Tổ Huyền Quang có vai trò rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh, vị thế của thiền phái. Điều này thể hiện ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử, 3 thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường được thống nhất lại trong một thiền phái và hình thành nên một thiền phái mang bản sắc văn hoá Việt.
Nguyễn Quang Khải Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024
Tóm tắt: Tổ Huyền Quang Lý Đạo Tái là trường hợp đặc biệt trong Phật giáo Việt Nam. Tiểu sử của ngài vừa mang tính hiện thực vừa mang tính huyền thoại. Tư tưởng Phật giáo của ngài chứa nhiều giá trị tư tưởng và giá trị văn hoá của thời đại và phản ánh đặc điểm của Phật giáo thời Trần. Ngài có vai trò quan trọng đối với Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần nói riêng và lịch sử Phật giáo Việt Nam (PGVN) nói chung.
Từ khoá: Huyền Quang, Trúc Lâm, tư tưởng, thiền phái Trúc Lâm Yên Tử…
1. Vài nét về nguồn gốc xuất thân của Huyền Quang
Căn cứ văn bia “Đệ Tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” hiện đang được lưu giữ tại chùa Đại Bi thôn Vạn Ty xã Thái Bảo huyện Gia Bình tỉnh Bắc Ninh do Phó bảng Nguyễn Phẩm hiệu đính năm Ất Sửu niên hiệu Tự Đức thứ 18 (1865), chúng ta biết về nguồn gốc xuất thân của Tổ Huyền Quang như sau:
"Tổ họ Lý, tên chữ là Đạo Tái, người hương Vạn Ty. Tiên tổ ngài liên tục 6 đời đỗ Tiến sĩ đời Lý (nhưng xét sử sách thì đời Lý chưa có khoa thi Tiến sĩ- chú trong nguyên bản). Cụ thủy tổ là Lý Ôn Hòa từng làm đến chức Hành khiển. Cụ Ôn Hòa sinh ra cụ Lương. Cụ Lương sinh ra cụ Nhượng. Cụ Nhượng sinh ra cụ Minh Doãn. Cụ Minh Doãn sinh ra cụ Khâm. Cụ Khâm sinh ra cụ Minh Dụ. Cụ Minh Dụ đỗ Tiến sĩ đầu đời Trần, làm quan đến chức Chuyển vận sứ.
Cụ Minh Dụ sinh được 4 con trai: cả là Tráng, thứ hai là Tướng, thứ ba là Thành. Cả ba người đều đỗ Tiến sĩ. Ông út húy là Huệ, cha đẻ của Tổ [Huyền Quang], tên chữ là Huệ Tổ, đỗ Tú tài được vào học trường Quốc Tử giám, theo quân đi dẹp giặc Chiêm Thành, có công, được trao cho chức chăn dân, nhưng không nhận. Ông út lấy bà họ Lê, là người có đủ đức làm vợ, nhưng đã 30 tuổi mà vẫn chưa có tin mừng, bà bèn đến cầu tự ở chùa Ngọc Hoàng trong xã.
Năm Giáp Dần niên hiệu Nguyên Phong thứ 4 (1254), Tổ ra đời trong ánh sáng dạ quang có mùi thơm lạ. Mọi người đều gọi ngài là đứa trẻ có mùi thơm thanh tịnh. Trước đó, mẹ ngài vào núi Trâu Sơn hái thuốc, đến tránh nắng ở chùa Ma Cô Tiên (nay thuộc huyện Quế Võ) rồi ngủ quên mất.
Trong lúc mơ màng, bà thấy một con khỉ mặc áo vàng đội mũ lớn, hai tay nâng mặt trời đỏ ném vào lòng bà. Bà giật mình tỉnh dậy, trở về nói lại với Huệ Tổ. Huệ Tổ bảo rằng: "Đó là điềm có thai đấy!". Thế rồi bà mang thai đến 12 tháng. Đến lúc sinh ra, ai cũng khen là đứa trẻ rắn giỏi, cương nghị.
"Thửa nhỏ, Tổ thông minh lạ thường, đến khi lớn thi đỗ Trạng nguyên. Năm 21 tuổi, Tổ vẫn chưa chịu lấy vợ. Nhà vua muốn gả công chúa cho, nhưng ngài từ chối, chỉ hầu trong Viện Hàn lâm. Ngài giỏi về giấy tờ giao tiếp với sứ giả Trung Hoa. Tổ thường theo vua đi vãng cảnh chùa Vĩnh Nghiêm ở huyện Phượng Nhỡn (nay là huyện Yên Dũng tỉnh Bắc Giang).
