Tín ngưỡng bản địa là tín ngưỡng được hình thành bởi cư dân bản địa ở một quốc gia hay vùng đất, địa phương nào đó. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, Tứ bất tử, Thành Hoàng bổn cảnh là các loại hình tín ngưỡng bản địa, riêng có của người Việt Nam.
Tác giả: Thích Đồng Niệm
Việt Nam là quốc gia với 54 dân tộc anh em sinh sống trên khắp mọi miền đất nước. Dĩ nhiên, bản sắc văn hóa riêng biệt của mỗi dân tộc, đã tạo nên bản sắc văn hóa Việt Nam. Chúng ta biết, tín ngưỡng là một hiện tượng xã hội đã tồn tại từ lâu cùng với xã hội loài người. Ở mỗi thời kỳ lịch sử, trong từng khu vực cụ thể, tín ngưỡng có những vai trò và ảnh hưởng khác nhau đối với đời sống xã hội.
Sự tồn tại của các tín ngưỡng với đời sống xã hội không bất biến, chúng phát triển, biến động tương ứng với những biến động của đời sống vật chất và nhu cầu tinh thần của con người, phản ánh tồn tại xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định.
Khi nói đến tín ngưỡng có nhiều quan điểm khác nhau, chúng tôi xin đưa ra cách tiếp cận khái niệm này cũng như nội hàm của nó, dựa vào những đặc trưng của văn hóa Việt Nam, gồm các nội dung sau:
- Thứ nhất, tín ngưỡng là một hình thức văn hóa phi vật thế mang tính độc đáo và biểu hiện khá rõ được đời sống vật chất, tinh thần của con người, nhất là trong hoàn cảnh riêng của văn hóa và con người Việt Nam. Ngoài ra, tín ngưỡng còn đóng góp vào việc hình thành nên các giá trị truyền thống của văn hoá và tính cách dân tộc, kết nối cả cộng đồng cùng nhau.
- Thứ hai, tín ngưỡng còn là hệ thống những niềm tin và cách thức thể hiện những niềm tin ấy bằng những hành động cụ thể của con người đối với một hiện tượng siêu nhiên, xã hội, thậm chí là một sự vật nào đó, hoặc cá nhân có liên quan đến cuộc sống thực tại của họ đã được thiêng hóa để cầu mong sự che chở, giúp đỡ.
- Thứ ba, xuất phát từ quan điểm của Trường phái tương đối luận văn hóa, cho rằng mỗi nền văn hóa đều có tính độc đáo riêng, không phân biệt cao, thấp, cho nên tín ngưỡng cũng như việc thực hành tín ngưỡng phụ thuộc vào những bối cảnh lịch sử, địa lý, kinh tế, văn hóa, xã hội cũng như trình độ nhận thức của chủ thể sáng tạo ra các nền văn hóa đó.
Ở một phương diện khác, cũng cần nhấn mạnh thêm rằng, qua việc nghiên cứu tín ngưỡng sẽ giúp cho nhận diện rõ được trình độ nhận thức, không gian và thời gian, phương thức sống, chiều sâu của một nền văn hóa mà cá nhân và cộng đồng đó đang tồn tại.
Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã có nhận xét tương tự: “Tất cả những niềm tin, thực hành và tình cảm tôn giáo tín ngưỡng trên đều sản sinh và tồn tại trong một môi trường tự nhiên, xã hội và văn hóa mà con người đang sống, theo cách suy nghĩ và cảm nhận của nền văn hóa đang chi phối họ” [1].
- Thứ tư, tín ngưỡng không tồn tại một cách đơn lẻ mà còn là một tích hợp với nhiều hình thức văn hóa khác nhau để thể hiện niềm tin của con người bằng các hành vi cụ thể như Patrick B.Mullen đã nhận định:
“Tín ngưỡng dân gian không chỉ tồn tại ở dạng trừu tượng mà nó còn tồn tại trong thực tiễn và các ứng xử thực tế. Xin nhắc lại, văn hoá dân gian không chỉ là sự phản ánh một thế giới quan văn hoá trừu tượng, mà nó còn tồn tại trong cuộc sống hằng ngày như là một phương tiện sáng tạo văn hoá” [2].
Nhà nghiên cứu văn hóa Ngô Đức Thịnh thì có cách nhìn cụ thể hơn: Bản thân các tôn giáo tín ngưỡng đã là một hình thức văn hóa đặc thù, đấy là chưa kể, trong quá trình hình thành và phát triển, mỗi tôn giáo tín ngưỡng bao giờ cũng sản sinh, tích hợp trong nó những hiện tượng, những sinh hoạt văn hoá nghệ thuật [3].
Thực chất, tín ngưỡng thực ra còn là môi trường sản sinh, tích hợp và bảo tồn nhiều sinh hoạt văn hoá dân gian. Con người muốn chuyển đạt nguyện vọng cuả mình lên thần linh thì phải cần có các công cụ, phương tiện như: Múa hát, tượng thờ, nghi lễ, phẩm vật, nơi thờ cúng…Đặc biệt, một ví dụ hết sức xác thực, điển hình mà Nhà nghiên cứu Ngô Đức Thịnh đã đưa ra là:
“Từ nhân lõi tôn giáo tín ngưỡng này, đạo Mẫu đã sản sinh và tích hợp nhiều yếu tố, giá trị văn hoá: Văn học đạo Mẫu, diễn xướng đạo Mẫu (âm nhạc, múa, hát chầu văn, sân khấu), kiến trúc và nghệ thuật trang trí, lễ hội và sinh hoạt cộng đồng gắn với đạo Mẫu”[4].
- Thứ năm, bên cạnh sự giống nhau, đó là niềm tin vào cái thiêng của con người, tín ngưỡng và tôn giáo còn có sự khác biệt ở các yếu tố thuộc về tôn giáo như: Giáo chủ, giáo lý, giáo qui và giáo hội mà tín ngưỡng không có. Ngoài ra, ở Việt Nam, tín ngưỡng và tôn giáo còn có sự giao thoa lẫn nhau, do đặc tính dung hợp-một đặc điểm truyền thống của văn hóa dân tộc.
Vì vậy, không thể không quan tâm tìm hiểu đến sự hiện diện của các yếu tố tôn giáo trong sinh hoạt tín ngưỡng và ngược lại. Mặt khác, trong thực tiễn, các tín ngưỡng dân gian và tôn giáo lại có sự lồng ghép với nhau trên một số nguyên lý, từ đó, thống nhất về mặt lịch sử các niềm tin của người dân, tránh những xung đột, tạo ra những sức mạnh cố kết cộng đồng mới, có tính hiệu quả mạnh mẽ [5].
Đây là chức năng quan trọng của tín ngưỡng trong đời sống cộng đồng mà không thể không nhắc đến khi nghiên cứu về sự ảnh hưởng, tác động của vấn đề này đối với cuộc sống con người.
- Thứ sáu, giao lưu và hội nhập với nhiều nền văn hóa trên thế giới là một đặc trưng quan trọng của văn hóa Việt Nam qua hàng ngàn năm lịch sử. Cho nên, trong nghiên cứu tín ngưỡng thì cần chú ý đến hình thức tín ngưỡng bản địa và tín ngưỡng ngoại nhập.
Tín ngưỡng bản địa là tín ngưỡng được hình thành bởi cư dân bản địa ở một quốc gia hay vùng đất, địa phương nào đó. Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Tam phủ, Tứ phủ, Tứ bất tử, Thành Hoàng bổn cảnh là các loại hình tín ngưỡng bản địa, riêng có của người Việt Nam. Khác với loại tín ngưỡng này, tín ngưỡng ngoại nhập là các hình thức tín ngưỡng được du nhập từ bên ngoài qua quá trình di cư của tộc người, sự tiếp xúc và giao lưu văn hoá lẫn nhau.
Chẳng hạn, tín ngưỡng thờ Quan Công và Thiên Hậu ở Việt Nam thuộc loại hình tín ngưỡng ngoại nhập, do cộng đồng người Hoa di dân từ vùng Hoa Nam Trung Quốc mang đến và đã được người Việt tiếp thu. Cho nên, nghiên cứu về tín ngưỡng – tôn giáo Việt Nam thì không thể bỏ qua một nội dung chủ đạo của khái niệm này là tín ngưỡng dân gian.
Cuối cùng thì vấn đề tín ngưỡng cúng vong đốt vàng mã, sao hạn, lên đồng, nhập xác…, thì tầm quan trọng của nó đối với cuộc sống con người không nằm ở bản chất của nó mà cốt yếu là được chi phối từ chính văn hóa nhìn nhận, văn hóa thực hành ở chính mỗi cá nhân trong xã hội này.
Cũng như triết lý nhà Phật luôn lấy con người làm bản thể và việc giải quyết khổ đau do chính con người gây ra làm mục đích giải thoát, sự ảnh hưởng tích cực hay hạn chế của tín ngưỡng đối với đời sống, thực tiễn nằm ở thái độ đến với tín ngưỡng cũng chính chúng ta.
Tác giả: Thích Đồng Niệm ***
Bình luận (0)