Trang chủ Chuyên đề Vai trò của Ni giới trong công tác ngoại giao nhân dân từ năm 2010 – đến nay

Vai trò của Ni giới trong công tác ngoại giao nhân dân từ năm 2010 – đến nay

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Ni giới Việt Nam nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung đang nỗ lực khắc phục những hạn chế về vấn đề thể chế, ngoại cảnh đồng thời duy trì những thành tựu đã đạt được để phát huy ưu thế của Ni giới với sự thông minh, khéo léo, ân cần và chu đáo đặc trưng, từ đó, trở thành một lực lượng quan trọng trong công tác ngoại giao nhân dân của đất nước.

Nhóm sinh viên: Hoàng Bách, Thụy An, Trà Giang, Minh Hoàng, Việt Hưng, Nguyên Hương, Khánh Linh
Ban Truyền thông Học viện Ngoại giao

Tóm tắt: Bài viết nhằm góp thêm tư liệu nghiên cứu về Ni giới Việt Nam nói chung và vai trò của Ni giới Việt Nam nói riêng trong công tác ngoại giao nhân dân từ năm 2010 đến nay. Qua việc tìm hiểu về những đóng góp của tập thể Ni giới trong hai tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam cùng những đóng góp dưới góc độ cá nhân, nhóm tác giả đã đưa ra các nhận định, đánh giá về vai trò của Ni giới trong công tác ngoại giao nhân dân từ năm 2010 đến nay. Qua đó, phát huy những thành tích đã đạt được và đề xuất giải pháp giải quyết những hạn chế trên thực tế để Ni giới Việt Nam có thể phát triển mạnh mẽ hơn trong lĩnh vực Phật học nói chung và trong công tác ngoại giao nói riêng.

Từ khóa: Ni giới, Phật giáo, ngoại giao nhân dân

Dẫn nhập

Người phụ nữ trong mọi thời đại luôn đóng vai trò quan trọng với rất nhiều nghĩa vụ và trọng trách cao cả. Cách đây 2500 năm tại Ấn Độ, đức Phật Thích-ca Mâu-ni là người đi đầu trong việc đề cao phẩm hạnh của nữ giới, Ngài không hề xem nhẹ người phụ nữ mà còn nhiều lần ngợi khen phẩm hạnh của họ và cho rằng những người nữ cũng sẽ đạt những thành tựu không hề thua kém nam giới1. Trong cuộc sống hiện đại, người phụ nữ không còn bị bó hẹp trong phạm vi của “tam tòng – tứ đức” mà ngày càng phát huy vai trò của mình một cách rộng rãi hơn để cống hiến cho xã hội. Ni giới Phật giáo cũng không ngoại lệ. Cho đến bây giờ, ngoài việc ngày càng được đề cao trong công cuộc xây dựng một Giáo hội Phật giáo Việt Nam bền vững thì vai trò đối với xã hội cũng ngày càng được xem trọng. Đặc biệt trong sự nghiệp xây dựng đất nước, với truyền thống “trung hậu đảm đang” và đức hạnh của con người quy y cửa Phật, Ni giới Việt Nam đã chủ động tích cực hoạt động và đạt hiệu quả cao trong các công tác an sinh xã hội, trong đó có công tác ngoại giao nhân dân.

Nghiên cứu về Ni giới trên thế giới nói chung và tại Việt Nam nói riêng vẫn còn là một lĩnh vực mới mẻ, vai trò của Ni giới trong Phật giáo cũng như những đóng góp tích cực của họ trong việc xây dựng và phát triển đạo pháp, xã hội cũng chưa được phác họa một cách rõ ràng. Ngày 28/12/2009 đến ngày 3/1/2010, Việt Nam đăng cai tổ chức Hội nghị Nữ giới Phật giáo thế giới lần thứ 11 tại Thành phố Hồ Chí Minh. Cùng với việc nâng cao lợi ích chung cho những người phụ nữ theo đạo Phật, hội nghị lần này còn là dịp để bạn bè quốc tế hiểu thêm về đất nước, con người Việt Nam, về Giáo hội Phật giáo Việt Nam và những thành tựu nổi bật của nữ phật tử Việt Nam. Vì vậy, bài viết sau đây tập trung tìm hiểu và đưa ra các đánh giá về vai trò của Ni giới Việt Nam trong công tác ngoại giao nhân dân từ 2010 đến nay, góp phần nhỏ vào việc nghiên cứu về Ni giới Việt Nam nói riêng và Phật giáo Việt Nam nói chung.

Để tiếp cận vấn đề, bài nghiên cứu dựa trên phương pháp tổng hợp và phân tích cũng như phương pháp thu thập số liệu thứ cấp được nhóm tác giả tìm kiếm dựa trên các thông tin sẵn có từ các nguồn tham khảo uy tín, từ đó làm tăng tính thuyết phục cho các vấn đề được đề cập.

1. Khái niệm và thực trạng

1.1. Các khái niệm liên quan

Trước khi tiến hành phân tích, bài viết luận giải một số khái niệm cơ bản liên quan tới vấn đề được bàn luận:

Ngoại giao nhân dân: Hiện nay vẫn chưa có một khái niệm nhất quán về “ngoại giao nhân dân”. “Ngoại giao nhân dân” có thể hiểu đơn giản là cách thức một quốc gia giao tiếp, tương tác với người dân, công chúng hay các chủ thể phi nhà nước ở các xã hội khác nhau. Ở Việt Nam, “ngoại giao nhân dân” (hay còn gọi là đối ngoại nhân dân, ngoại giao kênh hai) thường được hiểu là những hoạt động đối ngoại không phải của Đảng hoặc Nhà nước, mà là của người dân, hoặc trực tiếp của các cá nhân và cộng đồng dân cư hoặc thông qua các tổ chức nhân dân. Theo cuốn Hoạt động đối ngoại nhân dân Việt Nam (Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam biên soạn năm 2003), “Đối ngoại nhân dân là khái niệm để chỉ các hoạt động đối ngoại không thuộc ngoại giao nhà nước và đối ngoại của Đảng, do các đoàn thể quần chúng, tổ chức chính trị – xã hội, nghề nghiệp và các cá nhân thuộc mọi tầng lớp nhân dân thực hiện”. Bài viết dưới đây sẽ tập trung triển khai khái niệm và công tác “ngoại giao nhân dân” của Ni giới theo quan điểm của Việt Nam.

Ni giới: những người nữ giới xuất gia, những nữ tu Phật giáo được thành lập từ thời Đức Phật còn tại thế. Ni là chữ cuối của danh xưng Tỳ-kheo-ni – dịch âm của Phạn văn Bhiksuni, là cách xưng hô đơn giản đối với nữ chúng xuất gia. Chư ni là chỉ số đông người nữ giới xuất gia. Trong dân gian, một nữ tu xuất gia, còn được gọi là Ni cô hay là Ni sư 2.

Tự viện: Theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Tự viện là nhà tu của Phật giáo, nơi Tăng Ni tu tập, trụ trì, là nơi bảo tồn và phát huy những giá trị văn hóa Phật giáo cũng như thực hiện các hoạt động phục vụ xã hội, lợi ích nhân dân và là sợi dây liên hệ và đoàn kết Phật tử Việt Nam ở trong và ngoài nước3. Theo đó, Tự viện Tăng là nơi dành cho nam Phật tử, Tự viện Ni là nơi dành cho nữ phật tử.

Ni viện: hay Ni tự, Cũng gọi Ni am, Tỳ khưu ni tự. Chỉ ngôi chùa do vị sư ni trụ trì.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Ni gioi Viet Nam

Ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam

1.2. Thực trạng

Báo cáo tổng kết hoạt động phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam 4 và Báo cáo tổng kết Công tác nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Phân ban Ni giới Trung ương ngày 10/1/20235 đã thống kê số lượng tăng, ni, Tự viện tương đối cụ thể như sau:

Biểu đồ: Số lượng tăng ni, tự viện tại Việt Nam (tính đến hết năm 2022)

Theo đó, dù Phân ban Ni giới các tỉnh thành được thành lập không đồng bộ về không gian và thời gian, một số Phân ban Ni giới các địa phương cũng đã thực hiện được việc thống kê đầy đủ, và theo các báo cáo gửi về, hiện nay Ni giới có 4.728 cơ sở Tự viện, chiếm 25,5% và 24.255 Chư ni, chiếm 44,1%.

2. Vai trò của Ni giới Việt Nam trong công tác ngoại giao nhân dân trong giai đoạn 2010 đến nay

2.1. Tham gia vào các tổ chức chính trị – xã hội

Ngày nay, trong xu thế hội nhập và phát triển, bất cứ cá nhân nào cũng có thể trở thành những “nhà ngoại giao” đóng góp cho công tác ngoại giao của nước nhà và Ni giới Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế đó. Sự đóng góp của Ni giới Việt Nam vào công tác ngoại giao nhân dân là sự đóng góp quan trọng, điều đó được thể hiện hai phương diện chính, trong đó nổi bật là sự đóng góp của Ni giới trong các tổ chức chính trị – xã hội. Trong phạm vi bài viết, Liên Hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam là hai tổ chức được lựa chọn để nghiên cứu và phân tích dựa trên quy mô, sự chính thống, uy tín và những đóng góp lớn, tích cực của hai tổ chức vào công tác ngoại giao nhân dân

2.1.1. Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam

Ni giới Việt Nam đang ngày càng chứng tỏ được vai trò của mình khi là những thành viên tham gia và đóng góp cho sự phát triển của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam. Mặc dù chưa có cơ hội nắm giữ những vị trí quan trọng trong Liên hiệp hữu nghị Việt Nam, nhưng với tư cách thành viên của Liên hiệp, Ni giới Việt Nam đã cùng với Liên hiệp tổ chức hữu nghị, các Hội hữu nghị tại các tỉnh thành trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động công tác ngoại giao nhân dân, đóng góp cho xã hội như các hoạt động từ thiện, tổ chức các sự kiện, các hoạt động quan trọng của Đảng và Nhà nước.

Trong số đó, có thể kể đến như việc Ni giới cùng các phật tử trong Liên hiệp các tổ chức hữu nghị chung tay hỗ trợ chương trình “Máy tính cho em” trong giai đoạn dịch COVID-19; bên cạnh đó, Ni giới còn cùng Hội Phật giáo thành phố Đà Nẵng và Liên hiệp các tổ chức hữu nghị thành phố Đà Nẵng hỗ trợ giúp đỡ 05 tăng sinh người Lào có nơi ăn chốn ở tu học tại chùa Tam Bảo, tiếp đón hàng trăm sinh viên Lào và các nhà sư Nam Tông thực hiện các nghi thức Phật giáo. Ở tỉnh Quảng Nam, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị và Hội hữu nghị Việt Nam – Lào đã phối hợp với BTS Giáo hội Phật giáo tỉnh Quảng Nam tổ chức khám chữa bệnh đa khoa, phẫu thuật các bệnh về mắt miễn phí cho cán bộ nhân dân tỉnh Sê Koong, Lào, và một lần nữa, Ni giới lại đóng góp vai trò tích cực, hiệu quả trong hoạt động ý nghĩa này.

Ngoài những hoạt động xã hội, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam nói chung và Ni giới trong tổ chức này nói riêng cũng đã tổ chức thành công những hoạt động mang ý nghĩa đối ngoại của nhà nước như: Chuỗi các hoạt động chào mừng Năm Đoàn kết Hữu nghị Việt Nam – Lào, Kỷ niệm 60 năm Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao, 45 năm Ngày ký Hiệp ước Hữu nghị và Hợp tác Việt Nam – Lào, Năm Hữu nghị Việt Nam – Campuchia, kỷ niệm 55 năm ngày thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Campuchia; 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Ấn Độ, Áo; 45 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Tây Ban Nha; 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc, Armenia, Azerbaijan, Belarus, Uzbekistan; 10 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga; 5 năm quan hệ đối tác toàn diện với Canada…

2.1.2. Giáo hội Phật giáo Việt Nam

Nữ giới là một trong bốn thành tố cộng tu và thừa hành Phật sự trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày càng phát huy truyền thống tu tập, khẳng định vai trò và vị thế trong xã hội nói chung và trong Giáo hội nói riêng. Với sự trưởng thành và phát triển về cả số lượng lẫn chất lượng của Ni giới Việt Nam, ngày càng có nhiều sự tham gia của Ni giới giữ nhiều trọng trách quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam và mang nhiều đóng góp cho những thành công của Giáo hội.

Trên cơ sở lớn mạnh của Ni giới, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã quyết định thành lập Phân ban Ni giới Trung ương để tập hợp ni chúng. Trong nhiệm kỳ IX (2022-2027), Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương được phân làm Trưởng Phân ban Ni giới trung ương. Ni là Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng Ban Trị sự, Trưởng Phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Bình Phước nhiệm kỳ IX (2022-2027) kiêm Đại biểu Hội đồng Nhân dân tỉnh Bình Phước khóa IX, X.

