Điểm tương đồng về niềm tin trong triết học của Kant với Phật giáo nằm ở sự nhận thức qua các hệ giá trị đạo đức của một người thực hành đức tin tôn giáo mang lại.
Thích Duy Tuệ Học viên Cao học - Học viện PGVN tại Tp.HCM
Tóm tắt: Immanuel Kant (1724-1804) là triết gia vĩ đại, người sáng lập ra nền triết học cổ điển Đức. Những tác phẩm của Kant không chỉ chứa đựng nội dung triết học sâu sắc, mà còn phản ánh hệ giá trị nhân văn phổ quát của toàn nhân loại, đó là Chân-Thiện-Mỹ. Mặc dù ở thời đại của mình, Kant không có cơ hội để tiếp cận với triết lý Phật giáo, nhưng các quan điểm về nhân sinh quan, thế giới quan và đặc biệt là đạo đức quan của triết gia người Đức lại có nhiều nét tương đồng với cách lý giải của đạo Phật.
Từ khóa: Kant, Phật giáo, đạo đức, nhận thức,…
1. Nhận thức về Vô ngã
Trong tác phẩm Phê phán lý tính thuần túy, chương 1, phần Các võng luận thuần túy, Kant đã triển khai thuyết Vô ngã (P. anattā, C. 無我) sau khi ông lập luận rằng: Để có một vật thực sự tồn tại khách quan, độc lập thì vật ấy phải có một trực quan trường tồn, và khi nhận ra bản chất vô ngã của vấn đề, ông đã đi đến kết luận cho giả thuyết của mình như sau: “Nhưng trong trực quan bên trong không có gì trường tồn cả, vì cái Tôi chỉ là ý thức về tư duy của tôi thôi...” [1]. Trong một nhận định khác, Kant cho rằng “bất kỳ một bản thể đa hợp nào (zusammengesetzte substanz) cũng đều là một hỗn hợp của nhiều bản thể (aggregat)” [2].
Tương tự, trong kinh điển Phật giáo, thuyết Vô ngã cũng được xây dựng trên quan điểm không có gì tồn tại độc lập, tất cả đều là tập hợp của Năm uẩn (P. Pañca-khandha, C. 五蘊) gồm: sắc, thọ, tưởng, hành và thức. Vì các pháp là một tập hợp nên chúng mang tính chất không bền vững, chịu sự chi phối biến hoại của vô thường. Từ lập luận này, đức Phật đi đến kết luận rằng: “Do vậy, này các Tỷ kheo, phàm sắc gì thuộc quá khứ, vị lai, hiện tại, thuộc nội hay ngoại, thô hay tế, liệt hay thắng, xa hay gần, tất cả các pháp cần phải như thật quán với chính trí tuệ như sau: Cái này không phải của tôi, cái này không phải là tôi, cái này không phải tự ngã của tôi” [3]. Thọ, tưởng, hành, thức cũng tương tự như vậy.
Tựu trung lại, nhận thức về bản thể và cái tôi được Kant triển khai có nhiều nét tương đồng với thuyết Vô ngã trong Phật giáo. Tuy những lập luận của Kant vẫn còn đơn sơ, nhưng về cơ bản chúng đã cho thấy những giá trị phổ quát, tiến bộ về tư duy triết học trong nhận thức của ông.
2. Quan điểm về niềm tin
Trong một tác phẩm có nội dung viết về tôn giáo được xuất bản năm 1793 là Tôn giáo bên trong các ranh giới của lý tính đơn thuần, Kant đã triển khai nhiều vấn đề triết học tôn giáo và phương pháp tiếp cận của một tôn giáo mang tính chất đạo đức thực tiễn. Ông cho rằng “lòng tin vào một tôn giáo của sự phục vụ là một lòng tin hèn hạ và hám lợi, nó không thể được coi là cứu rỗi, bởi vì nó không có đạo đức. Vì đức tin đạo đức phải là một đức tin tự do, được đặt trên những khuynh hướng thuần túy từ con tim” [4].
