Trang chủ Đời sống Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư

Phương thuốc trị tâm bệnh trong Kinh Dược Sư

Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật.

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật.

TT TS Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, TP.HCM

TÓM TẮT: Hằng năm khi mai vàng nở, báo hiệu một mùa xuân đã trở về trên đất nước Việt Nam, tất cả mọi người hân hoan chào đón một năm mới với đầy niềm vui và mở ra hy vọng xán lạn trong công việc, cầu mong gia đình bình an, đất nước hoà bình, thịnh trị. Do đó, chùa chiền, là nơi mà mọi người thường đi đến lễ Phật đầu năm, cầu bình an, cầu quốc thới dân an, hơn nữa là cầu cho bản thân, gia đình, mọi người tiêu tai tiêu nạn, tật bệnh tiêu trừ.

Vì vậy, các chùa, tu viện thường mở hội Dược Sư đầu năm nhằm đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tín ngưỡng của hàng triệu tín đồ Phật giáo trên cả nước. Tuy nhiên, pháp hội Dược sư ngoài ý nghĩa cầu bình an, tiêu trừ bệnh tật, nó còn thể hiện một triết lý hết sức đặc sắc của vị “Phật thầy thuốc” chuyên trị tâm bệnh.

Bài viết tập trung trình bày phương thức bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người; phương thuốc trị lành tâm bệnh con người. Nhằm mục đích hướng dẫn con người nhận thức rõ triết lý, ý nghĩa thâm sâu của đức Phật qua hình thức lễ hội Dược Sư.

Từ khoá: Phương thuốc, trị bệnh, pháp hội Dược Sư, cách thức trị tâm bệnh.

Kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo, thể hiện triết lý của đạo Phật hết sức sâu sắc, từ hình thức cho đến triết lý tính không của Phật giáo, mang tư tưởng Đại thừa. Vì vậy, kinh Dược Sư đã được các nhà dịch thuật nổi tiếng Trung Hoa dịch sang tiếng Hán để đọc tụng trong các thời khoá của các chùa Phật giáo khắp Trung Hoa, như đời Đông Tấn (317-322) thì có bản dịch của ngài Miên thi-lợi Mật-đa-la; đời Lưu Tấn (năm 457) có bản dịch của ngài Huệ Giản;

Thời kỳ nhà Tùy (năm 615) có bản dịch của ngài Đạt-ma-cấp-đa; bản dịch của ngài Nghĩa Tịnh, bản dịch của ngài Huyền Trang…Trong đó, bản dịch của ngài Huyền Trang mang tính phổ biến, được ưa chuộng nhất. Song, kinh Dược Sư cũng đã được các nhà dịch thuật Việt Nam dịch sang tiếng Việt như ngài Tuệ Nhuận, ngài Mật Trí, ngài Huyền Dung, ngài Trí Quang…nhằm đáp ứng nhu cầu tụng đọc, cầu nguyện của các tín đồ Phật giáo.

Kinh Dược Sư trình bày về thế giới của Phật Dược Sư Lưu Ly được xem là một trong những cảnh giới cực lạc, thanh tịnh, an lành, dưới sự hướng dẫn của chư Phật, Bồ tát, mọi người đều thực hành việc thiện, tu tập pháp thượng nhơn, làm lợi ích cho chúng sinh.

Tuy nhiên, ngoài ý nghĩa mang tính phổ thông của niềm tin con người về “cầu chi được nấy”, mang đến cho con người sự an lạc, tiêu tai tiêu nạn, nhờ vào tha lực của Phật, Bồ tát; kinh Dược Sư còn thể hiện nét đặc trưng về một vị “Phật thầy thuốc” chuyên bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người và kê toa bốc thuốc để trị tâm bệnh của con người một cách hết sức hiệu quả.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phuong thuoc tri tam benh trong kinh Duoc Su 2

1. Bắt mạch tìm ra tâm bệnh của con người

Trong cuộc sống xã hội ngày xưa cũng như ngày nay, khi con người cảm thấy hụt hẫng trước những sự kiện, biến cố trong cuộc sống như thiên tai, lũ lụt, chiến tranh, nạn đói, làm ăn thất bại, bị lừa gạt, gia môn bất hạnh, hạnh phúc tan vỡ…con người thường hướng về một đấng thiêng liêng, một tha lực hùng mạnh có thể che chở cho mình, người thân vượt qua khổ nạn, tật bệnh tiêu trừ.

