Không chỉ là buổi họp báo, chương trình tọa đàm, cảm xúc nghẹn ngào từ những chứng nhân lịch sử, khi nhắc đến người chiến sĩ đã dũng cảm hy sinh, quên thân mình giành giật sự sống cho từng đồng đội thực sự lay động lòng người.

Quang cảnh sâu lắng, tràn đầy cảm động khi Trưởng Ban tổ chức Lê Xuân Trọng được gặp lại, bày tỏ niềm tri ân sâu sắc tới bà Nguyễn Thị Dung, vợ liệt sỹ, người đã cứu “thủ trưởng Trọng” và hy sinh ngày 27/05/1984 tại chiến trường năm ấy (*)…

Khởi đầu từ một lời tri ân

Chiều ngày 16/07/2025, tại hội trường Nhà khách T500 - Quân đoàn 3 (Pleyku, Gia Lai), buổi họp báo chương trình “Lễ Tri Ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước Việt Nam - Lào - Campuchia” đã diễn ra trong không khí trang nghiêm và xúc động.

Đây là hoạt động mở đầu cho chuỗi sự kiện tưởng niệm, phụng sự và gắn kết tâm linh giữa ba nước Việt Nam - Lào - Campuchia, sẽ diễn ra ngày 22/07 tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, tỉnh Gia Lai.

Không đơn thuần là buổi họp báo thông tin, sự kiện còn mang ý nghĩa khơi nguồn đạo lý, nhấn mạnh ba phẩm chất nền tảng được chọn làm chủ đề năm nay: Hiếu trung - Hiếu nghĩa - Hiếu sinh. Những giá trị này không chỉ ghi dấu trong lịch sử đấu tranh giữ nước, mà còn hiện hữu trong đời sống hiện đại, qua từng hành động tri ân, từng cử chỉ sống tử tế và từng lời nguyện cầu hồi hướng đến tiền nhân.

Tại buổi họp báo, đại diện các đơn vị phối hợp tổ chức đã lần lượt phát biểu, nêu rõ mục đích và nội dung chương trình năm nay.

Đây là sự kiện có ý nghĩa quốc tế, nhân văn và tâm linh sâu sắc, thể hiện sự biết ơn không biên giới với các anh hùng liệt sỹ đã hy sinh vì sự độc lập và hòa bình chung của ba dân tộc.

Hình ảnh tại buổi họp báo ngày 15/07
Hình ảnh tại buổi họp báo ngày 16/07

Chương trình không chỉ là dịp để tưởng niệm, mà còn là cơ hội giáo dục đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, nhất là cho thế hệ trẻ, những người đang sống trong thời bình, nhưng không được quên cái giá của hòa bình.

“Hiếu trung - là sự tận tụy với đất nước, sẵn sàng hy sinh vì đại nghĩa.

Hiếu nghĩa - là lòng thủy chung, nghĩa tình với đồng đội, với nhân dân.

Hiếu sinh - là tinh thần tôn trọng sự sống, biết quý trọng từng khoảnh khắc hiện tại để sống có ích, sống thiện lành”.

Từ góc nhìn Phật giáo, ba phẩm chất ấy đều khởi nguồn từ tâm tri ân và báo ân, nền tảng đạo hiếu trong đạo Phật. Hiếu trung là sự nối dài tinh thần Bồ Tát: “Vị tha, xả thân, không cầu danh lợi”. Hiếu nghĩa là lòng từ bi được thể hiện bằng hành động cụ thể giữa con người với nhau. Còn Hiếu sinh, chính là hiện thân của giới không sát, biết nuôi dưỡng sự sống, bảo vệ môi trường, chăm sóc tha nhân, gieo phúc lành trong từng việc nhỏ.

Đặc biệt trong thời đại hôm nay, đạo hiếu không chỉ dừng lại ở thờ phụng tổ tiên, mà còn cần được hiểu là sống có trách nhiệm với những người còn sống, cha mẹ, người thân, đồng bào, cộng đồng và cả những thế hệ mai sau.

Hơi ấm từ những người đã khuất - Hành động của người đang sống

Tại họp báo, một số đại biểu đã chia sẻ những câu chuyện cá nhân đầy xúc động: từ hành trình tìm mộ người thân, đến những kỷ vật còn sót lại của người lính nơi biên giới. Mỗi câu chuyện đều là một nhịp nối giữa quá khứ và hiện tại, giữa người nằm xuống và người còn sống. Những ký ức không chỉ để nhớ, mà để tiếp nối.

Ông Huỳnh Văn Tuyển (65 tuổi, xã ia Hrung, tỉnh Gia Lai) cho biết: "Mỗi năm đến ngày 27/07, lòng tôi lại bồi hồi. Dẫu chiến tranh đã lùi xa, nhưng ký ức về những đồng đội ngã xuống vẫn chưa bao giờ phai mờ. Họ ra đi khi tuổi còn rất trẻ, mang theo bao ước mơ còn dang dở. Chương trình Tri ân các anh hùng, liệt sỹ hy sinh vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc là chương trình vô cùng ý nghĩa".

Ông Nguyễn Minh Hiệp (69 tuổi, phường Diên Hồng, tỉnh Gia Lai) chia sẻ: “Hôm nay được gặp lại đồng đội và ôn lại những kỷ niệm hào hùng, chúng tôi rất vui và xúc động. Là những người lính may mắn sống sót sau những cuộc chiến ác liệt năm xưa, chúng tôi vẫn luôn tự hào về những người anh em, đồng đội đã ngã xuống vì sự nghiệp cao cả, bảo vệ dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, chúng tôi sẽ luôn sống có trách nhiệm đối với người thân của đồng đội cũng như với những người lính đã ngã xuống”.

Ông Nguyễn Xuân Trọng, nghẹn ngào khi tìm gặp được vợ của liệt sỹ Đoàn Tấn Mỹ, người đồng đội cứu sống ông, đã anh dũng hy sinh tại chiến trường năm ấy...
Ông Lê Xuân Trọng, nghẹn ngào khi tìm gặp được vợ của liệt sỹ Đoàn Tấn Mỹ, người đồng đội cứu sống ông, đã anh dũng hy sinh tại chiến trường năm ấy...

Trong khuôn khổ chương trình Họp báo, là khách mời tại buổi tọa đàm, bà Nguyễn Thị Dung, vợ của anh hùng Liệt sĩ Đoàn Tấn Mỹ - hy sinh tại chiến trường Campuchia, tỉnh Breah Viheah, xúc động chia sẻ: “Tôi rất vui và xúc động khi được gặp lại đồng đội của chồng tôi trong chương trình họp báo Tri ân các anh hùng, liệt sĩ. Đặc biệt, người đồng đội chính là thủ trưởng Lê Xuân Trọng, Trung đoàn phó E29/F307, chiến trường năm ấy được chồng tôi cùng các chiến sỹ cứu nạn khi bị gạch, đất vùi lấp sau pha bắn phá của giặc Pôn Pốt. Chiến tranh đã lùi xa, nhưng những cảm xúc trong tôi vẫn còn đó, tôi cũng như gia đình luôn tự hào bởi sự hy sinh anh dũng và cao cả của chồng tôi cũng như các anh hùng liệt sỹ vì sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc”.

Được lắng nghe những câu chuyện xúc động tại buổi họp báo, chị Trịnh Thị Mai, Giám đốc phát triển thị trường, Tập đoàn Word of life, đại diện đơn vị đồng hành cùng chương trình “Lễ Tri Ân các Anh hùng liệt sỹ hy sinh vì độc lập tự do cho đất nước Việt Nam - Lào - Campuchia” chia sẻ: "Tôi sinh ra khi đất nước đã hòa bình nhưng tôi luôn thấm thía rằng sự bình yên mình đang có được đánh đổi bằng máu xương của bao người đi trước. Là thế hệ sống trong hòa bình, tôi hiểu mình có trách nhiệm không chỉ ghi nhớ công ơn mà còn sống xứng đáng với sự hy sinh đó. Tôi biết rằng mỗi việc làm tử tế, mỗi cống hiến nhỏ bé cho xã hội hôm nay, chính là cách tôi tri ân những người đã ngã xuống, góp phần tiếp sức, phát triển thế hệ mai sau".