Từ quan điểm triết học của Kant, có hai vấn đề cần nhận thức rõ như sau: Thứ nhất, con người đến với tôn giáo là phát xuất từ niềm tin của con tim, và niềm tin đó phải được thiết lập trên nền tảng đạo đức chứ không phải từ lòng tin khổ sai, thưởng phạt. Thứ hai, tôn giáo được lựa chọn phải là một tôn giáo có đạo đức. Theo đó, nếu con người đến với tôn giáo chỉ thông qua niềm tin mà không mang lại các giá trị đạo đức cho bản thân mình thì Kant gọi đó là “những hành động chỉ xuất phát từ nỗi sợ hãi hoặc hy vọng, cái mà một con người ác cũng có thể thực hiện” [5].
Điểm tương đồng về niềm tin trong triết học của Kant với Phật giáo nằm ở sự nhận thức qua các hệ giá trị đạo đức của một người thực hành đức tin tôn giáo mang lại. Thuật ngữ Phật học gọi niềm tin là Tín (P. Saddhā, S. Śraddhā, C. 信). Có nhiều cách giải thích khác nhau về niềm tin trong kinh điển Phật giáo. Tuy nhiên, theo cách cô đọng nhất thì niềm tin được xem là căn lành lớn (tín căn), giúp cho người tu học Phật đạt được sự tiến bộ trên con đường thực hành tâm linh. Điểm đặc biệt, cốt lõi của niềm tin Phật giáo là nó được thiết lập trên nền tảng của nhận thức chân chính (chính tri kiến) hay trí tuệ (paññā), đức Phật dạy rằng: “Nếu người có lòng tin mà không có trí tuệ thì người đó có thể thêm lớn vô minh. Nếu có trí tuệ mà không có lòng tin thì người đó có thể thêm lớn tà kiến” [6]. Một luận giải sâu sắc khác khi nói đến cơ sở để thiết lập niềm tin trong Phật giáo được đề cập ở bài Kinh Kālāma như sau: “Này các Kālāma, chớ có tin vì nghe truyền thuyết; chớ có tin vì theo truyền thống; chớ có tin vì nghe theo người ta nói; chớ có tin vì được Kinh Tạng truyền tụng; chớ có tin vì nhân lý luận siêu hình; chớ có tin vì đúng theo một lập trường; chớ có tin vì đánh giá hời hợt những dữ kiện; chớ có tin vì phù hợp với định kiến; chớ có tin vì phát xuất từ nơi có uy quyền, chớ có tin vì vị Sa-môn là bậc đạo sư của mình” [7].
Thông qua đoạn kinh trên, đức Phật muốn khuyến cáo con người không nên vội tin trước bất cứ điều gì, tất cả đều phải dựa trên sự kiểm nghiệm, phân tích của trí tuệ, khi nào tự mình biết rõ “các pháp này là thiện; các pháp này là không đáng chê; các pháp này được người có trí chỉ trích; các pháp này nếu được thực hiện và chấp nhận đưa đến hạnh phúc an lạc” [8], thì lúc đó con người hãy chấp nhận và thực hành theo những điều đó.
Như vậy, tuy có sự khác nhau trong cách lý giải về niềm tin lý trí, nhưng điểm chung ở cả hai trường phái triết học giữa Kant và Phật giáo là đều hướng con người đến một đời sống tâm tinh tốt đẹp được xây dựng dựa trên sự nhận thức chân chính, nhân văn và hợp với đạo đức xã hội.
Xem thêm bài: Quan điểm khai sáng của Sakyamuni và Immanuel Kant3. Quan điểm về vấn đề đạo đức
Có thể khẳng định, đạo đức học (G. ethik, E. ethics) là trung tâm trong hệ thống triết học của Kant, chính ông đã phát biểu như sau: “Hai điều tràn ngập tâm tư với sự ngưỡng mộ và kính sợ luôn luôn mới mẻ và gia tăng mỗi khi nghĩ đến, đó là: bầu trời đầy sao trên đầu tôi và quy luật luân lý ở trong tôi”[9]. Từ nội dung này, Kant đã triển khai học thuyết đạo đức của mình mang nhiều điểm tương đồng với đạo đức học Phật giáo. Trong đó, Kant khẳng định “con người chỉ có một hướng đi duy nhất để tiến lên lãnh vực của riêng mình đó là lãnh vực luân lý và sinh hoạt đạo đức” [10]. Cũng theo Kant, chỉ khi con người sống có nguyên tắc đạo đức thì họ mới đạt được sự tự do (liberum), “không còn bị chi phối bởi cảm giác và nhục dục (…) con người sẽ nhận ra địa vị của mình và của tha nhân”[11].
Sự tự do theo quan niệm đạo đức của Kant không phải là tùy tiện (willkür), muốn làm gì thì làm, mà nó phải dựa trên nguyên tắc: “Hãy hành động sao cho châm ngôn của ý chí bạn lúc nào cũng đồng thời có thể có giá trị như là nguyên tắc của một sự ban bố quy luật phổ biến”[12]. Điều đó có nghĩa là tự do của mỗi cá nhân phải gắn liền với nguyên tắc đạo đức, trái lại, ngoài nguyên tắc đạo đức thì con người sẽ không có tự do. Qua đó, lý tưởng đạo đức mà Kant hướng tới chính là việc xây dựng một mô hình xã hội văn minh, tiến bộ, ở nơi đó hội tụ những con người biết sống và hành động theo các nguyên tắc đạo đức.
Ngang qua cách lý giải trên, quy luật luân lý đạo đức của Kant có nhiều điểm tương đồng với cách giải thích về khái niệm “Giới” (P. Sīla, S. Śīla, C. 戒) trong Phật giáo. Theo đó, giới có nghĩa là kết hợp, vì nó kết hợp ba nghiệp thân khẩu ý hướng tới thánh thiện. Giới có nghĩa là nền tảng, vì nó làm cơ sở cho thiện pháp phát sinh. Giới còn có nghĩa là thanh lương, vì nó khiến cho người giữ giới thân tâm được mát mẻ [13]. Về chức năng của giới có hai nghĩa: Thứ nhất là hành động để ngăn ngừa sự sinh khởi của các hành vi sai trái; thứ hai là thực hành hoàn thiện các việc lành [14]. Như vậy, các nguyên tắc đạo đức của Kant và giới luật Phật giáo đều có chung một mục tiêu là giúp ngăn ngừa các dục vọng, bảo vệ con người trước những thứ xấu xa, và giúp phát huy những giá trị đạo đức tốt đẹp ở con người.
Ngoài ra, mục đích của giáo dục đạo đức theo Kant là không chỉ giúp cho con người trưởng thành về mặt nhân cách, mà còn giáo dục họ phát triển về mặt nhận thức trên hai phương diện “lợi mình và lợi người” qua phương châm sau: “Hãy hành động sao cho việc sử dụng nhân tính nơi bản thân mình cũng như nơi những chủ thể khác luôn luôn như một mục đích chứ không phải như là một phương tiện” [15]. Có thể nói, phương châm “lợi mình, lợi người” của Kant hoàn toàn phù hợp với lý tưởng tu tập của những hành giả Phật giáo.
Tổng kết, dù vẫn còn những hạn chế về mặt lý luận, nhưng xét trên phương diện tổng thể thì triết học đạo đức của Kant hoàn toàn phù hợp với đạo đức học Phật giáo. Đồng quan điểm với người viết, một học giả khi nghiên cứu về triết học của Kant và Phật giáo cũng đi đến kết luận tương tự: “Phật giáo có cùng mục tiêu với Kant về vai trò của tôn giáo trong việc nuôi dưỡng những con người có đạo đức, và gốc rễ của mỗi tôn giáo là tăng cường quyền tự chủ của mỗi cá nhân (…) Phật giáo là tôn giáo hiện hữu gần nhất với tôn giáo lý tưởng của Kant” [16].
4. Kết luận
Dù không có cơ hội để tiếp cận với hệ thống kinh điển Phật giáo, nhưng điều trùng hợp là các quan điểm triết học của Kant (ở thời kỳ phê phán) lại có nhiều nét tương đồng với cách lý giải của đạo Phật, nhất là ở khía cạnh nhận thức và đạo đức học. Theo đó, Kant đã bắt đầu hành trình truy tìm hạnh phúc cho con người bằng cách xem con người là chủ thể nhận thức, giúp con người tìm lại chỗ đứng xứng đáng của mình trong thế giới bằng cách đưa họ về đúng quỹ đạo của ba giá trị vĩnh cửu là Chân - Thiện - Mỹ. Chính sự tiến bộ trong nhận thức đã đưa triết học của Kant đến gần với Phật giáo.
