Câu hỏi 1: Hành tướng của “chú tâm” và “trí tuệ” cùng sự khác nhau giữa chúng?

Đức vua Mi-lan-đà hỏi: “Xin đại đức cho biết hành tướng của chú tâm ra sao?”

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Thưa, muốn chú tâm phải cần có hai yếu tố: một là phải có một sự cố gắng, một nỗ lực ở bên trong; hai là phải nắm bắt, chụp bắt, bắt dính được đối tượng.”

Đức vua: “Thế còn trí tuệ? Hành tướng của trí tuệ ra sao?” 

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Ở đây, tâu đại vương, hành tướng của trí tuệ là sự cắt đứt, sự tiêu diệt, sự phá hoại, sự đốn bỏ; như cắt đứt tham, sân, si, tiêu diệt phiền não v.v...”

Đức vua: “Đai đức làm thế nào đưa ra một ví dụ thực tiễn, cụ thể về chú tâm và trí tuệ để cho trẫm dễ lãnh hội, được chăng?”

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Có thể được, tâu đại vương! Đại vương đã từng có khi nào quan sát người nông dân cắt lúa chưa?”

Đức vua: “Thưa, trẫm biết rõ lắm.”

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Họ làm như thế nào hả đại vương?”

Đức vua: “Thưa, thợ cắt bước xuống ruộng, tay trái gom lúa lại, tay phải cầm lưỡi hái rồi cắt!”

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Cũng thế, tâu đại vương! Bước xuống ruộng là một nỗ lực, một cố gắng; tay trái gom lúa là nắm bắt, bắt dính. Bắt dính gì? Bắt dính tham, sân, si, tùy miên, kiết sử. Còn trí tuệ thì cắt lìa, đoạn lìa tất cả phiền não ấy. Như vậy được gọi là chấm dứt luân hồi, được vô sinh, Niết bàn, tâu đại vương.”

Ảnh: St
Ảnh: St

Câu hỏi 2: Tất cả Pháp lành lấy "GIỚI" làm sở y!

Đức vua Mi-lan-đà hỏi: “Trước đây đại đức có nói, muốn thành tựu Niết bàn phải đầy đủ 3 pháp: chú tâm đúng, trí tuệ và thiện pháp. Chú tâm và trí tuệ thì trẫm đã hiểu rồi, nhưng còn thiện pháp, những gì được gọi là thiện pháp?”

Tỳ kheo Na-tiên: “Thiện pháp thì rất nhiều, nhưng giới mới chính là nền tảng cho các thiện pháp nảy nở, tăng trưởng, tâu đại vương! Giới là nơi vững trú, nảy nở, tăng trưởng của những thiện pháp sau: ngũ căn, ngũ lực, thất giác chi, tứ niệm xứ, tứ chính cần, tứ thần túc, bốn thiền, tám pháp giải thoát, một pháp định, ba pháp nhập định.

Ví dụ như đất là nơi mà các hạt giống nảy mầm và lớn lên; đất là nơi mà các loại củ có thể nứt mầm đâm nhánh, đâm cây. Cũng như thế ấy, giới là nơi nảy mầm, tăng trưởng của ngũ căn là tín, tấn, niệm, định, tuệ,... cùng những thiện pháp khác, tâu đại vương! Đại vương hãy đưa mắt quan sát đời sống của người nông phu trên thửa ruộng của họ! Phải chăng những người nông phu ấy, họ cày, họ bừa, họ gieo mạ, cấy lúa, gặt hái,... ở trên đất! Rồi họ có cơm ăn, áo mặc, cưới vợ, sinh con cũng nhờ đất! Đất đã nuôi sống họ, đất đã cho họ đời sống có phải chăng? Lại nữa, đại vương hãy quan sát những khách thương buôn bán lộ trình xa với một trăm cỗ xe hàng hóa, năm trăm cỗ xe hàng hóa. Họ phải qua sông, qua biển, qua sa mạc, qua rừng núi, thị trấn, làng mạc,... Như vậy, rõ ràng là đất đã chuyên chở họ, ̣đất đã nuôi sống họ. Nếu không có đất không biết hàng hóa di chuyển ở đâu. Cũng vậy, một hành giả lên đường, đầu tiên là phải biết nương tưa giới, lấy giới làm sở y, phát triển giới cho sung mãn, thanh tịnh thì các thiện pháp mới có cơ hội tựu thành.

