Trang chủ Bài viết nổi bật Ni sư Chứng Nghiêm và Hội từ thiện Từ Tế

Ni sư Chứng Nghiêm và Hội từ thiện Từ Tế

Hình ảnh của Ni sư Chứng Nghiêm cùng Hội Từ Tế khắp nơi trên thế giới làm việc thiện và bảo vệ môi trường. Mọi người trong Hội Từ Tế xem nơi đây là mái nhà chung để mỗi khi quay về nương tựa, trưởng dưỡng niềm tin.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Hình ảnh của Ni sư Chứng Nghiêm cùng Hội Từ Tế khắp nơi trên thế giới làm việc thiện và bảo vệ môi trường. Mọi người trong Hội Từ Tế xem nơi đây là mái nhà chung để mỗi khi quay về nương tựa, trưởng dưỡng niềm tin.

Tác giả: Thích Nữ Thuần Niệm
Chùa Long Hưng, Phương Trạch, Đông Anh, Hà Nội

Phật giáo là một trong những tôn giáo lớn ở Đài Loan. Căn cứ các sử liệu của các nhà nghiên cứu cho rằng Phật giáo được truyền vào Đài Loan từ thời nhà Minh (năm 1661), “sau khi Trịnh đánh đuổi người Hà Lan. Người dân các tỉnh Phúc Kiến, Phúc Châu và Quảng Đông đã di cư đến Đài Loan mang theo các tôn giáo như Phật giáo, Đạo giáo, Islam giáo… Các tự viện Phật giáo trong thời kì này lần lượt được xây dựng như chùa Trúc Khê, chùa Di Đà, chùa Long Hồ,… Đến thời nhà Thanh (1683-1891), các tự viện được xây dựng như chùa Hải Hội, chùa Pháp Hoa…”[1]

Đến nay dưới sự hỗ trợ của chính quyền các hội phụng sự cộng đồng và xã hội Phật giáo; các trường học Phật giáo; bệnh viện xã hội… lần lượt ra đời. Trong số đó có thể không nói đến Từ Tế Cơ Kim Hội (慈濟基金會) Buddhist Compassion Relief Tzu-chi Foundation, cũng gọi là tắt là Hội Từ Tế hoặc là Tzu-chi. Đây là một tổ chức xã hội nhân đạo phi chính phủ, hoạt động trên hơn 47 quốc gia trên thế giới và có hơn 10 triệu thành viên tham gia tích cực.

tapchinghiencuuphathoc Buoc chan an lac 1

Từ đầu tháng 6 tôi theo bước chân an lạc của thầy đi cùng đoàn hành hương đến Đài Loan từ ngày 10 đến ngày 14 tháng 7. Mặc dù chưa biết địa điểm cụ thể và công việc chi tiết như thế nào nhưng tôi xin đăng ký và chuẩn bị hành lý lên đường. Sau một tuần chuẩn bị thủ tục, 4 giờ sáng, thứ 2, ngày 10, tháng 7 năm 2023 tôi theo quý thầy cô đến sân bay Quốc Tế, gặp nhóm Tâm An Lạc cùng chuyến bay đến Đài Loan. Vì đây là lần đầu tiên tôi đi nước ngoài nên có phần bối rối và chậm chạp hơn mọi người trong đoàn, nhưng ai cũng hoan hỷ và trao nhau nụ cười thân thiện. Sau bốn tiếng máy bay hạ cánh vào buổi trưa, cả đoàn khi đến sân bay Đài Loan, đã được bác Lâm cùng những thành viên trong Hội Từ Tế nhiệt tình đón tiếp và đoàn miền Bắc nhập vào đoàn miền Nam tổng số gồm có 38 vị leo lên chuyến xe an lạc.

Chiếc xe bom bom chạy qua những con phố không có rác thải, ít phương tiện giao thông, được bao phủ bởi những cây cổ thụ và không khí trong lành. Sau 30 phút xe dừng lại tại một quán chay nhỏ, nằm dưới chân núi. Trước sự đón tiếp nồng hậu của những người phục vụ đã làm tôi cảm thấy con người nơi đây rất thân thiện, thức ăn được bài trí một cách tinh tế, mùi vị thanh đạm, giữa không gian thiền vị và thoải mái. Sau khi ăn, chúng tôi được những thành viên trong hội hướng dẫn phân ra từng loại các vật dụng như chén, đĩa, đũa, muỗng,… và các loại rác như rác nhựa, rau củ quả một cách gọn gàng để thuận tiện cho người sau thu gom rác thải và rửa dọn.

Lúc đồng hồ điểm 2 giờ tôi cùng đoàn leo lên xe, tiếp tục hành trình leo lên những ngọn núi để đến Hoa Liên, xe băng băng lên những dãy núi cao, uống lượng đưa tôi đến vùng đất núi đồi xanh tươi, tôi ngồi ghế đầu nên có thể tự do ngắm nhìn biển xanh, mây trắng và khu rừng già. Đến tối, xe dừng lại tôi được ăn cơm tại quán chay Ốc sên và về khách sạn Cá nghỉ ngơi. Qua những tên gọi của quán ăn, nhà nghỉ trên đất nước Đài Loan làm cho tôi nhận thấy con người ở đây rất thân thiện và đầy tình yêu thương đối với con vật.

Buổi sáng, mặt trời vừa ló rạng sau ngọn núi xanh hùng vĩ, tôi cùng với các bạn cùng phòng chế bình trà Olong, đi bộ xuống một con đê rồi cùng nhau tập thể dục, uống tách trà, chụp vài tấm hình lưu loại khoảnh khắc đẹp, cảm nhận niềm hỷ hoan khai mở trong thân tâm. Đến 6 giờ 30 phút chúng tôi về ăn cơm sáng, 7 giờ 30 phút, tôi leo lên xe cùng đoàn tiếp tục chuyến hành trình. Sau một tiếng xe đến trường Đại học Từ Tế tham quan Lớp cắm hoa, Phòng trà đạo, Phòng mổ mô phỏng, Đại xá đường và Tĩnh tư đường.

Cô giáo dạy cắm hoa với ngoại hình nhỏ nhắn, có đôi tay bị tật nhưng cô vẫn tự tin đứng trước công chúng dạy cho chúng tôi những điều cơ bản khi học cắm hoa, qua lời dịch của thầy Thích Vạn Lợi giúp chúng tôi hiểu hơn lời cô giáo: “Mỗi người muốn cắm hoa đẹp thì trước tiên cần giữ gìn sạch sẽ bàn cắm hoa bên ngoài và cả tâm hồn bên trong. Khi lựa chọn hoa, lá, bình,… thì phải chọn sao cho hài hòa. Sau đó cô chỉ lên bốn bức hình bình hoa được treo ngay ngắn trên tường rồi hỏi mọi người ấn tượng bình hoa nào nhất.” Sau một lúc, cô chỉ ra trong bốn bức hình ngoài ba bức có hoa, bức thứ tư chỉ toàn lá. Cho nên, dù bạn sinh ra tuy không phải là một loài hoa rực rỡ mà chỉ là cành lá bạn vẫn có giá trị tô đẹp cho đời, như bức tranh bình hoa này, tuy chỉ có vài cành lá nhưng vẫn tạo ra vẻ đẹp tao nhã, thánh thiện. Nhờ đó tôi học được bài học về giá trị của bản thân. Ai sinh ra cũng có năng lực và giá trị của riêng mình, dẫu cho tôi không phải là một người quá xuất chúng nhưng tôi cũng là cành lá của riêng tôi.

Bước chân vào cánh cửa thứ hai mở ra một căn Phòng trà đạo bằng gỗ, bàn trà bằng tre được bài trí rất tinh tế, trên mỗi chiếc bàn có mỗi bình hoa phong lan nhỏ, tôi ngửi thấy thoang thoảng hương thơm. Cô giáo dạy trà hướng dẫn cách pha trà, sau khi bày một bộ trà đầy đủ dụng cụ, cô giáo bỏ trà vào bình và chế nước nóng vào hãm một vài phút, cô nói: “Trà muốn thơm ngon phải qua quá trình tôi luyện, nhẫn nại, chịu bao đau đớn mới có thể tạo ra nước trà đậm vị, giúp người vượt qua cơn khát.” Con người cũng thế, muốn thành công phải chịu khó học tập, kiên nhẫn mới có thể giúp ích cho đời.

Sau đó, tôi bước vào cách cửa Phòng mổ mô phỏng mở ra cho tôi thêm nhiều hiểu biết về sự hy sinh. Trên thế gian có người lính hy sinh trên chiến trường; có những người tình nguyện viên hy sinh trong đại dịch Covit; có những người lính cứu hỏa hy sinh trong đám cháy; nhưng ở trong căn phòng này có rất nhiều người dù đã chết đi nhưng vẫn có thể hy sinh trên bàn mổ. Họ được các y bác sĩ xưng danh là “vị thầy không lời”. Trong Kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa có câu: “Bố thí đầu mắt, tủy, não cho người mới là đại bố thí.”[2]; Trong pháp Bố thí, ngoài bố thí những vật dụng như tài sản, vợ con,… thì còn có bố thí tủy não, máu huyết cơ thể. Với sự bố thí dũng mãnh của những người hiến xác, đã giúp cho bao người cảnh tỉnh, xúc động mà đến với đạo, có niềm tin với Tam bảo, giúp cho các sinh viên y khoa có thể trực tiếp thực hành những gì mình được học trên bàn mổ.

