Trang chủ Bắc tông Cơ sở y cứ của Tịnh độ trong Phật giáo Đại thừa

Cơ sở y cứ của Tịnh độ trong Phật giáo Đại thừa

Điểm đặc biệt của tư tưởng Tịnh độ là mỗi vị Phật và mỗi cảnh giới Tịnh độ đều tương ưng với những tâm tư, nguyện vọng của tín đồ. Như Phật Dược Sư cầu mong cho chúng sinh sức khỏe bình an, Phật A-di-đà với sứ mệnh tiếp dẫn chúng sinh sau khi mạng chung.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Điểm đặc biệt của tư tưởng Tịnh độ là mỗi vị Phật và mỗi cảnh giới Tịnh độ đều tương ưng với những tâm tư, nguyện vọng của tín đồ. Như Phật Dược Sư cầu mong cho chúng sinh sức khỏe bình an, Phật A-di-đà với sứ mệnh tiếp dẫn chúng sinh sau khi mạng chung.

Thích nữ Tịnh Trí
Học viên Cao học K5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

Trong suốt 49 (45) năm thuyết pháp độ sinh, đức Thế Tôn đã để lại cho nhân loại một kho tàng pháp bảo vô giá mang lại lợi lạc cho cả nhân thiên. Vào khoảng những năm cuối cùng của cuộc hành trình, đức Phật đã quyết định du hóa đến vùng đất Upavattana, thành Kusinàrà đây vốn là một thành phố nhỏ bé và hẻo lánh cách xa trung tâm và quyết định chọn nơi này sẽ là nơi nhập Niết Bàn.

Sự kiện này đã gây thắc mắc cho chúng đệ tử, Tôn giả A-nan đã trình bày nghi vấn lên đức Phật và Ngài đã giải đáp thỏa đáng khiến hội chúng không còn sinh tâm khinh chê vùng đất này nữa.

Từ thuở xa xưa, thuộc vương triều của vua Đại Thiện Kiến (Mahà Sudassana) trị vì đây là một vùng đất trang nghiêm, đẹp đẽ với hoa cỏ đủ màu, chim muông sặc sỡ, cây cối, thành ấp, vườn rừng, đất đai toàn bằng bảy thứ báu tạo thành. Âm nhạc ngày đêm du dương, người vật sáu thời an lạc, chẳng khác gì viễn cảnh của chốn thiên đường. Trong kinh Đại Thiện Kiến Vương (Maha-Sudassana-Suttanta), có chép rằng:

“Này Ananda, kinh đô Kusàvati, có bảy hàng cây tàla bao bọc, một hàng bằng vàng, một hàng bằng bạc, một hàng bằng lưu ly, một hàng bằng thủy tinh, một hàng bằng san hô, một hàng bằng xa cừ, một hàng bằng mọi thứ báu… Này Ananda, khi những cây Tàla này được gió rung chuyển, một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly khởi lên, cũng như năm loại nhạc khí, khi được một nhạc sĩ thiện xảo tấu nhạc, phát ra một âm thanh vi diệu, khả ái, đẹp ý, mê ly…” (1).

Một vùng đất được diễn tả với khung cảnh trang nghiêm, tráng lệ và đức Thế Tôn đã chọn đó làm nơi nhập diệt của mình, điều này có thể khiến chúng ta dễ dàng liên hệ đến cảnh giới Tây phương Cực-lạc mà trong các bản kinh Tịnh độ thường nói đến. Như vậy, yếu tính Tịnh độ cũng đã xuất hiện ẩn tàng trong các bản kinh điển thuộc Phật giáo Nguyên thủy, bộ phận Phật giáo được xem là gần như giữ nguyên vẹn với tinh thần Phật giáo thời kỳ đầu.

Có thể nói triết lý Tịnh độ đã được manh nha từ thời Phật giáo Nguyên thủy, cụ thể là trong những văn điển chính thống có giá trị như trong các kinh Tăng chi bộ, Tiểu bộ, Tương ưng bộ thuộc tạng Nikāya đề cập đến niệm Phật như sau:

Tăng chi bộ kinh II: “Này các Tỷ-kheo, có sáu tùy niệm xứ. Thế nào là sáu? Tùy niệm Phật, tùy niệm Pháp, tùy niệm Tăng, tùy niệm Giới, tùy niệm Thí, tùy niệm Thiên… Ở đây, này Mahànàma, Thánh đệ tử tùy niệm Như Lai, trong khi ấy, tâm không bị tham chi phối, tâm không bị sân chi phối, tâm không bị si chi phối; trong khi ấy, tâm vị ấy được chính trực, nhờ dựa vào Như Lai… Với mọi người não hại, vị ấy không não hại. Nhập được pháp lưu, vị ấy tu tập niệm Phật là vậy” (2).

Tiểu bộ kinh I: “Này các nam cư sĩ, pháp hành niệm Phật, pháp hành niệm Pháp, pháp hành niệm Tăng đem lại Dự Lưu đạo, Dự Lưu quả, Nhất Lai đạo, Nhất Lai quả, Bất Lai đạo, Bất Lai quả, A-la-hán đạo, A-la-hán quả” (3).

Bên cạnh tạng Nikāya, thì A-hàm cũng được xem là tạng kinh Nguyên thủy, gần gũi với những lời Phật dạy. Tuy có một số điểm không trùng khớp, nhưng nhìn chung hai bộ tạng này về căn bản là giống nhau. Cũng như tạng Nikāya, A-hàm cũng ghi chép lại những lời Phật dạy về pháp môn Tịnh độ mà cụ thể hơn là phương pháp niệm Phật tức nhớ nghĩ đến Như Lai ở trong các kinh Trường A-hàm, Tăng nhất A-hàm, Tạp A-hàm như sau:

Trường A-hàm kinh I: “Có sáu pháp, đó là sáu tư niệm: 1. Niệm Phật; 2. Niệm Pháp; 3. Niệm Tăng; 4. Niệm giới; 5. Niệm Thí; 6. Niệm Thiên”(4).

Tăng nhất A-hàm kinh: “Hãy tu hành một pháp, truyền bá rộng rãi một pháp, sẽ thành tựu được thần thông, bỏ các loạn tưởng, đạt quả Sa-môn, tự đến Niết-bàn. Thế nào là một pháp? Nghĩa là niệm Phật”(5).

Nhìn chung, pháp môn Tịnh độ trong kinh điển Nguyên thủy là nói tới việc nhớ nghĩ đến danh hiệu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni. “Sự kiện xuất hiện một vị Phật khác hay một cảnh giới Tịnh độ nào khác trong cùng thời điểm đức Phật Thích-ca Mâu-ni còn tại thế là điều không thể”(6). Phật là bậc Thánh nhân, những lời Ngài nói ra nhất định không sai dối. Trong 32 tướng tốt của Phật, có một tướng là “tướng lưỡi rộng dài”. Sở dĩ có được tướng tốt này bởi vì trong quá khứ chưa từng buông lời nói dối. Vì vậy, đức Phật nói với chúng ta trong vũ trụ này có một thế giới tên là Cực lạc, là điều hoàn toàn có thể suy luận được.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ung dung tinh do vao viec hoang phap 14

Như vậy, nguồn gốc của tư tưởng Tịnh độ trong Phật giáo Đại thừa rất có thể được khơi nguồn từ những lời dạy trong kinh tạng Phật giáo Nguyên thủy. Ban đầu cũng có thể chỉ với hình thức niệm danh hiệu Phật Thích-ca Mâu-ni, sau đó trải qua khoảng thời gian dài, Phật giáo đi qua những vùng văn hóa, tập tục tín ngưỡng, tôn giáo khác nhau, bị những tín ngưỡng, tập tục ở đó ảnh hưởng và tác động thêm vào. Dần dần, danh hiệu của đức Phật Thích-ca Mâu-ni đã bị thay thế bởi danh hiệu của các vị Phật khác như Phật A-di-đà, Phật Dược Sư, Phật A Súc, Bồ-tát Di-lặc… tùy vào sự tương thích với hạnh nguyện tiêu biểu của từng vị. Các vị Phật này chúng ta rất dễ dàng tìm thấy ở trong các bản kinh thuộc Phật giáo Đại thừa và dần phát triển và có diện mạo hoàn chỉnh như ngày hôm nay.

Ngày nay, Tịnh độ và pháp môn niệm Phật hiện là một trong những xu hướng tu hành được đông đảo tín đồ lựa chọn tu tập. Theo các vị tổ sư như Long Thọ đề xướng thì Tịnh độ là pháp môn dị hành, bởi lẽ tính đơn giản, uyển chuyển, 48 linh hoạt, có thể áp dụng mọi lúc, mọi nơi, mọi đối tượng. Vì lẽ đó cho nên pháp môn này càng ngày càng được nhiều người áp dụng tu hành hơn những pháp môn tu tập khác.

Nhất là tại Trung Hoa, Tịnh độ được lập thành một tông phái riêng biệt và là tông phái lớn nhất có sức ảnh hưởng sâu rộng tại Trung Hoa. Chính nhờ vào vùng đất này mà học thuyết Tịnh độ có được cơ hội phát triển cực thịnh như hiện nay. Tông phái này chủ trương việc trì niệm danh hiệu hoặc quán tưởng về Phật A-di-đà và cõi nước Cực-lạc với mong muốn được vãng sinh về cảnh giới đó để thoát khỏi khổ đau của thế giới Ta-bà. Ngoài ba bộ kinh lớn được cho là cơ sở y cứ của tông Tịnh độ là kinh A-di-đà, kinh Vô Lượng Thọ và kinh Quán Vô Lượng Thọ, thì rất nhiều các bản kinh khác trong Phật giáo Đại thừa cũng đều có đề cập đến phương pháp tu hành này như kinh Pháp Hoa, Bảo Tích, Dược Sư, Thủ Lăng Nghiêm, Duy-ma, Thắng Man, và cả kinh Hoa Nghiêm…

Kinh Diệu Pháp Liên Hoa: “Sau khi Như Lai diệt độ, năm trăm năm sau nếu có người nữ nghe kinh điển nầy, đúng như lời mà tu hành, thời khi ở đây chết liền qua cõi An lạc, chỗ trụ xứ của đức A-di-đà Phật cùng chúng đại Bồ-tát vây quanh, mà sinh trên tòa báu trong hoa sen” (7).

Kinh Đại Bảo Tích: “Bấy giờ tôn giả Xá-lợi-phất bạch: Bạch đức Thế Tôn! Chư đại Bồ-tát dùng sức căn lành nào làm nhơn duyên để được vãng sinh về nước Diệu Hỷ của đức Bất Động Như Lai” (8).

Kinh Dược Sư: “Lại nữa Mạn-thù-thất-lợi, nếu trong hàng tứ chúng: Bí-sô, Bí-sô ni, Ô-ba-sách-ca, Ô-ba-tư-ca và những kẻ thiện nam, tín nữ đều có thọ trì tám phần trai giới, hoặc trong một năm, hoặc mỗi năm ba tháng, vâng giữ giới pháp làm nơi y chỉ tu học rồi đem căn lành này nguyện sinh về chỗ Phật Vô Lượng Thọ, ở thế giới Cực lạc Tây phương đặng nghe Chính pháp”(9).

Kinh Thủ Lăng Nghiêm: “Như Tâm chúng sinh nhớ Phật, niệm Phật, thì hiện tại hoặc vị lai chắc chắn thấy Phật, cách Phật không xa. Nếu Tâm có niệm Phật tất có Phật độ, cảnh Cực lạc cũng tại Tâm” (10).

Kinh Duy-ma-cật: “Bửu Tích phải biết: Lòng ngay thẳng là cõi Tịnh độ của Bồ-tát… Tâm đức sâu xa là cõi Tịnh độ của Bồ-tát… Tâm Đại thừa là cõi Tịnh độ của Bồ-tát… Bố thí là cõi Tịnh độ của Bồ-tát… Trì giới là cõi Tịnh độ của Bồ-tát” (11).

Kinh Thắng Man: “Khi Thắng Man phu nhân được thọ ký, vô lượng chúng sinh trời người nguyện sinh cõi nước Tịnh độ của bà làm hóa chủ. Đức Thế Tôn thọ ký cho hết thảy đều vãng sinh” (12).

Giáo nghĩa và phương pháp của Tịnh độ tông thể hiện những gì tinh tuý nhất, cốt tuỷ nhất của Phật giáo Đại thừa. Vì thế tư tưởng Tịnh độ của Phật giáo Đại thừa là nhất quán, rộng lớn sâu xa. Tín ngưỡng về đức Phật A-di-đà từ rất sớm đã được lưu hành tại Ấn Độ và Tây Vực. Từ thời Hậu Hán (25-220TL) về sau, các kinh điển liên quan đến đức Phật A-di-đà và Tịnh độ lần lượt được phiên dịch ở Trung Quốc, căn cứ vào sự khảo sát thì có đến hơn 200 bộ.

Trong kinh Đại Bi (Bi Hoa) có đoạn: “Do nơi căn lành ấy, trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng, rồi khi bắt đầu số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng liền được thành Phật, hiệu là Vô Lượng Thọ, thế giới tên là An Lạc” (13).

以是善根故。過一恒河沙等阿僧祇劫已。始入第二恒河沙阿僧祇劫。當得作佛號無量壽。世界名安樂。常身光照縱廣周匝十方。各如恒河沙等諸佛世界.

“Thế Tôn! Khi tất cả các vị Phật như vậy đều đã diệt độ rồi, sau đó trải qua số a-tăng-kỳ kiếp nhiều như số cát sông Hằng. Khi bắt đầu trải qua số a-tăng-kỳ kiếp thứ hai cũng nhiều như số cát sông Hằng thì thế giới ấy đổi tên là An Lạc. Vào lúc ấy, ông sẽ thành Phật hiệu là Vô LượngThọ” (14).

Hoa Nghiêm đại kinh là vua trong Tam Tạng, trong phẩm cuối cùng. Áo điển Pháp Hoa mầu nhiệm đứng đầu các kinh, nghe kinh liền vãng sinh, địa vị ngang với Ðẳng Giác. Vậy thì ngàn kinh muôn luận đâu đâu đều chỉ quy Tịnh độ là có nguyên do vậy. Văn Thù phát nguyện, Phổ Hiền khuyến khích. Trong hội Ðại Tập, đức Như Lai thọ ký rằng: Trong đời Mạt Pháp, không do pháp này chẳng thể đắc độ. Trong luận Tỳ Bà Sa, ngài Long Thọ phán định là pháp dễ hành, mau thoát sinh tử. Thật có thể nói là cả một đời giáo hóa đều chỉ là để đặt cơ sở cho pháp môn niệm Phật! (15).

Như vậy, tư tưởng Tịnh độ và pháp môn niệm Phật có thể nói là đã bắt nguồn từ trong dòng chảy tư tưởng kinh điển thời kỳ đầu, sau này được các vị tổ sư khuếch tán và lưu truyền rộng rãi.

Điểm đặc biệt của tư tưởng Tịnh độ là mỗi vị Phật và mỗi cảnh giới Tịnh độ đều tương ưng với những tâm tư, nguyện vọng của tín đồ. Như Phật Dược Sư cầu mong cho chúng sinh sức khỏe bình an, Phật A-di-đà với sứ mệnh tiếp dẫn chúng sinh sau khi mạng chung.

Chính vì đáp ứng đúng với những tâm tư, nguyện vọng của giới tín đồ, cho nên pháp môn Tịnh độ đã được lưu truyền và phát triển thịnh hành đến hôm nay. Vì thế, đây là một pháp môn đặc biệt nhất trong cả một đời giáo hóa của đức Phật, chẳng thể dùng những giáo pháp thông thường để bàn luận pháp này được! Do đó, các kinh Ðại thừa như kinh Hoa Nghiêm, Pháp Hoa v.v…, các đại Bồ Tát như Văn Thù, Phổ Hiền…; các đại tổ sư như Long Thọ, Mã Minh… đều hiển thị, xiển dương, khen ngợi, chỉ dạy, phổ khuyến hành trì. Như trên có thể thấy trong thời kỳ đầu của Phật giáo Đại thừa, kinh điển Tịnh độ đã được lưu truyền sâu rộng, người tín thọ hành trì cũng rất đông đảo.

Thích nữ Tịnh Trí
Học viên Cao học K5 – Học viện PGVN tại Tp.HCM

***
Chú thích:
1. ĐTKVN, Trường Bộ kinh II, Thích Minh Châu (dịch), kinh Đại Thiện Kiến Vương 17, VNCPHVN, TP. Hồ Chí Minh, 1991, tr.11-12.
2. ĐTKVN, Tăng chi bộ kinh II, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 34-35.
3. ĐTKVN, Tiểu bộ kinh I, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 24.
4. ĐTKVN, Trường A-hàm kinh I, Thích Minh Châu (dịch), Nxb. Tôn giáo, Hà Nội, 2017, tr. 403.
5. ĐTKVN, Tăng nhất A-hàm kinh I, Thích Thiện Siêu – Thích Thanh Từ (dịch, VNCPHVN ấn hành, tr. 36.
6. Kinh Tăng Chi Bộ 1 (1996), Thích Minh Châu dịch, Phẩm Một Pháp, VNCPHVN, Nxb. TP. Hồ Chí Minh, tr. 65.
7. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Diệu Pháp Liên Hoa, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2010, tr. 511.
8. Thích Trí Tịnh dịch, Kinh Đại Bảo Tích, tập 2, Thành hội Phật giáo TP. Hồ Chí Minh ấn hành, 1994, tr. 63.
9. Thích Huyền Dung dịch, Kinh Dược Sư, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2007, tr. 78.
10. Thích Từ Quang dịch, Kinh Thủ Lăng Nghiêm, Nxb. Hồng Đức, 2013, tr. 481.
11. Thích Minh Trực dịch, Duy Ma Cật chơn kinh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2002, tr. 24-25.
12. Thích Đức Niệm dịch, Kinh Thắng Man, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2003, tr. 95.
13. Nguyễn Minh Tiến- Nguyễn Minh Hiển dịch, Kinh Bi Hoa, 諸菩薩本授記品 第四之一, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr. 279.
14. Nguyễn Minh Tiến- Nguyễn Minh Hiển dịch, Kinh Bi Hoa, 諸菩薩本授記品 第四之一, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2011, tr. 334.
15. Cư Sĩ Lý Viên Tịnh kết tập, Ấn Quang Đại Sư Gia Ngôn Lục, Như Hòa dịch, Taiwan, 2013, tr.17.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường