọng màu hoa hồng đỏ, để những đấng sinh thành không cảm thấy cô đơn trong ngôi nhà thiếu bóng người thân.
*Tên nhân vật đã được thay đổi.
Tác giả: Võ Đào Phương Trâm
Bình luận (0)