Phật giáo thời Lý Trần là nét son sáng chói của lịch sử Việt Nam. Thời đó đã hiện hữu những con người đặc trưng nhất, đẹp nhất, hào hùng nhất trong lịch sử nước nhà. Họ mang vẻ đẹp tinh khiết của đóa sen trong bùn, nghiêng mình hạ bút thì sẽ thành văn thơ.
Trong thơ của họ mang chất nghệ sĩ lãng mạn trữ tình, phong thái giải thoát, mặc dù sống trong sắc tài, nhung lụa, quyền lực nhưng không bị đắm nhiễm, vượt lên nhân sinh tính thức thường tình của một con người, điều phục thân tâm.

Huyền Quang thiền sư, một trong những danh tăng tiêu biểu cùng dòng thơ Thiền thiên, trữ tình của Việt Nam, đậm phong chất nghệ sĩ. Thơ của Ngài kết hợp hài hòa giữa rung cảm cá nhân với tư tưởng thiền học. Ngài thường bộc lộ tâm sự, cảm xúc và rung động bản thân trước cuộc đời bên cạnh những quan niệm tôn giáo.
Thơ của thiền sư Huyền Quang, thấm đượm chất nghệ sĩ là vậy, tuy nhiên chất nghệ sĩ và chất thiền trong thơ luôn có sự hòa quyện chặt chẽ. Tứ thơ vừa sử dụng hình ảnh sống động của cuộc sống trần thế, vừa sâu kín, mượn cảnh ngụ tình.
Đây cũng chính là điểm hấp dẫn, thu hút người đọc. Từ đó có thế thấy chất nghệ sĩ trong thơ Huyền Quang được thể hiện qua nhiều phương diện khác nhau, đặc biệt là thi hứng về cuộc sống hiện thực và thiên nhiên nơi ông từng sống.
Huyền Quang là một nhà sư, đồng thời là thi sĩ có tiếng đời Trần. Các nhà phê bình đời trước như Lê Quý Đôn, Phan Huy Chú đều khen thơ ông “ý tinh tế, cao siêu”, “lời bay bướm, phóng khoáng”. Có lẽ chất thi nhân trong ông rõ nét hơn yếu tố tôn giáo. Xung quanh thân thế ông có nhiều giai thoại khá hấp dẫn, đã trở thành câu chuyện dân gian được lưu truyền rộng rãi, từng được văn sĩ đương thời ghi lại dưới hình thức truyện truyền ký lý thú, đưa vào kho tàng văn học Phật giáo từ nhiều thế kỷ nay. [4, tr. 680.]
Để tìm hiểu về chất nghệ sĩ trong thơ Huyền Quang, trước hết ta nên biết định nghĩa về nghệ sĩ là gì? Tra cứu theo Hán - Việt Tự Điển của Thiều Chửu, Nghệ có nghĩa là “nghề, tài năng, học vấn”, [1, tr. 713.] còn Sĩ có nghĩa là “học trò, người nghiên cứu học vấn”. [1, tr. 142.]
Tra cứu theo Từ điển Tiếng Việt của Viện Ngôn Ngữ Học, thì Chất có nghĩa là: 1/ vật chất tồn tại ở một thể nhất định: có cấu tạo nên các vật thể; 2/ tính chất, yếu tố cấu tạo nên sự vật; 3/ tổng thể nói chung những tính chất, thuộc tính cơ bản của sự vật, để sự vật này phân biệt với sự vật khác, phân biệt với lượng. Cũng theo tài liệu trên, Nghệ sĩ là “người chuyên hoạt động (sáng tác hoặc biểu diễn) trong một bộ môn nghệ thuật”. [5, tr. 676.] Còn theo Từ điển thuật ngữ văn học do nhóm tác giả Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên, thì nghệ sĩ được định nghĩa là “người sáng tạo hay biểu diễn nghệ thuật. Nghệ sĩ là tên gọi chung, ngoài ra, nghệ sĩ hoạt động ở mỗi loại hình khác nhau còn có tên gọi riêng như nhà văn hay văn sĩ, nhà thơ hay thi sĩ (văn học), họa sĩ (hội họa), nhạc sĩ, ca sĩ (âm nhạc)... Tài năng nghệ thuật, phương thức hoạt động đặc thù là điều kiện quan trọng nhất để trở thành nghệ sĩ.” [2, tr. 199.] Theo những định nghĩa trên, ta có thể đưa ra cách hiểu như sau: Nghệ sĩ trong văn học chính là thi sĩ và chất nghệ sĩ trong văn học chính là những rung cảm tinh tế trong tâm hồn thi nhân trước hiện thực cuộc sống, đặc biệt là cái đẹp trong thiên nhiên, trong cuộc sống và tâm hồn con người.
Qua đó, ta thấy thơ ca Huyền Quang đầy đủ chất nghệ sĩ, được thể hiện qua nhiều khía cạnh:
Thiên về tâm sự cá nhân

Huyền Quang trước khi xuất gia là vương quan triều đình, Ngài am hiểu thấu tường Nho giáo thời bấy giờ. Ngài rũ bỏ bụi trần để bước vào cửa đạo và đã “mỹ hóa” cuộc sống tu hành tới tột cùng của âm vang thoát tục. Nên trong thơ văn của Ngài, ta có thể nhận thấy, nhiều bài thơ thiên về cảm xúc tâm tư cá nhân trước cuộc đời.
Ở những bài thơ ấy, Ngài xuất hiện dung dị như người bình thường trong cõi nhân sinh, bày tỏ những điều giấu kín trong tâm tư qua những vần thơ kín đáo, ý nhị. Ngài khát khao được giãi bày tâm sự cá nhân với những trăn trở, suy tư khi được giao trọng trách rất lớn: Kế nghiệp Tổ của Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Trong thơ Huyền Quang nói riêng, với ý thức tự phản tỉnh cao, một sự phản tỉnh cá nhân mang ý nghĩa nhân sinh sâu sắc. Con người ấy tự hướng nội để quán soi bản thân, để biết mình làm được gì, chưa làm được gì trong cuộc đời, để đánh giá mình công minh và khách quan và quan trọng hơn cả để tự hiểu mình. Trong bài thơ Cúc hoa II:
Đại giang vô mộng cán khô tràng
Bách vịnh mai hoa nhượng thảo trang
Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn
Thi biểu thực vị cúc hoa mang. [4, tr. 701.]
Dịch nghĩa:
Không mơ lấy nước sông lớn rửa tấc lòng khô héo
Hoa mai từng được trăm bài thơ vịnh kia phải nhường vẻ đẹp
Già rồi lại buồn vì thu, chưa làm thơ được
Nhưng túi thơ bầu rượu thật vì hoa cúc mà bận rộn.
Đọc bài thơ, ta thấy Ngài không dùng ngôn ngữ trong đạo Phật mà chỉ mượn hình ảnh cỏ hoa, nhưng lại mang đậm chất thiền. Nhà thơ cho ta thấy rõ, hoa mai dù thường được các thi nhân tán vịnh, mà vẫn còn khiếm khuyết, chưa thể toát lên vẻ đẹp trọn vẹn. Giữa lúc đó, vào tiết Thu se lạnh thì hoa cúc nở rộ, bừng sáng, khoảnh khăc như nhiên đó chợt gặp Huyền Quang, người nghệ sĩ với câu chuyện bản thân còn vương mối sầu thu, làm thơ chưa thành và trong cơn mơ tưởng lấy nước sông lớn rửa tấc lòng khô héo trong khi mình đã già.
Hai câu thơ cuối “Lão khứ sầu thu ngâm vị ổn. Thi biều thực vị cúc hoa mang” đã làm nên tuyệt phẩm. Đó như nỗi lòng chất chứa được buông xả, như nỗi niềm u uất cần được giải tỏa. Hình ảnh “lão khứ - già rồi” cũng đủ gợi lên nhiều cảm xúc, hoài niệm. Con người ta khi về già là lúc sống với quá khứ, nhìn lại cuộc đời, nhớ lại những việc đã qua, có việc mãn nguyện, có điều hối tiếc. Lại đứng trước không gian của mùa thu thì nỗi niềm xúc động càng tăng. Đã có nhiều thi nhân để lại cho đời những câu thơ đặc sắc “Em không nghe mùa thu. Lá thu kêu xào xạc. Con nai vàng ngơ ngác. Đạp trên lá vàng khô” [7], hay “Rặng liễu đìu hiu đứng chịu tang. Tóc buồn buông xuống lệ ngàn hàng. Đây mùa thu tới, mùa thu tới. Với áo mơ phai dệt lá vàng”. [8] Cũng vậy, Huyền Quang đã rung cảm trước mùa thu, những tiếng thơ được ngân lên, theo từng cung bậc cảm xúc nhưng ông vẫn chưa hài lòng. Ông lại tự bạch với chính mình “ngâm vị ổn”, dường như đó là sự dằng xé nội tâm. “Thi biều thực vị cúc hoa mang” lại như thừa nhận, không chỉ bởi mùa thu, mà chính hoa cúc đã làm ông bối rối. Hoa cúc đẹp hay tại vì ông quá say mê…
Huyền Quang mong muốn bày tỏ nỗi lòng về những day dứt, suy tư khi tài sức của mình có hạn trước trách nhiệm vô cùng nặng nề, lớn lao của một vị sư Tổ. Bản thân ông từng trải qua khoa bảng rồi mới đi theo Phật pháp, chỉ sống cuộc đời tu hành bình dị, nên trọng trách này dường như không phù hợp; dù khi Tổ Pháp Loa còn sống, ông cũng đã giúp sức rất nhiều để phát triển Phật giáo. Tuy nhiên, tới khi nối nghiệp Tổ thì tuổi cao sức yếu, tâm hồn chỉ muốn thanh tịnh, không vướng chuyện hồng trần nên ông khá lặng lẽ, ít tổ chức các hoạt động phật giáo rầm rộ như thời Tổ Pháp Loa. Đó cũng do nhiều lẽ, do tính cách của ông và cũng do thời thế lúc đó, Phật giáo Việt Nam đã bắt đầu tách ra khỏi các hoạt động chính trị, Nho giáo đang dần dần thế ngôi Phật giáo trong đời sống chính trị, xã hội. Hoặc cũng có thể là chính ông đã đi đến tận cùng tôn chỉ của Thiền tông nói chung và Thiền phái Trúc Lâm nói riêng, bằng cách dùng Vô tự chân kinh thay cho truyền đạo, tức là để thiền hòa vào cuộc sống một cách tự nhiên, như người ta cần hít thở, ăn uống, đi lại…
Hòa nhập cùng tâm cảnh
Cảnh thiên nhiên

Thiên nhiên, là đề tài không thể thiếu trong thi ca, là nơi để quay về và tìm lại chính mình. Cảnh thiên nhiên trong thơ Huyền Quang rất đời thường, bình dị nhưng để lại trong lòng người đọc nhiều cảm xúc và dấu ấn sâu sắc. Thiên nhiên được Huyền Quang miêu tả rất sinh động và đẹp cùng cảm nhận tâm hồn đặc biệt trước cảnh sắc thiên nhiên. Ông đã hòa mình vào thiên nhiên, bầu bạn cùng thiên nhiên:
“Dục hướng thương thương vấn sở tòng,
Lẫm nhiên cơ trĩ tuyết sơn trung”
Dịch nghĩa:
Muốn ngẩng nhìn trời xanh hỏi hoa mai từ đâu tới,
Lẫm liệt dứng sừng sững một mình trong núi tuyết.
Huyền Quang nhìn tất cả sự vật, hiện tượng qua lăng kính thiền môn. Với thiên nhiên, tâm hồn thi sĩ dường như có thể hiểu được tâm tư, suy nghĩ của từng cành hoa, cây cỏ cùng cái nhìn tinh tế của một thiền sư, thể hiện rõ qua bài thơ Thứ Bảo Khánh tự bích gian đề:
Hoang thảo tàn yên dã tứ đa,
Nam lâu Bắc quán tịch dương tà.
