Một quyển luận thuyết triết học quý hiếm của Phật giáo Việt Nam
ISSN: 2734-9195
10:05 24/08/2024
Tác phẩm chính là sự kết tinh tinh hoa đạo lực, trí tuệ của các thiền sư, hòa thượng, tăng sĩ vốn được xếp vào hàng danh sĩ tiếng tăm bậc nhất trong thời đại đó.
Tác giả: TSThích Hạnh Tuệ - TS Thích nữ Thanh Quế
1. Dẫn nhập
Luận là bàn bạc, xem xét sự vật rồi nói cho rõ phải trái, phân biệt lẽ đúng sai. Lời dạy của các bậc thánh triết như đức Phật, được ghi chép lại gọi là kinh, "luật" thuật lại các kinh, "luật" giải thích, làm rõ nghĩa lý của kinh, luật thì gọi là luận. Luận còn chỉ Luận tạng – một trong ba tạng kinh điển của Phật giáo. Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Hải Lượng thiền sư là một quyển luận theo nghĩa đó.
“Luận là thể văn nhằm phân tích sự lý, phán đoán đúng sai; là tổ chức, sắp xếp các ý kiến để làm sáng tỏ một đạo lý nào đó; là thứ tự, sắp xếp các lý lẽ cho có thứ tự không bị sơ hở thì thành ý không bị sụp đổ; thuyết cũng thuộc loại biện, luận, nhưng nặng về giải thích, người xưa dùng để giải thích kinh nghĩa.”
Một trong những mục đích chính yếu mà các bậc luận sư tạo luận hướng đến là bảo vệ giáo nghĩa của đức Phật trước sự công kích của ngoại đạo, trải dài từ khi đức Phật nhập Niết Bàn cho đến ngày nay.
Về mặt hình thức, các tác phẩm thuộc thể loại luận thuyết dung hợp cả biền văn, tản văn và thơ tạo nên bộ mặt riêng, trong đó vừa có tự sự, triết lý vừa trình bày, lý giải, vừa cảm xúc trữ tình. Về nội dung của thể loại này thường đề cập đến hầu hết các phạm trù quan trọng của tư tưởng Phật giáo.
2. Thể loại luận thuyết trong văn học Phật giáo
Ở Ấn Độ khoảng thế kỷ thứ VI trước Công Nguyên, thể luận (một trong Tam tạng kinh điển Phật giáo: Kinh (Suttapitaka), Luật (Viyanapitaka), Luận (Abhidhammapitaka), ra đời trong đợt kết tập kinh điển lần thứ nhất, khoảng mấy tháng sau khi đức Phật nhập Niết Bàn, do Ma ha Ca Diếp làm thượng thủ.
Mấy trăm năm sau, kể từ khi Phật nhập diệt, do nhu cầu bảo vệ triết lý Phật giáo trước sự công kích của các luận thuyết ngoại đạo, nên thể luận rất phát triển, xuất hiện nhiều luận sư tài năng lỗi lạc, đức độ cao siêu, sáng tác ra nhiều bộ luận danh tiếng để đời.
Sau Phật nhập diệt 236 năm, Mục - kiền - liên - tử - đế - tu (Moggaliputta-tissa) soạn bộ Luận sự (Luận sự thuyết), gồm 23 phẩm, 217 luận. Khoảng 144 năm sau khi bộ Luận sự thuyết ra đời, trong đợt kết tập lần thứ tư dưới sự hộ trì của vua Ca - nị - sắc - ca (Kaniska), Hiếp tôn giả (Parsva) và Thế Hữu (Vasumitra) soạn luận Ô - ba - đệ - thước gồm 10 vạn bài tụng, nhằm giải thích kinh tạng, luận Tì - nại - da - tì - bà - sa gồm 10 vạn bài tụng, nhẳm giải thích luật tạng, luận A - tì - đạt - ma - tì - bà - sa gồm 10 vạn bài tụng, nhằm giải thích luận tạng.
Tất cả gồm 30 vạn bài tụng, 960 vạn lời. Sau đó 100 năm Mã Minh biên soạn Thuyết nhất thiết hữu bộ A - tì - đạt - ma - Tì- bà - sa (tức là Luận Đại Tì - bà - sa), gồm 100 vạn bài tụng. Khoảng thế kỷ thứ II, đại sư Long Thụ (Nàgàrjuna) trước tác rất nhiều bộ luận, nổi tiếng nhất là: Đại trí độ luận, Thập nhị môn luận, Trung luận. Đến khoảng thế kỷ thứ IV, đại sư Vô Trước (Asanga), soạn: Du-già Sư địa luận, Kim Cang bát nhã luận, Thuận trung luận, Nhiếp đại thừa luận, Đại thừa A - tì - đạt - ma tạp tập luận, Hiển dương thánh giáo luận, Lục môn giáo thọ tập định luận tụng. Thiên bộ luận sư Thế Thân (Vasubandhu) trước tác hàng ngàn bộ luận, có thể kể ra những tác phẩm trọng yếu và có ảnh hưởng lớn đến đời sau như: Câu xá luận, 30 quyển; Nhiếp Đại thừa luận thích, 15 quyển; Thập đại kinh luận, 12 quyển; Kim cang bát nhã ba la mật kinh luận; Quảng bách luận; Bồ đề tâm luận; Tam thập Duy thức luận tụng; Đại thừa bách pháp minh môn luận, Nhị thập Duy thức luận…Những luận sư nổi tiếng sau đó như: Hộ Pháp (Dharmapàla), Đức Huệ (Gunamati), An Huệ (Sthiramati), Thân Thắng (Bandhusri), Hoan Hỷ (Nanda), Tịnh Nguyệt (Suddhacandra), Hoả Biện (Citrabhàna), Thắng Hữu (Visesamitra), Thắng Tử (Jinaputra), Trí Nguyệt (Jnàcandra), Giới Hiền (Sìlabhadra), Huyền Tráng (601 – 664), Khuy Cơ (632 – 682), Huệ Chiểu (651 – 714), Trí Chu (668 – 723)…
Với số lượng cũng như chất lượng của các tác giả và tác phẩm được nêu sơ lược ở trên, đã minh chứng một điều rằng, thể loại luận là một thể loại có tầm quan trọng rất lớn đến sự tồn tại và phát triển của Phật giáo, bởi vì, đây là một trong những thể loại chính dùng để xiển dương triết lý Phật giáo hữu hiệu, cũng như dùng để tranh luận, phá giải các tà thuyết của những ngoại đạo muốn phá hoại Phật giáo. Chính vì đáp ứng nhu cầu bảo vệ triết lý Phật giáo trước sự công kích, chống trái của các học thuyết khác, mà trong suốt tiến trình lịch sử hơn 2554 năm, thể loại luận được kế thừa và phát triển rất mạnh. Nếu xét riêng về mặt giá trị triết học, văn học, thể loại luận chính là thể loại có đóng góp lớn nhất trong Tam tạng kinh điển.
Ở Việt Nam, cho đến hiện nay, chúng ta thấy có Lý hoặc luận của Mâu Bác viết khoảng những năm từ 195 - 198, là tác phẩm đầu tiên của thể loại luận thuyết triết lý tôn giáo trong văn học Phật giáo Việt Nam. Mâu Bác trong Lý hoặc luận đã bàn về những vấn đề có liên quan đến tư tưởng Phật – Đạo – Nho. Lý hoặc luận gồm có 37 điều: 3 điều đầu trình bày tư tưởng Phật giáo; 8 điều luận về Lão giáo; 1 điều tổng kết, còn lại 25 điều tập trung luận giải về mối quan hệ giữa Phật giáo và Nho giáo. Theo một số thư tịch cũ có nhắc đến Đạo Cao pháp sư tập của Đạo Cao viết khoảng năm 450 - 460, lý giải về vấn đề mối quan hệ giữa Phật - Đạo - Nho nhưng tác phẩm này hiện nay chưa tìm thấy. Đến cuối thời Lý, chúng ta vẫn chưa thấy nhiều tác gia sử dụng thể loại này sáng tác. Hiện nay, chỉ còn vài đoạn viết về Tâm pháp của Thiền sư Cứu Chỉ thuộc thể loại luận thuyết tôn giáo, còn mấy đoạn văn của Thiền sư Vạn Hạnh khuyên vua Lý Thái Tổ nên thuận theo lòng dân mà lên ngôi vua; Thiền sư Trí ở thế kỷ XII luận về Phật - Nho nhất trí; Thiền sư Viên Thông sử dụng lập luận nhà Nho mà đề xuất phương cách trị loạn với vua Lý Thần Tông; Thiền sư Nguyễn Thường viện dẫn triết lý Nho gia khuyên vua Lý Cao Tông không nên say mê dục lạc, mà chuyên tâm xử lý việc nước, Nho thần Đàm Dĩ Mông dùng lý thuyết nhà Nho đả kích Phật giáo, dùng kinh Bát Nhã thuyết phục Lý Cao Tông sa thải bớt tăng đồ.
Thể loại luận thuyết tôn giáo đạt được những thành tựu đáng kể vào đầu đời Trần với những tác phẩm bề thế và đặc sắc. Trần Thái Tông viết Khoá hư lục, Thiền tông chỉ nam (tác phẩm này chưa tìm được, chỉ còn bài tựa); Trần Nhân Tông viết Tăng già toái sự (chưa tìm được); Pháp Loa Đồng Kiên Cương viết Đoạn sách lục, Tham thiền yếu chỉ (chỉ mới tìm được vài đoạn).
3. Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh
Cuối thế kỷ XVIII – một thế kỷ đầy biến động của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng đang đứng trước những nguy cơ sống còn với nhiều lực tác động trái chiều về mọi mặt. Chính lúc cần thiết ấy, xuất hiện quyển luận Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh (竹林宗旨元聲). Quyển luận này ra đời năm 1796 tại Thiền viện Trúc Lâm, phường Bích Câu, Hà Nội.
Tác phẩm chính là sự kết tinh tinh hoa đạo lực, trí tuệ của các thiền sư, hoà thượng, tăng sĩ vốn được xếp vào hàng danh sĩ tiếng tăm bậc nhất trong thời đại đó.
Lê Văn Siêu nhận xét rất ấn tượng về tác phẩm này: “Quan niệm ra 24 thanh, trừu tượng trong cái trừu tượng phải kể là một công phu tuyệt vời. Huống còn những lời giảng về những thanh ấy, bằng những câu chuyện ngụ ngôn hoán dụ, hay những điển tích rút ra trong kinh sách Phật hay Nho, cũng như những lý luận đột ngột trong cuộc đàm thoại giữa đại thiền sư và đồ đệ, ta thấy các tác giả quả là những người trí tuệ thông thái, tác phẩm đã đáng kể là tiêu biểu cho mức tiến hoá tinh thần của người Việt ở thế kỷ XVIII.”
Tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh còn có tên Đại chân viên giác thanh bởi gọi theo phần chính văn của tác phẩm. Cũng gọi là Nhị thập tứ thanh, Nhị thập tứ chương kinh vì nội dung chính của tác phẩm gồm hai mươi bốn chương. Hay gọi đơn giản là Kinh viên giác Việt Nam, vì có sự kế thừa tư tưởng sáu bộ kinh đại thừa quan trong nhất của Phật giáo: Viên giác, Lăng nghiêm, Kim cang, Hoa nghiêm, Lăng già, Duy ma cật, mà đậm nét nhất là kinh Viên Giác.
Xét về diện mạo kết cấu và các tác giả của tác phẩm thì Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một quyển luận có cấu trúc thuộc loại xưa nay hiếm, bởi ngoài phần Trúc Lâm đại chân viên giác thanh tự (bài tựa của Trúc Lâm Đại chân viên giác thanh) do Bảo Chân đạo nhân Phan Huy Ích viết, thì nội dung gồm các phần: "Thanh dẫn", "Chính văn", "Thanh chú 1", "Thanh chú 2" và "Thanh tiểu khấu".
Thanh dẫn là phần dẫn dắt giới thiệu chung cho mỗi thanh do Hải Huyền tăng viết. Chính văn là phần cốt lõi của tác phẩm gồm 24 thanh (24 chương), có tên Đại chân viên giác thanh, do Hải Lượng Thiền sư giảng các đệ tử ghi lại. Thanh chú là phần chú thích, giảng giải, phân tích nội dung các thanh, các chương do Hải Âu hoà thượng viết thanh chú 1 và Hải Hoà tăng viết thanh chú 2. Thanh tiểu khấu là phần tóm tắt ngắn gọn nội dung chính của các thanh, các chương do Hải Điền tăng viết. Phần sau tác phẩm còn có Nhị thập tứ thanh phối khí ứng sơn chi đồ (Biểu đồ 24 thanh phối với các tiết trong năm). Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh tông (Đầu mối, điều kiện làm nên Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh. Và phần Tam tổ hành trạng (Hành trạng của ba vị tổ Thiền phái Trúc Lâm: Điều ngự Giác hoàng, Pháp Loa, Huyền Quang).
Có lẽ do bản thân Hải Lượng Thiền sư am hiểu, thể nhập sâu sắc và đứng ra đề xướng việc xiển dương tinh thần nhập thế vô ngã phổ độ chúng sinh, cứu nước cứu dân của tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm cho nên ông được người đương thời tôn xưng là đệ tứ tổ của Thiền phái Trúc Lâm.
Hải Lượng Thiền sư là đệ tử đắc pháp của Thiền sư Tánh Quảng Thích Điều dòng Minh Hành Tại, sau Thiền sư Chân Nguyên ba thế hệ. Hải Lượng Thiền sư tục danh Ngô Thì Nhậm 吳時任 , lúc nhỏ tên Phó (付) tự Hy Doãn (希尹), hiệu Đạt Hiên (達軒), sinh ngày 11 tháng 9 năm Bính Dần tức ngày 25 tháng 10 năm 1746, mất năm 1803 người xã Tả Thanh Oai (làng Tó), huyện Thanh Oai, tỉnh Hà Đông (nay là huyện Thanh Trì, Hà Nội) trong một “thế gia vọng tộc” có truyền thống đạo đức, khoa bảng, văn võ song toàn. Ông vốn thông minh dĩnh ngộ học đâu nhớ đấy, lại nhờ được sự dạy dỗ nghiêm khắc của thân phụ là Ngô Thì Sĩ (1726 – 1780), một nhà văn, nhà thơ, nhà sử học, nhà quân sự, nhà chính trị, tư tưởng gia nổi tiếng thời Lê Trung Hưng nên tài năng xuất chúng của ông sớm được biểu lộ.
Ngô Thì Nhậm không hổ danh là dòng dõi huyết mạch của Ngô Gia Văn phái, từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh ham học, mười sáu tuổi đã trước tác Nhị thập tứ sử toát yếu, hai mươi mốt tuổi soạn sách Tứ gia thuyết phả, hai mươi hai tuổi thi đậu khoa Sĩ Vọng, làm quan thất phẩm Hiến sát phó sứ Hải Dương. Khi chưa xuất gia tu hành, Hải Lượng Thiền sư vốn là Thượng thư bộ binh, Thị trung đại học sĩ, Hy Doãn Công Ngô Thì Nhậm, một khai quốc công thần, một danh nhân lớn trong lịch sử văn hoá và lịch sử văn học Việt Nam. Ông đã có những đóng góp vô cùng to lớn cho dân tộc Việt Nam trên nhiều lĩnh vực như: văn hoá, triết học, văn học, giáo dục, quân sự, chính trị, ngoai giao…
Quyển luận Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là tác phẩm lớn cuối cùng của Hải Lượng Thiền sư, là kết tinh chín muồi cả về nội dung tư tưởng lẫn bút pháp nghệ thuật của danh sĩ này. Nói như kiểu nhà Thiền, thì tác phẩm này giống như “bài kệ truyền tâm ấn” của các thiền sư cho các đệ tử lúc sắp viên tịch. Bởi vì, tất cả những gì tinh tuý nhất cũng như cả tâm huyết của cả một đời tác giả đều gửi gắm hết vào đây. Nguyễn Lang có nhận xét rất đáng lưu ý về hình thức của tác phẩm này là: “Phần Đại chân Viên giác thanh được tổ chức thành 24 chương, mỗi chương dành cho một thanh. Cách tổ chức mỗi chương có ý mô phỏng theo hình thức niệm, tụng, kệ của thiền gia. Phần thứ nhất nêu lên đặc tính của một thanh; phần thứ hai đưa ra những lời nhận xét của Hải Lượng, những nhận xét này có khi được trình bày dưới hình thức của một cuộc tham vấn thiền học, thỉnh thoảng kèm theo một số hình ảnh; phần thứ ba là lời bàn của Hải Âu và Hải Hoà. Phần thứ nhất tương đương với niệm, phần thứ hai tương đương với tụng, phần thứ ba tương đương với kệ”
Khi viết Trúc Lâm đại chân viên giác thanh tự Bảo Chân đạo nhân có nhận xét khái quát về tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh: “Ông anh vợ tôi là Hy Doãn Công, quan Thị trung đại học sĩ, học thức cao rộng, hơn hẳn người thường. Kinh nghiệm đúc kết càng uyên thâm, sự nghiệp càng thêm tinh tuý, Tam giáo cửu lưu, Bách gia chư tử không gì là không thâu tóm được đầy đủ, hợp với tấm lòng rộng lớn, đủ để điều khiển được muôn vật, nắm vững được Tam huyền. Bộ sách hai mươi bốn thanh âm của ông soạn ra, đã đem hết những chỗ mà lời lẽ của nhà Phật còn lờ mờ huyền bí, chia cắt thành từng đoạn, thâu tóm, tập hợp thành đầu mối theo thứ tự từng tiết, cho nên những gì là tinh tuý, uẩn súc đã được mở rộng ra, rồi đem công hành trên bản in để tỏ rõ cho rừng thiền được biết”.
Tôn chỉ của tác phẩm Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh chính là khôi phục và xiển dương tư tưởng Phật ở trong lòng, cư trần lạc đạo, vô ngã vị tha, nhập thế cứu đời của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần như là một giải pháp nhằm phục hưng đất nước trong bối cảnh khủng hoảng trầm trọng của xã hội Việt Nam cuối thế kỷ XVIII.
Tinh thần từ bi Bồ tát, nhập thế vô ngã của Phật giáo Trúc Lâm đời Trần, thể hiện cụ thể ở một khía cạnh là tấm lòng yêu nước, yêu dân, muốn đất nước được thái bình thịnh vượng, nhân dân an cư lạc nghiệp, ấm no hạnh phúc. Đây là tâm nguyện lớn, là tâm huyết, là hoài bão mà Hải Lượng Thiền sư chưa thể thực hiện được dù ông đã cống hiến gần hết cuộc đời theo luân lý Nho gia.
Hải Lượng Thiền sư ngộ ra được rằng, một trong những nguyên nhân chính gây nên sự loạn lạc bất ổn của nước ta, cũng như sự sa sút của Phật giáo Việt Nam trong giai đoạn này là triết lý Nho gia không những không đáp ứng được nhu cầu tâm linh, không giải quyết được những vấn đề bức thiết của xã hội trong giai đoạn này, mà với những hạn chế giáo điều cứng nhắc vốn có của nó càng làm cho đất nước suy yếu thêm. Đó là chưa kể đến các tầng lớp Nho sĩ giữ vị trí quan trọng trong bộ máy triều đình điều hành đất nước có tâm địa hẹp hòi, cố chấp và tư lợi, ra sức đả kích Phật giáo làm cho nguyên khí của nước ta càng thêm hao tổn.
Một câu hỏi được đặt ra là: Tại sao vẫn là xu hướng dung hoà Tam giáo mà nước ta thời Trần thái bình hưng thịnh, Phật giáo huy hoàng còn thời này lại suy yếu và loạn lạc. Phải chăng là do tư tưởng Tam giáo thời Trần xem Phật giáo thiền tông là xương sống, là nền tảng, là chỗ quy hướng còn thời này Nho giáo chiếm ưu thế trên chính trường? Vì nghĩ như vậy nên các thiền sư, tăng sĩ tác giả của Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh mới chọn khôi phục và xiển dương tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm làm giải pháp nhằm giải quyết sự bế tắc của thời đại.
Để bảo vệ vận mạng của Phật giáo, phát huy giáo lý của Phật giáo trước sự công kích một cách toàn diện và khắt khe của các danh sĩ Nho gia, vốn đang nắm giữ vị trí quyết định trên chính trường, Hải Lượng Thiền sư cùng với các pháp hữu đệ tử của mình, sáng tạo bộ luận Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh, với tôn chỉ, tận dụng tối đa triết lý Nho gia nhằm giải thích làm sáng tỏ ý nghĩa và giá trị chân thật của tư tưởng Phật giáo, nhất là tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm đời Trần.
Vì sao, muốn làm sáng tỏ, giải thích cặn kẽ giá trị tư tưởng Phật giáo mà phải dùng kinh điển và triết lý Nho gia? Vì rất rõ ràng rằng, đối tượng chính yếu mà các tác giả của quyển luận này hướng đến chính là các danh sĩ Nho gia, do không hiểu thấu giá trị tư tưởng Phật giáo, nên cực lực bài xích, đả kích, phê phán Phật giáo. Bên cạnh đó, các thiền sư tác giả còn dùng cả triết lý Lão – Trang để giải thích tư tưởng Phật giáo, hướng đến các đồi tượng là Đạo sĩ.
Vì sao, Hải Lượng Thiền sư chọn tư tưởng Thiền phái Trúc Lâm đời Trần? Bởi vì, Phật giáo Trúc Lâm đời Trần là Phật giáo của dân tộc Việt Nam, do Phật hoàng Trần Nhân Tông là người Việt Nam sáng lập, thể hiện được nét riêng, cái tinh hoa của dân tộc Đại Việt. Hơn nữa, tư tưởng Phật giáo Trúc Lâm đời Trần không phải nói lý thuyết cao siêu suông, cũng không chỉ dùng để tu hành trong các tự viện nhằm đạt tới giải thoát giác ngộ mà còn hiện thực hoá vào trong đời sống xã hội, tạo nên một thời đại huy hoàng của dân tộc Đại Việt, viết nên những trang sử vàng cho đất nước Việt Nam.
Quyển luận Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh là một viên ngọc hiếm hoi và quý giá của cả kho triết học Việt Nam cũng như của Phật giáo Việt Nam. Âm thanh là cảm hứng chính để sáng tạo nên tác phẩm. Bằng những thủ pháp nghệ thuật như: ẩn dụ, thí dụ, hoán dụ, thậm xưng, lạ hoá, so sánh…và sử dụng các điển tích, điển cố trong kinh điển của ba nhà, với những hình tượng nghệ thuật độc đáo, các tác giả đã dung thông cả ba hệ tư tưởng Phật – Lão Trang - Nho nói chung, nhất là Phật – Nho nói riêng, nhằm bảo vệ Phật giáo trước sự công kích của ngoại đạo, xiển dương giáo lý và tinh thần thực tiễn, nhập thế cứu đời của thiền phái Trúc Lâm đời Trần do Phật hoàng Trần Nhân Tông sáng lập.
Bằng nghệ thuật ngôn từ, bút pháp luận thuyết, các tác giả đã truyền tải một cách tài tình hầu hết những phạm trù chính yếu của những bộ kinh điển quan trọng trong các bộ kinh đại thừa quan trọng của Phật giáo như: Viên Giác, Lăng Già, Kim Cang, Hoa Nghiêm, Pháp Hoa, Bát Nhã, Duy Ma Cật.
Thay lời kết
Có thể nói Trúc Lâm tông chỉ nguyên thanh của Thiền sư Hải Lượng và các danh sĩ pháp hữu là một quyển luận thuyết quý giá hiếm hoi, có đóng góp đặc biệt về tư tưởng triết học, có giá trị đặc trưng không thể thay thế của dân tộc Việt Nam nói chung, Phật giáo Việt Nam nói riêng do chính người Việt Nam sáng tác. Nội dung tư tưởng uyên áo và hàm súc, không những đúc kết, thâu tóm những tinh tuý của các bộ kinh Đại thừa Phật giáo tiêu biểu như Kim cang, Viên giác, Hoa nghiêm, Pháp hoa, Lăng già, Lăng nghiêm, mà còn bao hàm tinh hoa cả ba hệ tư tưởng lớn Phật – Đạo – Nho phương Đông nên rất cần quan tâm được nghiên cứu chuyên sâu và phổ biến rộng rãi cho tất cả mọi người nói chung, giới tri thức Phật giáo nói riêng như là một sự tri ân cho tâm huyết một đời của Hải Lượng Thiền sư Ngô Thì Nhậm – một thiên tài của Đại Việt – một đại biểu xuất sắc của Phật giáo Việt Nam cuối thế kỷ XVIII đã gửi gắm cho hậu thế.
Tác giả: TSThích Hạnh Tuệ - TS Thích nữ Thanh Quế
***
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001.
2. Kinh Lăng Nghiêm, Thích Thiện Hoa dịch và chú, Thành hội Phật giáo Thành phố HCM, xuất bản, 1990.
3. Khổng Tử san định, Kinh Thi, thiên Đại Nhã, quyển 2, NXB Văn học, HN, 2007,
4. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 1, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001
5. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 2, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001, trang 146,
6. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm tác phẩm, tập 3, NXB Văn học – Trung tâm Nghiên cứu Quốc học, HN, 2001
7. Kinh kim cương hôi giải, Hội Phật tử Việt Nam xuất bản, Sài Gòn, 1953, trang 97.
8. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 1, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
9. Viện Văn học, Thơ văn Lý – Trần, tập 1, NXB KHXH, HN, 1977.
10. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 2, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
11. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 3, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN, 2003
12. Ngô Thì Nhậm, Ngô Thì Nhậm toàn tập, tập 5, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, NXB KHXH, HN 2003
Năm 2025 là lần thứ tư, Việt Nam một lần nữa có vinh dự đăng cai tổ chức Đại lễ Vesak Liên Hợp Quốc 2025, với chủ đề “Đoàn kết, Thống nhất và Hợp tác: Phật giáo vì Hòa bình Thế giới và Phát triển Bền vững”
Phật – Nho và Lão Trang là ba hệ tư tưởng cổ đại lớn, có sức ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống nhân loại nói chung và các quốc gia phương Đông nói riêng. Chỉ nói đến Tam tạng kinh điển (kinh, luật, luận) của nhà Phật thôi, cũng ít có ai tham cứu hết
Việc ứng dụng giáo lý nhà Phật vào cuộc sống lứa đôi mang lại rất nhiều tích cực cho cuộc sống gia đình của các phật tử, hướng phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo.
Thiền học Trúc Lâm cùng Tư tưởng lập hiến Hồ Chí Minh có sự tương đồng về mặt bản chất khi hai luồng tư tưởng đều hướng đến mục tiêu giải phóng con người, xây dựng một xã hội tốt đẹp
Bình luận (0)