1. Khái niệm “giỗ”
Theo “Đại Nam Quấc âm tự vị” của Huỳnh Tịnh Của (Imprimerie Rey, CURIOL & Cie xuất bản, Sài Gòn, 1895-1896) (là cuốn từ điển đơn ngữ tiếng Việt đúng nghĩa đầu tiên của Việt Nam, ra đời trong điều kiện câu văn Quốc ngữ còn đang từng bước đi vào sinh hoạt văn hóa một cách chưa hoàn toàn ổn định):
Giỗ hay còn gọi là “Kị cơm”, là lễ cúng cơm cho vong hồn, cho người chết, mà nhắc việc dưỡng nuôi như khi còn sống. Giỗ là từ thuần Việt, bởi từ Hán “giỗ” được gọi là kỵ thần - ngày tưởng nhớ đến người chết.
Giỗ được cho rằng có nguồn gốc trong Nho giáo, được nhắc tới trong Hiếu kinh:
"Xuân thu tế tự, dĩ thời tư chi. Sinh sự ái kính, tử sự ai thích, sinh dân chi bản tận hĩ, tử sinh chi nghĩa bị hĩ, hiếu tử chi sự thân chung hĩ.”
Tạm dịch:
Xuân thu lo cúng tế, để tưởng nhớ (người đã khuất). Khi cha mẹ còn sống thì phụng sự trong yêu kính, (khi cha mẹ) qua đời thì thờ phụng trong thương xót, việc này là gốc rễ của dân chúng; đạo lý (phụng sự cha mẹ) sống chết đầy đủ là vậy, việc thờ phụng cha mẹ trọn đạo của người con hiếu thảo là vậy.
2. Khái niệm 49 ngày
Khái niệm này được cho rằng có nguồn gốc từ dân gian Trung Hoa. Người Trung Hoa xưa quan niệm con người có 3 hồn 7 vía (tam hồn thất phách).
Khi con người qua đời, mỗi tuần sẽ mất đi một vía, hết 7 tuần (tức 49 ngày) là hết 7 vía. Tổng cộng là mất tất cả 49 ngày.
Trong quá trình đó, mỗi tuần sẽ cúng cơm, được gọi là cúng thất. Và ngày 49, gọi là giỗ 49 ngày được quan niệm là người khuất đã tan biến hết hồn vía, đầu thai sang một kiếp sống khác.
Quan niệm Phật giáo và khái niệm Thân trung ấm
Trong Phật giáo Nam truyền, không có khái niệm 49 ngày, hay Thân trung ấm, rất nhiều bài kinh thuộc Tăng Chi bộ (Anguttara Nikaya) có nói đến nhiều cõi sống và sự chuyển tiếp bởi nghiệp mà không có quãng trung gian chờ đợi nào.
Các bài giảng trong bộ Nikaya (như Tăng Chi bộ, Trung Bộ,…) và Kinh MILINDA PANHA cũng nhắc tới tái sinh chỉ tồn tại duy nhất trong 1 niệm, có nghĩa rằng là khi một người thân hoại mạng chung, lập tức tái sinh theo nghiệp thức.
Thực chất, khái niệm Thân trung âm là xuất phát từ phái Phật giáo Bắc truyền tại Trung Hoa. Chúng ta cần lưu ý về nghiên cứu này, Phật giáo Bắc truyền xuất hiện tại Ấn Độ rồi lan dần sang các lãnh thổ khác như Tây Tạng, Trung Hoa, Nhật Bản,… trong khoảng gần đầu CN. Trong quá trình hình thành, lan truyền trường phái này, không có sự xuất hiện của khái niệm 49 ngày hay Thân trung ấm, mà chỉ cho tới khi sang đến Trung Hoa, dung hoà với giáo lý truyền thống tại đây mà hình thành ra 2 khái niệm này.
Từ đó, nhờ sức ảnh hưởng mạnh mẽ của Trung Hoa lên các vùng lãnh thổ lân cận và dòng chảy giao thoa văn hoá lịch sử, mà 2 khái niệm này được truyền sang những nước khác theo phương diện giáo lý Phật giáo Bắc truyền (Đại thừa).
Khi Phật giáo đến với Trung Hoa thời gian đầu, sự xung đột là rất lớn giữa Phật giáo với Nho giáo và Đạo giáo. Những tu sĩ Phật giáo không thể nào bài trừ một cách mạnh mẽ những giáo lý cổ truyền tại đất nước này, thay vào đó, họ bắt buộc phải trở nên hoà nhập, hay gọi là sự “đồng hoá” một phần. Nếu Phật giáo không tìm cách dung hoà và lý giải những hiện tượng ở Trung Hoa bằng sự nương nhờ những triết lý đạo lớn sẵn có, thì gần như Phật giáo không thể đi sâu vào người dân đất nước này.
Chính sự “đồng hoá” đó mà chúng ta có khái niệm về Thân trung ấm. Ý niệm mỗi tuần mất 1 vía được xem như có nguồn gốc của dân gian Trung Hoa, và vì có quãng thời gian “siêu thoát” dần dần cho tới siêu thoát hoàn toàn sau 49 ngày, cho nên, Phật giáo Bắc truyền tại Trung Hoa đã giải thích rằng vong linh tồn tại dưới dạng đó gọi là “Thân trung ấm”.
Thân trung ấm là thân trung gian trước khi tái sinh, “trung” trong từ trung gian, trung chuyển; “ấm” trong từ ngũ ấm. Với nhiều nơi, khái niệm Thân trung ấm cũng được xem như một phần nguyên do dẫn tới hình thành khái niệm “Địa phủ”. Người Trung Hoa xưa, và kể cả Phật giáo Trung Hoa lẫn Đạo giáo, cho rằng vì đã có thân (thân trung ấm), tức phải có nơi để thân đó trú ngụ. Và nơi “tạm trú” này chính là Địa phủ.
Địa phủ là thuật ngữ nói tới cõi âm, nơi linh hồn người chết trú tạm trong thời gian chờ đợi tái sinh, tại đây có vị cai quản được gọi là “Diêm vương”, chịu trách nhiệm phán quyết sự đầu thai của những linh hồn tại đây.
Những khái niệm này mang tính đặc trưng của đất nước Trung Hoa, không phải là những thuyết được nhắc tới trong Phật giáo Nam truyền
3. Sự hình thành tập tục đốt vàng mã
Trong chương Hiếu Trị của Hiếu Kinh, đức Khổng Tử dạy học trò mình rằng khi cha mẹ còn sống thì cần phụng dưỡng, khi cha mẹ không còn thì cúng tế để hương linh cha mẹ được nhận lễ vật. Sự cúng tế báo hiếu được cho là có xuất phát từ Nho giáo, một vài ghi chép cho rằng thuở sơ khai, người dân sử dụng tiền thật, đồ thật để đốt, nhưng theo thời gian vì có quá nhiều bất tiện nên hình thành tiền âm phủ, đồ mã để biểu trưng cho lòng hiếu thảo.
Về sau, Đạo giáo mở rộng thêm bằng cách vẽ bùa lên các vật cúng (Hoặc sớ).
Kết bài
Ngày nay, nhiều ý niệm không còn chính xác như vong linh thương nhớ con cháu nên sau 49 ngày mới siêu; cúng cơm, đốt vàng mã để “xin” sự an lành, tránh tai hoạ mà không tìm hiểu nguồn gốc chữ hiếu của Nho giáo.
Vì vậy, chúng ta không nên quá khích trong việc bài trừ một tập tục thói quen, mà phải cần kết hợp việc phổ biến rộng rãi cho nhiều người thực hành hiểu được nguồn gốc, ý niệm.
Tác giả: Phạm Tuấn Minh
***
Tài liệu tham khảo
1. Thực hành văn hoá tín ngưỡng Việt Nam, Nguyễn Hạnh, NXB Trẻ, 2023
2. Kinh Nikaya, Dịch giả: Hoà thượng Thích Minh Châu
Bình luận (0)