Câu hỏi: Ngũ căn riêngchung

Đức vua Mi-lan-đà hỏi tỳ kheo Na-tiên: "Đại đức vừa trình bày xong: tín, tấn, niệm, định, tuệ và gọi đó là những thiện pháp. Những thiện pháp ấy có tên gọi, chức năng, công dụng khác nhau. Thế chúng đứng độc lập, riêng biệt; chẳng có cái "chung" gì cả sao?"

Tỳ kheo Na-tiên: "Có chứ, tâu đại vương! Cái chung ấy là cùng hướng về một mục đích, cùng thành tựu một lợi ích, tâu đại vương"

Đức vua: "Mục đích ấy là gì? Lợi ích ấy là gì?"

Tỳ kheo Na-tiên: "Mục đích và lợi ích ấy chính là ngăn tất cả các điều dữ, diệt tất cả các phiền não, tâu đại vương! Ví như đại vương dẫn bốn loại quân binh: bộ binh, tượng binh, mã binh, xa binh ra trận. Bốn loại binh ấy có tên gọi khác nhau, hình tướng, chức năng, công dụng khác nhau nhưng đều thành tựu chung một lợi ích, một mục đích: ấy là đem về vinh quang và chiến thắng cho đại vương!"

Ảnh: St
Ảnh: St

Câu hỏi: Tương quan thân trước và sau

Đức vua Mi-lan-đà hỏi tỳ kheo Na-tiên: "Chúng sinh trong thế gian này có nhiều loài, nhiều loại; như đàn ông, đàn bà, bàng sinh, noãn sinh, thấp sinh v.v... Khi chúng chết đi, thác sinh trở lại, thì đàn ông vẫn làm đàn ông, đàn bà vẫn làm đàn bà; loài hai chân thành loài hai chân, loài bốn chân thành loài bốn chân... hay sao, thưa đại đức?"

Tỳ kheo Na-tiên: "Ý đại vương nói rằng, thân trước thân sau vẫn mang hình tướng ấy? Con người cũ ấy?

Đức vua Mi-lan-đà đáp: "Đúng là trẫm muốn hỏi như thế!"

Tỳ kheo Na-tiên: "Nói con người cũ là không phải, mà nói chẳng phải con người cũ cũng không phải, tâu đại vương! Ngay trong kiếp sống này thôi mà lập ngôn như thế cũng đã sai rồi. Khi chúng ta sinh ra trên đời này, kể từ khi thai nhi nằm trong bụng mẹ, hài nhi nằm trong nôi, lớn lên biết bò, biết đi rồi khôn lớn trưởng thành, trung niên, già lão. Này đại vương! Vậy đứa bé và ông lão ấy cùng là một con người hay là hai con người?"

Đức vua đáp: "Một cũng sai, hai cũng không đúng"

Tỳ kheo Na-tiên: "Bệ hạ lúc còn là hài nhi, còn ẵm ngửa trong lòng quốc mẫu, với bệ hạ bây giờ có khác gì nhau không?"

Đức vua đáp: "Khác chứ sao không! Hồi đó nhỏ dại mà bây giờ lớn khôn. Thân thể đã khác mà hiểu biết cũng khác nữa."

Tỳ kheo Na-tiên: "Nếu đại vương nói thế thì không những bệ hạ khác mà mẫu hoàng, phụ hoàng, thầy dạy học của bệ hạ cũng khác nữa. Bần tăng nghi ngờ lắm. Nghi ngờ rằng, cha mẹ của bệ hạ bây giờ không phải là cha mẹ thuở xưa của bệ hạ. Phụ hoàng và thầy dạy học của bệ hạ cũng là người khác rồi. Một kẻ tội đồ, gây ác nghiệp cách đây mấy năm là một người khác, bây giờ bị cắt tay, cắt chân lại là một người khác nữa hay sao?"

Đức vua đáp: "Không phải thế! Ý trẫm không phải là vậy. Nếu là đại đức thì đại đức trả lời sao?"

Tỳ kheo Na-tiên: "Tâu đại vương! Bần tăng sẽ trả lời rằng, lúc còn bé nhỏ là bần tăng, mà lúc lớn lên cũng là bần tăng chứ không phải người khác. Cái thân có thay đổi từ bé, trung niên đến già lão, nhưng vẫn tồn tục một sinh mạng ấy thôi. Ví như cây đèn đốt cháy đầu hôm cho đến sáng, đầu hôm thì đầy dầu, sáng thì cạn dầu. Tâu đại vương! Vậy thì đầu hôm, giữa khuya và sáng là ba cây đèn khác nhau chăng?"

Đức vua đáp: "Chẳng phải thế. Nó chỉ là một cây đèn ấy được cháy đỏ liên tục đầu hôm đến sáng."

Tỳ kheo Na-tiên: "Tất cả chúng sinh cũng y như thế đó, tâu đại vương. Danh và sắc đầu tiên kết hợp thành thân, và tâm này tạo nên một sinh mạng, một đời sống hữu tình; tuy thân và tâm đều vô thường, thay đổi nhưng nó vẫn duy trì tồn tục sinh mạng cho đến lúc chấm dứt tuối thọ. Già lão có thay đổi nhưng vẫn là một con người ấy mà thôi. Ví như sữa tươi, để lâu thành sữa chua, v.v... Nói sữa tươi là sữa chua thì hẳn không đúng, nhưng nếu nói sữa chua không do sữa tươi mà ra thì sai. Tương quan thân lão và thân hài nhi là vậy, cho tới kiếp này qua kiếp kia cũng y như thế, tâu đại vương!"

Đức vua gật đầu: "Chí lý! Sinh trở lại, bảo là con người cũ là sai, không phải con người cũ cũng sai nốt. Hay lắm! Chí lý lắm!"

***
Tài liệu nguồn: Kinh MILINDA vấn đạo, NXB Tôn giáo, 2015