Phật tử nữ Mahāpajāpati Gotamī, người trở thành vị sáng lập hội đoàn tỳ kheo ni Phật giáo đầu tiên, sinh trưởng trong gia tộc Koliya ở thành Devbadaha vùng Đông Bắc Ấn Độ, gần khu đồi dốc ở chân dãy Hy Mã lạp sơn.
Mahāpajāpati Gotamī - vị sáng lập hội đoàn tỳ kheo ni Phật giáo đầu tiên
Khi bà ra đời, một nhà chiêm tinh đã tiên đoán rằng bà sẽ là thủ lĩnh có rất đông người đi theo, và bà được gọi tên là Pajāpati, có nghĩa là “Thủ lĩnh của một tập hợp đông người”. “Mahā” là tiền tố có nghĩa “vĩ đại” được đặt cho tên của bà. Điều này đã đoán tiếp về bà, về người chị cả Māyā của bà, là bà có thể sẽ là mẹ của một vị giáo sĩ thế tục vĩ đại hay một người cai quản tôn giáo.
Phật tử nữ Pajāpati và chị của bà là Māyā, lớn lên và cùng lấy một người chồng là trưởng tộc dòng họ Sakya (Thích ca) tên là Suddhodana (Tịnh Phạn), cùng chung sống với ngài ở thành phố thủ phủ Katilavatthu (Ca Tỳ La vệ). Theo truyền thuyết Phật giáo, Suddhodana (Tịnh Phạn) là một vị vua lớn và con trai của ông, Sidhartha (Sĩ Đạt Ta hay Tất Đạt Ta) là một hoàng tử và là người thừa kế ngai vị của ông. Thực ra, trong dòng tộc Thích ca, bất kỳ người đàn ông nào cũng có thể làm trưởng tộc - đó là vị trí được luân phiên bầu chọn. Chỉ có một vị vua thực sự của vùng Pasenadi là vua Kosala, chúa tể của các quốc gia gồm hai dòng họ Thích ca và Koliya. Hôn nhân của Māyā (Ma Da) và Pajāpati là thuộc về các dòng tộc của họ. Cả hai dòng tộc này đều nhỏ và không tuân theo phân biệt đẳng cấp. Các thành viên của dòng họ làm nông nghiệp, chỉ cầm vũ khí khi cần thiết, và buôn bán ở các tỉnh lân cận.
Māyā là người mang thai trước. Theo phong tục, Māyā muốn về sinh nở ở quê nhà mình, nên khi gần ngày sinh bà hành hương về Devadaha. Trên đường đi, bà dừng chân nghỉ ở khu vườn Lumbini (Lâm Tỳ Ni) để chiêm ngưỡng cây cối ra hoa. Khi bà vươn tay vin cành cây Asoka, bà thấy đau quặn và sinh ra một bé trai dưới gốc cây này. (Hai trăm năm sau, Hoàng đế Phật giáo Asora đã xây một cột trụ đá để đánh dấu nơi này. Kể từ đó, cây cột trụ vẫn tồn tại cho đến ngày nay, có thể xác định chính xác vị trí này).
Nghe tin tốt lành từ Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ), Suddhodana (Tịnh Phạn) và mọi người vô cũng hoan hỷ mừng rỡ vì sinh được con trai. Vị tộc trưởng ngay lập tức mời một nhà tiên tri Asita (A Tư Đà), người đã tuyên bố rằng nếu đứa bé trở về nhà, nó sẽ là người cai quản tôn giáo. Nếu nó bỏ nhà đi thì sẽ trở thành một vị thầy tôn giáo vĩ đại là đức Phật. Bé sơ sinh được đặt tên là Sĩ Đạt Ta nghĩa là “người sẽ hoàn thành mục đích của mình”.
Nhưng sau khi sinh bảy ngày, Māyā qua đời. Cả truyền thuyết cũng như lịch sử không nói rõ cho chúng ta biết nguyên nhân vì sao. Phật tử nữ Pajāpati đã nhận nuôi Sĩ Đạt Ta như đứa con đầu lòng của mình, và sau đó bà đã sinh thêm hai người con nữa, một gái là Sundari-Nandā và một trai là Nandā.
