Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh Hội Văn học Tp.Uông Bí - Quảng Ninh
Thật trùng hợp hy hữu, ngày Đản sinh, ngày Xuất gia và ngày Thành đạo của đức Bổn sư Thích Ca Mâu Ni đều là ngày mồng Tám. Xác suất trùng hợp này, theo tín ngưỡng dân gian khiến nhiều người suy ngẫm. Nói và viết về đức Từ Phụ, hàng ngàn năm qua, các tổ thầy cũng như không ít học giả viết và nghiên cứu về Phật giáo đã đề cập khá nhiều và đầy đủ về đức Bồn sư.
Nhân ngày Phật Thành đạo năm nay, chúng ta thấy sự kiện thiêng liêng này cũng sẽ diễn ra gần kề với ngày đón Tết Dương lịch 2023. Theo các Tổ thầy dạy, “đừng lấy thế trí biện thông mà đo lường phật pháp”; bởi nếu chúng ta dùng suy lường tri giải cực đoan thì đều dẫn đến ngày càng xa Pháp, xa sự thật”.
Nhớ ngày Thành đạo, chúng ta hồi hướng về Đức Từ Phụ bằng lòng tin, đức tin và trí tuệ. Vâng theo lời Phật dạy của Ngài, Duy Tuệ Thị Nghiệp, chỉ có trí tuệ mới hiểu được Phật pháp vi diệu. Đạo Phật là đạo của tuệ tri. Tu là sửa cái xấu ngay tại Ngôi nhà tâm của chính mình. Người tu hành làm việc gì cũng cần phải nghĩ đến nhân quả. Đến với đạo Phật bằng tín ngưỡng chưa đủ, mà phải có trí tuệ nữa mới dứt khổ!
Tín ngưỡng chưa đủ khả năng xóa tan mê lầm, vô minh nhiều đời nhiều kiếp. Đạo Phật coi trọng tinh thần của tự lực, hơn tha lực, bởi chỉ có tự lực của tâm thành, trí tuệ đích thực, mới tiếp cận được chính pháp.
Trong bài viết "Yếu chỉ phật pháp" - Thiền sư Duy Lực đề cập tới một số vấn đề về phật pháp. Ở đây, chúng tôi chỉ xin nêu ra một vài khía cạnh về tôn giáo mà thiền sư Duy Lực trích dẫn trong "trang Phật học" qua cuốn "Tôn giáo của nhận loại" của tác giả: Hoiston Smith - Giáo sư người Mỹ, ông đưa ra 6 yếu tố quy tụ căn bản của Tôn giáo nhân loại. Đề cập về nội dung của 6 yếu tố căn bản này, chúng tôi đã có dịp nói tới ở một số bài viết trên trang Phật giáo gần đây. Nhân ngày Phật Thành đạo, xin đươc nhắc lại 6 yếu tố này. Từ góc nhìn của người nghiên cứu tôn giáo nói chung. Hoiston Smith cho rằng: "Tất cả tôn giáo trên thế giới đều gom tụ 6 yếu tố:1- Quyền uy 2- Nghi thức 3- Tri giải suy lường 4- Truyền thống 5- Thần trị và ân điển 6- Huyền bí.
"Về tôn giáo của nhân loại, 6 yếu tố này đã phát huy được tác dụng quan trọng của nó. Nhưng mọi yếu tố đều có thể bị mất đi sự khống chế mà nảy sinh tệ đoan, tệ đoan này khiến thực trạng của tôn giáo ngày một hoang tàn, từ sai lầm dẫn đến chỉ quanh quẩn nơi mê tín".
Khi đề cập về giáo lý đạo Phật (qua nghiên cứu tôn giáo nhân loại) Giáo sư Huston Smith cho rằng: "Phật Thích Ca quyết tâm rửa sạch khoảng đất hoang tàn này và Phật giáo đối với 6 yếu tố trên chẳng hề có sự liên quan nên khiến người đời kinh sợ. Bởi vì theo thói quan sát của người đời thì hễ tôn giáo nào thiếu mất sáu yếu tố trên đều chẳng thể tồn tại. Nhưng sự thật lại được chứng minh cụ thể như sau:
- Đức Phật hoằng dương một tôn giáo chẳng có: “Quyền uy; chẳng (câu lệ) Nghi thức; chẳng dùng tư tưởng suy lường tri giải; vô truyền thống (tức truyền thống hủ lậu) và một tôn giáo chẳng có huyền bí".
Từ 6 yếu nêu trên, nhân ngày Thành đạo (8/12) năm nay, chúng tôi muốn nêu thêm bài viết của sư Ông Thanh Từ đề cập qua bài viết "Những sai lầm thường gặp của một số phật tử về Phật giáo.
Theo sư Ông Trúc lâm Thanh Từ: “Một bên nặng về phần tín ngưỡng, thiên về hình thức cung kính, quên nặng phần tự tu, không chịu học hỏi giáo lý. Một bên thiên về triết lý, chú mục vào lý luận, bỏ sót phần tín ngưỡng”.
“Phật giáo còn tồn tại đến ngày nay là do bao trùm cả triết lý và tín ngưỡng. Nếu bỏ mất một trong hai phần thì Phật giáo không còn là Phật giáo nữa. Cho nên những người chấp một cách cực đoan trong hai thái độ trên đều là sai lầm”. Để chỉ ra những thái độ cực đoan sư Ông cho rằng:
Những sai lầm thường gặp của các phật tử bình dân.
"Người Phật tử bình dân vì thiếu phương tiện học hỏi chính pháp nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Người tu theo đạo Phật phải có tinh thần để cải đổi những tâm niệm, hành vi, ngôn ngữ sai lầm trở thành chân chính. Chính khi đứng chắp tay lễ Phật hay tụng kinh, chúng ta cũng thấy biểu lộ đầy đủ ý nghĩa này.
Người bình dân vì thiếu phương tiện học hỏi nên không phân biệt được Phật giáo và Thần giáo. Phật giáo là nền giáo lý cao sâu, nếu không phải người suy tư nhiều chiêm nghiệm thì không sao thấu đạt nổi. Người bình dân thời gian bận rộn, tâm hồn bình dị, làm sao hiểu thấu được những lẽ siêu thoát của Phật dạy. Do đó, họ có những sự tin hiểu sai lầm như sau:
“Họ thiên về hình thức nghi lễ: Đến với Phật giáo chú trọng nhiều về hình thức lễ nghi. Quy y là để khi nào bệnh nhờ thầy cầu an, khi chết nhờ thầy cầu siêu. Cho nên trong gia đình có đứa bé ấm đầu là chạy thỉnh thầy trụ trì về nhà cầu an. Hoặc trong thân quyến có tang, đến ngày tuần thất thì thỉnh thầy về nhà tụng kinh suốt đêm. Vào chùa, bất cứ bàn thờ Phật hay bàn thờ vong đều hì hục lễ bái và lâm râm khấn nguyện. Cứ tin rằng lạy càng nhiều thì phước càng lớn”.
“Đi chùa những ngày sóc, ngày vọng để cúng kính lễ bái, ngoài ra không cần biết gì nữa. Họ quan niệm tu hành rất giản dị, ai thường cúng kính là người đó tu nhiều. Ông thầy trụ trì nào thường tổ chức cầu siêu, cúng cô hồn, cúng sao...là ông thầy ấy tu hành tinh tấn. Người phật tử nào bỏ tiền nhiều, xin lễ này, tổ chức lễ nọ cho là người phật tử thuần thành chân chính. Xuất tiền in kinh ấn tống thì chọn ròng rặt các nghi thức cầu an, cầu siêu, kinh Tam bảo, Địa Tạng v.v...Nếu ai giới thiệu ấn tống quyển "lịch sử Phật giáo" cần thiết hoặc "những bài giảng" có giá trị thì họ lắc đầu từ chối, bảo rằng, "ấn tông sách đó thì ít phước!". Bởi nhận định này nên Phật giáo càng ngày càng đi sâu vào hình thức nghi lễ”.
Tin Phật như vị Thần linh: “Người bình dân đến với đức Phật để cầu ban phước, che chở, ủng hộ hơn là tìm giác ngộ. Người ta nghĩ rằng: Có tai nạn cầu Phật, Phật sẽ cứu độ cho. Vì vậy ngày bình thường không đến chùa, chờ khi cần cầu xin việc gì mới mang hương đăng đến chùa cầu nguyện. Thật là: "Hữu tật thì bái tứ phương/Vô tật đồng hương chẳng mất; hoặc nghiêng vai ngửa vái Phật trời/Đương cơn hoạn nạn độ người trầm luân.
Quan niệm Phật như vị Thần linh chỉ coi việc ban phước, giáng họa. “Vì vậy, người ta không ngại gặp Phật thì cúng, gặp Thần thì lạy, gặp ma quỷ thì cầu xin. Bởi trên cương vị ban phước giáng họa, họ không phân biệt đâu là trọng đâu là khinh, miễn vị nào đem lại được những điều cầu nguyện của họ là linh thiêng, bằng không thì hết linh ứng. Hết linh ứng thì họ bỏ không theo nữa. Do đó, trong dân gian những cốt cô, cốt cậu đều được phật tử tín ngưỡng quy y. Vì những cô cậu ấy đã báo cho họ biết những tai nạn sắp đến và đã cho bùa chú để họ dán trong nhà khiến con cháu mạnh giỏi, làm ăn phát đạt. Niềm tin Phật như vậy, họ rất dễ tin mà cũng dễ bỏ, nếu sở nguyện họ thành hoặc không toại nguyện".
Sai lầm của phật tử nặng về triết lý
“Người trí thức thiên trọng phần triết lý nên thấy sự lễ bái, cúng dường, cầu nguyện...đều không chấp nhận, mà lại phản đối. Cho rằng Phật giáo hoàn toàn tự lực, không bao giờ nương tựa vào những gì bên ngoài. Nếu Phật giáo chỉ dạy một bề như thế thì những người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực mới tu được, còn những người thiếu ý chí, kém nghị lực không thể tu theo đạo Phật sao? Như thế, Phật giáo không có ý nghĩa khế cơ rồi. Vì hạng người đầy đủ ý chí, giàu nghị lực rất hiếm trong xã hội này. Cho nên, cái nhìn cực đoan như vậy đưa Phật giáo đến chỗ khô khan, cô quạnh. Bởi nơi mỗi con người chúng ta đều có hai phần, tình cảm và lý trí. Nếu có người chỉ thuần tình cảm, không có lý trí thì họ chìm đắm trong biển yêu thương mê hoặc. Ngược lại có người ròng rặt lý trí, không có tình cảm thì họ khô khan cô độc. con người như cây trồng xuống đất, tình cảm là chất nước, lý trí như ánh nắng. Thiếu một trong hai thứ ấy, cây nhất định không sinh trưởng được mà phải héo lần. Một tôn giáo cũng thế, lý trí và tín ngưỡng không thể thiếu một được. Nếu thiếu một tôn giáo ấy sẽ chết mòn. Cho nên chủ trương cực đoan về triết lý của giới trí thức này cũng là tai họa của Phật giáo.
Vậy, chúng ta thử xét ý nghĩa cúng dường, cầu nguyện có sai tinh thần Phật giáo hay không? Người phật tử ai cũng biết lý nhân quả, thuyết vô ngã, vô trước là nền tảng của Phật giáo. Như thế sự cúng dường được phước có phản bội lý nhân quả chăng? Người này cầu nguyện, người kia được siêu độ có trái vô ngã hay không?...
Vấn đề nêu trên, chúng ta thấy rất rõ hai thái độ của phật tử về Phật giáo song song tồn tại. Để giải quyết vấn đề này, HT.Thanh Từ cũng cho rằng: “Muốn dung hòa cho thích hợp tinh thần Phật giáo, hai thái độ cực đoan trên phải hòa hợp lại. Phải dung hợp thấu đáo mọi khía cạnh thì sự tu tập mới thu hoạch được kết quả viên mãn, đúng với tinh thần trung đạo của Phật giáo.
Trong cuộc sống tương quan, tương duyên, chúng ta đừng nghĩ tưởng một cách giản dị rằng: "mình làm mình chịu". Quan niệm ấy rất thô sơ máy móc. Bởi sự ràng rịt giữa mình và xã hội phức tạp vô cùng. Xã hội đẹp mình cũng được ảnh hưởng đẹp và ngược lại. Tuy nhiên có một vài người thoát khỏi sự ràng rịt của xã hội, nhưng đó là bậc “Thánh nhân”.
“Đến như việc tụng kinh cầu nguyện được siêu thoát cũng không có ý nghĩa một bề ỷ lại vào tha lực. Con người chúng ta được kết hợp bởi hai phần, tinh thần và vật chất. Người tâm hồn tán loạn thì tinh thần yếu đuối, bị vật chất chi phối. Những vị tâm hồn an tịnh thì tinh thần mạnh mẽ phi thường, làm chủ được vật chất. Như trong kinh nói "Chế tâm nhất xứ vô sự bất biện" nghĩa là (Kiềm tâm một chỗ việc gì cũng xong) (kinh Di Giáo). Một bằng chứng cụ thể, khi chúng ta có việc gì mừng quá, hay giận quá liền quên đói. Lúc đó tâm chỉ nhớ vào việc để mừng, hoặc giận mà quên đói. Cho nên có nhiều vị thiền sư khi chú tâm vào định năm bảy ngày mà không cần ăn uống, như Huệ Sinh thiền sư đời Lý và nhiều vị thiền sư khác...”.
