Phần I. Ân đức danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang
1. Xa lìa ác hạnh
Loại chúng sinh tham lam
Trên thế gian có những chúng sinh chẳng thể phân biệt được việc thiện – ác, do vô minh mà ôm lòng tham, bỏn xẻn. Ngược lại, có những chúng sinh phân biệt được thiện – ác, thông minh tài trí hơn người, nhưng việc tốt lại không siêng năng làm, coi nhẹ việc làm thiện.
Cả 2 hạng người này, đều xem nhẹ bố thí, xem nhẹ sự cứu giúp người khác. Người khó không giúp, nhưng tiêu xài cho ăn uống chơi bời, trai gái, bạn bè thì tiền chất thành núi. Họ không hiểu được hoạ, phúc là tương ưng với những việc mình làm, không biết nhân quả, không tin Tam bảo, nên đối với tất cả hạng người nghèo khổ, bệnh tật đều không chịu mở lòng bố thí, càng không biết đến cúng dường.
Lại có hạng chúng sinh, chỉ chăm chăm ôm tài của vật báu, nhưng cha mẹ không hiếu dưỡng, vợ con không chăm sóc, người làm thuê không được trả công tương xứng.
Chúng sinh tham lam mà bị đoạ vào đường ác đạo nhờ biết và nhớ tới ân đức danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang mà tín tâm Tam bảo lớn mạnh, thoát khỏi nẻo ác, biết sợ nhân quả, từ bỏ tham lam, không còn lo cho mỗi bản thân mình nữa, không ham vui say trong ngũ dục.
Ngược lại, có thể làm lợi ích cho người khác, năng làm chuyện bố thí, năng cúng dường Tam bảo, tuỳ hỷ, ca ngợi phước báu của bố thí.
Loại chúng sinh phá giới
Có những chúng sinh thọ giới theo căn cơ mình, nhưng phỉ báng giới người khác. Có chúng sinh do phiền não nặng nề mà vướng vào sát, dâm, vọng,…
Có người phá hoại tập thể tu học, có người thì huỷ hoại chính kiến, có người sinh tâm tăng thượng mạn (tức cống cao ngã mạn, luôn cho mình hơn người, không ai hơn mình, chưa chứng đã cho mình chứng, chưa đắc đã cho mình đắc), chê bai người khác, …
Những hạng chúng sinh phá giới như vậy, cũng đều bị đoạ đường ác, nhưng nhờ ân đức danh hiệu Phật Dược Sư Lưu Ly Quang, những chúng sinh đó được chữa bệnh tâm, từ bỏ các ác hạnh của mình, phản tỉnh quay đầu, chuyên tâm gìn giữ tịnh giới, bình đẳng với mọi chúng sinh khác.
Những chúng sinh có nghiệp chướng nhẹ, căn lành sâu dày, nhờ xưng niệm đức Dược Sư Như Lai mà được nâng đỡ mạnh mẽ để dứt hẳn việc ác, hướng tới điều thiện.
Xa lìa tâm đố kỵ, chê bai
Đố kỵ là không chịu được sự vinh hiển, tài giỏi của người khác, phát sinh từ tâm hẹp hòi, tham đắm của chúng sinh vào khái niệm “của tôi”. Tâm này dẫn tới thái độ khinh khi, chê bai, hơn thua, tranh chấp, khen mình chê người,… làm nhân tương ưng ác đạo.
Nhờ xưng niệm đức Dược Sư Lưu Ly Quang nên chúng sinh trừ được tâm đố kỵ, không còn chê bai, biết tu tập theo con đường chính đạo.
Tránh xa tranh kiện, đấu đá
Những sự tranh đấu mang tính tư lợi, kiện tụng, nguyền rủa, mưu hại, toan tính ác độc,… đều khởi nguồn từ tâm sân mà ra, dẫn chúng sinh đoạ về cõi ác.
Các chúng sinh, do lòng sân hận quá nặng nề, hai bên không chịu tìm cách hoà giải, bao dung với nhau mà lại ưa thích ly gián, xung đột,… kết quả hai bên đều thương tổn, khổ sở, cả mình, cả người, cả nhiều người khác.
Chuyện này không chỉ xảy ra trong xã hội, đến gia đình cũng có thể có, khi anh chị em không hoà thuận, không tương trợ lẫn nhau do tâm bất thiện quấy nhiễu.
Nhờ danh hiệu Phật Dược Sư Đại y vương, mà bệnh sân nơi tâm được điều trị, dù bất luận lòng sân lớn tới đâu cũng không thể so sánh được với tâm từ bi quảng đại.
2. Vãng sinh Tịnh độ
Kinh dạy từ tất cả các bậc tu hành, cho tới cận sữ nam, nữ hay kể cả những chúng sinh chưa quy y Tam bảo, chưa nhận truyền giới luật, nhưng tất cả vẫn đều có lợi ích lớn khi sống mà thực hành Bát quan trai.
“Bát” là tám, “quan” là cửa, ngõ, con đường, “trai” là trai tịnh tức sự sạch sẽ, tạm hiểu là "8 cánh cửa trong lành", gồm có:
(1). Không sát sinh
(2). Không trộm cắp
(3). Không hành dâm
(4). Không nói dối
(5). Không uống rượu
(6). Không đeo tràng hoa, xoa phấn sáp dầu thơm; không ca múa hát hay đi xem ca múa hát
(7). Không ăn uống sai thời (ăn vặt, ăn không đúng giờ ăn)
(8). Không nằm giường to rộng, nguy nga
Việc thực hiện Bát quan trai đã đem lại lợi ích lớn, nếu hồi hướng lợi ích đó cho chúng sinh khác, nguyện cầu chúng sinh vãng sinh về Tịnh độ, phước báu sẽ càng lớn hơn.
Chúng sinh tu hành, phát nguyện vãng sinh về Tịnh độ, để có được điều kiện bổ trợ tốt hơn cho duyên tu tập, được ngày đêm nghe pháp, hành pháp, không gặp chướng ngại.
Kinh Dược Sư dạy rằng đối với vãng sinh Tịnh độ, không chỉ có nhất tâm xưng niệm một câu danh hiệu A Di Đà Phật là đủ, vì cõi Ta bà nhiều chướng duyên, nghiệp lực có sức mạnh khó nói, vì thế chỉ xưng tụng danh hiệu không thôi cũng chưa hoàn toàn là tất cả. Kinh khuyên chúng sinh hãy thực hành cả Bát quan trai.
Không thể chỉ dùng chút ít nhân duyên, thiện căn, phúc đức mà được vãng sinh vào cõi nước ấy, ngoài lòng tín, nguyện, thì còn phải hành các hạnh bố thí, trì giới cực kỳ cực khổ.
Chúng sinh phát nguyện vãng sinh, dù là về cõi Tây phương Cực Lạc của đức Phật A Di Đà, hay cõi Đông phương Cực Lạc của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật cũng đều như nhau, vì các vị Phật thuyết giảng giống nhau, phước báu, quốc độ như nhau: Phật Phật đạo đồng, Tịnh độ mọi phương bình đẳng không có sai khác.
3. Không thác sinh ác đạo
Chúng sinh nghe danh và tụng niệm đức Dược Sư Lưu Ly Quang Phật, thì tức là đã cảm ân đức của Ngài, biết vị đại y sĩ, biết mình bị bệnh tâm, nhờ đó mà nhất quyết giữ lòng tín, giữ thanh tịnh mọi giới, nên không thể bị đoạ ác đạo.
Chúng sinh nhờ danh xưng Ngài, học theo hạnh nguyện Ngài mà được sinh lên cõi trời, hoặc trở lại làm người, sống trong những quốc độ được cai trị bằng phương pháp lý tưởng, dùng nền chính trị nhân từ, người người sống hướng thượng, đầy ý nghĩa, xã hội vận hành Thập thiện – mười nghiệp lành, gồm:
(1). Không sát sinh; (2). Không trộm cắp; (3). Không tà dâm; (4). Không nói dối; (5). Không nói lời hai chiều; (6). Không nói lời hung ác; (7). Không nói lời thêu dệt; (8). Không tham lam; (9). Không sân hận; (10). Không tà kiến
Thế giới lý tưởng chính là thế giới sống theo chủ trương Thập thiện, con người truyền nhau lối sống đó, tự chính họ đưa mình tới môi trường an lạc.
Phần II. Giải nghĩa câu niệm chú Phật Dược Sư Lưu Ly Quang
"Nam mô - namo", có nghĩa là "Quy y, quy mạng"; "Bạc già phạt đế - Bhagavate", là một cách dịch khác của từ "Bạc Già Phạm", cũng tức là "Thế Tôn"; "Bệ sái xã lũ rô - Bhaisajya guru", dịch là "Dược Sư"; "Bệ lưu ly - Vaidurya", chính là "Lưu Ly"; "Bát lạt bà - Prabha", dịch là "Quang"; "Hát la xà giã - Rajaya", dịch là "Vương"; "Đát tha yết đa gia - Tathagataya", dịch là "Như Lai"; "A la hát đế - Arhate", dịch là "Ứng" (Cúng); "Tam miệu tam bột đà gia - Samyaksam buddhaya", dịch là "Chính Đẳng Giác".
Tổng hợp các câu này lại thì có nghĩa là: "Quy y đức Thế Tôn Dược Sư Lưu Ly Quang Vương Như Lai, Ứng Cúng, Chính Đẳng Giác".
Phần sau đây mới là tâm chú: "Đát điệt tha - tadyatha", có nghĩa là "liền nói chú rằng". "Án - om", là chữ dẫn âm mở đầu. Ngoài ra “om” còn được gọi là Phạm Âm, tức âm thanh bao trùm thế gian. Trong lịch sử nhân loại Ấn Độ, chữ om đã là biểu tượng xuất hiện từ rất lâu, không phải tới khi Phật giáo ra đời mới có.
Đối với người dân Ấn Độ cổ đại, cụ thể là người Ấn Aryan, tiếng om hay aum được quan niệm là loại âm thanh thiêng liêng, khởi nguồn của mọi thứ, của sự sống vũ trụ. Để dễ hình dung, thì chúng ta có thể coi chữ om tương đương thuyết vụ nổ Big Bang của 1 trường phái khoa học hiện đại.
Đối với hệ thống triết cổ, tiếng om được dịch là “tất cả”, được định nghĩa là bao gồm cả quá khứ, hiện tại, tương lai.
"Bệ sái thệ, bệ sái thệ, bệ sái xã - bhaisajye bhaisajye bhaisajya" tức là nói: "Dược! Dược! Dược!"; "Tam một yết đế - samudgate", tức là "Phổ độ", nghĩa là cứu độ rộng khắp tất cả chúng sinh; "Sa ha - svaha", cũng gọi là "Sa bà ha", có nghĩa là mau chóng được thành tựu.
Nửa phần trên của câu thần chú này là quy y đức Dược Sư Như Lai, nguyện cầu sự gia hộ; nửa phần dưới là nói dùng thuốc để trị liệu hết mọi bệnh khổ trong tâm của chúng sinh, hy vọng lập tức được lành bệnh.
Lời kết
Chú Dược Sư được coi là thần chú chữa lành mọi bệnh, nhờ uy lực của thần chú, danh xưng của đức Dược Sư Lưu Ly Quang Như Lai, chúng sinh nhiếp phục tâm mình, quay về bố thí, hành thiện, quyết giữ lòng tín Tam bảo, thanh tịnh mọi giới hạnh, nhờ đó mà mọi tâm bệnh được dứt trừ.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
TÀI LIỆU THAM KHẢO: Kinh Dược Sư và giảng giải kinh Dược Sư, Đại sư Ấn Thuận, Việt dịch: Thích Quảng Lâm, NXB Tôn giáo, 2021.
Bình luận (0)