Giáo hội Phật giáo Việt Nam với sự nghiệp đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
ISSN: 2734-9195
16:57 26/06/2019
“Hơn hai nghìn năm hiện diện trên đất nước Việt Nam, đồng hành cùng dân tộc, đạo Phật đã trở thành tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc thống nhất đất nước, cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa ngày nay, Phật giáo Việt Nam luôn luôn là thành viên tin cậy và vững mạnh trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc.” Trích Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam (GHPGVN).
Trải qua 37 năm xây dựng và phát triển tổ chức Giáo hội, GHPGVN đã kế thừa truyền thống hơn hai nghìn năm lịch sử Phật giáo Việt Nam “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” Giáo hội đã có những đóng góp trong sự nghiệp đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, điểm qua một số nét cụ thể như sau:
Những đóng góp chung của Phật giáo Việt Nam đối với dân tộc
Theo các tác giả, như: Nguyễn Lang (Việt Nam Phật giáo sử luận), Nguyễn Đức Lữ (Tôn giáo với dân tộc và Chủ nghĩa xã hội), Hoàng Thị Thơ (Đạo đức Phật giáo với vấn đề xây dựng nhân cách con người Việt Nam), Nguyễn Duy Hinh (Mấy đặc điểm Phật giáo Việt Nam), Thích Thanh Tứ (Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong công cuộc đổi mới đất nước hiện nay), Lê Hữu Tuấn (Một số vấn đề của Phật giáo Việt Nam trong đời sống hiện nay), Đinh Kiều Nga (Những ảnh hưởng của Phật giáo với văn hóa dân tộc), Trần Thị Minh Nga (Phật giáo Việt Nam luôn đồng hành cùng dân tộc), … đều chứng minh mối quan hệ keo sơn, khăng khít giữa Phật giáo và dân tộc trong sự nghiệp xây dựng, bảo vệ, phát triển đất nước và tầm ảnh hưởng ngày càng lớn đến các lĩnh vực đời sống xã hội.
Ngày nay, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã kế thừa và phát huy truyền thống đó mạnh mẽ trong thời kỳ đổi mới của Đảng Cộng sản Việt Nam đang lãnh đạo đất nước.
Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về văn hóa
Phật giáo du nhập vào Việt Nam từ rất sớm và đã nhanh chóng được bản địa hóa. Trong lịch sử phát triển của mình, Phật giáo đã để lại cho dân tộc nhiều di sản văn hóa vật chất và tinh thần có giá trị đặc sắc. Khối di sản này bao gồm hệ thống không gian, kiến trúc chùa tháp, các tác phẩm điêu khắc tượng thờ, tranh thờ Phật giáo, hoành phi, câu đối, đồ thờ cúng, nhạc khí… cùng những giá trị tư tưởng, đạo đức, văn hóa, âm nhạc và nhiều nghi lễ Phật giáo.
Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam mang đậm dấu ấn văn hóa dân tộc với những đặc trưng khiêm cung, giản dị, hài hòa, cân đối, vừa phù hợp với không gian tâm linh, vừa gắn bó hữu cơ với cảnh quan chung. Từng bộ phận kiến trúc, từng pho tượng, bức tranh, đồ thờ tự… trong các ngôi chùa đều là những tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ. Di sản văn hóa Phật giáo Việt Nam đã có những đóng góp xứng đáng vào kho tàng văn hóa phong phú và độc đáo của dân tộc.
Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về lĩnh vực giáo dục, phát triển kinh tế
Xã hội ngày nay đứng trước nhiều vấn nạn thời đại như bạo lực gia đình, bạo lực học đường, sự suy thoái về lối sống đạo đức của một bộ phận giới trẻ có cách sống thực dụng, manh động trong suy nghĩ và hành động bất kính với người lớn, với cha mẹ, thầy cô, thiếu tình yêu thương đồng loại, dẫn đến tệ nạn xã hội gia tăng trong những năm gần đây. Không đứng ngoài những hiện tượng trên, GHPGVN nhiều năm qua đã có những hoạt động thiết thực để góp phần làm giảm sự suy thoái đạo đức trong thanh thiếu niên. Từ Trung ương Giáo hội đến các địa phương, các chùa, tự viện, thiền viện… đã tổ chức nhiều khóa tu và các hoạt động phật sự… Thông qua đó giáo dục các em hiểu được lễ nghi, phải trái, hiếu thuận, nhân quả, tội phúc, sự biết ơn, đền ơn, báo ân, báo hiếu ông bà tổ tiên, cha mẹ, thầy cô… để các em có được nếp sống lành mạnh, văn minh và có trách nhiệm với cộng đồng xã hội.
Nền giáo dục của Phật giáo mang đậm tính nhân văn, triết lý nhân quả, nhân bản nhắm đến mục tiêu đào tạo con người hướng thiện, giúp cho mọi người có niềm tin chân chính, quyết tâm thực hành chính pháp để trở thành những người có đạo đức, có từ bi và trí tuệ, cùng cộng đồng xã hội chung tay xây dựng nền hòa bình, thịnh vượng, xã hội ngày càng văn minh.
Tư tưởng nhập thế của Phật giáo đã góp phần xây dựng chuẩn mực đạo đức con người, đưa con người đến cuộc sống “chân – thiện – mỹ”, từ đó làm thay đổi tư duy phát triển kinh tế của nhiều doanh nghiệp tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, ngày nay các điểm du lịch tâm linh thường gắn với đền, chùa, lăng tẩm, cơ sở tôn giáo và lễ hội. Cả nước có gần 500 ngôi chùa được xếp hạng di tích quốc gia. Đây chính là những điểm thu hút du khách tới tham quan, chiêm bái, nghe giảng và trải nghiệm đời sống thiền tu. Như vậy, các điểm hành hương tâm linh đã tạo ra công ăn việc làm cho hàng nghìn người ổn định cuộc sống, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp trong xã hội.
Phật giáo đã giúp giảm gánh nặng xã hội bằng việc chung tay cùng Nhà nước và cộng đồng giúp đỡ những người có hoàn cảnh còn nhiều khó khăn, sớm vượt qua để ổn định cuộc sống thông qua công tác phúc lợi xã hội như khám chữa bệnh miễn phí tại một số chùa, tự viện Phật giáo, đào tạo miễn phí dạy nghề và giới thiệu việc làm cho hàng nghìn học viên.
Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về từ thiện xã hội
Công tác từ thiện xã hội là những hoạt động phật sự đạo đức mang tính tích cực và trong sáng, thể hiện tinh thần từ bi cứu khổ của đạo Phật, là một trong những công tác trọng tâm của Giáo hội. Vì thế, các công tác liên quan đến từ thiện xã hội đều được Giáo hội quan tâm sâu sắc và chỉ đạo thực hiện. Tăng ni, phật tử các chùa, tự viện đều thực hiện công tác từ thiện thường xuyên, liên tục, kịp thời.
Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về quan hệ quốc tế
Ngay từ khi mới thành lập, Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã tích cực thể hiện tư cách là thành viên sáng lập và là thành viên của các tổ chức Phật giáo quốc tế, Giáo hội cử đại diện tham dự các cuộc hội nghị, hội thảo chuyên đề về văn hoá, đạo đức, giáo dục Phật giáo và môi trường, trao đổi và đóng góp những kinh nghiệm trên các lĩnh vực văn hoá, giáo dục và từ thiện xã hội nhằm thắt chặt tình hữu nghị với các nước Phật giáo trong khu vực và trên thế giới.
Đóng góp của Giáo hội Phật giáo Việt Nam đối với sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc
Phật giáo Việt Nam là tôn giáo có truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc”, luôn gắn bó với vận mệnh của đất nước. Lịch sử đã chứng minh, khi đất nước hùng cường thì Phật giáo hưng thịnh; khi Tổ quốc lâm nguy, Phật giáo sẵn sàng đứng lên tham gia chống giặc ngoại xâm, góp phần giành lại độc lập dân tộc.
Kế thừa và phát huy truyền thống vẻ vang của Phật giáo Việt Nam, GHPGVN đã đồng hành cùng nhân dân cả nước tiến hành công cuộc đổi mới trong tinh thần hòa hợp, đoàn kết và với phương châm “Đạo pháp – Dân tộc”, Giáo hội đã quan tâm hướng dẫn tín đồ, phật tử sinh hoạt theo đúng chính pháp, góp phần xây dựng cuộc sống lành mạnh và có những hoạt động đáp ứng nhu cầu tâm linh của đông đảo phật tử; phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của tăng ni, phật tử; là nguồn cổ vũ lớn lao cho tăng ni, phật tử ở trong và ngoài nước tin tưởng vào đường hướng hành đạo của Giáo hội, góp phần làm cho Giáo hội ngày càng phát triển vững mạnh trong lòng dân tộc.
Với tư cách là thành viên trong khối Đại đoàn kết toàn dân, GHPGVN, tăng ni, phật tử Việt Nam luôn gắn bó với dân tộc trong mọi hoạt động xã hội, thực hiện đúng phương châm tốt đời đẹp đạo. Các Ban Trị sự tỉnh/thành hội Phật giáo trong cả nước thường xuyên động viên tăng, ni, phật tử tại địa phương hoàn thành tốt các phong trào ích nước lợi dân, bảo vệ tổ quốc, bảo vệ môi trường, xây dựng nếp sống văn hóa, văn minh trên địa bàn khu dân cư. Ngoài ra Giáo hội còn đẩy mạnh việc truyền bá đạo pháp tại vùng sâu, vùng xa, vùng biên cương, hải đảo để tinh thần Phật giáo tiếp tục được lan tỏa nơi phên dậu của Tổ quốc.
Mục tiêu trong thời gian tới của GHPGVN là nhằm xây dựng khối Đại đoàn kết toàn dân và sự nghiệp đổi mới, hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.
Đại hội Đại biểu Phật giáo toàn quốc lần thứ VIII, diễn ra từ ngày 19-22/11/2017 tại Thủ đô Hà Nội đã thành công tốt đẹp. Đại hội đã đề ra 09 mục tiêu để nâng cao tầm vóc của Phât giáo nước nhà trong sư nghiệp đổi mới và hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước, cụ thể là:
- Phát huy trí tuệ tập thể, giữ vững kỷ cương, giới luật và nêu cao tinh thần đoàn kết, hòa hợp trong xây dựng, phát triển Giáo hội vững mạnh trong hội nhập quốc tế, kiên định lý tưởng: Đạo pháp – Dân tộc – CNXH;
- Đổi mới sáng tạo trong sự nghiệp hoằng dương chính pháp, trong phương thức hướng dẫn phật tử. Định hướng pháp môn tu tập phù hợp với xã hội hiện đại, với mọi tầng lớp trong xã hội và xiển dương đạo đức học Phật giáo góp phần xây dựng và làm đẹp nền đạo đức xã hội;
- Nâng cao công tác quản lý chất lượng đào tạo, đổi mới phương pháp giảng dạy và tu học tại các cơ sở đào tạo tăng ni của Giáo hội Phật giáo Việt Nam;
- Giữ gìn và phát huy giá trị văn hóa Phật giáo Việt Nam, đảm bảo có sự tiếp nối giữa truyền thống và hiện đại góp phần xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc trong thời đại hội nhập quốc tế;
- Mở rộng hoạt động đối ngoại đa phương theo định hướng ngoại giao văn hóa, ngoại giao nhân dân. Chủ động, tích cực trong quan hệ đối ngoại với các tổ chức Phật giáo và tổ chức tôn giáo thế giới. Kết nối chặt chẽ với các Hội Phật tử Việt Nam ở nước ngoài;
