Trang chủ Văn hóa “Mại Cam Giả Ngôn” của Lưu Bá Ôn dưới góc nhìn Phật giáo

“Mại Cam Giả Ngôn” của Lưu Bá Ôn dưới góc nhìn Phật giáo

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên
Ths Khóa V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

DẪN NHẬP

Trung Quốc là một trong những cái nôi văn hóa của thể giới: “từ trước công nguyên, nền văn học nước này đã có những thành tựu rực rỡ …, sản sinh ra những danh nhân văn hóa thế giới….”[1]. Học về cổ văn là học về những giá trị đạo đức, những thành tựu văn hóa, tồn tại như kết tinh của trí tuệ cổ xưa. Văn học Trung Quốc có tầm ảnh hưởng nhất định với văn học Việt Nam. Nghiên cứu về môn Hán cổ không chỉ đáp ứng toàn vẹn nhu cầu ấy, mà con mở ra cho tu sĩ Phật giáo những góc nhìn mới, thông thoáng và đặc sắc, tạo nền tảng vững chắc trên con đường học Phật, truyền bá đạo pháp.

Nói đến cổ văn, không thể bỏ qua “Cổ Văn Quan Chỉ”. Trong tuyển tập những tác phẩm xuất sắc hàm chứa những đạo lý sâu sắc, ta thấy được “Mại Cam Giả Ngôn” một tản văn đầy lôi cuốn, không chỉ phản ánh được thời đại, bộc lộ tiếng nói người dân đương thời, còn có giá trị siêu việt thời gian, đến ngày nay không ít học giả khi đọc đều tán thưởng. Nghiên cứu về tản văn này mở ra cho học giả một cái nhìn mới về cách thức lồng ghép các triết lý thông qua cách thức sử dụng ngôn ngữ dân giã.

B. NỘI DUNG

CHƯƠNG I.  VÀI NÉT VỀ LƯU BÁ ÔN VÀ “MẠI CAM GIẢ NGÔN”

Để hiểu phê bình về một nhận định ta cần phải tìm hiểu một cách rõ ràng nhận định ấy trong tương quan tác giả, tư tưởng tác giả, bối cảnh xã hội và mục đích nhận định hướng tới, bởi, “y văn giải nghĩa tam thế Phật oan”. Với tác phẩm “Mại Cam Giả Ngôn” của Lưu Bá Ôn, ta càng phải xem xét cụ thể hơn nữa, kĩ càng hơn nữa mới có thể có được các nhận định đánh giá một cách công tâm và trực quan nhất. Tìm hiểu đôi điều về Lưu Bá Ôn, hoàn cảnh sáng tác “Mại Cam Giả Ngôn” và các yếu tố liên quan là bước quan trọng khi đánh giá tác phẩm.

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Chan Dung Luu Ba On 1

Chân dung Lưu Bá Ôn. Ảnh: Wikipedia

1. Lưu Bá Ôn

Tên thật là Lưu Cơ, Bá Ôn là tên tự, quê quán tại huyện Thanh Điền tỉnh Triết Giang, là người có học vấn cao, hiểu thiên văn, giỏi binh pháp. Ông nổi tiếng trong lịch sử với tư cách là một nhà mưu lược quân sự, làm quân sư cho Chu Nguyên Chương (Minh Thái Tổ).[2] Ông thanh minh, chính trực một đời, cả sự nghiệp đều vì nước vì dân, luôn được ca ngợi bởi học giả đương thời và hậu thế.

Vốn Đỗ tiến sĩ cuối triều Nguyên từng giữ các chức Huyện thừa huyện Cao An tỉnh Giang Tây, Đô sự nguyên soái phủ hành tỉnh Giang – Triết. Song bất mãn trước tình hình tham quan lộng hành, dân chúng lầm than, thêm nữa là tài không được trọng dụng, không thể vì dân mà thay đổi, ông đã không nhận chức quan mà ở ẩn. Mãi đến khi Chu Nguyên Chương ba lần thỉnh mời, sau lại thấy cùng chung chí hướng, Lưu Bá Ôn mới trở ra hết lòng phò tá Chu Nguyên Chương.[3]

Điều nổi bật trong cống hiến của ông là đã trình lên Chu Nguyên Chương bản Thời vụ Thập bát sách.[4] Đây cũng là bước đầu tiên, mở ra quá trình trợ giúp Chu Nguyên Chương thành công đánh lui các thể lực thù địch, lập ra nhà Minh. Trong tám năm tham dự quân cơ, ông được thừa nhận là có công đầu về mưu lược trong màn trướng. Từng việc làm của ông đều được sử sách Trung Hoa ghi nhận và luôn là hình ảnh biểu trưng cho một thanh quan vì dân vì nước.

Cuối đời, không thể làm gì hơn trước tình cảnh tham quan được vua trọng dụng, lộng hành hại dân, ông từ quan và qua đời khi ở ẩn. Người đời lưu truyền nhiều giai thoại về ông, xem ông là Gia Cát Lượng đời Minh có công đầu khai quốc: “Vạn đại quân sư Gia Cát Lượng/ Nhất thống sơn hà Lưu Bá Ôn”[5]. Chu Nguyên Chương cảm động nói: “Khi Lưu Bá Ôn còn sống, cả triều đình đều là bọn “Hồ đảng”, chỉ riêng có một mình ông ấy là không theo chúng, nên mới bị chúng thư.”[6]

Lưu Cơ để lại nhiều tác phẩm được tập hợp trong Thánh ý Bá Vân tập, trong đó nổi bật là phần bàn về mưu lược quân sự mà tiêu biểu là cuốn Bách chiến kỳ lược. Về tản văn, ba tác phẩm nổi tiếng của ông là: Mại Cam Giả Ngôn, Tùng Phóng Các Ký và Úc Thi được gìn giữ và lưu truyền ca ngợi [7].

