Tác giả:  Thích nữ Hiển Liên Học viên Ths Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam

A. DẪN NHẬP

Tín ngưỡng và tôn giáo luôn là hiện tượng xã hội quan trọng, xuất hiện sớm trong tiến trình phát triển của nhân loại, đồng hành cùng xã hội loài người. Sự tác động qua lại giữa tín ngưỡng, tôn giáo và xã hội là đa chiều và vô cùng phức tạp. Lật xem từng trang lịch sử nhân loại, ta nhận thấy, tín ngưỡng và tôn giáo luôn đóng vai trò nhất định trong những thăng trầm của thế giới.

Bước sang kỉ nguyên của sự tiến bộ vượt bật trong nền khoa học, thế giới cũng phải hứng chịu không ít những tai nạn từ thiên nhiên, từ con người,... mà ít nhiều đều có sự xuất hiện của tín ngưỡng và tôn giáo. Quả thật, “vấn đề then chốt của cuối thế kỷ này là vấn đề tôn giáo được diễn ra dưới một dạng khác với sự hiểu biết của chúng ta ngày nay”[1]. Từ góc nhìn xã hội, muốn giải quyết nhiều vấn đề bức thiết hiện nay, cần có cái nhìn đúng đắn, trọn vẹn về tín ngưỡng và tôn giáo, mà trong đó sự xuất hiện của tín ngưỡng, quá trình phát triển từ tín ngưỡng đến các tôn giáo đặc biệt là đa thần giáo và độc thần giáo là vô cùng quan trọng.

Nghiên cứu lịch sử, nghiên cứu các lý luận và tổng kết về tiến trình phát triền từ tín ngưỡng đến tôn giáo đa thần và độc thần, làm rõ mối tương quan giữa tín ngưỡng và tôn giáo, tôn giáo và xã hội, từ đó mở rộng nghiên cứu về xu hướng tín ngưỡng và tôn giáo hiện nay chính là một việc làm có ý nghĩa cả về lý thuyết lẫn ứng dụng. Có thể nói, bài viết như một bài học kinh nghiệm từ quá khứ, lại là một bản đề án để thích nghi với hiện tại, nhằm phát triển cho tương lai nhân loại.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG I.  SƠ LƯỢC VỀ TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO

Muốn làm rõ được quá trình phát triển từ tín ngưỡng đến tôn giáo đa thần, độc thần, ta phải phân biệt được tín ngưỡng, tôn giáo, làm rõ được đa thần giáo và độc thần giáo. Từ đó, điểm cốt lõi thúc đẩy quá trình phát triển từ tín ngưỡng đến tôn giáo cụ thể là đa thần giáo và độc thần giáo được làm sáng tỏ.

1.  Sơ lược về tín ngưỡng

Luật pháp Việt Nam định nghĩa: “Tín ngưỡng là niềm tin của con người được thể hiện thông qua những lễ nghĩ gắn liền vớ phong tục, tập quan truyền thống để mang lại sự bình an về tinh thần cho cá nhân và cộng đồng”[2]. Theo Từ điển tôn giáo, tín ngưỡng là “lòng tin và sự ngưỡng mộ, ngưỡng vọng vào một lực lượng siêu nhiên, thần bí”[3]. Tín ngưỡng là hệ thống các niềm tin mà con người tin vào để định nghĩa thế giới nhằm mang lại trạng thái cân bằng cho cá nhân và cộng đồng. Tín ngưỡng được hiểu đơn giản là niềm tin của con người vào một lực lượng siêu nhiên với sự sùng bái, ngưỡng mộ và tôn thờ. Đôi khi điều này làm nảy sinh hiện tượng mê tín dị đoan với nhiều hệ lụy.

Sự thật ẩn sâu của niềm tin trong tín ngưỡng là sự chắc chắn về sự hiện diện và sẵn sàng “ban phước” của thần linh đối với chúng sinh. Thế nên, bản chất của tín ngưỡng là niềm tin vào những điều “thiêng liêng”.[4] Tín ngưỡng luôn tồn tại và biến đổi không ngừng. Sự biến đổi này là kết quả của sự vận động, phát triển của những điều kiển khách quan và chủ quan tạo thành sự vận động liên tục khi mà tín ngưỡng cũ biến mất và tín ngưỡng mới hình thành.

Tín ngưỡng tồn tại lâu dài trong đời sống tinh thần của con người giữa những bất hạnh và khát vọng tìm kiếm hạnh phúc, giải thoát. Sự tồn tại theo tiến trình phát triển của con người tạo nên nét đa dạng, đặc sắc và cũng từ đó, tín ngưỡng trở thành một bộ phận không thể thiếu trong sự phát triển của loài người. Bên cạnh đó, sự đa dạng của tín ngưỡng tạo nên sự đa dạng của tôn giáo.