- Đẩy mạnh công tác nghiên cứu Phật học và nâng cao chất lượng học thuật Phật giáo. Tập trung nghiên cứu có định hướng, khẳng định và làm nổi bật tinh hoa, bản sắc của Phật giáo Việt Nam;
- Tăng cường công tác giám sát, kiểm soát các hoạt động phật sự, quản lý tự viện, sinh hoạt của tăng ni theo đúng Hiến chương Giáo hội Phật giáo Việt Nam và pháp luật Nhà nước;
- Đẩy mạnh truyền thông Phật giáo như một kênh hoằng pháp và chuyển tải các hoạt động phật sự vào đời sống xã hội nhằm nêu cao giá trị từ bi, trí tuệ của đạo Phật, hình ảnh tốt đẹp của tăng ni, phật tử, của tổ chức Giáo hội Phật giáo Việt Nam các cấp trong sự nghiệp phụng đạo, yêu nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN;
- Định hướng tự chủ tài chính trong các hoạt động phật sự của Giáo hội qua việc xây dựng mô hình kinh tế Phật giáo ở những lĩnh vực hợp lý. Khuyến khích phát triển kinh tế tự túc của các cơ sở tự viện. Kêu gọi tăng ni, phật tử tích cực tham gia công tác từ thiện xã hội, hưởng ứng phong trào xóa đói giảm nghèo, chăm lo công tác an sinh xã hội cho cộng đồng xã hội.
Giải pháp để nâng cao tầm vóc của Giáo hội, đóng góp tích cực vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước
Để thực hiện những mục tiêu trên thì GHPGVN trong thời gian tới cần:
- Phát huy truyền thống “Hộ quốc an dân, đồng hành cùng dân tộc” theo phương châm Đạo pháp
- Dân tộc - Chủ nghĩa Xã hội mà Giáo hội đã đề ra. Cần có sự thống nhất kinh sách, Việt hóa về kinh điển, thống nhất về nghi lễ trên toàn quốc để đảm bảo sự thống nhất và trang nghiêm của Phật giáo.
- Chú trọng đào tạo tăng tài đáp ứng đủ số lượng, chất lượng phân bổ đồng đều trên địa bàn cả nước. Chú trọng đào tạo và sử dụng, khuyến tấn tăng, ni dấn thân phụng sự đạo pháp, phục vụ dân tộc.
- Đẩy mạnh hoằng pháp qua truyền thông bằng cách áp dụng các tiến bộ của khoa học nhằm giúp mọi người hiểu chính tín về đạo Phật, biết ứng dụng triết lý đạo Phật vào cuộc sống để mang lại cuộc sống an lạc và hạnh phúc.
- Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về Phật giáo, đặc biệt là với các nước có truyền thống Phật giáo và có mối quan hệ truyền thống với Việt Nam; đẩy mạnh quan hệ Phật giáo quốc tế giữa các giáo hội và tông môn, pháp phái Phật giáo trên toàn thế giới trong sứ mệnh phục vụ nhân sinh, thiết lập hoà bình.
- Tiếp tục đẩy mạnh công cuộc chấn hưng Phật giáo trên nền tảng văn hoá dân tộc và giáo lý của đạo Phật. Chú trọng xây dựng cơ sở vật chất, chùa chiền, tịnh xá, cơ sở thờ tự đồng đều trên khắp mọi vùng miền đáp ứng được nhu cầu tín ngưỡng tâm linh.
- Hoạt động từ thiện phải dựa trên tinh thần tứ vô lượng tâm “từ bi, hỷ xả”, “thương người như thể thương thân” để đạt được hiệu quả cao nhất, tránh những hành vi trục lợi, làm hình ảnh thương hiệu, gây ảnh hưởng xấu đến Phật giáo. Việc tiếp nhận, quản lý, sử dụng các nguồn kinh phí, hàng hóa từ các cá nhân, tổ chức tài trợ cho công tác xã hội phải công khai, minh bạch, đúng quy định của pháp luật và phục vụ công việc hiệu quả.
- Giáo hội cũng sẽ khắc phục bệnh hình thức, lâu nay chú trọng về phần nghi lễ hình tướng thì nay sẽ chú trọng hơn về hoằng pháp, về giáo dục, văn hóa, truyền thông để Phật giáo đi vào đời sống có chiều sâu hơn, vững bền hơn.
Tin rằng những giải pháp phát triển đồng bộ trên đây một khi Giáo hội thực hiện thành công trên cơ sở nội lực tự sinh của mình và được sự giúp đỡ của các cơ quan ban ngành hữu quan Nhà nước thì nhất định Giáo hội sẽ đóng góp vào công cuộc xây dựng và phát triển đất nước một cách hiệu quả hơn.
Tác giả: Hòa thượng TS Thích Gia Quang - Phó Chủ tịch Hội đồng Trị sự - Giáo hội Phật giáo Việt Nam
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 1/2019
Điều 23 đã chỉ ra các hậu quả tiêu cực (khi không vận động cơ thể) và tích cực cho hoạt động đi bộ và cùng lúc tập trung tinh thần, mà khoa học tân tiến/hiện đại đã kiểm chứng một cách nghiêm túc...
Từ đó, nghệ thuật Hy Lạp - Phật giáo ra đời, lần đầu tiên thể hiện đức Phật dưới dạng hình tượng con người qua chất liệu tượng đá, kim loại, phù điêu, và thậm chí trên tiền xu. Đây là một bước ngoặt quan trọng trong lịch sử biểu tượng Phật giáo.
Tín ngưỡng Táo Quân vốn thuộc tín ngưỡng dân gian và không phải xuất phát từ Phật giáo. Tuy nhiên, bài khấn cho thấy sự hòa quyện của tín ngưỡng dân gian với Phật giáo thông qua việc niệm Phật, sám hối, và cầu bình an.
Chùa Bảo Ninh Sùng Phúc tọa lạc ở thôn Bảo Ninh, xã Yên Nguyên, huyện Chiêm Hóa, tỉnh Tuyên Quang. Chùa có địa thế cao ráo, xung quanh rợp bóng cây xanh tốt, tạo không khí bình yên, thanh tịnh nhưng cũng rất trang nghiêm.
Điều 23 đã chỉ ra các hậu quả tiêu cực (khi không vận động cơ thể) và tích cực cho hoạt động đi bộ và cùng lúc tập trung tinh thần, mà khoa học tân tiến/hiện đại đã kiểm chứng một cách nghiêm túc...
Qua việc so sánh giữa bản CNNA và tác phẩm CNPV của Tuệ Tĩnh đồng thời so với cuốn Từ điển Việt Bồ La thì nhiều khả năng Thiền sư Tuệ Tĩnh là người đã viết CNPV tiền thân của CNNA.
Phật giáo không chỉ là nhu cầu tinh thần mà nhìn nhận giá trị đạo đức tôn giáo còn có những điều phù hợp với công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội, nhìn nhận tôn giáo, Phật giáo là nguồn lực.
Đạo đức Phật giáo đã góp phần bổ sung những giá trị đạo đức mới, phù hợp với tâm lý, đạo đức của người Việt, làm phong phú và sâu sắc thêm hệ giá trị đạo đức truyền thống của dân tộc.
“Đời sống tăng đoàn ở Nalanda (Ấn Độ) vào thế kỉ 7: cây xỉa/chà răng theo ghi chép của pháp sư Nghĩa Tịnh” bàn về điều 8 trong 40 điều (hay chương) của cuốn Nam Hải Kí Quy Nội Pháp Truyện/NHKQNPT, soạn giả là pháp sư Nghĩa Tịnh (635-713).
Bình luận (0)