"Sau khi dự những buổi thuyết pháp của thiền sư Pháp Loa, Tổ như giác ngộ tiền duyên, bèn dâng biểu xin xuất gia, rồi được Pháp Loa trao cho y bát, được đặt pháp hiệu là Huyền Quang.
"Lại nói, năm tổ mới sinh, vào ngày đầu năm, sư chùa Ngọc Hoàng nằm mơ thấy Phật chỉ vào A Nan tôn giả bảo xuống đầu thai làm sư xứ Đông thổ. Đó là tiền duyên của Tổ.
"Khi Tổ trụ trì chùa Vân Yên trên núi Yên Tử, học trò đông có đến hàng ngàn người. Bấy giờ vua Trần Nhân tông đã xuất gia, lấy hiệu là Trúc Lâm Đại sĩ Điều ngự hoàng đế. Vua bảo Tổ có con mắt đạo sẽ đắc đạo, nên thường gọi Tổ là Thánh tăng, đồng thời ban cho tổ một tọa cụ bằng trầm hương để giảng kinh.
Nhà vua lại ban sắc chỉ sai Tổ tu soạn "Chư phẩm kinh" và tự tay phê rằng: "Sách Phật đã được Huyền Quang tu soạn thì không thể thêm vào hay bớt đi một chữ nào cả". [Sách soạn xong], vua sai cho in để truyền cho đời, nhiều lần còn thưởng vàng bạc cho Tổ.
"Năm Quý Mão niên hiệu Hưng Long thứ 11 triều Trần Anh tông (1303), Tổ về thăm cha mẹ rồi xây ngôi chùa ở phía Tây căn nhà cũ của mình tại làng Am, đặt tên là chùa Đại Bi. Chùa Đại Bi xây xong, tổ lại về chùa Yên Hoa.
"Năm Quý Sửu niên hiệu Hưng Long thứ 21 (1313), vua Trần ngầm sai cung nữ là Điểm Bích đến chùa thử thách Tổ và mật ước rằng: lấy được vàng thì đó là chứng cứ. Điểm Bích thấy Tổ trai giới rất nghiêm, nhân đó mới khóc lóc với một tỷ khưu, nói thác ra rằng: cha nàng là Huyện thừa của huyện Cảm Hóa mắc tội phải bồi thường tiền thuế là 15 dật vàng, xin Tổ bố thí để chuộc tội cho cha.
Tổ mủi lòng thương, tin và cho Điểm Bích một dật vàng. Điểm Bích lấy được vàng, về triều tâu với vua. Vua Trần hối hận nhưng vẫn còn nghi ngờ, bèn mở hội Vô Già ở phía Tây thành. Trên bàn, bày lẫn lộn đồ chay đồ mặn, rồi cho mời Tổ đến làm chủ tế. Tổ biết mình bị người cung nữ kia bán rẻ, bèn ngửa mặt lên trời niệm chú.
Tức khắc, có đám mây đen xuất hiện, gió lớn nổi lên. Một lát sau thì yên. Bao nhiêu đồ tạp bay hết, chỉ còn lại đồ chay và hương hoa mà thôi. Vua Trần tức thì rời khỏi chiếu, đến tạ lỗi và càng tỏ ra kính trọng Tổ là vị sư nối đạo. Truất Điểm Bích về làm người quét chùa trong cung.
"Sau, Tổ về trụ trì chùa Thanh Mai huyện Phượng Nhỡn, rồi trụ trì chùa Côn Sơn huyện Chí Linh.
"Ngày 23 tháng Giêng năm Giáp Tuất niên hiệu Khai Hựu thứ 6 đời Trần Hiến tông (1334), Tổ thị tịch ở đây, hưởng thọ 81 tuổi, được đặt tên thụy là Trúc Lâm Đệ Tam Tổ, được đặc phong pháp tự là Huyền Quang tôn giả. Thái Thượng hoàng [Trần Minh tông] ban cho 10 lạng vàng sai dựng chùa, chếch sang phía trái một chút; cấp cho chùa Côn Sơn 150 mẫu ruộng để thờ cúng".
