Trang chủ Bài viết nổi bật Sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến thời Lê-Nguyễn

Sự phát triển của thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến thời Lê-Nguyễn

Thiền phái Trúc Lâm chính là một trong những bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam mà giờ đây chúng ta cần phải nghiên cứu một cách hết sức công phu, nghiêm túc và có những biện pháp bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa cũng như phát triển Thiền phái như một báu vật của tinh thần Việt Nam.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195
Thiền phái Trúc Lâm chính là một trong những bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam mà giờ đây chúng ta cần phải nghiên cứu một cách hết sức công phu, nghiêm túc và có những biện pháp bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa cũng như phát triển Thiền phái như một báu vật của tinh thần Việt Nam.

Tác giả: TS Nguyễn Phương Lan
Giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

Tóm tắt: Thiền phái Trúc Lâm là một tông phái Phật giáo ra đời vào thời kỳ nhà Trần (thế kỷ XIII) do Phật Hoàng Trần Nhân Tông khai mở, còn gọi là Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Đây là một tông phái Phật giáo có tính “nhập thế” và tính “dân tộc” rất cao. Vì vậy, từ khi Thiền phái Trúc Lâm ra đời đã được đón nhận không phải chỉ ở trong hoàng tộc, trở thành ý thức hệ của một triều đại nhà Trần, mà còn lan tỏa ra khắp nhân gian, giúp cho đời sống tinh thần của người Việt trở nên phong phú, cũng như đã đóng góp quan trọng vào dòng chảy và mạch nguồn văn hóa của dân tộc Việt Nam.

Tuy nhiên, khi nhà Trần suy yếu, nhà Hồ, thời Minh thuộc, rồi tới nhà Hậu Lê lên nắm quyền cho tới nhà Nguyễn, Nho giáo lại được lấy làm hệ tư tưởng chính thống. Cho nên, Thiền phái Trúc Lâm tạm thời lắng xuống. Song, vì đã ăn sâu bám rễ vào đời sống văn hóa tinh thần của dân tộc, nên cho dù trong “khoảng lặng” này, các vị Thiền sư vẫn âm thầm nuôi dưỡng, khai thông và gìn giữ những giá trị tốt đẹp và duy trì phát triển của Thiền phái Trúc Lâm trong điều kiện “ẩn dật”.

Vì vậy, bài viết của chúng tôi muốn tìm hiểu về Thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần đến thời Lê – Nguyễn để thấy rõ sự cố gắng, công lao to lớn của các vị Thiền sư cũng như chư tôn đức tăng, ni và Phật tử trong việc gìn giữ và tiếp tục phát triển dòng Thiền này ngay cả trong những thời kỳ khó khăn và thử thách nhất. Từ đó, chúng tôi cũng muốn khẳng định rằng: Thiền phái Trúc Lâm dù “khi tỏ, khi mờ”, nhưng không hề bị “đứt đoạn”, mà vẫn chảy liên tục trong mạch nguồn văn hóa dân tộc Việt Nam.

Từ khóa: Phật Hoàng Trần Nhân Tông, Thiền phái Trúc Lâm, nhà Lê – Nguyễn

Thiền phái Trúc Lâm ra đời vào thế kỷ XIII, dựa trên hai cơ sở tôn giáo và xã hội: Trong điều kiện nhà Trần mới thay thế nhà Lý, tiếp tục sự phát triển của Phật giáo, coi Phật giáo là quốc giáo, đồng thời cũng chọn Thiền tông là hệ tư tưởng chính thống. Hơn nữa, cũng cần có một sự khác biệt để thể hiện tinh thần độc lập dân tộc và chủ quyền quốc gia, đối trọng với phong kiến phương Bắc, nên các Hoàng đế nhà Trần – ngay từ thời Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông cho tới Trần Nhân Tông đều có ý thức phát triển Phật giáo Việt Nam.

Xuất phát từ những lý do lịch sử, xã hội, đồng thời cùng với quá trình mong muốn tìm ra một hệ tư tưởng cho nhà Trần, phù hợp với văn hóa và cốt cách dân tộc Việt Nam, Thiền phái Trúc Lâm ra đời.

Suốt trong cả thời kỳ nhà Trần, Thiền phái Trúc Lâm phát triển mạnh mẽ, truyền thừa 3 đời: Sơ Tổ Trần Nhân Tông, Nhị Tổ Pháp Loa, Tam Tổ Huyền Quang. Tuy nhiên, sau khi Tam Tổ Huyền Quang viên tịch, dòng Thiền Trúc Lâm không còn được phát triển mạnh mẽ như trước nữa.

Mặc dù vậy, trong suốt 5 thế kỷ tiếp theo (từ thế kỷ XV đến thế kỷ XIX và đầu thế kỷ XX), Thiền phái Trúc Lâm vẫn âm thầm chảy, nổi lên ở thời kỳ Lê và Nguyễn những Thiền sư nổi tiếng và đưa Thiền phái Trúc Lâm (dù không chính thống) nhưng vẫn có một vị thế vững chãi trong văn hóa – xã hội Việt Nam, có đóng góp không nhỏ vào sự phát triển của bản sắc văn hóa dân tộc Việt.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien phai Truc Lam tu thoi Tran den thoi Le Nguyen 1

Chùa Am Ngọa Vân (Yên Tử, Quảng Ninh) – Ảnh: Minh Khang

1. Sự ra đời và phát triển của Thiền phái Trúc Lâm thời kỳ nhà Trần

Người được coi là có công đặt viên gạch đầu tiên cho dòng Thiền Việt Nam là Thiền sư Thường Chiếu. Ngài chính là người đã có công giao nhập 3 dòng Thiền ở Việt Nam để hình thành nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử (Thế kỷ XIII). Ngài còn có công đào tạo ra một lớp đệ tử xuất sắc như Thiền sư Hiện Quang (? – 1216) và Thiền sư Thông Thiền (? – 1228).

Tuệ Trung Thượng Sĩ với tư tưởng Thiền đậm bản sắc dân tộc Việt, chính là Thầy dạy của Trần Nhân Tông. Các vị này đều là những người có công gây dựng nên Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Trần Nhân Tông là đời thứ 6 của Thiền phái này và Ngài mới chính thức là Sơ Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Phật Hoàng Trần Nhân Tông – người khơi nguồn mạch Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.