Nhiều năm sau trôi qua, đến tuổi hai mươi chín Sĩ Đạt Ta bỏ nhà đi và không trở về trong suốt sáu năm để tìm kiếm tôn giáo của mình. Khi mẹ nuôi của Ngài đến tuổi cuối năm mươi, đầu sáu mươi, Ngài lần đầu trở về Kapilavatthu (Ca Tỳ La Vệ). Sau khi trở về nhà, Ngài bị đối xử lạnh nhạt. Vợ Ngài, Yasodhana (Da Du Đa La), không đến ôm hôn Ngài mà gửi con trai của họ tên là La Hầu la đến gặp Ngài. Dòng họ Thích ca, nổi tiếng tự hào có tôn giáo bảo thủ, đã ngờ vực Phật pháp mới lạ của người con trai một thời được yêu mến. Không mảy may nghi ngờ, Pajāpati đã nhạy cảm với tất cả các phản ứng khác nhau. Phản ứng của bà là chào đón Ngài. Suddhodana (Tịnh Phạn) cũng làm như vậy, và khi đức Phật thuyết giáo cho họ, cả hai đã cảm động với Phật pháp của Ngài và thay đổi tín ngưỡng của mình.
Lúc này, Pajāpati không chỉ nổi tiếng vì là vợ một thủ lĩnh lớn mà còn được tôn trọng vì tuổi tác của bà. Sau khi trở thành một nữ cư sĩ (ưu bà di) cải đạo theo Phật pháp mới của con trai mình, bà thậm chí còn được kính trọng hơn với tư cách là một người phụ nữ hiếm hoi đã tiếp cận các chỉ dẫn tu tập tôn giáo.
Các phụ nữ, từng người hay từng nhóm một tìm đến nhờ Pajāpati giúp đỡ, tư vấn và chỉ bảo. Những người phụ nữ này đến cầu xin bà không đơn thuần vì bà có địa vị cao. Bà đã chia sẻ với họ - và sau này khi chồng bà qua đời, đã chứng minh cho họ niềm khao khát trở thành một phụ nữ không cần có quan hệ với đàn ông. Sau khi đức Phật quay trở về Kapilavatthu (Ca Tỳ la Vệ), con trai của Pajāpati là Nandā và cháu bà là La Hầu la cả hai đều trở thành tỳ kheo. Không lâu sau đó, Suddhodana (Tịnh Phạn) qua đời. Điều này đã giải thoát cho Pajāpati không còn vướng vào các quan hệ gia đình mà mỗi phụ nữ trong xã hội đó phải gánh chịu để được che chở. Chúng ta thấy giả thuyết này được khẳng định khi xem xét các bài kệ ngôn trong chương này. Phần lớn các tác giả kệ ngôn là những phụ nữ trước kia sống trong hậu cung của Cồ Đàm Sĩ Đạt Ta, những người đã mất ý nghĩa về sự đồng nhất của mình khi người che chở hàng đầu của họ đã bước vào hành trình tinh thần của Ngài.
Tiếp theo, một sự kiện quan trọng khác xảy ra, thậm chí đã đưa thêm nhiều phụ nữ nữa đến cửa Pajāpati. Có cuộc tranh cãi giận dữ nổ ra giữa dòng họ Thích ca với những người hàng xóm của họ thuộc dòng tộc Koliya về quyền lấy nước từ dòng sông chính của vùng này. Cuộc chiến đã xảy ra, trong đó nhiều đàn ông bị giết chết. Một số phụ nữ bị mất chồng đã đến gặp Pajāpati. Những phụ nữ khác đến gặp đức Phật khẩn cầu Ngài cố gắng hòa giải cuộc tranh cãi. Đức Phật không chỉ thuộc dòng họ Thích ca, mà qua Māyā và Pajāpati còn thuộc về cả dòng họ Koliya nữa, Ngài đã có bài giảng đạo truyền đầy cảm hứng. Kết quả là nhiều đàn ông đã từ bỏ đánh nhau và trở thành tỳ kheo Phật giáo. Nhưng điều này làm cho nhiều phụ nữ khác của dòng họ Thích ca và Koliya không có chồng hoặc thiếu quan hệ với đàn ông.
Cả thảy, số phụ nữ đến với Pajāpati vào thời đó lên tới 500 người, con số này từng được cho là rất lớn. Không nghi ngờ gì, một số đơn thuần chỉ đến để được an ủi và giúp đỡ, một số khác đến để giải quyết những quyết định về sinh đẻ, đau khổ hay cái chết, còn một số khác đi tìm gia đình mới với những phụ nữ mà họ tin tưởng và chia sẻ kinh nghiệm. Nỗi khao khát của những phụ nữ này, dù dưới bất kỳ hình thức nào, đều trở thành khát vọng tinh thần của họ. Tất cả đều có chuyện riêng của mình, phần lớn họ đánh mất chúng, và có kinh nghiệm cụ thể của cái mà đức Phật gọi là “Sự thật cao quý đầu tiên”. Điều này là động cơ khích lệ họ cùng Pajāpati tham gia vào con đường mới và căn bản mà bà đã gợi ra cho họ.
Pajāpati nhận ra sự kết hợp hùng mạnh các sự kiện với con người. Là một phụ nữ lớn tuổi, nhưng rất có ảnh hưởng, không còn những trách nhiệm trần tục nữa, bà được những người vợ góa, phụ nữ quý tộc, các vũ nữ và nhạc công vây quanh. Vì thiếu bà con thân thích khác trong dòng họ, những phụ nữ này đã quay lại với bà và cứ thế người nọ nối theo người kia. Nắm lấy cơ hội này, Pajāpati quyết định mở một khóa học được kể lại trong Cullavagga dưới đây:
Bấy giờ vào lúc đức Phật ở giữa những người thuộc dòng họ Thích ca ở Kapilavatthu (Ca Tỳ la Vệ) trong tu viện Banyan. Bà Mahāpajāpati Gotamī tìm đến đức Phật, tiến lại gần, quỳ gối khom lưng kính cẩn chào và nói với Ngài: “Thưa Đấng tối thượng, thực là tốt nếu phụ nữ được phép xuất gia tu đạo theo cách không nhà của đức Như Lai”.
“Đủ rồi, Gotamī hỡi! Đừng để tâm lo cho những người phụ nữ được phép làm điều này nữa”.
[Lần thứ hai và thứ ba, Phật tử nữ Pajāpati lặp lại điều cầu khẩn với lời lẽ như nhau, và đều nhận được một câu trả lời như thế]. Nghĩ rằng đức Thế Tôn không muốn cho phép phụ nữ xuất gia, bà khom lưng quỳ gối lạy Ngài, đứng sang bên phải và ra về mắt đầy lệ.
Sau đó đức Thế Tôn sống ở Vesali. Pajāpati đã cắt tóc của mình, khoác y cà sa màu vàng và đi về Vesali cùng với một số phụ nữ khác của dòng họ Thích ca. Bà đến tòa sảnh đường Kutagava ở trong khu rừng lớn với đôi bàn chân sưng phồng và mình đầy cát bụi. Đẫm nước mắt, bà đứng bên ngoài sảnh đường.
Nhìn thấy bà, Tôn giả Ānanda hỏi: “Sao mẹ lại khóc?”. “Ānanda ơi, vì đức Thế Tôn không cho phép phụ nữ được xuất gia tu đạo và tham gia học Pháp môn Tathagata”.
Thế là Tôn giả Ānanda đến chỗ đức Phật, quỳ gối đảnh lễ Ngài và ngồi sang một bên, ông nói: “Pajāpati đang đứng bên ngoài, dưới mái hiên cổng vào với đôi chân sưng phồng, mình đầy bụi đất và khóc than vì Ngài không cho phép phụ nữ xuất gia tu đạo theo cách không nhà. Thưa đức tối thượng, thật là tốt nếu phụ nữ được phép tu hành”!