Trong nỗi khủng hoảng, lo sợ về tâm lý, con người không thể tự mình giải quyết hoặc không có phương thức để giải quyết những vấn đề nan giải trong cuộc sống, sự bế tắc trong lộ trình đau khổ dần dần tiến gần đến sự tuyệt vọng của bản thân và đó cũng chính là con người tìm về sự thanh thản, bình an, sự che chở, nhờ vào tha lực của đức Phật Dược Sư.

Bởi lẽ, đức Phật Dược Sư là bậc thầy Từ bi, đức độ của mọi chúng sinh đang, đã và sẽ đau khổ trông chờ, nương tựa Ngài cứu khổ để họ có một niềm tin vững chắc vào tương lai tươi sáng, một bầu trời an lạc, thoát khỏi cảnh nghèo cùng, bệnh tật, đều được Ngài chữa lành căn bệnh.

Ngài đã phát mười hai nguyện lớn để cứu tất cả những con người đang đau khổ, chìm đắm trong thế giới mê muội, đang bệnh trầm kha tuyệt vọng. Một trong mười hai lời nguyện của Ngài thể hiện hết sức sâu sắc về tinh thần Từ bi, ứng xử nhân văn khi Ngài còn làm vị Bồ tát, Ngài đã phát nguyện:

“Nguyện đời sau này, khi ta đắc đạo, Vô thượng Bồ đề, nếu những hữu tình, mắc mọi bệnh khổ, không ai cứu chữa, không chỗ nương thân, không người thân thiết, không cửa không nhà, bần cùng khốn khổ, một khi tên ta, nghe lọt vào tai, mọi bệnh đều hết, thân tâm yên vui, gia quyến tiền của, thảy đều sung túc, rồi tu đắc đạo, Vô thượng Bồ đề” [1].

Tuy nhiên, câu chuyện ở đây không phải dừng lại, phản ánh một năng lực ngoại tại từ đức Phật trong việc thực hiện việc làm cứu độ con người của các Ngài, đó chỉ là hành động mang ý nghĩa biểu trưng và được xếp hạng “bậc hai”. Trong khi đó, cốt lõi của vấn đề mang ý nghĩa sâu xa hơn, rộng lớn hơn, đó là bắt mạch tìm ra “tâm bệnh” của con người trong cuộc sống như thế nào.

Trong thực tiễn, một bác sĩ giỏi, một lương y tài năng, không phải là họ kê toa, cho uống thuốc thì gọi là một bác sĩ tài giỏi; mà yếu tố quan trọng nhất đó là tìm ra căn bệnh đúng với căn bệnh của người bị mắc bệnh để kê toa, uống thuốc. Cũng như vậy, lương y bắt mạch mà không nhận ra căn bệnh tiềm ẩn bên trong người bị bệnh, thì dù có kê toa, sắc thuốc uống hằng ngày, hằng tháng, hằng năm thì bệnh chỉ thêm nặng cho đến khi không còn hơi thở.

Do đó, việc bắt mạch tìm ra nguyên nhân căn bệnh của thân thể con người là điểm mấu chốt trong phương pháp chữa bệnh có hiệu quả. Đó không phải là điều mới lạ, mà nó đã được thực nghiệm từ rất lâu, được áp dụng một cách có hiệu quả trong phương pháp trị liệu của đức Phật Dược Sư, Ngài được mọi người tôn kính với danh xưng “Phật thầy thuốc” trong lộ trình trị tâm bệnh cho con người.