Các hoạt động sắp tới trong khuôn khổ chương trình sẽ bao gồm: lễ tưởng niệm, dâng hương tại Nghĩa trang Liệt sỹ Đức Cơ, chương trình văn hóa nghệ thuật Kỷ niệm ngày 27/07, lễ cầu siêu theo nghi thức Phật giáo và chương trình trao tặng quà, chia sẻ yêu thương tới thân nhân, gia đình các anh hùng liệt sỹ.

Kết nối - Tiếp nối - Lan tỏa

Buổi họp báo kết thúc trong không khí lắng đọng. Nhưng như một vị đại biểu đã nói: “Tri ân không dừng lại ở một buổi lễ, mà cần trở thành một lối sống”. Đó là lối sống của những người con biết ơn, sống xứng đáng và biết gieo mầm thiện lành cho tương lai.

Giữa cuộc sống hiện đại đầy biến động, đạo hiếu vẫn là gốc rễ nuôi dưỡng phẩm giá con người. Và trong hành trình “tri ân các Anh hùng Liệt sĩ”, mỗi bước chân, mỗi hành động, mỗi lời nguyện, đều là một nén tâm hương dâng lên những người đã nằm xuống.

Tác giả: Chánh Thường

(*) Tìm lại ân nhân khi chiến tranh đã kết thúc.

(Hồi ức, thay lời tri niệm của ông Phạm Thành Chung, chứng nhân lịch sử gửi tới những đồng đội đã hy sinh năm ấy…).

Sau khi mặt trận 579 và Quân khu 5 tập trung những đơn vị thiện chiến nhất đương đầu với hai sư đoàn Pôn Pốt do Thái Lan hậu thuẫn, ta đã chiếm hoàn toàn cụm cứ điểm 547.

Tất cả những đơn vị chính của F307 chốt giữ các mục tiêu đã đánh truy quét và đánh địch phản kích. Phải thừa nhận rằng ta đã tốn nhân lực, tài lực quá lớn mới  giải quyết dứt điểm cụm cứ điểm 547 này.

 Sự hy sinh quá nhiều của những người lính ít có sử sách nào nói đến vì ngại đụng chạm.

"Một tướng công thành vạn xác khô".

Thêm một số đơn vị F307 ở lại chốt giữ cụm cứ điểm 547, quyết không cho địch lấy lại. Sốt rét,bệnh tật, mìn bẫy, pháo của địch bắn từ Thái Lan sang ta hy sinh thêm một số đồng đội. Các anh hy sinh khi tuổi đời còn trẻ quá so với một kiếp người, so với một kiếp nhân sinh.

Lúc đó Trung đoàn 29 đảm nhiệm chốt giữ từ cao điểm 600 tây trải dài tới thung lũng bắc cao điểm 547.

Ngày 25/03/1985 khi kết thúc chiến dịch K3, tiểu đoàn 3/E95/F307 chúng tôi vượt qua dông 600 tây này về cụm cứ điểm 547, tôi thấy có rất nhiều vết máu loang lổ trên những tảng đá trên đỉnh 600 tây. Chứng tỏ rằng máu của những người lính trung đoàn 29 đã đổ xuống nơi này khá nhiều, khi đương đầu với giặc.

Trong trận đánh ngày 03/04/1983 (Trận khát nước). Khi nước đã làm khó cho những người lính trận mà sau này các đồng đội E 29 kể lại rằng, không cách nào khác đành chôn cất các đồng đội hy sinh tạm thời nơi này, sau này tính sau, (e95 trong trận đó cũng đành bỏ lại tử sĩ rút ra trong tuyệt vọng). Số còn lại còn sống nghe theo tiếng đề pha của pháo mà tìm đường ra suối tre, nơi có trận địa pháo mà những, người lính E 576  đã giồng mình suốt ngày, suốt đêm trong cái nóng tháng 4 oai bức, ám đầy mùi thuốc súng và tử khí, bắn cầm canh để cho các đơn vị nghe tiếng nổ mà định hướng rút ra ngầm pháo.

Trong đoàn quân thất trận của trung đoàn 29, có Đoàn Tấn Mỹ c14/E 29/F307. Mỹ là con nhà võ nên sức chịu đựng rất dẻo dai, chính Mỹ đã tìm ra được một chút nước bùn còn động lại nơi khe suối và gắng sức nhỏ từng giọt nước, cứu sống khá nhiều đồng đội nằm tuyệt vọng chờ cái chết đến từ từ  khi không có nước.

Gần một năm sau, sau trận khát nước tan tác đoàn quân F307 thiện chiến không thua vì giặc nhưng bất lực vì nước. Ngày 25/03/1984 ta tập trung toàn bộ binh lực mặt trận, 579 và Quân khu 5 ta mới chiếm được cụm cứ điểm 547.

Một tháng sau, một quả cối 120 ly của giặc bắn từ Thái Lan đã bắn trúng sở chỉ huy tiền phương của E29. Đồng chí Xuân Trọng mới bổ nhiệm về làm trung đoàn phó E29/F307 bị thương. Cấp trên điều một số trinh sát và Đoàn Tấn Mỹ khiêng thủ trưởng Xuân Trọng về phẫu C18 , E29 cứu chữa. Khi đi ra khỏi đoạn suối ngã ba ông Anh, bị giặc phục kích. Loạt đạn đầu tiên giặc bắn về tốp  khiêng thương đã giết chết một đồng đội trinh sát. Với lực lượng không cân sức, vừa bắn trả địch vừa cố dìu thủ trưởng Xuân Trọng xuống khe suối tránh sự truy sát của địch. Sau khi nổ súng giặc Pốt cũng sợ ta chi viện nên chúng vội rút đi. Thủ trưởng Xuân Trọng với vết thương khá nặng cũng ngất xỉu…

Khi tỉnh lại tại phẫu C18 trung đoàn 29, các y bác sĩ đang mổ viết thương cho ông, ông có hỏi rằng ai đã đưa ông về phẫu trung đoàn cứu chữa, lính họ nói rằng một trinh sát hy sinh, còn lại một người tên Mỹ đơn vị c14/E 29 đưa thủ trưởng về đây. Ông chỉ biết tên người lính cứu ông là như vậy. 

Sau thời gian điều trị do vết quá nặng vượt ngoài khả năng điều trị của tập thể y bác sĩ E29, ông được chuyển tuyến về phía sau cứu chữa và từ đó rời xa trung đoàn 29.

Sau khi cuộc chiến tranh gần  kết thúc, khi ta đã đánh phá chiếm được một số căn cứ của các lực lượng đối đầu tại chiến trường K. Lực lượng đối kháng với quân tình nguyện Việt Nam suy yếu hẳn. Quân đội Nhân Dân Việt Nam bàn giao lại cho lực lượng quân đội Campuchia đảm nhiệm giang sơn xã tắc của họ, Quân đội Việt Nam rút quân hoàn toàn về nước, hoàn thành sứ mệnh nghĩa vụ quốc tế.  

Mấy chục năm sau, khi công nghệ thông tin bùng nổ. Đồng đội Xuân Trọng mới kết nối được với những người lính E 29/F307, nhằm tìm cho ra người lính dưới quyền ông năm xưa đã dũng cảm cứu ông thoát khỏi lưỡi hái của tử thần chiến tranh. Khi dò hỏi đến được địa chỉ người lính cứu ông  trong cuộc chiến tranh năm xưa, thì hay tin rằng...

Ông Nguyễn Xuân Trọng về thăm lại chiến trường
Ông Lê Xuân Trọng về thăm lại chiến trường Campuchia, tỉnh Breah Viheah, điểm khoanh đỏ trên ảnh là nơi Tiểu đội trưởng Đoàn Tấn Mỹ đã ngã xuống sau loạt đạn pháo của quân Pôn Pốt

Hai tháng sau khi đưa ông về tuyến sau chữa trị, khi trở lại đơn vị đóng tại dông 600 tây. Định mệnh oan nghiệt những quả đạn cối 120 ly giặc bắn từ Thái Lan đã cướp đi sinh mạng của người lính Đoàn Tấn Mỹ ân nhân của ông. Các  đồng đội đã đưa Mỹ về chôn cất tại Nghĩa trang Sa rem tỉnh PREAHVIHEAR Cam pu chia và sau này Đảng, Nhà Nước, Quân Đội đã làm hết sức có thể, để đưa anh cùng với bao liệt sĩ khác trở về Tổ Quốc yên nghỉ trong lòng đất mẹ ngàn năm.

Đáp ứng tâm nguyện của gia đình, liệt sỹ Đoàn Tấn Mỹ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, tỉnh Bình Định.
Đáp ứng tâm nguyện của gia đình, liệt sỹ Đoàn Tấn Mỹ được đưa về an táng tại nghĩa trang quê nhà, tỉnh Bình Định.

Sau khi anh hy sinh, vợ anh chị Nguyễn Thị Mỹ Dung đã chịu rất nhiều đau đớn mất mát "hòn vọng phu hóa đá chờ chồng trong tuyệt vọng". Bà con làng xóm muốn chị đi bước nữa, nhưng nhất định chị chung thủy thờ chồng, nuôi giọt máu của anh đã để lại cho chị tên Đoàn Thị Ngọc Trinh cho đến khi khôn lớn trưởng thành và có chồng yên bề gia  thất.

Những người mẹ, người chị, người vợ trong cuộc chiến tranh ngày đó, họ thật sự vĩ đại, âm thầm hy sinh, âm thầm chịu đựng tất cả để cho chồng, con em họ yên tâm xông pha sa trường bảo vệ  từng tất đất Tố quốc và làm tròn nghĩa vụ quốc Tế cao cả.

Chiến tranh đã lùi xa, hơn 47 năm lịch sử cũng trôi theo thời gian. Nhưng chúng tôi, những đồng đội một thời sống chết nơi chiến trường vẫn nhớ mãi về nhau. Các anh hy sinh để chúng tôi  được sống.

Tôi cũng là người lính E95 tham gia các trận đánh đó, nên hiểu được ngọn ngành. Để viết câu chuyện này qua lời kể của đồng đội Nguyễn Đinh Năng hiện ở Tuy Phước, Bình Định. Và Thủ trưởng Xuân Trọng trung đoàn phó E 29 năm xưa, ông từ quê hương Tuyên Quang điện kể tôi nghe về người lính  cứu sống ông, mong muốn tôi viết giúp ông bài viết này để đồng đội đọc, để đồng đội hiểu được nỗi niềm nhớ đồng đội, ân nhân cứu sống ông. Ông day dứt suốt mấy mươi năm không tin tức. Như một nén nhan lòng thành của ông được thắp lên tự đáy lòng, tưởng nhớ đến những người lính dưới thuộc cấp đã hy sinh, đã cứu sống ông năm xưa. Trong nỗi niềm ông muốn cùng các đồng đội tổ chức lễ cầu siêu tri ân các đồng đội đã ngã xuống vì đại cục.

Trong cơn sốt rét đến run người (di chứng của những trận sốt rét chiến trường K  hậu quả kéo dài đến tận bây giờ), để ngày mai họp mặt các đồng đội e95 /F307 tại Quy Nhơn, tôi cầm điện thoại viết câu chuyện này khi ở lại nhà của vợ chồng người anh, người đồng đội Đặng Nguyên Nhân, số nhà 52-54 Đào Duy Từ, thành phố Quy Nhơn, Bình Định. Người đã thờ liệt sĩ Nguyễn Cao Phong suốt 41 năm tính từ ngày liệt sĩ Nguyễn Cao Phong hy sinh trong Bài viết "Thờ Cha thờ Mẹ  không ai thờ bạn mà tôi đã viết". 

Hai trường hợp trên đủ nói lên rằng, tình đồng đội một thuở nơi chiến trường của những người lính năm xưa, nặng lắm một nghĩa tình đồng đội.

Quy Nhơn, đêm 15/12/2023.

Phạm Thành Chung