Sinh thời, Thiền sư Huyền Quang sáng tác nhiều, nhưng hiện nay chúng ta chỉ biết được 24 bài thơ(1) tập hợp trong "Toàn Việt thi lục" và bài phú "Yên Hoa tự phú".....
Ghi chép về hành trạng của Huyền Quang còn có sách "Tam tổ thực lục" và văn bia "Đệ Tam tổ bảo tháp", nhưng nội dung của những tài liệu này cũng gần giống nội dung văn bia trên đây.
Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục” (Bản chữ Hán, tờ 15a) chép: “甲戌宝符 二年 大比 取士。里道載,嘉定縣萬 司社, 二十一嵗中。後辝聀出家 号玄 江祖” (Năm Giáp Tuất niên hiệu Bảo Phù thứ 2 mở khoa thi lấy kẻ sĩ. Lý Đạo Tái người xã Vạn Ty huyện Gia Định, 21 tuổi trúng. Sau, từ chức xuất gia hiệu là Huyền Giang Tổ).
Văn bia 金榜留芳 Kim bảng lưu phương ởVăn miếu Bắc Ninh ghi các vị đỗ từ khoa Ất Mão thời Lý (1075) đến khoa Quang Thuận thời Lê (1469), họ tên Lý Đạo Tái bị đục. Sách “Các nhà khoa bảng Việt Nam, tr. 68”, họ tên Lý Đạo Tái được chép ở mục “Biệt lục”. Trong lịch sử khoa cử Việt Nam, vào thời Trần không có khoa thi Thái học sinh nào (Tiến sĩ) được tổ chức vào năm Bảo Phù thứ 2 (1274) cả.
Vì vậy, chúng tôi cho rằng hành trạng của tổ Huyền Quang được người đời sau ghi chép vừa thực vừa hư, giống như cách ghi lai lịch của nhiều vị Thành hoàng của các làng vùng đồng bằng Bắc bộ vừa có thực vừa mang tính chất huyền thoại, khiến cho người tiếp nhận thông tin có cảm nhận đó vừa là thực, vừa là huyền ảo,… (trong một số tôn giáo, chúng ta thấy hành trạng của một số giáo chủ cũng được chép tương tự như vậy).
Nhưng chúng tôi cũng nghĩ rằng, rất có thể, do điều kiện tư liệu khó khăn, các nhà chép lịch sử khoa cử ở nước ta đã chép thiếu khoa thi Bảo Phù năm thứ 2 (1274), còn trong tâm tưởng và tình cảm trân trọng của người dân, Tổ Huyền Quang vẫn là vị tăng sĩ đã thi đỗ Trạng nguyên và sinh ra trong một gia đình có truyền thống khoa bảng rực rỡ.
Theo chúng tôi, hiểu về hành trạng tổ Huyền Quang có thể hiểu theo cách đó: nửa hư nửa thực.
2. Tư tưởng Phật giáo của Tổ Huyền Quang
2.1. Tư tưởng Phật giáo của Tổ Huyền Quang thể hiện ở quan niệm Phật giáo là một thành tố trong đời sống tinh thần của người Việt
Trong đời sống văn hóa tinh thần của người Việt có sự hiện diện và tiếp thu của nhiều giá trị văn hoá: văn hóa bản địa, văn hoá Phật giáo, văn hoá Nho giáo, văn hoá Lão giáo. Tổ Huyền Quang, với tư cách là tăng sĩ Phật giáo, ngài đã coi Phật giáo là một thành tố trong đời sống tinh thần của người Việt.
Chẳng hạn, là một tăng sĩ, nhưng thơ phú của Tổ Huyền Quang, ngoài cảm quan Thiền, một số bài còn chuyển tải cảm quan nghệ thuật của một thi nhân ở chốn thôn dã. Điều đó thể hiện ở một số bài: “Xuân nhật tức sự”(2), “Chu trung”(3), “Mai hoa”(4),…
Ở đây, chúng tôi thấy Tổ Huyền Quang ngầm cho cho chúng ta biết, nhà tu hành Phật giáo không nên xa cách với sinh hoạt và quanh cảnh nơi thôn dã mà cần hoà mình với đời sống nơi thôn dã, thấu hiểu và cảm nhận vẻ đẹp của cảnh sắc nơi thôn dã.
Với Tổ Huyền Quang, Phật giáo Việt Nam phải ở trong mối quan hệ với các dòng tư tưởng của người Việt, đó là mối quan hệ giữa nhà chùa với người dân làng xã; mối quan hệ giữa Phật giáo với Nho giáo, mối quan hệ giữa Phật giáo với Lão giáo và mối quan hệ giữa Phật giáo với tín ngưỡng bản địa.
Về mối quan hệ giữa nhà chùa với người dân làng xã dưới quan niệm của Tổ thể hiện ở các bài: “Trú miên”(5), “Ai phù lỗ”(6), “Phiếm chu”(7),… Đó là khung cảnh ruộng vườn, cỏ cây, chim muông ở một làng quê ở vùng đồng bằng Bắc bộ mà có thể Tổ đã có dịp đi qua hoặc cư ngụ; đó là tình cảm của một người lính đối với gia đình khi bị bắt làm tù binh, đó là cảnh một chiếc thuyền con đang bơi trên dòng sông dưới đêm trăng có đầy sương sa,…
Những tình cảm đó, nếu không thấu hiểu và giàu lòng yêu mến cảnh làng quê thì không thể có một vị tăng sĩ nào diễn tả được một cách giàu cảm xúc như vậy.
2.2. Với tư cách là một trí thức Nho giáo cao cấp, Tổ Huyền Quang đến với Phật giáo là từ Nho giáo, hành trang tri thức của ngài là của Nho giáo, cách tư duy của ngài là của Nho giáo. Vì vậy, dù sau này đã đắc đạo và trở thành một trong những vị tổ của Thiền Phái Trúc Lâm Yên Tử, nhưng cốt cách Nho sĩ của ngài vẫn không thể giấu đi được.
Điều đó thể hiện ở các bài thơ, dù có mang phong vị Thiền nhưng khẩu khí của một trí thức Nho học vẫn được thể hiện khá rõ: “Yên Tử sơn am cư”(8), “Thạch thất”(9), “Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề”(10),…
2.3. Trong cuộc đời hành đạo của mình, Tổ Huyền Quang có nhiều dịp thể hiện là chứng nhân của mối quan hệ giữa Phật giáo với Đạo giáo.
Theo văn bia “Đệ tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng”, để giải oan cho mình nhân câu chuyện Điểm Bích, Tổ Huyền Quang đã thể hiện tài năng của mình trong hội Vô Già. Văn bia viết như sau:
“Vua Trần hối hận nhưng vẫn còn nghi ngờ, bèn mở hội Vô Già ở phía Tây thành. Trên bàn, bày lẫn lộn đồ chay đồ mặn, rồi cho mời Tổ đến làm chủ tế. Tổ biết mình bị người cung nữ kia bán rẻ, bèn ngửa mặt lên trời niệm chú. Tức khắc, có đám mây đen xuất hiện, gió lớn nổi lên. Một lát sau thì yên. Bao nhiêu đồ tạp bay hết, chỉ còn lại đồ chay và hương hoa mà thôi”.
Chi tiết “ngửa mặt lên trời niệm chú” trên đây, chứng tỏ trong con người thiền tăng của Tổ, đã có một con người Đạo sĩ rất thuần thành. Trong sách “Đại Nam nhất thống chí” tập III, tại tiểu mục “Núi Phượng Hoàng” trong mục “Tỉnh Hải Dương” có ghi: “Núi có động, đạo sĩ đời Trần là Huyền Quang luyện thuốc ở đây” (tr.378). Chúng tôi nghĩ rằng đạo sĩ Huyền Quang ở đây cũng là Tổ Huyền Quang của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
2.4. Tư tưởng Phật giáo của Tổ Huyền Quang thể hiện tình nghĩa với quê hương và với cảnh sắc thiên nhiên
Trong văn bia “Đệ tam tổ Lý Trạng nguyên hành trạng” có chi tiết: "Năm Quý Mão niên hiệu Hưng Long thứ 11 triều Trần Anh tông (1303), Tổ về thăm cha mẹ rồi xây ngôi chùa ở phía Tây căn nhà cũ của mình tại làng Am, đặt tên là chùa Đại Bi”. Hiện tượng đã xuất gia còn về thăm cha mẹ và xây chùa cho làng, nếu ngày nay là chuyện bình thường, nhưng ngày xưa là trường hợp hiếm gặp.
Trường hợp này xuất hiện trong hành trạng Tổ Huyền Quang, chúng tôi thấy có lẽ nên hiểu đó là tình cảm đối với cha mẹ và quê hương của một cao tăng thật sâu nặng.