Ngoài ra, Ni giới còn một số gương mặt nổi bật, đảm nhiệm những vị trí quan trọng trong Giáo hội Phật giáo như: Thích nữ Kiệm Liên: Ủy viên Hội đồng Trị sự, Phó Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Hậu Giang, Trưởng ban Trị sự Giáo hội Phật Giáo Việt Nam; Thích nữ Huệ Liên: Phó thư ký Ban Phật giáo Quốc Tế Trung ương, Uỷ viên Thường trực Viện Nghiên cứu Phật học, Uỷ viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế và Uỷ viên Ban Hoằng Pháp Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP. Hồ Chí Minh; Thích nữ Như Nguyệt: Ủy viên Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM, Ủy viên Thường trực Ban Phật giáo Quốc tế Trung ương Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo, Phó Thư ký Phân ban Ni giới Giáo hội Phật giáo Việt Nam TP.HCM; Thích nữ Như Ngọc: Ủy viên Phân ban Ni giới Trung ương; Phó Ban Trị sự kiêm Trưởng Phân ban Ni giới Q.11, TP. HCM; Ni trưởng Thích Đàm Nghiêm: Ủy viên Thường trực Hội đồng Trị sự, Phó trưởng ban Thường trực Phân ban Ni giới Trung ương, Trưởng ban tổ chức Hội thảo khoa học “Nữ Phật tử với Phật giáo Việt Nam” và kỷ niệm 906 năm Ni sư Diệu Nhân viên tịch.

Với sự phát triển lớn mạnh, Ni giới trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã ngày càng có nhiều những đóng góp quý báu cho Phật giáo nước nhà, khẳng định vai trò, trách nhiệm và nỗ lực trong sự nghiệp xây dựng và phát triển của Giáo hội.

Đảm nhận những vị trí quan trọng trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam, Ni giới Việt Nam đã cùng với Giáo hội tổ chức cũng như tích cực vận động nhiều hoạt động công tác ngoại giao nhân dân, đóng góp cho xã hội, góp phần tăng cường đoàn kết vững mạnh, củng cố mối quan hệ với nhân dân.

Trong công tác thiện nguyện, Hội nghị tổng kết công tác Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017 – 2022) do Phân ban Ni giới Trung ương tổ chức đã tổng kết, trong 5 năm qua, Ni giới Phật giáo Việt Nam đã thực hiện các hoạt động xã hội với tổng giá trị hơn 2.330 tỷ đồng6, thông qua các chương trình thiện nguyện ý nghĩa như, xây nhà tình thương, nuôi dưỡng trẻ mồ côi, trao tặng lương thực, nhu yếu phẩm, thiết bị vật tư y tế trong đợt dịch COVID-19,… ; khẳng định đây là thế mạnh của Ni giới Việt Nam, bắt nguồn từ tinh thần vị tha nhân ái, phụng sự vô điều kiện của một bộ phận lớn nữ Phật tử. Không chỉ với đồng bào trong nước, Ni giới còn tham gia cùng với Giáo hội Phật giáo cứu trợ nhân đạo quốc tế như ủng hộ Chính phủ và nhân dân Lào, Campuchia, Ấn Độ, Nepal, Sri Lanka tiền, thuốc men, vật tư y tế nhằm phòng, chống dịch COVID-197.

Bên cạnh những hoạt động xã hội, Giáo hội Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng còn tham gia các hoạt động đối ngoại ở tầm vóc quốc tế dưới hình thức trao đổi, giao lưu nghiên cứu, văn hóa. Trung tâm Nghiên cứu Nữ giới Phật giáo không chỉ có nhiệm vụ Tổ chức hoạt động, lớp bồi dưỡng đào tạo, nâng cao giáo lý nữ giới Phật giáo; Tư vấn chuyên môn, tâm lý cho Ni và nữ Phật tử mà còn Tổ chức các hoạt động nghiên cứu khoa học về nữ giới Phật giáo Việt Nam và các vấn đề liên quan đến nữ giới Phật giáo thế giới; Tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa trong và ngoài nước cho nữ giới Phật giáo, hỗ trợ các hoạt động của nữ giới Phật giáo Việt Nam tại nước ngoài. Phân ban Ni giới Trung ương cùng với Giáo hội đã tổ chức các đoàn đi thăm viếng Phật giáo các nước tại Đức (26/4/2022) hay thăm, làm việc với Hiệp hội Phật giáo Trung Quốc (1/12/2019); tham dự nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế, giao lưu học thuật trên các diễn đàn Phật giáo quốc tế…Và đặc biệt là Hội nghị Ni giới thế giới, do Phân ban Đặc trách Ni giới đứng ra tổ chức với chủ đề “Nữ giới Phật giáo lỗi lạc” (năm 2009-2010) đã có sự tham gia của Phó Chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan và đại diện Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Ban Tôn giáo Chính phủ và các tỉnh, thành hội Phật giáo.

Trong công tác chăm lo cho cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, nhiệm kỳ vừa qua Giáo hội đã thành lập Ban Điều phối Giáo hội Phật giáo Việt Nam tại Lào, nâng số Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài lên đến 22 hội8 ở các nước; tổ chức nhiều đoàn hoằng pháp đi thăm các nước, thuyết giảng Phật pháp và tổ chức các lễ cầu an, Tết cổ truyền của dân tộc, Lễ Phật đản, Lễ Vu lan phục vụ bà con Việt kiều tại các Trung tâm Văn hóa Phật giáo tại các nước; mở các lớp dạy tiếng Việt cho các thế hệ thứ hai, ba của người Việt tại nước ngoài.

Bên cạnh việc đứng ra tổ chức, Giáo hội nói chung và Phân ban Ni giới nói riêng cũng luôn tích cực phối hợp thực hiện các hoạt động ngoại giao nhân dân. Giáo hội Phật giáo Việt Nam với với sự hỗ trợ của Chính phủ và phối hợp với Ủy ban Tổ chức quốc tế Đại lễ Vesak Liên Hợp quốc đã 3 lần đăng cai tổ chức đại lễ Vesak Liên hợp quốc thành công tốt đẹp. Trong nhiệm vụ tăng cường và củng cố tình hữu nghị giữa nhân dân Việt Nam với nhân dân các nước, Ni giới cùng các phật tử trong Giáo hội đã tích cực phối hợp các tổ chức đón tiếp các phái đoàn Phật giáo nước ngoài; tổ chức nhiều hoạt động nhân các dịp lễ, tết cổ truyền của các dân tộc, các hoạt động giao lưu văn hóa phật giáo Việt Nam và các nước như: triển lãm ảnh về di tích Phật giáo tại Ấn Độ và một số nước châu Á (2017), tăng ni phật tử chùa Đông Đại (Nhật Bản) tặng chùa Quán Thế Âm bức tượng phật “Thập nhất diện quan âm” (2016)9.