“Đủ rồi, Ānanda! Đừng để tâm lo cho phụ nữ được phép làm điều này nữa!” [Lần thứ hai rồi lần thứ ba Ānanda khẩn cầu với những lời lẽ như vậy và đều nhận được câu trả lời như nhau]
Rồi Ānanda nghĩ: “Đức thế Tôn không cho phép của Ngài. Vậy ta hãy thử hỏi theo cách khác. “Thưa đức Tối thượng, phụ nữ khi xuất gia có thể mơ thấy chứng quả, khi trở về hay không trở về, có chứng đạt được quả A-la-hán không?”
“Được, Ānanda ạ, họ có thể!”
“Vậy nếu có khả năng chứng ngộ sự hoàn mỹ, vì Pajāpati đã phục vụ, tôn kính Ngài, là vú mẫu, mẹ nuôi dưỡng Ngài khi mẹ đẻ của Ngài qua đời, bà ấy đã cho Ngài bú từ bầu sữa của mình. Vậy sẽ là tốt nếu phụ nữ được phép xuất gia?”
“Ānanda, nếu vậy bà Pajāpati phải chấp nhận tám kinh pháp đặc biệt, chúng được tính như là lễ thọ giáo của bà ấy”
Phải chứng tỏ cho đức Phật thấy là Pajāpati và nhóm phụ nữ đi theo bà đã đi bộ vượt 150 dặm bằng chân đất, đầu cạo trọc và mặc y cà sa màu vàng của người được thọ giáo, không được phép trả lời ”không” cho mọi câu hỏi. Tầm nhìn của những phụ nữ này và sự chân thành không gì lay chuyển nổi của họ phải gây được ấn tượng mạnh mẽ, và không chỉ tác động đến người dễ xúc cảm như Ānanda. Quyết tâm của họ là táo bạo trong nền văn hóa nơi mà địa vị khiêm nhường và thái độ phục tòng là những nét đáng quý nhất ở phụ nữ. Có lẽ tám kinh pháp đặc biệt này, mà sự chấp thuận chúng là điều kiện tiên quyết để phụ nữ được thọ giáo, là bức tường chắn chống lại những nguy cơ có thể xảy ra trong tương lai. Mặc dầu tám kinh pháp đặc biệt này đã loại phụ nữ vào hàng thứ yếu, nhưng Pajāpati chấp nhận chúng để đạt được mục đích hàng đầu của mình là thành lập hội đoàn tỳ kheo ni.
Sau này, trong một câu chuyện ít được nhắc tới, Pajāpati quay trở về với một yêu cầu xa hơn. Việc thực hiện yêu cầu này của bà có thể đã hủy bỏ kinh pháp đặc biệt thứ nhất là buộc một Trưởng lão Ni phải quỳ gối chào trước một vị tỳ kheo ít kinh nghiệm nhất, bằng cách ấy bà cũng đã cắt xén bớt bảy kinh pháp đặc biệt khác:
“Ānanda này, tôi xin với đức Thế Tôn một điều. Tốt nhất là đức Thế Tôn có thể cho phép đứng chào nhau trước người khác để tỏ lòng tôn kính của mình, và thực hiện đứng các nghĩa vụ của mình để có vị thế bình đẳng giữa tỳ kheo và tỳ kheo ni cho hợp với tuổi đạo” [Và Tôn giả Ānanda đã đến chỗ đức Thế Tôn nhắc lại lời của Bà cho Ngài nghe].
“Ānanda, điều này không thể được đâu. Ta không thể cho phép được. Thậm chí những người thày của Đạo tà Pháp cũng không cho phép có lối cư xử như vậy với phụ nữ. Vậy làm sao Đạo của Như Lai có thể cho phép ít hơn thế được?”
Trong ý đồ của Pajāpati muốn thay đổi Kinh pháp đặc biệt thứ nhất có sự phần biệt đối xử giới tính rõ ràng nhất, chúng ta có thể hiểu rằng bà không có cảm tình với sự phân biệt đối xử thể hiện trong Kinh pháp này. Yêu cầu của bà cũng chỉ ra một định hướng mang tính dân chủ triệt để. Đó cũng là lúc mà thậm chí người Hy Lạp cổ đại cũng công nhận đã tìm ra quy tắc dân chủ, họ chỉ cho phép đàn ông tự do (những người không phải là nô lệ) được có đặc quyền công dân.
Đáng tiếc, đó là tất cả những gì mà chúng ta nghe được về chính kiến của hội chúng tỳ kheo ni đầu tiên. Nhưng chúng ta biết được nhiều hơn về Pajāpati. Sau khi thọ giới, bà được học tu thiền quán và nhờ đó đã có thể chứng đắc Ba la mật đa. Bà viết: “Tôi đã đạt trạng thái mà ở đó mọi thứ đều dừng lại”, đó là Niết Bàn, dập tắt các ý nghĩ, tình cảm, ý thức. Sự chứng đạt này đồng nghĩa với Niết Bàn, sự thấu triệt tuyệt đỉnh.
Khi đến một trăm hai mươi tuổi, Pajāpati biết rằng thời khắc cái chết của mình đến gần. Mặc dù giới tu hành quy định không cho phép tỳ kheo ni khi ốm được có tỳ kheo đến thăm, Pajāpati yêu cầu con trai bà đến với bà, và khi đến thăm bà, đức Phật thực sự đã thay đổi kinh pháp này. Khi bà viên tịch, các phép màu đã xảy ra cả khi hỏa thiêu bà, và sau này cũng được cho là bình đẳng, và khi đức Phật nhập diệt. Rõ ràng, tăng đoàn già nguyên thủy đã đánh giá Pajāpati là một người đặc biệt ngoại lệ.
Chúng ta có thể coi Pajāpati và chị gái bà là Māyā, người mà bà nhắc tới trong kệ ngôn của mình như là “Những người Mẹ vĩ đại” của truyền thống Phật giáo. Đối với Māyā, mẹ của đức Phật, đây là sự mệnh danh hiển nhiên. Nhưng nó cũng là sự miêu tả bình đẳng thích hợp với Pajāpati, người đã đi qua vô số cuộc đời và số phận để biết về các mối quan hệ: người mẹ, người con trai, người cha, người anh trai và người cháu. Mahāpajāpati Gotamī rõ ràng là một “linh hồn già”, bà có trong mình bề rộng trải nghiệm, cái làm cho bà trở thành người Mẹ sáng lập ra Phật giáo.
Bậc Giác ngộ anh hùng,
Con xin đảnh lễ Ngài,
Ngài là bậc Tối thượng,
Giữa muôn loài chúng sinh,
Đã giải khổ cho ta,
Cùng biết bao người khác.
Biết rõ mọi khổ đau,
Gột sạch nhân khát ái,
Tu tập Bát Chính Đạo,
Đoạn tận ta chứng ngộ.
Trước ta từng là mẹ,
Là con và cha, anh,
Là ông bà nội, ngoại.
Đời sống trước là vậy,
Do không biết sự thật,
Luân hồi không tìm gặp.
Nay gặp đức Thế Tôn,
Thân này thân tối hậu,
Sinh tử nay đoạn tận,
Hiện chẳng còn tái sinh.
Siêng, tinh cần, nỗ lực,
Và tinh tấn luyện tu,
Cùng các đệ tử Phật,
Tôn kính đảnh lễ Ngài.
Vì hạnh phúc muôn người,
Māyā sinh Cồ Đàm,
Giải tỏa hết khổ đau,
Cho người bệnh tật, chết.
Trích: "Những nữ Phật tử đầu tiên" Dịch từ nguyên bản tiếng Anh Người dịch: Tiến sĩ Ngữ văn Mai Văn Tỉnh Hiệu đính: Tiến sĩ Tỳ kheo ni Liễu Pháp Hà Nội – 2015 - Nhà Xuất bản Phụ Nữ
Bình luận (0)