Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ (如悟法師長老), Tiến sỹ Triết học Danh dự của Đại học Tổng hợp Saint Petersburg, Nga, nhà chuyên môn Tịnh Độ học, tư tưởng Như Lai tạng, trùng hưng trụ trì Tổ đình Viên Quang Thiền Tự, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phật học Viên Quang, Sáng lập, Viện trưởng Phật học viện Viên Quang, Đài Loan, đã trút hơi thở, xả báo thân, từ giã trần gian viên tịch tại Giảng đường Viên Quang Thiền Tự vào lúc 3 giờ 40 phút ngày 18 tháng 8 năm 2024, trụ thế 88 Xuân, Tăng lạp 65 Thu, giới lạp 61 Hạ.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ đã dấn thân vào sự nghiệp giáo dục Phật học, trong suốt cuộc đời của Ngài đã đào tạo vô số nhân tài phục vụ cho đoàn thể Phật giáo thanh tịnh hoà hợp.
Viên Quang Thiền Tự bày tỏ: “Kính cẩn tuân lời từ bi di huấn, không nghi lễ rườm rà. Chúng tôi sẽ tổ chức lễ Tưởng niệm Báo ân tại Chính Giác đường, Viên Quang Hoằn hoá quán vào lúc 8h30 sáng Thứ Hai, ngày 7 tháng 10 năm 2024 (ngày 5 tháng 9 năm Giáp Thìn)”.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ (如悟法師長老), tục danh Tiêu Kim Vinh (蕭金榮), sinh năm 1937 (năm Đinh Sửu) tại Miêu Lật, một huyện ở phía tây Đài Loan, Ngài sinh trưởng trong danh gia vọng tộc bề thế ở huyện Miêu Lật. Ngài là người con thứ năm trong gia đình vào thời Đài Loan dưới sự cai trị của Nhật Bản, thuở ấu thơ, Ngài được sống trong môi trường giáo dục và học thức tốt. Do thiện căn gieo trồng sâu dày nhiều kiếp trước, trần duyên rũ sạch, Bồ đề tâm khai phát để làm tiền đề cho Bát Nhã đơm bông.
Thật là “Đàm hoa nhất hiện” khi những sợi tóc não phiền rơi rụng theo từng nhát kéo đong đưa, thì đại nguyện cũng tùy thời ứng hiện, 14 tuổi xuân, Ngài đến Tổ đình Pháp Vân Tự (法雲寺), Làng Đại Hồ (大湖鄉), huyện Miêu Lật, thành tâm đảnh lễ Trưởng lão Pháp sư Chân Nguyên (真源法師長老) cầu xin tế độ xuất gia tu học Phật pháp. Sau khi xuất gia, Ngài được tín nhiệm đảm trách chức sự Tri khách.
Năm 1953 (năm Quý Tỵ), nội tự Tổ đình Pháp Vân Tự thành lập ban Phật học, Trưởng lão Pháp sư Chân Nguyên giảng dạy Tứ Thư (四書), bốn tác phẩm kinh điển của Nho học Trung Hoa, Ngài đã được học.
Năm 1955 (năm Ất Mùi), với thời gian nửa năm, Ngài hân hạnh được làm thị giả hầu Trưởng lão Pháp sư Ấn Thuận (印順法師長老), chuyên tâm đọc Tam tạng Thánh điển Phật giáo tại Tinh xá Phúc Nghiêm (福嚴精舍), Tân Trúc (新竹), một thành phố lớn nằm tại phía bắc của Đài Loan.
Năm 1950 (năm Canh Dần), Ngài chuyển đến Đài Trung học tại “Phật học viện Đài Trung” (台中佛學院), và là sinh viên khóa đầu tiên. Chẳng bao lâu sau, trường được cải tổ lại thành “Thư viện Phật học Đài Trung” (台中佛學書院) và Ngài tốt nghiệp ra trường năm 1958 (năm Mật Tuất). Sau đó, Ngài đăng ký nhập học tại “Phật học viện Linh Ẩn” (靈隱佛學院), thành phố Tân Trúc.
Tháng 10 năm 1959 (năm Kỷ Hợi), Ngài nhập ngũ đi nghĩa vụ quân sự ở Đài Loan và xuất ngũ hai năm sau đó. Tháng 8 năm 1962 (năm Nhâm Dần), Ngài đến Thái Bình (太平區), một khu (quận) của thành phố Đài Trung đảnh lễ cầu xin y chỉ cầu học Phật pháp với Trưởng lão Pháp sư Hoằng Ấn (宏印法師長老), vào tháng 9 trong năm này, Ngài đến học Phật pháp tại “Phúc Nghiêm học xá” (福嚴學舍).
Tháng 10 năm 1963 (năm Quý Mão), Ngài cầu thụ cụ túc giới (Tỳ kheo - giới đầy đủ, viên mãn, cao nhất trong đạo Phật để từng vị xuất gia tu tập cho đến lúc mãn đời, không phải thụ giới nào cao hơn) tại Tổ đình Lâm Tế Tự (臨濟寺), Đài Bắc. Khi tốt nghiệp vào năm sau đó, Ngài gặp Pháp sư Minh Hậu (明復法師) và Pháp sư Như Hư (如虛法師) tại Tổ đình Cửu Linh Tự (久 靈寺), huyện Nam Đầu (南投縣).
Tháng 6 năm 1966 (năm Bính Ngọ), Ngài đến Tổ đình Liên Nhân Tự (蓮因寺), Thủy Lý (水里鄉) là một hương (xã), huyện Nam Đầu, một lần nữa thân cận Pháp sư Sám Vân (懺雲法師). Chẳng bao lâu sau đó, Ngài đến “Đồng Tịnh Lan Nhã” (同淨蘭若), Tân Điếm, (新店), một khu (quận), thành phố Tân Bắc để nhậm chức sự, nơi Ngài thụ giáo với Trưởng lão Pháp sư Nhân Tuấn (仁俊法師長老), và được tuyển vào Học viện Văn hoá do Trưởng lão Pháp sư Ấn Thuận (印順法師長老) giảng dạy “Kinh Bát Chu Tam Muội” (般舟三昧經) và “Phật pháp Khái luận” (佛法概論).
Cuối năm 1958, Ngài được bổ nhiệm giảng dạy tại “Khai Nguyên Thiền Học viện” (元禪學院) ở Đài Nam. Vào tháng 8 năm sau, Ngài đến Hồng Kông để học chuyên Khoa Xã hội học tại Hong Kong Nang Yan College of Higher Education (香港能仁專上學院). Vào tháng 6 năm 1973 (năm Quý Sửu), sau khi tốt nghiệp, Ngài trở về Đài Loan, Ngài kiến thiết lại ngôi già lam Từ Nguyện Tự (慈願寺), Đầu Ốc (頭屋鄉), một hương (xã) của huyện Miêu Lật Đài Loan.
Tháng 5 năm 1974 (Giáp Dần), ở tuổi 36 xuân, Ngài được bổ nhiệm đệ tứ trụ trì Viên Quang Thiền Tự (圓光禪寺), Trung Lịch (中壢區), là một khu thuộc Đào Viên, Đài Loan.
Ngay lập tức Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ bắt đầu dự án xây dựng lại công trình Tổ đình Viên Quang Thiền Tự trước khi vào phía sau núi. Khởi công từ tháng 11 năm 1974 đến năm 1980, phải tốn thời gian hơn sáu năm, đếm tháng 7 năm 1981 mới chính thức thành lập “Phật học viện Viên Quang” (圓光佛學院), và chính thức chiêu tuyển sinh.
Sau khi Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ nhận trách nhiệm Trụ pháp Vương gia - Trì Như Lai tạng, Ngài khởi đầu xây dựng lại đạo tâm đại chúng thường trú tại bản tự, mỗi buổi tối, Ngài giảng giải các kinh văn giáo lý cho đại chúng học, khai giảng các khoá hướng dẫn các phương pháp tu hành, phương thức tu tập thiền, giảng dạy khái luận Phật pháp, tại Viên Quang Thiền Tự định kỳ hàng tháng hai ngày 15 và 30 âm lịch, đọc tụng các giới đã thụ.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ tiếp quản ngôi Tổ đình Viên Quang Thiền Tự, Ngài đã tuyên bố hai chí nguyện sự nghiệp, thứ nhất là xây dựng lại Tổ đình Viên Quang Thiền Tự, thứ hai là tiếp tục điều hành trường Phật học. Vào tháng 11 năm 1980 (năm Canh Thân), Ngài chính thức cử hành lễ Lạc thành Tổ đình Viên Quang Thiền Tự và bước tiếp theo là sự nghiệp giáo dục đào tạo tăng tài hoằng pháp lợi sinh.
Năm 1981 (năm Tân Dậu), sau khi thảo luận và đưa đến quyết định hình thành “Phật học viện Viên Quang” (圓光佛學院) và Ngài được Hội đồng tăng già Phật giáo tín nhiệm bầu làm Viện trưởng, vào tháng 9 năm này chính thức mở tuyển sinh bên ngoài. Trường áp dụng hệ thống sơ cấp, cao cấp, ba năm một lần chiêu sinh, với tổng số hơn 60 người xuất gia và tại gia. Hiệu trưởng đầu tiên là Pháp sư Hoành Ấn, người đã phục vụ trong sáu năm, người thứ hai kế nhiệm Hiệu trưởng là Pháp sư Tuệ Không, do thái độ nghiêm khắc của các vị giáo thụ trong việc điều hành các trường Phật học “Phật học viện Viên Quang” và "Viện Nghiên cứu Phật học Viên Quang” đã trở thành nổi tiếng và được nhiều người biết đến. Đài Loan là một trong những cơ sở giáo dục Phật giáo lớn nhất.
Dưới sự lãnh đạo tại Viên Quang Thiền Tự của Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ, với bốn đại sự nghiệp, một là sự nghiệp giáo dục, ngoài các Phật học viện và Viện nghiên cứu phật học nêu trên, còn có các đạo tràng tĩnh tu “Viên Quang Tĩnh tu Thiền lâm, Viên Quang Tĩnh tu Thiền uyển” và phát triển sự nghiệp giáo dục; văn hoá; các hoạt động bao gồm Nhà xuất bản Viên Quang, Hiệp hội ấn tống Kinh sách Phật học, tạp chí, lưu hành di tích văn hoá, Thư viện, Trung tâm nghe nhìn, v.v.; và hoạt động từ thiện bao gồm trợ cấp học bổng, các phòng chẩn trị y tế miễn phí, hỗ trợ người nghèo, những người gặp khó khăn; cuối cùng là Quỹ Văn hoá và Giáo dục Viên Quang.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ đã phục hưng Tổ đình Viên Quang Thiền Tự, và Ngài đã cống hiến cả cuộc đời cho sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài Phật giáo ở Đài Loan. Ngày nay, Tổ đình Viên Quang Thiền Tự không chỉ là một đạo tràng quan trọng ở Đài Loan mà còn là một ví dụ điển hình về sự thành công trong sự nghiệp giáo dục đào tạo nhân tài Phật giáo.
Năm 1990 (năm Canh Ngọ), Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ sáng tạo “Bộ Thiền tu” (禪修部), dự tính kiến tạo Đại lâu Thiền đường. Vào mùa xuân năm 1993 (năm Quý Dậu), cử hành lễ Lạc thành Đại lâu Thiền đường mô phỏng theo phong cách của Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, tỉnh Giang Tô, Trung Hoa đại lục. Hai năm sau, cung kính lễ thỉnh Tây đường Thủ toạ Tổ đình Cao Mân Thiền Tự, Trưởng lão Hoà thượng Minh Sơ (明初老和尚長老) đảm nhậm cương vị Đường chủ Thiền đường. Năm 2002 (năm Nhâm Ngọ) tại Trúc Đông Thiền Lâm thiết kế thêm “bộ Nghiên cứu Tịnh Độ” (淨宗研修部), giáo dục đào tạo nhân tài Tịnh độ tông.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ ý nguyện vĩ đại, sâu sắc, luôn kỳ vọng thành lập “Viên Quang Nam chúng Phật học Quán” (圓光男眾佛學館) và đã cử hành lễ Lạc thành vào năm 2008 (năm Mậu Tý), hoàn thiện thể chế giáo dục Phật học viện Viên Quang. Sau 30 năm làm việc chăm chỉ cho việc giáo dục đào tạo nhân tài Phật giáo, do tuổi cao sức yếu, Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ đã nghỉ hưu và nhập thất tịnh dưỡng vào tháng 4 năm 2011 (năm Tân Mão), sau khi hệ thống giáo dục đào tạo hoàn thiện, Ngài trao quyền cho đệ tử là Pháp sư Tính Thượng (性尚法師) đảm nhận chức vụ Trụ trì Tổ đình Viên Quang Thiền Tự.
Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ đã thanh thản trút hơi thở viên tịch từ giã trần gian, cộng đồng tôn giáo vô cùng kính tiếc. Hoà thượng Tâm Bảo, Trụ trì Tổ đình Phật Quang Sơn, Chủ tịch Tổng hội Liên Hợp Nhân gian Phật giáo Trung Hoa Dân Quốc, Pháp sư Tâm Đạo, khai sơn trụ trì Linh Thức Sơn, Pháp sư Thủ Ngu, khai sơn phương trượng trụ trì Thập Phương Thiền Lâm. Trưởng lão Ni Ngộ Nhân, phương trượng trụ trì Giáo đoàn Hương Quang Sơn, Pháp sư Như Tịnh, Trụ trì Tăng đoàn Phúc Trí, Cư sĩ Ngô Chí Dương, Tổng hội trưởng Tổng hội Pháp chế Hội Quốc tế Phật Quang Sơn Thế giới liên danh đồng bày tỏ lời ai điếu.
Thành kính cầu nguyện Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ thừa nguyện tái lai quảng độ quần mê.
Chiều ngày 19 tháng 9 năm 2024, Pháp sư Y Không, Viện trưởng Viện Văn hoá Phật Quang Sơn đến phúng viếng và bày tỏ lời ai điếu, Pháp sư Tính Nhân, Giám viện Tổ đình Viên Quang Thiền Tự cho biết: “Tôi từng nghe Thầy tôi kể rằng khi Đại sư Tinh Vân, người sáng lập Phật Quang Sơn, lần đầu tiên đến Đài Loan, tứ xứ đi hành khất mà chẳng có, và cuối cùng dừng chân ở lại Tổ đình Viên Quang Thiền Tự, để tỏ lòng báo đáp ân tình, Đại sư Tinh Vân đã công quả tại Tổ đình Viên Quang Thiền Tự thời gian gần hai năm, làm tất cả các việc, thậm chí còn chịu trách nhiệm dịch vụ hoả táng người quá cố, điều này khiến Trưởng lão Hoà thượng Diệu Quả vô cùng tán thán”. Ngài trước tác:
Trong suốt cuộc đời của Trưởng lão Pháp sư Như Ngộ chỉ chuyên tâm đầu tư vào sự nghiệp giáo dục đào tạo: "Giáo dục đào tạo nhân tài Phật giáo là căn bản, là tiềm lực để phát triển Phật giáo vì sự nghiệp hoằng pháp lợi sinh”. Ngài luôn luôn tập trung nghĩ về một việc định làm; tâm tâm niệm, thắp sáng trí tuệ học đường, Ngài là một hành giả thực tế và kiên trì, tinh tấn tu tập và đầy lòng từ bi nhân hậu.
Ngài là tác giả của các tác phẩm như: “Giải thích ngắn gọn về Phát nguyện Lễ Phật văn của Thiền sư Di Sơn Liễu Nhiên” (怡山了然禪師禮佛發願文淺釋), “Trung Phong Hệ niệm Pháp sự Tam thời Toàn tập Giảng giải” (中峰繫念法事三時全集講解), “Tam Tỉnh Thạch Thiền” (新井石禪), Pháp Hải Nhất Chích - Ngữ lục Pháp sư Như Ngộ” (法海一滴 - 如悟法師語錄). . . “Tuyển tập văn Phật Học viện Viên Quang” (圓光佛學院文選) bao gồm: Niệm Phật, Bồ đề, Pháp luân, Truyền đăng qua các chuyên mục tuyệt vời “Ý nghĩa Khấu đầu Triều Thánh” (朝山的意義), “Vô sở đắc và Cứu cánh Niết bàn” (無所得與究竟涅槃).
Tác giả: Thích Vân Phong
Bình luận (0)