Muốn dung hòa cho thích hợp tinh thần Phật giáo, hai thái độ cực đoan trên phải hòa hợp lại. Đừng nhìn một bên mà thành thiển cận. Nếu còn mắc kẹt một bên, dù học Phật, tụng kinh Phật vẫn thuộc về tà đạo...Bài viết của Thiền sư Thanh Từ nêu nhiều vấn đề tâm huyết về Phât giáo. Trở lại với 6 yếu tố căn bản của tôn giáo vừa đề cập, chúng ta thấy đạo Phật hoàn toàn khác với tất cả các tôn giáo khác. Bởi theo giáo lý của Ngài, chúng ta vẫn hoằng dương một tôn giáo chẳng có Quyền uy; chẳng câu lệ về Nghi thức; Suy lường tri giải; chằng có Thần trị và Huyền bí, đúng như sự đánh giá nhận định của Giáo sư Hoiston Smith.
Để minh chứng thêm cho nhận định này, Gs sử học Rhys Dvid nhận xét về Phật giáo như thế này: "Tôn giáo mà đức Phật dựng nên không phải là một hệ thống tín ngưỡng và tôn sùng lễ bái, trung thành với một thần linh siêu nhiên (nhất thần luận mang tính thần quyền). Niềm tin người phật tử đặt vào đức Phật cũng giống như người bệnh đặt niềm tin vào vị lương y tài giỏi, hay niềm tin của người học trò đặt trọn vẹn nơi thầy. Mặc dù nương tựa nơi đức Phật và tôn trọng Ngài là vị hướng đạo sư, là thầy dẫn dắt trên con đưởng giải thoát, người phật tử không quy phục (và Ngài cũng không đòi hỏi quy phục) mù quáng như kẻ nô lệ. Mà người phật tử nương tựa theo giáo pháp của Ngài, tự nỗ lực để đạt đến giác ngộ giải thoát". Với lòng tin đức tin vào giáo lý đạo Phật, Gs Rhys Dvid cho rằng: "Dẫu là phật tử hay không phải phật tử, tôi nghiên cứu từng hệ thống tôn giáo lớn trên thế giới, trong tất cả tôi không tìm thấy một tôn giáo nào có vẻ đẹp hoàn hảo hơn Tứ Diệu Đế và Bát Chính Đạo của đức Phật. Tôi chỉ còn một việc làm là thu xếp nếp sống cho phù hợp với con đường ấy".
Từ một số đánh giá nhận định trên cho thấy, Phật giáo ở nước ta vừa có sự dung hòa trong tiếp biến văn hóa, vừa có sự kiên định bất biến trong giữ gìn chính pháp để tồn tại.
Do ảnh hưởng ngàn năm văn hóa phương Bắc, thần giáo đã lộng hành một thời gian dài nên sự pha trộn tín ngưỡng thần quyền trong Phật giáo là khó tránh khỏi. Để từng bước hiểu được giáo lý, giáo kinh, giáo luật của đạo Phật, chúng ta cần phải nắm rõ từng giai đoạn chuyển pháp của đức Thế Tôn. Có như thế chúng ta mới lựa chọn được pháp tu phù hợp với (căn cơ) trình độ của mình.Trên thực tế, có pháp môn Phật dạy giác ngộ-giải thoát (hoàn cảnh) thuộc phạm vi tam giới. Có pháp môn Phật dạy giác ngộ -giải thoát tức (vô trụ tam giới) để “vẫy vùng” ra khỏi (tam giới) trở về Phật giới. Chính vì vậy, trong kinh điển ta thấy Phật dạy được chia theo các thời kỳ mà ta quen gọi: Tiểu thừa, Trung thừa và Đại thừa Phật giáo.
Ví như ở thời kỳ đầu, Phật dạy pháp môn “Niệm chết” trong thập niệm giúp các Tỳ kheo và chúng sinh đối trị với loạn tưởng, sợ hãi về cái chết. Nhưng với tín ngưỡng dân gian thần quyền khi nói về sự chết thì cho đây là vấn đề “xui xẻo”; bởi sự chết được trộn lẫn với bàng hoàng, lo sợ, dính mắc mà đọa lạc (tam đồ) ba cõi xấu ác. Do chìm đắm trong lậu hoặc (tham-sân-si) và vọng tưởng mà có những kết quả vãng sinh xấu. Nhưng theo nho giáo chẳng tìm hiểu sâu chính pháp nên vội vàng cho rằng đạo Phật “yếm thế” chán đời, an phận thủ thường; đâu biết Phật dạy niệm chết để chống loạn tưởng trong lúc lâm chung giúp ta “tỉnh thức” để có “nghiệp phước vãng sinh” tốt đẹp.