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

2. Sơ lược về tôn giáo

Theo Antei, để định nghĩa đơn giản tôn giáo là điều không dễ bởi sự ra đời tôn giáo bắt nguồn từ tâm lý con người.[5] Hiện nay, có khoảng 250 định nghĩa về tôn giáo[6], điều này làm cho việc nắm bắt khái niệm về tôn giáo thêm phần phức tạp. Tuy vậy, Luật tín ngưỡng, tôn giáo Việt Nam đã định nghĩa một cách tương đối rõ ràng: “Tôn giáo là niềm tin của con người tồn tại với hệ thống quan niệm và hoạt động bao gồm đối tượng tôn thờ, giáo lý, giáo luật, lễ nghi và tổ chức”[7].

Nguyễn Quốc Tuấn nhận định: “Thực thể tôn giáo là một khái niệm dùng để chỉ toàn bộ hiện thực tôn giáo tồn tại trong lịch sử đồng thời là một thiết chế của đời sống xã hội, chịu sự tác động của các mối quan hệ và tương tác với các thiết chế xã hội khác”[8]. Ở góc độ xã hội, tôn giáo là hiện tượng xã hội mang tính lịch sử, bao gồm ý thức tôn giáo, hoạt động tôn giáo, tổ chức tôn giáo, mà sự tồn tại, phát triển của nó là do sự phản ánh hư ảo hiện thực khách quan.[9]

Đa thần giáo so với tín ngưỡng đã có những bước tiến quan trọng. Đa thần giáo là những tôn giáo với niềm tin và sự thờ cúng nhiều vị thần. Ấn Độ giáo là một ví dụ tiêu biểu của đa thần giáo.

Độc thần giáo hay nhất thần giáo là “tôn giáo có một vị thần duy nhất”[10]. Ví dụ, Cơ Đốc giáo và Hồi giáo là độc thần giáo, họ chỉ tin vào một vị thần. Đối với đại đa số, định nghĩa về độc thần giáo sẽ dễ hiểu hơn thuyết đa thần giáo và cũng có nhiều nhận định cho rằng, độc thần giáo phát triển cao hơn thuyết đa thần giáo.

Ngày nay, tín ngưỡng và tôn giáo thường đi kèm với nhau trong các định nghĩa, kéo theo đó là sự nhầm lẫn và thường nhất là gộp chung khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo gây ra rất nhiều khó khăn [11].

3. Phân biệt tín ngưỡng và tôn giáo

Điều giống nhau đặc trưng của tín ngưỡng và tôn giáo là niềm tin. Cả hai đều có tác dụng điều chỉnh hành vi của các cá thể với nhau, giữa cá thể với xã hội dựa trên niềm tin đó. Bên cạnh đó, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sự an ủi trước những nỗi sợ hãi, bất an là một điểm chung quan trọng khác của tín ngưỡng và tôn giáo. Có thể nhận định từ niềm tin xuất phát từ tín ngưỡng mà tôn giáo được hình thành.

Điểm khiến cho tôn giáo trở nên khác biệt với tín ngưỡng chính là hệ thống vận hành tổ chức rõ ràng. Cụ thể, tôn giáo phải có đủ 4 yếu tố: giáo chủ, giáo lý, giáo luật và tín đồ. Tôn giáo là bước phát triển cao hơn so với tín ngưỡng, với sự hệ thống, trật tự, tập trung vào một hoặc nhiều vị thần.[12]

Tiểu kết

Sơ lược về khái niệm tín ngưỡng và tôn giáo, đa thần giáo và độc thần giáo đã phần nào thể hiện rõ cho chúng ta về những giá trị mà chúng mang đến. Hơn thế, từ những khái niệm trên đã khắc họa sơ lược về mối tương quan giữa tín ngưỡng và tôn giáo, từ đây, ta có được tiền đề quan trọng để nghiên cứu về quá trình phát triển từ tín ngưỡng đến tôn giáo đa thần và tôn giáo độc thần.

CHƯƠNG II. QUÁ TRÌNH PHÁT TRIỂN TỪ TÍN NGƯỠNG ĐẾN ĐA THẦN GIÁO VÀ ĐỘC THẦN GIÁO

“Tôn giáo là khát vọng của con người và của xã hội về quan hệ trực tiếp với cái tuyệt đối”[13]. Điều này gợi ra suy tư về nguồn gốc khát vọng của nhân loại. Với mong muốn tìm hiểu tiến trình từ tín ngưỡng đến đa thần, độc thần giáo, cần phải làm rõ yếu tố cấu thành tiền đề hình thành đa thần giáo độc thần giáo và cấu trúc của tôn giáo. Từ đây, ta có được cái nhìn tổng quan về quá trình phát triển ấy.

1. Tín ngưỡng và tiền đề hình thành tôn giáo

Tiền đề để hình thành tôn giáo, tín ngưỡng đóng vai trò tiên quyết. Để làm rõ tiền đề của tín ngưỡng, phải xem xét từ yếu tố tâm lý con người mà cụ thể nhất chính là sợ hãi. Ngày từ khởi nguyên sự sống nhân loại trên Trái đất, sự yếu ớt của con người trước đại tự nhiên khiến con người sản sinh ra sự mơ hồ, sợ hãi,... và kèm theo đó là sự tín phục trước những “phúc lợi” nhận được từ thiên nhiên đáp ứng được nhu cầu sống của con người. Từ đây niềm tin của con người được hình thành và gửi trọn nơi tự nhiên. Niềm tin là tiền đề tạo nên tín ngưỡng.

Cơ sở xã hội tôn giáo gắn với hoạt động sống của xã hội, gồm tổng thể vật chất và quan hệ phụ thuộc trong lĩnh vực tinh thần. Điểm cơ bản của cơ sở này là sự tự phát đến tha hóa của các quá trình tự nhiên và xã hội, ví dụ: sự phát triển kinh tế khiến mâu thuẫn giàu nghèo diễn ra, hiện đại hóa lại đi ngược tự nhiên gây thiên tai, dịch bệnh,... “Tính mâu thuẩn của tiến bộ xã hội ở phương diện này gắn với sự phát triển các hình thức sở hữu bị tha hoá với sự bóc lột, với sự phân công lao động quá chuyên sâu, ..., tất cả đều sinh ra những xung đột xã hội, ...”[14]

Cơ sở nhân sinh của tôn giáo xuất hiện như kết quả của hoạt động sản xuất.[15] Ngày nay, sự tác động của các yếu tố nhân sinh đã tăng lên đáng kể với sự xuất hiện của nền văn minh công nghệ. Sự xuất hiện đó tưởng như sẽ mở ra triển vọng thịnh vượng cho loài người, song lại làm nảy sinh sự lệ thuộc, bất lực và nhiều nguy hiểm, khủng hoảng. Những bi kịch của kỷ nguyên cũng từ đó mở ra. Chính những thực tế đó đẩy con người tới sự bức bách và kìm hãm hơn bao giờ hết.

Sự khủng hoảng văn hóa nghiêm trọng mà biểu hiện là sự chuyển đổi vai trò từ chủ nghĩa khoa học sang các tư tưởng đi ngược với nền khoa học thực nghiệm, giá trị của con người với nhau và với thế giới bị thương mại hóa, sự bế tắc trong tâm lý và xuống cấp nghiêm trọng của đạo đức,... chính là tiền đề văn hóa xã hội của tôn giáo.[16] Các giá trị chân thiện mỹ bị xem nhẹ, bạo lực và tình dục lên ngôi,...  làm cho con người ngày càng hoang mang về hệ quy chiếu thật sự của các giá trị. Gửi niềm tin vào điều thiêng liêng là điều tất yếu phải xảy ra.

Tính mâu thuẩn ở các cơ sở này ngày một sâu sắc khiến cho sự bất an của con người ngày một đẩy lên cao, sự không thỏa mãn về tinh thần khiến nổi khổ niềm đau của con người ngày một trầm trọng. Con người đánh mất niềm tin vào bản thân, vào xã hội, vào những người khác, vào những giá trị phổ biến, và bắt đầu đi tìm “kẻ đối thoại đáng tin cậy” ở thế giới khác. Từ đây, con người đặt trọn vẹn niềm tin nơi những yếu tố bên ngoài, thiêng liêng, không thể nắm bắt được như một sượi dây cứu mạng. Với tất cả những tiền đề đó tôn giáo được hình thành.

Bên cạnh đó, khi nhắc đến tiền đề hình thành tôn giáo, ta không thể không nhắc đến các nhân tố tâm lý gồm tâm lý xã hội, tâm lý nhóm, tâm lý cá nhân. “Những hiện tượng tâm lý xã hội và tâm lý nhóm vô thức là nguồn nuôi dưỡng của tôn giáo”.[17] Các hiện tượng tâm lý ấy xuất phát từ tâm lý cá nhân, thể hiện những điều xuất phát từ cá thể con người. Các nhân tố tâm lý cá nhân bao gồm cảm xúc của con người. Khi mà không có khả năng kiểm soát, cảm giác sợ hãi, sự bất lực,... diễn ra, hạt giống của tôn giáo được ươm mầm và phát triển.