Trong suốt chiều dài lịch sử, Ni giới Việt Nam luôn đồng hành cùng với dân tộc, đặc biệt là trong công tác ngoại giao nhân dân khi tham gia vào các tổ chức chính trị – xã hội. Dù là những đại diện nắm giữ những vai trò quan trọng trong tổ chức hay là những Ni sư thầm lặng đóng góp, tất cả đều đang góp sức, đều đang cống hiến trí tuệ, xây dựng và tạo nên những kết quả đáng trân trọng.

2.2. Đóng góp công tác ngoại giao nhân dân dưới vai trò cá nhân

Sau ngày mở cửa đất nước, Tăng ni Việt Nam đã có cơ hội xuất dương tu học, mà phần nhiều là Ni giới. Từ đây, Ni giới đã dần đảm đương thêm nhiều Phật sự. Đặc biệt, đến năm 2009 khi Phân ban Ni giới được thành lập, những đóng góp của Chư ni ngày càng được thể hiện rõ ràng hơn. Trong đó, nhất thiết phải kể đến vấn đề thúc đẩy ngoại giao nhân dân, không chỉ dưới tư cách phân ban, mà còn trong cương vị của từng cá nhân mong muốn đóng góp cho đất nước và Phật giáo Việt Nam.

2.2.1. Nghiên cứu

Trong giai đoạn từ 2010 đến nay, với sự cần cù, khéo léo và trí tuệ của mình, Ni giới Việt đã chủ động tìm tòi và nghiên cứu nhiều vấn đề khoa học xã hội ý nghĩa, mang lại giá trị lớn trên nhiều phương diện, trong đó có đóng góp tích cực cho công tác ngoại giao nhân dân của nước nhà.

Đầu tiên, một tấm gương sáng trong việc nghiên cứu giai đoạn của thế kỷ mới đó là NS.TS.Thích Nữ Hương Nhũ. Ni sư tốt nghiệp Tiến sĩ Phật học tại Delhi University, hiện là giảng viên đào tạo cử nhân và thạc sĩ tại Học viện Phật giáo Việt Nam tại TPHCM (HVPGVN). Trong quá trình công tác, ni cô đã có nhiều công trình nghiên cứu cá nhân, tham luận tại các Hội nghị, Hội thảo khoa học trên thế giới như: “Bhiksuni Tri Hai: A Scented Lotus Life” (Tham luận tại hội nghị nữ giới Phật giáo – Sakyadhita lần thứ XI), được đăng trong tuyển tập: Eminent Buddhist Women, bởi State University Of New York Press, Albany, 2014, trang 90 hay “Ni giới Việt Nam và những người khiếm thị” – Tham luận tại Hội thảo khoa học: Nữ giới Việt Nam: Truyền thống và hiện đại. Tham luận được in trong tuyển tập: Nữ giới Việt Nam: Truyền thống và hiện đại, Nhà xuất bản Đại học Quốc gia TPHCM ấn hành – 2016, trang 623.

Một giảng viên ưu tú của HVPGVN tại TP.HCM đó là SC.TS.Thích Nữ Hạnh Liên, người có nhiều công trình nghiên cứu khoa học được đăng trên tạp chí của Trung Quốc và đồng tác giả sách như: “Ba chủ đề về thơ văn dân gian trong sách thiền” đăng trên “Tạp chí Đại học Qinzhou”, phát hành năm 2013.

Ngoài ra, trong số các vị Ni giới có nhiệt huyết, tài năng và trí tuệ của Phật giáo Việt Nam hiện nay không thể không nhắc đến Sư cô Giác Lệ Hiếu. Sư cô chính là vị ni trẻ đầu tiên của Việt Nam bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ ngành Phật học của một trường đại học chuyên về phật pháp đến từ Hàn Quốc. Trước đó, sư cô cũng đã tốt nghiệp xuất sắc Thạc sĩ với bài trình bày luận án vô cùng kinh điển của mình.

Trên đây chỉ là ba trong số nhiều Ni giới Việt Nam đang tu tập, cần mẫn đem trí huệ của mình tìm tòi, khai phá thêm nhiều khía cạnh khoa học để đóng góp vào kho tàng nghiên cứu khoa học của thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng, tạo nguồn tư liệu quý thúc đẩy công tác ngoại giao nhân dân cho nước nhà.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Doi Dieu Giao Duc Ni Gioi Tre Thoi Hoi Nhap 1

Hình ảnh chỉ mang tính chất minh họa. Ảnh: St

2.2.2. Thiện nguyện

Với sự dung hòa giữa trí tuệ và lòng từ bi, việc những đệ tử Phật giáo nói chung và Ni giới nói riêng thực hiện các công tác thiện nguyện bất kể thời điểm hay không gian nào chắc hẳn không còn xa lạ với đại chúng. Đặc biệt, tinh thần luôn sẵn sàng, chu đáo, ân cần và nhân ái, những công việc hành thiện của các Ni giới Việt hướng tới những đồng bào ta tại nước ngoài (trong công tác ngoại giao nhân dân) lại càng rõ nét, thúc đẩy gắn kết đoàn kết dân tộc.

Một tấm gương Ni giới điển hình trong các hoạt động thiện nguyện là Hội trưởng Hội phật tử Việt Nam tại Nhật Bản, Sư cô Thích Tâm Trí. Sư cô được mọi người kính trọng không chỉ bởi sự dịu dàng, giản dị mà trên tất cả, nhà sư thực là đại diện cho một nét văn hóa, tính cách đầy yêu thương của con người, dân tộc Việt. Bởi lẽ, sư cô luôn dành sự quan tâm đặc biệt tới mọi người, nhất là cộng đồng những người con Việt Nam đủ mọi tầng lớp, hoàn cảnh, không phân biệt địa vị. Vào năm 2018, dưới sự đóng góp tích cực của Ni sư Thích Tâm Trí cùng những giúp đỡ của Đại lão Hòa thượng Yoshimizu Daichi, sư cô đã giúp mở rộng nơi sinh hoạt tinh thần cho biết bao nhiêu kiều bào Việt tại Nhật Bản, đó là xây dựng ngôi chùa mang tên Đại Ân Honjo tại tỉnh Saitama. Nhà chùa đã chăm sóc từ chỗ ăn, chỗ nghỉ ngơi, trị liệu bằng Phật pháp cho hơn 2.068 bạn trẻ, phân chia lương thực đóng gói gửi đi cho các hoàn cảnh khó khăn. Ít lâu sau, cơ sở thứ hai của chùa Đại Ân tại Tochigi cũng được sư cô cùng nhà hảo tâm và các mạnh thường quân góp công xây dựng trở thành nơi nương tựa, chốn đi về cho những người Việt Nam trong nghịch cảnh.

Trong thời gian tại Nhật Bản, Sư cô Thích Tâm Trí cũng đã tích cực và chủ động hợp tác với Đại sứ quán Việt Nam tại đây để vận động nhiều doanh nghiệp, tổ chức của Nhật hỗ trợ hết sức cho cộng đồng người Việt. Không chỉ vậy, sư cô còn chăm lo cho hàng trăm trường hợp không may bị thiệt mạng tại Nhật Bản, trực tiếp cầu siêu và tổ chức lễ an táng, chuyển thi hài và tro cốt về Việt Nam (từ năm 2012 đến nay).10

Một tấm gương sáng nữa cần nhắc tới là Sư cô Thích Nữ Giới Tánh – Giám đốc Trung tâm Văn hóa Phật giáo Việt Nam, Chủ tịch Hội Phật tử Việt Nam tại Hàn Quốc. Sư cô luôn là người quan tâm, an ủi động viên những hoàn cảnh khó khăn, những cô dâu Việt lấy chồng xứ người và giúp đỡ các sinh viên Việt Nam. Hành trình đôi khi gian khó, nhưng sư cô cảm thấy vô cùng hạnh phúc vì được dìu dắt, giúp đỡ mọi người và cho rằng con đường sư cô đã chọn là ban vui, cứu khổ, cứu độ chúng sinh. Năm 2021 tại Seoul, sư cô đã được Hiệp hội Văn hóa nghệ thuật Ahn Jung Geun đặc biệt trao giải Hoạt động thiện nguyện vì hòa bình thế giới.

Những phẩm chất đặc biệt của Ni giới Việt Nam – cần cù, chịu khó, lại ân cần chăm lo được tỏa sáng qua thật nhiều nghĩa cử tốt đời đẹp đạo nơi xa xứ. Công tác thiện nguyện không chỉ góp phần xây dựng hình ảnh Phật giáo Việt Nam chân thành, nhiệt huyết, thân thiện được bạn bè quốc tế công nhận, tán thán, mà còn là sợi dây gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc. Từ đây, mỗi người dân Việt Nam trong nước hay kiều bào ở nước ngoài hiểu được rằng, ở đâu có Phật giáo Việt Nam, ở đó sẽ có những người con gái của Đức Phật hết lòng dốc sức vì bình an, hạnh phúc của đồng bào.

2.2.3. Truyền bá Phật giáo

Sự nghiệp truyền bá phật pháp trong Ni giới đã được nhen nhóm rất sớm từ thời Lý, tại miền Bắc, Ni viện Hương Hải được Sách Kỷ Lục xác lập “Ni viện Phật giáo đầu tiên của Việt Nam”. Tuy nhiên trong thời kỳ này, tư tưởng Nho giáo trọng nam khinh nữ đã giới hạn rất nhiều sự hiện diện của Ni giới. Tới những thập niên 20 của thế kỷ XIX, các Ni viện đã từng bước được thành lập, từ đó, Ni giới Việt Nam bắt đầu có cơ hội học pháp và hoằng pháp, làm lợi lạc cho chúng sinh. Song, trước năm 1975, Chư ni chỉ được giảng dạy tại các Ni viện và các lớp gia giáo. Đây là giai đoạn mà Chư ni có sự tham gia rất khiêm tốn trong công tác về học thuật, truyền bá phật pháp dù thời gian ấy Ni trưởng Thích Nữ Trí Hải đã được xem là một bậc thông tuệ và giảng viên Ni đầu tiên được dạy tại trường Cao cấp Phật học Việt Nam. Tới cuối thập niên 90, khi tại Việt Nam xuất hiện phong trào tăng ni xuất dương du học thì Chư ni chiếm phần đông, dấn thân tu học ở nước ngoài và khi trở về bắt đầu được tham gia giảng dạy tại các Học viện Phật giáo, trường Cao đẳng, Trung cấp Phật học.

Cho đến năm 2009, khi Hòa thượng Thích Trí Quảng đảm nhiệm chức vụ Viện trưởng Học viện Phật giáo Việt Nam thì số lượng Chư ni du học, tốt nghiệp trở về hoặc ở lại nước ngoài để hoằng pháp mới tăng lên đáng kể. Nói về Ni giới Việt Nam, Hòa thượng Thích Trí Quảng từng chia sẻ: “Có thể nói ngày nay, số lượng Chư ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ. Vì vậy, thiết nghĩ Chư ni có thể tham gia vào mọi lĩnh vực hoạt động,…”11

Tại nước ngoài, Ni giới Việt Nam đã và đang giữ ngày càng nhiều vị trí quan trọng, có đóng góp lớn trong việc truyền bá Phật pháp thông qua nhiều hình thức. Sư cô Thích Tâm Trí được nhắc tới trên đây là một tấm gương với những nỗ lực xây chùa mang tên Đại Ân tại Nhật Bản để làm nơi tu học Phật pháp và chốn nương tựa cho kiều bào Việt Nam. Sư cô thuật lại những năm dịch Covid-19, có nhiều thực tập sinh, du học sinh thất nghiệp, không có nơi tá túc hay chuyến bay về nước,… Nhiều người trẻ trong số đó rơi vào trầm cảm, lo âu. Tại nhà chùa, hàng ngày họ được Chư ni hướng dẫn tu tập, rèn luyện nhiếp tâm chính định, dần dần thoát khỏi lo âu, và lạc quan, sức khỏe ổn định hơn. Bên cạnh đó, từng chia sẻ trước thềm Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX, sư cô đau đáu: “Công tác hoằng pháp ở nước ngoài cần được chú trọng nhiều hơn”. Trong đó, cô quan tâm sâu sắc đến vấn đề phát triển đội ngũ Tăng Ni trẻ kế thừa và mong mỏi chư Tăng Ni trẻ cố gắng trau dồi Bi – Trí – Dũng, rèn luyện ngoại ngữ để một ngày hữu duyên dấn thân phụng sự Đạo pháp trong và ngoài nước.12

Bên cạnh đó, sự nghiệp truyền bá Phật pháp của Ni giới Việt Nam ở nước ngoài cũng có sự đóng góp của Sư cô Thích Nữ Giác Lệ Hiếu. Tháng 11/2019, sư cô Giác Lệ Hiếu thành lập đạo tràng Đạo Phật Ngày Nay tại Hàn Quốc và hoằng pháp tại đây cho đến nay. Sau thời điểm đạo tràng chính thức đi vào hoạt động, không may đại dịch COVID-19 đã bùng phát khiến Phật tử không được đến chùa, không có phương pháp nào tu tập khiến họ chơi vơi, bất an. Đây là cơ duyên để sư cô cùng các bạn trong ban truyền thông phát tâm dựng video giảng pháp và vấn đáp về Phật pháp để đăng tải lên Tiktok và Youtube. Kênh của sư cô Giác Lệ Hiếu hiện nay đã có hơn 750.000 người theo dõi trên Tiktok và hơn 180.000 lượt đăng ký trên Youtube. Bên cạnh đó, nhờ có khả năng sử dụng thành thạo tiếng Hàn, sư cô cũng tham gia vào các hoạt động góp phần đưa hình ảnh Phật giáo Việt Nam đến với nhân dân Hàn Quốc qua buổi phỏng vấn trên truyền hình. Gần đây, trong chuyến thăm Việt Nam của Hội trưởng Hội Jungto Hàn Quốc, Hòa thượng Pomnyun, sư cô đã tham gia với tư cách là người phiên dịch, hỗ trợ đối thoại giữa Hội trưởng và các chức sắc trong Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng như với các phật tử tại Việt Nam trong buổi tọa đàm trực tiếp về phật pháp.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Su Co Thich Nu Gioi Tanh

Sư cô Thích Nữ Giới Tánh

Đều phụng sự tại Hàn Quốc, Sư cô Thích Nữ Giới Tánh như đã nhắc tới ở trên, với rất nhiều cống hiến cũng đã vinh dự nhận giải thưởng cao quý “Hòa bình Phật giáo thế giới” vào ngày 1/7/2019 . Đây là giải thưởng lớn lần đầu tiên được tổ chức tại Hàn Quốc nhằm vinh danh các chư tôn đức Phật giáo nước ngoài tại Hàn Quốc đã góp phần vun đắp tình đoàn kết hữu nghị, hợp tác phát triển giữa Phật giáo Hàn Quốc cùng các nước khác trong khu vực và thế giới. Trong hơn mười năm tu học và hoằng pháp tại chùa Pháp Môn – ngôi chùa Việt đầu tiên tại Hàn Quốc, sư cô không chỉ hướng dẫn mọi người biết tu học Phật pháp mà còn phải biết hướng về Tổ quốc, dân tộc. Đặc biệt, đối với kiều bào Việt Nam tại Hàn Quốc, trong các nghi thức cầu an, cầu siêu cho thân nhân, phật tử, cộng đồng, sư cô đều giới thiệu tên các vùng biển đảo của Việt Nam, trong đó đặc biệt là các nhóm đảo trên quần đảo Trường Sa, Hoàng Sa với cụm từ “lãnh thổ thiêng liêng” của Tổ quốc. Vì lẽ đó sư cô còn được gọi với cái tên “sư cô vì biển đảo”.

Như vậy, Chư ni trên khắp miền đất nước và đang ở nước ngoài luôn trong mang sứ mệnh cao cả là hoằng pháp độ sinh, đưa giáo pháp vào đời sống, từ đó giúp đời cứu người. Không quản ngại khó khăn, Chư ni truyền đi lời dạy của đức Phật thông qua những việc nhỏ như giảng pháp tại các tu viện đến những công cuộc lớn lao như xây chùa ở nước ngoài. Với tài năng, bản lĩnh và trí tuệ của mình, Chư ni ngày càng giữ nhiều vai trò quan trọng trong lĩnh vực giáo dục và hoằng pháp.

Tóm lại, dưới góc độ cá nhân, đại chúng càng thấy rõ hơn nữa ở mỗi ni sư Việt không chỉ mang tinh thần Phật giáo mà còn phát huy được điểm mạnh văn hóa của người phụ nữ Việt như khéo léo, thông minh, ân cần, chu đáo, giàu lòng vị tha, nét tính cách mà ít nơi nào có được. Chẳng khó để đại chúng nhận ra được tầm quan trọng của Ni giới Việt trong công tác ngoại giao nhân dân, gắn kết đại đoàn kết dân tộc, xây dựng hình ảnh con người và đất nước Việt với bạn bè quốc tế qua những đóng góp thực chất và vô cùng hiệu quả của mình từ nghiên cứu khoa học, công tác thiện nguyện đến truyền bá Phật giáo.

3. Đánh giá

3.1. Thành tựu

Ni giới Việt Nam đã đóng góp rất nhiều cho công tác ngoại giao nhân dân của đất nước trong thời gian qua. Các thành tựu của họ có thể được đánh giá theo một số khía cạnh như sau:

Xoá nhoà khoảng cách giữa tăng và ni giới trong công tác xã hội: Ni giới Việt Nam ngày nay luôn dấn thân trong mọi lĩnh vực của cuộc sống từ việc xây dựng, trùng tu chùa chiền cho đến các hoạt động từ thiện xã hội, hay công tác xóa đói, giảm nghèo do nhà nước chủ trương. Vào thời kỳ dịch bệnh căng thẳng, các Chư ni gấp áo cà sa, khoác lên mình chiếc áo blouse trắng, xông pha nơi tuyến dịch tại các bệnh viện dã chiến, như Ni trưởng Thích nữ Nhật Khương (UVTT, Trưởng phân ban Ni giới TƯGH, Trưởng phân ban Ni giới GHPGVN tỉnh Bình Phước) đã nói “Dẹp hết mọi chuyện để đi cứu người là cái quan trọng nhất”. Thậm chí, trèo đèo lội suối, tưởng rằng đó là công việc của nam giới nhưng Chư ni tỉnh Bình Phước đã không ngần ngại để đến với các bà con đồng bào dân tộc vùng sâu xa, đỡ đần cho người dân phần nào gánh nặng cuộc sống.

Nâng cao hình ảnh Ni giới Việt Nam trong công tác ngoại giao nhân dân trên trường quốc tế: Ni trưởng Thích nữ Diệu Cảnh (UVTT Phân ban Ni giới TƯGH, Trưởng phân ban Ni giới TP. Đà Nẵng) đã từng nói “Chúng tôi không ngại tuổi già sức yếu mà tất cả một lòng dấn thân vào công tác từ thiện xã hội cũng như an sinh”. Với tinh thần đó, năm 2018, hội nghị Nữ giới Phật giáo Thế giới (Sakyadhita) tại Thái Lan đã tôn vinh 10 vị ni, trong đó có 6 vị ni thuộc phân ban Ni giới TP.HCM được tôn vinh là những vị ni kiệt xuất thế giới, với những đóng góp vượt bậc trong công tác ngoại giao nhân dân, an sinh xã hội. Bên cạnh đó, tại lễ trao giải thưởng Nữ giới Phật giáo xuất sắc thế giới (OWBA) lần thứ 17 năm 2018 có 21 vị Ni và nữ cư sĩ Phật giáo được vinh danh, nhận giải thưởng trong đó có 10 chư tôn đức Ni Việt Nam nhận giải thưởng đã có đóng góp tích cực cho sự nghiệp hoằng pháp, từ thiện xã hội, hòa bình thế giới và thực hành thiền định. Giải thưởng này khẳng định vị thế của Ni giới Việt Nam trên trường quốc tế qua đó khẳng định đóng góp của Ni giới với công cuộc xây dựng đất nước và xã hội tiến bộ.

Đóng góp cho hoạt động hợp tác quốc tế: Ni giới Việt Nam đã tham gia các hoạt động hợp tác quốc tế như giao lưu văn hóa, thể thao, giáo dục, khoa học kỹ thuật hội thảo khoa học, tham gia các diễn đàn nữ giới Phật Giáo thế giới, phát triển văn, tư tu ở môi trường tu học quốc tế, tu nghiệp tiến sĩ, thạc sĩ ở các nước châu âu, châu á, giữ gìn văn hoá, phát triển văn hóa xã hội Việt Nam. Hơn nữa, các Chư ni cũng tham gia các hoạt động ngoại giao nhân dân tại nhiều quốc gia trên thế giới, đặc biệt là các nước có quan hệ truyền thống và đối tác kinh tế quan trọng của Việt Nam như Trung Quốc, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Lào, Campuchia, Nga, Ấn Độ,… Từ đó, đóng góp cho việc xây dựng các mối quan hệ hữu nghị và hợp tác với các quốc gia khác trên thế giới.

Gắn kết đại đoàn kết dân tộc: Ni giới Việt Nam góp phần vào gắn kết đoàn kết dân tộc từ ngay trong chính cộng đồng của mình, bằng việc xây dựng các cộng đồng và mạng lưới kết nối ni giới trên toàn thế giới, các chư Ni Việt Nam ở trong và ngoài nước được kết nối và tham gia vào các hoạt động cộng đồng, sự kiện văn hóa và tôn giáo, góp phần xây dựng cộng đồng kiều bào thịnh vượng và đoàn kết. Ngoài những hoạt động về mặt tinh thần, việc Ni giới Việt Nam tham gia vào các dự án và chương trình xã hội như xây dựng trường học, cung cấp nhu yếu phẩm và hỗ trợ tài chính cho người nghèo cũng đã góp phần xóa bỏ khoảng cách và gắn kết nhân dân cả nước.

3.2. Một số tồn tại và hạn chế

Mặc dù đã đạt được những thành tựu đáng kể, tuy nhiên Ni giới Việt Nam vẫn còn đối mặt với một số hạn chế trong công tác ngoại giao nhân dân, nhưng hầu như là những yếu tố khách quan, bao gồm:

Thiếu sự phối hợp giữa các bộ, ngành: Các hoạt động ngoại giao nhân dân yêu cầu sự phối hợp giữa nhiều bộ, ngành và địa phương. Tuy nhiên, việc phối hợp này vẫn còn chưa được đồng bộ, khiến cho các hoạt động ngoại giao nhân dân của Ni giới Việt Nam gặp khó khăn trong việc thực hiện. Đâu đó vẫn tồn tại ít nhiều tư tưởng cục bộ hệ phái và địa phương tính trong một số nhỏ Chư ni Việt Nam đã phần nào hạn chế khả năng tập trung nhân lực và trí tuệ tập thể trong các phật sự có tính quy mô rộng lớn.

Ảnh hưởng của các yếu tố ngoại cảnh: Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức và áp lực từ các yếu tố ngoại cảnh như bất ổn chính trị, căng thẳng trong quan hệ với một số đối tác lớn, tình trạng chênh lệch về phát triển kinh tế và văn hoá. Tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng đến khả năng của Ni giới Việt Nam trong việc thực hiện các nhiệm vụ ngoại giao nhân dân.

4. Khuyến nghị và giải pháp

Hiện nay, qua thực tiễn đời sống của Phật giáo cho thấy vai trò cần thiết và quan trọng của Ni giới Việt Nam trong công tác ngoại giao nhân nhân. Tuy nhiên vẫn cần phải có những chính sách, biện pháp cụ thể để nâng cao vị thế của Ni giới Phật giáo nói riêng, Ni giới Việt Nam nói chung, tạo điều kiện phát huy “tiềm năng Ni giới” trong ngoại giao nhân dân thời gian tới.

Cần có sự thống nhất, phối hợp giữa các bộ, ngành để cùng nhau hợp tác, triển khai các hoạt động ngoại giao nhân dân của Ni giới Việt Nam: Nên có sự quản lý nghiêm ngặt và đồng bộ liên quan đến việc tổ chức các chương trình, hoạt động thiết thực. Bên cạnh đó, thống nhất về tư tưởng đối với Chư ni Việt Nam để đảm bảo và nâng cao khả năng tập trung nhân lực, trí tuệ tập thể trong các phật sự và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh.

Tiếp tục học hỏi, nâng cao học thức, phát triển chùa chiền, đóng góp vào các công tác ngoại giao, nâng cao vị thế Phật giáo Việt Nam trên thế giới. Hiện nay, số lượng Chư ni ở Việt Nam đông hơn chư Tăng, trong đó có nhiều vị tốt nghiệp học vị thạc sĩ, tiến sĩ, nhiều vị tham gia đào tạo tại nước ngoài, có trình độ hiểu biết sâu rộng, thông thạo ngoại ngữ, am hiểu thế sự, nhiều vị tham gia giảng dạy tại các trường Cao trung cấp Phật học góp phần quan trọng trong phát triển đạo pháp. Đồng thời, phối hợp với các trường đại học, các tổ chức, chuyên gia tổ chức các hội thảo và tích cực tham gia soạn thảo nội dung, đóng góp ý kiến trong các hội thảo của các đơn vị, của MTTQ Việt Nam và Hội LHPN Việt Nam.

Đề xuất các sáng kiến để phát triển tiềm năng Ni giới trong khu vực ASEAN. Trong bối cảnh Cộng đồng ASEAN tầm nhìn đến năm 2025 mà hầu hết các nước Đông Nam Á lục địa đều chịu ảnh hưởng của Phật giáo (các nước này hầu như đều có Chùa Việt) và sự lan tỏa tinh thần bình đẳng giới hiện nay ở các quốc gia trong ASEAN thiết nghĩ Ni giới Phật giáo Việt Nam nên tận dụng cơ hội này chủ động học tập, xây dựng mô hình quản lý, chuẩn bị cơ sở vật chất đủ điều kiện để đề xuất với Nhà nước cho phép làm thí điểm các mô hình liên kết đào tạo về giáo dục và y tế,…- là những thế mạnh của Ni giới Việt Nam trong Cộng đồng ASEAN.

Kết luận

Những năm 19, 20 của thế kỉ XX đã chứng kiến sự không ngừng nâng cao vị thế và vai trò của thế hệ Ni giới Việt Nam trên nhiều khía cạnh của ngoại giao nhân dân bao gồm đóng góp tích cực trong các hoạt của Liên hiệp các tổ chức Hữu nghị Việt Nam và Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Không chỉ vậy, dưới tư cách cá nhân, ảnh hưởng của chư Ni trong các lĩnh vực nghiên cứu, thiện nguyện và hoằng pháp độ sinh đang ngày càng được củng cố với ngày càng nhiều những tấm gương tiêu biểu được không chỉ nhân dân Việt Nam mà còn quốc tế công nhận. Những điều ấy là động lực lớn lao thúc đẩy công tác ngoại giao nhân dân, đặc biệt là gắn kết khối đại đoàn kết toàn dân tộc và xây dựng hình ảnh con người Việt Nam thân thiện và giàu lòng từ ái. Với tinh thần đó, Ni giới Việt Nam nói riêng và Giáo hội Việt Nam nói chung đang nỗ lực khắc phục những hạn chế về vấn đề thể chế, ngoại cảnh đồng thời duy trì những thành tựu đã đạt được để phát huy ưu thế của Ni giới với sự thông minh, khéo léo, ân cần và chu đáo đặc trưng, từ đó, trở thành một lực lượng quan trọng trong công tác ngoại giao nhân dân của đất nước.

Nhóm sinh viên: Hoàng Bách, Thụy An, Trà Giang, Minh Hoàng, Việt Hưng, Nguyên Hương, Khánh Linh
Ban Truyền thông Học viện Ngoại giao

___________
CHÚ THÍCH
1. Báo cáo Tổng kết Công tác nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Phân ban Ni giới Trung ương,
https://vbgh.vn/laws/detail/bao-cao-tong-ket-cong-tac-phat-su-nhiem-ky-viii-2017-2022-cua-phan-ban-ni-gioi-trung-uong-180/, ngày truy cập: 9/5/2023.
2. Chu Thanh Vân, 2022, Đại hội đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ IX sẽ khai mạc vào sáng 28/11,
https://baotintuc.vn/thoi-su/dai-hoi-dai-bieu-phat-giao-toan-quoc-lan-thu-ix-se-khai-mac-vao-sang-2811-20221127174540917.htm, Báo tin tức, ngày truy cập: 10/5/2023.
3. Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội, 2018, Quy chế Quản lý Tự viện.
4. Hạnh Ý, 2022, “Sư cô Thích Tâm Trí (từ Nhật Bản): “Công tác hoằng pháp ở nước ngoài cần được chú trọng nhiều hơn””, Báo Giác Ngộ,
https://giacngo.vn/su-co-thich-tam-tri-tu-nhat-ban-cong-tac-hoang-phap-o-nuoc-ngoai-can-duoc-chu-trong-nhieu-hon-post64545.html, ngày truy cập 16/5/2023.
5. Khả Triết, 2011, Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo, NXB Tôn giáo, http://daibaothapmandalataythien.org/loi-noi-dau-0, ngày truy cập: 16/5/2023.
6. Long Hồ, 2023, Ni giới Phật giáo Việt Nam hỗ trợ hơn 2.330 tỷ đồng cho các hoạt động xã hội,
https://hcmcpv.org.vn/tin-tuc/ni-gioi-phat-giao-viet-nam-ho-tro-hon-2-330-ty-dong-cho-cac-hoat-dong-xa-hoi-1491903750 , ngày truy cập: 10/5/2023.
7. Minh Tâm, 2020, “Ni giới: Họ là ai?”, Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
https://phatgiao.org.vn/ni-gioi-ho-la-ai-d43957.html, Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam, ngày truy cập: 7/5/2023.
8. Nguyễn Phương Nga, 2022, Giáo hội Phật giáo Việt Nam: Nhiều đóng góp quý báu trong công tác đối ngoại nhân dân thời kỳ mới,
https://thoidai.com.vn/giao-hoi-phat-giao-viet-nam-nhieu-dong-gop-quy-bau-trong-cong-tac-doi-ngoai-nhan-dan-thoi-ky-moi-176527.html, ngày truy cập: 10/5/2023.
9. NS.TS. Thích Như Nguyệt, 2021, “Ni giới trong ngôi nhà Giáo hội Phật giáo Việt Nam”, Tạp chí nghiên cứu Phật học,
https://tapchinghiencuuphathoc.vn/ni-gioi-trong-ngoi-nha-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-chang-duong-40-nam-1981-2021.html, ngày truy cập 16/5/2023.
10. Sư cô Thích Tâm Trí – Ngọn lửa nhỏ ấm áp của người xa xứ, VOV,
https://vov.vn/nguoi-viet/su-co-thich-tam-tri-ngon-lua-nho-am-ap-cua-nguoi-xa-xu-838141.vov, ngày truy cập: 17/5/2023.
11. Toàn văn Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam,
https://phatgiao.org.vn/toan-van-bao-cao-tong-ket-hoat-dong-phat-su-nhiem-ky-viii-2017-2022-cua-tu-ghpgvn-d69826.html , ngày truy cập 9/5/2023.
12. Trà Vân, 2022, Hoạt động đối ngoại của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được thế giới đánh giá cao,
https://thanhtra.com.vn/dan-toc-ton-giao/tin-tuc/hoat-dong-doi-ngoai-cua-giao-hoi-phat-giao-viet-nam-duoc-the-gioi-danh-gia-cao-202848.html, Dân tộc – Tôn giáo (Chuyên trang của Báo Thanh tra), ngày truy cập: 10/5/2023.
__________________
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo tổng kết hoạt động Phật sự nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam, 2022.
2. Báo cáo Tổng kết Công tác nhiệm kỳ VIII (2017-2022) của Phân ban Ni giới Trung ương, 2023.
3. Báo Giác Ngộ Online
4. Báo điện tử VOV
5. Cổng thông tin Phật giáo thuộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam
6. Dân tộc – Tôn giáo (Chuyên trang của Báo Thanh tra)
7. Khả Triết (2011), Hình tượng người phụ nữ trong Phật giáo, NXB Tôn giáo.
8. Quy chế Quản lý Tự viện của Giáo hội Phật giáo Việt Nam thành phố Hà Nội.
9. Tạp chí Nghiên cứu Phật học

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường