Về hoạt động phật sự, ông Trần Nguyên Chấn có nhiều đóng góp. Trên phương diện báo chí, Trần Nguyên Chấn không chỉ giữ vai trò tiếp quản, ông còn có các bài viết được đăng trên tạp chí. Tạp chí Từ Bi Âm là cơ quan ngôn luận của hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học.
Tác giả: Thích nữ Huệ Lộc Chùa Thiên Long, 56/77 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, Tp.HCM
DẪN NHẬP
Dưới sự lãnh đạo của hòa thượng Khánh Hòa, phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ đã được thành lập sớm nhất trong ba miền đất nước. Để thành lập một hội Phật học đầu tiên trong bối cảnh đất nước đang chịu sự chi phối và kiểm soát gắt gao của thực dân Pháp quả thật đó là điều rất khó khăn. Tuy nhiên, có sự hỗ trợ từ phía cư sĩ thì việc lập hội Phật học đã được diễn ra. Trần Nguyên Chấn là người đã đứng ra lo liệu về mặt pháp lý. Vì ông làm việc trong Dinh Đốc Lý Sài Gòn nên phần nào am hiểu về pháp lý và bản thân ông cũng là một người có sức ảnh hưởng đối với thực dân Pháp lúc bấy giờ.
Đối với Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, ông Trần Nguyên Chấn đã góp công trong việc thành lập hội Phật học này. Tuy nhiên, đối với việc thành lập ngôi Thích học đường cho tăng sĩ thì có người cho rằng ông Chấn có nhiều biểu hiện “ngấm ngầm phản đối” Điều này để lại cho hậu thế nhiều bàn luận. Bài viết dưới đây sẽ phần nào giúp chúng ta hiểu rõ hơn về hoạt động của Trần Nguyên Chấn đối với hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học.
NỘI DUNG
1. Trần Nguyên Chấn với việc thành lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học
Ý tưởng về việc thành lập hội Phật học ở Nam kỳ đã manh nha từ những năm 20 của thế kỷ XIX. Năm 1920 hòa thượng Khánh Hòa cùng các hòa thượng khác đã cùng nhau lập hội Lục Hòa, để gặp gỡ bàn luận về đạo pháp trong nội bộ. Tiếp đó, năm 1923, hòa thượng lại lập hội Lục Hòa Liên Hiệp. Tuy nhiên, hội vẫn không mấy phát triển.
Đến năm 1927, Hòa thượng đứng ra xin phép chính quyền lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, nhưng không được chính quyền Pháp thừa nhận, lý do giấy tờ không hợp lệ. Một năm sau, hòa thượng lại xin phép lập hội một lần nữa, nhưng cũng không thành công. Sau hai lần thất bại chỉ vì thủ tục không thông, Hòa thượng “bắt tay” với Trần Nguyên Chấn, ông đang giữ chức chánh thừa biện hạng nhất tại Dinh Đốc Lý Sài Gòn, để cùng nhau lập hội Phật học.
Ông Trần Nguyên Chấn đứng ra lo liệu về thủ tục pháp lý. Một mặt “Trần nguyên Chấn tìm cách liên lạc với bà Suzanne Karpeles để nhờ giúp đỡ thành lập ban bảo trợ Phật giáo Nam kỳ”[1]. Mặt khác, “Ngày 28 tháng 12 năm 1929, ông Trần Nguyên Chấn thay mặt Ban Trị sự tạm thời đệ trình hồ sơ xin phép thành lập hội nghiên cứu và bảo tồn Phật giáo Nam kỳ”[2] . Hồ sơ gồm bản dự thảo điều lệ và danh sách ban trị sự tạm thời gồm 8 vị (HT.Khánh Hòa với 7 cư sĩ).
Trong đó, hòa thượng Khánh Hòa làm trưởng ban, ông Trần Nguyên Chấn làm phó ban. Trong lúc chờ đợi sự chấp thuận của chính quyền để hợp thức hóa về thủ tục hành chánh, hòa thượng Khánh Hòa xin thành lập các công trình phụ như thư viện Phật học (Pháp Bảo Phường), Duyệt Kinh Thất (phòng đọc sách) nhà in… Các công trình đó đã được khánh thành vào ngày 21-22/12/1929.
Ông Trần Nguyên Chấn đã có bài phát biểu như sau: “Thưa quan Đốc lý, nhờ vậy mà ngôi Duyệt Kinh Thất và ngôi Pháp Bảo Phường mới được thành lập…như vậy ngôi Pháp Bảo Phường này chẳng những có ích cho người An Nam mà cũng có ích nhiều cho người Pháp ở xứ này khi muốn khảo sát về Phật giáo để kiếm tài liệu được có chỗ đến mà tra cứu nữa”[3] còn hội NKNCPH đã được phép thành lập và đi vào hoạt động vào ngày 26/08/1931[4]. Như vậy, với sự trợ giúp của Trần Nguyên Chấn, hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học cùng các công trình phụ của hội đã được thành lập.
2. Trần Nguyên Chấn với công tác phật sự
Về hoạt động phật sự, ông Trần Nguyên Chấn có nhiều đóng góp. Trên phương diện báo chí, Trần Nguyên Chấn không chỉ giữ vai trò tiếp quản, ông còn có các bài viết được đăng trên tạp chí. Tạp chí Từ Bi Âm là cơ quan ngôn luận của hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học. Cơ sở này được hòa thượng Khánh Hòa đứng ra xin phép được xuất bản tạp chí, nhưng hòa thượng chỉ làm chủ nhiệm tạp chí trong thời gian ngắn rồi ủy quyền cho hòa thượng Chánh Tâm.
Tuy nhiên, hòa thượng Chánh Tâm chỉ làm gần 4 năm, sau đó thì Trần Nguyên Chấn tiếp quản vị trí chủ nhiệm cho đến khi tạp chí đình bản[5]. Ngoài đảm nhiệm chức vụ là chủ nhiệm tạp chí, Trần Nguyên Chấn cũng viết bài cho tạp chí như: Các nước đều khảo cứu và hoan nghinh Phật giáo, đăng trên Từ Bi Ấm số 1, Đại hòa thượng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một tịch để sự rối rắm lại cho chùa và bổn đạo, đăng trên Từ Bi Âm số 5...
Trên phương diện hộ trì Phật pháp Trần Nguyên Chấn đã có công trong việc đòi lại công bằng về ruộng đất cho chùa. Việc là bà Lê Thị Ngởi, một đại điền chủ ở Hương Điểm hạt Bến Tre, bà là người giàu lòng hảo tâm, chuyên cúng cho chùa ruộng đất và tiền bạc. Năm 1929, bà có cúng đất cho chùa nhưng bị làng tổng lấy đấu giá và cho mướn để thu hoạch hoa lợi bỏ hết vào Công Nho (Công Nho là quỹ để chi phí các việc thường trong làng). Bà Ngởi đã mấy lần thưa với quan trên mà không có kết quả. Biết được việc ấy, ông Trần Nguyên Chấn đứng ra làm đơn trình lên soái phủ Nam kỳ xin quan trên xem xét. Trong đơn ông viết “Xin quan trên nên kỉnh trọng những lời giao ước trong tờ cúng ruộng đất cho chùa và xin đừng bỏ tục lệ xưa nay mà làm buồn đệ tử của Phật…trái ý tủi lòng mấy người hảo tâm ở đó nơi miền chín suối”[6] Kết quả vào ngày 16/06/1930 quan thống độc Nam kỳ là Krautheimer dạy các tổng lý ở Nam kỳ đem trả hết ruộng đất cho chùa. Như vậy, Ông Trần Nguyên Chấn đã có tiếng nói đòi lại sự công bằng trên phương diện tiền của cũng như hoa lợi cho các chùa. Bên cạnh đó, ông gián tiếp đáp ứng được tâm nguyện của người hỉ cúng cho Tam bảo. Ngoài ra, Ông Chấn còn cho đúc 500 tượng Phật để tặng cho các chùa thỉnh về thờ.
Trong bài “Đại hòa thượng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một tịch để sự rối rắm lại cho chùa và bổn đạo” Ông Trần Nguyên Chấn đã có lời khuyên các vị đại đức trụ trì rằng “nên từ bỏ sự riêng tư, thôi lập phe đảng, dẹp hội Lục Hòa, đặng hiệp sức cùng nhau mà chung lo vun bồi nền đạo đức”[7] và khi biết ông trụ trì chùa Hội Khánh ấy có vợ con và nhà cửa riêng, làm nhiều điều bất chánh, ông liền trình lên quan trên và đề nghị trục xuất, không cho làm trụ trì chùa ấy nữa. Điều đó cho thấy, ông Chấn là người có tâm với đạo. Ông biết rằng một trong những nguyên nhân làm cho Phật giáo suy vi là do chư tăng lập phe đảng, không hòa hợp, chỉ lo tích cóp cho riêng mình, nên ông mới có lời khuyên đối với các vị đại đức. Thứ nữa, ông Chấn có hiểu về giới luật nhà Phật nên khi thấy cảnh nhà sư có vợ con thì không thuận mắt, lại thêm có nhà cửa riêng nên ông mới trình thưa quan trên như vậy. Thiết nghĩ, đó cũng là lòng hộ trì Phật pháp của ông.
Hơn nữa, ông Trần Nguyên Chấn còn là người có tiếng nói để tạp chí Từ Bi Âm có thể lưu thông từ Nam ra Bắc. Việc là vào tháng 3 năm 1932 ông Nguyễn Liên Phương một độc giả của Từ Bi Âm, ông ở Nam Định thuộc xứ Bắc kỳ, bị chính quyền Pháp ở Bắc kỳ không cho đọc tạp chí Từ Bi Âm. Biết được việc ấy, ông Trần Nguyên Chấn thay mặt cho hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học làm đơn trình lên quan thống sứ Bắc kỳ. Ông nói rằng tạp chí đã được Sở kiểm Duyệt ở Sài Gòn phê chuẩn rồi mới cho xuất bản và lưu hành. Nên mong quan Thống sứ Bắc kỳ xem xét lại mà chấp thuận cho tạp chí Từ Bi Âm được lưu bố. Kết quả, ngày 6 tháng 4 năm 1932 quan Thống sứ Bắc kỳ chấp thuận cho Từ Bi Âm được lưu bố khắp xứ Bắc kỳ[8]
Nhìn chung, đối với hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học ông Trần Nguyên Chấn thật đã góp phần không nhỏ trong sự nghiệp hộ trì Phật pháp và hoằng hóa lợi sinh.
