Trang chủ Chuyên đề Điểm độc đáo của 3 tạp chí: Từ Bi Âm – Viên Âm – Đuốc Tuệ

Điểm độc đáo của 3 tạp chí: Từ Bi Âm – Viên Âm – Đuốc Tuệ

Đăng bởi: Anh Minh
ISSN: 2734-9195

Báo chí thời bấy giờ như một nguồn khích lệ động viên về phương diện tinh thần, là chỗ dựa vững chắc cho phật tử và nhân dân, báo chí đã gắn kết những con người có cùng chí hướng chấn hưng Phật giáo ở trên thế giới nói chung và ở ba miền Việt Nam nói riêng, làm cho tình người xích lại gần nhau hơn

Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển
Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

Dẫn nhập

Phật giáo du nhập vào Việt Nam trên tinh thần từ bi hỷ xả cứu khổ ban vui, đã đi vào lòng người, như dòng nước mát thấm sâu trong mọi tế bào người dân, tạo nên hệ giá trị tinh thần sâu sắc. Kể từ đó, Phật giáo đã trải qua các giai đoạn thăng trầm, thịnh suy cùng với lịch sử các triều đại của dân tộc. Dưới thời Lý -Trần, giáo lý Phật Đà được thể hiện trong việc kiến lập quốc gia, xây dựng đời sống nhân sinh một cách tuyệt hảo.

Dấu mốc ấy đã hình thành nên tư tưởng chính thống của dân tộc. Từ đó trở về sau có thời kỳ Nho giáo hưng thịnh, Phật giáo lại ẩn mình trong đời sống dân dã, đến giai đoạn Phật giáo được chính quyền phong kiến ưu ái, ủng hộ thì tiếp tục phát triển. Đến cuối thời Nguyễn, dưới sự đô hộ của thực dân Pháp, Phật giáo lâm vào tình trạng suy kiệt về mọi mặt, khiến cho xã hội có những đánh giá sai lệch, đối với giá trị thiết thực của đạo Phật. Giữa lúc đó Phật giáo lại chịu nhiều sự cạnh tranh của các tôn giáo mới, khiến cho đạo Phật đứng trước nguy cơ bị diệt vong.

Bên cạnh đó trên thế giới đang diễn ra Phong trào chấn hưng Phật giáo, khởi đầu tại Srilanka, còn với văn hóa Phật giáo Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Văn hóa Phật giáo Trung Quốc, dưới sự thôi thúc, khích lệ của tăng sĩ, cư sĩ có đạo tâm đã phát động phong trào chấn hưng Phật giáo trên toàn quốc.

Để tuyên truyền, phổ biến đường lối chấn hưng, báo chí Phật giáo bằng chữ Quốc ngữ đã ra đời, do các hội Phật giáo xuất bản tạo ra làn sóng học thuật tích cực kêu gọi tăng, ni đoàn kết chấn hưng Phật giáo. Trong giai đoạn này báo chí Phật giáo chính là một trong những phương tiện quan trọng lan tỏa tư tưởng chấn hưng. Bên cạnh đó, báo chí Phật giáo còn thực hiện nhiều nhiệm vụ quan trọng trong việc hoằng pháp, phát huy và bảo tồn di sản văn hóa Việt Nam nói chung, văn hóa Phật giáo nói riêng, qua các tạp chí đầu tiên như Từ Bi Âm, Viên Âm, Đuốc Tuệ, được xem như 3 trụ cột lớn của phong trào Chấn hưng Phật giáo Việt Nam.

Tap chi Nghien cuu Phat hoc Dong gop cua ni gioi trong qua trinh phat trien tap chi Tu Bi Am 3 1