Xuân vô chủ tích thi vô liệu
Sầu tuyệt Đông phong kỷ thu hoa
Dịch nghĩa:
Cỏ hoang khói nhạt, tứ quê chan chứa,
Lầu Nam quán Bắc dưới bóng chiều tà.
Tiếc thay cảnh xuân không có chủ, thơ không có nguồn thơ,
Mấy cây thơ buồn bã trước gió xuân
Đọc bài thơ, ta có cảm giác Huyền Quang có thể giao tiếp với thiên nhiên như với con người, thậm chí như với một người bạn. Thi sĩ đã thể nhập “hồn cảnh giao hòa”, nhờ “người bạn” thiên nhiên nói lên những niềm vui, nỗi buồn của từng cành hoa, cây cỏ. Để rồi, bộc lộ sự đồng cảm, tiếc nuối trước thiên nhiên tươi đẹp nhưng thiếu người tinh tế, nhạy cảm thưởng thức, sẻ chia...
Khi tâm hồn đặc biệt giao cảm cùng thiên nhiên, thì thiên nhiên đã không còn là khách thể ngồi bên mà trở thành hình bóng của tâm linh. Với Huyền Quang, cảm hứng thiền đã khiến ông cảm nhận thiên nhiên trong tự do, để hồn mình hòa vào trong cảnh vật, không còn phân biệt nội tâm và ngoại giới. Nhờ đó, mà trong trạng thái xuất thần, ông có thể ghi lại những nét đẹp độc đáo của thiên nhiên, mà tiêu biểu là qua bài Phiếm Chu.
“Tiểu đỉnh thừa phong phiếm diểu mang
Sơn thanh, thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngọai
Nguyệt lạc ba tâm giang mãn thiên”. [4, tr. 694.]
Dịch nghĩa:
(Chiếc thuyền con lướt gió trên dòng sông bát ngát
Non xanh nước biếc lại thêm mùa thu
Vài tiếng sáo làng chài ngoài khóm lau
Trăng rơi đáy sóng, mặt sông sương đầy)
Ở bài này, cảnh thiên nhiên thêm hữu tình bởi người đọc cảm nhận được tâm hồn người trên thuyền chơi vơi cùng sông nước, man mác hoài thu, hòa âm trong tiếng sáo thuyền câu và mênh mang cùng làn sóng tràn ngập ánh trăng. Được buông, trọn vẹn hết mình.
Thơ thiên nhiên của Huyền Quang mở ra thế giới sáng tạo không giới hạn. Đó là không dừng lại ở việc đứng, ngồi quan sát mà hòa nhập tâm hồn vào cảnh, để có thể cảm nhận được hết vẻ đẹp của thiên nhiên. Nhà thơ đã từng cười những người không biết thưởng thức vẻ đẹp tâm hồn của hoa thể hiện qua bài Cúc hoa IV:
Niên niên hòa lộ hướng thu khai,
Nguyệt đạm phong quang thiếp thốn hoài.
Kham tiếu bất minh hoa diệu xứ,
Mãn đầu tùy đáo tháp qui lai”. [4, tr. 700.]
Dịch nghĩa:
(Hàng năm cùng với sương móc, vào thu hoa cúc nở
Trăng thanh gió mát , thỏa thích lòng.
Thật đáng cười kẻ không hiểu vẻ huyền diệu của hoa
Đến đau là hái hoa dắt đầy đầu mà về).
Ngài ca ngợi hoa cúc: Năm năm nở đúng tiết thu qua. Mỗi năm đúng tiết mùa thu thì hoa cúc nở. Gió dịu trăng thanh ý mặn mà. Lúc đó gió nhè nhẹ thổi, ánh trăng trong, cảnh rất đẹp.
Cười kẻ không hay hoa huyền diệu. Người tu thấy hoa, thấy cây đều mầu nhiệm. Tại sao? Vì hoa và người tuy “hai mà một”. Hoa và người không tách rời nhau, huyền diệu là vậy. Nhưng có những người không biết sự huyền diệu đó nên: “Khi về mái tóc giắt đầy hoa”. Khi đi về trên tóc họ giắt đầy hoa. Sử xưa có ghi câu chuyện: Đời Đường có ông Trân không rõ họ, là một nhà văn, vợ ông rất nghiêm nghị, ba năm không cười một lần. Ông đem chuyện đó than thở với bạn bè, các bạn ông bày cho ông là nhân tiết trùng dương hoa cúc nở, đi chơi núi về nên hái hoa cúc giắt đầy đầu, khi về thấy ngộ nghĩnh chắc bà sẽ cười. Ông nghe lời bạn hái hoa giắt đầy đầu, ngày xưa bới tóc nên nhìn đầu ông giống như quả chưng, bà vợ nhìn thấy bật cười. Nhà thơ Đỗ Mục nhân đó làm một bài thơ trong đó có hai câu:
“Trần thế nan phùng khai khẩu tiếu,
Cúc hoa tu tháp mãn đầu qui.” [6, tr. 700.]
Nghĩa là trên đời này khó gặp mở miệng cười, vậy phải hái hoa cúc giắt đầy đầu trở về. Ở đây, ngài Huyền Quang muốn dẫn chuyện xưa để nói rằng đáng tức cười cho người không biết hoa cúc huyền diệu quý báu, rồi vì nụ cười của vợ, mà phải hái hoa cúc giắt đầy đầu. Hoa thực sự có thần khi còn ở trên cành, lúc đó, hoa tràn đầy sức sống, lung linh thật đẹp. Nếu thấy hoa đẹp mà hái về giắt đầy đầu thì cũng chỉ là bông hoa vô hồn mà thôi. Chính nhờ cảm quan thiền, đã giúp Huyền Quang nhận ra được lẽ kì diệu của hiện thực đời sống. Trước hết là cái đẹp tự nhiên (hoa) cũng như cái đẹp do con người sáng tạo ra (thơ ca, nghệ thuật), không bao giờ là sở hữu của riêng ai. Con người càng cố gắng chiếm hữu thì càng không bao giờ có được. Vậy muốn thấy được, cảm nhận được ta cần phải hòa nhập trọn vẹn, sống hết mình với thiên nhiên để cảm nhận, để tận hưởng được hết những ý vị tuyệt diệu cuộc sống ban tặng.
Không gian mùa thu
Thời gian thường xuất hiện trong thơ Huyền Quang là mùa thu. Đây là biểu tượng ưa thích trong thơ Thiền, cũng là đối tượng yêu thích của các thi nhân từ xưa đến nay. Mùa thu với những cơn gió thu nhẹ, những cơn mưa thu xao xác heo may, với những đóa hoa cúc vàng… có sức quyến rũ kỳ lạ với các thi sĩ. Ta có thể bắt gặp mùa thu trong thơ Huyền Quang qua các bài Sơn Vũ, Phiếm Thu, Tảo Thu và chùm thơ Cúc Hoa (sáu bài). Ở bất cứ bài nào ta cũng thấy mùa thu dịu dàng và man mác... Bài Tảo Thu vẽ nên một bức tranh đêm thu thanh vắng, tiếng lá xào xạc, vầng trăng sáng huyền dịu. Một cảnh đẹp bình dị mà huyền ảo khiến thi nhân đắm say quên hết mọi phiền não:
“Dạ khí phân lương nhập họa bình
Tiêu tiêu đình thụ báo thu thanh.
Trúc đường vong thích hương sơ tận
Nhất nhất tùng chi võng nguyệt minh”. [4, tr. 699.]
Dịch nghĩa:
Khí đêm chia hơi mát vào bức rèm vẽ,
Cây trước sân xào xạc báo tiếng thu
Dưới mái nhà tre quên bẵng hương vừa tắt,
Mấy khóm cây cành giăng lưới vầng trăng sáng.