Có thể khẳng định tiền đề của tôn giáo và điểm xuất phát của tín ngưỡng là giống nhau, đều bắt nguồn từ khát vọng tự vệ, nguyện vọng kéo dài sự sống và ước muốn về một sự hạnh phúc thật sự. Chính những thực tế trên đã đưa con người tới chỗ tìm kiếm chỗ dựa tinh thần ở một lực lượng đứng trên con người

2. Tín ngưỡng và sự hình thành đa thần giáo, độc thần giáo

Về sự xuất hiện của đa thần giáo và độc thần giáo luôn là một sự tranh cãi lớn khi nghiên cứu về tôn giáo. Có nhiều quan điểm cho rằng, đa thần giáo xuất hiện trước và theo thời gian hình thành độc thần giáo, nhưng cũng có nhiều quan điểm lại nhận định độc thần giáo là có trước và theo quá trình suy thoái về nhận thức mà hình thành nên đa thần giáo.[18]

Nhiều thuyết cho rằng, con người qua sự phát triển hơn về nhận thức đối với thế giới, hình thành thời kì Công xã nguyên thủy. Khi chứng kiến nhiều tai nạn do các hiện tượng thiên nhiên hình thành nên nỗi khiếp sợ lớn trong con người. Cũng từ đây họ tưởng tượng ra sự tồn tại cũng như sức mạnh của các vị thần đại diện cho mỗi sự vật hiện tượng thiên nhiên và gửi gắm niềm tin về sự bảo vệ của những vị thần này. Từ tín ngưỡng đa thần ấy, qua sự phát triển của nhân loại, con người đã tính cách hóa sức mạnh của các vị thần, xâu chuỗi lại dựa theo kinh nghiệm nhận thức, cũng như thần thành hóa tổ tiên mình,... đa thần giáo ra đời với đặc trưng là sự tin tưởng và thờ phụng rất nhiều vị thần.

Cùng với sự phát triển trong nhận thức của nhân loại, đòi hỏi về một xã hội có thể đáp ứng được nhiều chức năng hơn mà ở đó vai trò của một vị thủ lĩnh là rất quan trọng. Từ đây, sự phân hóa về giai cấp, sự không đều về tài sản,... khiến con người càng lâm vào khó khăn và bế tắc hơn. Lúc này đây, nhân loại cần một sực mạnh vượt bậc hơn làm nơi gửi gắm cũng như cứu rỗi con người khỏi khổ đau  và một vị thần cao hơn tất cả cũng chính là khái niệm về đức chúa trời ra đời. Khi đó từ đa thần giáo chuyển biến thành độc thần giáo.

Tuy vậy, nhiều quan điểm lại khẳng định rằng: “Trong các dân tộc nguyên thủy đã có tín ngưỡng nhất thần giáo”[19] hay “Tôn giáo khởi thủy xuất hiện dưới dạng độc thần giáo”[20]. Theo sự phát triển của nhân loại về kinh tế, khoa học,... thì sự suy thoái và biến chất trong ý thức của con người diễn ra. Khi mà đạo đức của con người biến chất theo từng ngày thì những gia trị của độc thần giáo cũng dần dần bị thay đổi. Từ đây, niềm tin về sự tồn tại của một vị thần tối cao hay độc thần giáo bị phá hủy, kéo theo đó là tín ngưỡng về nhiều vị thần đồng loạt xuất hiện đặt nền móng cho sự ra đời của đa thần giáo.

Cũng như tầm quan trọng của tín ngưỡng trong tiền đề hình thành và cấu trúc của tôn giáo, thì cụ thể hơn, tín ngưỡng đối với sự hình thành đa thần giáo, độc thần giáo càng mang tính chất quyết định. Dù là theo chiều hướng từ đa thần giáo hình thành độc thần giáo hay ngược lại thì niềm tin là yếu tố quyết định và sự thay đổi niềm tin chính là tiền đề cũng là nền tảng để hình thành đặc trưng của tôn giáo. Đặc biệt, sẽ không có tính chất tuyệt đối giữa đa thần giáo và độc thần giáo nếu xét ở góc độ giáo lý xuất phát từ tín ngưỡng. Hay nói cách khác, ở góc độ niềm tin thì không hề có sự tồn tại ranh giới của đa thần giáo hay độc thần giáo.

3. Tín ngưỡng và cấu trúc tôn giáo

“Con người sinh ra tôn giáo chứ không phải tôn giáo sinh ra con người”[21]. Không tồn tại trước con người, ngoài xã hội, tôn giáo là sản phẩm của các mối quan hệ giữa người với với người và với tự nhiên. X.A Toocarev cho rằng: “Mặt xã hội của tôn giáo cùng với những phức hợp các tín ngưỡng ... tạo ra phong cách của từng tôn giáo ...”[22]. Sự ra đời và phát triển của tôn giáo gắn liền với những điều kiện của xã hội nhất định và sẽ mất đi khi điều kiện sản sinh không còn.