Đối với sự phát triển vượt bậc của khoa học, sự tiến bộ của y học ngày nay trong việc điều trị những căn bệnh của thân thể con người không phải là một vấn đề khó khăn về mặt y khoa. Song, căn bệnh về tinh thần, tâm lý của con người, lại là một vấn đề hết sức nan giải, đòi hỏi một bậc thầy có nhiều kinh nghiệm nội tâm mới đủ trình độ chẩn đoán và kê toa, bốc thuốc, thì bệnh mới mong uyên giản. Bậc thầy đó là đức Dược Sư Lưu Ly, Ngài quá tuyệt vời khi chỉ rõ căn bệnh trầm kha, lâu đời, khó trị của con người:

“Tội cấu của chúng sinh rất nặng, bởi vì vô minh che tối, nên không hiểu nhân quả, không chuyên cần sám hối, cứ để cho tham, sân, si, tự do hành động, tạo các tội lỗi, nào sát, đạo, dâm, tội cấu vô biên, mà oan nghiệp cũng kết thành vô lượng, thế mà cũng không hay, không biết; tội lỗi càng ngày càng sâu nặng” [2].

Chính vì con người không nhận thức được những yếu tố dẫn đến đau khổ, không làm chủ, kiểm soát được hành vi, hành động của chính mình nên con người loay hoay trong chuỗi ngày đau khổ. Nếu con người không thấy được “tâm bệnh” của chính mình, thì không có thuốc trị khỏi bệnh của tâm, không có vị Phật nào có thể cứu chúng ta thoát khỏi đau khổ.

Cho nên việc đầu tiên đức Phật Dươc Sư cứu con người đó là tìm ra nguyên nhân, nguồn gốc sinh ra các tội lỗi của chính con người, từ đâu mà con người từ bỏ “tâm thiện” để sống với đời sống “bất thiện”. Từ đó, Ngài lên kế hoạch, tìm phương thuốc để cứu con người hết tâm bệnh trở thành người sống khoẻ mạnh với bản chất thiện, giúp ích cho mọi người và xã hội.

2. Phương thuốc trị lành tâm bệnh cho con người

Kinh Dược Sư gửi một thông điệp đến tất cả mọi người về một lý tưởng độ sinh của đức Phật Dược Sư về một con đường tự mình giải thoát, tự mình giác ngộ, thông qua những nguyện lực, tha lực của đức Phật. Nó đánh thức con người nhận thức rõ bản chất của nội tâm, làm trỗi dậy chất liệu giác ngộ tiềm ẩn bên trong của chính con người, mà từ lâu chúng ta lãng quên, thờ ờ, lạnh nhạt, sống vô tình, vô nghĩa với chính bản thân chúng ta.

Những đức tính cao cả, những phẩm chất tốt đẹp của con người được gợi mở, nhớ lại từ hình ảnh vị “Phật lương y” để chúng ta tự mình chuyển hoá tâm thức mình, làm sống dậy ông “Phật Dược Sư” của chính mình. Do đó, đức Phật Dược Sư chỉ cho con người thấy được cái bệnh tiềm tàng bên trong chúng ta đó là:

“Bệnh tham, sân, si, tật đố; bệnh kiêu mạn, ngạo nghễ; bệnh không biết thiện ác; bệnh không tin tội phước; bệnh bất hiếu, ngũ nghịch; bệnh huỷ nhục Tam bảo…bệnh dầu gặp thầy thuốc cũng không nhằm; cho đến nhiều thứ bệnh tai nạn, lấn hiếp, huỷ nhục, buồn rầu, bức rức, thân tâm chịu khổ…”[3].

Đối với căn bệnh trầm kha của con người quá sâu nặng, dù cho chuyên gia tâm lý tài giỏi như hiện nay cũng khó có thể trị lành bệnh, nếu có chăng cũng chỉ là một liều thuốc “an thần” nhằm trấn an tinh thần và lãng quên tạm thời trong cuộc sống. Mặt khác, nếu tìm đến sự lễ bái bằng hình thức, sự mong cầu từ hình tướng cũng không thể trị được tận gốc căn bệnh nan y của con người.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phuong thuoc tri tam benh trong kinh Duoc Su 3

Lễ bái, cúng kính bằng hình thức chỉ phản ánh một phần của niềm tin vào tha lực, mà không phản ánh được đúng bản chất của vấn đề cần giải quyết; muốn giải quyết được triệt để, rốt ráo, diệt trừ tận gốc “mầm bệnh” của tâm thức, thì cần một phương thuốc đặc trị và thuốc đó phải do chính “Phật thầy thuốc” kê toa, bốc thuốc, phù hợp với từng loại bệnh của con người. Mặc dù, Dược liệu có rất nhiều loại như:

“Thuốc từ bi, hỷ xả, thuốc nhẫn nhục nhu hoà, thuốc chính tín Tam bảo, thuốc cần tu phước huệ, thuốc lục Ba la mật, thuốc cam lồ đầy đủ, thuốc mong cầu pháp vị, thuốc tu tâm dưỡng tính, thuốc phản bổn hoàn nguyên, thuốc có lỗi biết ăn năn, thuốc thiện xảo phương tiện, thuốc không động thanh sắc, thuốc thanh tâm đoạn dục…”[4].

Tuy nhiên, không phải căn bệnh nào cũng phải sử dụng thuốc như nhau, phải tuỳ theo bệnh của con người có nặng, có nhẹ mà hoà trộn theo tỷ lệ phù hợp với tâm bệnh của họ. Cũng như một vị bác sĩ, một lương y tài giỏi bắt mạch kê toa phải phù hợp với bệnh lý; người bệnh nhức đầu, cảm sốt, không phải lúc nào cũng uống panadol, tylennol, mà phải khám, bắt mạch để chẩn đoán nguyên nhân của căn bệnh, nó xuất phát từ đâu, từ bệnh lý thông thường hay bị nhiễm bệnh từ virus, hệ thần kinh, não bộ có vấn đề hay không.

Song, vấn đề ở đây là con người phải nhận thức rằng bệnh của chúng sinh là bệnh huyễn, thuốc là phương tiện trị lành căn bệnh, một khi bệnh đã lành thì không thể uống thuốc nữa, nếu uống thuốc tiếp tục thì người không bệnh sẽ trở thành bệnh và có khi bệnh càng nặng thêm.

Do vậy, mô típ “xin – cho” hay “hữu cầu tất ứng” không phải là vấn đề cốt lõi trong trường hợp này. Bởi lẽ, đức Phật đã xác định rất rõ trong kinh: “Như Lai nói pháp chỉ là một tướng, một vị. Nghĩa là tướng giải thoát, tướng ly, tướng diệt, cứu cánh Niết bàn, chung quy đều về chơn không” [5]. Tuy nhiên, chúng ta thường đi ngược lại, ưa thích những hình thức, xem trọng hình tướng bề ngoài hơn là bản chất của nội dung câu chuyện.

Do vậy, mà Trần Thái Tông đã nói: “Phương tiện dẫn dụ đám người mê, con đường tắt sáng tỏ lẽ sinh tử, ấy là đại giáo của đức Phật” [6].

Vì sự mê muội, chuộc hình thức, sự tướng bên ngoài nên chư Tổ, chư Phật, chư Bồ tát dùng phương tiện “pháp hội” để chỉ rõ “bản chất” bên trong bằng sự trình bày “hình thức” của nó. Do đó, nếu nói thẳng “nhất thừa thật tướng” thì mọi vấn đề sẽ đứng yên, phẳng lặng, không thể trình bày, sẽ không có “tăng, giảm, cấu, tịnh, thiện, ác, tội, phước, bệnh, thuốc”.

Bởi vì, trong tự nhiên cũng như trong đời sống xã hội, thiên nhiên, vật chất, con người là sự vận động và phát triển, nó tuân thủ theo quy luật của sự vận động và phát triển của xã hội. Do vậy, phương tiện là chiếc đò đưa người sang sông, là nhịp cầu nối liền hai bờ mê – ngộ.