1. Tình hình Phật giáo Việt Nam giai đoạn 1920-1945

Năm 1887, sau khi thực dân Pháp ban hành sắc lệnh thành lập Liên Bang Đông Dương, Việt Nam bị chia cắt thành ba miền là Nam Kỳ, Trung Kỳ và Bắc Kỳ với ba chế độ cai trị khác nhau. Chính sách chia để trị của thực dân Pháp đã ảnh hưởng không nhỏ đến Phật giáo. “Đến khi nhà Nguyễn thống nhất sơn hà, Phật giáo bị biến thành một thứ lợi khí chính trị trong tay nhà vua để củng cố ngôi báo vừa xây đắp, còn tăng sĩ thì một phần như bị truất xuống hàng thủ tự các chùa sắc tứ hay hàng thầy cúng. Phật giáo chỉ còn cái xác, hầu khắp các chùa, việc phá trai phạm giới là thường, còn Phật thì được thờ như một vị thần linh” [[1]]. Có thể thấy dưới thời Pháp thuộc, Phật giáo suy vi trên cả hai phương diện tăng đồ và tín đồ. Chư tăng thời bây giờ không còn am hiểu nhiều về kinh Phật nữa lại thường phá giới phạm trai, không có học thức, không được đào tạo qua trường lớp. Tình trạng trên đây khiến cho uy tín Phật giáo trong nhân gian cũng dần nhợt nhạt. Một số tu sĩ ngả sang thần quyền, bùa phép bởi ảnh hưởng của Đạo gia, mê tín dị đoan xâm nhập vào chốn thiền môn.

Về tín đồ thì hình tượng đức Phật được coi như một vị thần có thể ban phát của cải, hạnh phúc, tài lộc, con cái. Nói một cách chung nhất có thể thỏa mãn tất cả những nguyện vọng của tín đồ, mục đích của tín đồ đến chùa không phải chỉ để lễ bái Phật đà, mà là để cầu xin. Sự suy vi của Phật giáo, thực sự nằm trong chính cơ thể của mình, từ các nhà sư không am hiểu giáo lý, không giữ gìn giới luật, không có tổ chức hành chính chặt chẽ, dẫn đến tình trạng hàng phật tử về chùa không phải để tu học những giá trị đạo đức tốt đẹp, mà chỉ để cầu xin mê tín khiến cho đạo Phật trong thời kỳ này trở thành một thứ đạo “kỳ kỳ quái quái”. Đứng trước nguy cơ bị diệt vong, chư tăng và những nhà tri thức yêu mến đạo Phật, cũng vô cùng hoang mang lo lắng cho thực trạng suy đồi này của đạo Phật. Lúc này trên thế giới đang diễn ra phong trào chấn hưng Phật giáo, Việt Nam chịu ảnh hưởng trực tiếp từ Trung Quốc. Nam kỳ là vùng đất thuộc địa do người Pháp cai trị, nhờ vậy người dân xứ Nam kỳ sớm được tiếp cận với nên văn minh tân tiến phương Tây qua báo chí. Hòa thượng Khánh Hòa người Bến Tre đã tích cực vận động, ngài đi khắp các chùa tỉnh Nam kỳ kêu gọi các hoạt động nhằm chấn hưng lại Phật giáo, Hòa thượng vạch ra bốn điểm cần làm:

1. Lập hội Phật giáo, thỉnh ba tạng kinh, dịch ra chữ quốc ngữ.

2. Lập trường Phật học đào tạo tăng tài.

3. Xuất bản các tạp chí phổ biến giáo lý.

4. kêu gọi tăng đồ thức tỉnh chấn hưng quy củ thiền môn.

2. Sự ra đời của các tạp chí Phật học bằng chữ Quốc ngữ

2.1. Tạp chí Từ Bi Âm

Năm 1929, Hòa thượng Khánh Hòa đứng ra vận động chư Tăng Ni, Phật tử lục tỉnh Nam kỳ ủng hộ vật chất lẫn tinh thần để xuất bản tập san Phật học Pháp Âm bằng chữ Quốc Ngữ. Số báo đầu tiên ra đời vào ngày 13 tháng 8 năm 1929. Tuy nhiên sau số đầu tiên thì tập san Pháp Âm đã gặp biến cố, và ngừng hoạt động. Mặc dù thất bại trong việc phát triển tập san Pháp Âm, nhưng nó là bước ngoặt, tạo tiền đề cho sự ra đời của tạp chí Từ Bi Âm.