Từ nhỏ tôi đã học được từ sư phụ về vai trò của đạo Phật đối với chúng sinh là có thể xoa dịu những nỗi khổ niềm đau của con người, nhưng cho đến khi bước vào hai cánh cửa Đại xá đường, Tĩnh tư đường tôi mới hiểu được ý nghĩa về câu nói đó của sư phụ. Hai cánh cửa mở ra những bức tranh, hình ảnh của Ni sư Chứng Nghiêm cùng Hội Từ Tế khắp nơi trên thế giới làm việc thiện và bảo vệ môi trường. Mọi người trong Hội Từ Tế xem nơi đây là mái nhà chung để mỗi khi quay về nương tựa, trưởng dưỡng niềm tin. Điểm đáng chú ý là ở trên những bức tường, những cánh cửa ra vào, v.v. điều được trưng bày những câu Tịnh Tư Ngữ của sư bà Chứng Nghiêm như: “Miệng nói lời hay, thân làm việc thiện”; “Đưa Pháp vào tâm trong các trường học”… để truyền tải chính Pháp đến muôn người.

Người hướng dẫn đoàn giới thiệu cho tôi về cơ duyên thành lập Hội Công đức Từ Tế cách đây 57 năm, tức vào năm 1966, Ni sư Chứng Nghiêm chỉ 29 tuổi, lúc nhìn thấy một cụ già đi chữa bệnh mà trong tay không có chi phí để trả người đã phát đại nguyện thành lập Hội Từ Tế cùng với 30 người tham gia. Cho đến nay số thành viên tham gia hội hơn 4 triệu hội viên, thành lập bệnh viện, trường học ở nhiều nơi trên thế giới, cùng những cơ sở sản xuất thực phẩm chay, tăng sức đề kháng; các công ty tái chế rác thải giúp cho trái đất xanh sạch đẹp.

Hiện nay Hội Từ Tế đã có mặt trên nhiều quốc gia như Mỹ, Trung Quốc, Châu Phi,… trong đó có Việt Nam. Ở đâu khó có Tzu-chi thì ở đó có hoạt động từ thiện. Vào ngày 18/8 năm 2015 báo điện tử Quảng Ninh đưa tin về  Hội từ thiện Tzu Chi Đài Loan tại Việt Nam đã hỗ trợ trên 1 tỷ đồng cho các hộ dân xã Dương Huy “Cứu trợ thăm hỏi người dân vùng chịu thiên tai nhằm giúp đỡ nhân dân chịu ảnh hưởng bởi trận mưa lụt lịch sử vừa qua tại xã Dương Huy (Tp.Cẩm Phả)”[3]; và hội đã trao tặng hơn 2000 phần quà với tổng trị giá hơn 3 tỷ đồng đến với các em khuyết, mồ côi và khiếm thị vào ngày 30/5/2020 tại TP Hồ Chí Minh vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống. Ngoài ra rất nhiều trẻ em bệnh tim ở Việt Nam cũng nhiều nước trên thế giới được cứu giúp kịp thời, có thể sống tiếp; hội còn trao tặng học bổng đến học sinh nghèo vượt khó cùng hỗ trợ đến những vùng bị thiên tai, lũ lụt, động đất, hạn hán.

tapchinghiencuuphathoc Buoc chan an lac 2

Tôi nhận thấy việc thiện nguyện của của Hội Từ Tế dưới sự lãnh đạo của Ni sư Chứng Nghiêm, với từ bi và trí tuệ của người đã tạo ra nguồn sóng từ thiện trên mọi lĩnh vực từ y tế đến an sinh xã hội; văn hóa, giáo dục đến bảo vệ môi trường… ở đâu có bước chân của những Hội Từ Tế thì đem đến lợi lạc và an vui. Tôi nhận thấy điểm đặc biệt nhất của Hội Từ Tế không chỉ hỗ trợ về mặt vật chất như tiền tài, của báu mà còn hỗ trợ về mặt tinh thần bằng ánh mắt nhân từ, nụ cười hòa ái, bàn tay ấm áp và cái ôm cổ vũ.

Những lời pháp ngữ của Ni sư đã tạo lên niềm tin của những thành viên trong hội cùng lan tỏa lời dạy của người đến muôn chúng xuất gia và tại gia. Trong những lời pháp ngữ Ni sư dạy khiến tôi cảm động nhất chính là Ni sư đưa ra hình ảnh liên tưởng về hai đội thiện và ác cùng chơi kéo co, nếu đội nào mạnh thì đội đó sẽ thắng. Cũng vậy Hội Từ Tế lấy tinh thần “Vì Phật giáo vì chúng sinh” người người cùng làm việc thiện; nhà nhà cùng làm việc thiện thì cái thiện sẽ thắng cái ác; người hành thiện nhiều thì thế giới này sẽ được an vui.

Trên chuyến xe trở về khách sạn, tôi nhìn lại chính mình, năm nay tôi đã 30 tuổi, hơn 1 tuổi lúc Ni sư phát nguyện thành lập Hội Từ Tế, tôi cũng có rất nhiều hoài bão, tâm nguyện đó thôi… nhưng phải chăng ý chí của tôi chưa dũng mãnh. Tâm thiện lành phát khởi hôm nay, ngay lúc này, tôi kính cúi đầu dưới lời dạy của người “Phải biết rằng trên đời này có hai việc không cản được đó là thời gian và môi trường!” và mong rằng những điều tốt đẹp sẽ thường hằng trên thế gian.

Những vòng quay của chuyến xe an lạc đã giúp tôi mở ra những chân trời mới mang tên Từ Tế, Từ nghĩa là lòng từ bi, Tế nghĩa là tế độ đối với tất cả chúng sinh giúp tôi biết sống như thế nào để tử tế hơn. Nhìn quan cảnh xanh tươi núi đồi và biển cả ở nơi đây là tôi nhớ về quê hương tôi cũng có núi đồi, có biển cả, nhưng vì sao lại còn có nhiều rác thải, bụi bặm như thế? Làm tôi có chút chạnh lòng trước những con người bình thường nhưng mang ý chí phi thường.

Năm nay Ni sư Chứng Nghiêm dù đã hơn 80 tuổi, thân thể hao gầy, tay chân suy yếu, thế nhưng trên thế gian còn bao người lâm vào cảnh khổ thì Ni sư sao có thể nghỉ ngơi. Hình ảnh người ngồi trên chiếc ghế cùng ban cố vấn từ sáng sớm, cho đến chập tối, mắt hướng đến màng hình, tâm trí duy chỉ hướng về những thành viên của Hội Từ Tế ở khắp nơi trên thế giới gửi những thông tin cần hỗ trợ, để Ni sư cùng ban cố vấn có thể đưa ra giải pháp tối ưu và cứu giúp kịp thời đã khắc sâu trong trái tim tôi.

Những ngày tiếp theo tôi được đến Bệnh Viện Từ Tế Hoa Liên do Ni sư Chứng Nghiêm cùng những thành viên trong hội sáng lập cũng để lại cho những ấn tượng sâu sắc về bức tranh đức Phật chăm sóc đệ tử được đặc ở phòng chờ; đến Thăm quỹ Phật Đà Giáo dục nơi ấn tống Đại Tạng Kinh; cuối cùng tôi được đến tham quan Nhà tưởng niệm Tưởng Giới Thạch nơi trưng bày tưởng niệm Hòa Thượng Tịnh Không. Cuối cùng, giờ đã điểm xe đưa tôi cùng mọi thành viên trong đoàn đến sân bay, tôi chỉ vội chia tay những gương mặt vừa mới quen. Khi máy bay cất cánh, tôi nhìn thấy những bóng đèn cùng nhau tỏa sáng đã tạo nên bức tranh nghệ thuật lung linh giữa màn đêm và ánh sáng trí tuệ của những người con Phật đã phá tan tăm tối giữa vô minh.

Tác giả: Thích Nữ Thuần Niệm
Chùa Long Hưng, Phương Trạch, Đông Anh, Hà Nội

***

Tài liệu tham khảo
1. Thích Thanh Huân (2004), Vài nét về Phật giáo ở Đài Loan, Nghiên cứu Tôn giáo. Số 6. https://thuvienhoasen.org/images/file/dfcZ0hsJ1QgQAOwG/vai-net-ve-phat-giao-o-dai-loan.pdf
2. Đoàn Trung Còn- Nguyễn Minh Tiến Việt dịch và chú giải (2010), Kinh Đại thừa Vô Lượng Nghĩa, NXB Tôn giáo
3. Lê Trường, Cổng Thông tin điện tử Liên hiệp các tổ chức hữu nghị tỉnh. https://www.quangninh.gov.vn/bannganh/LHHN/Trang/ChiTietTinTuc.aspx?nid=104

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường