Tác giả: Minh Hiền Đức
Pháp sư Như Ngộ - Viện trưởng Phật Học Viện Viên Quang, Viện Phật Học Nghiên Cứu Sở, nguyên trụ trì đời thứ tư của chùa Viên Quang, Đài Loan.
Hòa thượng Như Ngộ đã cống hiến hết mình cho sự nghiệp giáo dục Phật giáo và hoằng pháp lợi sinh, đặc biệt là trong việc tái thiết chùa Viên Quang và sáng lập Phật Học viện Viên Quang tại Đài Loan.
Ngài đã dốc toàn bộ tâm sức để phát triển giáo dục Tăng sĩ Phật giáo tại Đài Loan. Với tâm từ bi sâu dày và trí tuệ uyên thâm, ngài đã khai thị cho chúng sinh, bồi dưỡng nhiều thế hệ tăng tài và hoằng dương chính pháp, ảnh hưởng đến vô số phật tử và học tăng ở nhiều nước trên thế giới.
Pháp sư Như Ngộ sinh năm 1938 tại Miêu Lật, Đài Loan. Năm 14 tuổi, ngài xuất gia với Pháp Sư Thành Không tại chùa Pháp Vân ở Miêu Lật. Năm 25 tuổi, ngài thụ giới cụ túc. Pháp sư Như Ngộ từng tu học tại các nơi như chùa Bảo Giác ở Đài Trung, chùa Linh Ẩn ở Tân Trúc, Học xá Phúc Nghiêm, và Học viện Năng Nhân ở Hồng Kông. Vào tháng 10 năm 1974, ngài nhậm chức trụ trì chùa Viên Quang. Sau khi nhậm chức trụ trì, Như Ngộ Pháp Sư bắt đầu công trình tái thiết chùa Viên Quang.
Từ tháng 11 năm 1974 đến năm 1980, công trình kéo dài hơn sáu năm. Tháng 7 năm 1981, ngài thành lập “Phật Học Viện Viên Quang” và chính thức chiêu sinh. Nhờ thái độ nghiêm túc trong việc giảng dạy, hiện nay “Phật Học Viện Viên Quang” và “Viên Quang Phật Học Nghiên Cứu Sở” đã trở thành một trong những học phủ giáo dục Tăng sĩ có tiếng nhất tại Đài Loan với số lượng học viên đông đảo.
Dưới sự lãnh đạo của Pháp Sư Như Ngộ, chùa Viên Quang phát triển bốn lĩnh vực lớn:
Thứ nhất là giáo dục, bao gồm Phật Học Viện, Phật học Nghiên Cứu Sở, và các đạo tràng tĩnh tu (Viên Quang Tĩnh Tu Thiền Lâm, Viên Quang Tĩnh Tu Thiền Viện), cùng với các khóa giáo dục phổ thông.
Thứ hai là văn hóa, có Nhà xuất bản Viên Quang, Ấn Kinh Hội, tạp chí, lưu thông văn hóa phẩm, thư viện và trung tâm nghe nhìn.
Thứ ba là từ thiện, có các chương trình học bổng, khám bệnh lưu động, cứu trợ nghèo đói và khẩn cấp. Cuối cùng là Quỹ Văn Hóa Viên Quang.
Pháp sư Như Ngộ từng giữ chức Chủ tịch Giáo hội Phật giáo huyện Đào Viên, Ủy viên Giáo Hội Phật giáo Trung Quốc, Ủy viên Thường vụ Hội Bảo Vệ Tăng Ni Trung Hoa, hiện đang là Trụ trì Thiền tự Viên Quang thành phố Trung Lịch, Viện trưởng Viện Phật học Viên Quang, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Viên Quang.
Vào tháng 9 năm 2003, ngài đã nhận bằng Tiến sĩ Triết học danh dự của Đại học Saint Petersburg ở Nga. Suốt đời, ngài lấy việc “giáo dục tăng ni làm gốc, bồi dưỡng nhân tài, mai sau sẽ là lực lượng phát triển sự nghiệp lợi sinh của Phật giáo”, làm lý tưởng cho việc tổ chức học tập. Ngài luôn dốc lòng nghiên cứu và hoằng đạo, có lòng bi nguyện rất sâu sắc, là một bậc chân tu, kiên định và nhẫn nại.
Các trước tác của Pháp sư bao gồm: Lược Giảng Về Văn Phát Nguyện Lễ Phật Của Thiền Sư Di Sơn Liễu Nhiên, Giảng Giải Toàn Tập Hệ Niệm Pháp Sự Ba Thời Của Thiền Sư Trung Phong, Tân Tỉnh Thạch Thiền, và Giọt Nước Trong Biển Pháp — Ngữ lục của Ngài Như Ngộ Pháp Sư.
Sự ra đi của Hòa thượng Như Ngộ là một mất mát to lớn đối với cộng đồng Phật giáo Đài Loan. Ngài không chỉ là một vị thầy uyên bác mà còn là một người cha tinh thần, luôn yêu thương và dìu dắt chúng sinh trên con đường giác ngộ. Dù đã viên tịch, di sản mà ngài để lại – bao gồm sự nghiệp giáo dục Tăng sĩ, công trình tái thiết chùa Viên Quang, và những đóng góp của ngài cho Phật giáo Đài loan nói riêng, Phật Giáo nói chung.
Chùa Viên Quang tại Đài Loan đã phát đi thông báo chính thức, đồng thời kêu gọi tăng ni và phật tử khắp nơi cùng cầu nguyện cho Giác linh Hòa thượng Như Ngộ sớm cao đăng Phật quốc, liên phẩm cao thăng, thừa nguyện tái lai để tiếp tục độ chúng sinh.
Di nguyện của Hòa thượng là mong muốn sự nghiệp giáo dục Phật giáo sẽ tiếp tục phát triển, chính pháp mãi được lưu truyền, tăng tài được đào tạo ngày càng nhiều hơn, giúp phật pháp trường tồn trong thế gian.
Hòa thượng Như Ngộ đã ra đi, nhưng ánh sáng từ bi và trí tuệ mà ngài để lại vẫn sẽ mãi lan tỏa trong lòng những người con Phật, như một ngọn đèn dẫn lối cho bao thế hệ mai sau.
Tác giả: Minh Hiền Đức
Bình luận (0)