Nhập đề: Khi đề cập đến vấn đề dung hợp tư tưởng Tam giáo Phật - Đạo - Nho, Giáo sư Nguyễn Đăng Thục đã khẳng định trong bài viết Khổng phu tử Việt Nam như sau “Chính thiền tông tự thân đã là một tổng hợp ba khuynh hướng chính của truyền thống tôn giáo và triết học Á Đông, Phật giáo, Đạo giáo, và Nho giáo. Phật giáo như người ta đã biết, nhấn mạnh về phương diện siêu nhiên của nhân tính. Đạo giáo nhấn mạnh vào phương diện thiên nhiên và Nho giáo vào phương diện xã hội và ba dòng ấy bổ túc lẫn nhau để hợp thành chủ nghĩa nhân bản Việt Nam”(1).

Tag: tam giáo, Phật-Đạo-Nho, Phật giáo, Đạo giáo, Nho giáo, Thiền tông,…

Tìm hiểu ba đạo, Phật – Nho - Lão trên phương thức tổng quát, tư tưởng của ba học thuyết đều không nằm ngoài mục đích giúp nhân loại tu tâm, dưỡng tính, khuyên làm việc lành lợi mình lợi người, tránh làm việc ác hại người, hại mình: Như “Lão (Trang Tử) nói; “khi con người đặt cái áng lên vai con trâu cái hàm thiếc vào mồm ngựa thì sự hòa hợp thiên nhiên không còn nữa”. Nho nói: “Đến mức trung hòa thì giời[trời] đất yên ngôi, muôn vật sinh dục” và Phật có thuyết “Lục hòa”(2). Điều này Hòa thượng Minh Châu đã khẳng định “Tất cả tôn giáo đều gặp nhau trên một điểm duy nhất, điểm ấy chính là kinh nghiệm nội tâm, kinh nghiệm tâm linh”(3). Thiền sư Hải Huyền “tác dụng của Nho và Phật, chỉ có một lý lẽ, tuy đường đi khác nhau nhưng cùng về một lối, tuy có muôn khía cạnh khác nhau nhưng cùng chung một nguồn”(4). Tổng thể về mối quan hệ giữa ba hệ tư tưởng Phật - Nho – Lão có dung hợp nhưng cũng có xung đột có và cả đối đầu. Nhưng ở đây người viết không bàn luận về xung đột hay đối đầu mà điểm chính là xoay quanh vấn đề dung hợp Tam giáo của thiền tông Việt Nam mà tiêu điểm chính là thiền phái Trúc Lâm và sự kế thừa của thiền sư Hải Lượng thể hiện trong tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh.

Sở dĩ không bàn luận về sự phân tranh bởi vì đức Phật có dạy “Như Lai không tranh luận với đời, chỉ có đời tranh luận với Như Lai”(5). Khổng Tử cũng không khác “Vạn vật tịnh dục nhi bất tương hại, đạo tịnh hành nhi bất tương bội, tiểu đức xuyên lưu, đại đức đôn hoá” (6) (muôn vật hóa dục mà không hại lẫn nhau, các đạo đều thi hành mà không trái nhau, Đức nhỏ thì phân minh như nước sông chảy, Đức lớn thì đôn hậu mà sinh hóa vô cùng). Cho nên chủ trương của Khổng Tử không công kích, hay đả phá đạo nào, bởi nếu làm như vậy thì chẳng giúp ích gì ngược lại “Công hồ dị đoan, tư hại giã dĩ"(7) (công kích đạo khác là chỉ hại mà thôi). Đời sau không làm theo tôn chỉ của bậc đạo sư, trái lại công kích, đả phá Phật giáo, đây là một trong những nguyên nhân dẫn đến hỗn chiến ở thế kỷ XVIII, thật là một điều đáng tiếc.

Trở về vấn đề dung hợp tam giáo, duyên khởi là do xuất xứ giữa các đạo khác nhau, nguồn gốc của đạo Phật từ Ấn Độ, còn Lão giáo và Nho giáo có nguồn gốc từ Trung Quốc, Phật giáo du nhập vào Trung Quốc từ khoảng thời Đông Hán đến Đông Tấn, dân gian có câu “nhập gia tùy tục” nghĩa là muốn người dân bản địa tiếp nhận một tư tưởng Phật giáo mới áp dụng vào đời sống tâm linh của họ thì cần phải dùng phương pháp “bình cũ rượu mới” tức là những nhà truyền đạo Phật giáo lúc bấy giờ cần phải vay mượn một số ngôn ngữ, thuật ngữ, khái niệm, đôi khi mượn cả tư tưởng của Nho giáo, Lão giáo để chuyển tải giáo lý Phật giáo. Còn về phía Nho giáo và Lão giáo sau khi giao lưu, tiếp xúc với tư tưởng Phật giáo thì những nhà Nho, Đạo sĩ đã thấy được những khiếm khuyết trong hệ tư tưởng của đạo mình cần được bổ sung từ những giáo lý nhà Phật để hoàn thiện, từ đó tư tưởng dung hợp tam giáo mặc nhiên hình thành vào thời Ngụy-Tấn- Nam Bắc triều. Từ đây giữa tam giáo có sự hỗ tương lẫn nhau cùng nương tựa, cùng phát triển.

Dù ảnh hưởng văn hóa Trung Hoa nhưng tư tưởng tam giáo đồng nguyên ở Việt Nam có hướng đi phá cách và những nét khác biệt. Một trong những điểm khác biệt điển hình như “nhà nước phong kiến chính thức đưa người Việt vào phối thờ tại Văn Miếu Thăng Long – nơi thờ tự hàng đầu trong hệ thống các di tích thuộc Nho giáo”(8).

Dấu ấn Việt hoá quan trọng của Nho giáo ở thời Trần, đã thể hiện rõ nét hơn Tư tưởng tam giáo xuất hiện đầu tiên ở nước ta vào thế kỷ thứ II trong tác phẩm Lý Hoặc Luận của Mâu Tử. Một trong những tác phẩm luận thuyết triết lý tuyệt diệu giá trị vô giá, bàn về mối quan hệ tư tưởng giữa Phật – Nho - Lão. Nhưng lấy triết lý Phật giáo làm chủ đạo. Về sau tư tưởng tam giáo phát triển rộng trong cộng đồng, nhiều người trong giới trí thức từ vua, quan cho đến các thiền sư, nhà văn, nhà thơ chịu ảnh hưởng không ít tư tưởng này, đặc biệt dưới triều đại Lý - Trần, trong đó có vua Trần Thái Tông, Phật hoàng Trần Nhân Tông, ngài Tuệ Trung Thượng Sĩ … đến thế kỷ XVIII có thiền sư Hương Hải, thiền sư Hải Lượng và các đạo hữu của ông, thiền sư Toàn Nhật Quang Đài… Với những tác phẩm như: Thiền tông chỉ nam tự của vua Trần Thái Tông, Sự lý viên dung của thiền sư Hương Hải, Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của thiền sư Hải Lượng, Tam giáo nguyên lưu ký của thiền sư Toàn Nhật, cùng thời với thiền sư Toàn Nhật có Trịnh Tuệ với tác phẩm Tam giáo nhất nguyên thuyết...

Đặc biệt, tư tưởng tam giáo dưới triều đại đời Trần được phát huy. Khi nhắc về triều đại này thì một yếu tố làm nên lịch sử niềm tự hào cho dân tộc đó là tinh thần đoàn kết. Chính tinh thần đoàn kết đã tạo nên sức mạnh phi thường, ba lần đánh tan quân Nguyên Mông. Vua Trần Nhân Tông đã phát huy tinh thần đoàn kết vào việc thành lập thiền phái Trúc Lâm, vận dụng dung thông tư tưởng của ba thiền phái quy về một thiền phái nhất tông. Bởi vì vua Trần Nhân Tông biết vận dụng khả năng Thể-Tướng-Dụng. Như chúng ta đã biết Thể là nguồn sinh ra vạn vật, sự vật là dụng của thể. Khi đứng trên lập trường này thì thể trong Nho giáo là Thái cực, đối với Lão giáo là Đạo, đối với Phật giáo là Chân Như. Khổng Tử đã rời bỏ cái dụng ở nơi quan trường trở về với đạo, còn Lão Tử, lúc nào cũng đặt mình trong đạo thể, đức Phật Thích Ca bỏ ngôi vua một nước nghìn cỗ xe mà giáo hóa truyền khắp thiên hạ. Bởi vì dung hợp với những yếu tố tích cực của Nho, của Lão để giúp con người phát triển toàn diện. Chỉ có quy về một mối mới tạo nên sức mạnh. Chính vì thế dung hợp tam giáo là thượng sách, tránh được sự cạnh tranh, phân ly giữa các thiền phái, giữa các Đạo. Hòa thượng Minh Châu đã khẳng định “chỉ có hòa bình tâm linh mới là hòa bình duy nhất làm nền tảng cho tất cả hòa bình chính trị và quân sự”(9). Ngang qua đây chúng ta thấy được tầm nhìn chiến lược đầy trí tuệ của bậc đế vương. Chỉ khi là của chung thì mới tạo nên được sức mạnh đại đồng, đây là yếu tố quan trọng. Thật ra yếu tố dung hợp Phật-Nho-Lão đã nhen nhóm từ triều đại nhà Lý, đến triều đại nhà Trần, vua Trần Thái Tông đã hình thành rõ nét trong Thiền tông chỉ nam tự hay trong Khóa Hư Lục ngài đã đưa ra ba tấm gương của tam giáo ngồi thiền mà thành tựu “Phật Thích Ca vào núi Tuyết Sơn, ngồi ngay sáu năm, chim thước làm tổ trên đầu, cỏ mọc xuyên qua bắp vế, thân tâm cứ tự nhiên. Tử Kỳ dựa ghế mà ngồi, hình như gỗ khô, lòng như tro nguội. Nhan Hồi ngồi quên, rụng rời chi thể, bỏ hết thông minh, lìa hình dứt trí, hòa vào đại thông”(10). Với Tuệ Trung Thượng Sĩ luôn sống hòa mình với thiên nhiên, hòa mình với đời, không màng danh lợi, tự do tự tại trong nếp sống thiền của Thượng Sĩ mang yếu tố Lão Trang. Đến đời vua Trần Nhân Tông đã kết hợp, dung thông tam giáo để cho ra đời thiền phái Trúc Lâm hội tựu ba yếu tố trên lấy triết lý Phật giáo làm trung tâm.

Đến nửa cuối thế kỷ XVIII, đứng trước tình thế đất nước chia năm sẻ bảy, chiến tranh liên miên. Thiền sư Hải Lượng trước kia là một vị tướng giỏi dưới thời vua Quang Trung. Ông có những kế sách thông minh điển hình như “nước cờ lui quân trấn giữ Tam Điệp”. Từng là vị tướng nên ông rất hiểu những chiến lược, chiến thuật, kế sách trị vì đất nước cũng như những phương hướng lãnh đạo Phật giáo của Phật hoàng Trần Nhân Tông, cho nên thiền sư tha thiết muốn người dân thời đại mình cũng nên quay về sống và thực hành theo phương châm của thiền phái Trúc Lâm. Đây chính là lý do thiền sư đã thực hiện theo kế sách của Phật hoàng, muốn thống nhất đất nước thì trước phải thống nhất các đạo giáo, để làm chỗ dựa tinh thần vững chắc làm gốc, rồi sau mới ổn định quốc gia. Việc ổn định quốc gia chỉ là ngọn, hoàn thiện con người mới là gốc, khi gốc vững thì ngọn tự nhiên yên. Điển hình như đời vua Nghiêu, vua Thuấn. Đường hướng, kế sách, phương pháp tu tập của thiền phái Trúc Lâm chính là sự lựa chọn hướng về của thiền sư Hải Lượng. Bởi thế trong tác phẩm thiền sư đã theo khuynh hướng kết hợp Tam giáo, điểm chính là Nho và Phật, theo từng trường hợp mà vận dụng, nhập thì dùng Nho, xuất thì dùng thiền, sống tự nhiên như Lão. Nhưng sự dung thông tam giáo ở thế kỷ XVIII này, những vị đứng ra dung hợp đều xuất thân từ Nho giáo chính tông cho nên việc lấy triết lý Nho giáo làm trung tâm không có gì ngạc nhiên. Dù vậy, điểm đến chung vẫn là làm sao cho mọi tầng lớp hiểu và thực hành giáo pháp của đức Thế Tôn để gột bỏ đi những tố chất tham-sân-si. Thiền sư Hải Lượng đã rất thành công chuyển tải tư tưởng của hai nền triết lý cổ đại trên phương diện tương đồng hòa hợp. Đứng về lập trường Nho giáo, chính bản thân thiền sư là một nhà Nho chính thống, ngay từ nhỏ đã được sự dạy dỗ của ông nội và cha, hiển nhiên thiền sư rất am hiểu và ảnh hưởng nhiều về triết lý tống Nho. Ngay cả Phan Huy Ích cũng đã khẳng định điều đó “Ngô Thì Nhậm chịu ảnh hưởng của cha mình, theo xu hướng “Tam giáo nhất nguyên”(11). Đứng về lập trường Phật giáo, thiền sư là người con Phật, thông thấu giáo pháp và thực nghiệm ngay trên bản thân mình. Do vậy mà giữa hai nền triết học thiền sư đã thấu hiểu triệt để, cho nên việc dung hợp giữa Phật và Nho được thiền sư thể hiện trong tác phẩm theo thiền sư Hải Huyền đánh giá rất cao. “此章把儒 và 奭一途族會,此大單師 心得一冠之止,發為入四聲之一,大斷文章,大 斷宜論,起以管虧來陟之哉; Thử chương bả Nho và Thích nhất đồ thấu hội, thử đại thiền sư tâm đắc nhất quán chi chỉ, phát vi nhập tứ thanh chi nhất, đại đoạn văn chương, đại đoạn nghi luận, khởi dĩ quản khuy lãi trắc chi tai”(12) (chương này đem Nho và Thích đút lại làm một, đó là chỗ tâm đắc và nhất quán của Đại thiền sư ta, phát huy nó ra làm một trong hai mươi bốn thanh, là một áng văn chương cao cả, một pho nghị luận lớn lao, nào phải lấy ống hóp mà nhìn, lấy võ hến mà đong được). Bởi vì theo thiền sư Hải Huyền thì tác dụng giữa Nho và Phật không khác mặc dù đường đi không cùng “Nho Thích tác dụng, chỉ cá đạo lý, tuy thù đồ nhi đồng quy, vạn thù nhi nhất bản” (Tác dụng của Nho và Phật, chỉ có một lý lẽ, tuy đường đi khác nhau nhưng cùng về một lối, tuy có muôn khía cạnh khác nhau nhưng cùng chung một nguồn). Thiền sư Hải Hòa “孔子曰: 四時行煙,百勿生煙,天河言哉。奭是雲:無所 從來,亦無所去,故名如來。與老是所未:聲 淨而民自定。三教一源: Khổng Tử viết: “Tứ thời hành yên, bách vật sinh yên, thiên hà ngôn tai.” Thích thị vân: “Vô sở tòng lai, diệc vô sở khứ, cố danh Như Lai.” Dữ Lão thị sở vị: “Thanh tịnh nhi dân tự đinh.” Tam giáo nhất nguyên.” (Khổng Tử dạy: “Bốn mùa theo nhau, trăm loài sinh trưởng, trời có nói gì đâu!” Họ Thích nói: “không biết từ đâu đến, cũng không biết đi về đâu, cho nên gọi là Như Lai”. Cùng với lời của Lão Tử: “Thanh tịnh mà dân tự yên” là sự thể hiện Tam giáo một nguồn vậy”)(14).

Thiền sư Hải Lượng “佛演楞伽,異之玄虛 也。道理要約在愣伽; Phật diễn Lăng già, dị chi huyền hư dã. Đạo lý yếu ước tại Lăng già”(15) (Phật diễn giải Kinh Lăng già, cũng tức là cái sâu kín hư ảo của Kinh Dịch vậy).

Chúng ta thấy một điểm nữa về sự kết hợp giữa Nho và Phật được thiền sư Hải Lượng thể hiện trong chương Ẩn thanh khá độc đáo “海量大禪師雲遊於博士齋中, 博士與其門第,儒服禮拜大禪師; Hải Lượng Đại thiền sư vân du ư Bác sĩ trai trung, Bác sĩ dữ kỳ môn đệ, Nho phục lễ bái Đại thiền sư”(16) (Đại thiền sư vân du đến thư phòng của Bác sĩ, Bác sĩ bận Nho phục yết kiến thiền sư, thể hiện Nho và Thích là một vậy). Khổng Tử dạy: “Bốn mùa theo nhau, trăm loài sinh trưởng, trời có nói gì đâu!” Họ Thích nói: “Không biết từ đâu đến, cũng không biết đi về đâu, cho nên gọi la Như Lai.” Cùng với lời của Lão Tử: “Thanh tịnh mà dân tự nhiên yên” là sự thể hiện Tam giáo một nguồn vậy”(17). Tuy nhiên, sự kết hợp này có nhiều ý kiến trái chiều, nhưng chúng ta nên đặt hoàn cảnh tác phẩm ra đời mà thấu hiểu động cơ của thiền sư vì sao mà lại có sự kết hợp như vậy. Tất cả cũng chỉ vì mục đích chung mà thôi.

Một trong những vị thiền sư có công đặt nền tảng phục hưng thiền phái Trúc Lâm ở thế kỷ XVII đó là Thiền sư Minh Châu Hương Hải, cũng đã bàn về vấn đề dung hợp trong tác phẩm Sự lý dung thông:

“Trong nơi danh giáo có ba Nho hay giúp nước sửa nhà trị dân Đạo thì dưỡng khí an thần Thuốc trừ tà bệnh chuyên cần luyện đan, Thích độ nhân miễn tam đồ khổ Thoát cửu huyền thất tổ siêu phương Nho dùng tam cương ngũ thường Đạo gìn ngũ khí, giữ giàng ba nguyên Thích giáo nhân tam quy ngũ giới Thể một đường, xe phải dùng ba” (18) Và thiền sư có một nhận xét sát đáng về trí tuệ cũng như sự thâm sâu của Nho giáo và Phật giáo: “Nho nguyên đãng đãng đăng nhi khoát Pháp hải trùng trùng nhập chuyển thâm” (19) (Rừng nho bát ngát vào thêm rộng Biển Phật mênh mông tới càng sâu.)

Theo nhận định của Nguyễn Công Lý về thiền sư Hương Hải “Ở Hương Hải thiền sư, tư tưởng Nho như là một nền học bổ túc cho tư tưởng Phật về phương diện trị thế”(20).

Nếu như ở thế kỷ XVII có thiền sư Minh Châu Hương Hải đồng quan điểm với thiền sư Hải Lượng về vấn đề dung hợp tam giáo thì vào cuối thế kỷ XVIII có Thiền sư Toàn Nhật Quang Đài, cũng chủ trương thống nhất giữa Phật giáo, Nho giáo và Lão giáo:

“Cũng như vạc có ba chân Trên trời thì có tam quang tỏ tường Trong đời thì có tam cương Nếu mà khuyết một ghê đường gian nguy Nói cho thầy rõ kẻo nghi Đạo tuy ba ngả cũng về một nơi”(21)

Mượn lời của Khổng Tử để chốt lại mối quan hệ tư tưởng Phật-Đạo-Nho như sau “Thiên hạ đồng quy nhi thù đồ, nhất tri nhi bách lự” tạm dịch là “đường tuy khác nhưng thiên hạ đồng về; trăm điều lo lắng cùng về một hướng”.

Diệu Tâm - Thạc sĩ khóa II Học viện PGVN tại Tp.HCM Tạp chí Nghiên cứu Phật học số tháng 3/2021

-----------------

CHÚ THÍCH: (1) Tư tưởng số 16-19, tr 83 (2) Tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc, Nguyễn Xuân Chữ, bài viết “ Khái niệm về vũ trụ quan trong ba đạo Nho, Lão và Phật, tư tưởng số 20-21, năm 1967, tr 139 (3) Tư tưởng số 1, tr 366 (4) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH, tr 235 (5) HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, Kinh Mật Hoàn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, p. 147. (6) Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn học, năm 2003, tr 64 (7) Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn học, năm 2003, tr 64 (8) Đỗ Thị Hương Thảo, Dấu ấn Việt hóa trong Nho giáo thời Trần, Kỷ yếu Việt Nam học lần ba, năm 2008, tr 244. (9) Tư tưởng số 1, tr 369 (10) Đào Duy Anh, Khóa hư lục, Nxb KHXH, năm 1974, tr 106 (11) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH, tr 21 (12) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH tr 272 (13) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH, tr 232 (14) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH tr 298 (15) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH tr 290 (16) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH,tr 158 (17) Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH,tr 301 (18) Lê Mạnh Thát, toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP HCM, năm 2000, tr 63 (19) Lê Mạnh Thát, toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP HCM, năm 2000, tr 64 (20) Nguyễn Công Lý ,Viện Trần Nhân Tông, Phật giáo nhập thế, Tinh thần tùy duyên, tùy tục, nhập thế, hộ quốc an dân – nét đẹp của đạo Phật Việt Nam, Nxb Đại học quốc gia Hà Nội, năm 2018, tr397. (21) Lê Mạnh Thát, toàn tập Toàn Nhật Quang Đài, Nxb TP HCM, năm 2005, tr 9

TÀI LIỆU THAM KHẢO: 1. Viện khoa học xã hội Việt Nam viện nghiên cứu hán nôm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập V, Nxb KHXH 2. Lê Mạnh Thát, toàn tập Minh Châu Hương Hải, Nxb TP HCM, năm 2000 3. Đào Duy Anh, Khóa hư lục, Nxb KHXH, năm 1974 4. Trần Trọng Kim, Nho giáo, Nxb Văn học, năm 2003 5. Đỗ Thị Hương Thảo, Dấu ấn Việt hóa trong Nho giáo thời Trần, Kỷ yếu Việt Nam học lần ba, năm 2008 6. Tư tưởng số 1, số 16-19 7. HT. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trung Bộ 1, Kinh Mật Hoàn, Nxb Tôn Giáo, Hà Nội 8. Đỗ Thị Hương Thảo, Dấu ấn Việt hóa trong Nho giáo thời Trần, Kỷ yếu Việt Nam học lần ba, năm 2008 9. Tạp chí nghiên cứu phát huy văn hóa Phật giáo và dân tộc, Nguyễn Xuân Chữ, bài viết “ Khái niệm về vũ trụ quan trong ba đạo Nho, Lão và Phật, tư tưởng số 20-21, năm 1967.