1. Hai cực đoan: có và không

Kinh thuyết rằng thế giới này phần lớn chỉ nương vào 2 cực đoan này: có và không có.

Ai với chính trí tuệ thấy như chân thế giới tập khởi, người đó không chấp nhận thế giới là không có. Ai với chính trí tuệ thấy như chân thế giới đoạn diệt, vị ấy không chấp nhận thế giới là có. Chấp thủ là phương tiện và là cái kiến trói buộc. Và với ai không có chấp thủ, không mang cái kiến trói buộc, không trú trước vào cực đoan, vị ấy không cho rằng: “Đây là tự ngã của tôi”.

“Tất cả là có”, là một cực đoan. “Tất cả là không có”, là một cực đoan thứ hai. Xa lìa hai cực đoan ấy, Như Lai thuyết pháp theo trung đạo.

Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học
Ảnh minh hoạ, thiết kế bởi AI - Tạp chí Nghiên cứu Phật học

2. Nguyên do của khổ

Như Lai phủ nhận các nguyên nhân/ các thuyết sau của khổ

(1). Khổ do tự mình làm ra.

(2). Khổ do người khác làm ra.

(3). Khổ do mình và người khác làm ra.

(4). Khổ do tự nhiên sinh.

(5). Không có khổ (Như Lai đáp: Có khổ).

(6). Không thấy khổ (Như Lai đáp: Không phải, Ta biết khổ, Ta thấy khổ).

Như Lai thuyết theo con đường trung đạo

Do vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc, xúc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sinh, sinh duyên già chết; sầu, bi, khổ, ưu, não được khởi lên. Như vậy, toàn bộ khổ uẩn này tập khởi.

Đối với người biết, người thấy sự tập khởi của khổ, thấy các lậu hoặc được đoạn diệt, họ thấy đây là sắc, đây là sắc tập khởi, đây là sắc đoạn diệt; tương tự như vậy với thọ, tưởng, hành, thức.

3. Duyên của vòng đoạn diệt

Duyên của trí đoạn diệt là “giải thoát”.

Duyên của giải thoát là “ly tham”.

Duyên của ly tham là “yếm ly”. (Yểm ly có nghĩa là khởi ham muốn một điều gì thì nhận biết, không được làm theo hay chạy theo bằng sự quán chiếu tự thân).

Duyên của yểm ly là “tri kiến”.

Duyên của tri kiến là “định”.

Duyên của định là “lạc”.

Duyên của lạc là “khinh an”.

Duyên của khinh an là "hỷ".

Duyên của hỷ là “hân hoan”.

Duyên của hân hoan là “lòng tin”.

Duyên của lòng tin là “khổ”.

Duyên của khổ là “sinh”.

Duyên của sinh là “hữu”.

Duyên của hữu là “thủ”.

Duyên của thủ là “ái”.

Duyên của ái là “thọ”.

Duyên của thọ là “xúc”.

Duyên của xúc là “sáu xứ”.

Duyên của sáu xứ là “danh sắc”.

Duyên của danh sắc là “thức”.

Duyên của thức là “hành”.

Duyên của hành là “vô minh”.

Như vậy, vô minh duyên hành; hành duyên thức; thức duyên danh sắc; danh sắc duyên sáu xứ, sáu xứ duyên xúc; xúc duyên thọ; thọ duyên ái; ái duyên thủ; thủ duyên hữu; hữu duyên sanh; sanh duyên khổ; khổ duyên tín; tín duyên hân hoan; hân hoan duyên hỷ; hỷ duyên khinh an; khinh an duyên lạc; lạc duyên định; định duyên tri kiến như chân; tri kiến như chân duyên yếm ly; yếm ly duyên ly tham; ly tham duyên giải thoát; giải thoát duyên trí về đoạn diệt.

Ví như, trên đỉnh núi trời mưa nặng hạt và nước chảy theo triền thấp, tràn đầy hang núi, khe núi, thung lũng. Khi các hang núi, khe núi, thung lũng được tràn đầy, thời sông lớn được tràn đầy, sông lớn tràn đầy thời sông nhỏ được tràn đầy, sông nhỏ được tràn đầy thời ao lớn được tràn đầy; ao lớn được tràn đầy thời ao nhỏ được tràn đầy; ao, sông được tràn đầy thời biển lớn, đại dương được tràn đầy.

Không phải của ta

Thân này, không phải của ta, thân này phải được xem là do hành động, do sự cảm thọ trong quá khứ. Vị Thánh đệ tử đa văn khéo léo chân chính suy nghiệm định lý duyên như sau: "Cái này có mặt cái kia có mặt. Do cái này sanh khởi, cái kia sanh khởi. Cái này không có mặt, cái kia không có mặt. Do cái này diệt, cái kia diệt. Tức là do duyện vô minh có các hành. Do duyên hành có thức... như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này. Do sự ly tham, đoạn diệt vô minh một cách hoàn toàn, các hành diệt. Do các hành diệt nên thức diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.”

4. Tư tâm sở

Sở là sở hữu, tư là cá nhân; tư tâm sở nói tới cái chúng ta tư niệm, tư lường, có thầm ý, cái ấy trở thành sở duyên cho thức an trú. Khi nào sở duyên có mặt, thức có an trú. Do thức ấy an trú và tăng trưởng nên có sự hạ sinh danh sắc. Do duyên danh sắc nên có sáu xứ. Do duyên sáu xứ nên có xúc. Do duyên xúc nên có thọ... ái... thủ... hữu... sinh, già chết, sầu, bi, khổ, ưu, não sinh khởi. Như vậy là sự tập khởi của toàn bộ khổ uẩn này.

Nếu chúng ta không tư niệm, không tư lường, không có thầm ý, thời không có sở duyên cho thức an trú. Do sở duyên không có mặt nên thức không an trú. Do thức ấy không an trú và không tăng trương nên danh sắc không hạ sinh. Do danh sắc diệt nên sáu xứ diệt... như vậy là sự đoạn diệt của toàn bộ khổ uẩn này.

Lời kết

Lời Thế Tôn được ghi chép trong Tương Ưng bộ kinh, không nói rằng: Khổ là do mình, do người, hay không có, không thấy khổ. Kinh dạy biết như chân như thật, "khổ do duyên xúc", và khổ uẩn được tập khởi bởi vòng nhân duyên tương ưng với nhau. 

Cư sĩ Phúc Quang tóm lược

Tài liệu tham khảo: Phần I, II, III, IV - Chương Một: Tương ưng nhân duyên, kinh Tương Ưng bộ, tập 2, Dịch giả: HT.Thích Minh Châu.