1. Bằng con đường tâm linh – xã hội, trải qua trên 25 thế kỉ du nhập và phát triển, Phật giáo đã trở thành một trong những tôn giáo lớn, là người bạn đồng hành trong tiến trình thăng trầm của lịch sử dân tộc. Với hệ thống quan điểm tôn giáo – triết học – văn hóa, Phật giáo có nhiều nét tương đồng với văn hoá, lối sống và trở thành một phần quan trọng trong đời sống tinh thần của người Việt Nam.
 
Tư tưởng giáo lý và hoạt động phật sự của Phật giáo Việt Nam là minh chứng rõ ràng, phong phú, sinh động về chức năng xã hội của tôn giáo, đóng góp giá trị tích cực trong quá trình xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Mặc dù, trong kinh điển Phật giáo không có những thuật ngữ của khoa học công tác xã hội như “an sinh xã hội”, “phúc lợi xã hội”… nhưng những vấn đề về công bằng, bình đẳng, vô ngã, vị tha, cứu khổ cứu nạn, mối quan hệ giữa cá nhân và cộng đồng, lợi ích và thụ hưởng được đề cập và luận giải sâu sắc trong hầu hết các trước tác của Phật giáo, kể cả Nam tông và Bắc tông.
 
Mục đích tối hậu của Phật giáo là đạt tới giác ngộ và giải thoát bằng những suy nghĩ, lời nói và việc làm hàng ngày và trong chính thế gian này.
 
Trong “Pháp Bảo Đàn kinh” có nói: “Phật pháp tại thế gian, bất ly thế gian giác” (chân lý giác ngộ giải thoát nằm ở chính thế gian này, không thể thoát ly thế gian mà tìm được sự giác ngộ). Tư tưởng Phật pháp tại thế gian là cơ sở lý luận cho hạnh từ bi hỷ xả, vô ngã tự tha, tự độ độ tha, tự giác giác tha… Quan điểm đó đã được triển thi rộng rãi qua những việc làm thiết thực, hiệu quả trong bối cảnh xã hội - lịch sử khác nhau. 
 
Cùng với sự phát triển của lịch sử dân tộc, Phật giáo đã có những đóng góp tích cực trong đấu tranh chống ngoại xâm, bảo vệ Tổ quốc, phòng chống tội phạm, tệ nạn xã hội bằng các chức năng giáo dục, hành động nghĩa từ, vì cộng đồng. Do đó, Giáo hội Phật giáo Việt Nam là thành viên tin cậy của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, là tổ chức có uy tín, hoạt động hiệu quả trong công tác xã hội như: Từ thiện, đền ơn đáp nghĩa, phòng chống tệ nạn xã hội, góp phần xây dựng “Gia đình văn hoá”, “Cụm cư dân văn hoá”
 
Trong thời gian qua, Phật giáo cũng đã tham gia, phát huy hiệu quả tích cực trong công tác phòng, chống tệ nạn xã hội, góp phần to lớn trong công tác bảo đảm trật tự, an toàn xã hội, xây dựng xã hội văn minh, tiến bộ. Thực tế đã có một số vị tu sĩ đem giáo lý Phật giáo tới các trại giam, động viên, khích lệ và giáo dục tội phạm, khiến họ có những suy nghĩ tích cực hơn; giúp họ tự ngộ được nguồn gốc và hậu quả của việc mình làm, tự giác an tâm cải tạo để nhanh chóng được hoà nhập sống tích cực cùng cộng đồng và trở thành những nhân tố tốt cho xã hội.
 
Trong rất nhiều những Chương trình "Phật pháp nhiệm màu" của chùa Hoằng Pháp từ 20 năm về trước, nhiều nhân vật có thật đã dám chia sẻ những câu chuyện và hành trình hoàn lương của mình khi biết đến Phật pháp. Đây chính là minh chứng cho thấy sức mạnh và niềm tin đạo Phật đã cứu rỗi những con người lầm lạc.
 
Ngày nay rất nhiều lớp tu mùa hè mang năng lượng tích cực và định hướng đạo đức, lối sống tốt đẹp cho lứa tuổi thanh, thiếu niên được các bậc cha mẹ, nhà trường và xã hội ủng hộ, góp phần giáo dục tình yêu cuộc sống, tấm lòng hiếu đạo.
 
Bằng con đường tâm linh, tôn giáo và dư luận xã hội, nhiều người “không dám” và “không muốn” phạm tội, góp phần ngăn ngừa, đẩy lùi tệ nạn xã hội từ cội nguồn sâu xa của nó. 
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
Ảnh minh hoạ (sưu tầm)
 
2. Trải qua gần 40 năm sau khi giành được độc lập, thống nhất, vượt qua nhiều khó khăn, thử thách đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội, nhưng chúng ta cũng đang đứng trước những vấn đề xã hội có tính tiêu cực, tệ nạn xã hội vẫn đang diễn ra và ngày càng phức tạp.
 
Đây là nhiệm vụ quan trọng, nặng nề, là trở lực to lớn trên con đường xây dựng và phát triển đất nước. Phát huy giá trị, sự tham gia của các tôn giáo trong đó có Phật giáo có ý nghĩa to lớn trong công tác phòng chống tệ nạn xã hội.
 
Mặt trái của nền kinh tế thị trường, du nhập văn hóa, lối sống thực dụng dẫn đến các tệ nạn xã hội tăng, đạo đức xã hội xuống cấp, giá trị truyền thống bị xem nhẹ coi thường.
 
Trong hoàn cảnh đó, con người nảy sinh hai trạng thức cực đoan: Bất lực, chán chường, buông tay mặc “số phận”, hoặc nổi loạn “làm liều” như Khổng Tử từng nói: “Háo dũng tật bần, loạn dã”, “Ưa việc dùng vũ lực, căm ghét sự nghèo là đầu mối của loạn”. Đây cũng chính là một trong những nguyên nhân nảy sinh tệ nạn xã hội theo quan điểm của Phật giáo. 
 
Khi bàn về vấn nạn xã hội, ngay từ thời cổ đại các nhà tôn giáo – triết học phương Đông cho rằng, cội nguồn sâu xa của những vấn nạn xã hội không phải chỉ do đói về vật chất mà còn do sự nghèo nàn của đời sống nội tâm, khiến cho cái tâm tham lam, sân hận nổi lên và dẫn tới có những lời nói, việc làm bất thiện như trong Phật giáo gọi là “Tam độc: Tham, sân, si”.
 
Kinh điển Phật giáo không đề cập tới khái niệm “hạnh phúc” theo nghĩa là sự thoả mãn nhu cầu, mà cái cần là một đời sống “Thân tâm thường an lạc” với ý nghĩa “Thể xác và tâm hồn luôn vui vẻ bình an”. Để đạt được cái “an” đó, con người chắc chắn phải lánh xa những tệ nạn xã hội, không thoả mãn các nhu cầu của mình bằng việc đắm chìm trong các thú vui tội lỗi.
 
Đây cũng chính là mục tiêu của các nền giáo dục, quản lý xã hội ở bất kỳ quốc gia, hay dân tộc trên thế giới. Theo quan điểm của Phật giáo, không ai dính tới các tệ nạn xã hội bởi ốm đau, bệnh tật, nhưng với một đời sống tâm hồn “nghèo nàn và bệnh tật”, khi cái tâm “si” nổi lên, dễ dẫn dắt con người đi vào con đường lầm lạc. Khi đó, con người sẽ bất chấp pháp luật, dư luận; không coi trọng lương tâm, danh dự; thiếu đạo đức, không có ý chí và dễ dàng sa ngã trước cám giỗ của xã hội.
 
3. Xuất phát từ thực tế trên, để phát huy vai trò của Phật giáo trong đấu tranh phòng, chống các tệ nạn xã hội. Chúng ta cần chú ý một số vấn đề sau:
 
Một là, phát huy chức năng văn hoá, giáo dục của Phật giáo để Phật giáo không chỉ thuần tuý thực hiện chức năng tôn giáo; đồng thời, xóa bỏ mê tín, dị đoan hoặc lợi dụng vào mục đích cá nhân. Trong xã hội hiện nay, khi mỗi cá nhân chưa đạt được sự tự giác, ngăn ngừa từ trong ý thức về những hành vi sai trái, lệch lạc thì chức năng giáo dục của ngôi Chùa, của các cơ sở thờ tự Phật giáo cần phải được được phát huy, tham gia giải quyết những vấn đề nảy sinh của xã hội.
 
Bên cạnh đó, cần khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực trong sinh hoạt Phật giáo hiện nay như: Xem tướng số, cúng sao giải hạn, đốt vàng mã... tại các cơ sở thờ tự của Phật giáo còn diễn ra ít nhiều có thể gây tốn kém về kinh tế và ảnh hưởng xấu đến niềm tin tôn giáo. Chùa chiền, cơ sở thờ tự vốn là nơi thanh tịnh, giúp con người thư thái, tĩnh tâm. Nhưng cảnh chen lấn, xô đẩy của những dòng người đi lễ hội, đi chùa vào dịp đầu năm mới hoặc tuần, rằm cho thấy sự nhận thức của một bộ phận phật tử đối với Phật giáo còn nhiều mặt hạn chế, cần đấu tranh để xóa bỏ.
 
Hai là, từ góc nhìn của Phật giáo, tệ nạn xã hội phát sinh từ những con người có tâm hồn nghèo nàn, bệnh tật, đáng thương, cần được cứu trợ.
 
Vì vậy, xây dựng một môi trường văn hoá lành mạnh, hiện đại, tiên tiến, giàu bản sắc truyền thống, cùng với đó phát huy giá trị tích cực của chất liệu tâm linh, tôn giáo trong tư tưởng của đạo Phật là một trong những biện pháp để giải quyết những vấn đề xã hội hiện nay.
 
Trong đó, việc xây dựng môi trường lành mạnh sẽ giúp mỗi cá nhân tránh xa những điều tội lỗi trong hiện tại, tạo dựng một lối sống tốt đẹp, an lành, hạnh phúc.
 
Phật giáo Việt Nam đã và đang bền bỉ với nhiệm vụ xây dựng các giá trị đạo đức con người, góp phần định hướng tư duy và điều chỉnh hành vi của cộng đồng, xã hội. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện... đã tổ chức nhiều khóa tu, trại hè, các hoạt động phật pháp giáo dục cho các tăng ni, phật tử hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc; có nếp sống lành mạnh, văn minh, trách nhiệm với cộng đồng, xã hội và chấp hành nghiêm đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương.
 
Ba là, đứng trước những vấn đề tệ nạn xã hội, trong giáo lý đạo Phật, đức Phật có nêu rõ những giới luật có thể coi là những phương pháp hữu hiệu để khuyên răn con người làm lành, lánh dữ, trở thành những con người hiền thiện, có ích cho xã hội. Đối với người Phật tử tại gia, khi bước chân vào ngôi nhà Phật pháp, phải quy y tam bảo, thực hành theo 5 điều giới cấm một cách nghiêm chỉnh: Không sát sinh; Không trộm cắp; Không tà dâm; Không nói dối; Không uống rượu. Những giới cấm trên đây tưởng chừng như vô cùng đơn giản nhưng thực ra lại khó thực hiện vô cùng, bởi chỉ cần vi phạm vào một giới “uống rượu” thôi đã kéo theo 36 thứ tội lỗi, gieo rắc biết bao hậu quả nghiêm trọng và gây nên oán nghiệp vô cùng.
 
Ngược lại, người thực hiện nghiêm ngặt những giới cấm của người Phật tử tại gia thì không chỉ có cuộc sống an lành, hạnh phúc trong đời hiện tại mà tương lai cũng được thác sinh về cảnh giới an lành, thấp nhất là ở cõi người, cao hơn nữa khi tu “thập thiện” thì được thác sinh về cõi trời để hưởng lợi ích an vui. Do vậy, trong công tác phòng ngừa, đấu tranh với các tệ nạn xã hội, cần lấy đây là nội dung, phương pháp để giáo dục con người. Thông qua những đạo lý của đạo Phật để giáo dục, khơi dậy tình cảm gia đình, tình yêu thương con người, lòng hiếu thuận…
 
Bốn là, phát huy giá trị của Phật giáo trong giáo dục đạo đức xã hội. Phật giáo khuyên con người làm điều lành, tu nhân tích đức hướng tới chuẩn mực đạo đức xã hội như hiếu thảo cha mẹ, trung thực, nhân ái, hướng tới cái thiện, tránh xa điều ác... Với những tư tưởng về “vô thường, vô ngã”, “từ, bi, hỷ, xả”, “luân hồi, quả báo”, “nhân quả”...
 
Đạo đức Phật giáo đã góp phần bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, đạo đức của người Việt, làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc. Phật giáo khuyên con người sống hướng thiện, tin vào nghiệp báo luân hồi... từ đó tự giác hành động hướng thiện. Những tư tưởng Phật giáo đều có giá trị giáo dục đạo đức rất lớn. Đây là điều mà đạo đức xã hội của chúng ta đang hướng tới.
 
Tình thương và lòng nhân ái sẽ giúp con người từ bỏ dần tính ích kỷ, từ bỏ lòng tham lam, sự sân hận và từ đó cũng diệt trừ được tam độc (tham, sân, si) đó chính là cội rễ nảy sinh sự xung đột, chiến tranh, bạo hành trong xã hội.
 
Trong xu thế toàn cầu hóa đã tác động rất nhiều tới đời sống đạo đức xã hội, giải pháp tam độc “tham, sân, si” và ngũ giới của đạo Phật còn có ý nghĩa thiết thực đối với đạo đức của con người; tư tưởng từ bi, cứu khổ và diệt khổ của đạo Phật trong thời hiện đại vẫn còn nguyên giá trị. Phật giáo dạy con người biết yêu thương sự sống, tình yêu đó bao trùm đến muôn loài, vạn vật.
 
Ngày nay, với chủ trương “tìm Niết Bàn trong hiện thực”, Phật giáo đã và đang hướng con người vào cuộc sống này, chứ không phải vào một thế giới ảo tưởng, nếu chúng ta biết sống tốt đẹp, làm chủ cuộc sống của mình, như vậy tất sẽ đạt được Niết bàn - đó cũng là khuyên con người có ý thức tự lập, biết làm chủ bản thân là điều vô cùng cần thiết trong xã hội hiện đại. Đạo Phật đề cao trí tuệ và khuyến khích khả năng nỗ lực của mỗi con người.
 
Những giá trị đạo đức phát khởi từ tinh thần đại bi, trong những điều kiện lịch sử cụ thể, luôn có tác dụng tích cực trong đời sống đạo đức, đời sống văn hóa tinh thần của con người Việt Nam.
 
Như vậy, Phật giáo có những lợi ích to lớn trong việc phòng chống các tệ nạn xã hội cũng như giúp đỡ cho những người đã, đang và sẽ trên con đường phạm tội không còn tiếp tục nuôi dưỡng tâm bất thiện để Phật pháp luôn đồng hành cùng Nhà nước xây dựng một xã hội công bằng, dân chủ, văn minh theo tư tưởng “quốc thái dân an” của đạo Phật.
 
Tài liệu tham khảo
 
1. Ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương (1998), Tài liệu học tập Nghị quyết Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương (khóa VIII), Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội. 
2. Phan Kế Bính (2005), Việt Nam phong tục, Nxb. Văn hóa Thông tin, Hà Nội.
3. Bộ Đại học (1996), Trích những tác phẩm kinh điển Mác - Lênin về vấn đề tôn giáo, Nxb. Chính trị Quốc gia, Hà Nội.
4. Thích Minh Châu (dịch, 1996), Kinh pháp cú, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
5. Minh Chi (2003), Truyền thống văn hóa và Phật giáo Việt Nam, Nxb. Tôn giáo, Hà Nội. 
6. Nguyễn Hồng Dương (2004), Tôn giáo trong mối quan hệ văn hoá và phát triển ở Việt Nam, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội. 
7. Trần Văn Giàu (1993), Đạo đức Phật giáo trong thời hiện đại, Nxb. Tp. Hồ Chí Minh. 
8. Trương Sỹ Hùng (2007), Tôn giáo và văn hóa, Nxb. Khoa học xã hội, Hà Nội.
 
Tác giả: Trung tá TS Hoàng Thị Thúy - Phó Trưởng Khoa KHXHNV & Tâm lý - Học viện Chính trị CAND
Thượng úy Ngô Xuân Thái - Trường Cao đẳng An ninh Nhân dân 1