Trần Nhân Tông, sinh ngày 11/11 năm Mậu Ngọ (tức ngày 7/12/1258 là con trai trưởng của Vua Trần Thánh Tông với Nguyên Thánh Hoàng Thái Hậu. Ông lên ngôi vào năm 1278 (1279?). Tên húy là Trần Khâm. Miếu hiệu là Trần Nhân Tông. Ông là một ông vua anh minh, hiền hậu, hết mực yêu nước, thương dân.

Sau khi làm tròn bổn phận với dân ông mới quyết lên núi Yên Tử để tu hành, lập ra Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, lấy pháp danh là Trúc Lâm Đại Đầu Đà, đưa Thiền tông ở Việt Nam thành Thiền tông của Việt Nam với đặc trưng nổi bật là tính dân tộc và tinh thần nhập thế.

Tư tưởng của Thiền Phái Trúc Lâm Việt Nam

Có thể nói, từ Phật Hoàng Trần Nhân Tông, “Giáo lý của Thiền phái Trúc Lâm là sự kết hợp giữa triết học siêu nhiên của Phật giáo, với nhân sinh quan của Nho giáo và vũ trụ quan của Lão giáo, là sự thể hiện cao nhất của tinh thần “Tam giáo đồng nguyên”(1).

Tôn chỉ (đường lối) của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, là “Giáo ngoại biệt truyền, bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm, kiến tính thành Phật”. (Chẳng lập văn tự, truyền ngoài giáo lý, chỉ thẳng tâm người, thấy tính thành Phật). “Trần Nhân Tông đã hấp thụ từ tư tưởng Thiền của Tuệ Trung Thượng sĩ: “Phản quan tự kỷ bổn phận sự, bất tùng tha đắc” (Soi sáng lại chính mình là việc bổn phận, chẳng từ nơi khác mà được)”(2).

Tư tưởng tu Thiền của Trần Nhân Tông rất giản dị, mà cũng vô cùng sâu sắc, biểu hiện ở bài kệ nổi tiếng: “Cư trần lạc đạo” của Ngài: “Cư trần lạc đạo thả tùy duyên, Cơ tắc xan hề khốn tấc mien, Gia trung hữu bảo hưu tầm mịch, Đối cảnh vô tâm mạc vấn Thiền” (Ở đời vui đão hãy tùy duyên; Đói thì ăn, mệt ngủ liền; Trong nhà có báu thôi tìm kiếm; Đối cảnh vô tâm chớ hỏi Thiền”(3))

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien phai Truc Lam tu thoi Tran den thoi Le Nguyen 2

Chùa Thanh Mai (Hải Dương) – Ảnh: Minh Khang

Tôn chỉ kiến tính thành Phật chính là điểm khác biệt với các tông phái khác ở chỗ coi Phật ở trong lòng, do đó ai cũng có thể thành Phật ngay giữa cõi đời này. Một chủ trương như thế, bất cứ ai cũng trở thành thành viên của Thiền phái để chuyển hóa thân tâm và đóng góp tích cực cho đời. Đoàn Thị Thu Vân trong bài Tuệ Trung Thượng sĩ và Thiền phong đời Trần(4) cho rằng tinh thần bài kệ kết thúc bài Cư Trần lạc đạo phú của Trần Nhân Tông cũng là tôn chỉ của Sơ Tổ và là tư tưởng nhất quán của Thiền phái được thể hiện qua bốn điểm:

1. Hãy nên sống hòa mình với đời, không câu chấp.

2. Hành động tùy duyên, tức là làm việc cần làm, đúng lúc phải làm và không trái quy luật tự nhiên.

3. Tự tin vào mình, trở về khơi dậy tiềm lực của chính mình, không tìm cầu tha lực.

4. Không nô lệ vào bất cứ cái gì, dù Thiền hay Phật. Để được như vậy, các nhà tư tưởng Thiền phái đã có cả quá trình hoạt động và đúc kết từ thực tiễn trong tiến trình hình thành tư tưởng Cư trần lạc đạo đi từ “tùy tục” của Thường Chiếu rồi đến “biện tâm” của Trần Thái Tông chuyển qua “hòa quang đồng trần” của Tuệ Trung Thượng Sĩ, sau cùng là “tùy duyên lạc đạo” của Trần Nhân Tông(5).

Tư tưởng Trần Nhân Tông đã chủ trương nhập thế tích cực như một cương lĩnh đường lối hoạt động của Thiền phái mà Cư trần lạc đạo phú ghi nhận:

“Trần tục mà nên, phúc ấy càng yêu hết tấc

Sơn lâm chẳng cốc, họa kia thật đồ công”(6)

Tư tưởng của Thiền phái Trúc Lâm là: bất cứ ai sống giữa đời thế tục mà tạo ra phúc đức để độ mình độ người mới đáng trân trọng. Còn ở ẩn giữa rừng núi mà không giác ngộ, không giúp đời thì thật đáng trách. Chính tư tưởng này làm lịch sử truyền thừa Thiền phái có dấu ấn lớn với những đại biểu xuất sắc thừa kế bao gồm tại gia và xuất gia sau này.

Chính bản thân Trần Nhân Tông sau khi xuất gia và hóa đạo nhưng bao giờ cũng lo việc nước việc dân trong giai đoạn vua Trần Anh Tông trị vì. Bằng chứng là sự kiện gả Công chúa Huyền Trân và sáp nhập hai châu Ô Mã và Việt Lý vào cương thổ Đại Việt…đều có bàn tay “đạo diễn” của Sơ Tổ Trúc Lâm.

Để tính nhập thế được vận dụng tích cực trong đời sống đạo nhằm tạo ra một đời sống hạnh phúc cho dân chúng, Trần Nhân Tông lại chủ trương xây dựng hệ thống giáo lý Thiền – Giáo song hành. Trong buổi lễ truyền trao y bát và ấn chứng cho Pháp Loa làm đệ nhị Tổ kế thừa thiền phái Trúc Lâm, Nhân Tông đã trao 20 hộp nhỏ Kinh điển Phật giáo, cùng một trăm hộp Kinh điển ngoại thư và dặn dò phải mở rộng việc học nội điển như ngoại điển(7)

Chủ trương Thiền phái là đào tạo ra những mẫu người kế thừa tông phái phải được giáo dục toàn diện mới đáp ứng nhu cầu lịch sử đặt ra. Đó là xây dựng và phát triển Đại Việt trở nên hùng cường thì Phật giáo mới hưng thịnh. Kinh nghiệm và truyền thống giáo dục Phật giáo là văn tư tu theo tinh thần “Phật Pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” rất thoáng mở, xem mọi kiến thức ở đời đều là Phật pháp từ lâu được vận dụng trong khuôn viên nhà chùa.