Từ góc độ so sánh triết học Đông - Tây, có thể nói, dù phương pháp tiếp cận vấn đề khác nhau, tư duy khác nhau, cách giải thích khác nhau, nhưng triết học Kant và Phật giáo có thể gặp nhau ở những điểm cơ bản về ý nghĩa cũng như mục đích của triết học là truy tìm sự tự do và hạnh phúc cho con người. Trong nghiên cứu này còn cho thấy thế mạnh của triết học Phật giáo là nằm ở tính ứng dụng của hệ thống triết thuyết, với các kỹ năng giúp chuyển hóa nội tâm nhằm tìm hiểu và làm chủ chính bản thân mình, điều mà triết học phương Tây đang thiếu để giúp con người giải quyết những bế tắc và sự mất cân bằng trong cuộc sống, dù có đời sống vật chất của họ được thỏa mãn đầy đủ.
Thích Duy Tuệ Học viên Cao học tại Học viện PGVN tại Tp.HCM ***Chú thích: [1] Immanuel Kant (2004), Phê phán lý tính thuần túy, tr. 663. [2] Immanuel Kant (2004), Phê phán lý tính thuần túy, tr. 691. [3] Kinh Tương ưng bộ, tập I, tr. 695. [4] Allen Wood & George Di Giovanni (ed. & trans.) (1998), Religion within the Boundaries of Mere Reason, p. 122. [5] Allen Wood & George Di Giovanni (ed. & trans.) (1998), Religion within the Boundaries of Mere Reason, pp. 122-123. [6] Kinh Đại bát niết bàn, tr. 735. [7] Kinh Tăng chi bộ, tập I, tr. 219. [8] Kinh Tăng chi bộ, tập I, tr. 222-223. [9] Immanuel Kant (2020), Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học), tr. 278. [10] Trần Thái Đỉnh (2018), Triết học I. Kant, tr. 35. [12] Immanuel Kant (1985), Grounding for the Metaphysics of Morals, p. 30. [13] Thanh tịnh đạo, tập 1, tr. 24-26. [15] Immanuel Kant (1985), Grounding for the Metaphysics of Morals, p. 36. [16] Whitney Grimm (2021), Kant the Buddhist: An Analysis of Kantian Ethics, Metaphysics, and Philosophy of Religion in the Context of Christianity and Buddhism", p. 5.
TÀI LIỆU THAM KHẢO I. Nguồn chính Kinh Đại bát niết bàn, Sa-môn Thích Tịnh Hạnh dịch (2000), Hội Văn Hóa Giáo Dục Linh Sơn Đài Bắc - Taiwan. Kinh Tăng chi bộ, Thích Minh Châu dịch (2015), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Kinh Tương ưng bộ, Thích Minh Châu dịch (2016), NXB. Tôn giáo, Hà Nội. Thanh tịnh đạo, Thích nữ Trí Hải dịch (2020), NXB. Hồng Đức, Hà Nội. II. Nguồn phụ Grimm, Whitney (2021), “Kant the Buddhist: An Analysis of Kantian Ethics, Metaphysics, and Philosophy of Religion in the Context of Christianity and Buddhism”, Honors Program Theses, Rollins College. Hóa, Huế. Kant, Immanuel (1985), Grounding for the Metaphysics of Morals, James W. Ellington trans., Hackett Publishing Company, United States. Kant, Immanuel (2004), Phê phán lý tính thuần túy, Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB. Văn Học, Hà Nội. Kant, Immanuel (2007), Phê phán lý tính thực hành (Đạo đức học), Bùi Văn Nam Sơn dịch và chú giải, NXB. Tri Thức, Hà Nội. Nguyễn Tiến Dũng (2006), Lịch sử triết học phương Tây, NXB. Tổng hợp TP. Hồ Chí Minh. Nguyễn Vân Hạnh (2016), “Chủ thể nhận thức trong triết học Immanuel Kant”, Tạp chí Thông tin Khoa học xã hội, số 5 (401), tr. 11-18. Thích Trung Định (2020), Tam vô lậu học qua kinh tạng Pali, NXB. Thuận Trần Thái Đỉnh (2018), Triết học I. Kant, NXB. Văn hóa Thông tin, Hà Nội. Wood, Allen & George Di Giovanni (ed. and trans.) (1998), Religion within the Boundaries of Mere Reason, Cambridge University Press, United Kingdom.
Bình luận (0)