Đại vương chắc đã từng thấy người ta tập luyện, biểu diễn các môn thể thao, các trò vui chơi công cộng chứ?”

Đức vua: “Trẫm có thấy!” 

Tỳ kheo Na-tiên: “Muốn tập luyện hay biểu diễn những nơi lộ thiên công cộng như thế, đầu tiên người ta phải làm sao?”

Đức vua: “Đầu tiên người ta tìm một bãi đất trống, rồi sau đó người ta phát sạch lùm bụi, dẫy cỏ, dọn sạch gai góc, sành, đá sỏi, v.v..”

Tỳ kheo Na-tiên: “Cũng thế, tâu đại vương! Đất làm nơi nương tựa nhưng cũng phải dọn sạch sẽ, bằng phẳng, thì các trò thể thao, du hý, vui chơi mới biểu diễn được, ̣ý nghĩa này như thế nào thì giới cũng phải được hiểu như vậy.” 

Đức vua: “Hay lắm, nhưng trẫm muốn nghe ví dụ nhiều cách, nhiều kiểu khác nhau.”

Tỳ kheo Na-tiên: “Bần tăng sẽ cố gắng làm cho đại vương vừa lòng, nhưng đại vương cũng cho phép bần tăng được hỏi vài câu. Quốc độ của đại vương rộng lớn và đẹp đẽ, rất nhiều nơi xứng đáng để xây dựng kinh đô, sao đại vương chọn xứ Sàgala này?”
Đức vua: “Vì nó là thượng nguồn của năm con sông lớn nhất Ấn Độ. Nơi đây rừng núi bao quanh, sông xanh uốn khúc, quả thật là một nơi sơn thủy hữu tình.”

Tỳ kheo Na-tiên: “Đại vương trên thông thiên văn, dưới thông địa lý, lại còn là một nhà chiến lược quân sự nữa; vậy khi xây dựng kinh đô, ngài bắt đầu công việc như thế nào?”

Đức vua: “Đầu tiên, trẫm cho mời một số các vị kiến trúc, dưới sự hướng dẫn của trẫm, họ lên một bản vẽ tổng quát toàn bộ hoàng thành: la thành, tường, hào, các lối đi, chính điện, bảo điện, nơi ngự triều, ngọ môn quan, các kho, nơi khánh tiết, lễ hội, hý trường, sân thể thao, hội trường v.v.. và v.v.. Rồi sau đó, lúc bắt đầu xây dựng, phải san phẳng toàn bộ mặt bằng, dọn dẹp mặt bằng mới xây dựng được.”

Tỳ kheo Na-tiên: “Cũng thế ấy, tâu đại vương! Toàn bộ lâu đài, cung điện, thành quách... của đại vương đều đươc xây dựng trên đất sau khi đất ấy được làm cho sạch sẽ như thế nào thì giới cũng như thế ấy, phải được làm cho thanh tịnh thì các lâu đài thiện pháp mới xây dựng ở trên đó được. Thanh tịnh giới là chỗ trú mình, chỗ sở y của người xuất gia để thành tựu tín, tấn, niệm, định, tuệ cùng các thiện pháp tối thắng khác.”

Đức vua gật đầu: “Tuyệt vời thay là cách dẫn chuyện của đại đức, nhưng chưa đâu, trẫm muốn nghe thêm một ví dụ nữa.”

Tỳ kheo Na-tiên: “Xin vâng, thế thì cho phép bần tăng được hỏi. Trước đây, đại vương từng là một đại tướng lĩnh, bách chiến bách thắng, ngài đã từng chỉ huy bốn loại quân binh một cách thiện xảo, thiên tài, ngài đã từng chiến thắng những "trận địa chiến" rất lớn. Bần tăng xin được hỏi là đại vương thường thiết lập, bố trí trận địa chiến ấy ra sao?” 

Đức vua: “Không dấu gì đại đức, chuyện ấy đối với trẫm thì dễ dàng như mặc áo, ăn cơm vậy. Đầu tiên trẫm quan sát các thế núi, sông, rừng, sa mạc, đồng ruộng, thôn làng. Rồi dự định chỗ tấn, chỗ thoái, chỗ lập đồn lũy, chỗ hư binh, chỗ phục binh v.v.. ̣Sau đó, lập sa bàn, tập trận giả, rồi tập trận thật trên địa thế núi sông tương tự...; rồi còn chiến thuật, tâm lý,... và nhiều lĩnh vưc chuyên môn khác nữa.”

Tỳ kheo Na-tiên: “Chừng đó là bần tăng hiểu rồi, tâu đại vương! Muốn chiến thắng, bách chiến bách thắng, đại vương phải thiết lập vững vàng trận địa, nơi thế đất này, thế núi kia,... tất cả đều được chuẩn bị, dự phòng sẵn. Dường thế ấy, từ “giới” lập trận thế, từ “giới” lập chiến thuật, chiến lược, từ “giới” lập sa bàn; từ “giới” mà tiêu diệt đối phương,... thì mười đội binh ma quân phiền não sẽ cởi giáo quy hàng. Nhờ “giới” mà tín sẽ vững chắc không xao động. Nhờ “giới” mà tấn không thối thất. Nhờ “giới” mà niệm không buông lơi. Nhờ “giới” mà định tâm thêm kiên cố. Nhờ “giới” mà tuệ càng thêm sáng tỏ.

Tâu đại vương! Đức Phật tổ cũng hằng giáo giới chư tỳ kheo như vậy. Giới sinh thiện pháp. Giới năng sinh định, định năng sinh tuệ. Có giới là có tất cả. Nơi nào có giới thì nơi ấy có tuệ. Nơi nào có tuệ thì nơi ấy có giới. Quả địa cầu là nơi sinh của các loài thảo mộc, động vật, long vương, da ̣xoa, đại bàng, muôn thú, người,... như thế nào thì giới là nơi sinh trưởng của ngũ căn, ngũ lực,... các cõi trời, Phạm thiên, các tầng Thánh quả; cho tới quả vị tối thượng Chính Đẳng Giác,... cũng từ giới mà sở y, nương tựa, tâu đại vương được rõ!”

Đức vua: “Hay lắm! Trẫm không còn có lý do gì mà nghi ngờ về giới nữa. Thật là tuyệt hảo!” 

Câu hỏi 3: Hành tướng của “TÍN”

Đức vua: “Các thiện pháp đầu tiên lấy giới làm nơi nương tựa, đại đức có nhắc đến ngũ căn: tín, tấn, niệm, định, tuệ. Vậy hành tướng của Tín là thế nào? Nhờ đại đức giảng rõ.” 

Tỳ kheo Na-tiên: “Thứ nhất là tín có công năng làm cho tâm yên lặng, trong sạch, thứ hai là tín có công năng làm cho tâm luôn có khuynh hướng tiến về phía trước, tâu đại vương! 

Tín phát sinh trong tâm rồi thì nó như cái màng chắn các bụi bặm phiền não, không cho lan vào. Các bụi bặm phiền não ấy thường dấy sinh từ năm pháp cái; tức là năm pháp che lấp, ấy là hôn trầm, thuỵ miên, buông lung phóng dật, sân, dục và nghi. Nhờ vậy, tâm đươc yên lặng, trong sạch. Ví như đại vương dẫn 4 loại quân binh vượt qua một con rạch, nước bị quấy lên đục ngầu. Lúc bấy giờ đại vương muốn uống nước, bèn sai quân hầu lấy lên bình lọc nước đặt xuống lòng rạch. Bình lọc nước ấy có công năng gạn lọc tất cả bùn dơ đục vẩn, chỉ còn lại nước trong sạch như thế nào thì tín cũng có công năng lọc sạch uế trược phiền não như thế ấy, tâu đại vương.

Công năng thứ hai có khuynh hướng tiến về phía trước là vì người có tín luôn luôn hướng theo thiện pháp mà đi tới, tự sách tấn mà vượt qua, vượt lên mãi. Như thấy người đắc quả Tu đà hoàn, Tư đà hàm, A na hàm, A la hán,... người có tín thường nhắc nhở tâm mình làm sao để chạy theo các đạo quả ấy, cố gắng cho đến lúc giác ngộ, giải thoát mới thôi. Ví như trận mưa lớn ngập lụt tất cả đường sá, sông hồ. Một đoàn bộ hành dừng chân, e ngại chẳng dám vượt qua vì không biết mực nước nông sâu. Chợt một người đàn ông có vẻ thành thạo ngắm nhìn con rạch, đưa mắt nhìn thế nước, ước lượng dòng chảy, chỗ cạn, chỗ sâu, rồi xắn quần, vén áo thản nhiên lội qua. Bắt chước người đàn ông, theo dấu người đàn ông, đoàn bộ hành nhờ vậy mới tiếp tục được lộ trình. Người có tín cũng như thế ấy, thấy người đi trước mình lội qua được dòng sông sinh tử, thì theo dấu người ấy để lội theo. Thấy người trước mình xắn quần, vén áo lội qua "bờ kia", y cũng cố gắng xắn quần, vén áo quyết bỏ "bờ mê" bên này cho bằng được. Những quả vị Thánh nhân đều là mục đích cho người có tín hằng nỗ lực để vươn tới, lướt tới cho thành tựu hẳn thôi, tâu đại vương.”

Câu hỏi 4: Hành tướng của “TẤN” 

Đức vua Mi-lan-đà lại hỏi: “Đại đức có nói thiện pháp thứ hai là tấn, vậy hành tướng của nó thế nào?”

Tỳ kheo Na-tiên: “Tấn có công năng hộ trì, nâng đỡ các thiện pháp cho được vững chắc, tăng trưởng; không để cho thiện pháp hư mòn, tiêu hoại hoặc sụp đổ, tâu đại vương! Ví dụ một ngôi nhà muốn được vững bền, lâu năm không bị xiêu ngã thì các cột, kèo, đòn tay,... cần phải được chắc chắn. Ngôi nhà chính là thiện pháp; cột, kèo, đòn tay chống đỡ là tấn, tâu đại vương! Ví như đức vua ra trận mà quân giặc quá mạnh phải phái thêm viện binh mới thắng địch được. Quân giặc mạnh ví như ác pháp mà viện binh chính là tấn. Như vậy, tấn có hai công năng, thứ nhất là hộ trì thiện pháp (ví dụ đầu) và thứ hai là tiêu trừ ác pháp (ví dụ sau), đúng như kệ ngôn đức Thế Tôn đã thuyết: 

"Này các thầy tỳ kheo! Tấn là sức mạnh của bậc Thanh Văn, nó hộ trì thiện pháp và tiêu trừ ác pháp; làm cho tội lỗi tiêu hoại và phước đức phát triển. Có tấn thì chẳng bao giờ lìa xa Chính pháp." 

Câu hỏi 5: Hành tướng của “NIỆM” 

Đức vua hỏi: “Còn niệm là thế nào, thưa đại đức?” 

Tỳ kheo Na-tiên: “Niệm cũng có hai chức năng. Thứ nhất là nhắc nhở tâm, thứ hai là giúp tâm cầm nắm. Bất cứ một pháp nào phát sinh lên, niệm có bổn phận nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy. Ghi nhận một cách thuần túy khách quan. Chức năng thứ nhất của niệm là như vậy đó , tâu đại vương! Ví như người canh cửa của đức vua, y phải tự nhắc nhở mình thường xuyên là đừng có lơ đãng nhiệm vụ, người nào đi vào, đi ra phải biết. Như vị quan giữ kho của đức vua, y phải biết rõ đây là kho lương thực, đây là kho vàng bạc, vải vóc, quân nhu, khí giới, v.v... Như vậy, niệm như là người canh cửa, như vị quan giữ kho, đấy là chức năng thứ nhất, tâu đại vương! 

Còn "cầm nắm"; một pháp phát sinh lên, niệm không những nhắc nhở tâm ghi nhận pháp ấy mà còn "cầm nắm" trọn vẹn cái thiện, cái ác ấy nữa. Các pháp như tứ niệm xứ, tứ chính cần, ngũ căn, ngũ lực... nghĩa là ba bảy trợ đạo phẩm, tứ vô lượng tâm cũng phải được hiểu như vậy. Ví như người canh cửa của đức vua, sau khi không lơ đãng nhiệm vụ, thấy rõ người nào đi vào, đi ra, mà còn biết đây là quan, đây là dân, đây là người được phép vào, đây là người không được phép vào. Ví như quan giữ kho của đức vua sau khi biết đây là kho vàng, kho bạc, kho lương thực mà còn nắm vững tình trạng của kho ấy, biết kho vàng, kho bạc nhiều hay ít, biết kho lương thực đầy hay vơi, v.v... Để khi vua cần hỏi, vị quan giữ kho có thể cho đức vua nắm rõ tài sản, kim ngân trong cung khố của mình. Chức năng thứ hai của niệm là có thể trình cho biết các pháp lui tới tâm như thế nào, nó thiện hay ác, tốt hay xấu như vị quan giữ kho trình lên đức vua vậy, tâu đại vương.”

Câu hỏi 6: Hành tướng của “ĐỊNH” 

Đức vua hỏi: “Thế nào là định? Hành tướng của định là như thế nào, thưa đại đức? 

Tỳ kheo Na-tiên đáp: “Tâu đại vương! Định là quy tâm về một mối, là cột tâm, là tập trung tâm lại không cho loạn động. Trong tất cả thiện pháp, định là chủ trì, định là nguyên đỉnh, định là tối thắng, định là chỗ hướng về, định là nơi tụ họp, định là chỗ tiến tới, định là chỗ chảy xuống,...!  Ví như đại vương dẫn 4 loại quân binh ra trận mạc. Bốn loại quân binh ấy sẽ y cứ nơi đức vua, họ xem đức vua là lớn, là bậc thống lĩnh tối cao, đức vua là chủ trì, là nguyên đỉnh, là tối thắng, là chỗ hướng về, là nơi tụ họp, là chỗ tiến tới, là nơi chảy xuống... tâu đại vương! Ví dụ này như thế nào thì các thiện pháp sẽ y cứ định là bậc chủ trì như vậy, do định mà phát sinh y như thế ấy; đúng như câu Phật ngôn mà đức Thế Tôn đã thuyết: 

"Này các thầy tỳ kheo! Các thầy hãy tinh cần tiến tu thiền định. Người nào có thiền định rồi, người ấy sẽ dễ dàng chứng đắc đạo quả, giác ngộ ba minh." - Tâu đại vương!”

Câu hỏi 7: Hành tướng của “TUỆ” 

Đức vua hỏi: “Xin đại đức giảng giải cho trẫm nghe về tuệ?”

Tỳ kheo Na-tiên: “Tuệ cũng có hai chức năng, tâu đại vương! Chức năng thứ nhất là cắt lìa, cắt đứt, đốn bỏ, diệt tận, hủy diệt như bần tăng đã trình bày. Còn chức năng thứ hai là soi sáng, là chiếu soi, là tự chiếu..., tâu đại vương. Khi tuệ tâm sở phát sinh lên rồi thì nó có công năng soi tỏ cho ta thấy rõ đâu là mê, si, đâu là vô minh, đâu là khổ, đâu là nguyên nhân khổ, đâu là vô thường, đâu là vô ngã, đâu là con đường thoát khổ,... một cách rõ ràng minh bạch.

Ví như người cầm cây đèn sáng đi vào căn nhà tối tăm; nhờ ngọn đèn soi sáng họ thấy rõ đường đi lối lại, thấy rõ đây là bàn, ghế, tủ, giường, v.v... Ngọn đèn sáng là trí tuệ mà các vật dụng trong nhà là các thiện pháp, ác pháp ở trong tâm đấy, tâu đại vương! Nhờ đèn sáng mà bóng tối tự lui, cũng vậy, nhờ tuệ mà vô minh tự diệt.”

***

Tài liệu nguồn: Kinh MILINDA vấn đạo, NXB Tôn giáo, 2015