Tâm sở gọi đầy đủ là “Tâm sở hữu pháp” nghĩa là những pháp sở hữu của “Tâm vương”. Tâm sở nương theo tâm vương để tạo ra các “hành”, các hành này thiện, ác hay vô ký là phụ thuộc vào tâm vương.
Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang
Phần I. Luận về “Tâm sở”
1. Tổng quan “Tâm sở”
Tâm sở gọi đầy đủ là “Tâm sở hữu pháp” nghĩa là những pháp sở hữu của “Tâm vương”. Tâm sở nương theo tâm vương để tạo ra các “hành”, các hành này thiện, ác hay vô ký là phụ thuộc vào tâm vương.
Tâm sở gồm có 51 thứ được phân loại vào trong 6 nhóm như sau:
(1)Biến hành, gồm 5 thứ: Xúc, Tác ý, Thọ, Tưởng, Tư.
(2)Biệt cảnh, gồm 5 thứ: Dục, Thẳng giải, Niệm, Định, Tuệ.
(3)Thiện, gồm 11 thứ: Tín, Tàm, Quý, Vô tham, Vô sân, Vô si, Tinh tấn, Khinh an, Bất phóng dật, Hành xả, Bất hại.
(4)Căn bản phiền não, có 6: Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, Ác kiến. (Ác kiến lại được phân loại thành 5 điều khác nhau: Thân kiến, Biên kiến, Tà kiến, Kiến thủ, Giới cấm thủ.)
(5)Tùy phiền não, có 20 món, chia làm ba loại:
- Tiểu tùy, có 10: Phẫn, Hận, Phú, Não, Tật, Xan, Cuống, Siểm, Hại, Kiêu.
- Trung tùy, có 2: Vô tàm, Vô quý.
- Đại tùy, có 8: Trạo cử, Hôn trầm, Bất tín, Giải đãi, Phóng dật, Thất niệm, Tán loạn, Bất chánh tri.
(6)Bất định, có 4 món là: Hối, Miên, Tầm, Tư.
2. Luận giải “Tâm sở biến hành”
Chữ “Biến hành” mang theo ý nghĩa là sự biến đổi theo mọi hành động, và cũng có nghĩa là sự đi khắp. Tâm sở biến hành đi khắp thời gian (từ quá khứ, hiện tại tới vị lai); đi khắp mọi chỗ, không gian; đi tất cả tám thức, và đi cùng tất cả các tính (tính lành, tính dữ và tính không lành, không dữ).
(1)Tâm sở “Xúc”: Xúc là sự xúc chạm, tiếp xúc. Mắt thấy cảnh là xúc, tai nghe thanh là xúc, mũi ngửi mùi là xúc, lưỡi nếm vị là xúc, thân chạm vật là xúc.
Hiện tướng của tâm sở này chính là đường dẫn làm cho những cảm giác (thọ), tưởng, tư, phán xét,… phát sinh. Xúc chính là điểm giao tiếp, là cầu nối giữa căn và trần
(2)Tâm sở “Tác ý”: Là sự khởi lên “ý muốn”, mong muốn. Tác ý có thể thoáng qua, có thể lâu dài, tác ý có thể nhất thời, hoặc có thể được nuôi dưỡng. Tác ý có thể duyên tới lời nói, hành động.
Tác ý là khởi lên ý muốn làm gì đó cho mình (tự tác), hoặc cho người khác (tha tác). Tác ý chính là duyên tạo ra nghiệp.
(3)Tâm sở “Thọ”: Là cảm nhận. Khi nào có lạc, khổ, xả, thì đó được gọi là thọ
Cảm nhận không chỉ vui, buồn, khổ, thích mới là cảm nhận. Thọ ý nói tới tất cả sự cảm nhận, ví dụ chạm vào cốc nước nóng, da thịt ta cảm thấy nóng, đó cũng là thọ. Nghe một lời khen, trong lòng thấy hoan hỉ, đó chính là thọ.
(4)Tâm sở “Tưởng”: Là tưởng tượng. Tưởng có hành tướng là sự ghi nhận cái tướng tổng quát. Tâm sở này là sự nhận định chủ quan, và có thể đúng hoặc cũng có thể sai.
(5)Tâm sở “Tư”: Là suy tư, suy nghĩ.
