Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp

1. Ví dụ con rắn

Trích từ bài kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)

Một người học pháp, đọc kinh, tụng nói, giải thuyết; nhưng vị ấy không quán sát bằng trí tuệ cho rõ ràng; vị đó học các pháp chỉ vì lợi ích muốn ưa biện luận, hơn người, chỉ trích người, thì vị ấy nắm giữ sai “pháp”, dẫn đến khổ đau.

Ví như, một người thấy con rắn, bắt lấy con rắn nhưng bắt vào lưng, hoặc vào đuôi, con rắn ấy có thể quay lại cắn người đó. Người nắm sai lạc các pháp cũng vậy, sẽ bị phản tác dụng.

Người nắm đúng pháp như người thấy con rắn và tóm vào đầu, miệng con rắn, khiến con rắn không quay lại cắn được, tuy thân và đuôi nó vẫn còn cử động nhưng không hại tới vị đó. Đó là người nắm đúng pháp, đọc kinh, tụng nói, giải thuyết với trí tuệ quán sát cho rõ ràng, vị này học pháp vì lợi ích chúng sinh, không phải vì cá nhân, không phải vì ưa thích biện luận, không phải để chỉ trích người khác. 

Ảnh thiết kế bởi AI
Ảnh thiết kế bởi AI

2. “Pháp” như chiếc bè

Trích từ bài kinh Ví dụ con rắn (Alagaddùpama sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya)

Ví như một người đang đi trên con đường lớn dài, đến một vùng nước rộng, bờ bên này nguy hiểm và hãi hùng, bờ bên kia an ổn, không kinh hãi. 

Vị ấy thu góp cỏ, cành cây, nhánh, lá, cột lại thành một chiếc bè, dựa vào chiếc bè này, tinh tấn dùng tay, chân để chèo, mà qua đến bờ bên kia an ổn. 

Chiếc bè đại diện cho “pháp”, giúp con người vượt qua khổ đau tới bờ giác ngộ. Qua đến nơi rồi, nếu vị đó tiếp tục vác bè lên vai mà đi, liệu có đúng với công năng chiếc bè nữa hay không? Hay lúc này, chính chiếc “bè” trở thành trở ngại cho vị đó. 

Đức Thế Tôn thuyết pháp, như chiếc bè để qua sông, chứ không phải để nắm lấy. 

Ngón tay chỉ mặt trăng

Pháp do đức Thế Tôn thuyết như ngón tay chỉ mặt trăng. Chúng ta cần nương theo ngón tay, để nhìn thấy mặt trăng. Một người không nương theo, mà nhận ngón tay là mặt trăng, tức vừa không thấy được mặt trăng, vừa hiểu sai ngón tay thành thứ khác. Cũng vậy, pháp do Thế Tôn thuyết để "chỉ rõ chân lý", không phải "chân lý". Phật tử nương theo pháp, giữ giới hành trì giới luật để trực nhận chân lý, chứ giới không phải chân lý. 

Một trong 10 kiết sử (phiền não) đó chính là “Giới cấm thủ”. Giới cấm thủ là nói tới sự chấp vào “giới” theo nghĩa câu từ, chứ không hiểu giới theo nghĩa lý, bối cảnh thật sự.

Để giải nghĩa cho giới cấm thủ, chúng ta có thể ngẫm nghĩ về câu chuyện này:

“Có 2 thiền sư Ekido, và Tanzan cùng hành trình về Kyoto. Khi đến gần bờ sông, họ nghe giọng 1 cô gái kêu cứu ở giữa sông. Ekido lập tức cứu cô gái. Sau đó, Ekido và Tanzan tiếp tục cuộc hành trình. Đến tối, Tanzan không thể chịu nổi và hỏi Ekido:

- "Sao bạn lại có thể đem cô gái ấy từ dòng sông lên? Bạn không nhớ là chúng ta phải giữ giới, không được phép đụng vào nữ giới hay sao?

Ekido liền trả lời:

- "Tôi cứu cô ấy, và chỉ đưa cô ấy từ sông lên bờ. Còn bạn vẫn còn mang cô ấy đến tận đây"

Ngụ ý của câu chuyện này, chính là một người chấp vào chữ “giới” nam nữ theo ngôn từ mà không thật sự hiểu đúng ý nghĩa cốt lõi là tránh “dục”, do dục mà ô uế phạm hạnh, ảnh hưởng tâm từ. Nhưng trong trường hợp này, vị Thiền sư Ekido không làm với tâm ái dục, vị đó cứu người với tâm từ bi thương xót. Nếu vì chữ “giới” mà bỏ mặc người nữ dưới sông, thì tác hại của giữ “giới” còn nguy ngại hơn nhiều.

3. Kinh Gò mối (Vammika sutta)

Cái thân này, do tứ đại hợp thành, do cha mẹ sinh, nhờ cơm cháo nuôi dưỡng, là thứ vô thường, biến hoại, đoạn diệt, hoại diệt.

Cái gì sau khi suy tư bằng trí tuệ, thì đem ra thực hành về thân, về lời nói, về ý.

Người thực hành như vậy gọi là người có trí, tiếp tục tinh tấn, loại hẳn vô minh, 5 triền cái (phiền não) gồm tham, phẫn hận, hôn trầm – thuỵ miên (mệt mỏi, buồn ngủ), trạo cử - hối (tán loạn, hối hận), nghi ngờ.

Người trí tiếp tục từ bỏ năm thủ uẩn: sắc uẩn, thọ uẩn, tưởng uẩn, hành uẩn, thức uẩn.

Sau đó, từ bỏ 5 dục trưởng dưỡng, tức các sắc do mắt nhận biết, sinh ra khả ái, khả hỷ, khả lạc, kích thích lòng dục. Tương tự với thanh (tai), hương (mũi), vị (lưỡi), xúc (thân).

Cho tới khi diệt trừ lần lượt từng lậu hoặc, đạt sự thanh tịnh tuyệt đối

4. Kinh Trạm xe (Rathavinìta sutta)

Thực hành “Giới thanh tịnh” để đạt tới “Tâm thanh tịnh” (nhiếp phục hết các tâm cấu uế).

Đạt tới “Kiến thanh tịnh”: Cái thấy thanh tịnh, không cấu thành ô uế, không khởi tâm dục.

Đạt tới “Đoạn nghi thanh tịnh”: Dứt nghi tâm.

Đạt tới “Đạo phi đạo tri kiến thanh tịnh”: Hành giả biết rõ các cảm thọ hỷ, lạc đều là chướng ngại cho sự phát triển trí tuệ rộng lớn. Đây gọi là đắc được tuệ biết rõ cái gì là Đạo và cái gì là chướng đạo (hay Phi đạo).

Đạt tới “Đạo tri kiến thanh tịnh”: Thấy rất rõ quá trình thực hành, tu tập; thấy rõ hiện tượng tan rã của các quá trình thân và tâm, thấy không có gì hiện hữu nữa - tương đương định Vô sở hữu. Thấy rõ ba pháp ấn: khổ, vô thường, vô ngã.

Đạt tới “Tri kiến thanh tịnh”: Cái thấy, biết thanh tịnh, đi vào các Thánh quả, thành tựu Ngũ căn, Ngũ lực, Thất giác chi, Bát Chính đạo.

Đạt tới Vô thủ trước Niết bàn: Niết bàn của không chấp thủ, an trú vào định Vô thủ trước Niết bàn (tịch diệt).

Lời kết

Chân lý là sự trực nhận, nếu có thể nói bằng ngôn từ, thì không còn là chân lý. Đức Thế Tôn chỉ giảng thuyết việc này là thiện, nên làm; việc này bất thiện, đừng làm; sau đó phương tiện để giúp chúng sinh trực nhận chân lý. 

Chân lý là xa rời thế tục, xa rời ngôn ngữ, xa rời tưởng nghĩ, nếu vẫn còn nghĩ tới và nói được, thì không phải chân lý. 

Cư sĩ Phúc Quang tổng hợp

***

Tài liệu tham khảo: Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), dịch giả: Hoà thượng Thích Minh Châu