Tổng hợp: Khánh Ngọc
Trong bức tranh tín ngưỡng dân gian Việt Nam, Công đồng Trần Triều là một hệ thống thờ tự đặc biệt, nơi những vị vua – tướng triều Trần được nhân dân tôn kính như những vị thần linh bảo hộ. Không chỉ bởi chiến công hiển hách trong lịch sử chống ngoại xâm, các Ngài còn được khắc họa như những đấng thiêng liêng có khả năng "cứu khổ, cứu nạn", "giáng phúc, trừ tai", hiện thân cho lòng trắc ẩn và ý chí hộ quốc an dân.
Hệ thống nghi lễ trong Đạo Mẫu, đặc biệt là nghi thức hầu đồng, đã góp phần nuôi dưỡng hình ảnh thiêng liêng của các vị Trần Triều trong tâm thức cộng đồng.
Phật giáo – với truyền thống lâu đời và hệ thống giáo lý chặt chẽ – đề cao tinh thần từ bi như cốt lõi đạo hạnh, giúp người tu vượt qua khổ đau sinh tử.
Từ bi trong đạo Phật không dừng lại ở sự cảm thông, mà là sức mạnh của trí tuệ, của hành động vô ngã nhằm hóa giải khổ đau cho muôn loài.
Bài viết này đối chiếu hai biểu hiện tâm linh đặc trưng: lòng trắc ẩn trong tín ngưỡng thờ Trần Triều và lòng từ bi trong Phật giáo, nhằm chỉ ra những điểm tương đồng, dị biệt cũng như cơ hội giao thoa. Từ đó, mở ra một hướng nhìn dung hợp giữa tín ngưỡng dân gian và phật pháp – một hướng đi có thể nuôi dưỡng tâm linh người Việt mà không xa rời ánh sáng của trí tuệ giải thoát.
1. Tổng quan về tín ngưỡng Trần Triều
1.1 Nguồn gốc lịch sử và quá trình thần thánh hóa
Trần Triều là một hệ thống thờ tự các vị vua và danh tướng triều Trần (1225–1400), được hình thành từ sự kết hợp giữa yếu tố chính sử và quá trình thần thánh hóa trong dân gian. Đứng đầu hệ thống thờ Trần Triều chính là Đức Thánh Trần – Hưng Đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn (1231–1300), là danh tướng kiệt xuất đã góp công lớn trong ba cuộc kháng chiến chống Nguyên – Mông của nhà Trần, đặc biệt là với vai trò Tổng chỉ huy trong hai chiến thắng vang dội năm 1285 và 1288. Ông được nhân dân tôn vinh là Đức Thánh Trần – một biểu tượng bất diệt của tinh thần yêu nước, trí tuệ quân sự và đạo nghĩa Việt Nam.
Các đền thờ triều Trần, Đức Thánh Trần xuất hiện từ thế kỷ XIV–XV, trước khi hệ thống Đạo Mẫu (Tứ Phủ công đồng) được hệ thống hóa vào thời Lê Trung Hưng – Nguyễn.
Từ thế kỷ XVII trở đi, Đạo Mẫu phát triển mạnh và hình thành hệ thống “Tứ phủ công đồng”: Thiên phủ – Địa phủ – Thủy phủ – Nhạc phủ.
Công đồng Trần Triều được tích hợp vào như một hệ thống riêng trong Đạo Mẫu, gọi là “Trần Triều Công đồng”, nhưng không nằm trong Tứ Phủ. Vì vậy, hệ thống Trần Triều được ghép vào Đạo Mẫu qua nghi lễ hầu đồng, nhưng có cội nguồn riêng biệt, không đồng nhất bản chất với tín ngưỡng Mẫu (thờ Mẫu Thiên – Mẫu Thoải – Mẫu Địa – Mẫu Thượng Ngàn).
UNESCO (2016) công nhận “Thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại – trong đó có bao gồm thực hành hầu đồng các giá Trần Triều, nhưng vẫn phân biệt rạch ròi rằng Trần Triều là một hợp phần, không phải là Mẫu chủ thần.
Các học giả như GS. Tô Ngọc Thanh, PGS. Bùi Trọng Hiền, TS. Ngô Đức Thịnh đều đồng thuận rằng: “Công đồng Trần Triều là một hệ thống nhân thần riêng biệt, được tích hợp vào sinh hoạt Đạo Mẫu, nhưng không đồng nhất về bản chất thần linh lẫn tín lý.” Tín ngưỡng thờ Trần Triều không phải là Đạo Mẫu theo nghĩa gốc, nhưng đã được tích hợp vào thực hành nghi lễ của Đạo Mẫu hiện đại. Do đó, nó vừa độc lập, vừa giao thoa, vừa có bản sắc dân tộc – lịch sử, vừa bị ảnh hưởng bởi cấu trúc nghi lễ mẫu hệ và tâm linh cảm ứng của người Việt.
1.2. Hệ thống thờ Trần Triều
Hệ thống thờ Trần Triều rất quan trọng trong tín ngưỡng Thờ Mẫu Tứ Phủ của người Việt. Trong ban Trần Triều, đứng đầu là Đức Ông Trần Triều Trần Hưng Đạo Đại Vương là vị tướng, danh nhân tài ba xuất chúng tài đức vẹn toàn của dân tộc. Trong hệ thống thờ Mẫu Tam Tứ Phủ không thể thiếu ban thờ Đức Ông Trần Triều trừ tà sát quỷ. Vậy hệ thống Trần Triều gồm những ai?
a. Vương Phụ Vương Mẫu
Vương Phụ: Khải Thánh An Sinh Vương tự là Trần Liễu được tặng phong Hiển Hoàng Khâm Minh Đại Vương.
Vương Mẫu: An Sinh phu nhân, thụy hiệu Thiện Đạo Quốc Mẫu.
Hai vị là người đã sinh ra Đức Thánh Trần, có ban thờ riêng mà không thờ chung với bàn thờ của Đức Ông Trần Triều.
b. Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương
Hưng Đạo Đại Vương tự là Trần Quốc Tuấn tước phong Quốc Công Tiết Chế Hưng Đạo Đại Vương. Đức Đại Vương chính cung (Cửu Thiên Vũ Đế Trần Triều hiển thánh Thái Sư Thượng Phụ Quốc Công bình bắc đại nguyên suý Nhân Vũ Hưng Đạo Đại Vương thượng thượng thượng đẳng thần).
Đức Thánh Trần (1228-1300) mất ngày 20/8, ông là con trai thứ của Trần Liễu, anh trai Vua Trần Thái Tông (Trần Cảnh). Ba lần chống giặc, các vua Trần đều giao cho ông quyền tiết chế (Tổng tư lệnh quân đội). Vì ông biết dùng người tài, thương yêu binh lính vì vậy tướng sĩ hết lòng tin yêu ông.
Đức Thánh Trần Hưng Đạo Đại Vương là một danh nhân kiệt xuất của dân tộc đồng thời là danh nhân quân sự cổ kim của thế giới. Năm 1984, tại London, trong một phiên họp với các nhà bác học và quân sự thế giới do Hoàng gia Anh chủ trì đã công bố danh sách 10 đại nguyên soái quân sự của thế giới, trong đó có Trần Hưng Đạo Đại Vương.
Theo gốc tích dân gian truyền miệng, ông chính là Thanh Tiên Đồng Tử trên Thiên Đình phụng lệnh Ngọc Hoàng đầu thai xuống hạ giới mang theo phi thân kiếm, cờ ấn, tam bảo của Lão Tử, Ngũ Tài của Thái Công. Như vậy cho thấy nhà Trần cũng xuất phát từ dòng tu tiên Đạo Giáo. Gốc của pháp Tứ Phủ (Đạo Mẫu) chính là Tam Phủ (Đạo Tiên). Nhà Trần không thuộc Tứ Phủ có lối thờ phụng riêng và phép tắc khác bên Tứ Phủ nhưng Thần Chủ của Tứ Phủ và của bên Nhà Trần đều thuộc dòng Thiên Tiên vâng lệnh Ngọc Hoàng Thượng Đế mà giáng phàm để cứu dân độ thế, khuyến thiện phạt ác. Tuy xuất xứ khác nhau nhưng cùng chung một nhiệm vụ, vì vậy hiện nay có sự phối thờ Trần Triều và Tứ phủ.
Ông cũng là một bậc tướng gồm đủ tài đức: Là tướng nhân, ông thương dân thương quân, chỉ cho họ con đường sáng. Là tướng nghĩa, ông coi việc phải hơn điều lợi. Là tướng trí, ông biết lẽ đời sẽ dẫn đến đâu, là tướng dũng, ông xông pha vào nơi nguy hiểm để đánh giặc, tạo nên những trận như Bạch Đằng oanh liệt nghìn đời. Là tướng tín, ông bày tỏ trước cho quân lính theo ông sẽ được gì. Cho nên, cả 3 lần đánh giặc Nguyên, ông đều được giao trọng trách điều bát binh mã và đều lập được công lớn.
c. Vương Phi Phu Nhân: Bà là vợ của Trần Hưng Đạo. Bà vốn là con gái của vua Trần Thái Tông. Sinh thời, bà có hiệu là Thiên Thành Công Chúa. Sau khi mất bà được truy phong thụy hiệu là Nguyên Từ Quốc Mẫu. Bà mất ngày 28/9.
d. Tứ Vị Vương Tử: Tứ vị Vương Tử là bốn người con trai tài giỏi, tài đức vẹn toàn kề vai sát cánh cùng Trần Hưng Đạo Đại Vương.
- Đức Thánh Cả: Hưng Vũ Vương, tự là Trần Quốc Nghiễn hay còn gọi là Đức Thánh Cả Trần Triều Thượng Tướng. Khai quốc công Hưng Vũ đại vương Trần Quốc Nghiễn, theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng Ngài ngự áo đỏ khăn đỏ, lưng đeo cờ kiếm. Ngài ngự đồng lấy dấu máu làm bùa trừ tà sát quỷ chữa bệnh cứu người trần gian.
- Đức Phó Tằng: Hưng Hiến Vương, tự là Trần Quốc Uất hay còn gọi là Đức Phó Tằng Trần Triều Thượng Tướng. Tiết độ sứ Hưng Hiến đại vương Trần Quốc Uất, theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, ngài ngự áo đỏ khăn đỏ, lưng đeo cờ kiếm. Ngài chuyên bắt tà ma, cắm đất tìm cốt và trị trùng.
- Đức Thánh Đệ Tam: Hưng Nhượng Vương, tự là Trần Quốc Tảng hay còn gọi là Đức Thánh Đệ Tam Trần Triều Thượng Tướng. Khai quốc công Hưng Hiến Đại Vương, Đệ Tam Ông Cửa Suốt Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng ngài ngự áo đỏ khăn đỏ, lưng đeo cờ kiếm, ngài ngự đồng sát quỷ trừ tà, chữa bệnh.
- Đức Thánh Đệ Tứ: Hưng Trí Vương, tự là Trần Quốc Hiện hay còn gọi là Đức Thánh Đệ Tứ Trần Triều Thượng Tướng. Khai quốc công Hưng Trí đại vương Trần Quốc Hiện, theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, ngài ngự áo đỏ khăn đỏ, lưng đeo cờ kiếm.
e. Nhị Vị Vương Cô
- Đệ Nhất Vương Cô: Quyên Thanh Công Chúa. Vương Cô đệ nhất chính là vợ của Vua Trần Nhân Tông, mẹ ruột Vua Trần Anh Tông. Ngài chính là hoàng hậu được biết đến với tước hiệu Bảo Thánh Hoàng Thái Hậu. Sau khi mất Ngài được truy phong thụy hiệu Khâm Từ Bảo Thánh Hoàng Hậu. Sau này Ngài theo Vua Trần Nhân Tông tu tại Chùa Yên Tử. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng khi ngự đồng Vương Cô mặc áo màu đỏ, đầu đội khăn đóng, dùng khăn đỏ thắt dải buộc lên.
- Đệ Nhị Vương cô: Đại Hoàng Công Chúa. Đệ Nhị Vương Cô là phu nhân của tướng quân Phạm Ngũ Lão. Có thuyết cho rằng Vương Cô tuy là con ruột của Đức Thánh Trần, nhưng lại phải đổi thành con nuôi để có thể kết hôn với Phạm Ngũ Lão. Tước hiệu của Vương Cô sau khi trở thành con nuôi là Anh Nguyên Quận Chúa. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, khi ngự đồng cô mặc áo màu vàng, một số nơi hầu cô mặc áo màu xanh, cô làm phép trừ linh tróc tà.
f. Lục Bộ Trần Triều: Đây là những danh tướng tài ba xuất chúng một lòng theo nghĩa quân của Trần Hưng Đạo Đại Vương. Tuy không mang họ Trần nhưng vẫn thuộc về Công đồng Trần Triều và được phối thờ ở các đền điện Trần Triều trong đó bao gồm:
- Đức Ông Phò Mã: Điện Tiền Phò mã - Phạm Ngũ Lão. Trần Triều vương tế điện suý thượng tướng quân quan nội hầu Phạm sắc phong Chiêu Cảm Hùng Văn Đại Vương. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, ngài ngự đồng khăn áo đỏ, ngài về tiễn đàn nhà Trần.
- Yết Kiêu Tả Tướng Quân: Tên thật là Phạm Hữu Thế, là tùy tướng của Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn. Ông có tài bơi lội như loài thủy tộc được Trần Hưng Đạo trọng dụng và đặt tên là Yết Kiêu. Ông được vua Trần phong tước Trần Triều Hữu Tướng Đệ Nhất bộ đô soái thủy quân tước hầu, lễ hội của ông ngày 15/1.
- Dã Tượng Hữu Tướng Quân: Nếu nói về tài huấn luyện voi thì không ai giỏi bằng ngài, ngài là tướng giỏi lục quân.
- Nghĩa Xuyên Tướng Quân: An Nghĩa Đại Vương - Nguyễn Chế Nghĩa.
- Hùng Thắng Tướng Quân: Quận Công Vi Hùng Thắng.
- Huyền Quang Tướng Quân: Tướng quân Thái úy Đặng Huyền Quang, tài ba võ nghệ hơn người, được vua Trần thăng tướng quân Thái úy, ông mất ngày 10/10.
g. Trần Triều Vương Nữ: Trần Triều Vương Nữ Tôn Thuận Thánh Bảo Từ Hoàng Hậu: Bà là con gái trưởng của Hưng Nhượng Vương Trần Quốc Tảng. Là vợ của Vua Trần Anh Tông. Mẹ đích của Vua Trần Minh Tông.
h. Trần Triều Tướng Quân
- Trần Triều Khống Bắc tướng quân An Nghĩa Đại Vương Nguyễn Chế Nghĩa: Ngài là người có tài văn võ song toàn, đứng đầu ban võ, ngài mất ngày 28/8.
- Đức Thái Bình công chúa: Cô là con nuôi của Đức Thánh Trần Hưng Đạo, có công phục vụ nhà Trần ở vùng Thái Bình, khi ngự đồng cô mặc áo màu xanh.
- Đức Trần Bình Trọng
i. Cô Bé và Cậu Bé Trần Triều
- Cô Bé Cửa Suốt: Tức Trần Triều Vương ngoại nữ tôn Tịnh Huệ công chúa. Cô là con gái của Phạm Ngũ Lão và là thứ phi của Vua Trần Anh Tông, Anh Tông Hoàng Đế thứ phi. Cô cùng Đức ông Đệ Tam trấn thống lĩnh ba quân thủy binh trấn giữ ngoài Cửa Suốt nên gọi là Cô Bé Cửa Suốt. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, khi ngự đồng cô mặc trang phục màu trắng, múa kiếm và cờ lệnh, ngày tiệc của cô là ngày 2/3 âm lịch.
- Cậu Bé Cửa Đông: Hiển Thánh Vương tôn chủ bộ tướng. Trong hệ thống thờ các vị thánh Trần Triều cổ không hề có Cậu bé cửa Đông, khoảng những năm 1990 một số đồng thầy hầu giá cậu bé Cửa Đông theo lối hầu mới, ghép Tứ Phủ với Trần Triều trong một buổi. Lối trước đây thì Tứ Phủ và Trần Triều hầu tách riêng các buổi khác nhau. Có thuyết khác cho rằng, Thánh Cậu trấn giữ Cửa Đông, hay một số tài liệu nói Cậu là Cậu Bé Quận bản Đền trong Đền Cửa Đông được Đức ông Đệ Tam trao quyền trấn giữ Cửa Đông, cậu được thờ ở 1 ngôi đền Mẫu gần đền cửa ông.
Một số tài liệu nói rằng Cậu là cháu trai của Hưng Đạo Đại Vương, bằng Cô bé Cửa Suốt, tuy vậy không nói rõ đó là vị cháu nào của Hưng Đạo Đại Vương. Có giả thiết cho rằng, Cậu chính là Hoài Văn Hầu - Trần Quốc Toản là cháu nội vua Trần Thái Tông. Theo dân gian, trong văn hoá hầu đồng, khi ngự đồng Cậu mặc áo vàng hoặc trắng, đầu vấn khăn ngang, múa cờ và kiếm.
Bên cạnh đó, hệ thống Công đồng Trần Triều còn có các vị tướng khác như: Đỗ Vỹ, Trần Nhật Duật, Trần Sầm, Đỗ Hựu, Nguyễn An, Nông Thị Tâm, Trần Bách, Đoàn Thại, Lâm Văn Cường, Đỗ Hưng,…Hiện nay, hệ thống thờ Trần Triều được trải rộng khắp miền Bắc như ở đền Kiếp Bạc, đền Cổ Trạch, đền A Sào, đền Bảo Lộc, đền Trần Thương.
1.3. Ý nghĩa tâm linh và cộng đồng
Tín ngưỡng thờ Trần Triều đáp ứng nhu cầu an trú tinh thần của người dân trước những bất an xã hội: chiến tranh, thiên tai, bệnh tật, oan khiên, bất công... Các ngài không chỉ là biểu tượng của sức mạnh trấn giữ quốc gia, mà còn là nơi người dân gửi gắm niềm tin, sự công bằng và hy vọng vào “ơn trên soi xét”.
Từ góc nhìn hiện tượng luận, Công đồng Trần Triều là một cấu trúc niềm tin bản địa hóa, nơi nhân dân tôn kính những người từng sống, từng nếm trải khổ đau trần thế, để rồi hóa thành những đấng thiêng liêng đủ gần để thỉnh cầu, đủ mạnh để che chở. Trong trải nghiệm của tín đồ, sự hiện diện của các ngài không chỉ là biểu tượng lịch sử, mà là nguồn năng lượng sống động giúp họ đối mặt với bất an và mang lại hi vọng.

2. Lòng trắc ẩn trong tín ngưỡng thờ Trần Triều
2.1 Biểu hiện qua nghi lễ hầu đồng và đời sống dân gian
Trong tín ngưỡng thờ Trần Triều, lòng trắc ẩn – tức khả năng cảm thông với nỗi đau của con người và hành động để xoa dịu nỗi đau ấy – không được định danh bằng một thuật ngữ học thuật cụ thể, nhưng hiện diện rõ nét qua nghi lễ và lời cầu khấn của tín đồ. Thông qua nghi thức hầu đồng, đặc biệt là các giá ngự của Đức Thánh Trần, Quan Lớn Trần Triều hay Cô Bé Trần Triều, người ta chứng kiến các hành vi ban phúc, giải oan, cứu chữa, trấn tà… như một hình thức “hóa thân thiêng liêng” để đáp ứng nỗi khổ của trần thế.
Trong dân gian, Đức Thánh Trần được ngưỡng vọng như một “đấng cha lành”, uy vũ nhưng đầy lòng thương xót. Người dân không chỉ khấn xin tài lộc mà còn cầu xin ngài giải hạn, minh oan, trị kẻ ác, cứu người hiền, thể hiện niềm tin rằng thánh nhân luôn đứng về phía chính nghĩa. Có thể nói, lòng trắc ẩn ở đây mang tính ứng linh – nghĩa là các ngài xuất hiện khi dân khổ, giáng phúc đúng lúc, đúng người, đúng chỗ, theo quan niệm “thiêng tại lòng dân”.
Các giá hầu của Trần Triều thường mô phỏng hành vi hành đạo, như:
Phát lệnh, tróc tà, trị yêu;
Phân xử trắng đen, giải nạn oan sai;
Phát lộc chữa bệnh, soi căn, độ số cho những người “căn cao số nặng”;
Dạy đạo làm người: sống ngay thẳng, hiếu trung, không làm điều trái thiên đạo.
Những hành vi này gắn bó sâu sắc với quan niệm dân gian về một vị thánh không xa vời mà gần gũi, không vô vi mà hành động, không chỉ ngự đền mà hiện diện trong tâm tưởng của từng người khấn cầu.
Qua đó có thể thấy, lòng trắc ẩn trong tín ngưỡng Trần Triều không chỉ là phẩm chất gán cho thần thánh, mà còn là nhu cầu nội tâm của cộng đồng tín ngưỡng. Con người, trong đời sống vô thường và nhiều bất an, luôn tìm kiếm một chỗ dựa tinh thần có khả năng cảm thông và can thiệp. Trần Triều – với xuất thân từ vương triều hộ quốc, lại từng kinh qua chiến chinh, trầm luân, ly biệt – trở thành biểu tượng cho những vị thánh hiểu nỗi khổ nhân sinh và có năng lực giúp con người vượt qua.
Tâm thức tín ngưỡng ở đây thiên về cảm xúc – hành động – cầu ứng. Người dân đến đền Trần không chỉ để cầu tài lộc, mà còn để dâng sớ minh oan, khóc than những uẩn ức không thể giãi bày nơi trần thế. Qua đó, lòng trắc ẩn của tín ngưỡng thờ Trần Triều hiện thân trong mối tương giao cảm – ứng – độ giữa thần linh và con người. Mặc dù không đặt trong khung khái niệm “từ bi” như trong Phật giáo, nhưng rõ ràng, đây là hình thức biểu đạt niềm tin vào sự cứu độ – nơi người được che chở tin rằng mình được thấu hiểu.
Một đặc điểm đáng lưu ý trong lòng trắc ẩn của Trần Triều là tính công lý và bảo vệ luân lý xã hội. Khác với từ bi trong Phật giáo vốn hướng đến giải thoát khổ đau thông qua sự nhẫn nại và vô cầu, lòng thương xót trong tín ngưỡng Trần Triều thường đi kèm với hành vi trừng phạt kẻ ác, bảo hộ người lương thiện. Điều này thể hiện trong lời thỉnh cầu: “cầu Đức Thánh Trần trừ tà, trị gian, phá lộng thần, tiêu trừ nghịch khí”.
Nói cách khác, đây là lòng trắc ẩn có điều kiện: trắc ẩn với người có đạo đức, với người yếu thế, nhưng có thể rất nghiêm khắc với kẻ tà tâm, phản đạo. Sự uy vũ của Trần Triều – nhất là Đức Thánh Trần – là uy lực của một vị thánh vừa độ, vừa xét, vừa trừng.
Điều này khiến tín ngưỡng Trần Triều trở thành một hệ thống vừa chứa đựng sự cảm thông, vừa mang tính răn đe luân lý, phản ánh đặc trưng xã hội Việt Nam nơi thần linh giữ vai trò gìn giữ trật tự đạo đức cộng đồng.
2.2 Vai trò định hướng đạo lý xã hội
Từ góc nhìn xã hội học tôn giáo, lòng trắc ẩn của các vị Trần Triều không chỉ là một phẩm tính tâm linh mà còn mang chức năng giáo hóa cộng đồng. Trong nghi lễ và huyền thoại, các ngài thường được mô tả là người công chính, trung hiếu, có đạo đức, luôn bảo vệ kẻ ngay và trừng trị kẻ gian. Những chuẩn mực hành xử đó – khi được lặp đi lặp lại trong diễn xướng dân gian – đã tạo thành một mô hình đạo lý được cộng đồng tiếp nhận. Qua đó, lòng trắc ẩn của các ngài mang chức năng dẫn đạo, không khác mấy với vai trò của các bậc Bồ tát trong Phật giáo, nếu xét từ khía cạnh hướng dẫn nhân tâm đi vào thiện pháp.

3. Từ bi trong Phật giáo
3.1. Khái niệm từ bi: nền tảng đạo lý Phật giáo
Từ bi là một trong những giá trị cốt lõi của đạo Phật, đồng thời là yếu tố thiết yếu trên con đường hành đạo và chứng ngộ. Theo Phạn ngữ, từ bi gồm hai phạm trù song hành:
Mettā (Từ): lòng mong muốn cho tất cả chúng sinh được hạnh phúc.
Karuṇā (Bi): lòng cảm thông với khổ đau của chúng sinh và ước nguyện giúp họ thoát khổ.
Trong Phật giáo Đại thừa, từ bi được đề cao như một phẩm hạnh lớn của Bồ tát đạo. Kinh Pháp Hoa, Kinh Duy Ma Cật,… đều xem từ bi là động lực cứu độ vô điều kiện, không phân biệt, không kỳ thị, không giới hạn bởi không gian hay hình tướng.
Theo Du-già sư địa luận, từ bi là loại tâm “không đồng nghiệp” với khổ đau, nghĩa là người có từ tâm sẽ không tiếp tay với bất thiện pháp, mà phát tâm “cứu khổ chứ không khởi sân hận, cứu người chứ không mong ơn báo”.
3.2. Từ bi là trí tuệ hành động chứ không chỉ là cảm xúc
Khác với hình thức trắc ẩn cảm tính hay hành vi “ban ơn” như trong một số tín ngưỡng dân gian, từ bi trong Phật giáo gắn liền với trí tuệ (prajñā). Từ bi không dừng lại ở sự xúc động hay thương xót, mà chính là sự thấu hiểu sâu sắc bản chất khổ – vô thường – vô ngã, từ đó sinh tâm muốn giúp chúng sinh thoát khổ tận gốc.
Đức Phật không phải chỉ vì thương chúng sinh mà giảng pháp, mà vì hiểu rõ nguyên nhân của khổ đau (tanha – ái dục) và phương pháp diệt khổ (Bát chính đạo). Do đó, từ bi không đơn thuần là "cho" mà là "dẫn đường", không ban phúc mà dạy cách thoát phúc – họa luân hồi.
Trong thực hành, lòng từ bi được nuôi dưỡng thông qua nhiều phương pháp:
Quán từ bi (Mettā Bhāvanā): một trong bốn Tứ Vô Lượng Tâm, thiền định khởi tâm yêu thương đến tất cả chúng sinh.
Hạnh Bồ tát: dấn thân vì lợi ích số đông, làm việc thiện nhưng không chấp công, không mong quả.
Giới luật từ bi: không sát sinh, không nói ác khẩu, không gieo rắc hận thù.
Về mặt xã hội, từ bi là cơ sở của đạo đức Phật giáo:
Từ bi thúc đẩy giảm hận thù – tăng tha thứ,
Là động lực của các hành động từ thiện, chăm sóc người bệnh, giáo dục, hóa giải xung đột...
Giúp người hành trì biến lòng thương thành trách nhiệm và trí tuệ, chứ không phải cảm tính hay đồng cảm mù quáng.
Từ đây, có thể nhìn thấy sự khác biệt căn bản giữa từ bi trong Phật giáo và lòng trắc ẩn trong tín ngưỡng Trần Triều:
Lòng trắc ẩn Trần Triều: mang tính ứng linh, cảm tính, phân biệt (trị tà – độ hiền), gần với mô hình “thần quyền – công lý”.
Từ bi Phật giáo: mang tính trí tuệ, vô phân biệt, phổ quát, vượt khỏi khung thiện – ác quy ước.
Tuy vậy, cả hai đều phản ánh khao khát vượt qua khổ đau, đều là cách người Việt đi tìm sự an ủi, hướng thiện và cứu độ. Chính ở điểm này, ta thấy được cơ hội giao thoa – soi chiếu – chuyển hóa giữa hai hệ thống niềm tin.
4. Điểm tương đồng và khác biệt giữa Phật giáo và Tín ngưỡng Trần Triều
Ở tầng sâu nhất của cả hai truyền thống – tín ngưỡng Trần Triều và Phật giáo – chính là khởi điểm từ nỗi khổ của con người. Dù khác nhau về nguồn gốc triết lý, cả hai đều phản ánh một sự thật phổ quát: con người luôn đối diện với bất an, bệnh tật, hoạn nạn, oan khiên, và khao khát được che chở, được thoát khổ.
Trong tín ngưỡng Trần Triều, điều này thể hiện qua niềm tin vào các vị thánh có khả năng giáng trần để trừ tà, trị gian, giải oan, ban phúc. Trong Phật giáo, sự cứu độ diễn ra qua quá trình chuyển hóa nội tâm, hướng dẫn hành trì để đoạn trừ khổ đau tận gốc. Cả hai đều dùng đến hình ảnh người cứu độ – là Thánh Trần trong nghi lễ, và là Bồ tát trong Phật pháp – để làm nơi nương tựa tinh thần cho cộng đồng.

Từ bảng so sánh, có thể thấy: nếu lòng trắc ẩn của Trần Triều thiên về cứu giúp trong khuôn khổ đạo lý xã hội, thì từ bi Phật giáo đi xa hơn – đến vô phân biệt, đến tận gốc tâm khổ. Trần Triều có thể trừng phạt người xấu (trừ tà, trị gian), nhưng từ bi Phật giáo không sinh tâm hận thù, mà luôn tìm cách chuyển hóa kẻ ác bằng tâm từ.
Một yếu tố đáng lưu ý khác là cấu trúc quyền lực trong tâm thức tín ngưỡng. Trong hệ Trần Triều, thánh nhân thường đứng ở vị trí trên cao: có quyền xét công, luận tội, ban ân, phạt lỗi. Tín đồ ở vị trí khẩn cầu, thể hiện lòng thành, dâng lễ, tuân phục nghi lễ.
Trong Phật giáo, đặc biệt là Phật giáo Nguyên thủy và Thiền tông, cấu trúc này bị phá vỡ: Phật không phải là “Thượng đế” hay “đấng ban phúc”, mà là người chỉ đường. Người tu cần tự đi con đường giác ngộ bằng chính tâm từ, trí tuệ và giới hạnh của mình. Câu nói nổi tiếng trong Phật giáo “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” (Trường Bộ Kinh) thể hiện rõ tư tưởng này.
Từ đây, lòng từ bi không phải là “ơn trên ban xuống”, mà là một năng lượng nội tại được khai mở nhờ tu tập – thiền định – giới pháp.
Dù có những khác biệt căn bản, nhưng cả hai không nhất thiết phải đối lập. Người Việt – vốn có nền tâm linh linh hoạt – đã và đang dung hợp hai dòng này một cách mềm mại: vẫn cúng thánh Trần để cầu an, nhưng cũng lạy Phật, niệm Phật, tu giới hạnh để giải khổ từ bên trong. Điều đó dường như là chiếc cầu nối giữa đời sống tâm linh dân gian và Phật pháp. Các giá hầu đồng đôi khi mượn lời thánh để khuyên người làm điều thiện, tránh điều ác, tu tâm dưỡng tính – tức là tiệm cận với tinh thần Phật giáo dù không gọi tên. Sự đối chiếu giữa từ bi và trắc ẩn không phải để phán xét đúng – sai, cao – thấp, mà nhằm mở rộng nhận thức, để mỗi người hành đạo hiểu rõ mình đang đi trên con đường nào, lấy gì làm gốc rễ: tâm ứng cầu hay tâm giác ngộ.
Một hướng đi khả thi là ứng dụng tinh thần từ bi Phật giáo vào chính không gian tín ngưỡng. Ví dụ, người tham gia hầu đồng, thay vì chỉ cầu lộc – cầu duyên – cầu yên, có thể được hướng dẫn khởi tâm từ bi, sống tử tế, chia sẻ lợi ích với tha nhân. Các thanh đồng, thầy cúng có thể trở thành người truyền tải đạo lý ứng xử có nền tảng Phật pháp, chứ không chỉ làm trung gian giữa “trần – thánh”.
Các giá ngự như Thánh Trần, Cô Bé Trần Triều… nếu được khai triển như biểu tượng tâm linh gắn với lòng trắc ẩn, có thể trở thành phương tiện thiện xảo để dẫn người vào đạo – đúng như tinh thần Bồ tát Quán Thế Âm “ứng hiện nhiều hình tướng để độ sinh” (Phẩm Phổ Môn, Pháp Hoa Kinh).
Người có duyên với tín ngưỡng Trần Triều hoàn toàn có thể kết hợp thực hành Phật pháp:
Vẫn giữ lễ thánh, nhưng phát nguyện giữ ngũ giới.
Vẫn đi đền phủ, nhưng hành trì thiền quán tâm từ (mettā bhāvanā).
Vẫn thỉnh lộc, nhưng biết chia sẻ, sống vô tham, không gây tổn hại cho người khác.
Từ bi Phật giáo không phủ nhận niềm tin dân gian, mà là chất liệu nâng đỡ để tâm thức chuyển hóa từ cầu xin sang hành động, từ mong cầu sang phụng sự.
Trong bối cảnh xã hội hiện đại, người tu sĩ và học giả Phật giáo không nên chỉ đứng ngoài hiện tượng tín ngưỡng dân gian, mà cần hiểu – phân tích – hướng dẫn một cách uyển chuyển. Không đối đầu, mà đồng hành; không bài trừ, mà khai sáng.
Phật giáo từng đi vào dân gian thông qua các vị vua – thiền sư thời Trần như Trần Nhân Tông, Tuệ Trung Thượng Sĩ… thì nay, giới Phật học cần làm cầu nối, đem ánh sáng trí tuệ soi chiếu những vùng tâm linh còn mờ tối, nhưng đầy tiềm năng hướng thiện.
Cũng vậy, truyền thông Phật giáo cần xây dựng nội dung tiếp cận đại chúng, giúp người thực hành tín ngưỡng thấy được giá trị chuyển hóa, hướng nội, từ bi và vô ngã.
5. Lời kết
Từ bi trong Phật giáo và lòng trắc ẩn trong tín ngưỡng thờ Trần Triều, dù thuộc hai hệ quy chiếu tư tưởng khác nhau – một bên là triết lý giải thoát, một bên là tâm thức dân gian – nhưng đều từ một gốc chung: khổ đau của con người và nhu cầu được cứu độ. Cả hai đều phản ánh nỗ lực sâu xa của tâm linh Việt trong việc kiến tạo niềm tin, hóa giải bất an, và hướng thiện trong cuộc sống vô thường.
Trong một xã hội đang chuyển mình nhanh chóng, sự kết nối giữa truyền thống tín ngưỡng bản địa và Phật học hiện đại không chỉ giúp duy trì bản sắc văn hoá dân tộc, mà còn tạo nên những không gian tâm linh bền vững, có khả năng nuôi dưỡng đạo đức, trị liệu tinh thần và khơi mở trí tuệ cộng đồng.
Làm được điều đó, cũng chính là thể hiện trọn vẹn nhất tinh thần từ bi trong Phật giáo: không chối bỏ một ai, không loại trừ một niềm tin, mà luôn soi chiếu, chuyển hóa, và đồng hành – để tất cả cùng đi về hướng sáng.
Tổng hợp: Khánh Ngọc
Tham khảo:
1. Nguyễn Duy Hinh (2001). Tín ngưỡng Việt Nam – Một cách tiếp cận văn hóa. NXB Văn Hóa Dân Tộc.
2. Trần Ngọc Thêm (1997). Cơ sở văn hóa Việt Nam. NXB Giáo dục.
3. Nguyễn Hữu Sơn (2016). Tín ngưỡng thờ Đức Thánh Trần trong văn hóa Việt Nam. Tạp chí Văn hóa Nghệ thuật, số 383.
4. Nguyễn Thị Yến (2020). Hiện tượng hầu đồng nhìn từ góc độ văn hóa và tâm lý. Tạp chí Khoa học Xã hội Nhân văn, ĐHQG Hà Nội.
5. Trang thông tin tín ngưỡng Đạo Mẫu Việt Nam: Trung tâm UNESCO Nghiên cứu và Bảo tồn Văn hóa Tín ngưỡng Việt Nam. Truy cập tại: https://haudong.vn (2025).
Bình luận (0)