Tổ chức tôn giáo là toàn bộ các mối quan hệ và trình tự sắp xếp, thứ bậc các tín đồ, chức sắc cùng quy trình giải quyết các mối quan hệ đó, thường rất đa dạng. Quan hệ tôn giáo là “một loại quan hệ trong lĩnh vực tinh thần, được hình thành phù hợp với ý thức tôn giáo, được thực hiện thông qua hoạt động tôn giáo”[23]. Hoạt động tôn giáo là hoạt động của các tín đồ, chức sắc nhằm hướng tới đấng siêu nhiên, bao gồm nhiều loại hình phong phú: các hoạt động lễ nghi, thờ phụng, biên soạn, tuyên truyền, giáo lý, giáo luật,...

Ý thức tôn giáo là sự thống nhất giữa tâm lý và hệ tư tưởng tôn giáo, thể hiện khát khao của nhân loại, gồm hệ thống quan niệm chính là nơi gửi gắm niềm tin tôn giáo.[24] Cụ thể, niềm tin tôn giáo chính là điểm nhấn ý thức tôn giáo. Ta thấy rõ, niềm tin tôn giáo là đặc điểm chung của ý thức tôn giáo. Niềm tin ấy quy định phương thức hiện diện của ý thức tôn giáo. Mà chính ý thức đó xác định lăng kính nhìn thế giới của nhân loại: “Tôn giáo định hình điều mà các tín đồ nhận biết về thế giới. Tri thức bao la này tạo thành các nhận thức cá nhân về thế giới ...”[25].

Niềm tin tôn giáo chính là tế bào để duy trì tôn giáo. Chúng biểu hiện dưới những hành động thường xuyên nhất của mỗi cá nhân dựa trên giáo lý của từng tôn giáo. Ở cấp độ cộng đồng, niềm tin ấy còn được xem là đường lối phát triển cũng như các thức duy trì của tôn giáo. Đức tin tôn giáo là một thuật ngữ cao hơn thể hiện sự tập trung của niềm tin tôn giáo kết hợp với giáo lý tạo thành ý thức tôn giáo với tính ổn định. Tóm lại, tín ngưỡng chính là nấc thang quan trọng nhất và cũng là nhựa sống, là tế bào để “cây cao tôn giáo” được duy trì và phát triển.[26]

Với sự phân tích về cấu trúc tôn giáo, ta thấy rõ sự hiện diện quan trọng của ý thức tôn giáo mà cụ thể là niềm tin.[27] Niềm tin đóng vai trò sự sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá trình hình thành và phát triển tôn giáo, là sợi dây liên kết con người với tôn giáo và cũng là điểm chốt bảo vệ cho sự tồn tại và phát triển của tôn giáo. Đặt trong tương quan của tôn giáo và sự duy trì, lan tỏa ta thấy được giá trị quan trọng của tín ngưỡng và mối quan hệ ấy cũng đúng theo chiều ngược lại.

Tiểu kết

Làm rõ về tiền đề hình thành đa thần giáo và độc thần giáo ta như phác họa được rõ nét bức trành toàn cảnh về quá trình phát triển từ tín ngưỡng đến đa thần giáo và độc thần giáo, mà ở đó chi tiết về tầm quan trọng quả tín ngưỡng được làm rõ. Bức tranh toàn cảnh ấy chính là mấu chốt quan trọng cho sự phát triển của tín ngưỡng và tôn giáo hiện nay. Đặt những điều trên đây làm nền móng, ta sẽ có được góc nhìn hoàn hảo, góp phần quan trọng để xu hướng tín ngưỡng và tôn giáo mới có được hệ quy chiếu và dưới góc nhìn của một người nghiên cứu tìm hiểu thì các vấn đề về tôn giáo theo thời đại cũng được sáng tỏ.

CHƯƠNG III. SỰ CHUYỂN BIẾN TRONG TÍN NGƯỠNG VÀ TÔN GIÁO VIỆT NAM NGÀY NAY

Tôn giáo luôn liên kết chắc chẽ với xã hội, không bao giờ tách rời. Đi kèm với bước tiến của xã hội, những chuyển biến bên trong tín ngưỡng, những xu hướng của tôn giáo xuất hiện. Từ đây, nhiều vấn đề của tôn giáo, cụ thể ở xã hội Việt Nam phát sinh mà khi nghiên cứu về tôn giáo chúng ta không thể bỏ qua.

1. Mối liên hệ giữa tín ngưỡng, tôn giáo và xã hội

Xã hội chính là cái nôi phát triển của tôn giáo. Dưới nhu cầu gửi gắm niềm tin của con người, tín ngưỡng bén rễ. Dọc theo diễn tiến của xã hội loài người, tôn giáo xuất hiện, từng bước đáp ứng được nhu cầu dẫn dắt và là điểm tựa của con người. Không thể phủ nhân, chính đặc trưng của xã hội, nhu cầu của con người sản sinh ra tôn giáo và đây cũng là “dưỡng chất” để nuôi lớn và phát triển tôn giáo.

