Cư sĩ Phúc Quang lược giải
Kinh này còn có tên gọi là Mahàsìhanàda sutta
1. Duyên khởi kinh
Một thời đức Thế Tôn ở tại Uy – nhã – quốc (Ujunnà), tại vườn nai Kannakatthala. Tu sĩ loã thể Ca – diếp (loã thể là sự khoả thân theo lối tu của khổ hạnh cực đoan lúc bấy giờ) đến chỗ đức Phật để mong muốn hỏi về những lời thiên hạ đồn rằng đức Phật phỉ báng, chỉ trích mọi khổ hạnh.
2. Nội dung kinh
A. Mở đầu cuộc hội thoại giữa đức Phật và Ca – diếp
1). Những ai đồn rằng “Sa môn Gotama chỉ trích mọi khổ hạnh, tuyệt đối phỉ báng, mạt sát mọi khổ hạnh, mọi lối sống khắc khổ”, những vị ấy nói không đúng sự thật, đã vu oan cho đức Thế Tôn. (Sa môn Gotama là đức Phật, Gotama là "họ" của ngài)
2). Đức Phật có một số những quan điểm tương đồng và không tương đồng với một số Sa môn, Bà la môn. Với những điểm bất đồng, đức Phật khuyên hãy để tạm yên như vậy. Với những điểm tương đồng, người trí và các vị đệ tử hãy đàm luận với nhau chỉ ra đây là bất thiện, đây là thiện. Biết rõ các pháp bất thiện thì xả ly những pháp ấy. Biết rõ pháp thiện thì thực hành và thành tựu các pháp ấy.
3). Những pháp thiện, không lỗi lầm, những pháp được xem là xứng bậc Thánh, Sa môn Gotama đã hoàn toàn thành tựu, còn các vị khổ hạnh chỉ thành tựu một phần.
4). Những pháp bất thiện, có lỗi lầm, những pháp được xem là không xứng bậc Thánh, Sa môn Gotama đã hoàn toàn xả ly, còn các vị khổ hạnh chỉ xả ly một phần.
5). Con đường Bát Chính đạo: Chính kiến, chính tư duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mạng, chính tinh tấn, chính niệm, chính định là phương pháp khiến ai tuân theo sẽ thấy “Sa môn Gotama nói đúng thời, nói lời chân thật, nói lợi ích, nói hợp pháp, nói đúng luật.”
B. Ca diếp nêu ra lối tu khổ hạnh được sa môn, bà la môn đương thời tán thán
Sống lõa thể, sống phóng túng, không theo lễ nghi (như đứng mà đi đại tiểu tiện, đứng ăn, không chịu ngồi theo lễ nghi), liếm tay cho sạch (sau khi ăn, không chịu rửa), đi khất thực không chịu bước tới (theo yêu cầu để thí chủ bỏ đồ ăn vào bát), không nhận đồ ăn mang đến (cho mình, trước khi đi khất thực), không nhận đồ ăn đặc biệt nấu cho mình, không nhận mời đi ăn.
Không nhận đồ ăn từ nơi nồi chảo, không nhận đồ ăn tại ngưỡng cửa (sợ dành riêng cho mình), không nhận đồ ăn đặt giữa những cây gậy (sợ dành riêng cho mình), không nhận đồ ăn đặt giữa những cối giã gạo (sợ dành riêng cho mình), không nhận đồ ăn từ hai người đang ăn (sợ đồ ăn chỉ do một người cho, còn người kia thì không), không nhận đồ ăn từ người đàn bà có thai (sợ đứa con trong bụng mẹ bị thiệt thòi), không nhận đồ ăn từ người đàn bà đang cho con bú (sợ sữa đàn bà sẽ bớt đi, con bị thiệt thòi), không nhận đồ ăn đi quyên góp (bởi có nạn đói), không nhận đồ ăn tại chỗ có chó đứng (sợ chó mất phần ăn), không nhận đồ ăn tại chỗ ruồi bu (sợ ruồi mất phần ăn), không ăn cá, ăn thịt, không uống rượu nấu, rượu men.
