Cư sĩ Phúc Quang lược giải

1. Duyên khởi kinh

Một thời Thế Tôn trú tại Vương Xá (Ràjagaha), nơi vườn xoài của Kỳ - bà (Jìvaka Komàrabhacca), cùng với khoảng 1250 vị tỳ kheo. A – xà – thế (Ajàtasattu), con bà Vi – đề - hi (Vihehi), vua xứ Ma – kiệt – đà (Magadha), nhân ngày rằm Komudi (được tương truyền là ngày rằm kết thúc 3 tháng mùa mưa), theo lời của vị đại thần Kỳ - bà đến chỗ Thế Tôn và xin được giảng về kết quả thiết thực mà hạnh sa môn đem lại.

Ảnh: St
Ảnh: St

2. Nội dung kinh

A – xà – thế thuật lại thuyết của các sa – môn, bà – la – môn khác

Trước khi tới xin lời giảng của Thế Tôn, A – xà – thế đã tới gặp và trình bày câu hỏi với những vị sa môn, bà – la – môn khác, các vị đó đưa ra những chủ thuyết như sau:

(1). Pùrana Kassapa: Thuyết vô nghiệp/ Vô hành kiến
Cho rằng mọi hành động bất thiện đều không đưa đến quả báo, đều không có tội ác.

(2). Mạt – già – lê – cù – xá – lợi (Makkhali Gosàla): Thuyết vô nhân kiến và thuyết luân hồi tiến hoá
Không có nhân, không có duyên cho các loài hữu tình nhiễm ô hay thanh tịnh, các loài chịu sự dẫn dắt chi phối bởi “định mệnh”, và luân hồi tiến hoá sẽ trừ tận khổ đau.

(3). A – kỳ - đa – xí – xá – khâm – bà – la (Ajita Kesakambàli): Thuyết đoạn diệt
Cho rằng không có bố thí, không có quả báo, không có đời này, đời sau, không có cha, không có mẹ, không có những vị tu sĩ chính hạnh,… chỉ có kẻ ngu mới chấp có sự sống. Sau khi mệnh chung, tứ đại tan rã, tiêu mất, không còn tồn tại sau khi chết.

(4). Bà – phù – đả - ca – chiên – diên (Pakudha Kaccayana)
Câu trả lời sai ý muốn câu hỏi, khi được hỏi về quả báo của hạnh sa môn nhưng lại trả lời về những vấn đề khác không có sự liên đới.

(5). Ni – kiền – tử (Nigantha Nàtaputta): Trả lời về 4 điều cấm giới, chứ không nói về kết quả đạt được
(5.1) - Giữ gìn với tất cả các loại nước, đặc biệt là nước mát vì tôn giáo này cho rằng trong nước mát tồn tại được sinh vật.
(5.2) - Giữ gìn với ác pháp.
(5.3) - Tẩy sạch tất cả ác pháp.
(5.4) - Sống với ý chí giữ gìn tất cả ác pháp.

(6). Tán – nhã – di – Tỳ - la – phê – phất (Sanjaya Belatthiputta): Nguỵ biện luận
Trả lời vòng vo, không có chính kiến, và cũng không nói về quả báo của sa môn.

Đức Phật trả lời về quả báo của hạnh sa môn

(1). Nhận được sự tôn trọng, kính lễ, cúng dường, bảo vệ
Ví như một vị người nô bộc hầu hạ đại vương, sau đó người nô bộc này cạo bỏ râu tóc, xuất gia tu đạo, thực hành đúng giới luật. Nhờ đó mà vị nô bộc xưa kia, nay được chính vị đại vương cung kính đỉnh lễ, tôn trọng cúng dường và bảo vệ. Tương tự như vậy, với một người nông phu, sau khi xuất gia, tu nghiêm chỉnh, cũng được sự cung kính như vậy.

(2). Thành tựu tiểu giới, trung giới, đại giới như đã nói ở kinh Phạm Võng
Sinh lòng tín ngưỡng Như Lai, sống chế ngự thân, lời nói, thấy nguy hiểm trong từng lỗi nhỏ nhặt, gìn giữ thanh tịnh thân, khẩu, ý, nhờ đó mà đắc oai nghi chính hạnh, đạt sự thanh tịnh tránh xa thập bất thiện pháp.

(3). Không còn nỗi sợ hãi về giới luật, được thọ lạc, nội tâm không vẩn đục.

(4). Hộ trì cao quý các căn, được thọ lạc, nội tâm không vẩn đục.

(5). Chính niệm tỉnh giác trong từng hạnh động nhỏ (co tay, duỗi tay, mang y, mang bình bát, đi đại tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi,…).

(6). Biết đủ với đời sống
Bằng lòng với tấm y che thân, với đồ ăn khất thực để nuôi bụng.

(7). Sống thoát ly ác pháp, không nghi ngờ thiện pháp
Thoát ly tham ái, sân hận, hôn trầm, thuỵ miên, trạo cử, hối tiếc, nghi ngờ.

(8). Được sung sướng, hoan hỷ, xả bỏ 5 triền cái (Triền cái là sự gây phiền não, ảnh hưởng tới quá trình tu tập).

(9). Nhờ xả ly được 5 triền cái, hân hoan, thân tâm được khinh an, lạc thọ sinh, giúp tâm được định tĩnh, an trú 4 tầng thiền, sự thanh tịnh thấm nhuần trong tâm.

(10). Nhờ sự định tĩnh của tâm, thuần thanh tịnh, không cấu nhiễm, hướng đến đạt được chính trí, chính kiến.

(11). Khả năng thực hiện một hóa thân.
Với nội tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ kheo hướng tâm đến sự hóa hiện một thân (hóa thân) do “ý” làm ra với đầy đủ các căn, với mọi chi tiết lớn nhỏ. Cũng ví như một người rút một cây đao ra khỏi vỏ, người rút gươm ra khỏi bao, hay con rắn được lột da.

(12). Hiện bày ngũ thông (Thần túc thông, Thiên nhĩ thông, Tha tâm thông, Túc mạng thông, Thiên nhãn thông).

Với nội tâm định tĩnh, không cấu nhiễm, không phiền não, thuần thục, vị tỳ kheo hướng tâm đến thần túc thông, hiện bày nhiều loại thần thông (thắng trí). Cũng ví như một người thợ gốm khéo tay, khéo nặn đất sét, làm thành các đồ gốm theo sở thích. Cũng ví như người thợ chạm khắc, khéo chạm, khéo khắc, các miếng gỗ, miếng đá thành các vật dụng theo sở thích. Cũng ví như người thợ kim hoàn khéo léo tinh nhuyễn các vàng ròng thành vật kim hoàn khéo hợp theo sở thích.

(13). Biết như thật “Tứ diệu đế”, thoát khỏi hữu lậu

Với tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, không phiền não, dễ sử dụng, vững chắc, bình thản như vậy, tỳ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến lậu tận trí. Vị ấy biết như thật "đây là khổ", biết như thật "đây là nguyên nhân của khổ", biết như thật "đây là khổ diệt", biết như thật "đây là con đường đưa đến khổ diệt", biết như thật "đây là những lậu hoặc", biết như thật “đây là nguyên nhân của lậu hoặc", biết như thật "đây là sự diệt trừ các lậu hoặc", biết như thật "đây là con đường đưa đến sự diệt trừ các lậu hoặc".

Lời kết

Đức Phật đã thuyết về kết quả hiện thực hiện tại của hạnh sa môn với 13 điều vi diệu thù thắng. Chính pháp cũng đã được Thế Tôn dùng nhiều phương tiện để trình bày, giải thích, tôn vinh.

Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***

TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Sa-môn quả (Sàmannaphala sutta)