Theo Hòa thượng Thánh Nghiêm: “... những đạo lý căn bản mà người ta tin tưởng và đem ra truyền dạy cho nhiều người chính là tôn giáo... ”[28]. Sự tin tưởng của thế hệ trước và đem những giá trị ấy truyền lại cho thế hệ sau chính là quá trình gieo mầm cho sự phát triển của xã hội. Thế nên, tôn giáo chính là nền tảng quan trọng để nhân loại có thể phát triển. Đức giáo hoàng nói: “... điều thứ nhất và quan trọng nhất là lao động được thực hiện trong trái tim con người...”[29]. Điều này thể hiện rõ được giá trị của tín ngưỡng. Niềm tin bén rễ chính là lúc nhân loại được thực hiện hết mình với ý chí nguyện vọng của chính mình. Nếu niềm tin là chân thiện mỹ thì quá trình tiến hóa của xã hội cũng sẽ hướng thượng mỗi ngày.

2. Chuyển biến trong tín ngưỡng và xu hướng biến đổi tôn giáo

Chuyển biến trong tín ngưỡng và xu hướng biến đổi tôn giáo là kết quả của quá trình tác động từ nhiều nguyên nhân theo những chiều hướng nhất định qua thời gian. Nguyên nhân của xu hướng này là “sư thay đổi như vũ bão về mặt xã hội mà đáng kể đến nhất chính là xu thế toàn cầu hóa kinh tế và văn hóa”[30]. Chính điều đó đã làm cho tín ngưỡng thay đổi ngày càng mạnh mẽ và kéo theo đó là sự biến đổi của tôn giáo trên các phương diện từ hình thức đến nội dung nếu không muốn kể đến sự đảo lộn đời sống tôn giáo một cách mạnh mẽ.

Các nhà nghiên cứu đã công nhận rất nhiều xu hướng biến đổi của tôn giáo tùy theo tình hình cụ thể của từng khu vực. Ở Việt Nam, xu hướng đa dạng hóa và cá nhân hóa đã và đang làm cho cơ cấu tôn giáo thay đổi. Từ đây, hình thành nên xu hướng cạnh tranh giữa các tôn giáo. Toàn cầu hóa và dân tộc hóa tôn giáo cũng là một trong những xu hướng biến đổi của tín ngưỡng và tôn giáo góp phần làm thay đổi bề mặt tôn giáo Việt Nam hiện nay. Bên cạnh đó, xu hướng thế tục hóa tôn giáo, thiêng hóa tôn giáo, hiện đại hóa tôn giáo cũng ngày một thúc đẩy quá trình biến đổi từ trong tín ngưỡng đến biểu hiện tôn giáo ngày nay.

3. Thuận lợi và thách thức

Xu hướng đa dạng hóa và quốc tế hóa cũng như cá nhân hóa tôn giáo đã dẫn đến hoạt động đời sống tôn giáo ở Việt Nam chưa bao giờ lại hoạt động mạnh mẽ đến thế. Sự đa dạng của tôn giáo ngày một cao xuất phát bởi sự đa dạng trong tín ngưỡng. Các tôn giáo giao thoa với nhau, hòa với sự phát triển vượt bật của xã hội tạo thành nét đặc sắc về tín ngưỡng và tôn giáo chỉ có ở Việt Nam.[31]

Những xu hướng phát triển mới này còn làm cho cộng đồng người dân Việt Nam có được tầm nhìn mới, sinh động về những giá trị riêng biệt mà nhiều tôn giáo mang lại. Đồng thời, cùng với sự giao thoa về tín ngưỡng, khiến người dân Việt có được cái nhìn đa dạng đối với tôn giáo và mở ra nhiều phương hướng phát triển mà mục đích cuối cùng vẫn là sự thăng hoa về đời sống tinh thần. Kèm theo những thuận lợi ấy là những thách thức xu hướng chuyển biến hiện nay mang lại.

Đầu tiên là sự phai nhạt trong đời sống tín ngưỡng của một tín đồ. Đây là một sự kiện đáng buồn nhưng lại phổ biến và trở thành nét đặc trưng tín ngưỡng và tôn giáo ở Việt Nam. Để lại hậu quả vô cùng nặng nề những không quá ngạc nhiên, bởi với xu hướng đa dạng và giao thoa trong tín ngưỡng thì thiếu kiên định, dễ hồ nghi là điều dễ hiểu. Bên cạnh đó, việc mâu thuẫn giữa các tôn giáo cũng là một vấn đề nhức nhối mà nếu không có biện pháp thì sẽ để lại nhiều hậu quả nặng nề.[32] Một trong số đó là sự khó khăn trong công tác quản lý. Cuối cùng, nhưng cũng không kém phần quan trọng chính là việc nhiều tôn giáo cũng như tín đồ tôn giáo dễ dàng trở thành đối tượng để các thế lực thù địch nhòm ngó, lợi dụng.

