Tóm tắt
Nhiều năm qua, chủ đề chấn hưng Phật giáo Việt Nam ở Nam kỳ thế kỷ XX luôn là đề tài thu hút và là đối tượng nghiên cứu của nhiều nhà nghiên cứu, đã góp phần làm nổi bật vai trò và đặc điểm của Phật giáo lúc bấy giờ, là đòn bẩy cho sự phát triển của Phật giáo Việt Nam vào thế kỷ XX. Với chủ đề Hội thảo “Giáo hội Phật giáo Việt Nam: 40 năm hội nhập và phát triển cùng đất nước”, thì không thể không nhắc đến phong trào chấn hưng Phật giáo ở Nam kỳ do Hòa thượng Khánh Hòa khởi xướng và đã trở thành phong trào sôi nổi lan tỏa, ảnh hưởng tới miền Trung kỳ và Bắc kỳ. Vậy những yếu tố tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa trong phong trào sẽ được trình bày trong bài viết dưới đây.
Từ khóa: Phong trào chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa, Phật giáo Việt Nam, yếu tố tích cực, Phật giáo Nam Kỳ, Phật giáo Trung Kỳ, Phật giáo Bắc kỳ…
MỞ ĐỀ
Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và sứ mạng “đồng hành” cùng dân tộc cũng bắt đầu từ đó. Chính vì vậy mà sự thịnh suy của đất nước cũng là những nốt “thăng trầm” của Phật giáo. Từ khi du nhập cho đến thời kỳ cực thịnh là Đinh, Lê, Lý,Trần và kể từ đó đạo Phật bắt đầu suy yếu mà đỉnh điểm là vào giữa thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, khi mà bọn thực dân Pháp bắt đầu nổ tiếng súng đầu tiên tại Đà Nẵng chính thức xâm lược nước ta năm 1858.
Với các chính sách cai trị thâm độc của Pháp, Việt Nam dần rơi vào bi cực và Phật giáo đã suy thoái càng suy thoái hơn. Trước tình hình như vậy, nhiệm vụ của dân tộc là đứng dậy đấu tranh giành lại sự độc lập, còn riêng Phật giáo thì phải chấn hưng để phục hoạt lại những giá trị cao đẹp mà bản chất Phật giáo vốn có. Và người đi đầu trong công cuộc chấn hưng này không ai khác chính là Hòa thượng Khánh Hòa.
Phong trào chấn hưng đã đạt được những thành tựu to lớn cho Phật giáo Nam kỳ và có sức ảnh hưởng rộng lớn trên cả nước, điều đó chứng tỏ đường lối và chủ trương của Hòa thượng Khánh Hòa là vô cùng đúng đắn và phù hợp trong bối cảnh hiện tại của đất nước để tạo ra những thành quả tốt đẹp như vậy. Để qua đó tạo ra một sức mạnh lan tỏa cực mạnh ra khắp cả nước, tạo ra một làn sóng phục hưng Phật giáo mãnh liệt, qua đó thành quả và hương thơm của nó vẫn còn lan tỏa cho đến ngày nay.
Nhận thấy được tầm quan trọng và giá trị cao cả của phong trào chấn hưng trong một giai đoạn khủng hoảng tối tăm của Phật giáo, qua những chủ trương, lãnh đạo sáng suốt của Hòa thượng Khánh Hòa đã lèo lái con tàu chính pháp dần trở về đường ray Lộc Uyển, để một lần nữa ôn lại những trang sử hào hùng và làm sáng tỏ những chủ trương của Hòa thượng cùng các đạo hữu đã đề ra trong phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn này.
NỘI DUNG
Bối cảnh xã hội
Khi đất nước ta bị Thực dân Pháp đô hộ năm 1858 với tiếng súng đầu tiên tại Đà Nẵng, với chế độ phong kiến và thực dân áp bức “một cổ hai tròng” dân chúng lâm vào cuộc sống ngày càng khốn khó. Một giai đoạn mà có quá nhiều sự biến động từ chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa và cả tư tưởng khi mà thực dân đô hộ nước ta kéo theo một nền văn hóa mới, một tôn giáo mới nếu không nói đó là tư tưởng văn hóa của một kẻ xâm lược.
Mượn danh nghĩa của một mẫu quốc đi khai hóa, nhưng kỳ thực là bọn chúng đang đi xâm lược và để thực hiện ý đồ đó bọn chúng đã dùng nhiều chính sách thủ đoạn để làm cho suy yếu một quốc gia như chia để trị, làm cho dân chúng bạc nhược yếu hèn như cho mở sòng bạc, bán thuốc phiện, phá bỏ cả một nền văn hóa lâu đời của dân tộc bằng cách bỏ chữ Hán dạy lại chữ mới, đập tan một niềm tin lâu đời của dân tộc bằng cách nhồi sọ bằng một niềm tin khác... chung quy cũng chỉ là biến một quốc gia thành cái máy tạo ra tài sản cho họ, cuộc sống nông dân đã khổ lại càng khổ thêm.
Bối cảnh Phật giáo
Phật giáo Việt Nam bắt đầu thoái trào sau thời đại Lý – Trần (thế kỷ X-XIV). Qua các triều đại Hồ, Lê Sơ thì các nhà sư lui về ở ẩn, bên cạnh đó Nho giáo trở nên cực thịnh và chiếm địa vị độc tôn trong xã hội, tình hình này kéo dài cho đến cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Chính thực trạng suy yếu của Phật giáo trong suốt năm thế kỷ này (từ thế kỷ XV-XIX) theo quy luật vận động của lịch sử, Phật giáo muốn tồn tại và phát triển thì cần phải cải cách, đổi mới, chấn hưng, bởi đây là một yêu cầu bức xúc và bức thiết.
Từ cuối thế kỷ XIX đến đầu thế kỷ XX, các vị trí thức Nho học Việt Nam chịu ảnh hưởng tư tưởng của phương Tây, rồi những phong trào cách mạng như phong trào Đông Du do Phan Bội Châu lãnh đạo, phong trào Duy Tân do Phan Chu Trinh khởi xướng rồi công cuộc cải cách giáo dục hồi đầu thế kỷ này qua hệ thống nhà trường tân học là những tiền đề ít nhiều đã tác động để dẫn đến phong trào chấn hưng Phật giáo của nước nhà.
Chủ trương về công cuộc chấn hưng Phật giáo.
Trong bối cảnh như vậy, Phật giáo đang trong giai đoạn suy kiệt không còn một chỗ đứng vững vàng trong xã hội, mà nguyên nhân chính yếu không phải là từ bên ngoài mà do tự bản thân nội tại của Phật giáo. Thiết nghĩ, đây là việc làm chính đáng nêu lên một tấm lòng thiết tha chấn hưng đạo Phật của Hòa thượng Khánh Hòa, vì Hòa thượng nhận thấy rõ ràng tình trạng đã xảy ra trước mắt: “Không đọc được kinh Phật, nên tín đồ không hiểu giáo lý Phật là gì. Bắt đầu từ đó họ xa dần đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu suy đồi. Cho đến tín đồ mà không hiểu đạo Phật là gì, ai là người khai sáng đạo Phật, giáo lý đạo Phật ra sao. Đến nỗi cả toàn quốc không có một trường học”[1]. Trong cuộc hành trình lặn lội ngược xuôi phong trào chấn hưng Phật giáo của mình, Ngài đã đi theo đường lối ôn hòa theo tinh thần từ bi và trí tuệ, với một nhiệt tâm cao cả: “Ông đã du hành khắp Tổ đình Nam kỳ để gây ý thức chấn hưng và kêu gọi sự hợp tác của các bậc tôn túc. Ông liên kết được một số các vị cao tăng đồng chí, trong số đó có Huệ Quang, Pháp Hải, Khánh Anh những người đã hoạt động chặt chẽ với ông trong suốt thời gian hoạt động của ông sau này”[2]. Với nhiều chủ trương và hoạt động khác nhau, Hòa thượng Khánh Hòa đã đưa ra ba chủ trương chính đó là:
- Chỉnh đốn tăng già, lập hội Phật giáo.
- Kiến lập Phật học đường.
- Thỉnh Đại tạng kinh, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ[3].
Trong Tự trần của Hòa thượng Khánh Hòa đã nói rằng: “Như muốn truyền bá tư tưởng thì các nhà học Phật nên hiệp tác với nhau, chung cùng tư phủ cắt nhà thư-xã thỉnh ba tạng kinh đồng tâm nghiên cứu, rồi diễn dịch ra chữ quốc ngữ, phổ thông trong thiên hạ khiến cho mỗi người xem đọc đều hiểu được pháp luật nhà đạo, ai làm trái thì chừa, ai làm phải thì theo. Kẻ giả đồ kia cải nghiệp thì Phật pháp mới chuyển tăng hưng vượng. Còn một bên thì lập trường Phật học, cho học sinh tân nghiệp luôn luôn. Học cho thông Ngũ giáo tam thừa, rồi ra trách nhậm trụ trì, cho kiêm toàn phước huệ, hầu diễn dương diệu pháp, thì mới trông mong Tăng giới được tinh tấn”[4].
Giả sử muốn truyền bá tư tưởng Phật giáo, cứ như hai phương diện trên đây thì mới thấy hoàn toàn kết liễu, bằng như phúc hủy ngoài cái phạm vi ấy thì không bao giờ kiến hiệu nổi.
Chỉnh đốn tăng già, lập hội Phật giáo
Bài “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?” của cư sĩ Khánh Vân viết trong số 18 tạp chí Duy Tâm (Nam kỳ) cho rằng: nhân hư, pháp bất hư, đạo Phật suy đồi vì thầy chùa không hiểu đạo Phật hoặc khinh thường giới luật: “có kẻ mượn Phật làm danh, cũng ngày đêm hai buổi công phu, thọ trì, sóc vọng, cũng sám hối như ai, nhưng thủ dị cầu kỳ, học thêm bùa ngải, luyện roi thần, làm bạn với thiên linh cái, đồng nhi, khi ông lên lúc bà xuống, ngáp ngắn ngáp dài như phù niệm chú, gọi là cứu nhân độ thế, nhưng thật là lợi dụng lòng mê muội của thiện nam tín nữ, mở rộng túi tham vơ vét cho sạch sành sanh. Than ôi! Họ phải ma vương sao mà làm trò cười cho ngoại đạo? Vậy mà cũng lên mặt trụ trì! Hiện trạng như thế bảo sao chẳng suy đồi, làm tấm bia cho các nhà duy vật mỉa mai?”[5].
