Ngôi chùa làng nằm nem nép mình trong một rừng cây nào là dầu, sao, …cây to cây nhỏ xen lẫn chằng chịt. Thấp thoáng từ xa ta có thể nhìn thấy mái vòm chính điện với hình tượng đầu rồng ở các góc, các họa tiết đặc sắc cùng với màu vàng son đón ánh nắng đầu ngày càng làm tăng sự nổi bật của nó trong lòng màu xanh thắm của lá cây.
Những ngọn tháp to nhỏ kế cận sừng sững chỉa ngọn lên trời. Đứng trong khuôn viên chùa sẽ cho ta cảm giác tĩnh lặng, tâm hồn trở nên lắng dịu và pha lẫn vào đó một sự huyền bí khó có thể nói bằng lời.
Giờ này mới hơn bảy giờ, ông Lục đã chấp tác xong buổi sáng trở bước về phòng để học kinh, vị sư nào đảm trách việc dạy chữ thì chuẩn bị sách vở để lên lớp. Lớp học bắt đầu trong mùa hè, khi đó các em học sinh đã kết thúc chương trình học ở trường sẽ quay sang học chữ Khmer ở chùa. Chỉ những ngày Rằm và ngày cuối tháng các em được nghỉ nhưng có đứa vẫn theo ba mẹ đem cơm vào chùa chứ chẳng chịu ở nhà.
Mặc dù thời gian học ở đây không bao lâu nhưng nếu em nào chịu khó cần mẫn thì qua các mùa hè cũng sẽ tích cóp được một mớ kiến thức cũng như cách đọc, cách viết chữ. Bởi vì, người Khmer chúng tôi hiếm có ai đọc thông viết thạo chữ dân tộc ngoại trừ các vị sư đã được tu học. Việc dạy chữ ở chùa cũng là một trong các cách giữ lửa để gìn giữ tiếng nói, chữ viết riêng của dân tộc Khmer.
Từ những ngày thơ bé, không chỉ riêng tôi hầu như những đứa trẻ người Khmer nào khi lớn lên đều được gia đình hướng đến Đạo. Chúng tôi đã được dẫn dắt về chùa từ những ngày còn ẵm trên tay để rồi sau đó không cần ai bảo ban nữa, mỗi dịp lễ tết hay ngày hội mà chùa tổ chức, chúng tôi đòi ba mẹ đưa đi hoặc năm bảy đứa cùng trang lứa rủ nhau đến chùa. Điều đó đã trở thành một thói quen, nó tựa như hơi thở và sự sống của chúng tôi.
Mỗi dịp hè đến chúng tôi còn có thêm niềm vui là được vào chùa học chữ do các vị sư thay phiên nhau dạy. Bọn trẻ chúng tôi học khá đông, lúc đó nhà đứa nào đứa nấy cũng nghèo mà ba mẹ phải đi làm công, làm ruộng ngoài đồng nên việc để chúng tôi vào chùa học cũng đỡ một công đôi chuyện.
Ngoài việc học chữ, các sư còn dạy chúng tôi mấy bài kinh tương đối dễ học, vừa sức với bọn con nít. Tôi nhớ bài kinh đầu tiên sư dạy là bài lễ bái Tam bảo và khi chúng tôi đã thuộc làu rồi thì đầu mỗi buổi học khi đã ổn định chỗ ngồi, sư thầy cũng ngồi chấp tay cùng chúng tôi đọc bài kinh ấy, xong xuôi thầy mới bắt đầu bài học. Rồi những hôm sau, hôm sau nữa cứ dạy xong bài thầy lại dạy một đoạn kinh khác nếu như bài kinh ấy khó và dài.
Tuổi con nít thì lúc nào cũng rầm rầm rộ rộ những trò chơi tinh nghịch, những lúc ấy sư chỉ mỉm cười và nhẹ nhàng bảo đừng quậy phá nữa thôi, mặc dù cái cây trên tay sư cầm rất dài nhưng chỉ dành để chỉ bảng chứ chưa hề đánh chúng tôi một roi nào.
Có hôm được sư cả lên lớp chúng tôi như tự biết mình, chẳng đứa nào giở trò ma lanh nữa mà khép nép vâng lời một cách lạ lùng. Tôi nhìn chằm chằm vào chiếc y trên người sư, một màu vàng tươi tắn như có một mãnh lực nào đó khiến tôi cứ dán mắt vào nó thật lâu. Một sự ấm áp thật lạ lẫm làm sao.
Cuối buổi học hôm đó lại còn được sư cho bánh kẹo, sư bảo của phật tử cúng dường nên dành phần cho tụi khỉ chúng tôi làm quà. Đương nhiên là bọn tôi chẳng đứa nào từ chối, quà đã cầm trên tay thì mạnh đứa nào đứa nấy cứ nhai lổm ngổm đầy miệng. Một kí ức chẳng dễ gì phai phôi.
Có học phải có thi, sư cả tổ chức kì thi cuối khóa cho chúng tôi để xem thành tích học tập bấy lâu và xếp hạng phát thưởng, khi đó là đã sắp hết mùa hè. Vào đêm Tằm tháng Tám cùng với việc tổ chức dâng đèn cầy và dâng y, chúng tôi cũng được nhận ké phần thưởng nho nhỏ từ sư cả cho những ai có điểm số cao trong kì thi kết thúc lớp học hè này.
Nhưng hầu hết tất cả đều được nhận thưởng không nhiều thì ít, sư nói đó là phần thưởng của sự ham học mặc dù điểm số của các bạn ấy không cao. Đêm hôm ấy vui biết chừng nào, tất cả các sư trong chùa hội họp đông đủ còn có các phật tử xa gần.
Những cụ già với chiếc áo trắng tinh và cái khăn trắng vắt chéo qua mình ngồi chắp tay cung kính các sư, bọn trẻ chúng tôi cũng được dạy như thế. Bây giờ khi nhớ đến tôi cảm giác được một nét đẹp văn hóa đã hiện rõ trong từng cử chỉ và hành động của đêm hôm ấy.
Tuổi thơ tôi đi qua như thế đó, một điều gì đó êm đềm lặng thầm trong tôi, nó là một mạch nguồn cảm xúc không phai nhạt bao giờ. Bọn trẻ năm ấy giờ đã lớn khôn, mỗi đứa mỗi nơi lo kế mưu sinh giữa đời. Còn tôi mỗi lần đến chùa, đôi mắt tôi luôn nhìn về nơi đã từng nuôi nấng tâm hồn một thời bé con.
Nơi đó giờ đây các em nhỏ đang tiếp gót chúng tôi, những gương mặt hồn nhiên tươi sáng. Chợt chạnh lòng tôi như còn trông thấy buổi học những ngày xửa ngày xưa, miệng niệm thầm: Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhasa.
Tác giả: Kim Thị Thu Địa chỉ: Trường Tiểu học Kim Hòa B, Kim Hòa, Cầu Ngang, Trà Vinh
* Namo Tassa Bhavagato Arahato Samma Sambuddhasa: Câu kệ lễ Phật có nghĩa là "Con đem hết lòng thành kính làm lễ đức Bhagava đó, Ngài là bậc Araham cao thượng, được chứng quả chính biến tri do Ngài tự ngộ không thầy chỉ dạy".
Bình luận (0)