Tiểu kết

Tìm hiểu rõ về chuyển biến của tín ngưỡng và xu hướng mới của tôn giáo trên nền mối tương quan giữa tín ngưỡng – tôn giáo – xã hội ở Việt Nam giúp ta có được góc nhìn cụ thể và chính xác hơn về những thuận lợi và thách thức đối với cac hoạt động tôn giáo hiện nay. Đây là hồi chuông cảnh báo cho mỗi chúng ta đặc biệt là người con Phật về những chuẩn bị và những hành động phù hợp để phát triển Phật giáo, tôn giáo, xã hội Việt Nam hiện nay.

VÀI ĐIỀU SUY TƯ

Tiến trình phát triển từ tín ngường đến tôn giáo đa thần và độc thần đã cho ta thấy vị trí quan trọng của tín ngưỡng đối với tôn giáo. Mở rộng vấn đề, ta nhận thấy tín ngưỡng và tôn giáo là mối quan hệ hai chiều. Tín ngưỡng đặt nền tảng hình thành tôn giáo và tôn giáo phát triển sẽ cũng cố tín ngưỡng. Để phát triển tôn giáo cần đặt nền tảng tín ngưỡng thật sâu sắc và ngược lại.

Mối quan hệ giữa tín ngưỡng và tôn giáo chính là bài học quan trọng trong việc hoằng pháp. Thế Tôn đã dạy: “Lòng tin đối với người là tài sản tối thượng”[33]. Xác định được niềm tin là điều kiện quan trọng để tôn giáo phát triển, mỗi hành giả Phật giáo cần có những thay đổi vừa phù hợp với chánh pháp vừa thích nghi với xã hội để xây dựng và phát triển nền tảng tín ngưỡng mang tên Phật giáo. Từ đây, Phật giáo được “sống” với giá trị cao tột của chính mình.

Sự biến đổi trong tín ngưỡng và tôn giáo Việt Nam hiện nay vừa là lợi thế vừa là thử thách lớn, mà nếu không nắm vững, Phật giáo sẽ mất đi vị thế của mình. Mỗi hành giả Phật giáo cần nhìn nhận một cách đúng đắn hoàn cảnh hiện nay để kịp thời có những biện pháp ứng đối thích hợp, để Phật giáo được lan tỏa đúng với tinh thần vì hạnh phúc của nhân loại vốn là tâm nguyện của Thế Tôn.

“Tôn giáo vốn có ở xã hội, tồn tại bên trong xã hội và đồng thời cũng vượt ra khỏi khuôn khổ của xã hội”[34]. Phật giáo ra đời nhằm đáp ứng nhu cầu hạnh phúc của nhân loại. Thế Tôn cũng đã dạy: “Ai trồng vườn, trồng rừng/Ai xây dựng cầu cống/ .../Những vị ấy ngày đêm/Công đức luôn tăng trưởng”[35]. Mỗi người con Phật chúng ta cần cố gắng hơn nữa để hoàn thành sứ mạng của Như Lai.

C. KẾT LUẬN

Từ sự xuất hiện của tín ngưỡng đến sự hình thành tôn giáo đa thần và độc thần, ta rút ra được nhiều bài học giá trị mà trong đó mối tương quan giữa tín ngưỡng và tôn giáo là điểm nhấn đắt giá, bởi mọi sự phát triển của tôn giáo trong xã hội đều không nằm ngoài liên hệ này. Từ đây, ta có được cái nhìn đúng đắn hơn về giá trị của tín ngưỡng, tầm quan trọng của tín ngưỡng, tôn giáo trong xã hội cũng như sự tác động qua lại giữa chúng. Đây chính là tiền đề quan trọng đặt nền móng cho các chiều nghiên cứu sâu về tôn giáo, về chiều hướng phát triển của tôn giáo cũng như tiếp thu tinh và ứng dụng một cách triệt để nhất những bài học ấy vào đời sống không nằm ngoài mục đích phát triển xã hội.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên Học viên Ths Khóa V - Học viện Phật giáo Việt Nam