Thanh Quang, trong báo Đuốc Tuệ số 178 (Bắc kỳ) kể ba khuyết đểm của Tăng đồ về văn hóa, giáo dục và đoàn thể, đã viết: “Đau đớn thay! Xứ ta, những hạng người xuất gia vào chùa phần nhiều chỉ học đặng vài bộ kinh, lo luyện hơi cho hay, tập nhịp tán cho già, nay lãnh đám này mai lãnh đám khác; cũng tràng hạt , cũng cà sa, thử lật mặt trái của họ mà xem thì có khác nào người trần tục?”[6].
Qua đó, chúng ta thấy rằng ngoài nguyên nhân tác động từ bên ngoài bên cạnh đó chính nguyên nhân nội tại như tăng đồ thất học, suy vi và rời rạc đã làm cho Phật giáo đã suy vi lại suy vi thêm và đó cúng là ưu tư, trăn trở của Hòa thượng Khánh Hòa trước ngôi nhà chính pháp đang bị cuồng phong vùi dập: “Phật pháp suy đồi, Tăng đồ thất học và không đoàn kết”[7] và Ngài đã viết trong tờ “Pháp Âm” như sau: “Đạo Phật ở Nam kỳ ta hiện thời, trong thì Tăng đồ thất học, làm sai pháp luật, ngoài thì tín đồ không hiểu đạo, mê tín dị đoan, bây giờ mình hiệp nhau lập thư viện, thỉnh Tam tạng kinh, một mặt lo nghiên cứu và phiên dịch để xuất bản, hoặc tòng thơ, hoặc tạp chí để lưu thông trong thiên hạ, khiến mọi người thông hiểu được cái đạo lý của đạo, mới mong trực tuyệt những điều mê tín kia. Một mặt thì ra sức giáo hóa cho tăng đồ có tư cách, phòng gánh vác phật sự sau này, có học mới biết đường mà tu, không thì họ cứ mượn chùa làm nhà riêng của mình, kẻ trước vậy, kẻ sau vậy, chắc đạo Phật phải tiêu ma, nên phải tính lập trường học để đào tạo nhân tài, ấy là cái trọng trách của người xuất gia vậy”[8]. Bởi theo Hòa thượng Khánh Hòa miêu tả thì do “không đọc được kinh Phật, nên tín đồ không hiểu giáo lý Phật là gì. Bắt đầu họ xa dần đạo Phật. Đạo Phật bắt đầu suy đồi”[9]. Đào tạo tăng tài tức là chú trọng đến vấn đề con người. Con người ở đây là hàng ngũ Tăng bảo, đối tượng giữ vai trò hàng đầu, trực tiếp đến sự tồn vong của đạo pháp. Theo Hòa thượng Thiện Minh: “Tăng bảo là hiện thân cụ thể cho tinh thần vô thượng đạo của Phật. Tăng bảo còn, Phật giáo còn; Tăng bảo bị suy đốn thì Phật giáo bại vong. Đó là một sự hiển nhiên mà lịch sử đã chứng minh một cách rõ ràng. Vì vậy, nơi nào có những hàng Tăng bảo có thực tài, thực đức thì nơi ấy Phật giáo được tồn tại một cách xứng đáng với danh nghĩa của nó”[10]. Vì tăng, ni là người nối truyền mạng mạch của Như Lai, mà không biết gì Phật pháp thì lấy gì hạ hóa chúng sinh? Nên học Phật là việc làm thiết thực của người Tăng sĩ nếu không hậu quả sẽ như sau: “Chư tăng hầu hết chỉ lo đi cúng đám làm nghề sinh nhai. Đến đổi ông tăng không khác gì người tục. Đạo Phật bây giờ bị người chê là yếm thế, tiêu cực hay nhu nhược. Ông tăng không có giá trị gì cả”[11]. Nhà sư Thiện Chiếu cũng đã nhận xét: “Phật giáo nước ta suy đồi do nơi Tăng đồ thất học, Tăng đồ ví cũng như nguyên khí, nguyên khí suy mòn tất nhiên sinh nhiều quái chứng; muốn khỏi biến sinh quái chứng và thân thể được bình phục như xưa thì phải bồi thực nguyên khí. Vậy muốn Phật pháp trùng hưng thì ai là Tăng đồ hoặc tín đồ nữa cần phải nghiên cứu Phật học”[12].
Tiếp đến năm 1930, thành lập Liên đoàn Phật học xã, theo kiểu trường lưu động sau 3 khóa thì tan rã bởi thiếu tài chính. Năm 1934, Ngài tiếp tục vận động thành lập Hội Lưỡng Xuyên Phật học tại Trà Vinh, năm sau Hội cho xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai văn tự: Quốc ngữ và chữ Hán. Năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Phật học đường Lưỡng Xuyên cho xuất bản tạp chí Duy Tâm. Cụ thể: “Năm 1934, Lưỡng Xuyên mở lớp Cao đẳng có 10 học Tăng theo học như: thầy Đồng Huy, thầy Quảng Liên, thầy Huyền Quang,... cụ tổng lý Huệ Quang viết thư mời chư Thượng tọa, pháp sư ở Huế vô sống trọn năm tại Lưỡng Xuyên để dạy học gồm quý ngài: Mật Thể, Như Ý, Nhựt Liên,...”[13]. Chương trình đào tạo Tăng tài của Hội Lưỡng Xuyên Phật học (1934) giai đoạn này được xây dựng dựa theo chương trình giáo dục của Hội An Nam Phật học Huế (1932). Sự ra đời của Nam Kỳ Nghiên cứu Phật học hội đã làm tiền đề để Tổng Hội Phật giáo ra đời. Còn sự thành lập của Thích Phật Học Đường là tiếng chuông báo hiệu cho các Phật học đường khác được thành lập như: Liên Đoàn Phật học xã (1933); Phật Học đường Lưỡng Xuyên (1934),....
Bên cạnh đó, Hội Lưỡng Xuyên Phật học đã cử hai hội viên là Nguyễn Văn Thọ và Nguyễn Văn Trọng ra Huế học tập cách thức tổ chức và hoạt động của Hội An Nam Phật học, và đã chọn hai vị tăng ưu tú là Thích Thiện Hòa và Thích Hiển Không ra Huế theo học tại Phật học viện Tây Thiên. Năm 1937, hội lại tiếp tục gửi các học viên tăng ưu tú của trường ra Huế theo học. Năm 1939, do sức khỏe yếu Ngài đã lui về chùa Vĩnh Bửu-Bến Tre, để tịnh dưỡng chuyên tu. Tại đây, Ngài đã cho mở Ni trường Phật học (Ni trường Vĩnh Bửu) để chuyên chú cho Ni giới. Đến năm 1945, Hội Lưỡng Xuyên Phật học và Thích học đường phải tạm ngưng rồi đóng cửa vĩnh viễn vì chiến tranh chống Pháp giải phóng dân tộc.
Song song với việc thành lập các hội để chấn chỉnh hàng ngũ tăng già thì Hòa thượng Khánh Hòa còn đi giảng kinh, thuyết pháp tại các trường hạ để truyền trao kiến thức Phật học cho môn đồ và gieo hạt giống Phật vào trong lòng mọi người. Năm 1904 giảng kinh Kim Cang Chư Gia tại chùa Long Hoa-Gò Vấp; năm 1926 Ngài được thỉnh giảng tại trường hạ Long Phước-Trà Vinh và năm 1927 giảng tại trường hạ Long Khánh-Bình Định và mở các lớp học Phật pháp lưu động cho chư tăng và ni trường Vĩnh Bửu.
Kiến lập Phật học đường
Để đẩy mạnh việc truyền bá Phật pháp, tạo điều kiện cho các tăng, ni học hỏi nghiên cứu và diễn dịch, năm 1931 Hòa thượng Khánh Hòa cùng các vị Tôn túc và các cư sĩ học giả thành lập hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học tại chùa Linh Sơn-Sài Gòn và mục đích lớn nhất của việc thành lập hội mà Ngài hướng đến không ngoài việc là: “Lo sự sùng thượng Phật giáo tại chùa Linh Sơn. Lo sự tu bổ và hành động của ngôi tháp Bảo Phương, ngôi Duyệt Kinh thất và mua kinh sách bằng chữ Lang sa và chữ Hán trữ trong Pháp Bảo Phương. Lo sự dịch ra chữ Quốc âm những kinh sách chữ Hán,...đặng cho người bổn quốc đặng tường giáo lí. Lo lập tại chùa ấy một ngôi Thích học đường để dạy tăng đồ học đạo và lo tu bổ cách hành động ấy”[14]. Với chủ trương thỉnh kinh sách, dịch kinh từ chữ Hán sang chữ Quốc ngữ, in ấn kinh sách gặp nhiều khó khăn về tài chánh, Ngài đã quyên góp, kêu gọi hàng cư sĩ Phật tử đóng góp. Bên cạnh đó, không có thư viện để lưu trữ Tam tạng kinh Ngài cùng bổn đạo đã dùng ngôi chánh điện tại chùa Tuyên Linh để làm Pháp Bảo Phương. Hiện nay, Tam tạng kinh và Pháp Bảo Phương vẫn còn tại chùa Linh Sơn-Sài Gòn. Việc xây dựng Thích học đường trải qua bao khó khăn từ tài chính đến bất đồng quan điểm của từng người tham gia góp công, góp sức, cuối cùng việc xây dựng Thích học đường phải dừng lại. Bỏ lại phía sau bao hoài bão, công lao, tâm huyết bấy lâu nay Hòa thượng đã trăn trở.
Thỉnh Đại tạng kinh, diễn dịch và xuất bản kinh sách Việt ngữ.
Nhằm khắc phục tình trạng kinh sách bị sai lạc, thất truyền so với chính pháp. Để có Đại tạng kinh chữ Hán để nghiên cứu và dịch sang chữ Quốc ngữ để phát hành rộng rãi, vào năm 1929 Hòa thượng Khánh Hòa cùng sư Thiện Chiếu vận động giới cư sĩ hữu tâm ở Trà Vinh gửi mua cho Thư xã một bộ kinh Tục Tạng gồm 750 tập và tàng trữ nơi Pháp Bảo Phương tại chùa Linh Sơn. Tiếp theo sư Thiện Chiếu còn vận động giới cư sĩ ở Chợ Lớn gởi mua thêm cho Pháp Bảo Phương một bộ Đại tạng kinh vừa mới được ấn hành tại Trung Quốc. Năm 1935, Hội Lưỡng Xuyên Phật học cho xuất bản sách Phật học giáo khoa bằng hai văn tự: Quốc ngữ và chữ Hán. Cùng với các tạp chí bằng chữ Quốc ngữ ra đời như: Viên Âm, Duy Tâm, Pháp Âm, Từ Bi Âm,..., ngoài ra còn có những bản kinh bằng chữ Quốc ngữ như kinh Kim Cang, Pháp Hoa, Lăng Nghiêm ,... và các kinh sách phổ thông về Phật học như: Phật giáo sơ học, Phật giáo vấn đáp, Phật giáo giáo khoa thư,... của hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học xuất bản. Bên cạnh đó, Tạp chí Duy Tâm còn cho đăng các bản kinh được dịch sang Quốc ngữ như: Ưu bà tắc giới, Quán Vô Lượng Thọ Phật,...
Với những ưu tư và tiền đồ của đạo pháp về những chủ trương đã vạch ra trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, Ngài đã nhấn mạnh rằng: “Nếu đạo Phật mà muốn có đủ nhân tài để trước kinh, hoặc dịch luận, mà ngăn đỡ cái chính đạo ở đời mạt pháp này, tưởng ngoài trường học ra thì không tìm đâu được. Vả lại các ông sư mà không hiểu lịch sử đức Phật, không biết pháp luật Phật, cũng bởi cái hại không có trường học mà ra, nên tôi tưởng lo lập Phật học đường là cái cấp vụ của đạo Phật vậy”[15].
Trên chặng đường phục hưng ngôi nhà chính pháp Hòa thượng đã gặp bao phen khó khăn, thất bại và tưởng chừng như nếu không phải là những bậc ý chí kiên cường sắt đá và một tâm vì đạo thì ắt hẳn đã bỏ cuộc từ lâu. Hội Nam kỳ nghiên cứu Phật học có thể nói là một thành công ban đầu mà bao nhiêu năm tâm huyết của Hòa thượng đã dày công gây dựng, nhưng rồi nghịch duyên... Hòa thượng phải bỏ lại tất cả để ra đi, thật không dễ dàng chút nào nếu đây không phải là tâm của một vị Bồ tát. Sự buông bỏ (xả) trong an vui nhẹ nhàng (hỷ) thật chỉ có thể là Bồ tát mà thôi.
Những tư tưởng tiến bộ và tích cực của Hòa thượng Khánh Hòa
- Thành lập hội: Thay vì Ngài hoạt động một cách riêng lẻ và tự phát thì Ngài chọn con đường thành lập hội trước nhất. Nhưng việc thành lập hội của Ngài cũng không phải là gom một nhóm người thân thiết với mình mà thành lập, mà chính Ngài đã vân du khắp các chùa miền Tây Nam kỳ, ra tận Hòn Quéo và đến tận Nam Vang để vận động và tìm kiếm nhân tài để cùng chung tay thực hiện lý tưởng chấn hưng Phật giáo.
Việc thành lập hội cũng là giải quyết bài toán tăng già rời rạc không đoàn kết, bởi lẽ trong bối cảnh đất nước bị phân ly, giáo hội vẫn chưa được thành lập việc gặp gỡ nhau giữa các chùa chỉ qua những ngày kỵ giỗ, bên cạnh đó khi chính trị bất ổn, đường xá ngăn cách thì sự sinh hoạt dường như chỉ gói gọn trong phạm vi của mỗi chùa, từ đó bắt đầu sự phân chia tách biệt, mỗi chùa hoạt động theo một kiểu riêng không còn có thể nào có sự nhất quán và đồng bộ. Qua đó, sự thành lập hội là cơ hội cho sự gắn kết giữa các sơn môn với nhau, tạo điều kiện cho sự giao lưu qua lại, tạo nên mối hài hòa cần thiết để hỗ trợ và giúp đỡ lẫn nhau trong những hoàn cảnh chung nhất định.
Đồng thời tạo nên tiếng nói chung của cả một khối thống nhất và đó chính là tiếng nói của một sức mạnh nhất quán và đồng thuận, xưa nay đoàn kết là sống chia rẽ là chết, chính vì lẽ đó mà việc chủ trương thành lập hội của Hòa thượng được xem là một trong những chủ trương sáng suốt nhất.
- Mở lớp đào tạo tăng tài: Việc đào tạo tăng tài là một trong ba chủ trương cấp thiết cho công cuộc chấn hưng Phật giáo, bởi lẽ tăng tài là rường cột của Phật pháp, là thạch trụ Tùng lâm chống đỡ ngôi nhà chính pháp, là con thuyền tốt để đưa Phật pháp vào đời và đưa chúng sinh qua bờ giải thoát. Chính vì lẽ đó, việc mở lớp đào tạo tăng tài được xem như là một chiến lược lâu dài và mang tính dài hạn mà Hòa thượng đã thấu được.
Việc mở lớp cũng là tầm nhìn về tính vi mô của nó, thay vì chỉ dạy dỗ nhỏ lẻ thì ở đây Hòa thượng đã có cái nhìn rộng lớn và lâu dài, đồng thời qua đó kêu gọi tinh thần học Phật và phổ biến Phật học một cách dễ dàng và rộng rãi.
Việc mở lớp cũng là đồng bộ, thống nhất một tư tưởng mà qua đó có thể dung hòa mọi tư tưởng Phật giáo, phá tan những rào cản giữa các tông phái và pháp môn để từ đó giữa các những nhà truyền đạo mà ở đây là tăng, ni không bị những định kiến, phiến diện của mình mà dẫn đến những chủ trương sai lệch, từ những định kiến sai đó dẫn đến sự chia rẽ trong tăng đoàn mà không phải đến đời chúng ta mới có, mà ngay cả trong thời Phật đã có và sau Phật là sự phân chia bộ phái không thể cùng ngồi chung bàn pháp luận.
Thống nhất tư tưởng chính là thống nhất chung một ý chí, để từ đó tạo ra một sức mạnh đại đoàn kết, qua đó có thể cùng đồng bộ làm và không làm một chủ trương nào đó được đề xuất bởi một ý kiến chung, trong bối cảnh này là trừ bỏ những hủ tục và mê tín, truyền bá giáo pháp Phật theo con đường chánh tín và trí tuệ.
- Có tầm nhìn về Ni giới: Trong quá trình phục hưng Phật giáo chúng ta thấy rất rõ cái nhìn đặc biệt của Ngài về Ni giới, khi trường Lưỡng Xuyên Phật học được bắt đầu đi vào hoạt động thì đã có sự thu nhận ni theo học và cho đến cuối đời khi Ngài trở về để tịnh dưỡng tuổi già, Ngài đã làm một việc cuối cùng là tạo ra Ni viện Vĩnh Bửu chuyên cho ni để tu học.
Có thể thấy thâm ý sâu xa của Ngài về cái nhìn toàn cục của Phật giáo thời bấy giờ, một là chẳng những tăng mà ni cũng là người có thể thực hiện xứ mạng phục hưng chính pháp đem đạo mầu truyền khắp nơi nơi. Trên con đường phát triển của Phật giáo không thể chỉ có tăng mà phải có ni nữa, và sự thật qua nhiều khía cạnh có những việc tăng không làm tốt mà chính ni giới mới là người hoàn thành chu đáo được. Thứ hai qua việc ni xuất hiện qua những việc làm của Hòa thượng ta cũng có thể thấy rằng bức tranh lụi tàn chung của cả Phật giáo mà trong đó Ni cũng chịu chung một số phận và cũng có thể khẳng định chẳng những tăng mà cả ni cũng chịu cảnh thất học kéo dài từ trước chứ chẳng phải mới vài ba chục năm.
Bên cạnh đó việc cho ni tham gia học đã mở toang cánh cửa mà bấy lâu nay luôn khắt khe và giới hạn cho Ni giới, qua đó thấy được cái tâm của Ngài và tầm nhìn rộng mở như thế nào trong một bối cảnh như vậy.
- Diễn dịch Kinh ra chữ Quốc ngữ: Cho đến ngày hôm nay mà chữ âm Hán vẫn còn đang ngự trị ở một vị trí chưa thể thay thế, thì trong bối cảnh đó mà Ngài đã chủ trương Việt hóa kinh điển có thể nói là một việc làm táo bạo mà cho đến ngày nay chủ trương đó vẫn còn chưa làm xong.
Ngày nay, khi mọi thứ đã văn minh, tự do, tiến bộ lên một tầm cao mới, nhận thức con người được mở mang, tri thức nhân loại đang được giao lưu mang tính toàn cầu, ấy vậy mà việc thay đổi chữ âm Hán ra chữ Việt còn nhiều trắc trở và đôi khi chưa được đón nhận thì trong bối cảnh đó mà Ngài lại chủ xướng và làm được thì thật đáng khâm phục biết bao.
Việc dịch kinh ra chữ Quốc ngữ cũng có thể thấy được rằng tùng lâm thạch trụ vẫn còn và hơn hết là tầm nhìn xa của các bậc thạch trụ tùng lâm mà trong đó Hòa thượng Khánh Hòa là người chủ đạo. Việc Việt hóa sẽ là phương tiện truyền tải giáo pháp dễ dàng và mau chóng.
Ngôn ngữ là một cơ quan chính yếu để truyền tải nội dung để người nghe dễ dàng tiếp thu và đón nhận, mà ngay thời Phật - Ngài cũng đã chủ trương rằng đến vùng nào thì dùng ngôn ngữ vùng đó để cho việc truyền tải giáo lý dễ dàng và người nghe dễ hiểu.
- Xuất bản tạp chí: Đây được xem như là một sự tiến bộ vượt bậc trong tư tưởng, bắt kịp xu hướng thời đại và biến nó thành công cụ hữu hiệu để truyền bá Phật pháp. Việc xuất bản tạp chí làm cho sự lan truyền nhanh hơn và mang tính phổ quát rộng rãi hơn, làm cho các thành phần trong xã hội nhất là thành phần tri thức có cơ hội được tiếp xúc với Phật giáo. Bên cạnh đó, sự phổ biến rộng rãi làm cho các tầng lớp bình dân các thành phần không có nhiều cơ hội đến với các đạo tràng có cơ hội học Phật, trau dồi tri thức và đón nhận các tin tức Phật giáo hiện hành.
Khi xuất bản báo chí sự trở ngại về địa lý bị loại bỏ, các tư tưởng xưa nay bị hoài nghi và tranh cãi được giải bày sáng tỏ, qua đó làm cho người học Phật được đón nhận lời dạy của Phật thêm tin sâu và tín tâm kiên cố. Chính vì lợi ích như vậy, báo chí đã trở thành vũ khí siêu lợi hại trong phong trào chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn này.
Thỉnh các vị giáo thọ giỏi để giảng dạy: Việc giao lưu giữa các thầy ở những vùng khác nhau là mở ra một cánh cửa để giao lưu văn hóa và tri thức, xóa bỏ khoảng cách vùng miền và định kiến tư tưởng. Đây là cơ hội cho các tăng sĩ được học hỏi với nhau, bởi lẽ trong bối cảnh suy yếu của Phật pháp để có thể tìm được các bậc thực học chuyên tu kiến thức uyên thâm thì thật không dễ, chính vì lẽ đó mà chủ trương của Hòa thượng đã trở thành bàn đạp để đẩy mạnh công tác giáo dục lên một bước mới.
- Gửi các vị tăng cho đi học nơi khác: Bên cạnh thỉnh mời các giáo thọ uyên thâm Phật học để giảng dạy thì bên cạnh đó việc gửi các học tăng đi học có thể xem như là một chiến lược dài hạn mà việc làm đó cho đến ngày nay chúng ta vẫn chưa làm được một cách có hệ thống và tổ chức. Có thể khẳng định vai trò và trách nhiệm có một tác động lớn như thế nào, khi tâm huyết của những người lãnh đạo đặt đúng chỗ, kết quả là những bậc anh tài lỗi lạc được sản sinh cho đến ngày hôm nay, các bậc long tượng đó vẫn còn giữ nguyên vai trò và giá trị của những bậc thạch trụ chống đỡ ngôi nhà Phật pháp. Cho đi học nơi khác còn là một hình thức học hỏi cái mới để mình có thể nhìn lại mình và hoàn thiện cái hạn chế của mình, được thể hiện qua từng hành động, tư tưởng tiến bộ hơn và chuẩn bị cho những kế hoạch cho ngành giáo dục sau này.
Nhận định
Trong hoàn cảnh vô cùng khó khăn trong công cuộc chấn hưng Phật giáo, Hòa thượng Khánh Hòa cùng các tăng, ni vẫn kiên nhẫn, cương quyết không thối chí, sẵn sàng hy sinh cả thân mạng cũng như tài sản, góp phần cho công cuộc chấn hưng được thành tựu viên mãn. Ngài xứng đáng là tấm gương sáng chói cho các thế hệ đi sau làm bài học kinh nghiệm cho thế hệ tương lai:
- Ý chí kiên cường dù trải qua bao lần thất bại cũng không từ bỏ, bình tâm nhẫn nại.
- Với tâm nguyện xây dựng lại ngôi nhà chính pháp đang dần sụp đổ trước những bão tố mà không màng đến khó nhọc, danh lợi, tài sản, hy sinh cả cuộc đời tận tụy vì đạo pháp.
- Thân già yếu bệnh nhưng chí hướng không già, lúc nào cũng tỏ ra hăng hái trước mọi công việc, không chán nản với phật sự.
Từ bi của đạo Phật là không bờ bến, không phân chia giai cấp chủng tộc không vì sự thâm độc của bọn cai trị mà sinh ra hận thù bởi lẽ dưới nhãn quan của Phật giáo tất cả chúng sinh đều có phật tính chẳng qua vì vô minh tham chấp dục vọng che mờ mà gây ra các điều tội lỗi. Chính vì lẽ đó mà trong tâm tưởng của Hòa thượng khi làm công việc chấn hưng không vì sự được mất thắng thua mà làm niềm vui, không vì sự thành công của mình mà khiến người khác phải chịu sự thương tổn. Chính vì lẽ đó mà Ngài đã chủ trương ôn hòa từ bi bất bạo động là vậy.
Triết gia người Đức, Nietzh đã nói: “Phật giáo đã nhận lãnh trách nhiệm đặt các vấn đề một cách khách quan và bình tĩnh... Phật giáo không kích thích người ta làm chiến tranh chống các tôn giáo khác, điều cảm động nhất là ở chỗ giáo lý nhà Phật chống lại tư tưởng phục thù, hằn học, căm ghét”[16].
Việc sống trong một hoàn cảnh cam go sự sống chết chỉ sát nhau tợ lằn tơ mũi chỉ mà Ngài dám đương đầu làm người tiên phong trước các thế lực thù nghịch và giám sát từng hành động cử chỉ thì việc công khai đứng mũi chịu sào thật không mấy ai làm được.
Tuy vào thời điểm ấy dù kết quả chưa được chọn vẹn, nhưng những cống hiến tài lực trong việc chấn hưng Phật giáo theo đường nối ôn hòa và tránh những bút chiến hay tranh luận của Ngài tất cả những điều đó ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển Phật giáo Việt Nam vào giữa thế kỷ XX, tinh thần chấn hưng không chỉ củng cố các hoạt động của tăng, ni mà còn hun đúc kết nối với phong trào yêu nước sôi nổi lúc bấy giờ và đóng góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc, góp phần tác động tích cực cùng đấu tranh giành lại chủ quyền, thoát khỏi ách nô lệ của thực dân Pháp.
Nhìn lại quá trình gần 30 năm cống hiến trí tuệ và công sức cho công cuộc chấn hưng Phật giáo nước nhà, Hòa thượng Khánh Hòa đã trở thành vị tổ có công đầu đối với đạo pháp và dân tộc. Ngài đã cùng một số tăng sĩ, phật tử đưa Phật giáo nhà vươn lên tầm cao mới, thực hiện cuộc chấn hưng mang tính toàn diện trên 3 lĩnh vực then chốt: Giáo lý, giáo chế và giáo sản. Với tấm lòng yêu nước và đạo pháp thiết tha, Ngài đáp trả bằng hành động cụ thể, thiết thực, mang tính ôn hòa, nhưng có chiều sâu và đạt được nhiều thành tựu, tạo sức bật cho tăng, ni, phật tử Việt Nam ngày càng tỏ rõ thực lực của mình, là một lực lượng có vai trò quan trọng trong xã hội[17].
KẾT LUẬN
Đã hơn 80 năm trôi qua, nhìn lại những thành tựu mà Hòa thượng Khánh Hòa đã tạo dựng được cho phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam nói chung và hoạt động đào tạo tăng tài nói riêng, chúng ta càng thấm thía về những giá trị và những đóng góp to lớn của Ngài. Đó là tấm gương sáng ngời trong đạo pháp giúp cho thế hệ mới những người con Phật ngày nay đang thừa hưởng, ngõ hầu bước “theo dấu chân xưa”, phát huy tinh thần tích cực chấn hưng Phật giáo trong giai đoạn bùng nổ thông tin, nhằm góp phần giữ được bản sắc văn hóa dân tộc.
Hoạt động của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam đã thực sự đem lại sinh khí cho đạo Phật Việt Nam, có những đóng góp vô cùng quan trọng cho việc xây dựng nền giáo dục Phật giáo Việt Nam và đã trở thành nền tảng tiếp nối các cơ sở đào tạo tăng, ni trên cả nước bước vào những năm tháng sau này. Với bản chất của đạo Phật “hòa nhập nhưng không hòa tan”, hàng tăng, ni trẻ kế thừa những công lao, thành quả của chư bậc tiền bối làm cho Phật pháp xương minh, ý thức được trách nhiệm và bổn phận của mình để tiếp nối và suy trì ngọn đèn chính pháp.
Thích Nữ Huệ Đàm - Học viên Thạc sĩ Khóa III, Học viện PGVN tại Tp.HCM
------------------
CHÚ THÍCH:
[1] Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Viện hóa đạo, tr. 26. [2] Nguyễn Lang (2011), Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Nxb.Văn học, tr.784. [3] Chùa Phước Hậu (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị Tổ, Chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long ấn hành, tr.28. [4] Khánh Hòa (1929), “ Tự trần”, Pháp âm, số 1, tr. 17-18. [5] Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy tâm Phật học, số 18, tr. 304. [6] Nguyễn Đại Đồng – TS.Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào chấn hưng Phật giáo, Nxb. Tôn giáo, tr. 554. [7] Nguyễn Quốc Tuấn (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Nxb. Hồng Đức, tr 39. [8] Khánh Hòa (1929), Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội, Pháp âm, số 1, tr.43. [9] Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr.26. [10] Thích Thiện Minh (1956), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành, tr.3. [11] Thích Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, tr.27. [12] Theo Thiện Chiếu “Nước ta ngày nay cần phải chấn hưng Phật giáo” đăng trong Nguyễn Đại Đồng-TS Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ (1929-1938), Nxb Tôn giáo, tr.54. [13] Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng hợp, Tp.Hồ Chí Minh, tr.115. [14] Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), “Điều lệ và Quy tắc”, Tlđd, tr.36. [15] Khánh Hòa 1929, “Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp âm, số 1, tr.45. [16] Trần Văn Giàu, Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, tập 1,Nxb.Khoa học Xã hội, 1973, tr.475. [17] PGS.TS.Trần Hồng Liên, Tổ Khánh Hòa một tấm gương cao đẹp, tr.62.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Thiện Hoa, 50 năm (1920-1970) Chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Việt Nam thống nhất, Viện hóa đạo. 2. Nguyễn Lang (2011) Việt Nam Phật giáo sử luận, tập III, Văn học. 3. Nguyễn Quốc Tuấn (2018), Hòa thượng Khánh Hòa với phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam, Hồng Đức. 4. Khánh Hòa (1929), “Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp âm, số 1. 5. Thích Thiện Minh (1956), Lời giới thiệu thành tích Phật học đường Tổng hội Việt Nam Phật học tại Nha Trang, Phật học đường Tổng hội phát hành. 6. Nguyễn Đại Đồng-TS Nguyễn Thị Minh, Phong trào chấn hưng Phật giáo Tư liệu báo chí Phật giáo Việt Nam từ (1929-1938), Nxb. Tôn giáo. 7. Trí Không (2012), Vĩnh Long Phật giáo sử lược, Nxb.Tổng hợp, Tp. Hồ Chí Minh. 8. Hội Nam kỳ Nghiên cứu Phật học (1932), “Điều lệ và Quy tắc”. 9. Khánh Hòa (1929), “Hành trình Nhật kí đi cổ động cuộc sáng lập Tòng lâm Phật giáo hội”, Pháp âm, số 1. 10. Trần Văn Giàu (1973), Sự phát triển của tư tưởng ở Việt Nam từ thế kỷ XIX đến trước Cách mạng tháng Tám, tập 1, Khoa học Xã hội, 11. Thích Thanh Từ (2008), Thiền sư Việt Nam, Nxb. Tổng hợp thành phố Hồ Chí Minh. 12. Chùa Phước Hậu (1968), Tháp Đa Bảo và tiểu sử năm vị Tổ, Chùa Phước Hậu, Trà Ôn, Vĩnh Long ấn hành. 13. Khánh Hòa (1929), “ Tự trần”, Pháp âm, số 1. 14. Khánh Vân (1937), “Phật giáo ở nước ta vì đâu phải chịu cái hiện trạng suy đồi?”, Duy tâm Phật học, số 18. 15. Nguyễn Đại Đồng – TS.Nguyễn Thị Minh (2010), Phong trào chấn hưng Phật giáo, Nxb. Tôn giáo.
Bình luận (0)