3. Trần Nguyên Chấn với việc thành lập Thích học đường
Việc thành lập Thích học đường cho tăng sĩ là nhiệm vụ hàng đầu của các hội Phật học nói chung và hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học nói riêng. Vì tăng sĩ lúc bấy giờ “hư” và “dốt” lại không am tường giới luật nên chư vị hòa thượng mới phát khởi phong trào chấn hưng Phật giáo và nhiệm vụ tiên quyết là lập Thích học đường. Nhiệm vụ này được nhiều người hưởng ứng, trong đó có ông Trần nguyên Chấn. Trong bài diễn văn khánh thành ngôi Pháp Bảo Phường và Duyệt Kinh Thất ngày 21/12/1929 ông Trần Nguyên Chấn đã nêu ý định sẽ lập trường học cho tăng chúng ở phần đất kế ngôi Pháp Bảo Phường và mong quan đốc lý sẽ giúp đỡ trong việc lập Thích học đường. Trong bài phát biểu ông nói rằng: “… Chúng tôi đang trù tính lập thêm một trường học cho tăng chúng, theo như trường dạy các sãi Cao Miên học chữ Pali ở Nam Vang. Hiện miếng đất này còn chỗ trống, chúng tôi sẽ cất thêm một cơ sở để làm nơi đào luyện tăng đồ, mai sau khi đã đạt đạo thành tài, đủ có tín lực, có tư cách và mô phạm cho công chúng tôn ngưỡng, ra mà truyền giáo cho đồng bào, cho nền đạo ngày càng xương minh…”[9]
Tuy nhiên, đó chỉ là dự kiến. Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học đã lập được gần 2 năm mà vẫn chưa tạo được ngôi Thích học đường. Vì tâm nguyện đào tạo tăng sĩ tài đức, năm 1933, hòa thượng Khánh hòa cùng với các vị hòa thượng Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh lui về Bến Tre để lập một tiểu hội gọi là Liên Đoàn Phật Học Xã. Hội này chủ trương, mỗi chùa phải lo kinh phí cho chư tăng học trong vòng 3 tháng, bắt đầu từ chùa Long Hòa, rồi đến chùa Thiên Phước, chùa Viên Giác... hoạt động này chỉ duy trì được 3 khóa với tổng số tăng sinh được đào tạo là 230 người, sau đó thì dừng hẳng. Vấn đề này có nhiều lý do như sau:
Thứ nhất là Liên Đoàn Phật Học Xã và các chùa thiếu kinh phí để có thể tiếp tục duy trì hoạt động.
Thứ hai là một số hội viên trong hội cho rằng việc đào tạo tăng tài không quan trọng bằng việc phiên dịch kinh sách Hán ngữ ra chữ quốc ngữ, chi bằng lấy học phí dạy cho tăng sĩ đó mà đem ra xuất bản tạp chí, và hạ giá thành tạp chí để nhiều người mua đọc thì còn tốt hơn hoạt động dạy học[10].
Thứ ba là “vì chính quyền tỉnh Bến Tre không cho phép”[11]. Về điều này, các nhà sáng lập Liên Đoàn Phật Học Xã cho hay, “nguyên nhân chính là do ông Trần Nguyên Chấn - Phó Hội trưởng hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học không tán thành cách thức hoạt động của Hội nên có đơn gửi chính quyền đương thời”[12], vì vậy mà chính quyền tỉnh Bến Tre không cho phép hội hoạt động. Tuy nhiên đối với vần đề này người viết có nhận định khác là, nếu ông Chấn không viết đơn trình lên chính quyền đương thời về việc trường học lưu động của Liên Đoàn Phật Học Xã thì hoạt động này cũng không tồn tại lâu dài được. Bởi vì sự nghiệp giáo dục là việc lâu dài, trọng đại, nên cần có cơ sở ổn định vững chắc cũng như trang thiết bị học đường thì việc giáo dục mới được lâu dài. Nên việc chính quyền tỉnh Bến Tre không cho phép hoạt động cũng là điều sớm muộn mà thôi.
KẾT LUẬN
Nhìn chung, qua tìm hiểu về nhân vật Trần Nguyên Chấn chúng ta phần nào hiểu được những hoạt động của ông trong hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học. Qua đó phần nào thấy được những “công - tội” của ông. Làm người không ai tránh khỏi sai lầm, ông Chấn cũng vậy, tuy những việc làm chưa đúng nhưng xét trên nhiều phương diện, ông Chấn là người đem lại nhiều lợi ích cho hội như góp phần trong việc thành lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học; Lấy lại đất và hoa lợi cho chùa, có tiếng nói để tạp chí Từ Bi Âm được lưu hành ở Bắc kỳ và các xứ khác…
Tác giả: Thích nữ Huệ Lộc Chùa Thiên Long, 56/77 đường Thích Quảng Đức, phường 5, quận Phú Nhuận, Tp.HCM ***Chú thích [1] Dương Thanh Mừng (2020), "Quá trình vận động chấn hưng Phật giáo tại miền Nam", Phật giáo vùng Nam bộ trong thế kỷ XX, Nxb. Hồng Đức, Hồ Chí Minh, tr. 52 [2] Ninh Thị Sinh (2016), "Vai trò tiên phong của thiền sư Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong những năm 1920-1945 qua tài liệu lưu trữ", Nghiên cứu tôn giáo, số 9&10 (158), tr 71. [3] Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), "Mấy lời lược thuật trong cuộc khánh thành ngôi Pháp Bảo Phường và ngôi Duyệt Kinh Thất tại chùa Linh Sơn hồi tháng Décembre 1929", Từ Bi Âm, số 2, tr. 47. [4] Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr. 71-75 [5] Thích Không Hạnh, "https://thuvienhuequang.vn/products/tu-bi-am-tai-ban-2019", truy cập ngày 24/12/2021. [6] Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), "Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thấy hữu ích cho Phật giáo rồi", Từ Bi Âm, số 1, tr.28. [7] Trần Nguyên Chấn, “Đại hòa thượng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một tịch để sự rối rắm lại cho chùa và bổn đạo”, Từ Bi Âm, số 5, tr 40. [8] Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, “Quan Thống sư Bắc kỳ Tholance cho phép Từ Bi Âm lưu thông khắp trong xứ ấy”, Từ Bi Âm, số 10, tr 35. [9] Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), "Mấy lời lược thuật trong cuộc khánh thành ngôi Pháp Bảo Phường và ngôi Duyệt Kinh Thất tại chùa Linh Sơn hồi tháng Décembre 1929", Từ Bi Âm, số 2, tr. 47 [10] Vân Sơn (1936), "Phổ thông Phật giáo phải làm thế nào", Từ Bi Âm, số 114, tr. 39. [11] Thích Thiện Nhơn (2018), "Sự ảnh hưởng phong trào chấn hưng PGVN 1920 đến thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam 1981", Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hồ Chí Minh, tr. 319. [12] Dương Thanh Mừng (2015), "Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945", Nghiên cứu tôn giáo, số 5, (143), tr.47.
Tài liệu tham khảo 1. Dương Thanh Mừng (2020), "Quá trình vận động chấn hưng Phật giáo tại miền Nam", Phật giáo vùng Nam bộ trong thế kỷ XX, Nxb. Hồng Đức, Hồ Chí Minh. 2. Dương Thanh Mừng (2015), "Các tổ chức Phật giáo trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam trước năm 1945", Nghiên cứu tôn giáo, số 5, (143). 3. Ninh Thị Sinh (2016), "Vai trò tiên phong của thiền sư Khánh Hòa trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở Việt Nam trong những năm 1920-1945 qua tài liệu lưu trữ", Nghiên cứu tôn giáo, số 9&10 (158). 4. Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ, Nxb. Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr 71-75 5. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), "Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học thấy hữu ích cho Phật giáo rồi", Từ Bi Âm, số 1. 6. Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học, “Quan Thống sư Bắc kỳ Tholance cho phép Từ Bi Âm lưu thông khắp trong xứ ấy”, Từ Bi Âm, số 10. 7. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), "Mấy lời lược thuật trong cuộc khánh thành ngôi Pháp Bảo Phường và ngôi Duyệt Kinh Thất tại chùa Linh Sơn hồi tháng Décembre 1929", Từ Bi Âm, số 2. 8. Vân Sơn (1936), "Phổ thông Phật giáo phải làm thế nào", Từ Bi Âm, số 114, 39. 9. Thích Thiện Nhơn (2018), "Sự ảnh hưởng phong trào chấn hưng PGVN 1920 đến thành lập giáo hội Phật giáo Việt Nam 1981", Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, Hồ Chí Minh. 10. Thích Không Hạnh, "https://thuvienhuequang.vn/products/tu-bi-am-tai-ban-2019", truy cập ngày 24/12/2021. 11. Trần Nguyên Chấn, “Đại hòa thượng chùa Hội Khánh ở Thủ Dầu Một tịch để sự rối rắm lại cho chùa và bổn đạo”, Từ Bi Âm, số 5.
Bình luận (0)