Khi đất nước chưa có hệ thống giáo dục đào tạo theo trường lớp, thì nhà chùa trở thành nhà trường, nơi đó dạy đủ các môn học mà con người cần phải học(8).

Một người Phật tử không chỉ học kinh điển Phật giáo mà còn phải những môn học khác ngoài Phật giáo mới đủ tri thức vận dụng thực tiễn các nhu cầu con người đặt ra trong cuộc sống đời thường. Cũng trong “Thiền tông chỉ nam tự, Trần Thái Tông còn nói rõ giáo pháp của đức Phật ta, lại nhờ vào thánh nhân xưa để truyền lại cho đời”(9). Điều đó phản ánh chính văn hóa giáo dục của Đại Việt luôn ý thức sử dụng Nho giáo như là một công cụ phục vụ lợi ích quốc gia và Phật giáo.

Việc Trần Nhân Nhân Tông trao cho đệ nhị Tổ trăm hộp kinh sử ngoại điển cùng với 20 hộp nhỏ Đại tạng kinh và dặn dò mở rộng việc học bên trong và bên ngoài Phật giáo là nhằm thực hiện xã hội hóa, nâng cao trình độ dân trí sau này. Đây là tôn ý của Nhân Tông muốn Pháp Loa đủ kiến thức Phật học và ngoại điển để đào tạo ra những người thừa kế Thiền phái đủ sức gánh vác các Phật sự khác nhau của đạo cũng như đời.

Nếu không như thế, Phật giáo chỉ biết đào tạo cho xã hội những con người chuyên tu hành giảng kinh, ngồi thiền và làm các công việc khác xoay xung quanh khuôn viên nhà chùa mà không tham gia hoạt động gì cả cho xã hội. Đây chính là tính “nhập thế” rất đặc biệt của Thiền phái Trúc Lâm, khiến cho tư tưởng của Thiền phái được ăn sâu, bám rễ trong tinh thần không chỉ của Tăng sĩ, mà còn của quan lại cũng như thường dân.

Đây chính là một trong những điểm mạnh của Thiền phái Trúc Lâm, sau này Hòa Thương Thích Thanh Từ – người đã có công phục hưng Thiền phái Trúc Lâm vào nửa sau thế kỷ XX, trong bài “Nhận định những ưu khuyết của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử” đã đánh giá rất cao về vấn này: “Thiền phái Trúc Lâm không cực đoan như một số Thiền phái Trung Hoa. Những Thiền phái cực đoan cho rằng người tu thiền không được giảng học kinh điển vì lẽ làm tăng kiến giải, trở ngại ngộ đạo. Trái lại thiền phái Trúc Lâm vừa tu thiền vừa học kinh điển”(10).

Những tư tưởng cốt tủy của Thiền phái Trúc Lâm được thể hiện trong Kinh Hoa Nghiêm. Ở đây, từ thời Tuệ Trung Thượng Sĩ đã đưa ra các phạm trù đối lập trong tư tưởng giữa có và không, chân và vọng, thị và phi… hai mặt của vấn đề, chúng tồn tại và phát triển trong mối tương quan tương duyên.

Đây là cơ sở lý luận giúp cho Thiền phái Trúc Lâm giải quyết nhiều vấn đề trong đời sống sinh hoạt Phật giáo và liên hệ đến các vấn đề quốc gia đại sự. Nó trở thành lý thuyết giá trị có hệ thống giúp cho các nhà lãnh đạo quốc gia Đại Việt bấy giờ có một cái nhìn liên hệ tuơng quan tương duyên cùng nhau tồn tại và phát triển mạnh mẽ.

Kết quả Thiền phái Trúc Lâm ra đời và thể nhập vào đời sống sinh hoạt chung cả dân tộc. Từ đây, Thiền phái này có một sự liên hệ chặt chẽ mọi thành phần trong xã hội, tạo ra sức mạnh đòan kết toàn dân, với hào khí Đông A hào hùng trong lịch sử của dân tộc(11).

Có thể nói, chưa bao giờ trong lịch sử Phật giáo, số lượng tín đồ Phật tử trở thành thành viên Thiền phái Trúc Lâm đông đảo như vậy. Trần Nhân Tông, Pháp Loa, Huyền Quang đều là những vị Thầy có đệ tử xuất gia, tại gia với con số hàng nghìn người được quy y, thọ giới Bồ Tát. Pháp Loa là người chủ trương phát triển Giáo hội Trúc Lâm có tổ chức hệ thống quy củ đầu tiên trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.

Theo Nguyễn Lang ghi trong Việt Nam Phật giáo Sử luận thì do số lượng Tăng Ni đông quá, cứ mỗi lần tổ chức thọ giới thì phải thải ra hàng nghìn người; tuy vậy, “tính đến năm 1329, số tăng sĩ đã được xuất gia trong những giới đàn do Giáo hội Trúc Lâm tổ chức dưới quyền lãnh đạo của Pháp Loa là trên 15000 vị”.

Số lượng xuất gia này là đã có sự hạn chế, ba năm mới tổ chức một lần, mỗi giới đàn chỉ giới hạn 3000 tăng ni. Những vị đệ tử xuất sắc của Pháp Loa là Tuệ Nhiên, Tuệ Chúc, Hải Ấn, Hoằng Tế, Huyền Giác, Quế Đường, Cảnh Ngung… Có thể nói từ khi Thiền phái Trúc Lâm chính thức đi vào hoạt động từ Trần Nhân Tông trở về sau thì văn hóa Đại Việt trở nên đậm đà bản sắc dân tộc.

Sau khi Pháp Loa viên tịch vào năm 1330, theo Tam Tổ thực lục thì vị kế thừa đệ tam Tổ là Tôn giả Huyền Quang. Tuy nhiên, thực tế sau Huyền Quang tịch năm 1334, còn có các đệ tử khác của Pháp Loa như Cảnh Huy, Cảnh Ngung, Huệ Chúc, Kim Sơn là những người chỉ cách Pháp Loa bốn năm(12).

Dòng thiền Trúc Lâm sau cái chết của Huyền Quang năm 1334 vẫn tiếp tục phát triển mạnh mẽ dưới sự ngoại hộ của triều đình nhà Trần”(13).

Nhà Trần vẫn duy trì chính sách phát triển đất nước song hành Phật giáo hưng thịnh sau khi Huyền Quang viên tịch. Các đệ tử đắc pháp với Pháp Loa, Huyền Quang tiếp tục chèo lái con thuyền Thiền phái Trúc Lâm đi sâu đời sống thực tiễn dân chúng. Thậm chí Thiền phái còn được phát triển không chỉ có vị trí trên vũ đài chính trị mà còn có sức sống mạnh mẽ trong lòng dân chúng của một xã hội rộng lớn như Đại Việt vào cuối đời Trần.

Trong Đại cương lịch sử văn hóa Việt Nam, học giả Nguyễn Khắc Thuần đã phát biểu khá khách quan khi ông cho rằng Phật giáo cuối đời Trần vào thế kỷ XV: “Đó đây có ý cho rằng quá trình suy vi của Phật giáo bắt đầu. Thực ra thì không phải như vậy. Phật giáo phát triển, nhưng chỉ phát triển trong lòng xã hội mà thôi…,

Lúc này chùa chiền dựng lên khắp nơi. Điều đáng nói là kiến trúc nhà chùa luôn có những quy định mang đặc trưng riêng của chùa, nhưng vượt ra ngoài một số quy định của Phật giáo, chùa Việt vẫn có những nét độc đáo rất dễ nhận biết của chùa Việt.”(14)

2. Thiền phái Trúc Lâm thời kỳ Lê – Nguyễn

Như vậy, Thiền phái Trúc Lâm đã liên tục kế thừa sau khi Tam tổ Huyền Quang mất chứ không phải ba đời rồi chấm dứt. Trong tác phẩm Tam Tổ thực lục vào năm 1765, tiếp đến Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, trong phần đầu có đề cập đến Tam Tổ hành trạng được lưu hành, cuối cùng là Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục được ấn hành vào năm 1858, tất cả cũng đủ cơ sở dữ liệu để chứng minh lịch sử truyền thừa thiền phái Trúc Lâm là liên tục mà An Thiền ghi có 23 vị cả thảy(15).

Cũng theo cách trong sử liệu Thượng sĩ hành trạng ghi Trần Thánh Tông đã tôn Tuệ Trung làm sư huynh và giao con mình là Trần Nhân Tông làm đệ tử. Và Trần Nhân Tông đã thừa nhận bản thân đã đắc pháp với Tuệ Trung vào năm 1278 như trong Thượng sĩ hành trạng ghi rõ. Sau Nhân Tông là Pháp Loa và Huệ Quang không có gì để bàn(16), thì sự kế thừa theo biểu đồ mà An Thiền đưa ra là khá hợp lý.

Mười lăm đời còn lại là kể từ khi Huyền Quang viên tịch cho đến Vô Phiền (1200 – 1700), Truyền thống kế thừa Yên Tử vẫn được các đệ tử Trúc Lâm kế tục. Sau Vô Phiền là những thiền sư nào kế thừa, bấy giờ sử liệu không đề cập đến. Có điều trong sự truyền thừa này, ba gương mặt có tầm ảnh hưởng lớn và tác động mạnh mẽ vào việc hình thành và phát triển Thiền phái cho đến hôm nay phải nói là Trúc Lâm Tam Tổ, đúng như Thiền tông bản hạnh ca ngợi:

“Điều ngự, Pháp Loa Huyền Quang

Tam vị Phật tổ Nam bang Trần Triều”(17)

Các nhà nghiên cứu lịch sử (tiêu biểu là quan điểm của Giáo sư Hà Văn Tấn), cho rằng: không có đầy đủ những minh chứng khẳng định các thế hệ truyền thừa của Thiền phái Trúc Lâm sau Tam tổ Huyền Quang: “tính chân xác của danh sách này thật đáng ngờ. Trật tự trước sau của các thế hệ ở đây xem ra không đáng tin cậy. Bởi danh sách này được chép một cách sơ lược, không ghi rõ thời đại của các nhà sư, nên ta có thể nghĩ rằng những thế hệ truyền thừa ở Yên Tử sau cả thời Trần”(18).

Trên cơ sở quan điểm này thì sau Tam Tổ Huyền Quang thì dòng Thiền Trúc Lâm đến đây xem như chấm dứt và đưa ra những lý do khiến cho Thiền phái Trúc Lâm “mất dạng sớm”:

Lý do thứ nhất là Thiền sư Huyền Quang được ngài Pháp Loa trao tâm kệ và y bát để nhận trách nhiệm làm Tổ thứ ba của hệ phái Trúc Lâm, lúc Ngài đã bảy mươi bảy tuổi, sẽ không còn sức khỏe để làm việc nữa.

Lý do thứ hai là vì thời đó vua Trần Nhân Tông đi tu nên ở thế gian người ta rất quí người tu, không ai dám chạm đến chư Tăng. Có những người tu để lánh nạn đói thiếu nên ở trong chùa trở thành lôi thôi và suy sụp, đó cũng là duyên cớ để những nhà Nho chỉ trích.

Lý do thứ ba là thời ấy đang có sự tranh chấp ý thức hệ giữa Phật và Nho. Các nhà Nho đã giữ những chức vụ quan trọng trong triều đình, nên họ phải chỉ trích, vạch cho nhà vua và triều đình thấy những hạn chế của Phật giáo để không còn tin Phật nữa,

Lý do thứ tư, giáo hội thời đó là giáo hội của triều đình. Vua làm Tổ lãnh đạo, đến đời Trần Nghệ Tông trở về sau, triều đình suy yếu dần, nhà vua mất quyền, khi chuyển qua nhà Hồ thì Phật giáo hết chỗ tựa. Nhà Hồ, quân Minh, và cả nhà Lê không thích những người thân với nhà Trần, nên những vị tăng được ủy quyền để lo cho giáo hội Trúc Lâm thời đó phải ẩn trong rừng núi hoặc đổi tên họ.

Lý do thứ năm, sau này vào đời Lê, người viết sử là các nhà Nho vốn không có cảm tình với Phật giáo, nên những việc hay của đạo Phật nhưng không liên hệ tới triều đình, các nhà viết sử không ghi. Vì thế từ cuối đời Trần đến đời Hồ, thời Minh thuộc, đời Lê tuy cũng có nhiều việc rất hay trong Phật pháp nhưng không được ghi lại nên thời gian đó xem như không có sự liên hệ trước sau. Thế nên sử sách thời Lê đối với Phật giáo rất là thiếu.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien phai Truc Lam tu thoi Tran den thoi Le Nguyen 3

Chùa Vĩnh Nghiêm (Bắc Giang) – Ảnh: Minh Khang

Tuy nhiên, trong sách Đại Nam thiền uyển kế đăng lược lục của Phúc Điền, được khắc in vào khoảng 1858 thì sau Tam tổ có: 1.An Tâm; 2.Tĩnh lự Phù Vân; 3.Vô Trước; 4.Viên Minh; 5.Đạo Huệ; 6.Viên Ngộ; 7.Tổng Trì; 8. Tam Tạng Khuê Thám; 9. Sơn Đằng; 10.Hương Sơn; 11.Trí Dung; 12.Tuệ Quang; 13.Chân Trú; 14.Vô Phiền, nhưng thật ra không phải, mà trên thực tế, sau ngài Huyền Quang, còn mười lăm đời truyền thừa nữa, nhưng sở dĩ chúng ta không thấy ghi là vì lúc đó các Ngài ẩn hết, không xuất đầu lộ diện và không nói rõ là truyền thừa hệ nào.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của tác giả Hà Văn Tấn thì, “tính chân xác của danh sách này thật đáng ngờ. Trật tự trước sau của các thế hệ ở đây xem ra không đáng tin cậy. Bởi danh sách này được chép một cách sơ lược, không ghi rõ thời đại của các nhà sư, nên ta có thể nghĩ rằng những thế hệ truyền thừa ở Yên Tử sau cả thời Trần”.

Vào thời Lê sơ, Nho giáo đã trở thành hệ tư tưởng độc tôn nên Phật giáo vẫn tồn tại nhưng không được nhà nước khuyến khích phát triển, thậm chí còn kiềm tỏa Phật giáo. Phật giáo nói chung và “Thiền phái Trúc Lâm nói riêng hầu như không còn được đề cập đến trong chính sách của triều đình Lê sơ. Tuy nhiên, ở làng quê, Phật giáo vẫn được nhân dân sùng bái. Thiền phái Trúc Lâm tiếp tục tồn tại, được nhân dân truyền bá cùng với phong tục, tín ngưỡng dân gian trong làng quê của mình”(19).

Phải chờ đến thế kỷ XVII, Thiền phái Trúc Lâm được phục hồi và phát triển. Mảnh đất nuôi dưỡng Trúc Lâm chính là Đàng Trong với vai trò của các chúa Nguyễn. Chính quyền của các chúa Nguyễn đã coi trọng, hộ trì Phật giáo. Công cuộc truyền bá Thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Trong gắn liền với vai trò của thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ, Viên Khoan – Đại Thâm, đặc biệt là vai trò của Thiền sư Minh Châu – Hương Hải (1628-1715).

Thiền sư Hương Hải tên tục là Tổ Cầu, quê ở làng Áng Độ, huyện Chân Phúc (nay là huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An), pháp tự là Như Nguyệt. Ông tổ 4 đời của thiền sư Hương Hải là Phó cai thợ đóng thuyền công và được phong Trung Lộc hầu.

Vào khoảng niên hiệu Chính Trị (1558- 1571) đời Lê Anh Tông, cụ theo Nguyễn Hoàng vào Quảng Nam và được Nguyễn Hoàng rất tin dùng, cho thăng làm Chánh cai quản lãnh lính thợ. “Nguyễn Hoàng lại dâng biểu về triều (nhà Lê) tâu bày công lao của ông, được ban hiệu là Khởi nghĩa Kiệt tiết công thần, cấp cho 3 ngàn mẫu ruộng, cho con cháu được thế tập”(20).

Thiền sư Hương Hải sau khi đỗ thi Hương được tuyển bổ vào văn chức và giữ chức Tri phủ Triệu Phong (Quảng Trị- Thừa Thiên Huế ngày nay) khi mới 18 tuổi. Thiền sư sớm mộ đạo Phật. Trong thời gian làm quan, ông đã học Phật pháp với thiền sư Viên Cảnh – Lục Hồ và Viên Khoan – Đại Thâm. Làm quan được 3 năm, ông xin từ quan, xuất gia thọ giới. Ông vượt biển đến núi Tiêm Bút La, cù lao Đại Lĩnh dựng 3 gian am nhỏ để ở và tu trì luật tam giới.

Thiền sư cũng đã tu luyện và vượt qua bao khó khăn nguy hiểm của nơi rừng hoang núi thẳm, cảm hóa được người dân trong vùng, ai cũng tin tưởng mà theo hộ niệm và tu hành theo Thiền sư. “Ở đây hơn 8 năm (1659-1667), Thiền sư được nhân dân tin yêu, kính trọng. Một số quý tộc quan lại nghe danh Thiền sư đã mời đến thỉnh kinh chữa bệnh cho người nhà, rồi cả nhà đều quy y”(21). “Thuần quân công, trấn thủ Quảng Nam, có vợ ốm đã lâu đã mời sư tụng kinh, đọc thần chú 7 ngày đêm, bệnh khỏi, cả nhà đều quy y”(22).

“Lần khác, ông chữa khỏi bệnh lao cho một người là Hoa Lễ hầu, giữ chức Tổng thái giám ở Quảng Nam, bị lao đã 3 năm. Thiền sư đã lập đàn tràng cúng trong 7 ngày, người đó khỏi bệnh. Quá cảm phục tài đức của Thiền sư, ông Hoa Lễ hầu vào Thuận Hóa khoe với Dũng Quốc công Nguyễn Phúc Tần(23) Chúa Nguyễn Phúc Tần sai người đón Thiền sư về và xây cho viện Thiền Tĩnh ở núi Quy Kính (Quy Cảnh), cửa biển Tư Dung cho Thiền sư ở.

Sau đó, Quốc Thái phu nhân cùng 3 người con trai của Nguyễn Phúc Tần là Phúc Mỹ, Hiệp Đức và Phúc Tộ đều quy y thụ giáo. Nhân chúng nghe danh Thiền sư, xin quy y thụ giáo đến hơn 1.300 người(24).

Tuy nhiên, cũng vì nổi danh Đạo Pháp mà ông bị vu oan. Chúa Nguyễn Phúc Tần nghi ngờ ông nhưng không tìm ra manh mối. Thiền sư vì lẽ đó mà chán nản, cùng các đệ tử và Phật tử bỏ ra Bắc. “Thiền sư bí mật chuẩn bị mấy chiếc thuyền cùng với 5.000(25) đồ đệ vượt biển ra Bắc vào tháng 3 năm Nhâm Tuất (1682)(26).

Có thể thấy, Thiền phái Trúc Lâm được hưng thịnh, phát triển mạnh từ thời Chúa Nguyễn Hoàng cho đến chúa Nguyễn Phúc Tần, trong khoảng hơn 300 năm (1558-1682), mà đỉnh cao của sự phát triển đó là dưới thời chúa Nguyễn Phúc Tần. Những ghi chép về Thiền phái Trúc Lâm như xây chùa, ban cấp sắc phong, trọng đãi tăng sĩ ở Đàng Trong không nhiều nhưng có thể khẳng định, sơn môn của Thiền sư Hương Hải rất nổi danh.

Trong thời gian 1660 – 1680, phái thiền Trúc Lâm phục hưng ở vùng Quảng Trị – Thuận Hoá với sự xuất hiện của các thiền sư Viên Cảnh, Viên Khoan và quan trọng nhất là thiền sư Minh Châu – Hương Hải(27). Thiền sư có ảnh hưởng lớn không chỉ trong nhân dân mà còn cả tầng lớp quý tộc, quan lại cao cấp.

Sau khi ra Bắc, Thiền sư được Chúa Trịnh Căn sai người đi đón đưa về Kinh sư, cấp cho nhiều tiền, thóc đồng thời sai vẽ địa đồ về núi sông, đường sá hai xứ Quảng Nam và Thuận Hóa. “Nhà sư phân tích khúc chiết chỗ hiểm trở, chỗ bình dị, rất rõ ràng, được thưởng 20 quan tiền”(28). Rồi Chúa cho ông dựng am mới ở Sơn Nam trên mảnh đất 3 mẫu.

Ở đây, ông dựng đàn Chuẩn Đề (tên riêng một vị Bồ tát) tu trì và chú giải các kinh Phật ra Quốc âm gồm 30 thiên. Năm canh Thìn (1700), Thiền sư được vua Lê Dụ Tông cho đón về Kinh sư, vào nội điện, lập đàn cầu tự, được nhà vua rất kính trọng. Năm Giáp Ngọ (1714), Chúa Trịnh Cương đi tuần du, vào vãn cảnh chùa gọi là Nguyệt Đường, ban cho ngàn quan tiền cúng vào việc thờ Phật.

Đệ tử trong chùa rất đông, ngoài vị Thượng tọa Viên Thông thiền sư còn có 70 người, đều là pháp tử, kế tiếp hương khói nhà chùa(29) Ngày 12 tháng 5 năm Ất Mùi – 1715, Thiền sư sau khi tắm, mặc áo cà sa, đội mũ, đeo trang hạt, ngồi xếp bằng tròn mà hóa, hưởng thọ 88 tuổi. Sau Thiền sư Hương Hải có Thiền sư Như Đức cũng là đệ tử của Thiền phái Trúc Lâm nhưng công tích ghi chép trong sách sử không nhiều nên không thể khảo cứu rõ(30).

Theo nhà nghiên cứu Hương Lam trong Tạp chí Nghiên cứu lịch sử số ra ngày 2 tháng 11 năm 2018, thì hệ thống truyền thừa của phái này không còn rõ ràng, nhưng có lẽ không bị gián đoạn bởi vì đến thời kỳ Trịnh – Nguyễn phân tranh (1600 – 1700), người ta lại thấy xuất hiện những vị Thiền sư của Trúc Lâm Yên Tử như Viên Cảnh Lục Hồ, Viên Khoan Đại Thâm và nổi bật nhất là Thiền sư Minh Châu Hương Hải – một vị Thiền sư xuất sắc, người đã phục hưng tông phong Trúc Lâm.

Trong thế kỉ thứ 17–18, thiền phái này được hoà nhập vào tông Lâm Tế và vị Thiền sư xuất sắc cuối cùng là Chân Nguyên Huệ Đăng(31).

Cũng theo nhà nghiên cứu Hương Lam, thì Nguyên nhân “trầm lắng” của Thiền phái Trúc Lâm có những nguyên nhân sau:

– Do Thiền học Việt Nam gắn chặt với triều đình nhà Trần nên một khi triều đại này sụp đổ thì hệ phái này cũng phải tiềm ẩn sự suy tàn. Lý do thứ hai là sự suy đồi trong giới Tăng sĩ vào cuối đời Trần khiến cho các Nho thần như Trương Hán Siêu, Lê Quát, Phạm Sư Mạnh có cớ đả kích đạo Phật, đề cao Nho giáo.

– Khi nhà Minh sang xâm lăng nước ta, do nhận thức được Giáo hội Trúc Lâm có những nét độc đáo về phương diện tư tưởng, tổ chức cũng như hành đạo khiến cho nó chỉ có thể là một Giáo hội Việt Nam, phục vụ cho người Việt, duy trì bồi đắp cá tính Việt.

Vì thế giặc Minh khi sang xâm lược nước ta vào đầu thế kỷ XV đã quyết tâm đập cho tan nát những cơ cấu văn hóa xây dựng trong suốt gần 150 năm của Phật giáo đời Trần. Tất cả những điều kể trên đây đã khiến các bậc Tăng sĩ có tài đức phải ẩn cư nơi núi rừng hoặc thôn dã khiến cho Thiền học Việt Nam chìm lặng một thời gian dài.

Còn ở Đàng Trong phái thiền Trúc Lâm bị coi chống chúa Nguyễn nên các Thiền Sư của Thiền phái này phải ẩn trốn hay cầu pháp sang phái Thiền Lâm Tế. Vì vậy, phái Thiền Trúc Lâm lại mất dấu một lần nữa ở Đàng Trong dù chỉ là mất dấu trên danh nghĩa. Trong thực tế, Thiền phái vẫn được duy trì trong số các Thiền Sư phái thiền Lâm Tế ở Đàng Trong từ thời chúa Nguyễn cho đến thời các vua nhà Nguyễn……và sự xuất hiện của đạo Bửu Sơn Kỳ Hương(32).

Sự phục hưng trở lại của Thiền phái Trúc Lâm ở Đàng Trong thời kỳ Chúa Nguyễn cho tới vương triều Nguyễn cũng có những căn nguyên từ lịch sử – chính trị và xã hội. Sau gần một thế kỷ loạn lạc, đầy dẫy bạo động, đức tin của các nhà chính trị nơi triết học Tống Nho đã lung lay. Nhiều sĩ phu đại diện cho Triết học Tống Nho trong suốt thời gian đó đã chứng tỏ hư hỏng và bất lực.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Thien phai Truc Lam tu thoi Tran den thoi Le Nguyen 4

Chùa Bổ Đà (Bắc Giang) – Ảnh: Minh Khang

Trong đau khổ cùng cực, người ta bắt đầu quay về với đạo Phật, một đạo lấy đức từ bi là gốc và kỹ thuật trị thế là chủ yếu. Các Chúa Trịnh cũng như các Chúa Nguyễn, không phải là những người học Phật thâm uyên và có ý chí tu học như các vua Trần, nhưng đã quy hướng về đạo Phật, lấy đó làm nơi nương tựa tinh thần. Họ chỉ là những tín đồ Phật Giáo, lấy sự ủng hộ Phật Giáo để tạo dựng công đức cho dòng họ chứ không biết áp dụng Phật Giáo vào việc dựng nước. Tuy vậy, đó cũng là một trong những nguyên nhân đưa tới sự phục hưng.

Với sự nứt rạn dần dần của niềm tin nơi triết học Tống Nho, nhiều nhà trí thức, sau khi nếm đủ khí vị vô thường và đen bạc của thời đại, cũng đã bắt đầu xoay sang nghiên cứu Phật học. Ðã thấy một số nho sĩ trí thức bỏ Nho theo Phật. Đó là căn nguyên thứ hai.

Sức sống thiền là ở nội tâm, không phải ở hình thức bên ngoài, do đó hình thức không thể dập tắt được, trừ khi nơi nội tâm người tu đã tắt. Trái lại, dù ở nơi xa vắng ít ai biết tới, nhưng nội tâm vẫn có sức sống sáng ngời, thì mạch nguồn thiền vẫn còn trôi chảy, đủ duyên thì nó sẽ bừng dậy. Và thực tế đã chứng minh điều đó. Sau thời gian dường như tiềm ẩn, chỉ tới thời Hậu Lê, Thiền sư Chân Nguyên lại xuất hiện chấn hưng Thiền phái.

Vào Thế kỷ XVII tại miền Bắc nước ta, dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử phát triển mạnh mẽ, với ý đồ phát triển nền Phật giáo thời Trần Nhân Tông để trở thành một trong những giải pháp cho những bế tắc của thời đại, khi mà các thế lực phong kiến đang tranh giành quyền bính mà không chăm lo tới quyền lợi của dân tộc và sự băng hoại của đạo đức xã hội.

Ngài Chân Nguyên (1647-1726) đã viết nhiều tác phẩm về Phật giáo với nhận thức khá mới mẻ. Thiền sư Chân Nguyên một trong những ngọn đuốc sáng của Phật Giáo Ðàng Ngoài, đã cùng các đệ tử của mình làm phục hưng phái Trúc Lâm, cứu vãn được một số những tác phẩm quan trọng của các thiền tổ Trúc Lâm bằng cách sưu tầm, hiệu đính, khắc bản và lưu hành những tác phẩm này(33).

Mặc dù, những cố gắng đó vẫn không xoay chuyển được tình thế lịch sử, nhưng cũng đã tạo nên một sự khích lệ cho Phật giáo đương thời. Vì vậy, sau đó, một trong những người kế thừa xuất sắc là dòng chảy của Thiền phái Trúc Lâm chính là Ngô Thì Nhậm (1746-1802), tức Hải Lượng Thiền sư, tự xưng là Tổ thứ tư34 của dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử, người đã viết tác phẩm nổi tiếng Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

Kết luận

Phật giáo đời Trần – Thiền phái Trúc Lâm – Thiền Việt Nam đã để lại cho chúng ta biết bao những bài học quí giá. Trong đó bài học về sự thịnh suy và sự thống nhất trong tinh thần hòa hợp như sữa với nước của Phật giáo. Chúng ta thấy những lúc Phật giáo cực thịnh không phải là lúc lắm chùa, nhiều sư, có được sự hưng thịnh của Phật giáo là nhờ vào trí tuệ Phật chất tỏa ra từ mỗi người con Phật. Phật chất ấy là hoa trái của những ngày tháng công phu tu tập.

Chính cái đó mới có thể luân lưu trong dòng đời bất tận mà tỏa sáng muôn ngàn thế hệ hôm nay và mai sau. Tuy rằng trong mỗi đời vua Trần, số người tu chứng không phải là nhiều, chỉ một hai người, nhưng cũng đủ làm rạng sáng tông phong nhà Phật, cũng như cũng đủ làm chỗ qui ngưỡng, nương tựa vào Tăng Ni, tín đồ Phật giáo.

Ở đây với tinh thần ấy hòa hiệp thống nhất thực tu thực chứng các vị tổ Trúc Lâm đã khai quang được đạo Phật ở Việt Nam, để Phật pháp vẫn được xương minh và truyền bá rộng khắp mọi nơi, mọi lúc trong nước Đại Việt.

Ðiều quan trọng hơn, sự ra đời Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã góp phần cổ vũ tinh thần người dân nước Việt về khả năng phát triển những giá trị văn hóa bản địa, nội sinh trong lòng dân tộc. Ðây cũng chính là sự đáp ứng nhu cầu đời sống tâm linh, tín ngưỡng của mỗi cộng đồng người ở từng thời đại, giai đoạn lịch sử cụ thể.

Có thể nói sự ra đời của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã tạo nên trường lực hấp dẫn mạnh mẽ, tạo đà thúc đẩy sự ra đời hàng trăm ngôi chùa lớn, nhiều tầng lớp Tăng chúng cùng quy hướng theo một dòng tu hành in đậm sắc thái Phật giáo dân tộc. Bản thân hình tượng ba vị Sư Tổ cũng được tôn thờ, nghệ thuật hóa thành tranh, tượng và nhân vật trong văn học viết cũng như truyền thuyết dân gian.

Nguyễn Lang, trong Việt Nam Phật Giáo Sử Luận đã viết: “Phật Giáo Trúc Lâm là một nền Phật Giáo độc lập, uy tín tinh thần của nó là uy tín tinh thần quốc gia Đại Việt. Nó là xương sống của một nền văn hóa Việt Nam độc lập. Nền Phật giáo này tuy có tiếp nhận những ảnh hưởng của Phật giáo Trung Hoa, Ấn Độ và Tây Tạng nhưng vẫn giữ cá tính đặc biệt của mình”.

Mặc dù đến hết triều Trần, Phật giáo không còn giữ được địa vị như giai đoạn trước, song tinh thần Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã kịp chuyển hóa, thấm sâu trong đời sống tinh thần dân chúng và trở thành những giá trị văn hóa bền vững trước thời gian.