Đối với cảnh sắc thiên nhiên, chúng tôi thấy Tổ Huyền Quang là trường hợp rất đặc biệt. Trong thơ của ngài, mặc dù còn lại rất ít, nhưng số bài thơ về cảnh sắc thiên nhiên, đặc biệt về các loài hoa thật sâu sắc. Trong một số bài còn lại của “Ngọc tiên tập”, chúng ta thấy có bài về hoa mai, 5 bài về hoa cúc. Trong những bài đó, tác giả thể hiện quan điểm của một thi sĩ về thiên nhiên và về con người.
3. Vai trò của thiền sư Huyền Quang với thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần
3.1. Góp phần xây dựng, phát triển Thiền phái mang đặc điểm riêng
Là một trong ba vị tổ của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử, Tổ Huyền Quang có vai trò rất lớn trong việc tạo dựng hình ảnh, vị thế của thiền phái. Điều này thể hiện ở chỗ, lần đầu tiên trong lịch sử, 3 thiền phái: Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường được thống nhất lại trong một thiền phái và hình thành nên một thiền phái mang bản sắc văn hoá Việt.
Sở dĩ có được sự kiện này là do tầm ảnh hưởng rất lớn của vua Trần Thái Tông và Tuệ Trung Thượng sĩ. Nhưng công lao mở mang và phát huy tầm ảnh lâu dài của Trúc lâm Yên Tử thì phải kể đến công lao của Pháp Loa và Huyền Quang.
Chưa có số liệu thống kê số chùa thờ các Tổ của Trúc Lâm Yên Tử là bao nhiêu, nhưng có thể có đến hàng nghìn ngôi chùa vùng đồng bằng Bắc bộ có thờ các tổ của Trúc Lâm Yên Tử.
Một điều cũng cần ghi nhận là từ Trúc Lâm Yên Tử, ngày nay từ Bắc vào Nam xuất hiện nhiều thiền viện mang danh Trúc Lâm: Trúc Lâm Đà Lạt (Lâm Đồng), Trúc Lâm Tây Thiên (Vĩnh Phúc), Trúc Lâm Phượng Hoàng (Bắc Giang), Trúc Lâm Bạch Mã (Huế),…
3.2. Góp phần tạo dấu ấn đặc biệt trong Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử
Dấu ấn đặc biệt của thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần là trong tăng đoàn đã hội tụ được nhiều vị là tinh hoa của thời đại. Tiêu biểu như hoàng đế Trần Thái Tông, quốc sư Đại Đăng, thiền sư Viên Chứng (thầy của vua Trần Thái Tông), Pháp Loa, Huyền Quang,… Trong số họ, người là hoàng đế, người là bậc danh tăng đạo cao đức trọng, người là trí thức Nho học,… Đặc điểm này góp phần quan trọng tạo nên danh tiếng cho Trúc Lâm Yên Tử.
Dấu ấn thứ hai mà Tổ Huyền Quang góp phần tạo dựng cho Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử là đã xây dựng được một trung tâm Phật giáo lớn ở vùng rừng núi Đông Bắc với phương pháp tu hành và hệ thống kinh sách mang dấu ấn PGVN. Có thể nói, so với trung tâm Phật giáo Luy Lâu thời kỳ đầu công nguyên, trung tâm Yên Tử có nhiều điểm mới.
3.3. Góp phần định hình và làm sâu sắc hóa dòng văn học Phật giáo
Có thể nói, trong lịch sử văn học Việt Nam, đến thời Trần, cụ thể là đến thời kỳ Phật giáo Trúc Lâm Yên Tử, ở nước ta mới định hình một dòng văn học mới: văn học Phật giáo. Một số bài kệ của tăng sĩ Phật giáo thời Lý cũng có giá trị văn học cao, nhưng chưa định hình thành một dòng. Với Ngọc tiên tập, Tổ Huyền Quang đã góp phần hình thành văn học Phật giáo thời Trần thực sự là một dòng văn học trong lịch sử văn học Việt Nam.
Tóm lại, trong lịch sử PGVN, tổ Huyền Quang là một trong những trường hợp rất đặc biệt. Đặc biệt về hành trạng, đặc biệt trong cách thể hiện tư tưởng Phật giáo. Ngài cũng có vai trò đặc biệt quan trọng trong thiền phái Trúc Lâm Yên Tử thời Trần và trong lịch sử PGVN. Trước đây và có lẽ sau này, không ai có thể thay thế được vị trí của ngài trong PGVN.
Nguyễn Quang Khải Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn tôn giáo UBMTTQ tỉnh Bắc Ninh Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 5/2024 ***
CHÚ THÍCH:
(1) Đó các bài: Ngọ thụy (ngủ trưa), Yên Tử sơn am cư (Ở am núi Yên tử), Chu trung (Trong thuyền), Thạch thất (Nhà đá), Thứ Bảo Khánh tự bách gian đề (Họa bài thơ đề trên vách chùa Bảo Khánh), Địa lô tức sự (Trước bếp lò tức cảnh), Nhân sự đề Cửu Lan tự (Nhân có việc đề ở chùa Cửu Lan), Mai hoa (Hoa mai), Trú miên (Ngủ ngày), Sơn vũ (Nhà trong núi), Ai phù lỗ (Thương tên giặc bị bắt), Phiếm chu (Bơi thuyền),
Đề Động Hiên đàn việt giả sơn (Đề núi non bộ của thí chủ ở Động Hiên), Quá Vạn Kiếp (Qua Vạn Kiếp), Tặng sĩ đồ tử đệ (Tặng những con em trên đường sĩ hoạn), Đề Đạm Thủy tự (Đề chùa Đạm Thủy), Tảo thu (Thu sớm), Cúc hoa (Hoa cúc- 6 bài), Diện Hựu tự (chùa Diên Hựu). (Theo Thơ văn Lý Trần, tập II, quyển thượng, NXB KHXH, H. 1988).
(2) 春日即事 Phiên âm:Xuân nhật tức sự Dịch nghĩa: Tức cảnh ngày xuân 二八佳人刺綉遲 Nhị bát giai nhân thích tú trì Cô gái đẹp tuổi đôi tám thong thả thêu gấm 紫荆花下囀黃驪 Tử kinh hoa hạ chuyển hoàng ky Dưới khóm hoa tử kính, lảnh lót tiếng oanh vàng 可憐無限傷春意 Khả liên vô hạn thương xuân ý Thương biết bao cái ý thương tiếc mùa xuân 盡在停針不語時 Tận tại đình châm bất ngữ thì. Cùng dừng lại ở khi dựng kim và chẳng nói gì.
Theo Lê Mạnh Thát, trong bài Về tác giả bài thơ “Xuân nhật tức sự” (Tạp chí Văn học số 1/1984) thì có xuất xứ thơ Thiền đời Tống
(3) 舟中 Phiên âm:Chu trung Dịch nghĩa: Trong thuyền 一葉扁舟湖海客 Nhất diệp biển chu hồ hải khách Một lá thuyền con, một khách hải hồ 撑出葦行風傶 傶 Xanh xuất vi hành phong tịch tịch Ra khỏi rặng lau, tiếng gió xào xạc 微汒四顧晚潮生 Vi mang tứ cố vãn triều sinh Bốn bề mù mịt, con triều cuối ngày đang lên 江水連天一鷗白 Giang thuỷ liên thiên nhất âu bạch. Một chim âu trắng giữa cảnh trời nước.
(4) 梅花 Phiên âm: Mai hoa Dịch nghĩa: Hoa mai 欲向苍苍問所從 Dục hướng thương thương vấn sở tòng Muốn ngửng hỏi trời xanh hoa từ đâu đến 凛然孤峙雪山中 Nẫm nhiên cô tự tuyết sơn trung Lẫm liệt hiên ngang một mình trong núi tuyết 折來不為遮青眼 Chiết lai bất vị giá thanh nhãn Hái về không phải để che mắt người sành điệu 願借春思尉病翁. Nguyện tích xuân tư uý bệnh ông. Chỉ muốn mượn tứ xuân an ủi người ốm.
(5) 晝眠 Phiên âm: Trú miên Dịch nghĩa: Ngủ ngày 祖父田圓任自鋤 Tổ phụ điền viên nhậm tự sừ Ruộng vườn cha ông, mặc sức cày cấy 千青盤屈繞吾廬 Thiên thanh bàn khuất nhiễu ngô lư Ngàn cây xanh quanh co, vấn vít quanh nhà 木屖牎外千鳩寂 Mộc tê song ngoại thiên cưu tịch Cây quế ngoài cửa sổ, ngàn cưu im tiếng 一枕淸風晝夢餘 Nhất chẩm thanh phong trú mộng dư. Chiếc gối trong gió mát, giấc mộng còn đây.
(6)哀俘虜 Phiên âm: Ai phù lỗ Dịch nghĩa: Thương tên lính giặc bị bắt 颗血書成欲寄音 Khoả huyết thư thành dục ký âm Chích máu viết thư muốn gửi lời 孤飛寒雁塞雲深 Cô phi hàn nhạn tái vân thâm Cánh nhạn lẻ loi xuyên mây nơi biên ải 幾家愁對今宵月 Kỷ gia sầu đối kim tiêu nguyệt Bao nhà ngồi buồn ngắm trăng đêm nay 两䖏汒然一種心 Lưỡng xứ mang nhiên nhất chủng tâm. Đôi nơi xa cách nhưng nỗi nhớ mong là một.
(7) 泛舟 Phiên âm: Phiếm chu Dịch nghĩa: Chơi thuyền 小艇乘風泛渺汒 Tiểu đĩnh thừa phong phiếm diểu mang Thuyền con lướt gió trên sông rộng 山青水綠又秋光 Sơn thanh thuỷ lục hựu thu quang Non xanh nước biết, trời thu trong 數聲漁笛蘆花外 Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại Tiếng sáo làng chài ngoài khóm hoa lau 月落波心江満霜 Nguyệt lạc ba tâm giang mãn sương. Trăng rơi trên sóng, lòng sông đầy sương.
(8) 安子山庵居 Phiên âm: Yên Tử sơn am cư Dịch nghĩa: Ở am núi Yên Tử 庵逼青宵冷 Am bức thanh tiêu lãnh Cao sát trời xanh, am thiền mát lạnh 門開雲上層 Môn khai vân thượng tằng Cửa mở trên tít tầng mây 以竿龍洞日 Dĩ can Long Động nhật Trước cửa Long Động, mặt trời một con sào
猶尺虎溪冰 Do xích Hổ Khê băng Dưới Hổ Khê, băng còn dày một thước 抱拙無餘策 Bão chuyết vô dư sách Rất vụng về, không có mưu chước gì 扶衰有痩藤 Phù suy hữu sấu đằng Đỡ thân già có cây gậy mây nhỏ 竹林多宿鳥 Trúc lâm đa túc điểu Rừng trúc có nhiều chim đậu 過半伴閒僧 Quá bán bạn nhàn tăng. Quá nửa bạn là nhà sư nhàn hạ.
(9) 石室 Phiên âm: Thạch thất Dịch nghĩa: Nhà đá 半間石室和雲住 Bán gian thạch thất hoà vân trụ Nửa gian nhà đá ở lẫn với mây 一領? 依經嵗寒 Nhất lĩnh xối y kinh tuế hàn Một tấm áo lông qua mùa rét buốt 僧在禪床經在案 Tăng tại thiền sàng kinh tại án Sư nằm trên giường, kinh để trên án 爐殘榾揬日三竿 Lô tàn cốt đột nhật tam can. Lò tàn củi tắt, mặt trời cao ba cây sào.
(10) 次寶慶寺壁間題 Phiên âm:Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề Dịch nghĩa: Hoạ “Đề vách chùa Bảo Khánh” 荒草殘煙野思多 Hoang thảo tàn yên dã tứ đa Cỏ hoang khói nhạt, nhớ quê da diết 南楼北舘夕陽斜 Nam lâu Bắc quán tịch dương tà Lầu nam quán Bắc dưới bóng chiều tà 春無主惜 詩無料 Xuân vô chủ tích thi vô liệu Tiếc xuân không chủ, thơ không nguồn 愁絶東風幾樹花 Sầu tuyệt Đông phong kỷ thụ hoa. Mấy cây hoa rầu rĩ trước gió xuân.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Phẩm (1865), Đệ Tam Tổ Lý Trạng nguyên hành trạng (văn bia chữ Hán)
- Không rõ tác giả, Đại Việt lịch triều đăng khoa thực lục (chữ Hán)
- Quốc sử quán triều Nguyễn, Đại Nam Nhất thống chí tập III, NXB Khoa học xã hội , 1971
- Ngô Đức Thọ (chủ biên), Các nhà khoa bảng Việt Nam, NXB Văn học, 1993
- Viện Văn học (1989), Thơ văn Lý Trần tập II q. thượng, NXB Khoa học xã hội
Bình luận (0)