Cư sĩ Phúc Quang lược giải
I. Duyên khởi kinh
Một thời, Thế Tôn ở tại Xá – vệ (Sàvatthi), rừng Kỳ Viên (Jetavana), vườn Cấp Cô Độc (Anàthapindika).
Lúc bấy giờ, du sĩ ngoại đạo Bố - sá – bà – lâu (Potthapàda) cùng khoảng 300 vị đại chúng, tại vườn Ekasàlaka của hoàng hậu Mạt – lê – viên (Mallika), diễn ra một hội thảo bàn luận về chính kiến, tà kiến.
Vào buổi sáng, còn quá sớm để đi khất thực, Thế Tôn đi đến hội thảo của các vị du sĩ ngoại đạo
II. Nội dung kinh
1. Diệt tận "Tăng thượng tưởng"
Du sĩ ngoại đạo hỏi Thế Tôn cách diệt tận tăng thượng tưởng như thế nào?
Quan điểm của một số vị sa môn, bà la môn ngoại đạo:
1). Không nhân, không duyên, các tưởng của con người sinh và diệt! Khi tưởng sinh, con người có tưởng, khi tưởng diệt, con người không có tưởng.
2). Tưởng là tự ngã của con người, chính tưởng ấy đến và đi. Khi tưởng ấy đến thì con người có tưởng, khi tưởng ấy đi thì con người không có tưởng.
3). Có những sa môn, bà la môn có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị ấy khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi kéo tưởng vào thì có tưởng, khi kéo tưởng ra thì không có tưởng.
4). Có những vị thiên thần có đại thần thông và đại oai lực. Chính những vị ấy khiến tưởng nhập vào trong người và cũng kéo tưởng ra ngoài người ấy. Khi kéo tưởng vào thì có tưởng, khi kéo tưởng ra thì không có tưởng.
Thế Tôn khai thị
1). Luận điểm không nhân, không duyên sai lạc ngay từ ban đầu. Vì có nhân, có duyên, các tưởng của con người sinh và diệt
2). Do sự học tập, một loại tưởng sinh, do sự học tập, một loại tưởng diệt. Sự học tập đó bao gồm:
Thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt về thân – khẩu – ý nghiệp. Từ bỏ sát sinh, thương xót mọi chúng sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói sai thời, từ bỏ làm hại các hạt giống, từ bỏ ăn uống phi thời, từ bỏ xem múa, hát, hưởng thụ, từ bỏ sử dụng dầu thơm, trang sức, lụa là, giường cao đẹp, từ bỏ nhận của cải, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, từ bỏ môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ gian lận buôn bán.
Tránh xa các tà mạng, khi đã nhận tín thí cúng dường, không lợi dụng kiếm tiền từ những việc không chân chính như xem tướng, bói toán, xem chiêm tinh, nói trước tương lai, lựa ngày, giờ, xem tay, sử dụng các trò ảo thuật để trục lợi. Bảo hộ các căn: Khi mắt thấy sắc, tỳ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng.
Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, tỳ kheo hộ trì các căn.
Chính niệm tỉnh giác: Đi tới, đi lui, nhìn thẳng, nhìn quanh, co tay, duỗi tay, mang y, mang bình, ăn, uống, nhai, nuốt, đại, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, yên lặng đều tỉnh giác. Biết đủ: Bằng lòng với y che thân, đồ ăn khất thực nuôi bụng, đi lại mọi chỗ đều biết đủ. Từ bỏ tham ái ở đời, từ bỏ sân hận, từ bỏ hôn trầm, thuỵ miên, từ bỏ trạo cử, hối tiếc, từ bỏ nghi ngờ với thiện pháp. Xả ly 5 triền cái (tham, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi).
Nhờ ly dục, ly ác pháp, có tầm có tứ, nên sinh hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền đầu tiên. (Có TƯỞNG hỷ lạc)
Nhờ có tầm, tứ, diệt tầm tứ để nhập định, nhờ định sinh ra hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền thứ hai. (Như vậy do tu tập, một TƯỞNG HỶ LẠC chân thật do định sinh khởi, và một TƯỞNG HỶ LẠC do ly dục được diệt trừ)
Xả niệm lạc trú tức ly lạc, không tham hỷ lạc, chính niệm tỉnh giác nên đạt tầng thiền thứ ba. (Như vậy do tu tập, một TƯỞNG XẢ LẠC chân thật khởi lên, và một TƯỞNG HỶ LẠC do định được diệt trừ)
Diệt cả lạc, cả hỷ, không còn khổ, không còn lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tầng thứ tư (Như vậy do tu tập, một TƯỞNG XẢ LẠC XẢ KHỔ chân thật khởi lên, và một TƯỞNG XẢ LẠC được diệt trừ)
Phát triển tu tập, không tác ý với dị tưởng, tỳ kheo chứng Không vô biên xứ (Như vậy tưởng Không vô biên xứ chân thật khởi lên, và tưởng sắc tướng bị diệt trừ)
Vượt thoát Không vô biên xứ, chứng Thức vô biên xứ (Như vậy tưởng Thức vô biên xứ chân thật khởi lên, và tưởng Không vô biên xứ bị diệt trừ)
Vượt thoát Thức vô biên xứ, tỳ kheo nghĩ “không có vật gì”, chứng Vô sở hữu xứ (Như vậy tưởng Vô sở hữu xứ chân thật khởi lên, và tưởng Thức vô biên xứ bị diệt trừ)
Vượt thoát Vô sở hữu xứ, chứng Phi tưởng Phi phi tưởng xứ, cái tưởng được gọi là không phải tưởng mà cũng không phải không có tưởng (Như vậy tưởng Phi tưởng Phi phi tưởng xứ chân thật khởi lên, và tưởng Vô sở hữu xứ bị diệt trừ)
Khi tỳ kheo ở nơi đây tự mình khởi tưởng, vị này tiếp tục đi từ tưởng này đến tưởng khác cho đến tưởng tột đỉnh. Và vị này khi đứng tại tưởng tột đỉnh có thể nghĩ: "Tâm còn suy tưởng có hại cho ta, tâm không suy tưởng mới tốt cho ta. Nếu ta cứ tiếp tục suy tưởng, khi những tưởng này của ta diệt đi, các thô tưởng khác lại khởi lên, ta hãy đừng có suy tưởng". Do không có suy tưởng, các tưởng kia diệt tận và các thô tưởng khác không khởi lên, vị ấy cảm thọ sự diệt tận.
Như vậy, này Potthapàda, là sự chứng đạt trí tuệ diệt trừ dần dần các tăng thượng tưởng.
3). Nhiều tưởng tuyệt đỉnh
Với một cảm thọ về sự diệt tận của một tưởng tuyệt đỉnh tiếp sau một tưởng tuyệt đỉnh trước, vị tỳ kheo ấy sẽ đạt đến nhiều tưởng tuyệt đỉnh, tiếp nối nhau và cho đến tưởng tuyệt đỉnh cuối cùng.
4). Tưởng khởi trước, trí khởi sau. Do tưởng sinh mà trí mới sinh.
2. Các luận điểm Thế Tôn không trả lời
1). Thế giới là thường còn, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
2). Thế giới là vô thường, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
3). Thế giới này hữu biên, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
4). Thế giới này vô biên chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
5). Sinh mạng, thân thể là một, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
6). Sinh mạng khác, thân thể khác, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
7). Như Lai tồn tại sau khi chết, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
8). Như Lai không tồn tại sau khi chết, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
9). Như Lai tồn tại và không tồn tại sau khi chết, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
10). Như Lai không tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ có quan điểm này đúng sự thực, ngoài ra là mê muội.
Thế Tôn không trả lời những câu hỏi không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về pháp, căn bản phạm hạnh, không đưa đến ly tham, đến thắng trí, đến giác ngộ, Niết bàn. Thế Tôn chỉ trả lời những câu hỏi: “Đây là khổ”, “Đây là khổ tập”, “Đây là khổ diệt”, “Đây là con đường đưa đến khổ diệt”.
Sau đó, Thế Tôn đứng dậy ra về, vị du sĩ Bố - sá – bà – lâu tuyên bố Thế Tôn đã chỉ dạy phương pháp như thực, chân chính, chân thật, dùng Pháp làm cơ bản, làm quy tắc, đáng được tán thán.
3. Hai ba ngày sau, Citta Hatthisàriputta và Bố - sá – bà – lâu đi đến chỗ Thế Tôn nghe giảng
1). Với những Pháp không thuộc về đích giải thoát, không thuộc về Pháp căn bản của Phạm Hạnh, không đưa đến yểm ly, ly dục, thắng trí, giác ngộ, và Niết bàn, như là bàn luận về vũ trụ quan và nhận định quan, thì đức Phật thuyết một cách không dứt khoát. Với những Pháp thuộc về đích giải thoát, thuộc về Pháp căn bản của Phạm Hạnh, đưa đến yểm ly, ly dục, thắng trí, giác ngộ, và an vui Niết bàn, như là Tứ Diệu Đế thì đức Phật thuyết một cách dứt khoát.
2). Thế Tôn bác bỏ chủ trương của một số vị sa môn, bà la môn: “Sau khi chết, tự ngã hoàn toàn hạnh phúc, vô bệnh.”
Các vị sa môn, bà la môn đó không tự thân từng sống, mà cũng không từng biết rõ thế giới này là hoàn toàn hạnh phúc. Không cảm nhận được trạng thái tâm thức hoàn toàn hạnh phúc trong nửa đêm hay một đêm, nửa ngày hay một ngày. Không rõ biết một con đường nào hay một phương pháp nào có thể đưa đến sự chứng ngộ một thế giới hoàn toàn hạnh phúc. Không được nghe Chư Thiên nói xác chứng có một thế giới hoàn toàn hạnh phúc để khéo thực hành mà chứng, cho nên chủ trương này không xác đáng, không đúng chính lý.
Như một người nói yêu một cô gái đẹp, nhưng lại không biết cô gái đó là ai, giai cấp nào, không biết tên, không biết hình hài,… như vậy là không đúng chính lý.
3). Thế Tôn thuyết về 3 loại ngã chấp
Thô phù ngã chấp: Có sắc, tứ đại hình thành, do đoàn thực (đồ ăn, thức uống) nuôi dưỡng.
Ý sở thành ngã chấp: Có sắc, do ý sở thành, đầy đủ chi tiết lớn nhỏ, các căn đầy đủ.
Vô sắc ngã chấp: Không có sắc, do tưởng sở thành.
Pháp mà đức Phật thuyết nhằm diệt trừ mọi ngã chấp (ba ngã chấp kể trên) đã làm cho Tịnh Pháp được tăng trưởng, ngay hiện tại tự mình giác ngộ, thực chứng, thông đạt và an trú trí tuệ, sung mãn quảng đại, sinh hoan hỷ, khinh an, chính niệm, chính trí, lạc trú sinh khởi, và tuyệt diệt mọi khổ đau. Đó là những lời nói chân chính hợp lý, khiến cho người thực hành theo được tự mình giác ngộ, thực chứng, sung mãn quảng đại.
Citta Hatthisàriputta hỏi Thế Tôn: Khi có thô phù ngã chấp, thì không có ý sở thành ngã chấp, không có vô sắc ngã chấp? Tương tự như vậy, khi có sở thành ngã chấp, thì không có 2 chấp còn lại; khi có vô sắc ngã chấp, thì không tồn tại 2 chấp còn lại.
Thế Tôn khai thị: Đức Phật đã xác định như sau: Khi có thô phù ngã chấp thì không có ý sở thành ngã chấp, và không có vô sắc ngã chấp. Và ngược lại. (Dù cho ba ngã chấp này đều tồn tại trong ba thời: quá khứ, hiện tại, vị lai). Cũng ví như một người tồn tại ở quá khứ, không phải không tồn tại. Cũng đang tồn tại ở hiện tại, không phải không tồn tại. Cũng ví như một ngã chấp đã có ở quá khứ thì lúc đó ngã chấp là thật có, ngã chấp hiện tại không tồn tại, và ngã chấp vị lai không tồn tại. Cũng như vậy, cho một ngã chấp ở vị lai và một ngã chấp ở hiện tại.
Cũng ví như từ bò cái, sinh ra sữa uống để lâu thành ra sữa chua. Khi thành sữa chua thì sữa ấy không thuộc là sữa uống, … Còn ở quá khứ khi nó là sữa uống thì không phải sữa chua.
Kết luận
Hai vị du sĩ ngoại đạo tán thán lời giảng thuyết, xin quy y. Không lâu sau đó, du sĩ Citta Hatthisàriputta nhờ ưa một mình, không phóng dật, tinh tấn thọ giới mà chứng A – la – hán.
Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***
TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Potthapàda sutta
Bình luận (0)