*** Chú thích: [1] Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994, tr.13. [2] Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Khoản 1 và 5 điều 2, 2016. [3] Từ điển Tôn giáo, Nxb. Từ điển Bách khoa, Hà Nội, 2002, tr.634. [4] Nguyễn Bá Dương, Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.5. [5] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.16. [6] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.273. [7] Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Khoản 1 và 5 điều 2, 2016. [8] Nguyễn Quốc Tuấn, Tiếp cận hệ thống về thực thể tôn giáo: một cái nhìn khác về tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3,2014, tr.3-15. [9] Nguyễn Bá Dương, Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.10. [10] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.54. [11] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.13. [12] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.49. [13] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.274. [14] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.292. [15] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.294. [16] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.296. [17] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.297. [18] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.45. [19] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.54. [20] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.288. [21] Nguyễn Bá Dương, Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.10. [22] Lê Thế Thép (dịch), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995, tr. 47-48. [23] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.318. [24] Nguyễn Bá Dương, Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018, tr.11. [25] Dương Ngọc Dũng (2016), Tôn giáo nhìn từ viễn cảnh xã hội học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, tr.76. [26] Nguyễn Hoài Sanh, Đời sống tín ngưỡng tôn giáo: Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Viện Triết học, Học viện Khoa học xã hội VN, 2013. [27] Trác Tân Bình (Trần Nghĩa Phương dịch), Lý giải tôn giáo, Nxb. Hà Nội, 2007, tr.137. [28] Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015, tr.16. [29] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.327. [30] Nguyễn Hoài Sanh, Đời sống tín ngưỡng tôn giáo: Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Viện Triết học, Học viện Khoa học xã hội VN, 2013. [31] Đặng Thị Lan, Xu hướng biến đổi Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, trong Tôn giáo trong Tính hiện đại và đời sống tôn giáo Việt Nam của TT tôn giáo đương đại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012. [32] Nguyễn Quốc Tuấn, Tiếp cận hệ thống về thực thể tôn giáo: một cái nhìn khác về tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3,2014. [33] ĐTKVN, Tương ưng I, chương 10, phần Àlavi, VNCPHVN, 1993, tr.471. [34] Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006, tr.195. [35] ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 1: Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng, VNCPHVN, 1993, tr.75-76.

THƯ MỤC THAM KHẢO 1. Trác Tân Bình (Trần Nghĩa Phương dịch), Lý giải tôn giáo, Nxb. Hà Nội, 2007. 2. Trần Công, “Về dự thảo chống các hoạt động giáo phái cực đoan của Cộng hòa Pháp”, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 4, 2000. 3. Trương Văn Chung (chủ biên), Chuyển đổi tôn giáo – Những vấn đề lý luận và thực tế, Nxb. Đại học Quốc gia, TP. Hồ Chí Minh, 2017. 4. Dương Ngọc Dũng, Tôn giáo nhìn từ viễn cảnh xã hội học, Nxb. Hồng Đức, Hà Nội, 2016. 5. Nguyễn Văn Dũng, Tôn giáo với đời sống chính trị - xã hội của một số nước trên thế giới, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2012. 6. Nguyễn Bá Dương, Hỏi và đáp về tín ngưỡng, tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2018. 7. ĐTKVN, Kinh Tương ưng bộ, tập 1, chương 1: Tương ưng chư Thiên, phẩm Thiêu cháy, kinh Trồng rừng, VNCPHVN ấn hành, 1993. 8. ĐTKVN, Tương ưng I, chương 10, phần Àlavi, VNCPHVN ấn hành, 1993. 9. Mai Thanh Hải, Từ điển tôn giáo, Nxb. Từ điển bách khoa, Hà Nội, 2002. 10. Đỗ Lan Hiền, Những biến động trong đời sống tôn giáo ở Việt Nam hiện nay và tác động của nó đến lối sống của người Việt, Nxb. Chính trị Quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2017. 11. Đỗ Minh Hợp, Nguyễn Anh Tuấn, Nguyễn Thanh, Lê Hài Thanh, Tôn giáo lý luận xưa và nay, Nxb. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh, 2006. 12. Đặng Thị Lan, Xu hướng biến đổi Phật giáo ở Việt Nam hiện nay, trong Tôn giáo trong Tính hiện đại và đời sống tôn giáo Việt Nam của TT tôn giáo đương đại, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2012. 13. Nguyễn Hoài Sanh, Đời sống tín ngưỡng tôn giáo: Những vấn đề lý luận và thực tiễn cấp bách ở Việt Nam hiện nay, Luận án Tiến sĩ Triết học, Viện Triết học, Học viện Khoa học xã hội VN, 2013. 14. Luật tín ngưỡng, tôn giáo, Khoản 1 và 5 điều 2, 2016. 15. Lê Thế Thép (dịch), Các hình thức tôn giáo sơ khai và sự phát triển của chúng, Nxb. Chính trị quốc gia, Hà Nội, 1995. 16. Thích Chân Tín (dịch), Tôn giáo học so sánh, Chùa Hoằng Pháp, TP.HCM, 2015. 17. Nguyễn Quốc Tuấn, Tiếp cận hệ thống về thực thể tôn giáo: một cái nhìn khác về tôn giáo, Tạp chí Nghiên cứu Tôn giáo, số 3,2014. 18. Viện Nghiên cứu Tôn giáo, Những vấn đề tôn giáo hiện nay, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội, 1994.