Nếu văn hóa là những gì còn lại trước thời gian thì chính các giá trị vật thể và phi vật thể liên quan Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử đã là một minh chứng sâu sắc cho khả năng tồn tại và phát triển của một di sản văn hóa, bất chấp năm tháng và mọi thăng trầm thế sự. Thiền phái Trúc Lâm tỏa sáng thành “tâm thức Trúc Lâm” trong lòng mỗi con người thuộc mọi thế hệ, ở khắp mọi vùng đất nước(35).

Điều này đã được chúng tôi chứng minh trong nội dung bài tham luận về sự phát triển của Thiền phái Trúc Lâm từ thời Trần tới thời Lê, Nguyễn: dù thăng trầm và biến cố, nhưng vẫn không “đứt đoạn” mà liên tục chảy cùng với dòng mạch văn hóa dân tộc Việt Nam, để tới khi có điều kiện, hội đủ duyên lành, thì nó lại tỏa rạng mạnh mẽ, tiếp tục phát triển với văn hóa dân tộc Việt Nam ở thời kỳ hiện đại36.

Không có gì sai khác, Thiền phái Trúc Lâm chính là một trong những bản sắc văn hóa phi vật thể của dân tộc Việt Nam mà giờ đây chúng ta cần phải nghiên cứu một cách hết sức công phu, nghiêm túc và có những biện pháp bảo vệ, gìn giữ và lan tỏa cũng như phát triển Thiền phái như một báu vật của tinh thần Việt Nam.

Tác giả: TS Nguyễn Phương Lan
Giảng viên Trường Đại học Thủ Dầu Một, tỉnh Bình Dương

***

CHÚ THÍCH:

(1) Thích Bảo Nghiêm (2021), Phật học online.

(2) Thích Trúc Thông Phương, 2020, tr.48

(3) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, NXB Tổng hợp TP.HCM, tr. 203.

(4) Nhiều tác giả, Tìm hiểu Xã hội Lý Trần, Nhà xuất bản Khoa học Xã hội 1981, tr. 655.

(5) Thích Phước Đạt (2006), Lịch sử truyền thừa – Thiền phái Trúc Lâm, Thư viện Hoa Sen.

(6) Viện Văn học, Thơ Văn Lý Trần, tập II,. Nhà Xuất Bản Khoa học Xã hội, Hà Nội 1989, tr. 506

(7) Thích Phước Sơn (1995), dịch và chú, Tam Tổ thực lục, Viện Nghiên cứu Phật học Việt Nam ấn hành, tr 40 – 41.

(8) Thích Phước Đạt (2006), Lịch sử truyền thừa – Thiền phái Trúc Lâm, Thư viện Hoa Sen.

(9) Thái Tông, Khóa Hư Lục, Thích Thanh Kiểm, (dịch) Thành Hội Phật Giáo Hồ Chí Minh 1997, tr 52.

(10) Nhiều tác giả (1995), Thiền học đời Trần, Viện Nghiên Cứu Phật Học Việt Nam, tr. 212.

(11) Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử online (2018), Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, số ra ngày 2/11/2018.

(12) Có quan điểm cho rằng: Nhị Tổ Pháp Loa truyền y bát cho Thiền sư Kim Sơn, nên Kim Sơn là Tổ thứ ba, chứ không phải Huyền Quang. Đây còn là vấn đề tranh cãi, nhưng hầu hết các quan điểm cho tới nay vẫn khẳng định Huyền Quang là Tổ thứ ba. (Điều này do những tư liệu về Tổ Huyền Quang còn lại rất ít, có khi không còn dấu vết) (Tác giả chú thích).

(13) Lê Mạnh Thát, Toàn tập Trần Nhân Tông, Nhà Xuất Bản TP. Hồ Chí Minh, 1999, tr. 326 – 327.

(14) Nguyễn Khắc Thuần (2000), Đại cương Lịch Sử Văn Hóa Việt Nam,  tập II, Nhà Xuất Bản Giáo Dục, Hà Nội, tr.114 -116.

(15) Nguyễn Lang (1974), Việt Nam Phật giáo Sử Luận, Nhà Xuất Bản Lá Bối, tr.219.

(16) Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử online (2018), Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, số ra ngày 2/11/2018.

(17) Chân Nguyên (1988), Thiền tông bản hạnh (Thích Thanh Từ giảng giải), NXB TP. Hồ Chí Minh, tr. 242.

(18) Lê Mạnh Thát (1999), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Tập 2, NXB. Tổng hợp TP.HCM, tr.209-210.

(19) Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(20) Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(21) Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(22) Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.404.

(23) Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.404.

(24) Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.404.

(25) Có sách viết là 50 người. Về việc này còn có tranh luận. Xin xem thêm: Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, tr.404-405; Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập I, NXB. TP, Hồ Chí Minh) và Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(26) Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.404 – 405.

(27) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập I, sđd, tr.12.

(28) Lê Quý Đôn (1977), Kiến văn tiểu lục, sđd, tr.405.

(29) Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(30) Nguyễn Thị Phương Chi (2018), Thiền phái Trúc Lâm và các thế hệ đời Trần, Viện Trần Nhân Tông, Hà Nội.

(31) Nguyễn Hiền Đức (1995), Lịch sử Phật giáo Đàng Trong, tập I, sđd, tr.14.

(32) Tạp chí Nghiên cứu lịch sử điện tử (2018), Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, Tlđd, số ra ngày 2/11/2018.

(33) Hương Lam (2018), Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử điện tử, số ra ngày 2/11/2018.

(34) Hương Lam (2018), Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, Tạp chí Nghiên cứu lịch sử điện tử, số ra ngày 2/11/2018.

(35) Tạp chí Nghiên cứu Lịch sử online, Tổng lược về Thiền phái Trúc Lâm, Tlđd.

(36) Năm 1966 Hòa Thương Thích Thanh Từ lên núi Tương Kỳ (Vũng Tàu) để ở ẩn và nhập thất. Vào 8 tháng 12 năm 1968, Hòa Thượng tuyên bố sáng đạo và ra khỏi Thất để “bắt đầu làm công việc Phật sự”.

Từ đó, Thiền phái Trúc Lâm đã được Hòa Thượng phát triển mạnh mẽ ở Việt Nam: từ Đồng Nai lên tới Đà Lạt. Từ đó, Thiền viện Trúc Lâm đã được xây dựng và phát triển ở khắp nơi trên đất nước Việt Nam cũng như hải ngoại: Pháp, Mỹ, Canada…thu hút hàng triệu tín đồ Phật tử, đào tạo được hàng ngàn chư tôn đức Tăng, Ni…Dòng Thiền Trúc Lâm lại tỏa rạng và phát triển hơn bao giờ hết. (Tác giả chủ thích).

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường