Tác giả: TS Thích Nữ Thanh Quế - TT TS Thích Hạnh Tuệ
Văn hoá là cái phần hồn của một dân tộc, là động lực để phát triển kinh tế xã hội. Thực tế lịch sử đã chứng minh rằng chính nền văn hoá đặc sắc của cư dân lúa nước phương Nam đã thổi một luồng sinh khí vào hồn dân tộc Việt tạo nên sức sống vô cùng mãnh liệt, dù cho bao nhiêu thế lực ngoại bang muốn xâm lược, thống trị, đồng hoá nhưng vẫn không thể thực hiện được.
Văn hoá là bảo vật vô giá và đặc thù của một dân tộc được tích luỹ từ đời này sang đời khác. Văn học là xương sống của văn hoá, là tấm gương phản chiếu trung thực và đầy đủ mọi khía cạnh tinh thần và vật chất của đời sống xã hội. Hơn bao giờ hết, trong thời đại hiện nay việc kế thừa, giữ gìn và phát huy văn hoá truyền thống, tiếp thu cái tinh hoa của những thành tựu văn hoá của nhân loại để làm phong phú thêm cho nền văn hoá nước nhà là việc làm vô cùng bức thiết.
Phật – Đạo - Nho là ba hệ tư tưởng vĩ đại của nhân loại, xuất hiện cách đây hơn 2500 năm. Nho – Lão Trang bắt nguồn từ Trung Hoa, Phật phát sinh ở Ấn Độ. Ba hệ tư tưởng này có sức ảnh hưởng rất lớn đến nhiều khía cạnh của đời sống nhân loại, nhất là những dân tộc nằm trong sự ảnh hưởng của hai nền văn minh lớn: Ấn Độ và Trung Quốc, trong đó có Việt Nam.
Dân tộc Việt Nam vốn từ xưa đã có truyền thống hoà hiếu và rộng mở, nên dễ dàng tiếp nhận những tinh hoa tư tưởng của các dân tộc khác. Từ khi Tam giáo Phật - Đạo - Nho được truyền vào nước ta thì dân tộc ta đã tiếp thu, tinh lọc và dung hoà tư tưởng Tam giáo với những nét văn hoá truyền thống tâm linh bản địa để tạo nên một nền văn hoá đặc sắc, độc đáo giàu bản sắc dân tộc, khu biệt với nền văn hoá của những dân tộc khác, kể cả những quốc gia dân tộc sản sinh ra hệ tư tưởng này như Trung Quốc, Ấn Độ và những quốc gia dân tộc chịu ảnh hưởng tư tưởng Tam giáo sâu sắc như Nhật Bản, Triều Tiên, Đài Loan.
Cho nên viêc tìm hiểu, nghiên cứu một cách nghiêm túc tư tưởng uyên nguyên của ba nhà Phật - Đạo - Nho trong sự tương đồng, dị biệt và sự hoà đồng dung hợp của ba hệ tư tưởng lớn, để hiểu sâu sắc hơn nữa văn hoá truyền thống của dân tộc ta là điều vô cùng cần thiết, nhất là sự dung hợp Tam giáo này trong Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh - một trước tác nổi tiếng của danh sĩ Ngô Thì Nhậm và những pháp hữu, đệ tử vào cuối thế kỷ XVIII. Bởi vì, có thể nói rằng Ngô Thì Nhậm là một “đại gia” xuất sắc tiêu biểu cho nền văn học thời kỳ này. Hơn nữa, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một tác phẩm văn học thuộc loại luận thuyết triết lý độc đáo và hiếm hoi, có nội dung bao hàm cả ba hệ tư tưởng lớn với nghệ thuật ngôn từ mà Lê Văn Siêu đánh giá: "Tác phẩm phải kể là một công phu tuyệt vời tiêu biểu cho mức tiến hoá tinh thần của người Việt ở thế kỷ XVIII". Còn ở góc độ tư tưởng, Mai Quốc Liên đã rất xác đáng khi cho rằng Ngô Thì Nhậm đã có công đóng góp về mặt đẩy lên một bước tư duy triết học Việt Nam qua tác phẩm lớn cuối cùng này.
1. Cội nguồn, sự dung hợp và tiếp biến của quan niệm Dung hòa tam giáo
Trong lịch sử Trung Hoa, mối quan hệ giữa ba hệ tư tưởng Phật – Nho và Lão Trang vô cùng phức tạp: có giao lưu, có điều hòa, có tiếp biến, thậm chí có đấu tranh. Nhưng xu hướng chủ yếu vẫn là xu hướng điều hòa, dung hợp Tam giáo. Xu hướng này có lẽ đã manh nha từ khi Phật giáo từ Ấn Độ truyền vào Trung Quốc khoảng từ thời Đông Hán đến Đông Tấn. Để người dân bản xứ dễ tiếp nhận một hệ thống giáo lý và sinh hoạt đời sống tâm linh hoàn toàn mới theo Phật giáo, những nhà truyền giáo của Phật giáo phải vay mượn những thuật ngữ, khái niệm trong hệ tư tưởng của Nho gia và Đạo gia tương tự với tư tưởng Phật giáo, vốn đã rất quen thuộc với người dân ở đây. Thậm chí, khi cần thiết họ dùng cả tư tưởng Nho gia, Đạo gia để giải thích giáo lý nhà Phật cho tín đồ dễ hiểu.
Ngược lại, những nhà Nho, Đạo sĩ cũng thấy được sự bổ túc, hoàn thiện cần thiết của giáo lý nhà Phật vào sự khiếm khuyết của Nho gia và Lão gia, cả sự tương đồng của ba nhà.
Ở Trung Quốc xu hướng tư tưởng Dung hợp Tam giáo đã xuất hiện vào thời Ngụy - Tấn - Nam Bắc triều, trải qua các đời Tùy, Đường, Tống, thịnh hành ở hai triều Nguyên, Minh đến triều đại nhà Thanh bắt đầu suy vi. Tư tưởng này do Cát Hồng đề xướng. Cát Hồng là một đạo sĩ sinh năm 284, mất năm 364, hiệu là Bảo Phát Tử. Ông và Khấu Liêm Chi, Lục Tu Tỉnh là những người có vai trò quan trọng trong việc cải biến Đạo giáo phù thủy và Ngũ đấu mễ đạo theo hướng tu tiên thành Đạo giáo chính thống. Cũng chính Cát Hồng là người chủ trương kết hợp Đạo giáo với Nho giáo, Phật giáo thành lập Đạo Kim Đan của quí tộc lấy tư tưởng Tam giáo đồng nguyên làm tông chỉ trên nền tảng Đạo giáo chính thống. Ông là người thiên tư thông tuệ, tinh thông Tam giáo, đạo hạnh cao siêu, là người đặt nền móng cho sự ra đời của Tư tưởng “Tam giáo đồng nguyên”, Đào Hoằng Cảnh (456 – 536) đời Tề kế thừa và phát triển. Tư tưởng Tam giáo đồng nguyên từ khi ra đời cho đến tận ngày nay, có sức ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của dân tộc Trung Quốc, trên từ vua, quan, danh sĩ dưới đến muôn dân: vua Tùy Văn Đế, Lương Võ Đế (464 – 549), Diêu Tần (Diêu Trành), Tề Võ Đế, Tấn Hiếu Võ, Đường Thái Tông, Đường Cao Tông, Đường Huyền Tông, Đường Túc Tông, Đường Đại Tông, Tống Thái Tổ, Tống Thái Tông, Tống Chơn Tông, Tống Nhơn Tông…
Những vị đại thần Tể tướng, cự Nho, triết gia, danh sĩ như: Tạ An Thạch, Vương Hy Chi, Đào Uyên Minh, Tạ Linh Vận, Thôi Công Quần, Bàng Uẩn, Bùi Tấn Công, Nhan Lỗ Công, Bùi Tướng Quốc, Trần Trung Túc, Vương Nhật Hưu,Tô Thức, Tô Triệt, Hoàng Sơn Cốc…Những danh Nho như Quốc Nhất, Thọ Nhai, Ma Y, Trần Đoàn, Xung Phóng, Mục Tu, Lý Đỉnh Chi, Thiệu Khang Tiết, Chu Đôn Di (Liêm Khê), Trình Di (Y Xuyên), Trình Hạo (Minh Đạo), Chu Hy (Hối Am), Tiết Giản, Trương Chuyết, Bạch Cư Dị, Đỗ Hồng Tiệm, Lý Tập Chi, Hàn Dũ (Xương Lê), Trần Tháo, Lục Tuyên, Lý Phụ Mã, Dương Đại Niên, Phú Trịnh Công, Dương Thứ Công, Quách Công Phũ, Triệu Thanh Hiến, Trương Vô Tận, Phùng Tế Xuyên, Trương Cửu Thành, Ngô Cư Nhân… đều tham cứu Thiền tông có chỗ sở đắc, đều chủ trương, ủng hộ tinh thần Tam giáo đồng nguyên.
Trình Di trong Minh Đạo hành trạng có nói: “Minh Đạo tiên sinh ra vào Phật Lão mấy chục năm”. Đại sư Tông Bổn đời Tống để lại cho đời sau bộ Quy nguyên trực chỉ với tông chỉ Tam giáo nhất nguyên. Lưu Mật đời Nguyên viết Tam giáo bình tâm luận. Cũng trong thời này xuất hiện một bộ sách kỳ lạ có tên Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn mà đến nay vẫn chưa biết ai là tác giả. Tác phẩm này mặc dù không được thượng tầng trí thức xem trọng, nhưng lại có sức ảnh hưởng rất lớn đối với đông đảo tầng lớp bình dân và được lưu truyền rộng rãi trong nhân gian. Tuyên Hóa thượng nhân, một vị cao tăng đương đại thường dẫn lời Lão tử, Khổng tử trong khi thuyết pháp: “Muốn liễu sinh thoát tử, thì phải có công phu. Công phu là gì? Tức là cách vật, chính tâm, thành ý, tu thân, tề gia, trị quốc, bình thiên hạ”
Thời Nam Bắc triều vua Lương Võ Đế chính thức đưa ra lý luận về tư tưởng dung hợp Tam giáo trong chiếu thư để công bố thiên hạ. Là phật tử thuần hành, ông viết Tam giáo đồng nguyên thuyết, chính thức đề xướng tinh thần “Tam giáo đồng nguyên” trên nền tảng của tư tưởng Phật giáo. Tác phẩm này có vị trí rất quan trọng trong lịch sử tư tưởng Trung Quốc nói chung, với “tín đồ” của Tam giáo nói riêng. Đến Bắc triều Châu Võ Đế, mặc dù cũng muốn dung hợp Tam giáo nhưng lại kiềm chế Phật giáo đề cao Đạo gia. Tức là trong giai đoạn này chúng ta có thể thấy được sự phân tranh theo hướng điều hòa giữa Phật – Đạo hai nhà.
Khuynh hướng tư tưởng của Tùy Vương triều vẫn là Tam giáo nhất gia, nhưng không thể hiện rõ lắm. Khi nhà Đường thống nhất Trung Quốc, đã áp dụng chính sách quân bình Phật – Nho – Đạo, nhiều lần tổ chức cho Nho sĩ, Đạo sĩ, Hòa thượng tranh biện về sự ưu liệt trong tư tưởng triết lý ba nhà, tạo ra sự phân tranh sôi nỗi trong Tam giáo.
Đến đời nhà Tống, tình hình học thuật có nhiều biến chuyển. Nho gia phát minh Lý học dựa trên sự tiếp thu, cải biến một số nội dung tư tưởng trọng yếu của hai nhà Phât – Đạo, nhất là tư tương Đại thừa Phật giáo. Vì vậy, tư tưởng Phật – Nho dần dần hòa lẫn vào nhau làm xuất hiện xu thế “dương Nho âm Thích” hay nói cách khác là “ngoại Nho nội Thích”. Từ Bắc Tống đến Nam Tống xu hướng Tam giáo hợp nhất ngày càng phổ biến. Tống Lý Tông từng đề xướng “Tam giáo nhất đạo” trong Văn thủy chân kinh ngôn ngoại chỉ.
Nhà Nguyên sùng tín Phật giáo Tây Tạng và có chính sách hợp nhất Tam giáo nên tư tưởng này vô cùng phát triển. Đào Cữu làm Tam giáo nhất nguyên đồ trong Nam thôn xuyết độc đồ. Ông đem “Lý”, “Tính”, “Mạng” của Nho gia phối với “Giới”, “Định”, “Tuệ” của Phật gia và “Tinh”, “Khí”, “Thần” của Đạo gia; đem “Nhân”, “Nghĩa”, “Lễ”, “Trí”, “Tín” của Nho phối với “Sắc”, “Thọ”, “Tưởng”, “Hành”, “Thức”, của Phật và “Luân”, “Nguyên”, “Đình”, “Lợi”, “Trinh” của Đạo; đem “Dụng chi tắc hành, xả nhi tắc tàng” của Nho phối với “Quán tâm vô thường, quán pháp vô ngã” của Phật và “Miên miên nhược tồn, dụng chi bất cần” của Đạo…
Cuối thời Nguyên đầu nhà Minh cho đến gần hết đời Minh tư tưởng Tam giáo hợp nhất vẫn được lưu truyền rộng rãi. Trương Tam Phong cho ra đời một tác phẩm kinh điển Vô căn thọ giải tuyên truyền cho tư tưởng Tam giáo nhất gia. Ông sử dụng các khái niệm, từ ngữ, thuật ngữ cả ba nhà như: “sắc không”, “sinh diệt”, “viên giác”, “chính pháp nhãn tạng”, niết bàn diệu tâm”… của Phật; “kim đan”, “linh bảo trí”, “thêm mễ nguyên châu”…của Đạo; “minh đức”, “thứ dân”, “thái cực”, “quân tử”…của Nho, tạo nên Tam giáo hỗn hợp luận. Lý Triệu Ân sáng lập “Đại Thành giáo” lấy tư tưởng hòa hợp Tam giáo là tông chỉ.
Đầu nhà Thanh sự dung hợp Tam giáo vẫn rất phổ biến. Thời này xuất hiện nhiều nhà lý luận tam giáo. Từ cuối nhà Thanh cho đến nay, dần dần số người quan tâm đến tư tưởng Tam giáo đồng nguyên ít dần, nhưng nó vẫn tồn tại trong đời sống văn hoá xã hội.
Quan niệm Dung hợp Tam giáo xuất hiện ở Việt Nam có lẽ cùng thời với khi phát sinh ở Trung Quốc, dần dần chi phối tư tưởng của các nhà lãnh đạo nhà nước quân chủ phong kiến, và ảnh hưởng suốt thời Trung đại, thậm chí cho đến ngày nay, góp phần tạo nên một thời đại với hào khí Đông A huy hoàng của lịch sử phong kiến Việt Nam.
Ở Việt Nam từ thế kỷ thứ II, Mâu Bác trong Lý hoặc luận (195 – 198) đã bàn về những vấn đề có liên quan đến tư tưởng Phật – Đạo – Nho. Lý hoặc luận gồm có 37 điều: 3 điều đầu trình bày tư tưởng Phật giáo; 8 điều luận về Lão giáo; 1 điều tổng kết, còn lại 25 điều tập trung bàn về mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Theo một số thư tịch cũ có nhắc đến Đạo Cao pháp sư tập (450 – 460) của Đạo Cao bàn về vấn đề Tam giáo nhưng hiện nay không còn. Những vị vua, đại thần, danh sĩ chịu ảnh hưởng hoặc có thiện cảm với tư tưởng Tam giáo rất nhiều như: Đinh Tiên Hoàng, Khuông Việt, Pháp Thuận, Chân Không, Lý Thái Tổ, Lý Thánh Tông, Lý Nhân Tông, Lý Huệ Tông, Viên Chiếu, Hiện Quang, Chu Hải Ngung, Đạo Huệ, Trường Nguyên, Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ, Trần Anh Tông, Diệu Nhân, Huyền Quang, Hương Hải, Lê Quý Đôn, Nguyễn Bỉnh Khiêm, Ngô Thì Sĩ, Ngô Thì Nhậm, Phan Huy Ích, Trịnh Tuệ, Toàn Nhật, Giác Lâm, Nguyễn Đình Chiểu.
Chẳng hạn từ đời Lý với Viên Chiếu thiền sư trong Tham đồ hiển quyết, rồi Trần Thái Tông trong Thiền tông chỉ nam tự; Toàn Nhật viết Tam giáo nguyên lưu ký; Trịnh Tuệ viết Tam giáo nhất nguyên thuyết; Giác Lâm trong Hồng mông hạnh.. đã phát biểu về vấn đề này. Huỳnh Công Bá nhận xét rằng: “Có khuynh hướng Nho giáo kết hợp với tư tương Lão Trang mà tiêu biểu là Nguyễn Bỉnh Khiêm; có khuynh hướng Nho giáo kết hợp với Đạo giáo mà tiêu biểu là Nguyễn Dữ; lại có khuynh hướng Nho giáo kết hợp với Phật giáo mà tiêu biểu là Ngô Thì Nhậm; và cũng có khuynh hướng kết hợp Nho giáo với Pháp gia mà tiêu biểu là Lê Quý Đôn. Hiện tượng tam giáo đồng nguyên trên nền tảng Nho giáo là xu hướng lớn của giai đoạn này. Nhưng hiện tượng đó cũng gây nên sự phản ứng trong một số nhà Nho ở cuối thế kỷ XVIII như Bùi Dương Lịch, Phạm Nguyễn Du, Phạm Quý Thích, Bùi Huy Bích…” .
2. Thiền sư Hải Lượng Ngô Thì Nhậm và Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
Thiền sư Hải Lượng, thế danh Ngô Thì Nhậm tự Hy Doãn, hiệu Đạt Hiên, sinh ngày ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần tức ngày 25 tháng 10 năm 1746 mất năm 1803 người xã Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong một “thế gia vọng tộc” có truyền thống đạo đức, khoa bảng, văn võ song toàn. Đặc biệt, nhờ được sự dạy dỗ nghiêm khắc của thân phụ là Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà quân sự, nhà chính trị, tư tưởng gia nổi tiếng thời Lê trung hưng nên Ngô Thì Nhậm sớm đã mang trong mình trách nhiệm nặng nề của dòng họ Ngô Thì và một bầu nhiệt huyết, hoài bão kinh bang tế thế. Vấn đề này thể hiện rõ trong tên riêng, tên tự và tên hiệu của ông. Chữ “Thì Nhậm” có nghĩa là gánh vác đúng lúc; “Hy Doãn” là mong ước được như Y Doãn của nhà Thương.
Ngô Thì Nhậm là một danh nhân lớn trong lịch sử văn hoá và lịch sử văn học Việt Nam. Có người nói rằng nên dè dặt khi gọi ông là thiên tài, nhưng với những đóng góp vô cùng to lớn của ông cho dân tộc trên nhiều lĩnh vực như văn hoá, triết học, văn học, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoai giao… thì có thể tôn vinh ông đã là một thiên tài thực sự, một trong vài nhân vật hiếm hoi nổi danh vào cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX của lịch sử Việt Nam.
Chỉ xét riêng về lĩnh vực văn học, ông đã để lại một khối lượng tác phẩm đồ sộ với nhiều thể loại khác nhau. Về thơ có các tác phẩm như: Bút hải tùng đàm, Thuỷ vân nhàn vịnh, Ngọc đường xuân khiếu, Cúc hoa thi trận, Thu cận dương ngôn, Hoàng hoa đồ phả, Cẩm đường nhàn thoại. Về văn có các tập: Bang giao hảo thoại, Xuân thu quản kiến, Hào mân ai lục, Hàn các anh hoa, Kim mã hành dư, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.
Theo dòng lịch sử, thuận lẽ vô thường, những tháng ngày oanh liệt của phong trào Tây Sơn dần lụi tàn với sự ra đi vĩnh viễn của vị anh hùng áo vải Quang Trung Nguyễn Huệ năm 1792 cùng với sự lộng quyền của ngoại thích. Vào thời kỳ này Ngô Thì Nhậm không còn đất dụng võ trong việc phát huy tài năng và tâm huyết của bản thân để kinh bang tế thế theo tông chỉ Nho gia. Vì không còn được triều đình trọng dụng, nên khoảng trước năm 1796, ông lập thiền viện Trúc Lâm ở phường Bích Câu (Thăng Long) và viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh với mục đích xiển dương tinh thần nhập thế, cứu đời của tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm Phật giáo của thời thịnh Trần. Phải chăng, đây là chọn lựa mang tính giác ngộ lý tưởng về chân lý Thiền học Trúc Lâm hay chỉ là bước đi trong lúc bất đắc chí, mặc dù bầu nhiệt huyết muốn đem tài năng cống hiến cho đời vẫn đang sôi sục trong lòng ông.
Đồng tham gia viết Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh gồm có:
Phan Huy Ích (Bảo Chân đạo nhân) là em rễ của Ngô Thì Nhậm, viết Trúc Lâm đại chân viên giác thanh tự (bài tựa của Đại chân viên giác thanh ).
Ngô Thì Nhậm (Hải Lượng đại thiền sư) viết phần chính văn của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Ông được tôn xưng là đệ tứ tổ của thiền phái Trúc Lâm .
Ngô Thì Hoàng (Hải Huyền) là em ruột của Ngô Thì Nhậm, viết thanh dẫn.
Vũ Trinh (Hải Âu hoà thượng) và Nguyễn Đăng Sở ( Hải Hoà tăng ) là hai ngưòi bạn của Ngô Thì Nhậm, viết thanh chú.
Nguyễn Đàm (Hải Điền) là cháu ruột Nguyễn Du, viết thanh tiểu khấu.
Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn có tên Đại chân viên giác thanh và cũng gọi là Nhị thập tứ thanh, có lẽ là gọi tên theo phần chính văn?
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một tác phẩm rất lạ. Cái lạ thứ nhất là hiếm thấy một tác phẩm luận thuyết triết học nào của thời trung đại có đến 5 người là đồng tác giả; cái lạ thứ hai là kết cấu của tác phẩm gồm thanh dẫn, chính văn, thanh chú và thanh tiểu khấu, Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ, Tướng thanh nhị thập tứ bồ tát, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông và thêm phần Tam tổ hành trạng; cái lạ thứ ba là Thiền sư, Đạo sĩ, Nho sĩ cùng viết về Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm dưới tôn chỉ tư tưởng hoà đồng Tam giáo trên nền tảng Nho giáo.
Từ nhỏ Ngô Thì Nhậm đã được thân phụ là Ngô Thì Sĩ giáo dục đi theo con đường “giữ nghiệp Nho”:
Hãy xem trọng kinh sách,
Gốc ngọn đầy đủ cả,
Lấy đó làm nết na,
Lấy đó làm trung tín,
Lấy đó làm hiếu đễ
Lấy đó làm kinh luân,
Lấy đó làm khang tế…
Chưa đạt thì giữ vững thân gia,
Đã đạt thì giúp đời.
Con đường đi đến tư tưởng Dung hoà Tam giáo của Ngô Thì Nhậm là sự kế thừa tất yếu của tư tưởng truyền thống dòng họ, gia đình Ngô Thì đi từ chuộng Nho đến sùng Phật mà cụ thể là ông nội Ngô Thì Ức và trực tiếp là người cha Ngô Thì Sĩ. Kế thừa lập trưòng tư tưởng của cha, Ngô Thì Sĩ đi từ độc tôn Nho giáo đến dung hoà Nho - Đạo - Thích, trong đó vẫn lấy Nho làm gốc.
Sự dung hợp Tam giáo này ở Trung Quốc đã phổ biến thời Tống Nho, khi các đại biểu xuất sắc của nhà Nho như: Trình Di, Trình Hiệu (Hạo) ở thế kỷ XI, Chu Hy (1137 – 1200), Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh (1472 – 1529) đã thấy Nho giáo đang đứng trước nguy cơ, thách thức tồn vong vì sự nghèo nàn của học thuyết Nho gia truyền thống, không thể “cạnh tranh” với tư tưởng học thuyết của Phật giáo và Đạo giáo với những cống hiến lớn lao cho nền triết học và ảnh hưởng sâu rộng đến mọi tầng lớp của xã hội, nhất là giai cấp thống trị và tầng lớp thức giả.
Hơn nữa, đây là một thách đố cấp bách vì các nhà Nho này nhận thấy tư tưởng của hai đối thủ là những mối nguy hại không nhỏ cho nền đạo đức và chính trị. Trước hết, là cả hai nhà này đều xem nhẹ tầm quan trọng của việc thực hành nhân, lễ Nhạc… và nghĩa vụ của con người trong xã hội, bao gồm cả chủ trương vô chính phủ, lãng mạn của Đạo giáo và ý thức xem cuộc đời là vô thường để đi đến cảnh giới vô ngã của Phật giáo.
Quan trọng nhất là, tuy các nhà Nho này đả kích các quan điểm mà họ coi là phi đạo đức của Đạo giáo và Phật giáo, nhưng họ vẫn nhìn nhận, kế thừa giá trị của các yếu tố tinh túy khác mà họ cho là hợp lý trong học thuyết của các đối thủ, khéo léo tiếp thu và dung hợp các yếu tố này vào trong hệ thống tư tưởng của họ để tạo thành học thuyết Tân Khổng giáo với chủ trương “Tìm hiểu sự vật” của dòng chính thống mà đại biểu là Trình Di, Trình Hiệu, Chu Hy và dòng không chính thống chủ trương “Tìm hiểu tâm” mà đại biểu là Lục Tượng Sơn, Vương Dương Minh. David E Cooper nhận xét về vấn đề này như sau: “Yếu tố đặc trưng “cái mới” trong Tân Khổng giáo được vay mượn từ những chủ đề của các trường phái đối thủ. Đó là thuyết “Vạn vật nhất thể” nói đến một sự duy nhất hay “nhất thể tính” của sự vật, vượt qua “cái hài hoà” đơn thuần của Khổng - Mạnh…"
Những phát biểu như thế có thể đã được rút ra từ các trang sách của Trang Tử hay một kinh Phật giáo Đại thừa. Cái mới và sâu sắc của Tân Khổng giáo ở chổ nó cố gắng chứng minh rằng thuyết “Vạn vật nhất thể” không làm cho người ta có thái độ vô chính phủ hay xuất thế, nhưng nó thúc đẩy một thái độ nhập thế trong việc thực hiện đạo đức Nho giáo”.
Tư tưởng Dung hợp Tam giáo sau khi ra đời, phát triển ở Trung Quốc, tư tưởng này đã theo chân các nhà cai trị, trí thức, thương nhân, thuật số, phù thủy du nhập vào Việt Nam. Do có những điểm tương đồng và gần gũi với những tín ngưỡng dân gian bản địa nên nhanh chóng được chấp nhận, đến thời Lý - Trần thì triều đình nước ta đã tổ chức khoa thi Tam giáo.
Có người cho rằng chủ trương Tam giáo đồng nguyên là có tính chất chính trị hơn là về mặt triết học. Theo thiển kiến của người viết, nội hàm tư tưởng cứu cánh của ba nhà này vốn có những điểm tương đồng, bổ sung cho nhau, cũng là một trong những yếu tố để sản sinh ra quan niệm “Tam giáo đồng nguyên ”, “Tam giáo nhất gia ”. Đây là vấn đề khá phức tạp, không thể vài ba dòng có thể đi đến kết luận. Nhưng điển hình là Nho - Đạo - Thích đều có những điểm chung hoặc gần nhau, nhất là không trái ngược nhau mà còn bổ sung cho nhau về các phạm trù Tâm, tính; Đạo, đức; thiện, ác; hiếu đạo; nhân, quả …
Hơn nữa, tư tưởng học thuyết của Tam giáo đều không ra ngoài mục đích Tu Tâm, Dưỡng Tính, Hành Thiện, Tích Đức. Daine Morgan nói: “Cả Lão giáo và Khổng giáo đều sử dụng nhiều thuật biểu tượng âm dương. Khái niệm về âm dương là nền tảng triết học của cả Khổng giáo và Lão giáo. Hai truyền thống này, dù đối chọi nhau ở nhiều lề thói, nhưng cả hai gắn với ý tưởng về sự trao đổi động nền tảng giữa các lực bổ sung”. Trần Thái Tông dẫn ý của lục tổ Huệ Năng: “Cố Lục Tổ hữu ngôn vân: Tiên đại thánh nhân dữ đại sư vô biệt, tắc tri ngã Phật chi giáo hựu giả tiên thánh dĩ truyền ư thế dã” (Cho nên Lục Tổ có nói: "Bậc đại thánh và đại sư đời trước không khác gì nhau, như thế đại giáo của đức Phật ta phải nhờ tiên thánh mà truyền lại cho đời").
Vào tuổi xế chiều, Ngô Thì Sĩ dốc lòng hướng Phật, tự xưng Nhị Thanh cư sĩ, lập chùa thờ Tam giáo. Trong bài văn bia ghi lại việc sửa đền Tam giáo, ông viết: “Đạo nguyên chỉ một mà thôi: từ bi, thanh tĩnh cùng với nhân nghĩa, trung chính, công dụng có hơi khác nhau nhưng gốc đều ở chổ chính tâm, tu thân, đều có thể xây dựng kỷ cương cho loài người và duy trì trị hoá được”. Cách nói này không khác gì cách nói trong kinh Vệ Đà cổ xưa của người Ấn Độ: “Chân lý là một, nhưng được gọi bằng những tên khác nhau” (Ekam sad vipra behudha vadanti).
Qua những sóng gió, thăng trầm, vinh nhục của cuộc đời, vào những năm cuối đời, Ngô Thì Nhậm cũng tìm đến không môn, lấy hiệu Hải Lượng thiền sư nghiên cứu tu tập Thiền học phái Trúc Lâm đến chổ có sở đắc, lập Thiền viện, thu nhận đệ tử, giảng thuyết giáo lý và hoàn thành tác phẩm luận thuyết triết học lớn cuối cùng của ông vào năm 1796 với nhan đề Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (Đại chân viên giác thanh). Phải chăng là do lúc này tài năng và nhiệt huyết trị nước giúp đời theo tư tưởng Nho gia của ông không còn phát huy tác dụng trong tình hình chính trị rối ren, triều đình mục nát suy vong, dân chúng lầm than cơ cực.
Cho nên, ông muốn nghiên cứu, tiếp thu và phát huy tinh thần yêu nước, nhập thế cứu đời của Phật giáo Thiền tông Trúc Lâm Yên Tử của thời thịnh Trần với hy vọng tìm lại âm vang hào khí dân tộc ta của năm trăm năm trước. Không những thế, đây còn là giải pháp phục hưng đất nước trong giai đoạn đen tối và bất ổn thế kỷ XVIII.
Chúng ta có thể thấy rõ một điều là những tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh không chỉ vận dụng linh thông học thuyết Nho gia, mà còn tiếp thu tư tưởng các kinh Đại Thừa Phật giáo như: kinh Viên Giác, kinh Lăng Nghiêm, kinh Lăng Già, kinh Hoa Nghiêm, kinh Pháp Hoa, kinh Bát Nhã… và tư tưởng Lão - Trang để đi đến mục đích là cố gắng luận giải một cách có hệ thống quan điểm Tam giáo đồng nguyên. Hải Huyền Ngô Thì Hoành cho rằng: “Hai mươi bốn thanh là một áng văn chương cao cả, một pho nghị luận lớn lao, nào phải lấy ống hóp mà nhìn, lấy võ hến mà đong được”. Lời nói trên rất đáng để chúng ta suy gẫm, cẩn trọng trong khi đọc, tìm hiểu và nhận xét, đánh giá về giá trị và tư tưởng của tác phẩm luận thuyết triết học đậm chất áo bí này.
3. Những biểu hiện của sự dung hợp Tam giáo trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
Đại ý của tên tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là cội nguồn giáo lý chủ yếu Thiền phái Trúc Lâm. Chữ “thanh” nghĩa là lời nói, ở đây chỉ giáo lý, học thuyết.
Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh bắt đầu bằng Không thanh. Nhà Nho nói : “天上之載無聲無臭” [Thiên thượng chi tái vô thanh vô xú nghĩa là sự việc trên trời không tiếng, không mùi (Kinh Thi, thiên Đại Nhã)]. Tư tưởng chủ đạo của kinh Hoa Nghiêm là “Chân không, diệu hữu”. Chân không không có nghĩa là rỗng không, phủ nhận cái không mà chính là cái có vi diệu. Triết học Tính Không là một trong những đặc trưng riêng của triết học Phật giáo, khu biệt với các nền triết học và giáo lý của các tôn giáo khác. Hải Lượng thiền sư Ngô Thì Nhậm quả là sâu sắc khi chọn Không thanh là thanh đầu tiên của hai mươi bốn thanh.
Toàn văn của Đại chân viên giác thanh là một công trình nghệ thuật ngôn từ tuyệt diệu, bút pháp đạt tới mức tinh tế, mỗi câu mỗi chữ đều là khuôn vàng thước ngọc, hàm ý sâu sắc, nhằm cảnh tỉnh người nghe, dẫn dắt người nghe quay về với chân tâm thanh tịnh sáng suốt, không bị ngoại cảnh mê hoặc.
Nghệ thuật hoán dụ được sử dụng ngay từ những câu đầu tiên của phần chính văn: “Hải Lượng đại thiền sư làm lễ ba vị tổ phái Trúc Lâm ở quán Huyền Thiên, bên trái là sư ông Hải Hoà, bên phải là sư ông Hải Tịnh, cùng với 24 vị đồ đệ khác.”
Thiền sư lễ bái ba vị tổ của phái Trúc Lâm Phật giáo tại đạo quán Huyền Thiên. Huyền Thiên là cảnh trời huyền ảo; Quán chỉ Đạo Quán của Đạo giáo. Nho gia quan niệm, bên phải tịnh để làm chủ mình và biết rõ người (Hải Tinh), bên trái hoà để có thể dung nạp được tất cả mọi người (Hải Hoà). Chỉ với vài lời giới thiệu hàm súc, tác giả đã đúc Phật – Đạo – Nho lại làm một và biểu thị rõ được tông chỉ Tam giáo nhất gia của tác phẩm.
Hai mươi bốn chương là hai mươi bốn thanh ứng với hai mươi bốn tiết trong một năm phối hợp với thập Thiên Can, thập nhị Địa Chi và Bát quái tạo thành một vòng tròn tuần hoàn (Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ) biểu thị sự viên mãn toàn bích, không có khiếm khuyết.
Cũng trong thanh này, khi đệ tử hỏi về các phạm trù Lý và Dục, vốn là hai phạm trù cơ bản của Tống Nho thì Ngô Thì Nhậm trả lời: “理如木節理之理” (Lý như mộc tiết lý chi lý nghĩa là Lý như cái thớ, cái đốt của cây);“欲如水走下火炎上”(dục như thủy tẩu hạ, hỏa viêm thượng. nghĩa là Dục là như nước chảy xuống, lửa bốc lên) . Nói như vậy Lý là cái cốt tuỷ, có thuận, có nghịch của sự vật, còn Dục là cái bản chất của tự nhiên, thuận theo tự nhiên.
Tăng Hải Tịnh nói: “是色非色是空非空” (Thị sắc phi sắc, Thị không phi không nghĩa là Sắc chẳng phải sắc, không chẳng phải không). Lại nói Lý có thuận nghịch, cho nên người không chấp trước thì không bắt buộc phải noi theo Lý.
Phạm trù sắc không là hai pham trù cơ bản của triết học Phật giáo. Trong Bát Nhã tâm kinh Đức Phật đã giảng: “色不異空空不異色” (Sắc bất dị không, không bất dị sắc, sắc tức thị không, không tức thị sắc nghĩa là Sắc chẳng khác không, không chẳng khác sắc, sắc tức là không, không tức là sắc). Nói như vậy, Sắc và Không là hai phạm trù đối đãi nhau nhưng thật tánh của chúng thì không khác nhau. Cho nên câu trên có thể dịch cho dễ hiểu hơn là: “Sắc chẳng khác tánh không, tánh không chẳng khác sắc, sắc tức là tánh không, tánh không tức là sắc”.
Thiền sư Hải Lượng vận dụng phương pháp phá chấp trong kinh Kim Cương để trả lời câu hỏi “Lý không noi theo hết được, Dục không cắt đứt hết được hay sao?” của học trò. Ông nói : “Không cắt thì đứt, cắt thì không đứt. Nước xem là nước thì đó không phải là nước thật, lửa xem là lửa thì đó chính là lửa giả; nước thật thì nóng được, lửa thật thì lạnh được.” . Kinh Kim Cương có câu: “所言一切法也即非一切法,是故名一切法” (Sở ngôn nhất thiết pháp giả tức phi nhất thiết pháp, thị cố danh nhất thiết pháp nghĩa là Nói là tất cả pháp, tức không phải tất cả pháp, cho nên gọi là tất cả pháp).
Hải Âu hoà thượng Vũ Trinh trong Thanh chú phần Ngộ Thanh dẫn lại lời trong Kinh Thư của Nho giáo: “天生人有欲”( Thiên sinh nhân hữu dục nghĩa là trời sinh người có Dục). Ông lại cho rằng : “千佛為一佛三身是一身” (thiên phật vi nhất phật, tam thân thị nhất thân nghĩa là muôn Phật là một Phật, Ba thân là một thân). Ý là muôn ngàn Phật không khác gì một vị Phật, Ba thân (Báo thân, ứng thân, hoá thân) không lìa một thân mà có.
Các tác giả Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh đều hướng đến tôn chỉ Tam giáo đồng nguyên, nhưng do phần lớn xuất thân từ Nho gia nên vẫn xem học thuyết Nho gia là chủ đạo, đứng trên lập trường Nho gia tiếp thu, thâm nhập, dung hợp Phật học,Thiền học. Ngoài ra những pháp hữu, đệ tử Hải Lượng thiền sư xem tư tưởng Lão - Trang là thứ yếu, đôi khi còn có ý phê phán, thậm chí đả kích. Ở đây đáng quan tâm là chiều hướng khu Thích dĩ nhập Nho (đưa đạo Phật vào đạo Nho) của các tác giả. Vấn đề này có thể thấy được ngay trong lời tựa của tác phẩm. Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích nói: “釋氏之教雖曰空寂虛渺大要蠲除障累了悟真如專以明心見性為務求之吾儒誠意致知之學無甚違戾吾聞夫子曰西方有大聖人” (Thích thị chi giáo tuy viết không tịch hư miễu đại yếu quyên trừ chướng lũy, liễu ngộ chân như, chuyên dĩ minh tâm kiến tính vi vụ, cầu chi ngô Nho thành ý trí tri chi học vô thậm vi lệ ngô văn Phu tử viết: "Tây phương hữu đại thánh nhân" nghĩa là: Giáo lý của Thích Ca tuy nói là không tịch hư vô nhưng đại yếu vẫn là trừ bỏ hết mọi chướng luỹ, thấy rõ chân như. Cho rằng minh tâm kiến tính là việc cần kíp nhất, nếu đem so sánh với học thuyết thành ý trí tri của nhà Nho ta, thật chẳng có gì trái ngược. Ta nghe đức Phu tử nói ‘Tây phương có bậc đại thánh nhân’).
Thế thì Phu tử vốn chưa hề chê bai đạo Phật là dị đoan. Theo quan niệm của Phật giáo, không tịch hư vô nghĩa là mọi sự vật, hiện tượng đều không thật có, tức là vốn không có tự tính, là do nhân duyên giả hợp tạo thành, chứ không phải phủ nhận sự vật tồn tại. Bảo Chân đạo nhân còn nhấn mạnh : “盡性而窮理驅釋以入儒使梵王八部不出素王宮墻” (Tận tính nhi cùng lý khu Thích dĩ nhập Nho sử Phạn vương bát bộ bất xuất Tố vương cung tường, nghĩa là: tận tính nhi cùng lý, khu Thích dĩ nhập Nho, ông đã khiến cho tám bộ Phạn vương không ra ngoài cung tường của Tố vương).
Tám bộ Phạn vương ở đây có lẽ là Thiên, Long, Dạ xoa, Càn thát bà, A tu la, Ca lầu la, Khẩn na la, Ma hầu la già mà kinh điển nhà Phật thường đề cập đến, còn nói Tố vương chính là đề cập đến Không Tử.
Mặc dù, đây là tác phẩm viết về tông chỉ của Thiền phái Trúc Lâm Phật giáo, lý giải, thuyết minh cho quan niệm Tam giáo đồng nguyên với xu hướng hoà đồng ba dòng tư tưởng: Phật giáo, Đạo giáo và Nho giáo nhưng tư tưởng Nho gia vẫn là chủ đạo, nó bàng bạc, bộc lộ rõ ở hầu hết trong hai mươi bốn thanh.
Ở chương Thoát thanh, Hải Lượng thiền sư nói : “釋迦牟尼生於帝舜有虞氏之後獨得其破獄之法以濟度眾生…有虞氏以精一破之釋迦牟尼佛以精進破之後來顏回言克己大慧言殺害工夫全在精字故打破地獄精力是金剛寶劍” (Thích Ca mâu ni sinh ư Đế Thuấn Hữu Ngu Thị chi hậu độc đắc kỳ phá ngục chi pháp dĩ tế độ chúng sinh…Hữu Ngu Thị dĩ tinh nhất phá chi,Thích Ca mâu ni Phật dĩ tinh tiến phá chi, hậu lai Nhan Hồi ngôn khắc kỷ, Đại Tuệ ngôn sát hại cong phu toàn tại tinh tự cố đả phá địa nguc tinh lực thị kim cang bảo kiếm nghĩa là: Phật Thích Ca Mâu Ni sinh sau Đế Thuấn Hữu Ngu Thị, cho nên tiếp thu được cái phép phá ngục [của Thuấn] để mà tế độ chúng sinh…Hữu Ngu Thị lấy phép Tinh Nhất mà phá nó. Thích Ca Mâu Ni lấy cái phép Tinh Tiến mà phá nó. Sau này, Nhan Hồi nói Khắc Kỷ, Đại Tuệ nói Sát Hại, cả hai đều dụng công ở trên chữ Tinh, cho nên cái tinh lực để đánh phá địa ngục là thanh bảo kiếm kim cương).
Chỉ nghe kinh điển nhà Phật có cách phá địa ngục, mà chưa từng nghe nhà Nho nói đến địa ngục và cách phá địa ngục. Trong lục đạo (Trời, Atula, người, súc sinh, ngạ quỷ, địa ngục) địa ngục là cõi đau khổ nhất, chúng sinh trong cõi này đau khổ không ngôn từ nào diễn tả hết được. Luận về tướng nhà Phật dùng Thiền định, Từ bi, Bố thí, chẩn tế, mật tông Thần chú để phá địa ngục: “Phá địa ngục chơn ngôn: Án dà ra đế da ta bà ha”.
Bồ Tát Địa Tạng phát nguyện : “眾生度盡方證菩提地獄未空誓不成佛” (Chúng sinh độ tận, phương chứng bồ đề, Địa ngục vị không, thệ bất thành Phật nghĩa là: Độ hết chúng sinh mới chứng quả bồ đề, Địa ngục chưa hết tội nhân, nguyện không thành Phật); Luận về tính, nhà Phật chuyên tu các pháp môn giới định tuệ nhằm thoát ra khỏi địa ngục tham sân si.
Nói Phật Thích Ca Mâu Ni vì sinh ra sau Đế Thuấn Hữu Ngu Thị nên học được phép phá ngục của Ngu Thị e rằng hơi khiên cưỡng. Bởi vì, nhà Nho có cách tu tâm dưỡng tính, tồn tâm hướng thiện của nhà Nho. Nhưng chủ yếu nhà Nho dạy người tu “Nhân đạo” thuộc Dục giới. Nhà Phật giảng giải rõ ràng về Tam giới (Dục giới, Sắc giới và Vô sắc giới ), Lục đạo luân hồi (Địa ngục đạo, Ngạ quỷ đạo, Súc sinh đạo, Nhân đạo, Atula đạo, Thiên đạo) và phương pháp tu tập giải thoát ra khỏi sự ràng buộc trong Tam giới và Lục Đạo.
Nhà Phật cho rằng Vô minh tham ái là ngục tù lớn nhất trói buộc, giam cầm con người. Chỉ có gươm báu trí tuệ mới chặt đứt được phiền não Vô minh tham ái đưa con người đến bờ an lạc giải thoát.
Hải Lượng thiền sư đưa cái lý bình đẳng của Phật vào cái nghĩa đại đồng của Nho gia như sau: “我聞孔子曰鳥獸不可與同群吾非斯人之徒與而谁與? 蓮花經云我觀一切 皆平等無有彼此愛憎之心我無貪著亦無限礙無限礙者儒家大同之義也.” (Ngã văn Khổng tử viết: Điểu thú bất khả dữ đồng quần ngô phi tư nhân chi đồ dữ nhi thùy dữ? Liên Hoa kinh vân ngã quán nhất thiết giai bình đẳng vô hữu bỉ thử ái tằng chi tâm ngã vô tham trước diệc vô hạn ngại, vô hạn ngại giả Nho gia đại đồng chi nghĩa dã nghĩa là: Ta nghe Khổng Tử nói chim muông (ta) không thể cùng bầy được, nếu không bạn bè với người thì ta còn bạn bè với ai ? Kinh Liên Hoa nói rằng, ta xem hết thảy đều bình đẳng, không có lòng yêu này ghét nọ. Ta không tham cái gì cũng không có cái gì hạn định và trở ngại (ta) cả. đó là cái nghĩa đại đồng của Nho gia).
Nhà Phật nói chúng sinh bình đẳng với ý nghĩa tuyệt đối, bao gồm Phật, Trời, Thần, Thánh, người và muông thú, phàm loài nào có mạng sống, biết khổ đau đều là chúng sinh. Bởi vì “Tất cả chúng sinh đều có Phật tính, đều có khả năng thành Phật”. Đây chính là cơ sở vững chắc nhất, mang ý nghĩa nhân văn cao nhất về sự bình đẳng tuyệt đối giữa mọi chúng sinh, cả những loài hữu tình chúng sinh và vô tình chúng sinh. Trong khi Khổng Tử chỉ nêu lên tính đại đồng giữa người và người, loại biệt chim muông ra khỏi tính này.
Trong chương Định thanh Hải Lượng thiền sư còn đưa ra cách lý giải về sự tương đồng và dị biệt trong quan niệm quân tử và tiểu nhân của Nho gia và Thích gia: “儒有君子儒小人儒釋有君子釋小人釋君子儒為己小人儒為人君子釋為人小人釋為己” (Nho hữu quân tử Nho, tiểu nhân Nho; Thích hữu quân tử Thích tiểu nhân Thích. Quân tử Nho vị kỷ, tiểu nhân Nho vị nhân; Quân tử Thích vị nhân, tiểu nhân Thich vị kỷ. Nghĩa là: Nho thì có Nho quân tử, Nho tiểu nhân; Thích thì có Thích quân tử và Thích tiểu nhân. Nho quân tử thì vị kỷ, Nho tiểu nhân thì vị nhân. Thích quân tử thì vị nhân, Thích tiểu nhân thì vị kỷ. Ông trả lời câu hỏi Nhân và Kỷ có khác nhau không của học trò rằng: “儒論己之己人之人是就心性上起見君子釋舍己以濟人小人釋怵人以養己是人已理欲上分判彼之人己與此之人己工夫作用不同心性之指歸一耳是故儒說正心說成性佛說明心說見性皆所謂君子之道費而隱…佛家相金儒家方金藏金於無用天之道也惟君子足以知之” (Nho luận Kỷ chi Kỷ, Nhân chi Nhân thị tựu Tâm Tính thượng khởi kiến, quân tử Thích xả Kỷ dĩ tế Nhân; tiểu nhân Thích truật Nhân dĩ dưỡng Kỷ thị Nhân Kỷ Lý Dục thượng phân phán. Bỉ chi Nhân Kỷ dữ thử chi Nhân Kỷ công phu tác dụng bất đồng. Tâm Tính chi chỉ quy nhất nhĩ. Thị cố Nho thuyết Chính Tâm, thuyết Thành Tính; Phật thuyết Minh Tâm, thuyết Kiến Tính giai sở vị quân tử chi đạo phí nhi ẩn…
Phật gia tướng Kim, Nho gia phương Kim. Tàng Kim ư vô dụng thiên chi đạo dã, duy quân tử túc dĩ tri chi. Nghĩa là: Chữ Kỷ và chữ Nhân trong luận chứng của nhà Nho là đứng về mặt Tâm Tính mà nói. Thích quân tử thì xả kỷ (bỏ mình) để tế độ người, Thích tiểu nhân đe doạ người để nuôi mình, đó là đứng ở mặt Lý và Dục mà phân Nhân và Kỷ.
Chữ Nhân và chữ Kỷ của đàng này (Phật) so với chữ Nhân và chữ Kỷ của đằng kia (Nho) thì công phu và tác dụng không giống nhau nhưng qui kết về tâm tính thì là một mà thôi. Vì vậy, cho nên nhà Nho nói Chính Tâm , nói Thành Tính, nhà Phật nói Minh Tâm, nói Kiến Tính đều là có nghĩa Đạo người quân tử rộng khắp mà kín đáo (Quân tử chi đạo phí nhi ẩn)… Phật gia thì nói Tướng Kim (thân như hoàng kim), Nho gia thì Phương Kim (Tây Bắc thuộc kim). Cất chứa Kim trong cái vô dụng, đó là cái đạo của trời, chỉ có người quân tử mới biết được).
Vô ngã vị tha (quên mình vì mọi người) chính là một trong những đặc trưng của tư tưởng Phật giáo. Chỉ có tu hành đạt đến cảnh giới vô ngã thì mới thật sự thực hành được hạnh vị tha chân chính. Vô ngã là con đường quyết định dẫn đến Minh Tâm, Kiến Tánh rốt ráo thành Phật. Cũng như để được Chính Tâm, Thành Tính, thì phải thực hiện tốt đạo của người quân tử theo cách nói của nhà Nho. Nhưng ở đây, Nho gia nói Chính Tâm, Thành Tính là luận về cái dụng, nhà Phật nói Minh Tâm, Kiến Tánh là đi đến hướng triệt ngộ bản thể. Nếu không nhìn rõ chỗ này, sẽ dễ ngộ nhận về sự tương đồng giữa chúng.
Luận về sự tương đồng trong quan niệm về tính mệnh và sự chết giữa Chu Dịch và kinh Lăng Già, Thiền sư Hải Lượng cho rằng:
“易六十四卦只許一困卦致命楞伽八識只許一意識涅槃儒不輕許人以死釋亦不輕許人以死意識與困象一般困水漏澤下水雜乎澤意識如海鼓風鼓出無數波浪來困非致命不得意識非涅槃不得是故儒者貴義精仁熟釋者貴智明意高仁義不精熟智意不高明不達得生死關安能制人生死命孔子性命之主釋迦牟尼佛性命之賓此一對主賓天地開闢以來”
(Dịch lục thập tứ quái chỉ hứa nhất Khốn quái trí mạng, Lăng già bát thức chỉ hứa nhất ý thức Niết Bàn. Nho bất khinh hứa nhân dĩ tử, Thích diệc bất khinh hứa nhân dĩ tử. Ý thức dữ khốn tượng nhất ban khốn thủy lậu trạch hạ thủy tạp hồ trạch ý thức như hải cổ phong cổ xuất vô số ba lãng lai khốn phi trí mạng bất đắc ý thức phi Niết Bàn bất đắc. Thị cố Nho giả quí nghĩa tinh nhân thục, Thích giả quí trí minh ý cao. Nhân nghĩa bất tinh thục, trí ý bất cao minh bất đạt đắc sinh tử quan an năng chế nhân sinh tử mạng. Khổng tử tính mạng chi chủ, Thích Ca mâu ni Phật tính mạng chi tân, thử nhất đôi chủ tân thiên địa khai tịch dĩ lai. Nghĩa là: Chu Dịch có sáu mươi bốn quẻ, mà chỉ cho quẻ khốn được chữ Trí Mệnh. Lăng già có tám thức mà chỉ cho ý thức được chữ Niết Bàn. Nho không cho phép người ta coi nhẹ cái chết. Thích cũng không cho người ta coi nhẹ cái chết. Ý Thức và cái tượng của quẻ Khốn giống nhau. Cái tượng của quẻ Khốn là nước nhỏ giọt ở dưới chằm, là nước lìa khỏi chằm: Ý Thức như bể nổi gió, nổi lên vô số đợt sóng. Quẻ Khốn phải là Trí Mệnh, Ý Thức là Niết Bàn. Vì vậy cho nên nhà Nho lấy ‘Nghĩa tinh nhân thục’ làm quí. Nhà Thích lấy ‘Trí minh ý cao’ làm quí. Nếu nhân nghĩa không tinh thục, trí ý không cao minh, không qua được cửa ải sinh tử, thì làm sao chế định được cái mệnh sinh tử của con người? Khổng tử là chủ của tính mệnh, Phật Thích Ca mâu ni là khách của tính mệnh. Một đôi chủ khách ấy, có từ khi trời đất mới mở ra.) [Ngô thì Nhậm- tác phẩm, tập 3,tr198].
Tăng Hải Hoà (Nguyễn Đăng Sở) lý giải về sự nhất trí của Phật và Nho dựa trên nguyên lý cứu cánh của cả hai nhà: “叩明理奧開示心局禪家第一事也必把儒家說為說者誠以道一而已儒家玄妙處便是禪禪家作用處便是儒捨伎倆文辭尋常戒行之處而求所謂道可以一貫之矣” (Khấu minh lý áo, khai thị tâm cục, Thiền gia chi đệ nhất sự dã, tất bả Nho gia thuyết vi thuyết giả thành dĩ đạo nhất nhi dĩ. Nho gia huyền diệu xứ tiện thị Thiền, Thiền gia tác dụng xứ tiện thị Nho, xả kỹ lưỡng văn tự tầm thường giới hạnh chi xứ nhi cầu sở vị đạo khả dĩ nhất quán chi hỹ. Nghĩa là: Vạch ra cái lý huyền diệu, mở cái tâm sâu kín để trỏ cho người ta, ấy là công việc thứ nhất của thiền gia. Thế mà phải dùng luận thuyết của nhà Nho để luận thuyết điều đó, đó là chỉ vì đạo chỉ có một mà thôi. Chỗ huyền diệu của nhà Nho tức là Thiền, chổ tác dụng của Thiền tức là Nho. Gạt bỏ văn từ kỹ xảo ( Nho ) và giới hạnh tầm thường ( Phật ) mà tìm cái gọi là Đạo, thì Nho và Phật có thể nhất quán được).
Thiền sư Hải Lượng còn cho rằng Nho gia và Phật gia tương đồng cả về hình tướng thể hiện: “儒說皇帝王霸佛說聖神魔鬼其致一爾” ( Nho thuyết Hoàng Đế Vương Bá, Phật thuyết Thánh Thần Ma Qủy kỳ trí nhất nhĩ. nghĩa là: Nho thì nói Hoàng Đế, Vương Bá, Phật thì nói Thánh Thần Ma Quỉ cũng là nhất trí thôi).
Bên cạnh xu hướng khu Thích dĩ nhập Nho, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn phát huy các phạm trù tư tưởng kinh điển Đại thừa Phật giáo. Trong chương Nhất thanh, tác giả phần chính văn nói: “不具精粗不可以言佛不明體用不可以言法不知本末不可以言僧大哉佛乎聲音色相云乎調御覺皇云以聲音求我以色相求我是人行邪道不能見如來” (Bất cụ tinh thô bất khả dĩ ngôn Phật, bất minh thể dụng bất khả dĩ ngôn Pháp, bất tri bổn mạt bất khả dĩ ngôn Tăng, đại tai Phật hồ, thanh âm sắc tướng vân hồ.
Điều Ngự giác hoàng vân: Dĩ thanh âm cầu ngã, dĩ sắc tướng cầu ngã thị nhân hành tà đạo, bất năng kiến Như Lai. Nghĩa là: Không đủ cả tinh lẫn thô, thì không gọi là Phật được, không rõ cả thể dụng thì không gọi là Pháp được, không biết gốc ngọn thì không gọi là Tăng được. Lớn thay đức Phật mà đâu phải vì thanh âm sắc tướng. Điều Ngự Giác Hoàng (một trong 10 hiệu của Phật) nói rằng: Lấy thanh âm mà tìm ta, lấy sắc tướng mà tìm ta, người ấy theo tà đạo, không thấy được Như Lai ). Bài kệ này tác giả tiếp thu từ kinh Kim Cương:
“若以色見我,
以音聲求我.
是人行邪道,
不能見如來.”
(Nhược dĩ sắc kiến ngã,
Dĩ âm thanh cầu ngã.
Thị nhân hành tà đạo,
Bất năng kiến Như Lai)
Bài kệ mang tư tưởng phá chấp này có vị trí rất quan trọng trong giáo lý nhà Phật. Nhưng nếu dịch như trên, vừa không rõ nghĩa, vừa dễ hiểu lầm ý nghĩa sâu xa trong kinh. Theo người viết, bài kệ này cần dịch là:
Nếu thấy ta qua sắc tướng,
Cầu ta qua âm thanh.
Người đó theo tà đạo,
Không thấy được Như Lai.
Chữ Như Lai được Hải Lượng thiền sư giải thích theo tinh thần của kinh Kim Cương: ‘‘無所從來亦無所去故名如來’’ (Vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai. Nghĩa là: Không từ đâu đến, cũng không đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai). Như Lai ở đây chỉ cho chân tâm, Phật tính, cái mà ở phàm không tăng, ở thánh không giảm, ở Phật và chúng sinh không khác nhau. Cái đó không thể tìm cầu qua âm thanh, nhìn thấy qua sắc tướng được, chỉ có lắng lòng, tịnh tâm thể hội mà thôi.
Ở đây, cương yếu kinh Lăng Già của Phật giáo cũng được phát huy tác dụng qua lời của Hải Lượng: ‘‘佛演楞伽易之玄虛也道理要約在楞伽楞伽說性甚分曉大抵佛家好用暗影文字非曉了人便曉不得纔曉得便是曉了又言儒家詞章之學釋家齋醮之學是攻乎異端也佛聖道理之端何常有異然舜章齋醮儒釋之粗非始於粗道理之精無自而入’’
(Phật diễn Lăng Già Dịch chi huyền hư dã, đạo lý yếu ước tại Lăng Già. Lăng Già thuyết tính đại để Phật gia hảo dụng ám ảnh văn tự, phi hiểu liễu nhân tiện hiểu bất đắc tài hiểu đắc tiện thị hiểu liễu. Hựu ngôn Nho gia từ chương chi học, Thích gia trai tiếu chi học thị công hồ dị đoan dã Phật Thánh đạo lý chi đoan hà thường hữu dị nhiên. Thuấn chương trai tiếu Nho Thích chi thô.Phi thủy ư thô đạo lý chi tinh vô tự nhi nhập. Nghĩa là: Phật diễn giảng kinh Lăng Già, tức là giảng cái huyền hư của Chu Dịch. Cương yếu của đạo lý là ở trong Lăng Già, Lăng Già giảng chữ Tinh rất rạch ròi. Đại để Phật gia thích dùng chữ nghĩa sâu kín ; không có sức hiểu biết sắc bén thì không hiểu được, mà đã hiểu được thì hiểu sâu sắc. lai nói cái học từ chương của Nho gia, cái học chay cúng của Thích gia ấy là ‘chạy theo dị đoan’. Cái ‘đoan’ (hệ thống) đạo lý của Phật và của Thánh có bao giờ ‘dị’ (khác) đâu, nhưng từ chương và chay cúng là cái thô của Nho và Thích. Nếu không bắt đầu từ cái Thô thì cái Tinh của đạo lý không do đâu mà vào được.)
Hải Hoà luận về vấn đề dĩ tâm truyền tâm (lấy tâm truyền tâm) của nhà Thiền Phật giáo bằng hai câu thơ giàu hình tượng:
‘‘天江有水天江月,
萬里無雲萬里天’’
(Thiên giang hữu thuỷ thiên giang nguyệt,
Vạn lý vô vân, vạn lý thiên.
Nghĩa là: Ngàn sông có nước, trăng dãi ngàn sông,
Muôn dăm không mây, trời quang muôn dặm.)
Ở chương Túc thanh, có câu “釋藏舍利” (Thích tàng xá lợi nguyên văn chữ Hán, trang 426, tập 3, Ngô Thì Nhậm Tác phẩm có lẽ nên dịch là: Đạo Phật [có lệ] cất giữ xá lợi. Chữ tàng ở đây nghĩa là lưu giữ. Theo tôi, không thể dịch là “Đạo Phật [có cái lệ] cất giấu xá lợi” như trong bản dịch Ngô Thì Nhậm Tác phẩm, tập 3, trang 206 được. bởi vì Xá Lợi là phần tinh tuý nhất trong cơ thể con người, phần lớn chỉ tích tụ lại trong xương cốt của những người đắc đạo trong nhiều năm tu luyện, không phạm sắc giới, sau khi họ mất, hoả thiêu thu được. Thường thì Xá Lợi có hình dạng Phật, hình hoa sen, hình tháp, hình viên ngọc… Nhà Phật thường lưu giữ xá lợi, xây tháp thờ phượng để cho những người theo đạo Phật lễ bái, vì họ tin tưởng rằng làm như vậy sẽ tăng trưởng niềm tin và được phước đức.
Mặc dù tư tưởng Lão – Trang cũng được các tác giả tiếp thu, thâm nhập, dung hoà dưới tông chỉ Tam giáo đồng nguyên, nhưng đây đó trong tác phẩm vẫn có chỗ những người cộng sự của tác giả phần chính văn phê phán thậm chí là đả kích Đạo gia. Hải Âu nói: “莊老鷹鸇螻蟻之說則又曠誕不論非適於道古來禪教以圓寂為超脫以捨身為真修其中自有一箇深意諓之者鮮” (Trang Lão ưng chiên lâu nghị chi thuyết tắc hựu khoáng đản bất luận phi thích ư đạo. Cổ lai Thiền giáo dĩ viên tịch vi siêu thoát, dĩ xả thân vi chân tu kỳ trung tự hữu nhất cá thâm ý tiễn chi giả tiên nghĩa là: Trang Lão có thuyết diều quạ kiến bọ (người chết thì đừng chôn, cứ để cho diều quạ kiến bọ ăn) thì lại là bừa bãi, quái gở, không hợp với đạo. Từ xưa đến nay, Thiền gia vẫn lấy Viên Tịch làm siêu thoát, lấy Xả Thân làm chân tu, điều này vẫn hàm ý sâu xa mà ít người biết). Phê phán như vậy, e rằng không khác gì người mù sờ voi, chỉ sờ cái đuôi mà nói con voi giống như cái chổi xoè cùn. Không đi vào nội dung cốt tuỷ của học thuyết mà chỉ đả kích cái biểu hiện phiến diện mà thôi.
4. Kết luận
Phật – Nho và Lão Trang là ba hệ tư tưởng cổ đại lớn, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân loại nói chung và các quốc gia phương Đông nói riêng. Chỉ nói đến Tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận) của nhà Phật thôi, cũng ít có ai tham cứu hết; chỉ nói đến một quyển Đạo đức kinh của Đạo gia thôi, cũng là một bài toán bí ẩn làm cho học giả của bao thế hệ đau đầu mà vẫn chưa tìm ra đáp số thoả mãn; Nhà Nho với một cuốn kinh Dịch thôi, cũng đủ làm cho những người muốn nghiên cứu học thuyết Nho gia một cách tường tận phải trăn trở nhiều bề. Không nói đến cả ba học thuyết, chỉ với một trong ba học thuyết cũng không có nhiều người nghiên cứu đến thấu đáo.
Có thể nói rằng tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một viên ngọc hiến hoi và quý giá trong kho tàng văn chương và triết học Việt Nam. Bằng những thủ pháp nghệ thuật như: hoán dụ, thậm xưng, ẩn dụ, so sánh, phân tích…và sử dụng các điển tích, điển cố trong kinh điển của ba nhà, với những hình tượng nghệ thuật độc đáo, tác giả đã dung hợp cả ba hệ tư tưởng về một mối, chỉ ra nguồn gốc, phân tích sự tương đồng, dị biệt để đi đến xu hướng tất yếu cũng là mục đích tối hậu cho tư tưởng Tam giáo đồng nguyên của tác phẩm.
Bằng nghệ thuật ngôn từ, tác giả đã truyền tải một cách tài tình hầu hết những nội dung cốt yếu của những bộ kinh diển quan trọng trong cả ba hệ tư tưởng như: sáu bộ kinh đại thừa Phật giáo (Pháp Hoa, Hoa Nghiêm, Kim Cang, Viên Giác, Bát Nhã, Lăng Già); Đạo Đức kinh và Nam Hoa kinh của Đạo gia; Tứ thư, Ngũ kinh (Luận ngữ, Mạnh tử, Đại học, Trung Dung và kinh Thi, kinh Thư, Kinh Lễ, kinh Dịch, kinh Xuân thu). Nhưng chủ yếu nhất vẫn là kinh điển của Nho gia và Phật gia. Hơn nữa, tác giả đã cố gắng dung thông tư tưởng ba nhà quy về một mối dựa trên những luận chứng rút ra từ kinh điển ba nhà một cách có hệ thống mà xưa nay ít người làm được.
Việc tìm hiểu tác phẩm luận thuyết triết học Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh đậm chất áo bí nói chung, tinh thần dung hợp Tam giáo trong tác phẩm nói riêng là một việc rất khó, đòi hỏi người nghiên cứu không những chỉ am hiểu tư tưởng cả ba nhà Phật - Đạo – Nho trong cái triền của triết học phương Đông, mà còn phải tinh thông Hán học. Để kết thúc bài viết nhỏ này, người viết muốn nói rằng tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh từ trước ít nhiều cũng đã được vài nhà nghiên cứu quan tâm tìm hiểu, nhưng chỉ mới giới thiệu nó một cách chung chung, khái quát, còn tìm hiểu nó toàn diện và sâu rộng thì chưa. Còn với đề tài này thì đây là lần đầu tiên được tìm hiểu đến. Những gì được trình bày ở trên chỉ là những cố gắng ban đầu của người viết. Chúng tôi đã nỗ lực cố gắng bước những bước đi chập chững đầu tiên đầy thử thách để vào ngôi nhà khó mở cửa này.
Tác giả: Tiến sĩ Thích nữ Thanh Quế - Thượng tọa Tiến sĩ Thích Hạnh Tuệ
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,(2006) Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Hội.
2. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,(2006) Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Hội.
3. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,(2006) Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 3, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Hội.
4. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,(2006) Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 4, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Hội.
5. Viện Khoa Học Xã Hội Việt Nam,(2006) Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Nxb Khoa Học Xã Hội, Hà Hội.
6. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, Nxb Văn Học.
7. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, Nxb Văn Học.
8. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, Nxb Văn Học.
9. Mai Quốc Liên chủ biên (2001), Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 4, Nxb Văn Học.
10. Lê Văn Siêu (2007) Việt Nam văn minh sử, Nxb Văn học.
11. Tông Bổn (1961), Quy nguyên trực chỉ, quyển thượng, Nxb Vĩnh Hưng Long. Đổ Thiếu Lăng dịch và chú giải.
12. Tông Bổn (1961), Quy nguyên trực chỉ, quyển trung, Nxb Vĩnh Hưng Long. Đổ Thiếu Lăng dịch và chú giải
13. Tông Bổn (1961), Quy nguyên trực chỉ, quyển hạ, Nxb Vĩnh Hưng Long. Đổ Thiếu Lăng dịch và chú giải
14. Huỳnh Công Bá (2007), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thuận Hoá
15. Viện Triết học (1972), Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII, Hà Nội
16. Trương Trừng Cơ (1971) Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông, Thích Thiện Sáng dịch. Ấn bản The Pennsylvania state university Press.
17. Trần Thị Băng Thanh (2003), “Ngô Thì Nhậm một tấm lòng thiền chưa viên thành”, Tạp chí Hán Nôm, số 3 (58)
18. Tuyên Hoá (2001), Khai thị, tập 2. Nxb Tôn giáo.
19. Huỳnh Công Bá (2007), Lịch sử tư tưởng Việt Nam, Nxb Thuận Hoá.
20. David E Cooper (2005), Các trường phái triết học trên thế giới. Nxb Văn Hoá Thông Tin.
21. Diane Morgan (2006), Triết học và tôn giáo phương Đông, Nxb Tôn giáo.
22. Phật Thích Ca (1998), Kinh Phạm Võng, Nxb TP HCM. Thích Trí Tịnh dịch.
23. Ngô Duy Ban (1953), Kinh Kim Cương hội giải, Nxb Hội phật tử Việt Nam.
24. Phật Thích Ca (2007), Kinh Pháp Hoa. Nxb Tp HCM.
25. Nguyễn Duy Cần (1994), Dịch học tinh hoa. Nxb Tp HCM.
26. Nguyễn Duy Cần (1992), Trang tử tinh hoa. Nxb Tp HCM.
27. Nguyễn Hiến Lê (2006), Lão tử Đạo đức kinh. Nxb Văn hoá thông tin.
***
CHÚ THÍCH
[1] Dẫn theo Tông Bổn (1961) Quy nguyên trực chỉ, quyển hạ, trang 611.Đỗ Thiếu Lăng dịch và chú giải.nxb Vĩnh Hưng Long.
[2] Tuyên Hoá (2001), Khai thị ,tập 2, trang 172.nxb Tôn giáo
[3] Huỳnh Công Bá (2007) Lịch sử tư tưởng Việt Nam, trang 96.nxb Thuận Hoá
[4] Viện Triết học, Tư tưởng Việt Nam thế kỷ XVIII, Hà Nội, 1972, tr 129.
[5] Các trường phái triết học trên thế giới, 2005, Nxb VHTT, HN, tr 200.
[6] Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm Tác phẩm, tập 1, trang 29.
[7] Viện Văn học, Thơ văn Lý Trần, tập 2 quyển thượng , tr 26.
[8] Ngô Thì Nhậm, sđd, trang 126
[9] dẫn lại, Diane Morgan, Triết học và tôn giáo phương Đông, trang 177.
[10] Dẫn lại. Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, trang 111
[11] Ngô Thì Nhậm, sđd, trang 124
[12] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 145.
[13] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 146.
[14] dẫn lại, Trương Trừng Cơ, Triết học Phật giáo Hoa Nghiêm tông, Thích Thiện Sáng dịch, trang 124.
[15] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 152.
[16] Thiên Tuệ Ngô Duy Bang, Kinh Kim Cương hội giải, Hội Phật tử Việt Nam xuất bản, trang 97.
[17] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 153.
[18] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 154.
[19] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 141, phần chú thích.
[20] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 143.
[21] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 169.
[22] Kinh Nhật tụng, phần Mông sơn thí thực, NXB TP. HCM, trang 170.
[23] Phật Thích Ca, Kinh Địa Tạng, trang 9, Thích Trí Tịnh dịch, Nxb Tôn giáo 2007
[24] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 174.
[25] Kinh Phạm Võng, Thích Trí Tịnh dịch, NXB TP. HCM, trang 13.
[26] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 177.
[27] Ngô Thì Nhậm, sđd ,trang 198
[28] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 149.
[29] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 188.
[30] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 188.
[31] Kinh Kim Cương hội giải, trang 119.
[32] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3 , trang 195.
[33] Ngô Thì Nhậm, sđd, tập 3, trang 192.
[34] Ngô Thì Nhậm. Sđd, tập 3, trang 207
Bình luận (0)