Lễ Hằng thuận là một sợi dây nối kết giữa sự xuất thế và nhập thế của Phật giáo. Giáo dục Phật giáo mang lại sự tỉnh thức, thức tỉnh không chỉ cô dâu chú rể mà còn cho tất cả những ai tham dự và mở lòng đón nhận.
Tác giả: Thích Thiền Hưng Chùa Sùng Đức, tổ 2, khu phố 2, P.An Thới, Tp.Phú Quốc, Kiên Giang
Dẫn nhập
Trong thời đại công nghệ số, con người chìm đắm trong thế giới ảo, số khác bị chi phối bởi dục vọng, nhiều bạn trẻ mất phương hướng, số khác mất niềm tin vào đời sống hôn nhân gia đình, con số thống kê các vụ ly hôn ngày càng tăng, đây là thực trạng đáng quan tâm trong xã hội hiện nay.
Những năm trở lại đây, có những cặp đôi tổ chức lễ Hằng thuận trong chùa, được sự chúc phúc của họ hàng, bạn bè hai bên và sự chứng minh của chư Tăng. Tuy nhiên, lễ Hằng thuận là nghi thức còn khiến nhiều người dân Việt không khỏi bỡ ngỡ vì đa số đều nghĩ vào chùa là tu tập giác ngộ, giải thoát, buông xả tài, sắc, danh, thực, thùy và đặc biệt là sắc dục, nên một nghi thức cưới hỏi tổ chức trong chùa là điều nhiều người không thể tin và hiểu được.
Vậy nghi thức lễ Hằng thuận có ý nghĩa gì, vì sao được tổ chức trong chùa? Để hiểu rõ hơn về nghi thức này, bài viết sẽ tập trung vào các nội dung chính như sau: thứ nhất, khái niệm lễ Hằng thuận; thứ hai, nguồn gốc lễ hằng thuận; thứ ba, nghi thức lễ Hằng thuận và cuối cùng là ý nghĩa và đóng góp của lễ Hằng thuận cho hạnh phúc gia đình.
1. Khái niệm lễ Hằng thuận
Lễ Hằng thuận (恒 順 禮) là một nghi thức kết hôn của cô dâu và chú rể, được tổ chức ở trong chùa hoặc thiền viện dưới sự chứng minh của chư Tăng và họ hàng hai bên. Ngoài ra, lễ Hằng thuận cũng có thể tổ chức tại nhà và thỉnh chư tăng đến chứng minh và làm lễ chúc phúc.
Giải thích về mặt từ nguyên: “Hằng” (恒) là thường xuyên, lâu dài hoặc bền bỉ, biểu hiện tính liên tục[1]. “Thuận” (順) là hòa thuận, đồng thuận hoặc bằng lòng [2]. Như vậy “Hằng thuận” có nghĩa là cùng nhau hướng về những điều tốt đẹp, cao thượng một cách bền bỉ, lâu dài. Khi cô dâu, chú rể đã kết duyên thành chồng vợ thì luôn luôn chung thủy, hướng đến một cuộc sống hạnh phúc gia đình lâu dài cho đến “đầu bạc, răng long”.
Ngoài ra, “Hằng thuận” trong Phật giáo còn có ý nghĩa thuận theo chúng sinh mà làm, thường sống với nhau hòa thuận tương kính, cùng nhau vừa làm tròn trách nhiệm bổn phận của mình, vừa hướng đến đời sống cao thượng trên cơ sở giữ gìn ngũ giới, hành thập thiện và sống theo Bát chính đạo.
2. Nguồn gốc lễ Hằng thuận
Khi còn tại thế, đức Phật đã hướng dẫn cho chàng thanh niên Thiện Sinh về ý nghĩa lễ lạy sáu phương và bổn phận, trách nhiệm của vợ chồng; một dịp khác đức Phật dạy cho Sujàtà con dâu của trưởng giả Cấp Cô Độc về cách trở thành người vợ đúng nghĩa. Ngoài ra, còn nhiều pháp thoại khác dạy về hạnh phúc gia đình cho người cư sĩ tại gia được đề cập trong kinh điển Nikāya. Đây là những nhân duyên đầu tiên để hình thành nghi thức lễ Hằng thuận.
Trong phong trào chấn hưng Phật giáo ở miền Bắc giai đoạn nửa đầu thế kỷ XX, Hội Phật giáo Bắc Kỳ với tư tưởng “nhân gian hóa Phật giáo”, ông Nguyễn Năng Quốc đã đề xuất tổ chức lễ kết hôn cho con em gia đình phật tử ở trong chùa.
Ý tưởng này được ông Nguyễn Trọng Thuật, bút hiệu Đồ Nam Tử trình bày lại thông qua bài viết “Luận đàn lễ kết hôn trước cửa Phật” được đăng trên báo Đuốc Tuệ, số 4 ngày 31/12/1935 và số 5 ngày 7/1/1936. Ông Nguyễn Trọng Thuật (1883 – 1940) quê Hải Dương, vốn là một nhà Nho, sau đó quy y với Phật giáo.
Với tâm nguyện phụng sự đạo pháp, Ông nhận thức được tầm quan trọng của giáo lý Phật giáo với đời sống gia đình cũng như xã hội, Ông cũng nhận ra nếu tổ chức lễ cưới cho các bạn trẻ tại chùa sẽ đem lại lợi ích thiết thực cho đời sống hôn nhân, gia đình của người phật tử.[3]
Tại miền Bắc, gia đình đầu tiên tổ chức lễ Hằng thuận trong chùa là gia đình ông Đào Thiện Luân ở Thái Bình. Ông tổ chức lễ cưới cho con gái Đào Thị Phương Nam và Trần Văn Cư vào ngày 14/9/1937 tại chùa Kỳ Bá, tỉnh Thái Bình.[4]
Tại miền Trung, năm 1940 bác sĩ Tâm Minh – Lê Đình Thám tổ chức lễ cưới cho con gái đầu của ông là Lê Thị Hoành và Hoàng Văn Tâm tại chùa Từ Đàm, thành phố Huế. Đó là những lễ cưới đầu tiên được tổ chức tại chùa trong lịch sử Phật giáo nước ta. Năm 1971, Hòa thượng Thích Thiện Hòa, trụ trì Tổ đình Ấn Quang chính thức đặt tên cho lễ kết hôn tại chùa là “lễ Hằng thuận”.[5]
3. Nghi thức lễ Hằng thuận
Hiện nay, đã có nhiều tài liệu hướng dẫn tổ chức lễ Hằng thuận. Nhưng, mỗi vùng miền có những tập tục hoặc tín ngưỡng khác nhau. Do đó, các chùa có thêm hoặc bớt đi một số mục nhưng nhìn chung các mục chính đều giống nhau, sau đây là thứ tự một chương trình lễ Hằng thuận trong “Nghi thức lễ Hằng thuận”[6]:
- Mời hai họ và phật tử vân tập lên Chính điện
- Tác bạch thỉnh sư
- Dâng hương lễ Tổ
- Cung thỉnh chư Tôn đức đăng lâm Bảo điện
- Nghi thức chính, gồm có:
+ Kệ dâng hoa quả
+ Nguyện hương, đảnh lễ Tam bảo, kệ sái tịnh, chú Đại bi, kệ An lành.
+ Nghi thức truyền Tam quy, Ngũ giới (nếu Tân lang và Tân nương đã Quy y thì bỏ qua)
+ Huấn thị về bổn phận làm vợ, bổn phận làm chồng, bổn phận làm dâu, bổn phận làm rể, bổn phận làm cha mẹ tương lai và ý nghĩa đôi nhẫn cưới.
+ Tân lang và Tân nương đeo nhẫn
+ Tân lang và Tân nương phát nguyện
+ Ký tên và trao Giấy Chứng nhận lễ Hằng Thuận
+ Kệ Chúc phúc
+ Hồi hướng
+ Phục nguyện
+ Ba tự Quy y
- Cảm tạ
- Lễ tạ Tổ sư
Ngoài ra, một số chùa còn có thêm mục tri ân, dâng trà cho ông bà, cha mẹ hai họ, tặng quà và chụp hình lưu niệm.
4. Giáo dục Phật giáo trong lễ Hằng thuận
Trong buổi lễ cô dâu, chú rể sẽ được chư tăng giảng về Tam quy, Ngũ giới, tri ân, báo hiếu, chữ “Nhẫn” và đạo nghĩa vợ chồng thông qua Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt[7] thuộc Nikāya hoặc Kinh Thiện sanh[8] thuộc A-hàm, đây là nội dung và ý nghĩa chính trong buổi lễ. Trong lễ Hằng thuận, vấn đề giáo dục Phật giáo được thể hiện rõ nhất qua 3 mục:
4.1. Kính trọng Tam bảo
Lễ Hằng thuận tạo nhân duyên cho cô dâu, chú rể đến chùa, ngoài ra còn tạo duyên cho ông bà, cha mẹ, họ hàng và bạn bè hai bên đến chùa chứng minh và tham dự buổi lễ.
Nếu vị trí là cha mẹ đề nghị tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa thì người cha, người mẹ đó là người biết kính Phật, trọng Tăng và tạo duyên cho con cháu đến chùa, học Phật, quy y Tam bảo, sống đúng theo chính pháp, đúng với truyền thống gia đình.
Nếu vị trí là cô dâu, chú rể đã Quy y và đề xướng tổ chức lễ Hằng thuận tại chùa thì cô dâu, chú rể đó là người Phật tử chân chính, kính trọng Tam bảo, nghe theo lời Phật dạy, tạo duyên cho cha mẹ và họ hàng đến chùa, lễ Phật gặp chư tăng và có cơ hội tiếp xúc với giáo pháp.
Trong hôn lễ chư Tăng sẽ làm lễ Quy y và hướng dẫn cho cô dâu, chú rể nương tựa vào Phật, giáo Pháp và Tăng đoàn, ngoài ra còn giảng về công đức và trí tuệ của Phật; sự nhiệm mầu và cao quý của giáo pháp; sự thanh tịnh và hòa hợp của chư tăng, những điều quý báo tại thế gian được nhơn thiên cung kính.
Thông qua lễ Hằng thuận chư Tăng hướng dẫn về đời sống gia đình, đời sống tâm linh, không chỉ cho cô dâu chú rể mà trong đó có cả họ hàng và những người đến tham dự hôn lễ. Giới thiệu một Phật giáo minh triết, nhân văn, một Phật giáo cho con người tại thế gian, không phải là đạo Phật bi quan yếm thế như nhiều người đã hiểu lầm.
4.2. Tri ân và báo ân cha mẹ
Ông bà, cha mẹ là người đã tạo ra hình hài, thân xác cho chúng ta. Nhưng ngày nay, nhiều bạn trẻ vì quá bận rộn với vấn đề cơm, áo, gạo, tiền, một số khác ham chơi, tham gia những trò chơi vô bổ, chỉ tập trung vào cảm xúc bản thân nên quên mất công ơn của ông bà, cha mẹ, lại có nhiều người khác biết ơn, tri ân nhưng không dám hoặc không có cơ hội để bày tỏ, thì đây chính là cơ hội để đôi bạn trẻ nói lên lời tri ân.
Tại đây, đôi bạn trẻ còn được học và cảm nhận sâu sắc hơn về công ơn cha mẹ và sống có trách nhiệm với cha mẹ qua lời dạy của Phật.
Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt đức Phật dạy, con cái có 5 điều cần phải ý thức như sau:“Được nuôi dưỡng, tôi sẽ nuôi dưỡng lại cha mẹ; tôi sẽ làm bổn phận đối với cha mẹ; tôi sẽ gìn giữ gia đình và truyền thống; tôi bảo vệ tài sản thừa tự; tôi sẽ làm tang lễ khi cha mẹ qua đời.”[9] Như vậy, người con có ít nhất bốn bổn phận và trách nhiệm đối với cha mẹ.
Thứ nhất, con cái phải có bổn phận chăm lo đời sống vật chất cũng như tinh thần cho cha mẹ khi về già, đây là một trong những bổn phận căn bản của người con; thứ hai, có bổn phận thay thế cha mẹ gánh vác công việc, đỡ đần công việc và còn được hiểu là thừa kế, phát huy nghề nghiệp của cha mẹ; thứ ba, giữ gìn gia đình và truyền thống, đây được hiểu là truyền thống đạo đức của gia đình, của dòng tộc đã kế thừa qua nhiều thế hệ; thứ tư, bảo vệ di sản vật chất cũng như tinh thần mà cha mẹ để lại.