Phong cách tả cảnh của Ngài thật tuyệt diệu, không nói đạo lý mà vẫn đậm chất thiền. Dưới mái nhà tre quên bẵng hương vừa tắt, bên cạnh thất, người nằm lặng lẽ quên tất cả, mặc khung cảnh đổi thay, cho đến cây hương tàn lụi cũng không hay. Như vậy, gió mát lọt tới mành, tiếng xào xạc báo mùa thu tới, tăng sĩ nằm bên lều quên cả hương tàn, ánh trăng rọi xuống những cành cây như phủ lưới, tác cảnh này như lay động lòng người, mà người và cảnh đều “vô tâm”. Đó là cảnh đặc biệt, giữa người và cảnh không còn cách biệt, mà đồng nhất trạng thái tâm vô.
Ngược lại, cũng là đêm thu, nhưng trong bài Sơn Vũ lại buồn hắt hiu cùng phong cảnh như cô quạnh trong tiếng gió thu lay động, tiếng dế rả ríc. Người nghệ sĩ đầy hoài cảm với thiên nhiên, với cuộc đời như Huyền Quang trước cảnh vật ấy, sao có thể hững hờ. Tiếng thơ của ông như ẩn chứa nỗi niềm tiếc nuối. Không những vậy, không gian mùa thu bao la trong bài Phiếm Chu như rộng mở tới vô tận khi kết hợp tiếng sáo làng chài văng vẳng xa đưa. Huyền Quang thiền sư đã kết hợp cùng Huyền Quang thi sĩ, ghi nhận bức tranh tinh tế của mùa thu dịu dàng, phủ lên chút tâm tư gợi theo dư hưởng tiếng sáo:
Tiểu đình thừ phong phiếm diễu mang
Sơn thanh thủy lục hựu thu quang
Sổ thanh ngư địch lô hoa ngoại
Nguyệt lạc ba âm giang mãn sương. [4, tr. 694.]
Dịch nghĩa:
Chiếc thuyền con lướt gió lênh đênh
Non xanh nước biếc lại thêm ánh sáng mùa thu
Vài tiếng sáo làng chài ở ngồi khóm hoa lau vọng tới,
Trăng nơi đáy nước, sương phủ đầy sông.
Giây phút quên
Khi bước vào cửa thiền, cũng như nhiều vị chân tu khác, Huyền Quang đã chọn cho mình nơi thanh tịnh, lánh xa mọi tạp nhiễm để chuyên tu thiền định. Trong bài Cúc hoa 3 thể hiện điều đó:
“Vương thân, vương thế, dĩ đô vương
Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương
Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật
Cúc hoa khai xứ nhất trùng dương”. [4, tr. 700.]
Dịch nghĩa:
Quên mình, quên đời, quên tất cả
Ngồi lâu trong hiu hắt, mát lạnh cả giường.
Cuối năm ở trong núi không cóa lịch
Thấy hoa cúc nở biết rằng đã tiết trùng dương.
Đọc bài thơ, ta thấy có nhiều tình tiết cảm động, bình dị mà thanh thoát. Câu thơ “Vong thân, vong thế, dĩ đô vong” cho thấy thiền sư đã thực sự lánh xa thế tục, quên đi bản thân mình từng là ai, đến từ đâu, quên đi thói đời tầm thường, buông bỏ những dục vọng thấp hèn. Hay nói cách khác, “Quên” là nội ý trong thơ, không vướng bận hay lụy bất kỳ điều gì. Chỉ biết bây giờ và ở đây, không đắm chìn quá khứ, không vọng tưởng tương lai. Nhưng tâm hồn nghệ sĩ khiến Huyền Quang không thể bỏ qua từng biến chuyển nhỏ nhất của trời đất. Có thể hòa mình trọn vẹn cùng thiên nhiên, sống với tự tính, hòa mình với vũ trụ, cũng chính là lúc thiền sư đến được cõi Phật, không bị vướng bận bởi những ưu tư trong kiếp sống con người.
Tiếp theo câu “Tọa cửu tiêu nhiên nhất tháp lương”, lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường, thường thường ngồi lâu thì ấm giường, vì sao lại mát lạnh cả giường? Đây là tâm niệm tu hành trong sáng. Khi ngồi trong trạng thái tâm tĩnh lặng, dường như nhiệt độ cơ thể được điều hòa, tới ngưỡng phẳng lặng, không thấy “nóng, ấm” mà lành lạnh như tiết trời thu. Người tâm an, mọi vật theo đó an, nên nói lặng lẽ ngồi lâu lạnh thấu giường. Cái lạnh đó không chỉ là cái lạnh từ sự vật mà là cái tịnh mát của tâm người. Tâm lòng như thanh sạch, rũ trôi bụi bặm trần ai, nên thời gian cứ lặng trôi... Hai câu tiếp “Tuế vãn sơn trung vô lịch nhật, Cúc hoa khai xứ tức trùng dương”. Chốn rừng sâu, tĩnh lặng, tịch liêu, ngày lại ngày chuyên chú tu tập, mọi thứ cứ thế trôi qua khiến thiền sư không biết rõ ngày tháng. Câu cuối chính là sự quên, cũng là chứng quả của Thiền. Thời gian trước giờ được coi là “kẻ sát nhân” hay nỗi ám ảnh của con người nay cũng chẳng thể động lòng thiền. Sự quên ấy, không phải phủ nhận toàn bộ sự đời, mà quên ở đây là quên chính mình trong cảnh sắc tươi đẹp của thiên nhiên, của mùa xuân. Bởi vậy, giây phút quên ấy của thiền sư cũng chính là giây phút xuất thần của thi sĩ, làm nên một “Thiền sư Nghệ sĩ Huyền Quang”.
Kết luận
Ngòi bút của Huyền Quang nhẹ nhàng, bình dị, tràn đầy cảm xúc nên được đánh giá “ý tinh tế cao siêu, lời bay bướm phóng khoáng”. Vừa là một Thiền sư và cũng là một thi sĩ, con mắt thiền gia đã giúp con người thi nhân trong Huyền Quang phát hiện và cảm nhận nhũng nét đẹp vi diệu của tự nhiên, của hiện thực đời thường, từ đó quán soi nội tâm và phản tỉnh bản thân mình. Chất nghệ sỹ trong thơ Huyền Quang, có thể thấy rõ là lời tâm sự với chính bản thân mình, hòa nhập cùng tâm cảnh thiên nhiên và giây phút quên. Qua các bài thơ, ta thấy ông rất yêu thiên nhiên, yêu hoa cúc, thích ngắm ánh trăng, yêu thích tận hưởng từng dư niệm cảnh sắc cùng hồn thơ dạt dào thi ý. Đặc biệt, những bài thơ cũng nói lên giây phút quên, tâm hồn buông bỏ trần tục, không vướng vào vòng tục lụy của danh lợi, địa vị, ham muốn hưởng lạc đời thường, thể nhập “hiện tại, là bây giờ và ở đây”.
Tác giả: Phạm Thị Bèo (Thích nữ Thanh Trang)
Học viên Cao học Khóa II, chuyên ngành Văn học Phật giáo, Học viện Phật giáo Việt Nam tại Huế.
Tài liệu tham khảo:
[1] Thiền Chửu (2004), Hán - Việt Tự điển, Nxb Thanh niên.
[2] Lê Bá Hán, Trần Đình Sử, Nguyễn Khắc Phi đồng chủ biên (2006), Từ điển thuật ngữ văn học, Nxb Giáo dục.
[3] Thích Phước Sơn (dịch) (1995), Tam Tổ thực lục, VNCPHVN.
[4] Viện Văn học (1988), Thơ văn Lý -Trần, tập 2, Nxb Khoa học xã hội, Hà Nội.
[5] Viện ngôn ngữ học (2005), Từ điển Tiếng Việt, Nxb Đà Nẵng.
[6] https://www.thivien.net > Đỗ-Muc
[7] https://vanchuongphuongnam.vn >...
[8] https://www.thivien.net > Xuân - Diệu
Bình luận (0)