3. Luận giải “Tâm sở biệt cảnh”
“Biệt” trong ý nghĩa biệt lập, riêng biệt. Tâm sở biệt cảnh là các tâm sở duyên theo các cảnh riêng biệt khác nhau.
(1)Dục: Là ham muốn, mong muốn. Hành tướng của dục được hiểu trong từ “ngụ dục”, là sự ham vui trong lạc của nhãn, nhĩ, tỷ, thiệt, thân. Công năng của dục là làm cho tâm vương say đắm.
(2)Thắng giải: Là sự hiểu biết rõ ràng. Hành tướng của thắng giải là sự minh bạch, không nghi ngờ, không thay đổi quyết định.
(3)Niệm: Là nhớ. Tâm sở này là làm tâm ghi nhớ cảnh đang hiện hữu, và công năng có thể duyên cho tâm nương tới chỗ định.
Niệm theo Kinh MILINDA PANHA, được phân tích dưới dạng 2 hành tướng, thứ nhất là “nhắc nhở tâm”, thứ hai là giúp tâm “cầm nắm”. Công năng nhắc nhở tâm, tức là khi bất kì một pháp nào khởi sinh lên, tâm sở này đều nhắc tâm ghi nhận pháp ấy một cách thuần tuý là đang biết nó xảy ra.
Để dễ hiểu, kinh ví dụ một người làm nhiệm vụ canh gác cửa cho vua chúa ngày xưa. Nhiệm vụ cơ bản của họ là ghi nhận ai đi qua, ai xuất hiện như thế nào, thì công niệm ghi nhớ các pháp, các cảnh y như thế.
Công năng cầm nắm tức là nắm trọn vẹn cái biết về pháp đó thiện hay là ác. Kinh ví dụ như người gác cổng, biết ai đi qua, đi vào và còn biết người đi vào là dân, hay là quan, tay không hay tay cầm vũ khí. Đó chính là sự biết trọn vẹn và thuần tuý.
(4)Định: Là Chuyên chú. Hành tướng của tâm sở này là duyên tâm vào một trạng thái, không tán loạn, không điên đảo.
Định được ví như một phần trũng trên một mặt phẳng. Tại đó, nước sẽ tự động chảy về phần trũng và yên vị trong đó. Công năng của định là làm chỗ nương cho trí tuệ khởi phát.
(5)Tuệ: Là sáng suốt. Hành tướng của tuệ gồm có “cắt đứt” và “soi sáng”. Tuệ khởi phát sẽ giúp tâm cắt đứt các tâm bất thiện, và soi sáng như dùng nến mang tới một căn phòng tối.
4. Luận giải “Tâm sở thiện”
Tâm sở thiện gồm có 11 thứ: tín, tinh tấn, tàm, quý, vô tham, vô sân, vô si, khinh an, bất phóng dật, hành xả, bất hại.
(1)Tín: Là tin. Tín có công năng làm cho tâm thanh tịnh, và có hành tướng là ngăn chặn mọi phiền não hoài nghi.
(2)Tinh tấn: Là chăm chỉ, kiên trì, siêng năng. Gọi tắt là “tấn”. Tấn có hành tướng hộ trì các pháp thiện, không để cho các pháp bất thiện tăng trưởng.
(3)Tàm: Là tự xấu hổ. Tàm là sự xấu hổ khi biết mình đã làm một việc xấu, dù không ai biết, không ai thấy việc đó.
(4)Quý: Là xấu hổ với người. Quý là sự xấu hổ khi người khác thấy, biết việc làm xấu của mình.
Tàm, quý ghép lại được ám chỉ chung tới tâm sở thiện là biết ăn năn, xấu hổ. Hành tướng của việc này là ngăn ngừa tái diễn việc bất thiện.
(5)Vô tham: Không tham lam, không lấy của không cho, không lấy của người.
(6)Vô sân: Không sân hận.
(7)Vô si: Không si mê.
(8)Khinh an: Là Nhẹ nhàng. Khinh an nói tới tâm thế thảnh thơi, không nặng nề phiền muộn.
Công năng thảnh thơi trong “khinh an” không phải thảnh thơi của một người không có việc gì để làm, mà là sự thảnh thơi trong từng hành động, lời nói, thảnh thơi trong tâm hồn, trạng thái không bồn chồn.
(9)Bất phóng dật: Là không phóng túng. Bất phóng dật là đối lại của sự buông lung. Bất phóng dật đi cùng với tinh tấn để ngăn ngừa việc bất thiện.
(10)Hành xả: Là xả bỏ, không chấp trước. Xả bỏ là sự xả bỏ việc bất thiện. Làm thiện xả bỏ mong muốn đền ơn.
(11)Bất hại: Là không làm hại ai. Không làm hại ai là định nghĩa bao gồm cả mình lẫn cả người. Bất hại cũng có nghĩa là không lại hại người này vì muốn giúp ích người kia.
5. Luận giải “6 căn bản phiền não”
(1)Tham: Là tham lam. Là lấy của không cho, là lấy của người khác.
(2)Sân: Là sân hận.
(3)Si: Là sự si mê, ngu muội.
(4)Mạn: Là kiêu mạn, là nâng mình lên, hạ người khác xuống, là sự khinh thường người khác. Mạn bao gồm 7 loại sau đây:
- Mạn: Không coi trọng người khác
- Ngã mạn: Ỷ vào năng lực bản thân, để lấn lướt người khác
- Quá mạn: Mình kém người nhưng cho rằng mình bằng người; mình bằng người nhưng cho mình là hơn người
- Mạn quá mạn: Người hơn mình nhiều, nhưng chỉ coi họ hơn mình chút ít, và luôn cho rằng không nhiều người giỏi hơn mình
- Ty liệt mạn: Mình kém người nhiều, nhưng coi là ít, mình kém nhiều người nhưng cho rằng kém một vài người
- Tăng thượng mạn: Với đời thế tục, làm chuyên môn chưa bằng ai, đã cho rằng mình giỏi giang. Với đời tu hành, mới tu chưa bao lâu, đã cho rằng mình chứng Quả
- Tà mạn: Người gặp tà đạo, tu theo tà đạo nhưng vẫn tự hào vì điều đó
(5)Nghi: Là nghi ngờ, hoài nghi.
(6)Ác kiến: Là cái thấy bất thiện, cái thấy không đúng đắn. Trong Ác kiến lại được chia thành 5 loại:
- Thân kiến: Là cái thấy chấp vào thân này, là cái ngã, coi là “ta”. Hành tướng của thân kiến chính là coi thân mình là vĩnh hằng, là duy nhất, là đẹp đẽ hơn người.
- Biên kiến: Là cái thấy chấp vào một bên.
Một là chấp vào đoạn kiến (cái thấy chết là hết), vì lẽ đó mà nghiệp báo của thiện, ác không có, nên tạo tác thiện, ác không quan trọng, tu không đem lại điều gì.
Hai là chấp vào thường kiến (cái thấy “ta” còn mãi), chấp vào linh hồn, sinh ra như nào, chết đi sẽ đầu thai lại thân phận như thế, người chết đi thành người, phàm phu chết đi thành phàm phu.
- Tà kiến: Chấp vào cái thấy “tà”, sai phạm không chân chính. Chấp vào sự mê tín, dị đoan.
- Kiến thủ: Là sự bảo thủ về cái thấy của mình, vì lẽ đó mà không thể học hỏi thêm. Cái thấy có đúng thì không thể hoàn thiện, cái thấy có sai thì không thể sửa đổi.
- Giới cấm thủ: Là sự chấp vào “giới” theo nghĩa câu từ chứ không phải theo nghĩa lý thật sự.
Để giải nghĩa cho giới cấm thủ, chúng ta có thể ngẫm nghĩ về câu chuyện này:
“Có 2 thiền sư Ekido, và Tanzan cùng hành trình về Kyoto. Khi đến gần bờ sông, họ nghe giọng 1 cô gái kêu cứu ở giữa sông. Ekido lập tức cứu cô gái. Sau đó, Ekido và Tanzan tiếp tục cuộc hành trình. Đến tối, Tanzan không thể chịu nổi và hỏi Ekido:
- "Sao bạn lại có thể đem cô gái ấy từ dòng sông lên ?Bạn không nhớ là chúng ta phải giữ giới, không được phép đụng vào nữ giới hay sao ?
Ekido liền trả lời:
- "Tôi cứu cô ấy, và chỉ đưa cô ấy từ sông lên bờ. Còn bạn vẫn còn mang cô ấy đến tận đây"
Ngụ ý của câu chuyện này, chính là một người chấp vào chữ “giới” nam nữ theo ngôn từ mà không thật sự hiểu đúng ý nghĩa cốt lõi là tránh “dục”, bỏ mặc người nữ dưới sông, thì tác hại của giữ “giới” còn nguy ngại hơn nhiều.
6. Luận giải “Tuỳ phiền não”
“Tuỳ” được hiểu trong nghĩa là “tuỳ thuộc”, phụ thuộc vào hoàn cảnh và căn bản phiền não làm duyên để sinh khởi vì lẽ đó nên gọi là “tuỳ phiền não”.
Tuỳ phiền não bao gồm tới 20 thứ nhưng do tính tương ưng có sự rộng hẹp không đồng đều, hành tướng vừa có tính tương đồng, vừa có tính khác nhau về cường độ, nên được phân loại thành 3 nhóm.
Từ “tương ưng” có nghĩa là sao ? Khái niệm này chúng ta có thể hiểu thay thế bằng từ “hiệp lại”, “kết hợp”, “phù hợp”, “không trái nhau”. Tất nhiên chúng ta cần hiểu rõ rằng từ ngữ mô phỏng thay thế cho nhau chỉ có giá trị ý nghĩa tương đối một phần nào đó, không thể thay thế nhau một cách toàn vẹn.
Trong Thành Duy Thức Luận giải nghĩa tương ưng như sau: “Tuy hành tướng khác nhau, nhưng đồng một thời, đồng y một chỗ, đồng cảnh sở duyên và đồng một việc (sự) thì gọi là tương ưng.”
Ví dụ, khi đôi tai nghe lời chê, trong tâm nổi lên tâm sân, đó là sân tâm sở cùng với nhĩ thức tâm vương tương ưng (hoà hợp) với nhau. Trong ngay ví dụ này, chúng ta sẽ thấy tâm vương và tâm sở cùng đồng duyên một cảnh, đồng một căn và duyên khởi tới tâm. Đó gọi là “đồng cảnh sở duyên”.
- Tiểu tuỳ - Gọi là tiểu vì phạm vi tương ưng nhỏ hẹp, gồm có 10 thứ:
(1)Phẫn: Là giận. Hành tướng của tâm sở này là khi gặp cảnh nghịch, không vừa ý là nổi cơn phẫn uất.
(2)Hận: Là hờn. Hành tướng của tâm sở này là sau khi giận sẽ lưu lại sự thù ghét trong tâm không buông xả.
(3)Phú: Là che giấu
(4)Não: Là não nề (buồn). Hành tướng của tâm sở này nhẹ hơn phẫn, hận, cũng là sự giữ lại trong lòng nhưng mang tính chất phiền muộn, ưu tư.
(5)Tật: Là đố kị
(6)Xan: Là ích kỷ
(7)Cuống: Là dối trá
(8)Siểm: Là nịnh bợ
(9)Hại: Là gây hại
(10)Kiêu: Là kiêu mạn
Sân, phẫn, hận và não đều được hiểu chung là giận, nhưng đó chỉ là cách hiểu tạm, hành tướng thực sự của bốn tâm sở này chi tiết hơn theo cấp độ
Sân là cấp độ cao nhất được ví như lửa đang cháy to. Phẫn là cấp độ nhẹ hơn được ví như lửa củi, âm ỉ. Hận nhẹ hơn phẫn một chút được ví như lửa than. Não có cấp độ nhẹ nhất, là sự buồn, phiền muộn trong lòng được ví như tro, tức cơn cháy đã qua, giờ chỉ còn hơi nóng ấm ấm.
- Trung tuỳ - Mức độ tương ưng trung bình, gồm có 2 thứ:
(1)Vô tàm: Tự mình không biết xấu hổ khi mình đã suy nghĩ, lời nói hoặc hành động bất thiện (không cần ai thấy, ai biết).
(2)Vô quý: Không biết xấu hổ khi có người thấy, người biết mình gây ra một điều bất thiện.
Công năng của 2 tâm sở này là làm tăng trưởng việc bất thiện, tạo chướng ngại cho lòng thiện khởi sinh.
- Đại tuỳ - Mức độ tương ưng lớn nhất, gồm 8 thứ:
(1)Trạo cử: Không yên
(2)Hồn trầm: Uể oải, mệt mỏi. Nhiều sách giải nghĩa “hôn trầm” là mờ tối, ý muốn nói tới hành tướng của tâm sở này duyên với sự thiếu sáng suốt, không minh mẫn.
(3)Bất tín: Không có niềm tin
(4)Giải đãi: Lười biếng
(5)Phóng dật: Buông thả, phóng túng
(6)Thất niệm: Không có chánh niệm
(7)Tán loạn: Rối loạn
(8)Bất chính tri: Sự biết không đúng chính tri, không như sự thật
Trạo cử, tán loạn, phóng dật khi dịch sang tiếng Việt dễ gây nghi ngờ, khó hiểu và đang mang tính chất tạm hiểu như một sự “tán loạn”.
Tuy nhiên, chúng ta có thể hình dung dễ hiểu với trạo cử được ví như con ngựa bị nhốt trong chuồng, nhưng đầu quay loạn không yên; tán loạn được ví như con ngựa chạy loạn trong chuồng; và phóng dật chính là hình ảnh con ngựa đó được thả khỏi chuồng.
7. Luận giải “Bất định tâm sở”
Bất định là trái của “định”. Định là sự chuyên chú, chú tâm vào một điểm, một đối tượng thì bất định chính là khiến việc đó không thể diễn ra, chi phối sự “an định”, “định tâm”.
Bất định gồm có 4 thứ, và những tâm sở này không thuộc hẳn bản thể thiện hay bất thiện.
(1)Hối: Là hối hận, ăn năn. Hối hận, ăn năn có hành tướng là sự day dứt việc đã trải qua, không buông xả được ý niệm về việc cũ. Chúng ta cần phải hiểu rõ tâm sở này không thực sự thuộc hẳn thiện hay bất thiện.
Ví như một người hối hận vì đã lỡ nặng lời của người khác, đó là tâm sở hối thiện, nhưng một người hối hận vì không nói dối để có lợi cho mình, đó là tâm sở hối bất thiện.
(2)Miên: Là ham ngủ, nghỉ. Ngủ để hồi sức lực là tâm sở thiện, nhưng ham ngủ, ngủ quá nhiều không làm việc thì đó là tâm sở bất thiện.
(3)Tầm: Tìm cầu.
(4)Tư: Suy nghĩ, chọn lọc.
Tầm, tư để hành thiện là tâm sở thiện; tầm, tư để lập mưu trục lợi là tâm sở bất thiện.
Để dễ hiểu nhất cho tầm, tư, chúng ta hãy nghĩ tới hình ảnh một người đi chợ mua cam, tới hàng bán cam, người đó chọn những quả cam ngon nhất. Việc đi chợ mua cam là hành tướng của tầm, vì phải muốn ăn cam nên mới tìm cầu đi mua cam, và việc chọn cam là hành tướng của tư, là sự suy xét, chọn lọc.
Phần II. Luận về 3 nhóm còn lại (Sắc pháp, Tâm bất tương ưng hành pháp, Vô vi pháp)
1. Sắc pháp
Sắc pháp là khái niệm nói tới những thứ thuộc về “sắc” – tức có khả năng nhìn thấy, nhận biết bằng mắt.
Sắc được chia thành hình sắc (tức là có hình hài, có khuôn, có hình dáng) và màu sắc. Sắc pháp bao gồm 11 thứ trong đó có 5 thứ thuộc về giác quan, và 6 thứ còn lại là đối tượng của giác quan.
5 giác quan thuộc sắc bao gồm: nhãn (mắt), nhĩ (tai), tỷ (mũi), thiệt (lưỡi), thân. Trong 6 giác quan thì chúng ta bỏ đi phần ý thức, vì cái đó không thấy được; và 5 giác quan kia cũng chỉ tính phần thô phù ngoài da ngoài thịt mới tính là sắc pháp (Gọi là Phù trần căn)
6 đối tượng được gọi là: sắc trần, thinh trần, hương trần, vị trần, xúc trần, pháp trần. Chữ “trần” được giải nghĩa trong những cụm hay gặp như “trần thế”, “trần đời”, ý nói về thế tục, sự nhiễm uế.
Sắc pháp chính là phần ảnh hiện tướng, được kinh gọi tắt là “Tướng phần”. 11 thứ thuộc “Sắc pháp”:
(1)Nhãn căn: Mắt
(2)Nhĩ căn: Tai
(3)Tỷ căn: Mũi
(4)Thiệt căn: Lưỡi
(5)Thân căn: Thân thể
(6)Sắc trần: Đối tượng của mắt, cảnh mắt thấy
(7)Thinh trần: Đối tượng của tai, cảnh tai nghe
(8)Hương trần: Đối tượng của mũi, cảnh mũi ngửi
(9)Vị trần: Đối tượng của lưỡi, cảnh lưỡi biết
(10)Xúc trần: Đối tượng của thân, xúc chạm được biết bởi thân
(11)Pháp trần: Đây là hình ảnh lưu lại của 5 trần còn lại trong Ý thức.
Tác dụng của pháp trần chính là mặc dù khi cảnh cũ đã trôi qua, mắt không còn thấy sắc cũ, tai không còn nghe âm thanh cũ, nhưng chúng ta có thể tự hồi tưởng trở lại. Được ví như cái bóng của sắc trần, giống bóng của con người.
3. Bất tương ưng hành pháp
Khái niệm về các pháp bất tương ưng dễ khiến cho người đọc bị rối loạn một chút, tuy nhiên chúng ta hãy bóc tách từng bước một đơn giản như sau:
- Tương ưng đã giải thích ở trên là hoà hợp, thì bất tương ưng là sự không hoà hợp
- Hành trong cụm từ “Hành uẩn” của khái niệm “Ngũ uẩn”. “Hành” là sinh diệt liên tục, chuyển động biến hành, “Uẩn” giải nghĩa là kết lại, tích tụ lại.
Bất tương ưng hành pháp là khái niệm nói về các pháp không hoà hợp với tâm. Khái niệm này chúng ta cần hiểu rõ, các tâm tương ưng (tức hoà hợp) với tâm có nghĩa cần sự sinh khởi của các tâm sở làm duyên, thì các pháp bất tương ưng chỉ không mang tính chất hoà hiệp tâm vương, chứ không tách rời tâm vương.
Bất tương ưng hành pháp phải dựa vào cả ba phần: tâm vương, tâm sở, sắc pháp để hình thành “một cách giả tạm”
Nhóm pháp này bao gồm 24 thứ:
(1)Được: Là có được, nhiều nơi gọi là “đắc” trong cụm quen thuộc là “đắc quả”.
Ví dụ "Tôi có được cái áo đẹp", có “áo” là “sắc pháp”, tâm sở khởi sinh là “thọ”, cùng với có tâm vương nhãn thức, phải nhờ ba cái đó mới giả lập ra “Được”.
(2)Mạng căn: Thân xác này
(3)Chúng đồng phận: Phận trong từ “số phận”, nhưng không có nghĩa chung số phận theo hình thức sinh cùng nhau, chết cùng lúc,… (theo yếu tố thời gian).
Đồng phận được dùng trong hoàn cảnh ý nghĩa của "đồng loại". Khái niệm này nói những chúng sinh hữu tình hay vô tình, loài nào đồng với loài đó thì được gọi là “đồng phận”.
Như loài người đồng với người, phận người thì giống đặc tính nhau, ví dụ xuống nước thì không sống nổi. Loài cá đồng với cá, phận cá thì lên bờ không sống được.
(4)Dị sinh tính: Ý nói tới những chúng sinh nào còn phải luân hồi, tức là sinh ra bởi sự “dị tính”, nhiều sách dịch khái niệm này là “Phi đắc” tức chưa đắc quả
(5)Vô tưởng định: Định này diệt hết các tâm vương và tâm sở của sáu thức trước. Ở đây gọi "Vô tưởng" là vì "Tưởng vi tế" tạo nên định này.
(6)Diệt tận định: Định này không những diệt hết các tâm vương và tâm sở của sáu thức trước, mà diệt luôn cả thức thứ 7 (Mạt-na-thức), có nghĩa là phá chấp ngã vi tế.
Theo Duy Thức thì vô tưởng định là định của phàm phu; còn diệt tận định là định của Thánh nhân đắc đạo. Do vô tưởng là sự lừa dối bởi tưởng, người thiếu định lực không nhận biết được, coi tưởng là thật, còn Thánh nhân thì diệt tận gốc tưởng.
(7)Vô tưởng báo: Người ở cõi dục tu vô tưởng định, sau khi mạng chung, được thân ở cõi trời vô tưởng.
(8)Danh thân: Là tên, là cái “danh”
(9) Văn thân: Là chữ.
(10)Cú thân: Câu, do ghép nhiều tiếng thành câu.
(11)Sinh: Sinh ra
(12)Trụ: Ở
(13)Lão: Già
(14)Vô thường: Đối với “thường hằng bất biến”
(15)Lưu chuyển: Lưu lại và chuyển tiếp không dừng, không có đoạn nghỉ
(16)Định vị: Nhân gây, thì quả được định, đúng nhân đúng quả không sai lệch
(17)Tương ưng: Ưng thuận, hoà với nhau. Nhân nào quả đó, cân xứng với nhau.
Lý do tại sao nhóm bất tương ưng lại có tâm sở tên “tương ưng”: Nhóm "Bất tương ưng" ý là để phân loại 24 thứ này thuộc một nhóm riêng do sự không tương ưng, hoà hiệp với tâm sở hay tâm vương. Còn gọi là "Tương ưng", là xét ở góc độ giải nghĩa tóm gọn mà nói, nên không phải nhắc tới các tâm sở tương ưng bên trên.
(18)Thế tốc: Các pháp hữu vi thay đổi nhanh chóng
(19)Thứ đệ: Thứ lớp
(20)Thời: Thời gian
(21)Phương: Phương hướng (Đông, Tây, Nam, Bắc, trên, dưới, trái, phải)
(22)Số: Số lượng
(23)Hòa hợp tính: Các duyên hòa hợp không có trái nhau.
(24)Bất hòa hợp tính: Những pháp chống nhau
Nhìn chúng, 24 thứ thuộc pháp bất tương ưng đều nói về pháp hữu vi có điều kiện, và có sự sinh diệt biến đổi.
3. Vô vi pháp
Pháp vô vi là không sinh, diệt, vì đã không sinh, diệt, cho nên không biến hoại hay thay đổi, Pháp vô vi đôi khi được gọi là “Pháp không điều kiện”. Pháp này gồm có 6 thứ.
Theo lý mà nói, đã là vô vi, đã là không có điều kiện, không sinh, không diệt thì làm sao mà có sự khác nhau để mà phân chia thành 6 thứ.
Thực chất, vô vi chỉ đơn giản là vô vi, hay còn nhiều nơi gọi là “Chân như”, là “Niết bàn”. Đã là Niết bàn thì không thể luận văn hay dùng ý thức mà trình bày được, đó là sự phi ngôn từ, phi văn tự.
Nhưng ở đây, Duy Thức vì xét theo từng khía cạnh giải thích khác nhau, và theo ví dụ mà mượn tạm trình bày chỉ đường, nên tạm gọi với 6 cái tên:
(1)Hư không vô vi: Rỗng không như hư không
(2)Trạch diệt vô vi: Sử dụng trí tuệ tu tập lựa chọn diệt trừ sạch tận uế nhiễm, chứ không phải ý thức sinh diệt đơn thuần, trực nhận Chân như, nên gọi là trạch diệt vô vi
(3)Phi trạch diệt vô vi: Chẳng cần phải diệt trừ cũng trực nhận được vô vi.
Ở đây, thứ (2), và (3) không hề trái nghịch nhau, như đã nói, Duy Thức chỉ mượn tạm vào hình ảnh ví dụ để chỉ đường.
Với phi trạch diệt vô vi, Chân như chỉ đơn giản là không cần diệt trừ uế nhiễm mà vẫn có thể trực nhận, đã là thực tại tuyệt đối thì không có gì để phải diệt, do tự tính Niết bàn sẵn có.
(4)Bất động diệt vô vi: Đạt tu thiền cao, chứng ngộ giải thoát, tâm bất động không còn bị uế nhiễm làm tổn thương.
(5)Thọ tưởng diệt vô vi: Ở diệt tận định, đã diệt trừ tận cùng của thọ và tưởng vi tế.
(6)Chân như vô vi: Không phải vọng tưởng, mà là Chân như. Không thể giãi bày, diễn tả.
Tác giả: Cư sĩ Phúc Quang
TÀI LIỆU THAM KHẢO
- Duy Thức học, dịch giả: HT. Thích Thiện Hoa, Nxb Tôn Giáo, 2020
- https://thuvienhoasen.org/a7317/duy-thuc-hoc
- https://thuvienphatviet.com/ht-thich-tue-sy-dan-vao-duy-thuc-hoc/
- Kinh MILINDA PANHA (Milinda vấn đạo), NXB Tôn Giáo, 2015
Bình luận (0)