Nếu như con cái có những trách nhiệm bổn phận nêu trên, thì bậc làm cha làm mẹ cũng có 5 điều phải thực hiện đối với con cái như sau: Thứ nhất, ngăn chặn con làm điều ác; thứ hai, khuyến khích con làm điều thiện; thứ ba, dạy con nghề nghiệp; thứ tư, cưới vợ xứng đáng cho con; thứ năm, đúng thời trao của thừa tự cho con.[10]
Qua những điều kể trên, đức Phật dạy cha mẹ phải làm tròn bổn phận đối với con cái. Qua đó, vừa nhắc nhở cha mẹ của cô dâu chú rể và đồng thời dạy dỗ cô dâu, chú rể có bổn phận, trách nhiệm khi có con.
Trong lễ Hằng thuận, cô dâu, chú rể còn có cơ hội nói lên lời tri ân và dâng trà cho ông bà, cha mẹ. Giờ phút nói lên lời tri ân và nghi thức dâng trà là khoảnh khắc thiêng liêng và ý nghĩa đối với cô dâu và chú rể. Nhiều người tham gia lễ Hằng thuận đã không kìm nén được sự xúc động và bật khóc ngay trong hôn lễ. Qua những điều kể trên cho thấy, giáo dục Phật giáo đóng một vai trò quan trọng trong việc hướng dẫn con người sống đạo đức, biết tri ân và báo ân.
4.3. Đạo nghĩa vợ chồng
Để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, phải hội đủ nhiều yếu tố về nhân duyên, phước báu, sự hiểu biết, sự cảm thông và trách nhiệm của hai vợ chồng.
Trong Kinh Tăng chi đức Phật dạy, để có một cuộc hôn nhân hạnh phúc, trước tiên cô dâu và chú rể phải hội đủ 4 yếu tố “đồng tín, đồng giới, đồng thí, đồng trí tuệ.”[11]
Thứ nhất, “đồng tín” nghĩa là tương đồng về niềm tin, nếu vợ chồng có chung một niềm tin tín ngưỡng, cùng một tôn giáo thì đó là một cơ duyên thù thắng trong hôn nhân. Tuy nhiên, ngày nay thế giới mở, có những cặp đôi khác tín ngưỡng, tôn giáo nhưng vẫn đến với nhau và giải pháp là đạo ai nấy giữ. Tuy nhiên, cùng niềm tin, tôn giáo vẫn là thuận duyên hơn cả.
Thứ hai, “đồng giới” nghĩa là tương đồng về chuẩn mực đạo đức. Ở đây được hiểu là giới hạnh là nguyên tắc sống giúp cuộc sống thăng hoa. Người phật tử có năm nguyên tắc sống căn bản đó là: “Không sát sinh, không trộm cắp, không tà hạnh, không nói dối, không dùng những chất gây say, nghiện”. Nếu như vợ hoặc chồng sống theo 5 điều nêu trên thì không chỉ lợi lạc cho bản thân mà còn lợi ích cho người hôn phối, gia đình và họ hàng. Đây là yếu tố thứ hai để có một gia đình hạnh phúc.
Thứ ba, “đồng thí” nghĩa là sự tương đồng về lòng vị tha, bố thí và cúng dường. Trong việc tạo ra tài sản và sử dụng tài sản đúng cách, người phật tử phải biết sử dụng tài sản một cách khéo léo để tạo nhân duyên phước báu cho đời này và đời sau, cho bản thân và tha nhân, tức là người phật tử phải biết bố thí, cúng dường, dùng tài sản đó để cúng dường những bậc đáng cúng dường, phụng dưỡng cha mẹ, bố thí cho người nghèo khó, ngoài ra còn phải chuộc mạng của các con vật để trả tự do cho chúng gọi chung là phóng sinh.
Thứ tư, “đồng trí tuệ” nghĩa là tương đồng về sự hiểu biết. Đối với người cư sĩ tại gia ở đây được hiểu là sự hiểu biết chân chính về lối sống, cách đối nhân xử thế, tri thức về văn hóa truyền thống, tri thức về đời sống, sự thấu hiểu bản thân cũng như những người xung quanh. Khi đã có nhận thức đúng đắn, thấu hiểu bản thân và những người xung quanh thì có thể tha thứ và thương yêu nhiều hơn. Đó là những yếu tố cần có cho một gia đình hạnh phúc.
Trong Kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt đức Phật dạy, người chồng phải biết“Kính trọng vợ; không bất kính đối với vợ; trung thành với vợ; giao quyền hành cho vợ; sắm đồ nữ trang cho vợ.”[12] Thứ nhất, tôn trọng vợ tức là lấy lễ nghĩa vợ chồng cư xử với nhau cho phù hợp; thứ hai, tỏ ra oai nghiêm nhưng không xem thường vợ; thứ ba, sống chung thủy, một vợ một chồng không ngoại tình; thứ tư, giao quyền hành về việc nhà, con cái, tiền bạc, tài sản cho vợ bảo quản; thứ năm, sắm đồ trang sức, nữ trang cho vợ khi có điều kiện.
Trong kinh đức Phật cũng dạy người vợ có 5 điều phải thực hiện đối với chồng:“Thi hành tốt đẹp bổn phận của mình; khéo tiếp đón bà con; trung thành với chồng; khéo gìn giữ tài sản của chồng; khéo léo và nhanh nhẹn làm mọi công việc.”[13] Thứ nhất, làm tròn bổn phận của một người vợ trong nhà, khéo sắp xếp công việc từ trong ra ngoài; thứ hai, khéo tiếp đón và cư xử tử tế với cả họ hàng thân tộc hai bên; thứ ba, sống chung thủy với chồng; thứ tư, khéo gìn giữ tài sản của chồng làm ra.
Người vợ phải biết trân quý tài sản của người chồng làm ra, sử dụng đúng mục đích, có lợi cho gia đình và cho tha nhân, tạo nhân duyên, phước báu cho đời này và nhiều đời sau như những điều người chồng hướng tới được nêu ở trên; thứ năm, tháo vát, nhanh nhẹn và khéo léo trong mọi công việc.
Ngày nay, nam nữ bình đẳng nên ngoài việc chăm lo gia đình, người vợ đã đi làm và ngồi vào nhiều vị trí trọng yếu của xã hội. Do đó, để chu toàn công việc ở nhà là một điều khó khăn đối với nhiều người phụ nữ. Vì vậy, vợ chồng cảm thông, thấu hiểu và chia sẻ công việc với nhau là điều cần thiết hơn bao giờ hết.
Đức Phật còn dạy Người vợ phải biết sắp xếp công việc nhà, bảo quản tài sản của chồng tạo ra, có lòng thương yêu, chăm sóc lo lắng cho chồng như một người mẹ; lại thùy mị, đoan trang, khiêm tốn, nhún nhường như một người em gái; người vợ phải biết cảm thông, vui vẻ, niềm nở, hòa thuận với chồng như một người bạn thân lâu năm gặp lại; ngoài ra người vợ còn phải mềm mỏng, nhẫn nhịn, không nóng tánh, không hờn dỗi, biết tùy thuận và khéo khuyên răn thuyết phục chồng như một người hầu khéo léo. [14]
Qua đây, cho thấy để có một gia đình hạnh phúc đúng nghĩa thì vợ chồng phải có nhận thức đúng đắn, phải làm tròn bổn phận của mình, phải biết kiểm soát, tiết chế những điều đưa đến đổ vỡ và vun bồi những điều làm cho gia đình thêm hạnh phúc, lâu bền, lợi lạc cả đời này và đời sau cho bản thân và tha nhân.
5. Đóng góp của Phật giáo cho hạnh phúc gia đình qua lễ Hằng thuận
Khi các cặp đôi được tổ chức Lễ Hằng thuận tại chùa, với khung cảnh trang nghiêm, không gian linh thiêng, dưới sự chứng minh gia hộ của chư Phật, chư hiền thánh tăng, sự chứng minh, tham dự của ông bà nội ngoại, hai họ giúp hôn lễ thêm phần trang trọng, giúp cho đôi bạn trẻ có những kỷ niệm và trải nghiệm đáng nhớ.
Được chúc phúc bởi hai họ, sự chú nguyện của chư tăng và được hướng dẫn về hạnh phúc gia đình giúp đôi bạn trẻ ý thức hơn về trách nhiệm và bổn phận của bản thân.
Lời phát nguyện của cô dâu chú rể trong điện Phật, với nội dung:
“1. Chúng con nguyện sống, tiếp nối đạo đức và truyền thống văn hóa của Việt Nam, tổ tiên và gia tộc chúng con;
2. Chúng con nguyện sống chung thủy, xây dựng cho nhau sự hiểu biết, thương yêu, chăm sóc, chia sẻ, nâng đỡ nhau và lòng kiên nhẫn;
3. Chúng con nguyện sống với tinh thần tôn trọng và thái độ hài hòa, không gây sự, không trách móc, không hờn giận; không lý luận hơn thua, để bồi đắp hạnh phúc và an vui;
4. Chúng con nguyện có trách nhiệm hướng dẫn con cháu quy ngưỡng Tam Bảo, dồn hết tâm lực và phương tiện xây dựng hạnh phúc cho thế hệ con cháu của chúng con.”[15]
Dưới sự chứng minh của chư Tăng và hai họ giúp cho đôi vợ chồng trẻ ghi nhớ sâu sắc những lời đã phát nguyện với đối phương về việc giữ gìn và bảo vệ hạnh phúc gia đình.
Nhiều cặp vợ chồng làm lễ Hằng thuận tại chùa, phát nguyện thọ trì 5 giới và sống theo lời Phật dạy thì trong cuộc sống sẽ ý thức hơn về suy nghĩ, lời nói và việc làm trong đời sống gia đình cũng như xã hội, biết yêu thương, tha thứ cho nhau, biết thông cảm và sẻ chia với đối phương trong những giai đoạn khó khăn của cuộc đời.
Qua nghi thức trao nhẫn cưới, cô dâu chú rể được giải thích về chiếc nhẫn cưới và chữ nhẫn trong Phật giáo, giúp họ nhẫn nhịn và tha thứ cho nhau khi những chuyện bất như ý xuất hiện trong đời sống gia đình. Khi đôi bạn trẻ được tổ chức lễ cưới tại chùa là đã gieo duyên lành với Tam bảo và họ có ít nhất một vị thầy tâm linh.
Trong cuộc sống, khi có những khó khăn thì họ cũng có một nơi để trở về nương tựa mà không rơi vào bế tắc, tuyệt vọng. Chư Tăng là hàng sứ giả của Như Lai, trên lộ trình tu tập giải thoát với sự tỉnh thức, giác ngộ sẽ có nhiều giải pháp, nhiều lời khuyên hữu ích cho đôi bạn trẻ, cho gia đình cũng như xã hội.
Tóm lại, Phật giáo đóng vai trò quan trọng trong việc giáo dục con người và xã hội, giúp con người nhận ra chân hạnh phúc, biết trân quý những điều đang có và sống đúng với vai trò và nghĩa vụ để có một cuộc sống đúng nghĩa. Nghi thức lễ Hằng thuận được tổ chức trong chùa mang đậm tính nhân văn, góp phần xây dựng một gia đình hòa thuận, an vui và hạnh phúc. Qua đó, đôi bạn trẻ có đầy đủ chất liệu để xây dựng một gia đình hạnh phúc, giữ gìn những truyền thống tốt đẹp của tổ tiên và những văn hóa tốt đẹp của người Việt.
Kết luận
Phật giáo lấy trí tuệ giải thoát làm nền tảng, với phương tiện thiện xảo đưa đạo vào đời, mong muốn giảm thiểu nỗi khổ niềm đau và đem lại hạnh phúc cho con người tại thế gian. Việc tổ chức lễ Hằng thuận trong chùa hoặc thiền viện là một sự nhập thế tích cực trong việc xây dựng hạnh phúc gia đình cho Phật tử, hướng Phật tử đến một cuộc hôn nhân tốt đẹp trên nền tảng đạo đức Phật giáo.
Trong gia đình, vợ chồng thấu hiểu, sẻ chia và yêu thương nhau, khi có con họ sẽ biết cách chăm sóc, hướng dẫn dạy dỗ con mình tránh điều dữ, làm những điều lành để trở thành người tốt, có ích cho xã hội. Khi cha mẹ hạnh phúc, con cái sẽ thừa hưởng được hạnh phúc đó của cha mẹ và chúng sẽ được hạnh phúc.
Khi con cái vâng lời, sống có hạnh phúc thì cha mẹ nhìn vào, nghĩ về cũng được hạnh phúc. Nếu gia đình nào cũng hạnh phúc như vậy, biết yêu thương, đùm bọc lẫn nhau thì tương lai hình thành một làng hạnh phúc, xã hạnh phúc, thành phố hạnh phúc và quốc gia hạnh phúc là điều có thể.