Với Chính biến tri (tuệ giác) đức Phật thấu tỏ các cõi giới nên Ngài biết tường tận quá trình sinh tử-luân hồi của kiếp nhân sinh và muôn loài, nên Phật dạy chúng ta giữ 5 giới và thập thiện. Đây là luật giới (bảo sở) an toàn cho một tái sinh chuyển đời sống an lành ở hai cõi Nhân- Thiên (trời người); còn tiến xa hơn trên lộ trình giác ngộ-giải thoát hoàn cảnh và giải thoát (rốt ráo) toàn triệt, Phật dạy tu thiền nói chung; và Như Lai Thanh tịnh thiền vào 4 năm cuối. Như vậy, pháp giới duyên sinh mở ra một chân trời mới với nhiều lựa chọn cho đời sống kế tiếp chứ đâu phải chết là hết là chấm dứt mọi chuyện để rồi làm kiếp “ma” mãi mãi. Điều này, đức Từ Phụ dạy rất rõ ràng dưới đây: “Có những người sinh ra trong ánh sáng và đi về phía ánh sáng. Có người sinh ra trong ánh sáng, để đi vào bóng tối. Có những người sinh ra trong bóng tối, nhưng đi về phía ánh sáng. Và cuối cùng là có những người sinh ra trong bóng tối, để tiếp tục đi trong bóng tối. Điều đó có nghĩa là dầu ta được sinh ra trong bất cứ trong hoàn cảnh nào, ta vẫn có nhiều cơ hội để lựa chọn”.
Với tư duy khoa học, vấn đề sinh tử-luân hồi-nhân quả trong Phật giáo hiện nay không còn là vấn đề mơ hồ và huyễn hoặc nữa. Bởi những sự kiện luân hồi tái sinh qua kiếp và lũy kiếp đã được khoa học hiện đại lần lượt kiểm chứng và có công bố kết quả bất ngờ thuyết phục. Có thể nói Pháp giới Duyên sinh của Phật giáo ra đời (dưới ánh sáng khoa học) đã giúp cho nhân loại xóa tan được sự u ám về cái chết đáng sợ luôn rình rập đeo bám con người. Ngược lại với Phật giáo, sự chết chỉ là quá trình chuyển sinh một đời sống khác thật nhẹ nhàng. Và đời sống ấy, phụ thuộc hoàn toàn vào việc làm (thiện-ác) của chúng ta hiện tại và bây giờ. Sống đẹp sẽ có một vãng sinh tốt đẹp, và ngược lại. Đó là điều chắc thật. Chư Phật và Bồ-tát không “gạt” chúng ta. Chỉ có điều chúng ta có đủ trí tuệ để thấu tỏ giáo lý của Ngài.
Để thay cho lời kết bài viết nhỏ này, nhân Ngày Thành đạo, đây cũng là dịp để chúng ta có thêm một lần đảnh lễ khắc ghi lời thâm ân mà đức Thế Tôn đã chỉ dạy chúng ta vào giây phút cuối cùng như thế này: "Sau khi ta tịch diệt, Đạo Pháp thay ta làm vị thầy cho các con. Biết noi theo Đạo Pháp, ấy chính là các con tỏ lòng trung thành với ta. Trong bốn mươi lăm năm sau cùng trong cuộc đời giáo hóa của ta, ta không hề dấu diếm điều gì trong những lời giáo huấn. Chẳng có một lời giáo huấn nào bí mật, không có một lời nào mang ẩn ý. Tất cả những lời giảng của ta đều được đưa ra một cách ngay thật và minh bạch".
Khắc ghi lời Di huấn trên của đức Từ Phụ trước khi Ngài nhập diệt, là phật tử chúng ta nguyện hứa với lòng luôn luôn giữ gìn trong sạch ngôi nhà Chính pháp Như Lai. Đó là nén tâm hương hồi hướng, sám nguyện và tri ân của người con Phật nhân Ngày Thành đạo.
Cư sĩ Nguyễn Đức Sinh Hội Văn học Tp.Uông Bí - Quảng Ninh ***Tài liệu tham khảo:
- Bài: Yếu chỉ Phật pháp - Thiền sư Duy Lực (phatgiao.org.vn - 20/4/2017) - Bài: Những sai lầm thường gặp của một số phật tử về Phật giáo -HT. Thích Thanh Từ (phatgiao.org.vn gồm 3 bài: ngày 22/11/2018. Bài tiếp theo 30/11/2018 và bài cuối 1/12/2018) - Bài: Những lời dạy cuối cùng của đức Phật - Khôi Trân - (Báo Điện tử ĐPNN - ngày 28 tháng 7 năm 2013)
Bình luận (0)