Thích Vân Phong biên dịch Nguồn: 中文百科全書
Trưởng lão Pháp sư Chi Phong (芝峰法師) cùng với các đồng môn huynh đệ, Pháp sư Pháp Phảng (法舫法師), Pháp sư Đại Tỉnh (大醒法師), Pháp sư Pháp Tôn (法尊法師) được tôn vinh là "Tứ Đại Kim Cương" (四大金剛) thuộc đệ tử cao thủ của Thái Hư Đại sư.
Trưởng lão Pháp sư Chi Phong (芝峰法師, 1901-1971) tục danh Thạch Minh Kha (石鳴珂), tự Tượng Hiền (象賢), Vô Ngôn (無言), nguyên quán tại làng Thâm Hà, thị trấn Liễu, huyện Lạc Thanh, Ôn Châu, Chiết Giang. Sinh năm Quang Tự thứ 27 (1901), Ngài thiên tư đĩnh ngộ, tài năng xuất chúng, nhưng việc đến trường gặp trở ngại vì gia cảnh nghèo khó.
Năm lên 14 tuổi, Ngài đảnh lễ Thiền sư Vạn Định (萬定禪師) (cậu, 舅父) thế phát xuất gia tại Tổ đình Thiên Đài sơn Hộ Quốc Tự (天台山护国寺).
Nơi đây, Ngài thường nhất tâm hòa quyện cùng tiếng chuông trống, tụng kinh lễ Phật. Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 6 (1917), nhân dịp chúc khánh tuế lục tuần (60 tuổi) của Trưởng lão Pháp sư Đế Nhàn (諦閒老法師) tại Tổ đình Quán Tông Tự (觀宗寺), Ninh Ba, Chiết Giang, Ngài đảnh lễ thỉnh cầu Trưởng lão Pháp sư Đế Nhàn truyền trao giới pháp và được ban pháp danh Chi Phong tự Tượng Hiền. Sau khi thụ giới, Ngài lưu trú tại Tổ đình Quán Tông Tự để học tập trong môi trường của "Quán Tông Nghiên cứu xã" (觀宗研究社). Những bài viết của Ngài được đăng tải trên các tạp chí "Hải Triều Âm" (海潮音), "Hiện Đại Tăng Già" (現代僧伽), "Hiện Đại Phật Giáo" (現代佛教). Ngài tinh thông Nhật văn, các tác phẩm của Ngài phiên dịch sang tiếng Nhật, được giới nghiên cứu yêu thích như "Duy Thức Tam Thập Luận Giảng Thoại" (唯識三十論講話), "Thiền Học Giảng Thoại" (禪學講話). Sau đó, Ngài y chỉ với Thái Hư Đại sư hoằng dương chính pháp Phật đà, và trước tác, dịch thuật rất nhiều kinh điển Phật học.
Năm Dân Quốc thứ 9 (1920), vừa tròn 20 tuổi xuân, sau ba năm học tại Quán Tông Học Xã, Ngài rời Tổ đình Quán Tông Tự và trở về Đầu Đà Tự (頭陀寺), Ôn Châu. Nơi đây, trong khoảng thời gian này, Ngài đã ôn lại sở học Ngũ thời Bát giáo* ở Tổ đình Quán Tông Tự cũng như nghiên cứu thêm các điển tịch cơ bản như Khổng, Mạnh, Lão, Trang v.v. Do khả năng học lực kinh sử tiến bộ, nghiên cứu tam giáo uyên thâm, Ngài nảy ý muốn xuất ngoại du học.
Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 12 (1923), Hội Phật Học Hán Khẩu (漢口佛學會) đã khai giảng lớp Phật học, bao gồm các học Tăng xuất gia và thanh niên trong xã hội, Ngài đến Hán Khẩu ghi danh vào học. Sau khi tốt nghiệp ở đây, Ngài vào học tại Phật học viện Vũ Xương (武昌佛學院) và tốt nghiệp vào tháng 6 Trung Hoa Dân Quốc năm thứ 13 (1924).
Vào mùa Thu năm 1924, Ngài trở lại Tổ đình Hộ Quốc Tự, Ôn Châu để thiết lập "Giảng xá Sơn gia" (山家講舍) để giáo dục đào tạo tăng tài.Trưởng lão Pháp sư Chi Phong vốn thiên tư đĩnh ngộ, lại siêng năng miệt mài đèn sách, kinh sử nên thông thạo các môn học thuật, Phật học, thi văn, biện tài, và là một học trò kiệt xuất của Thái Hư Đại sư, được thầy bạn coi trọng.
Vào mùa hè năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 13 (1924), Ngài tháp tùng Thái Hư Đại sư đến Lô Sơn, Giang Tây tham gia "Liên Hợp Phật giáo Thế giới lần thứ nhất" (第一屆世界佛教聯合會). Hội thảo kéo dài ba ngày tại Lô Sơn Đại Lâm Tự (庐山大林寺) từ ngày 13 đến 15 tháng 7 năm 1924, gồm các quốc gia Anh, Đức, Pháp, Phần Lan… tham dự. Đại biểu Phật giáo Nhật Bản là Hòa thượng Giáo sư Đại học Đế quốc Đông Kinh, Tiến sĩ Triết học Ấn Độ, Mộc Thôn Thái Hiền (木村泰賢, 1881-1930), Phương trượng Trụ trì Pháp Long Tự, Bá Định Dận (伯定胤). Đại biểu Phật giáo Trung Hoa, ngoài Thái Hư Đại sư còn có Pháp sư Thường Tĩnh (常惺法師, 1896-1938), Pháp sư Liễu Trần (了塵法師), Pháp sư Tính Tu (性修法師), Pháp sư Trúc Am (竺庵法師), Hội trưởng Liên hợp Phật giáo Trung Hoa, cư sĩ Lý Khai Tiển, cư sĩ Lương Khải Siêu, cư sĩ Chương Thái Viêm, cư sĩ Đường Quý Dao, cư sĩ Âu Dương Cánh Vô, cư sĩ Lý Chứng Cương, cư sĩ Hoàng Quý Cương... đều có diễn giảng, khiến những môn sinh vừa ra trường đã tích lũy được rất nhiều kiến thức.
Vào mùa xuân năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16 (1927), Thái Hư Đại sư được cung thỉnh vào ngôi vị Trụ trì Tổ đình Nam Phổ Đà, Hạ Môn, Phúc Kiến và kiêm Viện trưởng Phật học viện Mân Nam (閩南佛學院) thành lập vào năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 14 (1925). Thái Hư Đại sư đã bổ nhiệm Pháp sư Hội Giác (會覺法師), Pháp sư Mãn Trí (滿智法師), làm giáo sư dạy tại Phật học viện Mân Nam. Vào mùa hè Phật học viện trở nên rắc rối, các công việc của Phật học viện đều dừng lại. Pháp sư Huệ Đình (蕙庭法師) giải quyết không xong, đồng đến Hàng Châu cung thỉnh Thái Hư Đại sư chỉ giáo vụ việc. Thái Hư Đại sư chỉ đạo Pháp sư Chi Phong đến Hạ Môn để chỉnh đốn Phật học viện Mân Nam.
Năm 1928, theo lệnh của Thái Hư Đại sư, Pháp sư Đại Tĩnh (大醒法師) đã phụng mệnh đảm nhiệm chức Chủ nhiệm Sự vụ kiêm quyền Viện trưởng Phật học viện Mân Nam, Pháp sư Chi Phong đảm nhiệm Chủ nhiệm Giáo vụ (người trợ lý chính về các vấn đề giáo dục của trường) Phật học viện Mân Nam kiêm Giám viện Tổ đình Nam Phổ Đà.
Xuất thân từ Phật học viện Mân Nam, những học tăng tài năng xuất sắc, sau này kế nghiệp tiền nhân hoằng dương chính pháp Phật đà như các vị Pháp sư Ấn Thuận (印順法師), Pháp sư Thụy Kim (瑞今法), Pháp sư Hoành Thuyền (宏船法師), Pháp sư Quảng Hợp (廣洽法師), Pháp sư Diễn Bồi (演培法師), Pháp sư Trúc Ma (竺摩法師). . .
Mặc dù Phật học viện Mân Nam thành lập vào năm 1925, sau khi nhị vị Pháp sư Thích Đại Tĩnh, Pháp sư Chi Phong đến góp phần lãnh đạo Phật học viện Mân Nam, bắt đầu phát triển thành một cơ sở giáo dục đào tạo tăng tài nổi tiếng cả nước, và được quốc tế biết đến.
Phật học viện Mân Nam có hai lớp sinh viên Giáp và Ất, có từ 70 đến 80 sinh viên đến từ Giang Tô, Chiết Giang, An Huy, Hồ Nam, Hà Nam, Sơn Đông, Vân Nam, Quý Châu, Tứ Xuyên và Đài Loan, họ là những thanh niên tăng ưu tú xuất sắc toàn quốc. Pháp sư Chi Phong đảm nhiệm Chủ giảng, tài trí hơn người và linh hoạt trong phương tiện thiện xảo khi thuyết pháp, phân tích lý luận Phật học, phương thức hướng dẫn đề cương rất cụ thể và khế cơ khế lý, hướng dẫn người học Phật rất dễ tiếp thu. Suốt thời gian sáu năm giảng dạy tại Phật học viện Mân Nam, Ngài đã liên tiếp giảng giải các loại kinh điển, luận, sử Phật giáo "Tông phái Nguyên lưu" (宗派源流), "Sử Phật giáo Ấn Độ" (印度佛學史), "Luận Thành Duy thức" (成唯識論), "Luận Nhiếp Đại thừa" (攝大乘論), "A Tỳ Đạt Ma Tập luận" (阿毗達磨雜集論), "Kinh Giải Thâm Mật" (解深密經) ..., chủ đích kinh điển dựa trên Pháp tướng Duy thức học.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 20 (1931), sau khi tốt nghiệp khóa thứ hai, một bộ phận Nghiên cứu được thành lập tại Phật học viện Mân Nam, Ngài đích thân chỉ đạo. Trong khoảng thời gian này, Phật học viện Mân Nam đã trở nên nổi tiếng trong và ngoại quốc, thanh niên tăng cả nước đều quy tụ, tất cả đều nhờ sở học Phật pháp uyên bác của Pháp sư Chi Phong, sự vô ngại biện tài của Ngài đã hiệu triệu học nhân khắp nơi đến học Phật pháp.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 19 (1930), Ngài được mời đến Hạ Môn, Phúc Kiến giảng bộ "Thành Duy Thức Luận" (成唯識論).
Vào tháng 3 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 17 (1928), tại Hạ Môn, Phúc Kiến, Pháp sư Thích Đại Tĩnh và Ngài tổ chức "Hiện đại Tăng già xã", và phát hành bán nguyệt san "Hiện đại Tăng già". Trong một thời gian, Ngài đảm nhiệm chỉnh lý tạp chí. Sau đó, bán nguyệt san "Hiện đại Tăng già" được đổi thành "Phật giáo Hiện đại", và Pháp sư Chi Phong đảm nhậm Chủ biên.
Trong những năm Trung Hoa Dân Quốc 17, 18 (1928-1929), Phật giáo gặp nguy khốn bởi Pháp nạn. Trước cảnh nguy nan, nạn đạo Phật bị diệt vong bởi tên ác ôn Phản Tướng Kitô giáo Phùng Ngọc Tường, càng nung chí đại hùng đại lực, quyết tâm bảo vệ chính pháp Phật đà trước bạo lực khủng bố, các vị giáo phẩm tăng già Phật giáo Pháp sư Chi Phong, Pháp sư Đại Tĩnh với quyết tâm hùng dũng "Đầu có có thể rơi, thân thể có thể bị hủy hoại, nhưng Giáo pháp Như Lai bất diệt" (頭可斷, 身可毀, 教不可滅), và hô to khẩu hiệu "Tăng già Hiện đại" (現代僧伽) đại biểu ngôn luận hộ trì Chính pháp Như Lai.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 16 (1927), Phản Tướng Kitô giáo Phùng Ngọc Tường (馮玉祥) đã trục xuất tăng sĩ Phật giáo và phá hủy chùa ở tỉnh Hà Nam, ông đã biến Đại Tướng Quốc Tự (大相国寺) thành một khu chợ. Phản Tướng Kitô giáo ác ôn này đã phát động một chiến dịch tiêu diệt Phật giáo toàn tỉnh Hà Nam, tất cả các vị tăng sĩ Phật giáo, Tỳ kheo, Tỳ kheo ni đều bị trục xuất. Tất cả tài sản của Phật giáo điều bị tịch thu, cơ sở tự viện biến thành trường học, cứu tế viện, thư viện và địa điểm vui chơi giải trí. Tiếp theo Hà Nam là các tỉnh khác lần lượt như thế, và kết quả là Phật giáo các địa phương này đều bị suy tàn dưới bàn tay ác ôn của Phản Tướng Kitô giáo Phùng Ngọc Tường.
Nhị vị tòng lâm thạch trụ Pháp sư Chi Phong, Pháp sư Đại Tĩnh đã nỗ lực quyết tâm bảo vệ Giáo pháp Phật đà, và các Ngài hùng hồn trong ngôn luận và ngòi bút sắc bén. Các Ngài kêu gọi tất cả Thiện nam Tín nữ Phật tử hãy bình tĩnh và đoàn kết, để chế ngự cuồng phong tà khí, các Ngài kêu gọi tiến hành cải cách nội bộ Phật giáo, để loại bỏ những hủ tục lạc hậu, và thanh trừng hàng ngũ tăng đồ hủ bại. Vì vậy, ấn phẩm "Tăng già Hiện đại" (現代僧伽) đã trải qua tám lần xuất bản, đã có ảnh hưởng to lớn đối với Phật giáo thời bấy giờ. Ấn phẩm này đã lập công trong việc xua tan bóng đêm tà kiến ngoại đạo, nhưng cũng đã làm phật lòng chư sơn trưởng lão và cư sĩ ngoan cố bảo thủ.
Khi Pháp sư Thích Chi Phong rời Phật học viện Mân Nam trở về Giang Nam, Ngài được cung thỉnh đến Tô Châu giảng "Kinh Duy Ma Cật" (維摩詰經) tại Tổ đình Hộ Quốc Tự, sau đó phụng mệnh Thái Hư Đại sư đến Vũ Xương biên tập Nguyệt san "Hải Triều Âm" (海潮音). Vào thời điểm này, Nguyệt san "Hải Triều Âm" đã được xuất bản bởi Phật học Thư cục Thượng Hải, nhưng nó vẫn đang được biên tập tại Phật học viện Vũ Xương. Nguyệt san "Hải Triều Âm" là ấn phẩm ngôn luận của Thái Hư Đại sư, nó không chỉ biểu đạt bởi tư tưởng học thuật cá nhân của Thái Hư Đại sư, mà còn là sự biểu đạt bởi chủ trương Cách tân Phật giáo của Đại sư. Với học thức uyên bác và phong cách viết sắc sảo, Pháp sư Chi Phong có đủ năng lực và rất sảng khoái khi biên tập Nguyệt san "Hải Triều Âm". Pháp sư Chi Phong đã biên tập tiếp quyển thứ 14, và thêm chuyên mục "Phật giáo Xuân Thu" (佛教春秋) trên tạp chí hải ngoại. Tất cả các sự kiện thời sự lớn hay quan trọng trong Phật giáo đều được phân tích và bình luận theo quan điểm Phật giáo, được rất nhiều độc giả hoan nghinh.
Pháp sư Chi Phong đến Kim Tiên Tự, Từ Hoát, Ninh Ba, hợp tác trong kỳ thi đệ nhị tốt nghiệp Phật học viện Vũ Xương, và thành lập "Giảng xá Bạch Hồ" (白湖講舍) để chiêu tập học tăng nghiên cứu Phật học, đáp ứng sự nghiệp hoằng pháp của Thái Hư Đại sư.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 23 (1934), Ngài đảm nhiệm chức Đô giám Duyên Khánh Tự, Ninh Hải, ngoài việc quản lý các công việc của bản tự, Ngài được cung thỉnh giảng kinh, thuyết pháp nhiều nơi.
Vào tháng 4 năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 24 (1935), thừa lệnh Thái Hư Đại sư, Ngài đến Hán Khẩu (Vũ Hán ngày nay) đăng lâm pháp tòa vì tín chúng giảng giải "Kinh Lăng Già" (楞伽經). Thái Hư Đại sư hy vọng rằng Pháp sư Thích Chi Phong sẽ ở lại Vũ Hán để chủ trì Phật học viện Vũ Xương (武昌佛學院) và "Thế uyển Đồ thư quán" (世苑圖書館), để hướng dẫn sinh viên khoa nghiên cứu. Tuy nhiên, sau đó Pháp sư Chi Phong cũng phải tới lui Đông Chiết Giang để hoàn thành pháp hội giảng kinh thuyết pháp của mình.
Năm 1935, đáp lời mời của hội Phật học, Pháp sư Chi Phong quang lâm Hồng Kông giảng "Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh" (大方等如來藏經). Bởi vì Pháp sư Thích Chi Phong chuyên các khoa Phật học Duy Thức, Thiên Thai, Luật tông. Đương thời Ngài được tôn vinh là một trong "Tứ đại Kim Cương" (四大金剛) đệ tử xuất sắc của Thái Hư Đại sư (Chi Phong, Đại Tĩnh, Pháp Phảng, Pháp Tôn) có ảnh hưởng nhất định. Pháp hội diễn giảng "Đại Phương Đẳng Như Lai Tạng Kinh" mỗi buổi tối chật kín khán giả. Vào mùa đông, tất cả các đoàn thể tôn giáo tại Hồng Kông thành tâm cung thỉnh Thái Hư Đại sư quang lâm truyền bá Phật pháp phía nam, và tổ chức trọng thể buổi lễ cung nghinh Thái Hư Đại sư tại Hội Phật học Lee's Gardens (利園佛學會, Lee's Gardens Buddhist Society). Hơn 3.000 người tham gia đại pháp hội này. Sau đó, đáp ứng lời thỉnh cầu của mọi tầng lớp xã hội, Thái Hư Đại sư tiếp tục diễn giảng tại Hội Phật học Lee's Gardens, việc phật sự này đã mang lại ảnh hưởng to lớn cho mọi tầng lớp xã hội ở Hồng Kông. Kể từ đó, Phật giáo tại Hồng Kông đã có những bước phát triển đáng kể.
Trong thời gian kháng chiến chống Nhật Bản, ngoại trừ thỉnh thoảng về Đông Chiết Giang, Pháp sư Thích Chi Phong thường cư trú tại chùa Tĩnh An, Thượng Hải, và tỏ thái độ rất bi quan về tương lai tiền đồ Phật giáo.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 32 (1943), Phật học viện Mân Nam tốt nghiệp, Pháp sư Thích Đông Sơ (東初法師, 1908-1977) đảm trách Giám viện Tiêu Sơn Định Tuệ Tự. Định Tuệ Tự nơi có Phật học viện Tiêu Sơn (焦山佛學院), Giám tự Pháp sư Đông Sơ thỉnh Pháp sư Thích Chi Phong lai đáo Tiêu Sơn giảng dạy, ngoài việc giảng dạy Phật pháp, Ngài còn dành hết tâm quyết vào công tác phiên dịch Thánh điển Phật giáo. Pháp sư Chi Phong đã phiên dịch từ tiếng Nhật tác phẩm "Thiền học Giảng thoại" 禪學講話) và các tác phẩm kinh điển của Phật giáo Nam truyền được thu thập trong "Phổ Tuệ Đại Tạng Kinh" (普慧大藏經) của Thượng Hải, đã được phiên dịch tiếng Nhật, và một số trong đó có thủ bút của Pháp sư Chi Phong.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 34 (1945), cuộc kháng chiến chống Đế quốc Nhật thắng lợi, Thái Hư Đại sư phụ trách chỉnh lý Phật giáo Trung Hoa.
Năm Trung Hoa Dân Quốc thứ 35 (1946), với sự trợ giúp về cơ sở vật chất của Phật học viện Tiêu Sơn (焦山佛學院), thiết lập Ủy viên hội Chỉnh lý Phật giáo Trung Hoa "Ban hội Huấn luyện Nhân viên vụ" (會務人員訓練班), tập hợp hơn 120 vị tăng sĩ xuất sắc từ chính tỉnh và ba thành phố để đào tạo nghiệp vụ hành chính Phật giáo. Thái Hư Đại sư đặc biệt chỉ đạo Pháp sư Chi Phong đảm trách Ban Chủ nhiệm khóa huấn luyện. Lúc bấy giờ, Pháp sư Thích Chi Phong đã thắp lên niềm hy vọng trong công tác phục hưng Phật giáo Trung Hoa, và tận lực trong công tác huấn luyện đào tạo cán bộ sự nghiệp hành chính Phật giáo. Đồng thời, Ngài tác Như Lai sứ hành Như Lai sự cùng Pháp sư Đông Sơ với tư cách là một cố vấn pháp luật, để soạn thảo Hiến chương và các Quy định khác nhau của Hiệp hội Phật giáo Trung Hoa.
Thế sự vô thường, thời gian có hạn, có hợp ắt có tan, Thái Hư Đại sư đã an nhiên viên tịch tại Thượng Hải, sau đó xảy ra ác liệt bởi nội chiến càng thêm trầm trọng (Nội chiến Quốc-Cộng lần thứ 2 (第二次国共内战; 1945-1950 là cuộc chiến giữa Trung Quốc Cộng sản Đảng và Trung Quốc Quốc dân Đảng tranh chấp quyền kiểm soát Trung Quốc đại lục), khiến công tác chỉnh lý Phật giáo Trung Hoa không tật bệnh mà lại chết. Pháp sư Chi Phong đã thắp lên niềm hy vọng trong công tác phục hưng Phật giáo Trung Hoa, lại đã rơi vào trong tuyệt vọng tiêu cực.
Khi thành lập "Giảng xá Sơn Gia" (山家講舍) tại Tổ đình Tổ đình Thiên Đài sơn Hộ Quốc Tự, sau đó Ngài đảm nhiệm cương vị Viện trưởng Học viện Phật giáo Malaysia, Pháp sư Trúc Ma được mệnh danh là "Cha đẻ của Phật giáo Hán truyền Phật giáo Malaysia" (大馬北傳佛教之父), Pháp sư Tuyết Sinh, Giám viện Diệu Quả Tự đều là những nhân vật lịch sử Phật giáo Ôn Châu, tại Giảng xá Sơn Gia tiếp nhận đồ chúng học Phật, và được ghi trong quyển "Đại La Sơn Phật Quốc" (大羅山佛) do Nhà xuất bản Tôn giáo Ấn hành.
Sau Cách mạng dân tộc dân chủ Trung Quốc và sự ra đời của nước CHND Trung Hoa (1/10/1949), Ngài ẩn mình trong thiên hạ và vẫn tùy duyên tiếp tục sự nghiệp giáo dục tại các Phật học viện và viên tịch vào năm 1971 tại Hà Bắc.
Đương thời, mỗi khi Thái Hư Đại sư thuyết pháp giảng kinh hoặc thượng đường khai thị đồ chúng, Pháp sư Thích Chi Phong đều ghi chép biên tập lại. Ngài được Thái Hư Đại sư tâm đắc và đánh giá rất cao, vì vậy nhiều bài giảng học thuật quan trọng, Thái Hư Đại sư đều giao Pháp sư Thích Chi Phong toàn quyền chỉnh lý và xuất bản.
Là đệ tử của Thái Hư Đại sư, Pháp sư Thích Chi Phong, đệ nhất hùng biện luận Phật học.
Những trước tác của Pháp sư Chi Phong được đăng tải trong Nguyệt san "Hải Triều Âm" (海潮音), "Hiện đại Tăng già" (現代僧伽), "Hiện đại Phật giáo" (現代佛教), và các bài tạp ghi khác thì chưa sưu tập để lưu hành. Các tác phẩm của Ngài phiên dịch sang tiếng Nhật "Duy Thức Tam Thập Tụng Giảng thoại" (唯識三十論講話), và "Thiền Học Giảng thoại" (禪學講話) được rất nhiều độc giả hâm mộ.
Thích Vân Phong biên dịch Nguồn: 中文百科全書
Bình luận (0)