Hương xuân ngào ngạt bay về Từ miền Cực lạc xuống bề trần gian Trời buông những sợi tơ vàng Hòa chung một cõi Tịch Quang chiếu mầu (Xuân Tịnh Độ - Minh Chánh)

Một mùa xuân nữa lại về trên khắp mọi miền đất nước. Cây cối đua nhau khoe sắc và vạn vật đều căng tràn nhựa sống. Trong một đời người cũng vậy, tuổi xuân đẹp nhất đó chính là tuổi trẻ. Và hạnh phúc của tuổi trẻ chính là sự viên mãn trong hôn nhân. Lễ hằng thuận trong chùa giờ đây không còn là điều xa lạ đối với các bạn trẻ, bởi nó đã trở thành viên gạch nối giữa đạo và đời, gắn kết các bạn trẻ đến gần hơn với những giáo lý nhân bản của đạo Phật.

Ý nghĩa lễ hằng thuận

Hôn nhân là chuyện hệ trọng của cả một đời người. Vậy nên ai cũng mong muốn mình có được một lễ cưới thật “quy mô” và “hoành tráng”. Nhưng ở ngoài đời, sự “hoành tráng” ấy tỷ lệ thuận với số tiền “khổng lồ” mà cô dâu chú rể phải bỏ ra. Rồi sau khi kết thúc buổi lễ, đôi uyên ương có thật sự cảm thấy hạnh phúc vì đám cưới linh đình không? Hay là bộn bề trăm ngàn mối lo về “hậu đám cưới” và mệt nhoài sau một ngày dài phải tiếp đón các vị khách?

Bên cạnh những lễ cưới theo phong cách hiện đại, hiện nay có nhiều đôi bạn trẻ muốn bắt đầu đời sống lứa đôi của mình bằng một nghi lễ thiêng liêng, với những lễ thức của nhà Phật, chứ không phải nghi lễ của một đám cưới truyền thống. Việc lên chùa tổ chức hôn lễ dưới sự chứng kiến của chư Phật, chư tăng ni và gia đình, thân hữu không còn là một hiện tượng “lạ” nữa.

Theo tên gọi, “hằng” là thường xuyên, luôn luôn, còn “thuận” là hòa thuận, đồng thuận, hướng về những điều cao thượng, tốt đẹp trong đời sống. Vì vậy, mục đích chính của lễ hằng thuận là để vợ chồng ý thức được tầm quan trọng của hôn nhân, từ đó hướng đến cuộc sống gia đình hạnh phúc, êm ấm.

Hôn lễ được tổ chức tại chính điện Tam bảo, không có âm nhạc ồn ào, hay tiếng cụng ly chúc tụng huyên náo, thay vào đó là tiếng kinh cầu đều đều vang lên trong khói hương trầm mặc và không khí trang nghiêm. Trước Tam bảo, cô dâu chú rể sẽ phát nguyện chung sống hạnh phúc, yêu thương hòa kính theo nguyên tắc của đạo Phật. Điều này một mặt sẽ tạo nền tảng tâm linh hướng thượng cho đời sống gia đình; mặt khác, đôi vợ chồng sẽ thực sự hiểu được ý nghĩa của hai chữ “hôn nhân, đó là sự thấu hiểu và thông cảm lẫn nhau, luôn sát cánh bên nhau vượt qua mọi khó khăn của cuộc sống.

Việc tổ chức lễ cưới ở chùa không làm ảnh hưởng đến hình ảnh trang nghiêm vốn có của chốn thiền môn; mà ngược lại, nó còn là viên gạch nối giữa đạo và đời, giúp cho đạo Phật đến gần hơn với giới trẻ. Bởi những triết lý của đạo Phật luôn có mặt trong từng sự kiện của đời sống nhân sinh và mái chùa không chỉ là nơi dành riêng cho các bậc tu hành, mà luôn rộng mở chào đón tất cả những ai có cái tâm “cầu đạo”.

Lễ hằng thuận chính là một hình thức tùy duyên hóa độ cho chúng sinh của đạo Phật. Không những vậy, việc chúc phúc cho một giai đoạn mới của đôi trẻ cũng mang đậm ý nghĩa nhân bản, tinh thần từ bi trong Phật giáo. Và đó là lý do cửa chùa ngày được nhiều bạn trẻ lựa chọn là nơi dẫn dắt họ bước vào cuộc sống hôn nhân để xây dựng một “nếp nhà” hạnh phúc, hướng thiện.

Công tác hoằng pháp Phật giáo đến giới trẻ và Phật hóa gia đình

Từ hành động và ý nghĩa của lễ hằng thuận kể trên, chúng ta có thể thấy việc hoằng hóa Phật giáo đến giới trẻ không thực sự là một công việc khó. Điều khó là chúng ta cần tìm được phương thức thể hiện và cách truyền tải nội dung một cách mới mẻ, gần gũi, không mang nặng “lý thuyết”.

Những bài giảng tại chùa của các thầy có thể rất hay, lôi cuốn các bạn trẻ. Nhưng ra đến cổng chùa, nó đã bị “rơi” mất một phần và dần bị quên lãng bởi rất nhiều thú vui và nỗi lo toan của cuộc sống thường nhật. Vì vậy, nếu tìm được cách thức truyền tải mới mẻ, áp dụng ngay vào thực tế như lễ hằng thuận, thì những ý nghĩa nhân văn tốt đẹp của đạo Phật sẽ được các bạn trẻ khắc ghi rất lâu, bởi nó gắn liền với một cột mốc quan trọng trong cuộc đời của họ.

Tương tự đối với ngày sinh nhật cũng vậy, chúng ta thường tụ tập bạn bè, ăn chơi tiêu tốn tiền của cha mẹ mà không ý thức được rằng: đó ngày mẹ của chúng ta phải ở lằn ranh giữa sự sống và cái chết để đổi lấy sự hiện diện của chúng ta trên cuộc đời này. Nhờ vào sự khuyến giáo của các thầy, những phật tử trẻ sẽ nhận ra ý nghĩa thiêng liêng thực sự của ngày sinh nhật ấy. Từ đó thay đổi dần suy nghĩ, nhận thức cũng như hành động. Thay vì tụ tập với bạn bè, chúng ta sẽ về nhà sớm hơn để ăn một bữa cơm ấm cúng cùng gia đình và tri ân công lao sinh thành của cha mẹ, như lời đức Phật đã chỉ dạy:

“Tâm hiếu chính là tâm Phật Hạnh hiếu chính là hạnh Phật”

Có thể nhận thấy, công tác hoằng dương Phật pháp đến giới trẻ và Phật hóa gia đình không phải là những hành động quá to lớn và cao siêu. Những triết lý của đạo Phật thực ra rất gần gũi và dễ vận dụng vào trong cuộc sống của mỗi người. Nếu tìm được cách thức thể hiện phù hợp, đặc biệt là lôi cuốn giới trẻ thì văn hóa đạo đức của mỗi gia đình sẽ ngày một cải thiện, từ đó nâng cao văn hóa đạo đức của toàn xã hội.

Mùa xuân của sự giác ngộ

Mùa xuân đối với bậc tu hành chính là mùa xuân của sự giác ngộ và giải thoát. Nhưng không phải ai cũng có thể xuất gia và chọn cho mình con đường tu tập như ý. Phần đông mọi người, nhất là với các bạn trẻ do chưa đủ nhân duyên nên vẫn phải “tùy duyên”, nỗ lực tu tập ngay giữa cuộc sống trần tục. Dẫu vậy sự tu cũng không ở đâu xa, không phải cứ vào chùa ta mới tu được. Tu chính là sự thay đổi ngay trong nhận thức của bản thân mỗi người, thể hiện ở thái độ hài lòng, chấp nhận niềm hạnh phúc thực tại và biết tận dụng mọi hoàn cảnh để dung hòa giữa đạo và đời. Điều này được thể hiện đậm nét và sâu sắc qua nghi lễ hằng thuận ở chùa của các bạn trẻ hiện nay.

Mùa xuân của hạnh phúc đời thường sẽ nâng lên thành mùa xuân của sự giác ngộ, mùa xuân bất diệt của Phật giáo, một mùa xuân mà tất cả chúng ta đều hằng mong đến.

Tác giả: Kim Tâm Tạp chí Nghiên cứu Phật học - Số tháng 1/2017