Tạp chí Từ Bi Âm chính là cơ quan ngôn luận của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội, Chủ nhiệm tòa soạn là Hòa thượng Khánh Hòa, chủ bút là Hòa thượng Bích Liên, phó chủ bút là Hòa thượng Liên Tôn. Thành lập: 26-8-1931, trụ sở chùa Linh Sơn, Sài gòn). Tạp chí được cấp giấy phép xuất bản ngày 31/4/1931 Xuất bản số đầu tiên: 1-1-1932. Tòa soạn đặt tại chùa Linh Sơn, 149 đường Douaumont (nay là đường Cô Giang, Quận 1, Tp. Hồ Chí Minh). In tại nhà in Nguyễn Văn Của. Số báo đầu tiên ra mắt bạn đọc ngày 1 tháng 1 năm 1932. Nội dung của tờ báo chủ yếu nói về Triết lý Phật giáo, những bản kinh dịch ra chữ Quốc ngữ, bàn về tình hình Phật giáo thời bấy giờ…Mục đích của Từ Bi Âm là “đem đạo lý của nhà Phật bày giải ra bằng chữ Quốc văn để hầu phổ thông cho khắp mọi người được hiểu rõ” [[2]]. Có thể nói Tạp chí Từ Bi Âm, là ngọn đuốt tiên phong trong công cuộc chấn hưng Phật giáo ở Nam Kỳ. Đồng thời, tạp chí cũng vận động, khích lệ tinh thần chấn hưng Phật giáo với những người hữu tâm với Đạo Phật. Tạp chí tồn tại đến tháng 8/1945 với 235 số thì đình bản. Nguyên do là sự bất đồng ý kiến giữa chư tăng và một số cư sĩ không chịu làm theo đường lối và ý hướng của các vị này. Hòa thượng Khánh Hòa đã từ bỏ chức vụ chủ nhiệm của tạp chí Từ Bi Âm.

2.2 Tạp chí Viên Âm

Viên Âm ra mắt số đầu tiền vào ngày 1/12/1933. Danh từ Viên Âm được giải thích như sau: “Viên Âm nghĩa là tiếng tròn. Tiếng tròn là tiếng nói hoàn toàn; tiếng nói hoàn toàn duy chỉ pháp âm của Phật. Phật là bậc viên giác, tự giác, giác tha, giác hạnh viên mãn, cho nên lời nói tròn, việc làm tròn, giáo pháp tròn, tròn theo bổn tánh thanh tịnh, tròn làm sao, trong tròn, ngoài tròn, trên tròn, dưới tròn, cũng tam giới khắp thập phương lớn nhỏ xa gần đâu đâu cũng tròn cả” [[3]]. Đây là, cơ quan hoằng pháp của Hội An Nam Phật học (Hội Phật học Trung kỳ, chủ bút là Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám. Tòa soạn đặt tại số 113 đường Champeau (tức đường Hà Nội hiện nay), Huế in tại nhà in Viên Đế, Huế (từ năm 1943, in tại nhà in Đuốc Tuệ, 73 phố Richaud tức phố Quán Sứ, Hà Nội ngày nay). Tạp chí có khổ 145 x 220 mm, dày từ 62-70 trang (từ năm 1939 trở đi chỉ có 31 – 34 trang). Mỗi tháng xuất bản một kỳ Về hình thức trang bìa của tạp chí trình bày, “một độc lư, khói trầm tỏa trên miệng con nghê biến thành cái kháng, ở giữa có hai chữ “Viêm Âm” bằng chữ Quốc ngữ, thẳng với hình con nghê ở giữa, hai bên có hai hai vòng tròn viết chữ Viên Âm. Bên dưới đế đỉnh là một hàng chữ Hán với nội dung là “Phật học hội Nguyệt san”, và cuối cùng là hàng chữ Quốc ngữ, “Nguyệt san Phật học” [[4]]. Về nội dung, Viên Âm được phép xuất bản với điều kiện: Chỉ giảng giải, trình bày giáo lý của Phật giáo ra chữ Quốc ngữ, nên tôn chỉ của báo là lấy ba tạng kinh điển làm tài liệu cho ngôn luận, và tất cả các bình luận, giảng giải. Trong thời gian này đất nước gặp nhiều khó khăn do phải đối phó với thực dân Pháp và phát xít Nhật, nên các hoạt động chấn hưng Phật giáo buộc phải chững lại, tờ Nguyệt san Viên Âm đình bản ở số 78 do thiếu kinh phí và bài viết . Viên Âm tồn tại qua hai giai đoạn. Giai đoạn 1933-1945, ra được 78 số, giai đoạn tục bản 1949 – 1953, ra được 51 số (79-129). Giai đoạn đầu Viên Âm thuộc ANPHH, giai đoạn sau thuộc Hội Phật Học Việt Nam, tuy tên gọi hai nhưng cũng chỉ một tổ chức Phật học của Trung kỳ.