Vị ấy chỉ nhận ăn tại một nhà, chỉ nhận ăn một miếng hay vị ấy chỉ nhận ăn tại hai nhà, chỉ nhận ăn hai miếng, hay vị ấy chỉ nhận ăn tại bảy nhà, vị ấy chỉ nhận ăn bảy miếng. Vị ấy chỉ nuôi sống với một bát, nuôi sống chỉ với hai bát, nuôi sống chỉ với bảy bát. Vị ấy chỉ ăn một ngày một bữa, hai ngày một bữa, bảy ngày một bữa. Như vậy vị ấy sống theo hạnh tiết chế ăn uống cho đến nửa tháng mới ăn một lần.
Vị này chỉ ăn cỏ lúa để sống, lúa tắc, gạo lức, ăn hột cải nivara, ăn da vụn, ăn trấu, ăn nước bột gạo, ăn bột vừng, ăn cỏ, ăn phân bò, ăn trái cây, ăn rễ cây trong rừng, ăn trái cây rụng để sống.
Vị ấy mặc vải gai thô, mặc vải gai thô lẫn với các vải khác, mặc vải tẩm liệm rồi quăng đi, mặc vải phấn tảo y, mặc vỏ cây tititaka làm áo, mặc da con sơn dương đen, mặc áo bện bằng từng mảnh da của con sơn dương đen, mặc áo bằng cỏ cát tường (kusa), mặc áo vỏ cây, mặc áo bằng tấm gỗ nhỏ, mặc áo bằng tóc bện lại thành mền, mặc áo băng đuôi ngựa bện lại, mặc áo bằng lông cú.
Vị ấy là người sống nhổ râu tóc, là người theo tập tục sống nhổ râu tóc, là người theo hạnh thường đứng, không dùng chỗ ngồi, là người ngồi chò hỏ, sống theo hạnh ngồi chò hỏ một cách tinh tấn, là người dùng gai làm giường, thường ngủ nằm trên giường gai, sống dùng ván gỗ làm giường, sống nằm trên đất trần, thường nằm ngủ một bên hông, sống để bụi và nhớp che dính thân mình, sống và ngủ ngoài trời, theo hạnh bạ đau nằm đấy, sống ăn các uế vật, theo hạnh ăn các uế vật (phân bò, nước tiểu bò, tro và đất), sống không uống nước lạnh, theo hạnh không uống nước lạnh, sống một đêm tắm ba lần, theo hạnh xuống nước tắm (để gột sạch tội lỗi).
C. Đức Phật khai thị Ca – diếp
Dù có hành theo tất cả lối khổ hạnh mà Ca – diếp đã trình bày, nhưng nếu không tu và không chứng được giới Cụ Túc, tâm Cụ Túc, tuệ Cụ Túc thì vẫn còn cách rất xa quả vị sa môn, bà la môn.
Nếu tỳ kheo sống tu tập tâm từ bi, không hận thù, không ác hại, diệt tận các lậu hoặc, tự giác chứng, an trú ngay hiện tại, tâm giải thoát, tuệ giải thoát vô lậu, vị ấy được gọi là sa môn, bà la môn.
Nếu chỉ sống khổ hạnh như tất cả điều Ca – diếp trình bày, thì ai cũng có thể khổ hạnh nhưng không đem đến quả vị thực sự
Ca – diếp xin khai thị giới cụ túc, để thành tựu tâm và tuệ cụ túc
1). Thấy nguy hiểm trong các lỗi nhỏ nhặt về thân – khẩu – ý nghiệp.
2). Từ bỏ sát sinh, thương xót mọi chúng sinh, từ bỏ lấy của không cho, từ bỏ dâm dục, từ bỏ nói dối, từ bỏ nói sai thời, từ bỏ làm hại các hạt giống, từ bỏ ăn uống phi thời, từ bỏ xem múa, hát, hưởng thụ, từ bỏ sử dụng dầu thơm, trang sức, lụa là, giường cao đẹp, từ bỏ nhận của cải, từ bỏ nhận thịt sống, từ bỏ nhận đàn bà, từ bỏ môi giới đàn bà, đàn ông, từ bỏ gian lận buôn bán.
3). Tránh xa các tà mạng, khi đã nhận tín thí cúng dường, không lợi dụng kiếm tiền từ những việc không chân chính như xem tướng, bói toán, xem chiêm tinh, nói trước tương lai, lựa ngày, giờ, xem tay, sử dụng các trò ảo thuật để trục lợi.
4). Bảo hộ các căn: Khi mắt thấy sắc, tỳ kheo không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì, khiến nhãn căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo tự chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì nhãn căn, thực hành sự hộ trì nhãn căn. Khi tai nghe tiếng... mũi ngửi hương... thân cảm xúc... ý nhận thức các pháp, vị ấy không nắm giữ tướng chung, không nắm giữ tướng riêng. Những nguyên nhân gì khiến ý căn không được chế ngự, khiến tham ái, ưu bi, các ác, bất thiện pháp khởi lên, tỳ kheo chế ngự nguyên nhân ấy, hộ trì ý căn, thực hành sự hộ trì ý căn. Vị ấy, nhờ sự hộ trì cao quý các căn ấy, nên hưởng lạc thọ nội tâm, không vẩn đục. Như vậy, tỳ kheo hộ trì các căn.
5). Chính niệm tỉnh giác: Đi tới, đi lui, nhìn thẳng, nhìn quanh, co tay, duỗi tay, mang y, mang bình, ăn, uống, nhai, nuốt, đại, tiểu tiện, đi, đứng, nằm, ngồi, nói, yên lặng đều tỉnh giác.
6). Biết đủ: Bằng lòng với y che thân, đồ ăn khất thực nuôi bụng, đi lại mọi chỗ đều biết đủ.
7). Từ bỏ tham ái ở đời, từ bỏ sân hận, từ bỏ hôn trầm, thuỵ miên, từ bỏ trạo cử, hối tiếc, từ bỏ nghi ngờ với thiện pháp. Xả ly 5 triền cái (tham, sân, hôn trầm, trạo cử, nghi).
8). Xả ly ác pháp, giúp tâm định tĩnh an trú vào 4 tầng thiền.
Nhờ ly dục, ly ác pháp, có tầm có tứ, nên sinh hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền đầu tiên.
Nhờ có tầm, tứ, diệt tầm tứ để nhập định, nhờ định sinh ra hỷ lạc, chứng đạt tầng thiền thứ hai.
Xả niệm lạc trú tức ly lạc, không tham hỷ lạc, chính niệm tỉnh giác nên đạt tầng thiền thứ ba.
Diệt cả lạc, cả hỷ, không còn khổ, không còn lạc, xả niệm thanh tịnh, nhập tầng thứ tư.
9). Nhờ tâm định tĩnh, thuần tịnh, không cấu nhiễm, tỳ kheo dẫn tâm, hướng tâm đến chính trí, chính kiến, biết vô thường, vô ngã.
Đức Phật xét về khổ hạnh thời bấy giờ
1). Một số sa môn, bà la môn chủ trương giới luật, tán thán giới luật. Nói về giới luật tôn kính cao thượng nhất, không ai bằng được Phật.
2). Một số sa môn, bà la môn chủ trương khổ hạnh, yểm ly, tán thán khổ hạnh. Nói về khổ hạnh tôn kính cao thượng nhất, không ai bằng được Phật.
3). Một số sa môn, bà la môn chủ trương trí tuệ, tán thán trí tuệ. Nói về trí tuệ tôn kính cao thượng nhất, không ai bằng được Phật.
4). Một số sa môn, bà la môn chủ trương giải thoát, tán thán giải thoát. Nói về giải thoát tôn kính cao thượng nhất, không ai bằng được Phật.
3. Kết luận
Được ví như tiếng rống của một con sư tử hống ở giữa đại chúng với tinh thần vô úy, tức nói về sự hùng hồn, rành mạch, đầy uy lực của đức Thế Tôn. Sự phát khởi niềm tin, đạt đến chỗ chứng như thật đã khiến cho một vị Bà la môn tu khổ hạnh xưa kia tên gọi là Nigrodha, tại thành Vương Xá, xin quy y thọ giới và đến giờ là vị tu sĩ loã thể Ca – diếp.
Theo kinh điển, không bao lâu sau khi được xuất gia và thọ Cụ Túc giới, đại đức Ca – diếp sống nhiệt tâm, cần mẫn, tinh cần đã thành tựu quả vị A La Hán.
Cư sĩ Phúc Quang lược giải
***
TÀI LIỆU NGUỒN
Đại Tạng kinh Việt Nam - Trường Bộ kinh (Digha Nikaya)/ Tập 1 - Kinh Ca-diếp Sư tử hống (Kassapa – Sìhanàda sutta)
Bình luận (0)