Phương tiện như người chiêm bao thấy thân có bệnh cần phải cầu thầy thuốc trị lành căn bệnh. Nếu không dùng phương tiện, không dùng hình thức, biểu hiện hình tướng thì không thể thực hiện sứ mệnh cứu độ nhơn sinh. Phương tiện, hình thức bên ngoài cũng ví như giấc mơ trong chiêm bao, một khi thức dậy chúng ta sẽ không còn thấy hình tướng hiện ra trong mộng và thật sự chúng ta không có bệnh. Cái “không bệnh cũng không”, con người không bệnh thì cần gì thầy thuốc chữa bệnh?

Do đó, pháp hội Dược Sư với hình thức là một đàn tràng trang nghiêm, thanh tịnh với đủ mọi lễ nghi được tổ chức cho tín đồ Phật tử ngày nay cung kính lễ bái, chiêm ngưỡng, cầu nguyện với tâm thành kính đối với đức Phật, Tam bảo, là một việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực trong cuộc sống, là niềm tin của tín đồ vào tha lực của đức Phật Dược Sư cứu lành vết thương lòng, chữa lành tâm bệnh của con người.

Mặc dù vậy, chúng ta không nên phô trương “sức mạnh của hình thức”, chấp vào hình thức xem đó là một cứu cánh, là đại diện cho tư tưởng, triết lý thậm sâu của đức Phật về một lý tưởng tu tập để đạt đến giác ngộ. Điều đó, có thể làm chuyển hướng tư tưởng chủ đạo của kinh Dược Sư.

Tư tưởng kinh Dược Sư phản ánh một đường lối tu tập hết sức nhiệm mầu, sâu sắc, hướng dẫn chúng ta tự mình thắp sáng ngọn lửa giác ngộ trong tâm, đào tạo, rèn luyện chúng ta trở thành một “thầy thuốc” của chính mình và có thể tự mình trị hết những căn bệnh, khúc mắc ẩn chứa, tiềm tàng trong nội tâm.

Con người cần nên học theo phương pháp “bắt mạch và trị bệnh” của Phật Dược Sư, không phải là học theo cách lễ Phật Dược Sư như thế nào. Chúng ta thường bỏ “gốc” chạy theo “ngọn”, không thấy được cốt lõi của vấn đề, nên con người khổ đau và mãi mãi cũng chỉ là đau khổ.

Câu chuyện ở đây là làm thế nào cho mọi người khai mở được chân lý, thường “khởi lòng từ bi, hỷ xả, bình đẳng; thường làm lợi ích an lạc, như thế nhiếp niệm chính quán, không đoạn kiết sử, không trú sử hải, quán sát các pháp không, như thật tướng” [7].

Đặc biệt, điểm nhấn ở lời dạy của đức Phật là “các pháp không như thật tướng” là cốt lõi của vấn đề mà chúng ta cần giải quyết nó một cánh rốt ráo; cũng như chúng ta tìm được bệnh và hướng giải quyết, chữa lành căn bệnh đó như thế nào cho hết bệnh.

Cho nên phương pháp tu tập theo kinh Dược Sư đó là quán chiếu nơi tâm mình, để thấy rõ “chân – vọng”, “thật – giả”, tâm nhân nơi đâu mà “có tâm” hoặc không nhơn nơi đâu mà “có tâm”? Ngài Tuệ Trung Thượng sĩ dạy các thiền khách rằng “phản quang tự kỷ bổn phận sự” đó là nhiệm vụ mà người tu tập cần phải nhận thức, phải sống và thực hành cho thật tinh tường.

Phương pháp quán chiếu tâm là một trong những phương pháp hết sức đặc thù của Phật giáo, là nền tảng cốt lõi trong các pháp môn, tất cả vạn pháp đều xuất phát từ tâm. Tâm là đầu mối của mọi tội lỗi, phiền não, đau khổ, sinh tử và cũng từ nơi tâm, con người giác ngộ được chân lý, giải thoát được những hệ luỵ đau khổ.

Chỉ khi nào chúng ta triệt phá được đường dây “sinh tử” bằng một tấm gương “không pháp, không tâm” thì tội phước, sinh tử, Niết bàn vốn không có thật tướng. Cho nên trong kinh đức Phật dạy rằng:

“Người hành giả không thấy tâm sinh tử đâu lại có tâm Niết bàn. Đã không có cảnh sở quán, cũng không có tâm năng quán, không thủ không xả, không nương không dựa, cũng không an trú nơi vắng lặng, vứt bặt sự nói năng không thể bàn cải, khi quán tâm không, thì tội phước không có chủ tể, tội phước tính nó vốn không, thì tất cả các pháp đều không, tâm vương tâm sở không, pháp không trú pháp” [8].

Cho nên, nhiệm vụ của chúng ta là làm sao cho mọi người thấy được cái giá trị cốt lõi, thông qua các hoạt động, sự kiện mang tính hình thức, hình tướng bên ngoài. Điều đó có nghĩa là giữa lý luận và thực tiễn cần được triển khai một cách đồng bộ; đồng thời làm rõ nội dung của kinh, lời Phật dạy cho mọi người, thì việc tổ chức pháp hội, trai đàn mới mang một ý nghĩa hết sức sâu sắc.

Phần lớn chúng ta chỉ chú trọng đến những điểm nổi bật của hình thức, sự phô trương của nét đẹp hình tướng hơn là nét đẹp của triết lý. Nét đẹp của một con người không nằm ở chiếc áo đẹp sặc sỡ, một thân hình đoan trang, mà nét đẹp con người phải chứa đựng những đức tính tốt, phẩm chất đạo đức, nhân cách sống, tinh thần lợi tha, sống có nghĩa có tình, có đạo lý làm người, phù hợp với truyền thống của một dân tộc.

Do đó, đối với Phật giáo, hình thức chỉ là một khía cạnh nhỏ, là một phần của cuộc sống, nó không nói lên được tất cả ý nghĩa, triết lý sâu xa của Phật giáo. Cho nên, nếu không làm sống dậy chất liệu giác ngộ nơi con người, thì theo dòng thời gian, sự mai một của năng lực nội tại trong con người chúng ta sẽ không còn và khi đó mọi vấn đề về Phật pháp chỉ là hình tướng, là võ ngoài của một “thực thể” đáng tin cậy bị vùi sâu trong quá khứ.

Tóm lại, kinh Dược Sư là một trong những bộ kinh thuộc Đại thừa Phật giáo. Nội dung của bản kinh truyền tải cho mọi người, tu sĩ, cư sĩ, tín đồ Phật giáo một thông điệp hết sức sâu sắc có ý nghĩa, triết lý cao siêu về giá trị cốt lõi của giáo lý Phật giáo. Ngoài sự biểu đạt về phương tiện, hình thức cúng bái, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tín ngưỡng của con người trong đời sống tinh thần.

Kinh Dược Sư còn chỉ ra cách tiếp cận một phương pháp trị liệu về căn bệnh tâm lý của con người hết sức hiệu quả. Bắt mạch tìm bệnh và phương thuốc trị bệnh, là một liệu trình trong phương pháp trị tâm bệnh của đức Phật Dược Sư, mang đến cho con người một khát vọng tìm về chân lý hết sức sâu sắc.

Đó là khát vọng về một con đường tự trị liệu cho chính mình bằng cách khơi dậy chất liệu giác ngộ của tự tâm, từ đó xây dựng lộ trình tu tập, rèn luyện bản thân, nhằm hướng đến một mục tiêu cao cả như kỳ vọng đặt ra trong cuộc sống, đó là hoàn thiện nhân cách, phẩm chất đạo đức, lối sống tốt, giúp ích cho xã hội, sống vì tha nhân; đồng thời hướng tới đỉnh cao của chân lý giác ngộ, giải thoát.

TT TS Thích Lệ Quang
Trưởng Ban Giáo dục Phật giáo quận Tân Bình, Tp.HCM

***

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Phuong thuoc tri tam benh trong kinh Duoc Su 1

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường