Chiều ngày 10/05/2025, nhóm sinh viên chúng tôi hào hứng rời Hà Nội, mang theo máy ghi âm và sổ tay chứa đựng nhiều sự tò mò.

Tạm gác lại khối bài tập chất chồng ở trường, chúng tôi cùng nhau tìm đến chùa Phúc Lâm, nơi mà vài năm trước chẳng ai trong nhóm từng nghĩ sẽ có dịp ghé thăm.

Chuyến đi này, chúng tôi không chỉ được gặp người Thầy đáng kính - Đại đức Thích Chánh Thuần mà còn được nghe để hiểu: Vì sao giữa cuộc sống đầy áp lực, nơi nhịp sống hối hả ở thành phố lại có nhiều bạn trẻ tìm về cửa Phật?

Chúng tôi đến đúng ngày nhà chùa đang chuẩn bị Đại lễ Phật Đản. Các cô bác ai nấy đều tất bật trang trí và bày lễ từ sớm. Không gian tràn ngập sắc hoa và mùi hương trầm lan tỏa. Mặc dù khá bận rộn nhưng Thầy vẫn dành thời gian  tiếp đón và trò chuyện cùng chúng tôi ở gian nhà sàn lớn, bao quanh là đồng lúa xanh mướt trải dài.

Trong không gian ấy, câu chuyện về người trẻ và phật pháp dần được hé mở. Những thắc mắc thường nhật về cuộc sống bỗng được soi sáng qua góc nhìn từ bi, thấu suốt của nhà Phật, mang lại sự chiêm nghiệm nhẹ nhàng nhưng rõ ràng về tâm thức và hành trình sống của giới trẻ hiện nay.

Nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao phỏng vấn Đại đức Thích Chánh Thuần
Ảnh: Bảo Khuê (pháp danh Diệu Ngọc)
Nhóm sinh viên Học viện Ngoại giao phỏng vấn Đại đức Thích Chánh Thuần Ảnh: Bảo Khuê (Pháp danh Diệu Ngọc)

Mái chùa che chở tâm hồn người trẻ 

Chúng tôi hỏi Thầy rằng, điều gì khiến ngày càng nhiều người trẻ tìm đến các hoạt động của chùa trong thời gian gần đây? Trước đó, chúng tôi cho rằng xu hướng này bắt nguồn từ mong muốn được giải tỏa áp lực hay vì một niềm tin tôn giáo nào đó. Nhưng hóa ra đa phần sinh viên tìm đến chùa hiện nay chưa hẳn vì lý tưởng tôn giáo như xuất gia hay quy y mà phần nhiều đến vì tò mò, muốn tìm nơi tĩnh tâm hoặc đơn giản là tìm “một sân chơi lành mạnh”.

Chính trong môi trường tưởng như “tránh xa thế giới thực tại” ấy, nhiều bạn bắt đầu nhận ra những giá trị sống sâu sắc: lòng biết ơn, lòng hiếu thảo, sự chân thành, khả năng kiểm soát cảm xúc và đặc biệt là động lực sống cống hiến. Như những lá thư các bạn viết sau khóa tu, có em đã bộc bạch rằng “con không sợ mình nghèo, không sợ mình xấu mà sợ nhất là con không có giá trị con người”.

Từ những trăn trở ấy, Thầy bắt đầu mở ra góc nhìn sâu hơn. Theo Thầy, Phật giáo không dạy ta chạy trốn thực tại mà hướng ta đến việc đối diện bằng cách sống tỉnh thức, không buông thả, không tiêu cực. Những lời giảng về “Bát Chính đạo” không chỉ là giáo lý suông mà còn có thể trở thành kim chỉ nam giúp sinh viên học cách nỗ lực, khát vọng đúng hướng.

Nhiều bạn sau khi kết thúc khóa tu trở về đã chủ động thay đổi: từ việc cư xử đúng mực, biết giữ bình tĩnh hơn cho đến khởi xướng các hoạt động thiện nguyện xuất phát từ tinh thần “từ bi” mà các bạn đã được gieo trồng tại chùa.

Những chuyển biến ấy làm Thầy liên tưởng đến lời của Nguyên Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh: “Tôi không sợ sinh viên nghèo, không sợ sinh viên học dốt, chỉ sợ sinh viên không có mục tiêu”. Giống như lời Phật giáo dạy: Ước mơ là cần, nhưng phải có định hướng, nếu không thì sẽ thành tham vọng mù quáng. Thầy nhắc đến những tấm gương như Khang A Tủa - chàng trai người Mông trúng tuyển đại học Fulbright dù không giỏi tiếng Anh là minh chứng rằng khát vọng song hành cùng nội lực chính là chìa khóa đi đến thành công.

Phật giáo dường như đã trở thành người bạn đồng hành, giúp giới trẻ kiểm soát lòng tham, giữ vững bản chất thiện lành, không lạc lối giữa thời đại nhiều cám dỗ.

Đôi khi lại là bước ngoặt lớn của một đời người…

Chúng tôi tĩnh lòng lắng nghe những lời kể của Thầy: “Có bạn trước kia rất hư, thường chơi cờ bạc, ăn nói thô tục, thậm chí trộm tiền gia đình. Nhưng khi từ khóa tu trở về, bạn ấy đã thay đổi và được giữ vị trí Phó chủ nhiệm một câu lạc bộ thiện nguyện, sau đó được Huyện tặng bằng khen. Đó thật sự là một điều vô cùng đáng mừng”. Giọng Thầy trầm xuống nhưng mắt ánh lên niềm vui, không phải niềm vui của người làm được điều phi thường mà là niềm vui thầm lặng của người gieo hạt tư bi. Thầy vui, khi hạt giống được nảy mầm, trưởng dưỡng từng ngày.

Thầy chia sẻ, sự thay đổi ấy bắt nguồn từ điều giản dị: chính là môi trường. Giữa cuộc sống hiện đại, xô bồ, hối hả thì việc được sống trong một “môi trường an lành”, nơi không ai chửi thề, không ai hút thuốc, nơi “đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu” lại trở thành liều thuốc tinh thần quý giá với người trẻ. Không chỉ vậy, chúng tôi còn được nghe Thầy kể về những chuyến thiện nguyện ở vùng cao như Tuyên Quang, Hà Giang,... Khi được tiếp xúc với đồng bào nơi đây, được chứng kiến sự chia sẻ từng gói bánh, nắm cơm, từng bộ quần áo đến mọi người, nhiều bạn sinh viên đã tìm thấy động lực để cống hiến. Bởi lẽ, ở những nơi đó, dù có thiếu thốn đủ thứ nhưng người dân vẫn tỏ rõ ý chí mạnh mẽ, kiên cường thật khiến người khác nể phục.

Mái chùa che chở hồn dân tộc 

Không chỉ là không gian tâm linh, Thầy giải thích rằng ngôi Chùa còn là trung tâm giáo dục, y tế, văn hóa của người Việt suốt hàng ngàn năm.

Trong lịch sử, từng có Thiền sư Tuệ Tĩnh là người khai sinh ra nền “thuốc Nam”, còn Thiền sư Vạn Hạnh từng là người thầy khai sáng vua Lý Thái Tổ. Ở thời Trần, vua Trần Nhân Tông còn là một thiền sư, khai sáng Thiền phái Trúc Lâm.

Thầy dạy chúng tôi: “Chỉ cần trong nhà con có bát hương thờ tổ tiên thì con đã là người sống trong ảnh hưởng của Phật giáo. Tư tưởng “ở hiền gặp lành”, “nhân quả” đều là di sản Phật giáo thấm vào máu thịt người Việt”. Chúng tôi hiểu rõ hơn ai hết câu nói này sau khi học môn Cơ sở Văn hóa Việt Nam tại giảng đường Đại học. Bởi vì, khác với một số tôn giáo có tính đối kháng văn hóa, Phật giáo khi vào Việt Nam không đối kháng với tín ngưỡng bản địa mà dung hòa, chắt lọc từng giá trị để xây dựng bản sắc mới. Đó là lý do vì sao chùa vẫn là nơi người dân tìm về mỗi khi “trái gió trở trời” đúng về cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng.

Phật pháp - không chỉ dành riêng cho ai đã có “nhiều kinh nghiệm”

Nhiều người vẫn nghĩ Phật giáo chỉ dành cho người lớn tuổi, hoặc cho những ai đã “trải đời”. Lý giải điều này, Thầy nhẹ nhàng giải thích: “Phật giáo không phát minh ra luật nhân quả, lý duyên khởi, vô thường, vô ngã, nghiệp báo. Đức Phật chỉ phát hiện và mô tả lại bản chất của vũ trụ, của cuộc sống”. Và khi hiểu được những điều đó, người trẻ không cần phải “già đi” để hiểu đạo, mà cần tĩnh lại để cảm nhận được sự vận hành tự nhiên của đời sống. 

Hiểu rõ những rào cản của người trẻ với phật pháp, thầy chia sẻ: “Phật giáo ngày nay không còn khô cứng, giáo điều. Thay vào đó, mỗi nhóm tuổi, mỗi đối tượng lại có cách tiếp cận riêng. Trẻ mẫu giáo thì nghe kể chuyện Phật giáo theo lối kể chuyện cổ tích, sinh viên thì nghe pháp thoại nhẹ nhàng, đậm tính thực tế, người trưởng thành thì học thiền, học cách buông bỏ,...”.

Chỉ cần bạn thật tâm mong muốn tìm hiểu, Phật giáo sẽ tự nhiên đến với bạn theo cách phù hợp nhất.

Cơ hội để nhìn và để ngẫm...

Kết thúc buổi trò chuyện, chúng tôi được mời nán lại tham gia Chương trình Đại lễ Phật đản năm 2025 tại chùa Pháp Bấn để thực sự trải nghiệm và đón nhận những giá trị tinh thần mà nhà Phật mang lại.

Tưởng chừng sẽ có những nghi lễ phức tạp và kéo dài, nhưng thực tế, chương trình được thiết kế ngắn gọn, trang nghiêm mà vẫn gần gũi.

Mở đầu là những tiết mục văn nghệ chào mừng đậm chất Phật giáo, sau đó là các nghi lễ truyền thống như niệm Phật cầu gia bị, tuyên đọc Diễn văn Phật đản. Xen giữa những nghi lễ thiêng liêng là khoảnh khắc lắng đọng với nghi thức Tắm tượng Phật - nơi mỗi người tham dự đều có cơ hội quay về với chính mình, gột rửa muộn phiền, khởi phát tâm lành.

Dưới ánh nắng nhẹ và tiếng chuông trầm mặc, chúng tôi cảm nhận rõ không khí an lành lan tỏa. Đây là thứ mà có lẽ, chỉ khi trực tiếp hiện diện mới thấm hết được vẻ đẹp sâu xa.

Đại đức Thích Chánh Thuần cùng các phật tử trang nghiêm làm lễ 
Ảnh: Bảo Khuê (pháp danh Diệu Ngọc)
Đại đức Thích Chánh Thuần cùng các phật tử trang nghiêm làm lễ Ảnh: Bảo Khuê

Sinh ra một con người mới, ngay trong chính mình

Tháng Phật Đản là mùa kỷ niệm ngày đức Phật ra đời. Đối với nhiều người đây không chỉ là sự kiện tôn giáo mà còn là dịp mỗi người tự hỏi: điều gì mới đang được sinh ra trong ta? Với Thầy, thông điệp Phật Đản là: “Nếu đức Phật làm được điều vĩ đại với lòng từ bi và ý chí thì chúng ta cũng có thể làm được”. Hay nói cách khác, thành Phật không phải là thành tượng, mà là thành người biết yêu thương, biết phụng sự, biết sống có ý nghĩa. 

Tác giả: Bảo Khuê (Diệu Ngọc)  nhóm sinh viên Học viện Ngoại Giao

Chùa Phúc Lâm tháng 5 - 2025