Như vậy, giáo lý nhà Phật có đề cập hai loại hạnh phúc, đó là: hạnh phúc thế gian và hạnh phúc xuất thế gian. Đức Phật khuyến khích hàng đệ tử xuất gia xả ly, tu tập giác ngộ, giải thoát xuất thế nhưng đức Phật không chối bỏ hạnh phúc thế gian, đối với người cư sĩ tại gia đức Phật vẫn dành nhiều giờ để hướng dẫn họ cách sống để có một gia đình hạnh phúc, hướng thượng.
Lễ Hằng thuận là một sợi dây nối kết giữa sự xuất thế và nhập thế của Phật giáo. Giáo dục Phật giáo mang lại sự tỉnh thức, thức tỉnh không chỉ cô dâu chú rể mà còn cho tất cả những ai tham dự và mở lòng đón nhận.
Tác giả: Thích Thiền Hưng Chùa Sùng Đức, tổ 2, khu phố 2, P.An Thới, Tp.Phú Quốc, Kiên Giang ***
CHÚ THÍCH:
[1] Hoàng phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội, 2003, tr.427.
[2] Hoàng phê (chủ biên), Từ điển tiếng Việt, Viện ngôn ngữ học, Hà Nội, 2003, tr.962.
[3] Ninh Thị Sinh, “Lễ Hằng thuận”, Phật học Từ Quang (tập 15), Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2016, tr. 176.
[4] Ninh Thị Sinh, “Lễ Hằng thuận”, Phật học Từ Quang (tập 15), Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2016, tr. 182.
[5] Thượng toạ Thích Huệ Thông, Lễ Hằng thuận là gì, xuất xứ và ý nghĩa của Lễ Hằng thuận ra sao, https://phatgiao.org.vn/le-hang-thuan-la-gi-xuat-xu-va-y-nghia-cua-le-hang-thuan-ra-sao-d32486.html.
[6] Tỳ kheo Thích Chơn Không, Nghi thức lễ Hằng thuận, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, Hồ Chí Minh, 2014, tr. tr.16-37; tham khảo thêm: Thích Hoàn Quang, Nghi lễ và Bách sự nhật dụng, Nxb. Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, 2015 và Thích Nhật Từ, Nghi thức lễ Thành hôn, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, 2010.
[7] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi-Ca-La-Việt, Nxb.Tôn Giáo, Hà Nội, 2013, tr. 621-631.
[8] Tuệ Sỹ dịch và chú, Kinh Trường A-hàm tập 1, Kinh Thiện Sanh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012, tr. 473-488.
[9] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 542.
[10] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 542.
[11] Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Phẩm Nguồn Sanh Phước, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016, tr.404.
[12] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 543.
[13] Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Kinh Giáo Thọ Thi Ca-La-Việt, Viện nghiên cứu Phật học Việt Nam, Tp. Hồ Chí Minh, 1991, tr. 543.
[14] Hòa thượng Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Chương VII Bảy Pháp, Các Người Vợ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2005, tr. 404-409.
[15] Thích Nhật Từ, Nghi thức lễ Thành hôn, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, 2010, tr.14-15.
THƯ MỤC THAM KHẢO
1. Thích Minh Châu dịch, Kinh Trường Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 1991.
2. Thích Minh Châu dịch, Kinh Tăng Chi Bộ, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2016.
3. Tuệ Sỹ dịch và chú, Kinh Trường A-hàm tập 1, Kinh Thiện Sanh, Nxb. Tôn Giáo, Hà Nội, 2012.
4. Ninh Thị Sinh, “Lễ Hằng thuận”, Phật học Từ Quang (tập 15), Nxb. Phương Đông, TP. HCM, 2016.
5. Thích Chơn Không, Nghi thức lễ Hằng thuận, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, Hồ Chí Minh, 2014.
6. Thích Nhật Từ, Nghi thức lễ Thành hôn, Nxb. Tổng Hợp TP.HCM, 2010.
7. Thích Hoàn Quang, Nghi lễ và Bách sự nhật dụng, Nxb. Đồng Nai, TP. Hồ Chí Minh, 2015.
8. Thích Huệ Thông, Lễ Hằng thuận là gì, xuất xứ và ý nghĩa của Lễ Hằng thuận ra sao: Nguồn: https://phatgiao.org.vn/le-hang-thuan-la-gi-xuat-xu-va-y-nghia-cua-le-hang-thuan-ra-sao-d32486.html. [Truy cập: 25/03/2024]
Bình luận (0)