2.3 Tạp chí Đuốc Tuệ

Đuốc Tuệ là cơ quan ngôn luận hoằng pháp của Hội Phật giáo Bắc Kỳ. ra đời muộn hơn Từ Bi Âm và Viêm Âm. Ngày 10-12-1935 tuần báo Đuốc tuệ đã ra số đầu tiên do hội trưởng “Nguyễn Năng Quốc làm chủ nhiệm, ông Cung Đình Bính làm quản lý, sư cụ Phan Trung Thứ (chùa Bằng Sở) làm chánh chủ bút, phó chủ bút là sư cụ Dương Văn Hiển (chùa Tế Cát)” [[5]].

Tap Chi Nghien Cuu Phat Hoc Tap Chi Duoc Tue 1

Ban biên tập gồm một số cư sĩ: Dương Bá Trạc, Bùi Kỷ, Trần Văn Giáp, Nguyễn Can Mộng…và các tăng sĩ: Thượng toạ Thái Hòa, Tố Liên, Trí Hải… ông Trần Trọng Kim làm trưởng ban biên tập, cư sĩ Nguyễn Trọng Thuật làm thư ký tòa soạn. Từ năm 1943, cư sĩ Thiều Chửu Nguyễn Hữu Kha làm trưởng ban biên tập. Trụ sở báo đặt tại chùa Quán Sứ, số 73 phố Richaud (sau 09.03.1945 đổi tên là phố Quán Sứ), Hà Nội. Tạp chí Đuốc Tuệ có đội ngũ biên tập và cộng tác viên đông đảo gồm các nhân sĩ trí thức nổi tiếng như phó bảng Bùi Kỷ, các cử nhân Hán học Dương Bá Trạc, Nguyễn Thiện Chính… các nhà văn Đồ Nam Tử Nguyễn Trọng Thuật, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc, Phó bảng Nguyễn Can Mộng, Lê Toại…các học giả như Trần Trọng Kim, Trần Văn Giáp…Hoà thượng Tế Cát, Trung Hậu, các Thượng toạ: Trí Hải, Thái Hòa, Tố Liên và các cây bút trẻ sau này như Trí Quang,Tâm Ấn. Vào tháng 3-1942, Hoà thượng Phan Trung Thứ viên tịch, Hoà thượng Tế Cát, phó chủ bút lên làm chủ bút báo Đuốc Tuệ cho tới khi đình bản vào ngày 15-8-1945 (số báo cuối cùng là số ghép 257- 258).

Nội dung chính của báo thường bắt đầu trang 3, mỗi số thường bao gồm các bài giảng của cư sĩ và tăng sĩ, và các bài khảo cứu liên quan đến Phật giáo Việt Nam. Các thông tin hoạt động của hội, tin tức trong nước và thế giới. Bên cạnh đó còn sử dụng các bài viết theo thể loại phóng sự, hoặc du ký. Đến số 54 đổi tên thành thời sự. Số 57 còn có mục văn uyển, thường gồm những bài thơ, văn xuôi, và các bài điếu văn viếng hội viên quá cố Từ số 91 trở đi chương trình thời sự đã tăng lên với những tin nóng hổi trong ngày, như trộm cướp, bệnh dịch, lụt lội, buôn người. Đặt biệt số 90-91 còn đăng những tin khẳng định về chủ quyền về biển đảo của Việt Nam. Từ số 2 đến số 7 có mục Phật học danh từ để giải nghĩa những từ cơ bản thường dùng trong đạo Phật. Bắt đầu từ số 101 còn mở mục trang cho học tăng, mục đích để cho các tăng sinh luyện tập văn chương. Về sau Đuốc Tuệ còn mở ra mục mới lấy tiêu đề Luật thế gian, nhằm giúp cho độc giả có thêm kiến thức về luật pháp.

3. Điểm đặc sắc của 3 tạp chí

3.1. Tạp chí Từ Bi Âm

Từ Bi Âm có thể xem là tờ tạp chí ra đời đầu tiên, trong bối cảnh hết sức khó khăn về mọi mặt, nhưng nó đã đóng một vai trò vô cùng quan trọng, là bệ phóng tiên phong cho các tờ tạp chí khác lần lược ra đời. Chứng tỏ Phật giáo thời điểm này cũng theo kịp thời đại, vận dụng phương tiện truyền thông của báo chí, do người Pháp mang sang Việt Nam. Nội dung tờ Từ Bi Âm khá phong phú. Chú yếu thiên về kinh, luật và luận, đăng nhiều kỳ liên tiếp. Bên cạnh có nhiều bài viết bàn về giáo lý hoặc nghi lễ Phật giáo như, Lược thuật lý Niết bàn của Liên Tôn, những bài vấn đáp về đạo Tiên và đạo Phật, Nghĩa lý kinh pháp của Hòa thượng Bích Liên; Những bài Biện nghĩa vô thủy, Phép sám hối của Hòa thượng Khánh Hòa; Vọng tưởng chân như của Thích Huyền Ý. Trên Từ Bi Âm còn có Sự tích đức Phật Thích Ca, sự tích các vị Bồ Tát, các vị Tổ sư Tây Thiên, Đông Độ, tiểu sử các vị cao tăng đương thời và mục Văn uyển hay một số tiểu thuyết ngắn, nội dung giải thích giáo lý Phật giáo. Một trong những điểm đặt sắc củaTừ Bi Âm có thể nói ở đây, chính là diễn đàn đầu tiên của Ni giới. Người xuất hiện đầu tiên trên Từ Bi Âm là Ni sư Diệu Tịnh. Ni sư tên thật là Phạm Thị Thọ, pháp danh Hồng Thọ, hiệu Diệu Tịnh, sinh năm 1910, người Gò Công, “Năm 1933, Ni sư viết bài “Lời than phiền của một cô vãi” đăng trên Từ Bi Âm số 27- 1933, tiếp theo là bài “Cái án ngụy truyền Chánh pháp” số 73-1935. Hai bài viết trên đã gây chú ý trong cả Tăng giới và Ni giới. Tất cả các bài đăng về sau của Ni sư trên tờ báo này cũng đều tập trung vào mục đích kêu gọi chấn hưng Ni phái và sự bình đẳng” [[6]]. Có thể nói các bài viết của Ni sư Diệu Tịnh đã có sức loan tỏa mạnh mẽ, tác động đến nhận thức của xã hội về nữ giới thời bây giờ. Trong tờ báoTừ Bi Âm này, ngoài Ni sư Diệu Tịnh cũng đã xuất hiện nhiều cây bút ni giới khác, gây tiếng vang đáng kể, như Sư cô Diệu Ngôn, Sư cô Diệu Minh. Sự có mặt của nữ giới trên tạp chí ở giai đoạn này, được xem là một tư tưởng hiện đại, ý thức tự lực, tự cường vương lên và khẳng định vai trò của nữ giới trong xã hội.

nguyet san vien am

3.2. Tạp chí Viên Âm

Điểm đặt sắt của Viên Âm về nội dụng “chỉ giảng giải các giáo lý Phật giáo ra chữ Quốc ngữ” [[7]]. Ngoài ra ban biên tập còn mời ban chứng minh đạo sư tham gia công tác phê bình, điều này đã giúp cho nguyệt san Viên Âm luôn đi đúng đường lối của Hội. Về sau còn có thêm nội dung là Ngôn luận thanh niên, thanh niên học tăng, từ đây tạp chí đã khai thác ra nhiều cây bút trẻ mới, với những quan điểm, nhận thức cởi mở hiện đại như, ngài Trí Quang, ngài Thiện Siêu, ngài Minh Châu, cư sĩ Võ Đình Cường, Đinh Văn Nam điều này góp phần làm cho Viên Âm thu hút được nhiều độc giả trẻ đến với Phật giáo hơn. Về đội ngũ biên tập có cả hai giới tăng sĩ và cư sĩ, Ngoài ra, còn có hai họa sĩ riêng, thiết kế vẽ hình Phật và phong cảnh đầu đề mục cho tạp chí, đó là họa sĩ Phi Hùng và họa sĩ Nguyễn Khoa Toàn. Viên Âm đã có sức ảnh hưởng rộng lớn, lan tỏa ra các tỉnh thành lân cận, và sang cả Phnom Penh (Campuchia), Viêng Chăn (Lào.

3.3. Tạp chí Đuốc Tuệ

Riêng với Đuốc Tuệ, một trong những đặc điểm nổi bật của tờ báo đó là sự tham gia cộng tác của một lớp trí thức thế học lỗi lạc như: Trần Trọng Kim, Thiều Chửu, Dương Bá Trạc, Trần Văn Giáp,… Với cơ sở vật chất và kỹ thuật không thật sự đầy đủ, tiên tiến đã khiến Đuốc Tuệ kém về mặt hình thức so với hai tờ báo ra đời trước, tuy nhiên, chính sự cộng tác của đội ngũ trí thức uyên bác lại tạo nên cho tờ Đuốc Tuệ một sự nổi trội về nội dung. Và “làm tăng hàm lượng khoa học hơn trong trong bài viết của Đuốc Tuệ so với các tờ báo cùng thời” [[8]]. Một điểm khác biệt độc đáo của Đuốc Tuệ so với Từ Bi Âm và Viên Âm, đó là đã “sử dụng linh hoạt nhiều thể loại văn học để giới thiệu về đạo Phật và giải thích giáo lý đạo Phật một cách dễ hiểu đến độc giả bình dân” [[9]]. Như truyện ngắn, du ký, thơ, phú, tiểu thuyết, việc sử dụng đa dạng linh hoạt các thể loại này trong văn học được xem là thành công nhất đối với Đuốc Tuệ.

Điều quan trọng nhất của ba tờ tạp chí đó là, giữa ba tạp chí có sự liên kết qua lại hỗ trợ nhau trong công việc hoằng pháp, như Tạp chí Từ Bi Âm được in nhà in Đuốc Tuệ. Một số chư tăng của miền Nam đã tham gia cộng tác với tờ Viên Âm, và một số chư tăng miền Bắc lại được cử vào Trung để học tập. Mặc dù cách trở về phương tiện giao thông, địa lý, thể chế chính trị khác nhau, nhưng cũng đã chứng tỏ sự đoàn kết giữa ba miền trong công tác chấn hưng Phật giáo.

KẾT BÀI

Báo chí Phật giáo Việt Nam xuất hiện trong phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, được ảnh hưởng từ phong trào chấn hưng Phật giáo thế giới và trong điều kiện nền văn học báo chí quốc ngữ nước ta đã có những phát triển nhất định. Sự ra đời của báo Phật giáo đã gióng lên hồi chuông, kêu gọi toàn dân những người yêu mến đạo Phật, những bậc tôn túc trưởng lão luôn trăn trở cho sự tồn vong của Phật giáo, cùng tham gia công cuộc chấn hưng, người có công góp công, người có của góp của, bằng chứng là sư Thiện Chiếu đã cúng chùa Linh Sơn cho Hòa thượng Khánh Hòa, sư Nguyễn Thị Đoan trụ trì chùa Quán Sứ cúng chùa cho sư Thái Hòa và Trí Hải để làm việc Phật cho tiện tại Huế có sư Phước Huệ từ Bình Định ra dạy học cho Tăng Ni… Báo chí thời bấy giờ như một nguồn khích lệ động viên về phương diện tinh thần, là chỗ dựa vững chắc cho phật tử và nhân dân, báo chí đã gắn kết những con người có cùng chí hướng chấn hưng Phật giáo ở trên thế giới nói chung và ở ba miền Việt Nam nói riêng, làm cho tình người xích lại gần nhau hơn, để cùng thực hiện nghĩa vụ cao cả “một cây làm chẳng nên non, ba cây chụm lại nên hòn núi cao.

Tác giả: Thích nữ Hạnh Hiển
Học viên Ths Khóa V, Học viện PGVN tại Tp.HCM

***

Chú thích:
[1]  Mai Thọ Truyền (2007), Phật giáo Việt Nam, Nxb, Tôn giáo, Hà Nội, tr.20.
[2]  Hội Nam Kỳ nghiên cứu Phật học (1932), “Mục đích của Từ Bi Âm”, Từ Bi Âm, số 1: 6
[3]  Lê Mạnh Thát (2000), Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb Văn học HN, tr.833-834
[4]  Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam, Luận án tiến sĩ sử học, tr.108.
[5]  Ninh Thị Sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc kỳ trường hợp hội Phật giáo, Nxb Đại học quốc gia HN, tr.303
[6]  https://giacngo.vn/tu-bi-am-dien-dan-dau-tien-cua-ni-gioi-trong-hoat-dong-hoang-phap-post737.html xem ngày 1/3 2023.
[7]  Dương Thanh Mừng (2017), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Trung Việt Nam (1932-1951), Luận án tiến sĩ sử học.
[8]  Thích Phước Đạt-Thích Hạnh Tuệ- Thích nữ Thanh Quế-Đinh Văn Viên (2022), Lịch sử Phật giáo Việt Nam, Nxb, Đại học Quốc gia Hà Nội, tr.262.
[9]  Ninh thị sinh (2020), Phong trào chấn hưng Phật giáo ở Bắc Kỳ trường hợp hội Phật giáo, Nxb, Đại học Quốc gia, Hà Nội, tr.309.

GÓP PHẦN LAN TỎA GIÁ TRỊ ĐẠO PHẬT


Ủng hộ Tạp chí Nghiên cứu Phật học không chỉ là đóng góp vào việc duy trì sự tồn tại của Tạp chí mà còn giúp cho việc gìn giữ, phát huy, lưu truyền và lan tỏa những giá trị nhân văn, nhân bản cao đẹp của đạo Phật.
Mã QR Tạp Chí NCPH

TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

SỐ TÀI KHOẢN: 1231 301 710

NGÂN HÀNG: TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV)

Để lại bình luận

Bạn cũng có thể thích

Logo Tap Chi Ncph 20.7.2023 Trang

TÒA SOẠN VÀ TRỊ SỰ

Phòng 218 chùa Quán Sứ – Số 73 phố Quán Sứ, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Điện thoại: 024 6684 66880914 335 013

Email: tapchincph@gmail.com

ĐẠI DIỆN PHÍA NAM

Phòng số 7 dãy Tây Nam – Thiền viện Quảng Đức, Số 294 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Quận 3, Tp.HCM.

GIẤY PHÉP XUẤT BẢN: SỐ 298/GP-BTTTT NGÀY 13/06/2022

Tạp chí Nghiên cứu Phật học (bản in): Mã số ISSN: 2734-9187
Tạp chí Nghiên cứu Phật học (điện tử): Mã số ISSN: 2734-9195

THÔNG TIN TÒA SOẠN

HỘI ĐỒNG BIÊN TẬP

Gs.Ts. Nguyễn Hùng Hậu

PGs.Ts. Nguyễn Hồng Dương

PGs.Ts. Nguyễn Đức Diện

Hòa thượng TS Thích Thanh Nhiễu

Hòa thượng TS Thích Thanh Điện

Thượng tọa TS Thích Đức Thiện

TỔNG BIÊN TẬP

Hòa thượng TS Thích Gia Quang

PHÓ TỔNG BIÊN TẬP

Thượng tọa Thích Tiến Đạt

TRƯỞNG BAN BIÊN TẬP

Cư sĩ Giới Minh

Quý vị đặt mua Tạp chí Nghiên cứu Phật học vui lòng liên hệ Tòa soạn, giá 180.000đ/1 bộ. Bạn đọc ở Hà Nội xin mời đến mua tại Tòa soạn, bạn đọc ở khu vực khác vui lòng liên hệ với chúng tôi qua số: 024 6684 6688 | 0914 335 013 để biết thêm chi tiết về cước phí Bưu điện.

Tài khoản: TẠP CHÍ NGHIÊN CỨU PHẬT HỌC

Số tài khoản: 1231301710

Ngân hàng TMCP Đầu tư & Phát triển Việt Nam (BIDV), chi nhánh Quang Trung – Hà Nội

Phương danh cúng dường