2. Hoàn cảnh ra đời “Mại Cam Giả Ngôn”

Lưu Bá Ôn làm quan vào cuối đời nhà Nguyên, đầu nhà Minh là công thần khai quốc Minh triều. Theo sử sách đánh giá thì đây là giai đoạn trì trệ của Trung Hoa.[8] Cuối thời Nguyên, bạo động diễn ra từ chính những người thuộc giai cấp khốn khổ nhất, đủ thấy nạn tham quan lộng hành, đời sống người dân cực khổ đến thế nào. Bên cạnh tình trạng thu thuế “thắt chết” người dân, thì thiên tai còn liên tục giáng xuống khiến cuộc sống nhân dân lầm than cùng cực.

Năm 1368, Chu Nguyên Chương phất cờ khởi nghĩa, chiếm Bắc Kinh, lên ngôi vua, tức Minh Thái Tổ. Có thể nói, cả sự nghiệp của Lưu Bá Ôn đều gắn với Chu Nguyên Chương, người được đánh giá là “ông của Hán độc tài nhất trong lịch sử Trung Hoa, không kém Tần Thủy Hoàng”[9]. Điều đó được nhiều nhà nghiên cứu lý giải là ảnh hưởng từ các vua Mông Cổ.

Theo Eberhard, vì quá ám ảnh tệ nạn từ thời nguyên, muốn quét sạch những tồn dư đó. Chu Nguyên Chương rất nghiêm khắc với quan lại, kẻ nào không liêm khiết thì trừng trị nặng, nhưng không diệt nổi nạn tham nhũng vì lương bổng của họ quá ít không đủ sống. Sau này, tệ nạn đó còn lan tràn tới mức đẩy triều đình và xã hội tới mức độ sa đọa, mục nát, đẩy cuộc sống người dân tới cảnh điêu tàn. Tóm lại, trong suốt thời đại trải dài từ cuối đời Nguyên đến đầu thời Minh, được nhận xét là “không tiến bộ về một phương diện gì cả, trừ văn học bình dân”[10].

3. Sơ lược “Mại Cam Giả Ngôn”

賣柑者言là một tản văn nổi tiếng của Lưu Bá Ôn, phản ảnh rõ nét nhất thái độ chính trị của ông, cũng là tấm gương phản chiếu hiện trạng xã hội mục nát đến mức cùng cực. “Mại Cam Giả Ngôn” được trích chọn trong rất nhiều tản văn Trung Quốc đưa vào bộ sách vô cùng ý nghĩa “Cổ Văn Quan Chỉ” như một sự khẳng định về giá trị nội dung cũng như sức ảnh hưởng tới mọi thời đại của tác phẩm.[11]

“Cổ Văn Quan Chỉ” đã tuyển chọn 222 bài tản văn từ các tản văn cổ Trung Quốc từ thời Tiền Tần đến cuối thời nhà Minh, gồm nhiều tác phẩm nhiều phong cách khác nhau, nhiều trường phái khác nhau,  nhiều đề tài khác nhau. Điểm chung những bài văn này là “vần điều sang sảng, dễ ghi nhớ, dễ đọc, lại hàm chứa ngụ ý thâm sâu, đầy đủ giáo hóa triết lý, khiến người đọc mở rộng tư duy vô cùng”.[12]

Thông qua cuộc nói chuyện giữa người bán cam và tác giả, bằng giọng văn sắc sảo, sinh động, mạnh mẽ, “Mại Cam Giả Ngôn” đã vạch trần và công kích sự thối nát của tầng lớp thống trị. Đây là một tác phẩm vừa đạt được nét đặc sắc trong nghệ thuật biểu đạt, vừa đưa đến cho người đọc nhiều tầng ý nghĩa, lại có giá trị ghi nhận lịch sử, vừa là áng văn phù hợp với mọi thời đại. Tác phẩm này được Nguyễn Hiến Lê nhận định là đủ sức để sánh tầm với cổ văn đời trước.[13]

Tiểu kết

Tìm hiểu một cách rõ ràng về Lưu Bá Ôn, hoàn cảnh sáng tác phẩm chính là bước quan trọng để có thể làm sáng tỏ ý nghĩa của tác phẩm, tránh phần ngộ nhận. Cũng từ hoàn cảnh sáng tác và khuynh hướng phát triển của tác phẩm ta xác định được chiều hướng hàm ý mà tác giả muốn hướng tới, từ đó mở ra cho chúng ta hướng phân tích nhằm làm sáng tỏ ý nghĩa của tác phẩm.

CHƯƠNG II.  PHÂN TÍCH NỘI DUNG “MẠI CAM GIẢ NGÔN”

“Mại Cam Giả Ngôn” là tác phẩm giàu sức biểu tưởng với rất nhiều tầng ý nghĩa ẩn sâu trong từng câu văn, từng hình ảnh, thậm chí từng ngữ khí, tình huống,… tác giả sử dụng. Với nhiều chiều hướng có thể khám phá tác phẩm như thế, tác phẩm trở nên sinh động và hấp dẫn lạ lùng. Phân tích tác phẩm theo chiều hướng hàm ý ẩn trong lời nói sẽ khiến tác phẩm dễ dàng được làm sáng tỏ.

