Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
Tuổi thơ của tôi không đo bằng những món đồ chơi sắc màu hay những chuyến du lịch cuối tuần. Nó được ghi dấu bằng bùn đất đồng làng, bằng đôi bàn tay chai sần và ánh mắt mẹ hằn sâu những vết mỏi.
Sinh ra và lớn lên tại một vùng quê nghèo, tôi đã làm quen với công việc đồng áng từ thuở chưa đầy 10 tuổi khi mà bạn bè cùng trang lứa còn đang mải mê với những trò chơi con nít.
Gia đình neo đơn, mẹ tôi là lao động chính, và tôi, một đứa trẻ gầy gò nhưng sớm biết gánh vác đã trở thành “cánh tay” của mẹ giữa những mùa lúa bội thu lẫn thất bát.
Tuổi thơ tôi in dấu qua những ngày gặt hái lấm lem bùn đất, qua những buổi mò cua, bắt ốc bên dòng mương trũng, qua từng bữa cơm đạm bạc mà mẹ luôn gắng gỏi vun tròn.
Cấy lúa, mùa gặt và bước chân không mỏi
Vào mỗi mùa vụ, khi nước dâng đầy bờ thửa, cũng là lúc tôi cùng mẹ dầm mình giữa ruộng sâu. Những ngày cấy lúa, đôi chân bé nhỏ của tôi tím tái vì đỉa bám, bùn đất ngập quá đầu gối khiến từng bước đi trở nên nặng nề. Vậy mà vẫn có những buổi chỉ hai mẹ con gặt hết cả mấy sào lúa rồi tự mình gánh vác từng bó trở về nhà. Khi ấy, thân thể tôi lấm lem từ chân tới đầu, nhưng trong lòng lại lặng lẽ cháy lên một ngọn lửa: phải học hành, phải vươn lên, phải vượt ra khỏi nghịch cảnh để sống một cuộc đời khác.
Với vóc dáng người nhỏ thó, nhìn có vẻ yếu ớt nhưng hầu như tôi chẳng biết ốm đau là gì, chỉ cảm cúm theo mùa qua loa mà thôi. Năm lên 9, lên 10 mỗi khi rảnh rỗi tôi lại ra đồng và lặn ngụp ở hầu hết các con mương, kênh đào dẫn nước quanh đồng làng để mò cua bắt ốc, rủi cá mang bán tích cóp tiền cũng như cải thiện cho gia đình.
Dầm mưa, dãi nắng nhiều nên da tôi đen đúa chẳng khác gì mấy đứa con trai. Vì chịu thương chịu khó nên năm vào cấp 2 tôi đã tích cóp được đủ tiền mua 2 chỉ vàng nhờ mẹ giữ giùm để làm vốn. Mặc dù chưa có ý thức tiêu tiền, vì tất cả vẫn phụ thuộc vào mẹ trong mọi sinh hoạt nhưng trong tôi luôn luôn nghĩ phải làm ra thật nhiều tiền để học hành và phòng bị cho cuộc sống sau này.
Chẳng thế mà ngoài những buổi trưa tranh thủ mò cua, bắt ốc, tát vét bắt cá bán lấy tiền ra thì những tháng hè được nghỉ học ở trường tôi vẫn thường theo chị, theo mấy cô hàng xóm đi làm thuê cỏ hoa ở những làng hoa truyền thống bên nội thành.
Mỗi ngày công, trừ ăn uống rồi chỉ còn có hơn chục ngàn đồng, song qua nhiều năm tháng dài tích cóp, số vốn cũng được kha khá và đủ để tôi chi tiêu cho bản thân cũng như phụ giúp phần nhỏ nhoi thêm thắt giúp mẹ lo toan cho cuộc sống gia đình.
Trong giáo lý nhà Phật, có một từ rất đẹp: tinh tấn – nghĩa là nỗ lực không mỏi mệt, tiến bước dù chông gai. Phật dạy: “Như đá tảng kiên cố không bị gió lay động, người trí cũng vậy, không dao động giữa khen chê, được mất.” Có lẽ những tháng ngày nhọc nhằn nơi quê nghèo ấy chính là môi trường tôi học được tinh tấn một cách tự nhiên nhất – không phải qua sách vở, mà bằng những bước chân thực sự in trên bờ ruộng, bờ mương, bờ đời.

Tuổi thơ thiếu vắng người cha và bài học về lòng từ bi
Tôi lớn lên trong một gia đình không có hình bóng người cha. Hai tiếng “cha ơi” – với nhiều người là điều thân thuộc – thì với tôi lại là một khoảng lặng kéo dài suốt tuổi thơ. Dượng tôi – người thay thế vai trò ấy – tuy không hà khắc như người ta vẫn nói “mấy đời bánh đúc có xương”, nhưng dẫu sao cũng không thể lấp đầy cảm giác thiếu vắng một người cha thực sự.
Có những đêm, tôi vẫn lặng lẽ nhìn lên mái nhà và tự hỏi: “Cha mình, ở đâu trong cuộc đời này?”
Thế nhưng, thay vì để bản thân mãi mắc kẹt trong mặc cảm hay oán trách, tôi chọn một con đường khác: biết ơn. Bởi chính những mất mát ấy đã dạy tôi một bài học quý giá về lòng từ – về khả năng yêu thương mà không đòi hỏi hoàn hảo, về sự nhẫn nại trong nghịch cảnh, và trên hết là sự trưởng thành từ bên trong.
Trong giáo lý nhà Phật, nghịch cảnh không phải là chướng ngại, mà là duyên lành để rèn luyện nội tâm. Kinh Pháp Cú có dạy:
“Như hoa sen mọc lên từ bùn mà không nhiễm bùn,
Người trí sống giữa đời vẫn giữ lòng thanh cao.”
Tôi đã học cách sống như hoa sen ấy – không để hoàn cảnh phủ định mình, mà dùng chính bùn lầy của cuộc đời để nuôi dưỡng ý chí và nhân cách. Bởi nếu không từng thiếu thốn một vòng tay cha, có lẽ tôi đã không biết quý trọng hơn sự hiện diện của mẹ, sự sẻ chia của bạn bè, và cả sự nâng đỡ âm thầm của cuộc sống.
Người ta thường nghĩ rằng tình thương phải được nhận từ ai đó. Nhưng tôi đã học được rằng, tình thương đích thực còn có thể khơi dậy từ bên trong, từ trái tim biết hiểu và biết cảm. Thiếu vắng cha không làm tôi yếu đuối, mà giúp tôi trở nên mạnh mẽ – không phải bằng vỏ bọc lạnh lùng, mà bằng một trái tim đã từng tổn thương nhưng vẫn mở rộng ra để yêu thương người khác.

Lớn lên giữa thành phố và hành trình tự lập
Ngày rời quê nghèo để bước chân lên thành phố nhập học, tôi mang theo không nhiều hành lý, ngoài vài bộ quần áo cũ và một chiếc ba lô sờn vai. Nhưng hành trang quan trọng nhất mà tôi mang theo, lại là ký ức của những tháng năm lam lũ, là đôi bàn tay chai sạn, là ánh mắt mẹ lặng lẽ giữa cánh đồng bùn sụt, và một niềm tin không dễ gì lay chuyển: chỉ có học vấn và nghị lực mới là đôi cánh giúp mình bay xa.
Thành phố hoa lệ với tôi khi ấy là một thế giới hoàn toàn khác – vừa rực rỡ, vừa nhiều cám dỗ. Có lúc tôi thấy mình lạc lõng giữa những con đường đông đúc, giữa những buổi tối phòng trọ lạnh lẽo, giữa dòng người tấp nập mà chẳng ai quen. Nhưng chính trong những khoảnh khắc đó, tôi càng hiểu rõ rằng: không ai nâng mình dậy ngoài chính mình. Và những năm tháng thiếu thốn nơi quê nghèo tưởng như quá sức với một đứa trẻ lại trở thành nền móng vững chắc giúp tôi bước đi giữa đô thị mà không chao đảo.
Trong lời dạy của đức Phật, có một câu tôi luôn ghi nhớ: “Tự mình, làm điều lành. Tự mình, tránh điều ác. Tự mình, thanh lọc mình. Sự thanh tịnh không đến từ người khác.”
Sống giữa nơi đô thị phồn hoa, tôi học được cách tự chủ, tự lập, và tự giữ mình không đánh mất những gì đã được vun bồi từ quê nhà, sự giản dị, lòng biết ơn, và ý chí bền bỉ. Giờ đây, dù cuộc sống của tôi vẫn chưa thể gọi là đầy đủ hay giàu sang, nhưng tôi đã có một chốn đi về, một cuộc sống ổn định và hơn hết là một trái tim bình an. Mỗi khi nhớ về quãng đường đã qua, tôi không khỏi xúc động. Không phải vì tiếc nuối, mà vì biết ơn: biết ơn những thử thách đã không gục ngã trước chúng, và biết ơn chính mình đã không quay lưng với khát vọng vươn lên.
Lời kết: Biết ơn những tháng năm nhọc nhằn
Mỗi lần trở về quê, khi bước chân trên con đường làng đã in hằn dấu bùn đất năm xưa, tôi lại thấy tuổi thơ mình lặng lẽ trở về. Ẩn hiện đâu đó trong tiếng gió ru đồng, trong mùi rạ mới sau mùa gặt, trong ánh mắt mẹ ngồi bên bếp lửa rơm – là cả một quãng đời mà tôi từng nghĩ rằng sẽ chỉ muốn quên. Thế nhưng, chính những điều tưởng như nhỏ bé ấy lại là cội rễ âm thầm nhưng vững chắc nhất giúp tôi sống tử tế giữa một thế giới luôn đổi thay, biết ơn giữa muôn vàn thiếu đủ, và không bao giờ đánh mất chính mình giữa bao ngã rẽ của cuộc đời.
Có người hỏi: “Tuổi thơ cơ cực có khiến bạn thiệt thòi không?”
Tôi mỉm cười: “Không. Nó là phúc phần.” Bởi nhờ nó, tôi học được cách trân trọng từng đồng tiền lẻ, từng chén cơm mẹ nấu, từng ánh mắt sẻ chia. Nhờ nó, tôi biết thương người từ chính những nỗi đau mình đã đi qua – một bài học mà không trường lớp nào dạy được, chỉ có cuộc đời.
Trong lời dạy thấm đẫm từ bi và trí tuệ của Phật giáo: “Không có con đường dẫn đến hạnh phúc. Hạnh phúc chính là con đường.”
Và với tôi, con đường ấy chính là tuổi thơ đầy bùn đất, đầy giọt mồ hôi trên đồng, đầy bữa đói hôm qua để làm nên ý chí hôm nay. Tuổi thơ ấy dù nghèo khổ vẫn là một đoạn đường hạnh phúc, bởi tôi đã đi qua nó với tất cả sự chân thành, nghị lực, và tình thương không điều kiện dành cho mẹ, cho đất, cho chính mình.
Tác giả: Lê Thị Hiệp - Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương
Bình luận (0)