1. “Kim ngọc kì ngoại, bại nhứ kì trung”

“Mai cam giả ngôn” là tác phẩm nổi tiếng thầm đã kích giới thống trị thối nát. Thông qua vài câu trả lời của người bán carm, từng hình ảnh biểu tượng mang hàm ý mỉa mai hiện ra một cách đường hoàng, không gượng ép, với một thái độ trào phúng sâu sắc, thế mà lại phản ánh được tệ nạn xã hội một cách chân thực.[14]

Quan liêu được xem là tầng lớp ưu tú trong xã hội, được kính trọng về uy tín và địa vị xã hội là một đẳng cấp có đặc quyền, trước hết là về mặt tinh thần. Có thể nói đó là một tầng lớp ưu tú được dán nhãn. Những người quan liêu vốn là những trí thức, dấn thân vì mục đích cống hiến cho xã tắc, phục vụ cho nhân dân. Quan chính là cầu nối giữa triều đình và người dân với tôn chỉ trung thành với triều đình, chăm sóc cho người dân. Không phải tự nhiên mà tầng lớp quan lại lại có danh xưng là “quan phụ mẫu”. Đó phản ánh xứ mệnh cao cả của một vị quan.

Tuy vậy, ở thời của Lưu Bá Ôn, quan lại biến chất đến cùng cực. “Mang hổ phù”, “ngồi da beo”, “đội nón cao”, “thắt đai dài” là những hình ảnh người bán cam dùng để ta cho những “bậc” oai phong mang khí chất của nhân tài, hiên ngang như có thể thật sự xây dựng đại nghiệp vì nước vì dân. Đặt họ ngang hàng với Tôn Võ, Ngô Khởi, Y Doãn, Cao Dao[15] phải chăng là sự mỉa mai đến cùng cực của tác giả, cũng là nỗi chua xót của nhân dân khi mà những đãi ngộ vốn dành cho hiền thần, kì tài vì dân nay lại bị bọn tham quan ô lại nghiễm nhiêm chiếm lấy.[16]

Khổng Tử từng dạy rằng: “Càng những đời sau càng như vậy. Thiên hạ rồi sẽ đến lúc, khối kẻ chẳng cần học hành gì, hoặc học giả vờ, mà vẫn có thể làm quan, thậm chí làm quan to, rất to…”[17]. Câu nói này của Khổng Tử lại đúng đến kì lạ. Không có học vấn, không có năng lực, không có đạo đức chính là những nguyên nhân chính khiến bọn tham quan bàng quan trước sự cực khổ của dân.

Trộm cướp nổi lên, dân khốn khổ, quan lại gian tham, pháp luật bại hoại, hiện thực xã hội thê thảm đến không thể thê thảm hơn, thế mà bọn họ không những không biết chế ngự, cứu giúp, ngăn cấm, sữa chữa mà còn “坐糜廩粟而不知恥”[18]. Từng câu từng chữ của người bán cam không lời nào thừa thải, đánh thẳng vào hiện trạng đáng buồn nhất của xã hội lúc bấy giờ.

Không chỉ dừng lại ở thái độ ngồi không hưởng lợi, chà đạp trên sự đau khổ của nhân dân, họ còn không màng liêm sỉ đến mức bày ra dáng vẻ oai nghi hiển hách, để người đời noi theo. Đây đã trở thành nếp sống “vẻ vang” của những kẻ “làm quan phụ mẫu”. Toàn bộ tâm sức đặt trọn vẹn nơi vẻ bề ngoài, bên trong thì mục nát đến tàn bạo. “金玉其外,敗絮其中”[19] là hình dung chuẩn xác nhất mà dành cho bọn quan. Có thể, chỉ với cách hình dung như vậy mới đủ để thể hiện sự bất bình đến cùng cực của Lưu Bá Ôn với lũ tham quan ô lại mà thôi.

Tác phẩm đã truyền tải hết sức thành công thông điệp bóc trần tệ nạn xã hội đương thời. Cổ học tinh hoa cũng đã tuyển dịch tác phẩm và kèm theo lời bàn rằng: “Cốt ý của tác giả muốn lấy quả cam đẹp vỏ, thối ruột mà bóc cả cái hách dịch, cái oai vệ bề ngoài của những bậc quan lớn, một đời suy đốn; để phơi bày cái thực tình bất tài, bất trí, bất dũng ở bên trong thật là có ý nhị”[20].

2. Thái độ bàng quan và bất lực trước thời cuộc

Rất nhiều nguyên nhân dẫn đến thực trạng xã hội thối nát, như ảnh hưởng từ thời Nguyên, nhà Minh chế độ còn lỏng lẻo, thiên tai thường xuyên gây áp lực lên kinh tế,… nạn tham quan trở thành vấn đề nhức nhối nhất xã hội đương thời. Thế nhưng, một nguyên nhân chủ chốt dẫn đến thực trạng đáng buồn ấy chính là thái độ bàng quan và bất lực trước thời cuộc.

“吾賴是以食吾軀”[21] chính là câu trả lời chân thật nhất. Hiện thực có tệ hại, trong lòng có hiểu rõ sự tệ hại ấy, nhưng vì để sống tiếp rất nhiều người cam lòng đi trên con đường lừa gạt mồ hôi xương máu của nhân dân, “bán cam” để đổi lấy cuộc sống bình yên cho bản thân, nhắm mắt làm ngơ trước tất cả.

“人取之,未聞有言,而獨不足子所乎”[22] chính là câu ám thị của tác giả về một hiện thực đáng buồn, cam chịu trước cuộc sống. Tình trạng thối nát từ bên trong ấy diễn ra, ai cũng biết, chỉ là không ai nói, không ai dám lên tiếng, càng không có ai quan tâm muốn sửa đổi. Nếu có người lên tiếng thì sẽ bị vùi dập, bị chỉ trích vì đi ngược lại “lẽ thường” đã được công nhận của thực trạng lúc bấy giờ.

Hoặc hơn thế là “世之為欺者不寡矣,而獨我也乎?”[23] Thay vì chống lại cái ác, loại bỏ điều xấu xa, thì con người lúc bấy giờ lại cam chịu, sống nương theo cái ác và công nhận cái ác là điều bình thường. “Điều đáng sợ nhất không phải là cái ác, mà là sự công nhận cái ác là bình thường”[24]. Chính thái độ ấy làm cho những tệ nạn vốn phải bị lên án trở nên hợp lí, ngày một bành trướng và giết chết xã hội mà trong đó người dân là người gánh chịu tất cả.

Xã hội và cá nhân vốn là một chỉnh thể, sự phát triển của cá nhân phụ thuộc rất nhiều vào xu hướng của xã hội. Nhưng sự phát triển là hai chiều, cá nhân phụ thuộc xã hội và cũng có khả năng thay đổi xã hội.[25] Tuy vậy, những lời người bán cam đã thể hiện rõ thực trạng xã hội, tệ nạn không chỉ là tệ nạn nữa mà nó trở thành khiếm khuyết trong nhận thức mà dường như người ta quen, người ta chấp nhận. Đây là điểm mấu chốt quyết định cho sự bại hoại của xã hội hiện tại.

3. Lời kêu gọi ẩn dưới trái cam của tác giả

Thực trạng thối nát bắt nguồn từ cội rễ của triều đình, cộng thêm nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan đã lan rộng và hệ quả là làm thay đổi chính từ trong nhận thức của người đời. Thử hỏi, khi mà trong tâm lý, xã hội đã công nhận và cam chịu trước tệ nạn ấy thì xã hội sẽ phát triển theo chiều hướng thế nào? Đời sống của nhân dân sẽ ra làm sao?

Người bán cam được tác giả ví như Đông Phương Sóc. Đông Phương Sóc chính là biểu tượng của bậc anh tài, sẵn sàng hy sinh vì dân vì nước, nhưng lối hành xử của ông trước nay luôn phóng khoáng dị thường. Vậy mà, lời người bán cam mang đậm tính ám thị cho sự ghét gian tà, giận phường thế tục, không hề có chút nào phong các của Đông Phương Sóc. Nhìn thì có vẻ mâu thuẫn, nhưng thật ra đó cũng là dụng ý sâu sắc chứa đựng tầm nhìn xa và tình thương của tác giả.

Ứng trước mỗi tình huống khác nhau, biện pháp phải linh hoạt uyển chuyển. Đạo làm quan tối kị rập khuôn, cứng ngắc.[26] Nếu Đông Phương Sóc làm quan dưới thời của Lưu Bá Ôn cũng sẽ linh hoạt để ứng đối trước thời cuộc, dùng hình ảnh trái cam, mượn lời mà lên tiếng.[27] Tác giả im lặng trước lời của người bán cam, nhưng đây không phải là im lặng trước thời cuộc, mà mang hàm ý suy xét đề từ đây đưa ra được biện pháp nhằm thay đổi cuộc sống của nhân dân.

Bên cạnh hàm ý chê trách, phê phán thói tham ô, chỉ ra được khiếm khuyết trong tâm lý, lên án thói bàn quang, thì “Mại Cam Giả Ngôn” còn là lời kêu gọi một cách nhìn nhận đúng đắn về hiện thực xã hội, thức tỉnh xã hội, tìm kiếm những tâm hồn yêu nước thương dân đồng điệu với mình, nhằm mở ra một con đưa sáng đưa xã hội thay đổi, với mục đích cuối cùng là đem đến sự an yên cho người dân.

Tiểu kết

Qua nhiều tầng ý nghĩa như thế, ta có thể khẳng định, người bán cam đây chẳng qua chính là tác giả. Mà hàm ý tác giả muốn vạch trần chính là phơi bày cái hách dịch oai vệ của tầng lớp quan lại, sự suy đồi đến cùng cực của xã hội, sự cam chịu hoặc thái độ hùa theo của người dân trong xã hội. Những tầng ý nghĩa ấy không chỉ đem lại sức biểu đạt đầy hấp dẫn của tác phẩm mà còn đem đến cho “Mại Cam Giả Ngôn” những giá trị tuyệt với, sáng ngời mãi đến mai sau.

CHƯƠNG III. GIÁ TRỊ BẤT HỦ CỦA “MẠI CAM GIẢ NGÔN”

Để gọi là một tác phẩm văn học thì phải bao hàm những đặc trưng về ngôn từ mang tính chất biểu đạt và có những ý nghĩa nhằm giáo dục con người. Còn đối với một tác phẩm bất hủ thì tính chất biểu đạt còn sâu sắc với nhiều tầng ý nghĩa sâu sắc và giá trị của nó vượt xa hàm ý giáo dục mà còn với đích đến là thức tỉnh con người. Giá trị của “Mại Cam Giả Ngôn” không chỉ thích nghi với thời đại, mà dù ở bất kì không gian, thời gian nào đều tỏa ra ánh sáng giá trị sâu sắc.

1. Giá trị biểu đạt

“Tham ô là hành động xấu xa nhất của con người”[28], là “xâm phạm đến lợi ích chung của nhân dân, tức là kẻ địch của nhân dân”[29]. Đây là những tệ nạn nguy hiểm, là “giặc nội xâm” của đất nước. Khi mà xã hội lan tràn tệ nạn này, cũng là lúc đời sống nhân dân trở nên khốn khó cùng cực, đặc biệt là trong xã hội phong kiến loạn lạc đương thời, người dân bị chèn ép đến khổ đau cùng cực.

Sự tàn lụi bên trong được bao bọc bởi một vẻ ngoài đẹp đẽ, được chống đỡ bởi chính xương máu của người dân. Họ không chỉ bị đục khoét, mài mòn, áp bức đến cùng cực, mà còn phải cung phụng, phục tùng đến mức tuyệt đối.[30] “Quỳ lạy” trước thế lực “gặm nhấm” “máu thịt” của mình là nỗi đau đớn mấy ai hiểu được. Người dân bị tướt đoạt hoàn toàn quyền sống, quyền lên tiếng trước những người nhận bổng lộc nhân dân, mang xứ mệnh phục vụ vì nhân dân.

Đứng trước thảm cảnh đó, “Mại Cam Giả Ngôn” chính là tiếng lòng của nhân dân, đại diện cho nhân dân. Tản văn không chỉ vạch trần bộ mặt thật của bè lũ “Kim ngọc kì ngoại, bại nhứ kì trung”, chỉ rõ vấn đề xuất phát từ thái độ của xã hội, thay tiếng kêu ai oán của người dân mà bộc bạch, mà còn thể hiện rõ khát vọng thay đổi cuộc sống, mong muốn sự thức tỉnh và hy vọng về một cuộc cải cách làm thay đổi số phận, thay đổi cuộc sống của họ.

Khoan phân tích những giá trị sâu sắc khác của tản văn, chỉ với giá trị biểu đạt thôi, tác phẩm đã thể hiện rõ nét ưu thế của mình. Trong một hoàn cảnh như thế, một tản văn bình thường dung dị, với những câu chữ gian đơn không trau chuốt, tác phẩm đã bộc bạch rõ ràng tiếng kêu ai oán của người dân, vạch trần rõ nguồn căn và thực trạng lũng bại của hiện tại.[31]

2. Giá trị nghệ thuật

Không phải tự nhiên, Lưu Bá Ôn vinh danh hậu thế là học giả đương thời. Ngoài những công hiến quan trọng của ông trong thời kì xây dựng nhà Minh, là quân sư tài ba với khả năng quân sự tuyệt đỉnh, thì những đóng góp của ông vào nền tảng văn học nước nhà và thế giới là không thể bàn cải. Những tác phẩm của ông không chỉ mang ý nghĩa sâu sắc, là tiếng nói của thời đại, còn mang đậm nét văn chương uyên bác mà lại dung dị đến lạ thường.[32]

“Mại Cam Giả Ngôn” tuy là tản văn nhưng lại có cốt truyện. Cốt truyện ấy đơn giản dễ hiểu, phù hợp với bất kì ai, nhưng lại hấp dẫn vô cùng bởi có bối cảnh rõ ràng, tình huống cao trào, có nút thắc, lại có kết truyện gợi mở nhiều tầng ý nghĩa.[33] Rõ ràng, điểm này là điều nổi bật trong truyện ngụ ngôn, nay lại được ông lồng ghép khéo léo trong tản văn của mình, khiến tác phẩm có sức hút vô cùng.

“Để làm nên thành công của tác phẩm, hình ảnh biểu trưng đóng vai trò vô cùng quan trọng”[34]. Hình ảnh trong tác phẩm của Lưu Bá Ôn, giản dị như trái cam,  bông nát,… cao quý như mũ cao, hổ phù,… đều được vận dụng khéo léo tạo ra nét tương phản đặc sắc. Nhưng cái tên nổi tiếng như Tôn Tẫn, Y Doãn,… cũng được nêu ra làm hình ảnh tiêu chuẩn cho giá trị cao quý mà tác phẩm muốn hướng tới. Tất cả những hình ảnh sinh động, thiết thực ấy lại kết hợp khéo léo với nhau tạo nên một câu chuyện buồn nhưng đầy mỉa mải, mà hơn thế chúng lại hợp nhau đến lạ. Quả thật, hình ảnh là nét đặc sắc chính làm nên thành công của tác phẩm.

“Một nghệ thuật vô cùng duyên dáng được thể hiện rõ trong tác phẩm mang lại nét gơi mở tuyệt vời cho tác phẩm là câu hỏi tu từ”[35]. rất nhiều câu hỏi liên tiếp được đặt ra của người bán cam, không chỉ đẩy người mua đến thế im lặng không nói nên lời, mà còn từng bước đẩy người đọc suy tư về hiện thực của xã hội. Câu hỏi không lời đáp trong thầm lặng gợi lên trong lòng người đọc nhưng đáp án từ chính lương tâm mà dù chọn nói ra hay yên lặng người đọc không thể không thở than cho một xã hội đáng buồn, cảm thông cho người dân khi ấy.[36]

Từ cốt truyện, đến các hình ảnh, các biện pháp nghệ thuật,… đều bật lên vẻ châm biếm mỉa mai mà ẩn sâu bên trong là sự sầu khổ cho số phận người dân trước thời cuộc. Đây không chỉ là một tản văn, đó là tiếng lòng của đồng loại, là kết tinh của tình thương và tài hoa mà nhiều năm sau thế giới vẫn còn thán phục trước tấm lòng ấy. Tác phẩm đóng góp vào nên văn học Trung Hoa bởi những giá trị văn học tuyệt vời ấy, lại lưu lại ý nghĩa vốn là cốt lõi của văn chương.

3. Giá trị đạo đức

Tư Trị Thống Giám chép rằng, Lưu Bá Ôn nói: “Nếu lời nói của tôi không ứng nghiệm, thì đó chính là đại hồng phúc của bá tánh nhân dân. Trái lại, nếu lời nói cửa tôi ứng nghiệm, thì cuộc sống của đông đảo chúng sinh biết làm sao đây?”[37] Đây là tiếng lòng bộc bạch thể hiện rõ động cơ vì dân mà lưu bá ôn luôn ấp ủ. Là người có khả năng bói toán, nhưng ông lại là người theo khuynh hướng đề cao giá trị con người. Thế nên, tầng nghĩa cuối cùng của “Mại Cam Giả Ngôn” mang ý nghĩa đạo đức sâu sắc mà ở đó giá trị của con người được đề lên cao tột.

Ẩn sâu dưới tầng nghĩa lên tiếng vì cuộc sống khó khăn của nhân dân, nhằm vạch trần bộ mặt thật của một xã hội thối rữa, thức tỉnh thái độ cam chịu bàng quan của xã hội, là một lời kêu gọi thay đổi từ trong tư tưởng mới có thể thay đổi xã hội bấy giờ. Những giá trị đạo đức ấy chính là luồng gió mới đánh mạnh vào tư tưởng hủ bại lúc bấy giờ, cũng là sức sống khiến tác phẩm sống mãi với thời đại. Tác phẩm còn là tiếng chuông dự báo cho một đời quan thanh liêm sẵn sàng hy sinh vì nước vì dân và sự đã thực chứng minh điều đó.

Ta có thể khẳng định, “Mại Cam Giả Ngôn” là tiếng nói đạo đức cao tột, là giá trị thiết thực ngày ấy và bây giờ. Trong “Quốc văn giáo khoa thư” của Trung Quốc ngày trước, có in bài “Mại Cam Giả Ngôn”, dùng để dạy trẻ để định hình những giá trị đạo đức ngay từ thuở ban đầu. Nguyễn Văn Ngọc nhấn mạnh: “Tác phẩm ấy dù thời nào đọc cũng thấy đầy thú vị”[38]. Thế đủ thấy những giá trị đạo đức xuyên việt thời đại của Lưu Bá Ôn qua “Mại Cam Giả Ngôn”.

Tiểu kết

Từ việc làm rõ giá trị biểu đạt, giá trị nghệ thuật và giá trị đạo đức, ta thấy rõ trí tuệ cũng như lòng thương dân như con của Lưu Bá Ôn. Bởi chỉ với “Mại Cam Giả Ngôn” hiện thực tàn nhẫn của xã hội cũng như mong muốn giúp người dân thoát khổ của ông được thể hiện rõ. “Mại Cam Giả Ngôn” xứng đáng là một tản văn xuất sắc siêu vượt không gian và thời gian.

VÀI ĐIỀU SUY TƯ

“Xã hội và cá nhân vốn là một chỉnh thể không tách rời, luôn tác động lên nhau”[39]. Những vấn đề của xã hội thực chất bắt nguồn từ mỗi cá nhân mà tâm lý, thái độ nhìn nhận là quyết định. Không phải tự nhiên để một xã hội trở nên lụn bại, thảm tàn, đó là cả một quá trình tha hóa từ trong tâm thức của con người mà kết quả ấy chỉ là biểu hiện cuối cùng. Hiểu được điều này, đứng trước mỗi vấn đề của đời sống, chúng ta cần truy tìm nguồn cơn bắt ngồn từ con người từ đó mới có thể có được những biện pháp hữu hiệu, mang lại giá trị cao nhất có thể.

Như Lai ra đời vì hạnh phúc của chúng sinh và loài người. Đặc biệt, Phật giáo Việt Nam có truyền thống nhập thế sâu sắc và sôi nổi vốn được truyền lại từ Phật giáo Lý Trần[40]. Thế nên, đứng trước các vấn đề của xã hội, Phật giáo chưa từng bàng quan đứng nhìn, hơn thế còn góp phần to lớn cho an sinh của xã hội, hạnh phúc của nhân dân. Ta thấy được nét tương đồng với Phật giáo khi đặt mọi vấn đề dưới tâm lý của con người để truy tìm nguyên nhân thật sự. Với tôn giáo xem trong ý nghĩa thật sự hơn hình thức, Phật giáo luôn có những hướng đi hợp lý mà ở đó vai trò của mỗi tăng, ni trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

Thế Tôn từng nhấn mạnh đa văn là một trong những chướng nạn của Phật giáo[41]. Quả thật, nghệ thuật con chữ chỉ là sự sáo rỗng nếu nó không truyền tải bất cứ ý nghĩa gì. Từ “Mại Cam Giả Ngôn”, ta nhận thấy rõ không xem thường, nhưng không được thần thánh hóa văn chương, văn chương chỉ nên đứng đúng ở vị trí “thuyền chở giá trị”, phương tiện truyền giáo, nơi lưu trữ ý nghĩa. Đây là bài quan trọng mà mỗi tu sĩ Phật giáo chúng ta cần ghi nhớ và thực hành.

C. KẾT LUẬN

“Mại Cam Giả Ngôn” của Lưu Bá Ôn thật sự là một tản văn xuất sắc mang hơi thở của thời đại. Tản văn đã làm vô cùng tốt vai trò phát ngôn thay cho tiếng lòng của quần chúng nhân dân, không chỉ bóc trần bộ mặt xã hội đương thời thối nát bên trong, bóng bẩy bên ngoài, còn đanh thép chỉ rõ thái độ bàng quan bất lực đáng lên án của xã hội. Hơn thế, áng văn còn mang đậm giá trị triết lý vốn là lý tưởng sống của Lưu Bá Ôn nhằm kêu gọi sự thay đổi, dự báo cho những cải cách để xóa bỏ đi thực trạng bại tàn đó. Nghiên cứu về án văn, ta như thấy được một tấm lòng vì nước vì dân, xứng đáng là một học giả, một quân sư đại tài.

Hơn thế, từ tản văn “Mại Cam Giả Ngôn” ta còn thấy được nét tương đồng trong cách suy tư của Lưu Bá Ôn với Phật giáo: vì hạnh phúc của dân chúng và mọi việc đều xuất phát từ tâm con người. Từ đây, ta rút ra được bài học về một thái độ hoằng pháp uyển chuyển thích nghi mà ở đó văn chương nên đứng đúng ở vị trí của nó. Sự nghiêm túc học hỏi, ứng dụng ấy của mỗi tăng, ni chúng ta sẽ làm nền tảng thúc đẩy Phật giáo đồng hành cùng tiến trình phát triển nhân loại.

Tác giả: Thích nữ Hiển Liên
Ths Khóa V, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Tp.HCM

***
[1] Diêu Đan, Đặng Cẩm Huy, Vương Phong, Văn học Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.16.
[2] Hoàng Minh Thảo (chủ biên),  Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.564.
[3] Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, tập 1, Nxb. VHTT, tr.300.
[4] Lê Huy Tiêu, Lịch sử Văn học Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp, tr.198.
[5] Báo giáo dục, Khổng Minh Gia Cát Lượng và những lời tiên tri sấm truyền, ngày đăng: 1/9/2016, ngày truy cập: 27/08/2022, đường link: https://zingnews.vn/khong-minh-gia-cat-luong-va-nhung-loi-tien-tri-sam-truyen-post680578.html
[6] Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, tập 1, Nxb. VHTT, tr.321.
[7] Lê Huy Tiêu,  Lịch sử Văn học Trung Quốc, tập 3, Nxb. Tổng hợp, tr.174.
[8] Nguyễn Hiến Lê (dịch giải), Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb. Hồng Đức, tr.252.
[9] Hoàng Minh Thảo (chủ biên), Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.567.
[10] Nguyễn Hiến Lê, Sử trung quốc, Nxb. Tổng hợp, TP.HCM, tr.259.
[11] Lê Huy Tiêu,  Lịch sử Văn học Trung Quốc, tập 3, Nxb. Tổng hợp, tr.231
[12] Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung quốc, Nxb. Văn hóa, tr.201.
[13] Nguyễn Hiến Lê, Sử trung quốc, Nxb. Tổng hợp TP.HCM, tr.171 – 172.
[14] Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung quốc, Nxb. Văn hóa, tr.221.
[15] Tôn Tẩn, Ngô Khởi: hai danh tướng thời xưa. Y Doãn, Cao Dao: hai hiền thần đời thượng cổ.
[16] Nguyễn Hiến Lê (dịch, chú thích), Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp, tr.587 – 588.
[17] Lê Phục Thiện, Luận ngữ, Nxb. Văn học, tr.78.
[18] Âm: tọa mi lẫm túc nhi bất tri sỉ; nghĩa: ngồi không mà hao tổn lúa thóc mà không biết xấu hổ.
[19] Âm: Kim ngoại kì ngoại, bại nhứ kì trung; nghĩa: Bên ngoài thì vàng ngọc, bên trong là bông lau.
[20] Nguyễn văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa,  Nxb. Trẻ, 1992, tr.149.
[21] Âm: ngô lại thị dĩ thực ngô khu; Nghĩa: tôi nhờ vào nghề bán cam này để nuôi thân tôi.
[22] Âm: nhân bại chi, thinh hữu ngôn, nhi độc bất thị tư hồ; Nghĩa: Tôi bán ra, người ta mua vào, chưa nghe ai phàn nàn, mà nay chỉ riêng không vừa lòng với ông thôi?
[23] Âm: Thế chi vi khi giả bất độc hỹ, nhi độc ngã dã hồ? ; Nghĩa: Những kẻ lừa gạt trên cả đời không ít, đâu phải chỉ riêng mình tôi?
[24] Linh Nguyễn (dịch), Tâm lý học hành vi, Nxb. Tổng hợp, tr.49.
[25] Nguyễn Minh (dịch), Xã Hội Học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn, Nxb. Dân Trí, 2022, tr.202.
[26] Lê Phục Thiện, Luận ngữ, Nxb. Văn học, tr.178.
[27] Bùi Thụy Đào Nguyên, Lưu Bá Ôn – danh sĩ thời nhà Minh, ngày truy cập: 27/08/2022, đường link: http://chimviet.free.fr/35/btds071.htm
[28] Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr.159.
[29] Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr.160.
[30] TS. Phạm Đi, Vấn đề xã hội lý thuyết và vận dụng, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr.134.
[31] Nguyễn Hiến Lê (dịch, chú thích), Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp, tr.587 – 588.
[32] Hoàng Minh Thảo (chủ biên),  Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới, Nxb. Hồng Đức, 2018, tr.568.
[33] Nguyễn văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa,  Nxb. Trẻ, 1992, tr.170.
[34] Trần ĐÌnh Sử, Cơ sở văn học so sánh, Nxb. Đại học sư phạm, tr.177.
[35] Trần ĐÌnh Sử, Cơ sở văn học so sánh, Nxb. Đại học sư phạm, tr.200.
[36] Nguyễn văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa,  Nxb. Trẻ, 1992, tr.170.
[37] Bùi Thụy Đào Nguyên, Lưu Bá Ôn – danh sĩ thời nhà Minh, ngày truy cập: 27/08/2022, đường link: http://chimviet.free.fr/35/btds071.htm
[38] Nguyễn văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa,  Nxb. Trẻ, 1992, tr.201.
[39] TS. Phạm Đi, Vấn đề xã hội lý thuyết và vận dụng, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật, tr.189.
[40] TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020, tr.39.
[41] TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link: http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx

THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Bộ giáo dục và đào tạo, Giáo trình tư tưởng Hồ Chí Minh, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.
2. Diêu Đan, Đặng Cẩm Huy, Vương Phong, Văn học Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
3. Lâm Hán Đạt, Tào Dư Chương, Lịch sử Trung Quốc 5000 năm, tập 1, Nxb. VHTT.
4. TT. Thích Phước Đạt, Giá trị văn học trong tác phẩm của Thiền phái Trúc Lâm, Nxb. Hồng Đức, 2020.
5. TS. Phạm Đi, Vấn đề xã hội lý thuyết và vận dụng, Nxb. Chính Trị Quốc Gia Sự Thật.
6. Vương Ngọc Đức (chủ biên), Bí ẩn phong thủy, Nxb. VHTT, 1996.
7. Nguyễn Hiến Lê (dịch giải), Lịch sử văn minh Trung Hoa, Nxb. Hồng Đức.
8. Nguyễn Hiến Lê (dịch, chú thích), Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp.
9. Nguyễn Hiến Lê, Cổ văn Trung quốc, Nxb. Văn hóa.
10. Nguyễn Hiến Lê, Đại cương Văn học sử Trung Quốc, Nxb Trẻ.
11. Nguyễn Hiến Lê, Sử trung quốc, Nxb. Tổng hợp TP.HCM.
12. Linh Nguyễn (dịch), Tâm lý học hành vi, Nxb. Tổng hợp.
13. Nguyễn Minh (dịch), Xã Hội Học – Khái Lược Những Tư Tưởng Lớn, Nxb. Dân Trí, 2022.
14. Nguyễn văn Ngọc, Trần Lê Nhân, Cổ học tinh hoa, Nxb. Trẻ, 1992.
15. Sở nghiên cứu Văn học (biên soạn), Lịch sử Văn học Trung Quốc, tập 3, Nxb. Giáo dục Việt Nam, 1995.
16. Trần Đình Sử, Cơ sở văn học so sánh, Nxb. Đại học Sư Phạm.
17. Trịnh Vân Thanh, Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển, quyển I, Nxb. Sài Gòn, 1966.
18. Hoàng Minh Thảo (chủ biên), Almanach Những Nền Văn Minh Thế Giới, Nxb. Hồng Đức, 2018.
19. Lê Phục Thiện, Luận ngữ, Nxb. Văn học.
20. Lê Huy Tiêu, Lịch sử Văn học Trung Quốc, Nxb. Tổng hợp.
TRANG WED
1. Báo giáo dục, Khổng Minh Gia Cát Lượng và những lời tiên tri sấm truyền, ngày đăng: 1/9/2016, ngày truy cập: 27/08/2022, đường link:
https://zingnews.vn/khong-minh-gia-cat-luong-va-nhung-loi-tien-tri-sam-truyen-post680578.html
2. Bùi Thụy Đào Nguyên, Lưu Bá Ôn – danh sĩ thời nhà Minh, ngày truy cập: 27/08/2022, đường link: http://chimviet.free.fr/35/btds071.htm
3. TT. Thích Phước Đạt, Phật hoàng Trần Nhân Tông chủ trương truyền bá Phật giáo bằng tiếng Việt, ngày truy cập: 26/08/2022, đường link:
http://truclamyentu.com.vn/phat-hoang-tran-nhan-tong-chu-truong-truyen-ba-phat-giao-bang-tieng-viet-4218.aspx

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường